Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2013

VINH DANH NHỮNG NGƯỜI CON ĐẤT VIỆT HY SINH TRONG TRẬN HẢI CHIẾN BẢO VỆ CHỦ QUYỀN HOÀNG SA CỦA VIỆT NAM 1974


Chúng tôi nhận được bức thư của ông Nguyễn Thiện từ tháng 7- 2011 khi đang thực hiện loạt bài "Những chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa". Khi đó, chúng tôi chỉ mới trích dẫn một phần ý kiến của ông Nguyễn Thiện trong bài "Ký ức Hoàng Sa của nhiều thế hệ người Việt Nam" đăng trong loạt bài này. Nay xin trân trọng giới thiệu đầy đủ bức thư trên như một nén tâm hương tưởng nhớ những người con đất Việt đã ngã xuống trên vùng biển Hoàng Sa ngày 19-1-1974 góp phần khẳng định chủ quyền của người Việt Nam liên tục và lâu dài tại quần đảo này.

Ông Nguyễn Thiện, tác giả chương trình “Dân ta biết sử ta”:

CẦN VINH DANH NHỮNG NGƯỜI CON ĐẤT VIỆT HY SINH TRONG TRẬN HẢI CHIẾN BẢO VỆ CHỦ QUYỀN HOÀNG SA CỦA VIỆT NAM 1974


Vinh danh những người con đất Việt hy sinh trong cuộc hải chiến Hoàng Sa 1974 là minh chứng sâu sắc rằng Tổ Quốc là của mọi con dân nước Việt, là thể hiện sâu sắc sự công bằng với lịch sử, có tác dụng khuyến khích mạnh mẽ lòng yêu nước và tinh thần sẵn sàng bảo vệ,  xây dựng Tổ Quốc,  là bước đột phá quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc.
                                                                                                                     
Trong những ngày này, trước chiến lược thâm hiểm của Trung Quốc nhằm thực hiện tham vọng nuốt trọn Biển Đông, vấn đề bảo vệ Tổ Quốc và chủ quyền Quốc gia là mệnh lệnh của mọi con tim Việt Nam đang sống trong nước và ở nước ngoài. Hơn bao giờ hết, đoàn kết dân tộc trở thành tâm điểm nóng bỏng vì chỉ có bằng tinh thần Diên Hồng thì chúng ta mới đủ sức mạnh bẻ gãy mọi âm mưu, thủ đọan  của ngọai bang đối với lãnh thổ nước ta.

Vinh danh xứng đáng những người con đất Việt đã anh dũng hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974 – trong đó tiêu biểu là Thiếu tá Hải quân Ngụy Văn Thà, hạm trưởng Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ- 10 -  thiết nghĩ sẽ là một trong những bước đột phá quan trọng nhất để hòa hợp và cố kết dân tộc, nó không chỉ có ý nghĩa to lớn trước hiểm họa xâm lăng mà còn tạo được sức bật tinh thần mạnh mẽ trong công cuộc kiến thiết đất nước.

Ngụy Văn Thà (1943 – 1974) sinh ngày 16 tháng 01 năm 1943 tại Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Ngày 18 tháng 1 năm 1974, hộ tống hạm Nhật  Tảo HQ-10 do Thiếu tá Ngụy Văn Thà chỉ huy đang tuần tiễu tại vùng biển Đà Nẵng thì được lệnh hành quân trực chỉ quần đảo Hoàng Sa, chi viện cho lực lượng hải đội bảo vệ Hoàng Sa đang bị phi cơ và các chiến hạm của Trung Quốc khiêu khích, đe dọa. Lúc 10 giờ 22 phút sáng ngày 19 tháng 1 năm 1974, trận giao chiến giữa lực lượng Hải quân Việt Nam Cộng hòa và Hải quân Trung Quốc đã nổ ra. Hai chiến hạm Trung Quốc mang số 389 và 396 đồng loạt tấn công thẳng vào Soái hạm là Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ-16. Chiếc HQ-10 do hạm trưởng Ngụy Văn Thà chỉ huy lập tức can thiệp, pháo kích dữ dội, bắn trúng đài chỉ huy của tàu 389 và làm cháy phòng máy khiến tàu 389 bị hư hại nặng, không thể điều khiển được nữa. Các tàu Trung Quốc 389 và 396 chuyển làn nhắm vào HQ-10 và phản pháo. HQ-10 bị bắn trúng tháp pháo và buồng điều khiển, làm hạm trưởng Ngụy Văn Thà và hạm phó Nguyễn Thành Trí bị thương nặng, tay lái không còn điều khiển được nữa và HQ-10 cũng bị rơi vào tình trạng bị trôi dạt như 389 của Trung Quốc.

Trước tình hình tàu bị hư hại nặng, hạm trưởng Ngụy Văn Thà ra lệnh cho thủy thủ đoàn dùng  phao bè đào thoát, nhưng một số pháo thủ đã tình nguyện cùng  ông tiếp tục ở lại bắn vào tàu Trung Quốc. Cả hai tàu 389 và 396 của Trung Quốc đều bị HQ-10 bắn hư hại nặng; tàu 389 dạt vào một bãi san hô, và 396 bị HQ-10 bắn trúng hầm máy không còn khả năng chiến đấu. Đến 11 giờ 49 phút ngày 19/01/1074, hai chiến hạm Trung Quốc là 281 và 282 tiến vào vùng đảo Hoàng Sa và tập trung hỏa lực bắn vào HQ-10. Hộ tống hạm Nhật Tảo chìm cùng hạm trưởng Ngụy Văn Thà và một số thủy thủ ở vị trí cách 2,5 hải l‎ý về hướng Nam bãi ngầm Sơn Dương (Antelope Reef), lúc 14 giờ 52 phút ngày 19 tháng 1 năm 1974. Ngụy Văn Thà hy sinh để lại vợ và 2 con gái, hưởng dương 31 tuổi.

Theo các nhân chứng trên tàu Nhật Tảo HQ-10 còn sống sót, khi hộ tống hạm này bị hư hại nặng, 28 thủy thủ đã được lệnh đào thoát bằng các phao bè. Họ đã trôi giạt trong sóng gió 78 giờ liền, và sáu người đã chết trên biển vì kiệt sức hoặc bị thương quá nặng, trong đó có hạm phó Nguyễn Thành Trí. Mãi đến chiều 22-1- 1974,  họ mới được tàu dầu của Hãng Shell là Kopionella mang quốc kỳ Hà Lan cứu vớt. Lúc lên tàu, thêm một thủy thủ nữa qua đời vì kiệt sức.

Khi tôi chia sẻ ý tưởng về việc cần có hình thức vinh danh Hạm trưởng Ngụy Văn Thà và những người hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974, nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cho rằng cách đặt vấn đề có thể tìm thấy sự chia sẻ và nếu thành một quyết dịnh thì đây chắc sẽ là đột phá. Nhà sử học cho biết thêm : “Cách đây đã hơn 10 năm, khi đó Viện KHXHVN tổ chức nghiên cứu về khảo cổ học Trường Sa, Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh đến dự tổng kết chương trình . Nhân đấy, tôi có hỏi ông Khánh rằng với những người lính VNCH hy sinh khi bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa (1974) thì ta nên úng xử như thế nào hoặc có cách nào tôn vinh không thì Phó Thủ tướng Khánh cho rằng đó là nnững người có công với nước, nhưng trước mắt khó công nhận như liệt sĩ của QĐNDVN nhưng nếu tôn vinh theo những tập quán truyền thống như lập đền thờ... thì nên ”. Ông Quốc cũng cho rằng nên bắt đầu từ Đà Nẵng vì Hoàng Sa là huyện đảo thuộc thành phố Đà Nẵng

Vinh danh những người con đất Việt hy sinh trong cuộc hải chiến Hoàng Sa 1974 là minh chứng sâu sắc rằng Tổ Quốc là của mọi con dân nước Việt, là thể hiện sâu sắc sự công bằng với lịch sử, có tác dụng khuyến khích mạnh mẽ lòng yêu nước và tinh thần sẵn sàng bảo vệ,  xây dựng Tổ Quốc,  là bước đột phá quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc.

Nguyễn Thiện

5 nhận xét:

  1. Tôi đồng ý với việc vinh danh những anh hùng đã hy sinh để gìn giữ đất nước dù thuộc về bất cứ bên nào.

    Riêng với các chiến sĩ VNCH, theo đề nghị của ông Quốc là "nên bắt đầu từ Đà Nẵng".

    Tôi nghĩ đề nghị này là không ổn, các chiến sĩ dù ở bên nào, cũng là hy sinh cho tổ quốc, chứ không phải riêng cho thành phố hoặc tỉnh lỵ nào. Một khi chúng ta "chưa" công bằng thì chúng ta chưa thể nói đến hoà giải, và nhất là "tập hợp" được lòng dân trong lúc này để cùng nhau chống ngoại xâm, chống bọn cướp Trung Quốc

    Trả lờiXóa
  2. Ai cũng thấy việc vinh danh và tôn vinh tinh thần dũng cảm bảo vệ chủ quyền quốc gia của những thủy quân VNCH là chính đáng. Sự xâm lược của Đặng Tiểu Bình năm 1979 là thời điểm chính mùi để tôn vinh họ, sao tới giờ chưa làm điều hợp với đạo lý dân tộc Việt nam? Họ đâu cần được công nhận là liệt sỹ đâu mà Bên Thắng Cuộc phải lo lắng nhỉ?

    Trả lờiXóa
  3. Mình đã đưa vào bài chung ở blog nhà:
    19/1/1974 Hoàng Sa: 39 năm sau, họ đã đặt ai lên đầu mà thờ ơ đến vậy?
    http://tranhung09.blogspot.com/2013/01/1911974-hoang-sa-39-nam-sau-ho-at-ai.html
    Cảm ơn Hữu Nguyên!

    Trả lờiXóa
  4. Vinh danh những người con của tổ quốc, dù ở phía bên này hay phía bên kia, đã ngã xuống vì sự toàn vẹn lãnh thổ Việt nam, là một việc nên làm và đáng trân trọng, thể hiện sự tri ân của con dân nước Việt đối với những người đã bỏ mình vì tổ quốc, và cũng thể hiện tinh thần hòa hợp hòa giải dân tộc. Một nghĩa cử rất đáng nên làm!

    Trả lờiXóa
  5. 74 Liệt Sỹ Việt Nam Cộng Hòa la những linh hồn Đất Việt chúng ta phải tôn vinh các Liệt Sỹ như nhũng anh hùng trên các anh hùng của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam

    Trả lờiXóa