Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

Ông Đinh Đức Lập (người bị tố cáo) tự phong cho mình quyền “ngồi ghế quan tòa” phán xét đúng sai và ra sức tìm cách kỷ luật những người tố cáo


Những sai phạm có hệ thống của ông Đinh Đức Lập tại báo Đại Đoàn Kết

Bài 15:

Ông Đinh Đức Lập (người bị tố cáo) tự phong cho mình quyền “ngồi ghế quan tòa” phán xét đúng sai và ra sức tìm cách kỷ luật những người tố cáo

Ông Đinh Đức Lập (Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết) đang là cán bộ, đảng viên có chức quyền bị nhiều nhà báo tại báo Đại Đoàn Kết chính thức làm đơn tố cáo từ tháng 5/2012 tới nay. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo liên quan tới các sai phạm của ông Đinh Đức Lập là Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTWMTTQVN), cơ quan chủ quản của báo Đại Đoàn Kết. Cơ quan này đồng thời cũng có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo tại nơi công tác theo quy định của pháp luật.

Qua các thông tin không chính thức, những người tố cáo được biết gần đây ông Đinh Đức Lập đã bị xử lý về mặt Đảng với hình thức kỷ luật khiển trách về một vài hành vi vi phạm hết sức qua loa, không đầy đủ mức độ và tính chất vi phạm trong thực tế hàng loạt sai phạm của ông. Tuy nhiên, theo các quy định về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm của Đảng, việc xử lý kỷ luật  Đảng không thay thế cho việc xử lý hành chính, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, về mặt luật pháp, hiện nay cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo chưa hề có văn bản kết luận chính thức nào về xử lý các nội dung vi phạm bị tố cáo cũng như xử lý kỷ luật người tố cáo. Tức là quá trình giải quyết tố cáo đối với ông Đinh Đức Lập tại UBTWMTTQVN theo quy định của pháp luật vẫn chưa kết thúc, dù đã quá thời hạn giải quyết từ lâu. Song, ông Đinh Đức Lập đã tự mình làm thay cơ quan có thẩm quyền khi ban hành và chỉ đạo những người dưới quyền ban hành nhiều quyết định, văn bản hành chính “kết tội” những người tố cáo là tố cáo sai, tố cáo không đúng và tố cáo không có cơ sở. Đồng thời, ông Lập cũng quy chụp cho những người tố cáo rất nhiều “tội danh” mơ hồ khác, theo kiểu suy diễn, hoàn toàn thiếu cơ sở pháp lý (ví dụ như là “thiếu ý thức xây dựng cơ quan” chẳng hạn) để bắt đầu tiến hành việc xem xét xử lý kỷ luật những người tố cáo ông.

Hành vi nghiêm trọng nhất của ông Đinh Đức Lập trong việc ra sức tổ chức, chỉ đạo trả thù, trù dập, xúc phạm những người tố cáo là việc ông lạm dụng quyền thủ trưởng cơ quan chỉ đạo ban hành 3 văn bản thông báo yêu cầu 3 người tố cáo ông Đinh Đức Lập là nhà báo Đặng Thị Kim Ngân (Phó Ban Khoa giáo), nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng (Phó Ban Văn hóa Nghệ thuật) và nhà báo Hữu Nguyên (Phó Ban Đại diện tại TP.HCM) phải làm bản kiểm điểm về cái gọi là “những hành vi vi phạm” do ông Lập tự “sáng tác” ra và áp đặt cho những người tố cáo. Trong đó  có việc ông Lập “tự sáng tác” ra hành vi vi phạm về việc tố cáo nhiều lần, tố cáo vượt cấp, tố cáo sai sự thật, tố cáo không đúng và tố cáo không có cơ sở để “chụp mũ” những người đã chính thức tố cáo phanh phui hàng loạt sai phạm nghiêm trọng liên quan tới trách nhiệm của tổng biên tập Đinh Đức Lập tại báo Đại Đoàn Kết. Ông cũng “lệnh” cho các nhà báo tố cáo chính ông ta phải tự nhận hình thức kỷ luật trước khi ông xem xét kỷ luật họ. Các bản thông báo này còn chỉ đạo các ban có liên quan tổ chức kiểm điểm 3 nhà báo nói trên và có biên bản báo cáo về Ban biên tập trước ngày 15/4/2013 (trong khi Thông báo đề ngày 8/4/2013, nhưng thực tế ký và phát hành vào ngày 12/4/2013).

Ông Đinh Đức Lập cũng đã lạm dụng quyền thủ trưởng cơ quan chỉ đạo thông báo việc gấp rút thành lập Hội đồng kỷ luật để ngay lập tức họp Hội đồng và xem xét hình thức kỷ luật đối với ba nhà báo có đơn tố cáo ông ta ngay trong tháng 4/2013 này. Tại nhiều cuộc họp lãnh đạo ban và trong một lần mới đây hồi cuối tháng 3.2014, ông Đinh Đức Lập đã chỉ đạo cho các trưởng ban phụ trách 3 nhà báo là người đứng đơn tố cáo ông Lập truyền đạt lại một nội dung mang đầy tính chất đe dọa. Theo đó ông Lập yêu cầu các nhà báo này phải mau chóng tìm cách chuyển công tác đi nơi khác nếu không sẽ phải hứng chịu hình thức kỷ luật nặng nề nhất.

Có thể thấy rất rõ ràng rằng ông Đinh Đức Lập đang coi thường và chà đạp lên tất cả các quy định của Nhà nước, các quy định của Đảng về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong đó nhấn mạnh và coi trọng trách nhiệm bảo vệ người tố cáo của các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo.  Mục tiêu duy nhất mà ông Lập đang hướng tới là bằng mọi cách, mọi giá, mọi thủ đoạn có thể để đe dọa, lôi kéo một số người có liên quan dưới quyền, đang phụ thuộc vào ông tham gia cuộc trả thù, trù dập, xúc phạm người tố cáo một cách có tổ chức tại báo Đại Đoàn Kết. 

Hiện tượng người tố cáo bị trù dập, bị trả thù tàn bạo là một thực tế nhức nhối đã làm ảnh hưởng xấu tới công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước trong nhiều năm qua. Vì vậy mà luật pháp Nhà nước  hiện hành cũng như các quy định của Đảng liên quan tới lĩnh vực  khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng chống tham nhũng đã đặc biệt quan tâm tới việc bảo vệ người tố cáo cũng như gia đình và những người có liên quan với họ.

Quy định 94-QĐ/TW ngày 15/10/2007 của Bộ Chính Trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, ngay tại Điều 1 nói về “Phạm vi, đối tượng xử lý kỷ luật” đã quy định rõ có vi phạm các quy định về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Điều 6 của Quy định 94 cũng quy định rất cụ thể các hình thức kỷ luật đảng viên vi phạm các quy định về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong đó quy định rất rõ ràng đảng viên vi phạm có hành vi “Đe dọa, trấn áp, trả thù, trù dập, xúc phạm người khiếu nại, tố cáo, người có  trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo”, sẽ áp dụng hình thức kỷ luật khai trừ.

Khoản 6, Điều 2 của Quy định 94 cũng nói rõ: “Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật. Đảng viên bị thi hành kỷ luật về Đảng thì cấp uỷ quản lý đảng viên đó phải kịp thời chỉ đạo tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội có thẩm quyền, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về Đảng, phải xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước và điều lệ của đoàn thể. Khi các cơ quan nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội đình chỉ công tác, khởi tố bị can hoặc thi hành kỷ luật đối với cán bộ, hội viên, đoàn viên là đảng viên thì phải thông báo ngay cho tổ chức đảng quản lý đảng viên đó biết. Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, tổ chức đảng quản lý đảng viên phải xem xét xử lý kỷ luật về Đảng”.

Luật Tố cáo của nước CHXHCNVN có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2012  tại Điều 8 quy định những hành vi bị nghiêm cấm đã quy định rất rõ có các hành vi cản trở thực hiện quyền tố cáo; đe dọa, trả thù, trù dập và xúc phạm người tố cáo; thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết tố cáo; bao che cho người bị tố cáo; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết tố cáo...

Luật Tố cáo cũng dành hẳn một chương để nói về các quy định bảo vệ ngươi tố cáo. Điều 37 quy định rất chi tiết về việc bảo vệ người tố cáo tại nơi công tác, làm việc. Cụ thể như sau: “1. Người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang công tác, làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế và các cơ quan, tổ chức khác được bảo đảm vị trí công tác, không bị phân biệt đối xử về việc làm dưới mọi hình thức. 2. Người có thẩm quyền quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không được phân biệt đối xử về việc làm đối với người tố cáo; không được trả thù, trù dập, đe dọa, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo. 3. Khi người tố cáo có căn cứ cho rằng mình bị phân biệt đối xử về việc làm dẫn đến giảm thu nhập, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì có quyền yêu cầu người đã giải quyết tố cáo hoặc người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền quản lý, sử dụng mình có biện pháp xem xét, xử lý đối với người có hành vi đó; người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động có quyền yêu cầu tổ chức công đoàn cơ sở, cơ quan quản lý lao động địa phương có biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.  4. Khi nhận được yêu cầu của người tố cáo, người có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra, xác minh; nếu yêu cầu của người tố cáo là chính đáng thì áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền hoặc yêu cầu người có thẩm quyền áp dụng biện pháp để bảo vệ như sau: a) Đình chỉ, tạm đình chỉ, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định xử lý kỷ luật hoặc quyết định khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo; b) Khôi phục vị trí công tác, vị trí việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm cho người tố cáo; c) Xử lý kịp thời người có hành vi trả thù, trù dập, đe dọa làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo; d) Các biện pháp bảo vệ khác theo quy định của pháp luật”.

Còn rất nhiều quy định của pháp luật cũng như của Đảng liên quan tới công tác bảo vệ người tố cáo với mục tiêu là hướng tới việc đảm bảo an toàn về thân thể, sinh hoạt, đời sống, quyền và lợi ích hợp pháp tại nơi làm việc của người tố cáo. Sự đảm bảo đó của pháp luật Nhà nước cũng như từ các quy định của Đảng thể hiện tinh thần khuyến khích công dân, đảng viên mạnh dạn đấu tranh với các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật, tham nhũng của những cán bộ, công chức, đảng viên có chức có quyền.

Vì vậy, tuân thủ và đảm bảo các quy định về bảo vệ người tố cáo của pháp luật Nhà nước và của Đảng là hết sức cần thiết và quan trọng trong tình hình hiện nay. Khi mà tham nhũng phần lớn tập trung vào các đối tượng có chức có quyền, sẵn sàng lạm dụng chức vụ quyền hạn để đàn áp, trả thù, trù dập xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo. Khiến cho nhiều người vì muốn an thân, muốn bình yên cho gia đình đã sợ hãi không dám đấu tranh chống tham nhũng, thẳng thắn tố cáo các hành vi phạm pháp luật của những người có chức vụ quyền hạn. Nhất là những người đang là thủ trưởng trực tiếp của mình nằm quyền sinh sát sinh mệnh chính trị, hoạt động nghề nghiệp và cuộc sống của mình trong tay.

Ông Đinh Đức Lập là cán bộ, đảng viên có chức vụ quyền hạn đang bị tố cáo có nhiều sai phạm nghiêm trọng, vừa bị kỷ luật Đảng với hình thức khiển trách không tương xứng với hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong thực tế mà ông đã gây ra tại báo Đại Đoàn Kết. Trong khi quá trình giải quyết, xử lý tố cáo của cơ quan có thẩm quyền chưa kết thúc, ông Đinh Đức Lập đã công khai, ngang nhiên chỉ đạo và “khởi động” quy trình xử lý kỷ luật các nhà báo đã tố cáo ông. Điều này đã chứng tỏ ông Lập đang tự phong cho mình cái quyền “ngồi vào ghế quan tòa” phán xét việc tố cáo đúng sai, quy chụp nhiều lý do chung chung, suy diễn để áp đặt việc xem xét kỷ luật những người tố cáo, bất chấp các quy định của pháp luật Nhà nước và của Đảng hết sức rõ ràng và nghiêm minh.

Đáng tiếc là trong khi ông Đinh Đức Lập đang ngày càng ra sức gia tăng cường độ trù đập, trả thù, xúc phạm những ngươi tố cáo thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo và có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo theo quy định của pháp luật là UBTWMTTQVN lại “im lặng đáng sợ” trước các yêu cầu bảo vệ của người tố cáo.

Vì sao Lãnh đạo UBTWMTTQVN lại bỏ mặc cho những người tố cáo bị ông Đinh Đức Lập thoải mái trù dập ngày càng nghiêm trọng hơn? Trong khi luật pháp Nhà nước và các quy định của Đảng hết sức rõ ràng khi chỉ ra trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo đồng thời cũng phải có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo. Điểm C, Khoản 2, Điều 3 của Quy định 94-QĐ/TW do Bộ Chính trị ban hành ngày 15/10/2007 quy định rất rõ về tình tiết tăng nặng khi xử lý kỷ luật đảng viên, như sau: “Bao che cho người cùng vi phạm; trù dập, trả thù người thẳng thắn đấu tranh tố cáo vi phạm hoặc cung cấp chứng cứ vi phạm”. Điều 8 Luật Tố cáo quy định về những hành vi bị nghiêm cấm cũng có nêu rõ các hành vi: “Thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết tố cáo; Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm bảo vệ người tố cáo; Cản trở việc thực hiện quyền tố cáo; đe doạ, trả thù, trù dập, xúc phạm người tố cáo;  Bao che người bị tố cáo”.

Quy định của Đảng, của pháp luật Nhà nước đã quá cụ thể, quá rõ ràng thế tại sao vẫn có những cán bộ, đảng viên đang giữ trọng trách lại có thể coi thường, ngang nhiên vi phạm mà không bị xử lý nghiêm minh? Điều này đã làm ảnh hưởng xấu tới tình hình thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đang ra sức vận động toàn dân tham gia phòng chống tham nhũng; làm xói mòn lòng tin của nhân dân?


Sau đây là nội dung các thông báo ông Đinh Đức Lập chỉ đạo ban hành “ra lệnh” cho 3 nhà báo có đơn tố cáo ông phải làm kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật:

Thông báo 09-TB/BBT.ĐĐK ngày 8/4/2013 dành cho nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng:




Nội dung Đơn Khiếu nại Thông báo số 09-TB/BBT.ĐĐK của nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng:

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

ĐƠN KHIẾU NẠI
Thông báo số 09-TB/BBT.ĐĐK của Ban biên tập

Kính gửi: - Ban Biên tập báo Đại Đoàn Kết
-   Ông Nguyễn Quốc Khánh – Phó Tổng biên tập
-   BCH Công đoàn báo Đại Đoàn Kết

Tôi là: Nguyễn Mạnh Thắng - Phó Trưởng Ban Văn hóa - Nghệ thuật báo Đại Đoàn Kết.
Ngày 12/4/2013, tôi nhận được Thông báo số 09-TB/BBT.ĐĐK đề ngày 8/4/2013 của Ban Biên tập do ông Nguyễn Quốc Khánh – Phó Tổng biên tập ký. Nội dung: yêu cầu tôi và Ban Kỹ thuật Quản trị mạng tiến hành làm kiểm điểm về một số hành vi mà Ban Biên tập báo cho là tôi sai và tự nhận hình thức kỷ luật.
Tôi sẽ viết kiểm điểm, tự nhận hình thức kỷ luật theo yêu cầu khi Ban Biên tập giải thích và thực hiện đầy đủ các đề nghị sau:

1.     Thông báo số 09-TB/BBT.ĐĐK có ghi là căn cứ vào Luật tố cáo, Luật Viên chức, Luật Báo chí và các Nghị định. Vậy trả lời cho tôi biết bằng văn bản: Thông báo được căn cứ vào Điều, khoản nào của Luật gì và Nghị định nào?.
2.     Vì Thông báo số 09-TB/BBT.ĐĐK có căn cứ vào Kết luận số 42-KL/MTTWĐĐ ngày 7/1/2013 và Kết luận số 43 KL/MTTWĐĐ ngày 8/1/2013 của Đảng Đoàn MTTQ Việt Nam về giải quyết đơn tố cáo nên tôi yêu cầu Ban biên tập cung cấp cho tôi toàn văn hai văn bản Kết luận này để làm căn cứ kiểm điểm.
3.     Trả lời bằng văn bản cho tôi rõ: Tôi đã tố cáo ai? Và Điều, khoản nào của Luật tố cáo quy định Người tố cáo không được gửi đơn tố cáo nhiều lần, nhiều nơi, nhiều cấp?  
4.     Trả lời bằng văn bản cho tôi biết: Tôi đã tuyên truyền những vấn đề gì ảnh hưởng tới uy tín của báo? Tuyên truyền khi nào? ở đâu?
5.     Căn cứ vào Kết luận giải quyết đơn tố cáo của Đảng Đoàn MTTQ Việt Nam, tôi đề nghị Chi bộ, Ban biên tập báo Đại Đoàn Kết chấp hành thực hiện việc kỷ luật với Tổng biên tập Đinh Đức Lập; và các cá nhân liên quan: nguyên Phó Bí thư – Phó Tổng biên tập Nguyễn Quốc Khánh; Trưởng Ban Chuyên đề Nguyễn Thị Cẩm Thúy; nguyên Phó Ban Kế hoạch Tài chính Đinh Quang Sơn…
6.     Về nội dung yêu cầu: “Không chấp hành phân công công tác của Ban biên tập”  thì  Kết luận của Đảng Đoàn MTTQ Việt Nam khẳng định nội dung tố cáo Ban biên tập trù dập, chuyển công tác, cắt lương tôi là có cơ sở. Ngày 2/3/2013, tôi đã có đơn đề nghị Ban biên tập khôi phục vị trí công tác, trả lại lương và các chế độ khác cho tôi nhưng Ban Biên tập chưa thực hiện. Một lần nữa, tôi đề nghị Ban biên tập không chống lại Kết luận của Đảng Đoàn MTTQ Việt Nam.

Kính đơn!
                                              Hà Nội ngày 12 tháng 4 năm 2013
Nơi nhận:                                                      Người khiếu nại
Ban biên tập báo Đại đoàn kết (để trả lời)
PTBT Nguyễn Quốc Khánh (để trả lời)
BCH CĐ báo Đại đoàn kết (để bảo vệ)
Ban Kỹ thuật Quản trị mạng (để biết)
Ban Trị sự (lưu)

                                                       Nguyễn Mạnh Thắng         



Thông báo số 10-TB/BBT.ĐĐK  ngày 8/4/2013 dành cho nhà báo Đặng Thị Kim Ngân:



Nội dung Đơn Khiếu nại Thông báo số 10-TB/BBT.ĐĐK của nhà báo Đặng Thị Kim Ngân:

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

ĐƠN KHIẾU NẠI
Thông báo số 10-TB/BBT.ĐĐK của Ban biên tập

Kính gửi: - Ban Biên tập báo Đại Đoàn Kết
-   Ông Nguyễn Quốc Khánh – Phó Tổng biên tập
-   BCH Công đoàn báo Đại Đoàn Kết
-   Ban Khoa giáo báo Đại Đoàn Kết

Tôi là: Đặng Thị Kim Ngân - Phó Trưởng Ban Khoa giáo báo Đại Đoàn Kết.
Ngày 11-4-2013, tôi nhận được Thông báo số 10-TB/BBT-ĐĐK đề ngày 8-4-2013 của Ban Biên tập do ông Nguyễn Quốc Khánh – Phó Tổng biên tập ký. Nội dung: yêu cầu tôi và Ban Khoa giáo tiến hành làm kiểm điểm về một số hành vi mà Ban Biên tập báo cho là tôi sai và tự nhận hình thức kỷ luật.
Tôi sẽ viết kiểm điểm, tự nhận hình thức kỷ luật theo yêu cầu khi Ban Biên tập giải thích và thực hiện đầy đủ các đề nghị sau:

1.     Cho tôi biết cụ thể bằng văn bản: Thông báo số 10-TB/BBT-ĐĐK được căn cứ vào Điều, khoản nào của Luật Luật Viên chức, Luật Báo chí và các và Nghị định nào?
2.     Thông báo số 10-TB/BBT.ĐĐK căn cứ vào Kết luận số 42-KL/MTTWĐĐ ngày 7/1/2013 và Kết luận số 43 KL/MTTWĐĐ ngày 8/1/2013 của Đảng Đoàn MTTQ Việt Nam về giải quyết đơn tố cáo. Nhưng đến nay tôi chưa nhận được những kết luận trên nên không biết được nội dung kết luận là những gì, có đúng với bản chất của các nội dung tôi tố cáo hay không?  Đề nghị Ban biên tập cung cấp cho tôi các văn bản kết luận nói trên.
3.     Trả lời bằng văn bản cho tôi rõ: Tôi đã phát biểu nhiều nội dung không đúng nào về báo Đại Đoàn Kết và Tổng biên tập tại Hội nghị Công đoàn cơ quan UBTWMTTQ Việt Nam ngày 25/4/2012?
4.     Trả lời bằng văn bản cho tôi biết: Tôi đã sử dụng danh nghĩa Thường vụ Công đoàn không đúng ở chỗ nào?
5.     Trả lời cho tôi bằng văn bản: Tôi đã tố cáo ai? Và Điều, khoản nào của Luật tố cáo quy định Người tố cáo không được gửi đơn tố cáo nhiều lần, nhiều nơi, nhiều cấp?
6.     Trả lời cho tôi bằng văn bản: Tôi đã tuyên truyền những vấn đề gì ảnh hưởng tới uy tín của báo? Tuyên truyền khi nào? ở đâu?
7.     Căn cứ vào Kết luận giải quyết đơn tố cáo của Đảng Đoàn MTTQ Việt Nam, tôi đề nghị Chi bộ, Ban biên tập báo Đại Đoàn Kết chấp hành thực hiện việc kỷ luật với Tổng biên tập Đinh Đức Lập; và các cá nhân liên quan: nguyên Phó Bí thư – Phó Tổng biên tập Nguyễn Quốc Khánh; Trưởng Ban Chuyên đề Nguyễn Thị Cẩm Thúy; nguyên Phó Ban Kế hoạch Tài chính Đinh Quang Sơn…

Kính đơn!
                                              Hà Nội ngày 12 tháng 4 năm 2013
Nơi nhận:                                                      Người khiếu nại
Ban biên tập báo Đại đoàn kết (để trả lời)
PTBT Nguyễn Quốc Khánh (để trả lời)
BCH CĐ báo Đại đoàn kết (để bảo vệ)
Ban Khoa giáo (để biết)
Ban Trị sự (lưu)

                                                       Đặng Thị Kim Ngân          

 



Thông báo số 11-TB/BBT.ĐĐK ngày 8/4/2013 dành cho nhà báo Hữu Nguyên:


Nội dung Đơn Khiếu nại Thông báo số 11-TB/BBT.ĐĐK của nhà báo Hữu Nguyên:


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

ĐƠN KHIẾU NẠI

Thông báo số 11-TB/BBT.ĐĐK ngày 8/4/2013


Kính gởi: -  Ông Đinh Đức Lập – Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết
    -  Ông Nguyễn Quốc Khánh – Bí thư chi bộ, Phó tổng biên tập
    -  Ông Chu Ninh  - Trưởng ban Đại diện tại TP.Hồ Chí Minh
    -  Ông Trần Quốc Tuấn – Chủ tịch Công đoàn cơ quan
                                                                Ban  Công tác phía Nam
    -  Ông Mai Ngọc Tuyền – Chủ tịch Công đoàn báo ĐĐK



Tôi là Bùi Hữu Phước (tên thường dùng Hữu Nguyên), Phó trưởng Ban Đại diện tại TP.HCM, báo Đại Đoàn Kết, làm đơn này khiếu nại và phản đối các nội dung trái pháp luật trong Thông báo số 11-TB/BBT.ĐĐK ngày 8/4/2013 xâm hại các quyền và lợi ích hợp pháp của tôi.

Ngày 15/4/2013, tôi nhận được Thông báo số 11-TB/BBT.ĐĐK do ông Nguyễn Quốc Khánh (Phó Tổng biên tập) thay mặt Ban biên tập báo Đại Đoàn Kết ký ngày 8/4/2013, yêu cầu tôi làm kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật về các hành vi: Thiếu ý thức xây dựng cơ quan, tuyên truyền các vấn đề nội bộ gây ảnh hưởng uy tín của báo; Không thực hiện yêu cầu của Ban biên tập, gặp gỡ trao đổi và đối thoại về những vấn đề phát sinh theo quy chế hoạt động của báo; Có nhiều nội dung tố cáo sai, tố cáo không đúng, tố cáo không có cơ sở.

Các lý do được đưa ra trong Thông báo số 11 là rất chung chung, hành vi vi phạm được đưa ra xem xét kỷ luật không cụ thể, không rõ ràng, không đủ cơ sở pháp lý theo quy định tại Điều 19 Luật Viên chức và Điều 4 của Nghị định số 27/2012/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 6/4/2012 quy định về xử lý kỷ luật viên chức. Việc xử kỷ luật viên chức chỉ được tiến hành khi phát hiện viên chức có những hành vi vi phạm cụ thể được quy định theo pháp luật và đã đủ yếu tố cấu thành hành vi vi phạm. Không ai có thể tùy tiện “sáng tác” ra các lý do không có cơ sở pháp luật, không rõ ràng, mang tính chất cảm tính, quy chụp để yêu cầu viên chức phải kiểm điểm, tự nhận hình thức kỷ luật. Đặc biệt là không thể đưa ra các lý do vượt quá thẩm quyền và vi phạm pháp luật để yêu cầu tiến hành xử lý kỷ luật viên chức.

Vì vậy, căn cứ vào Điều 12 Luật Khiếu nại, để có đủ cơ sở làm kiểm điểm và xem xét kỷ luật, tôi đề nghị Ban Biên tập báo Đại Đoàn Kết làm rõ và trả lời tôi bằng văn bản các nội dung sau đây:

1. Đề nghị Ban biên tập cung cấp văn bản của cấp có thẩm quyền đã xem xét  các hành vi cụ thể của tôi một cách công khai, minh bạch, và có đủ cơ sở pháp lý để kết luận tôi “thiếu ý thức xây dựng cơ quan”; cung cấp các văn bản đã từng phê bình, nhắc nhở, kiểm điểm và kết luận đúng pháp luật rằng tôi có các hành vi được cho là  “thiếu ý  thức” này.

2. Đề nghị Ban biên tập trả li bằng văn bản về việc tôi đã có hành vi cụ thể nào để được coi là tuyên truyền các vấn đề nội bộ của báo Đại Đoàn Kết”?; Đề nghị cung cấp bằng văn bản cụ thể các nội dung mà Thông báo số 11 cho là “các vấn đề nội bộ gây ảnh hưởng tới uy tín của báo”.

3. Đề nghị Ban biên tập trả lời bằng văn bản về việc tôi đã không thực hiện yêu cầu cụ thể đúng pháp luật nào của Ban Biên tập vào thời điểm nào, với nội dung cụ thể là gì và các văn bản mà Ban biên tập đã phê bình, nhắc nhở tôi về việc không chấp hành yêu cầu cụ thể này.

4. Đề nghị Ban biên tập trả lời bằng văn bản cụ thể, chính xác và đầy đủ các chi tiết về việc tôi đã tố cáo ai; với các nội dung gì; nội dung nào sai; nội dung nào không đúng và nội dung nào không có cơ sở theo đúng quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo được ghi trong Luật Tố cáo?

5. Đề nghị Ban biên tập cung cấp bằng văn bản Kết luận số 42-KL/MTTW-ĐĐ ngày 7/1/2013 và Kết luận số 43-KL/MTTW-ĐĐ ngày 8/1/2013 của Đảng Đoàn MTTQ Việt Nam về giải quyết đơn tố cáo, mà Thông báo số 11 lấy làm căn cứ để yêu cầu tôi kiểm điểm, tự nhận hình thức kỷ luật.  Bởi vì cho tới nay, sau gần một năm tố cáo tôi chưa hề nhận được bất cứ kết luận nào của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo theo luật định nên không có căn cứ cụ thể để kiểm điểm.

Ngoài ra, căn cứ vào các quy định trong Luật Viên chức, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, ngày 25/3/2013 tôi đã có Đơn Khiếu nại gởi tới ông tổng biên tập Đinh Đức Lập và Ban biên tập báo Đại Đoàn Kết phản đối việc ông Đinh Đức Lập ban hành Quyết định số 12-QĐ/TBT.ĐĐK ngày  14/3/2013  tạm đình chỉ công tác tôi trái pháp luật. Cho tới nay đã quá thời hạn theo quy định tại Điều 27 Luật Khiếu nại, ông Đinh Đức Lập là người ký ban hành quyết định hành chính trái pháp luật bị khiếu nại này vẫn chưa có văn bản trả lời tôi về việc ông có hay không thụ lý đơn khiếu nại của viên chức theo quy định cũa pháp luật. Hành vi này của ông Đinh Đức Lập đã vi phạm các quy định về khiếu nại, tố cáo của pháp luật và vi phạm các quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Quy định 94-QĐ/TW ngày 15/10/2007 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn 11-HD-UBKTTW ngày 24/3/2009 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Căn cứ vào các lý do và cơ sở pháp luật trên đây, tôi khẳng định Thông báo số 11-TB/BBT.ĐĐK ngày 8/4/2013 của Ban biên tập báo Đại Đoàn Kết là văn bản hành chính được ban hành trái pháp luật, căn cứ vào các cơ sở, lý do chưa rõ ràng, hành vi không cụ thể, mang tính quy chụp, cảm tính để xâm hại các quyền và lợi ích hợp pháp của tôi.

Kính đề nghị Ban biên tập báo Đại Đoàn kết trả lời bằng văn bản các nội dung còn chưa rõ ràng về cơ sở pháp lý của các căn cứ cũng như các lý do nêu ra trong Thông báo 11 mà tôi đã trình bày ở trên.

Kính đề nghị Ban Chấp hành Công đoàn Ban Công tác phía Nam nơi tôi đang sinh hoạt, có biện pháp can thiệp bảo vệ quyền là lợi ích hợp pháp của đoàn viên theo đúng Điều lệ và chức năng của tổ chức Công Đoàn.

Kính đơn

                                               TP. Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 4 năm 2013
                                                                            Người khiếu nại

                                                                             Bùi Hữu Phước



Cập nhật thông tin mới của nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng gởi lúc 19 giờ ngày 15/4/2013:

Khoảng 11 giờ sáng nay (thứ Hai ngày 15/4/2013), nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng đến cơ quan báo Đại Đoàn Kết gửi Khiếu nại về Thông báo 09 thì ngay đầu giờ chiều cùng ngày, Thông báo mang số thứ tự 12 đã được đưa ra. Khoảng 16 giờ chiều, Thông báo số 12 này được gửi tới ban Kỹ thuật Quản trị mạng và Nhà báo Mạnh Thắng. Nực cười thay ý đồ đen tối đã chuẩn bị kịch bản trù dập sẵn quá lộ liễu khi Thông báo số 12 này lại đề ngày 16/4/2013.

Thông báo số 12 về nội dung giống y như Thông báo số 9 dành cho nhà báo Mạnh Thắng, chỉ có sửa lại là Thông báo Lần 2 và gia hạn ngày báo cáo về Ban biên tập việc tổ chức kiểm điểm nhà báo Mạnh Thắng tại Ban tới  ngày 19/4/2013. Như vậy ông Đinh Đức Lập có vẻ rất quyết tâm kỷ luật cho bằng được các nhà báo đã dám cả gan tố cáo ông, làm cho ông phải nhận án kỷ luật Đảng khiển trách...nhẹ như phủi bụi!




(Còn tiếp)

Loạt bài “Những sai phạm có hệ thống của ông Đinh Đức Lập tại báo Đại Đoàn Kết”:

Bài 10: Chính ông Đinh Đức Lập mới là đối tượng có hàng loạt sai phạm cần phải đình chỉ công tác để xem xét kỷ luật

3 nhận xét:

  1. Kỳ lạ quá ta..

    Trả lờiXóa
  2. BBT báo Đại đoàn kết (trước đây cũng đã từng là tờ báo có uy tín) sao lại có cách hành xử kém "đoàn kết" như thế được nhỉ? Tôi đọc loạt bài về ông TBT, thấy đắng chát.

    Trả lờiXóa
  3. ở Hà Nội bây giờ, người ta nói cơ quan mặt trận chỉ có hai sếp thôi là ông Kim nắm HC và ông Lập nắm tuyên truyền (báo)

    Trả lờiXóa