Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

Công Đoàn phản đối ông Đinh Đức Lập

Ban chấp hành Công đoàn cơ sở Ban Công tác phía Nam nơi tôi  (Hữu Nguyên) đang sinh hoạt từ nhiều năm qua đã lên tiếng chính thức phản đối việc ông Đinh Đức Lập áp đặt, tổ chức xử lý kỷ luật tôi một cách trái pháp luật. 

Công văn số 11/CĐ-BCTPN do ông Trần Quốc Tuấn – Chủ tịch BCHCĐBCTPN- ký ngày 15/7/2013 đã chỉ ra khá cụ thể một số điểm vi phạm pháp luật của ông Đinh Đức Lập, Ban biên tập và Hội đồng kỷ luật của báo Đại Đoàn Kết trong quá trình xử lý kỷ luật tôi...

Từ những căn cứ mà công văn này chỉ ra, BCH CĐBCTPN đã yêu cầu ông Đinh Đức Lập - tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết - cần thiết phải hành xử công việc theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, theo các luật sư, quá trình áp đặt kỷ luật cho tôi của ông Đinh Đức Lập đã vi phạm hàng loạt các quy định của luật pháp hiện hành, không chỉ dừng lại một vài điểm như trong công văn nói trên. Hiện giờ, chúng tôi tạm thời không bình luận thêm gì về các sai phạm của ông Đinh Đức Lập có liên quan tới việc áp đặt kỷ luật nhằm trấn áp, trả thù những người tố cáo này của ông Lập. Chỉ có thể đưa ra nhận xét đầu tiên là chúng rất trùng hợp với kiểu cách hành xử của những kẻ vốn vẫn luôn quen cái thói sống coi thường và chà đạp lên luật pháp. 

Mời quý vị tham khảo để có thể thấy một phần nào đó việc ông Đinh Đức Lập chà đạp lên pháp luật chỉ để thỏa mãn các nhu cầu và lợi ích cá nhân của ông ta như thế nào trong quá trình cố gắng áp đặt kỷ luật để trả thù việc tôi đã tố cáo nhiều sai phạm, tiêu cực của ông ta.













CÔNG ĐOÀN CƠ QUAN
TRUNG ƯƠNG MTTQ VIỆT NAM
CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ
BAN CÔNG TÁC PHÍA NAM _______________

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
____________________________________________
Số:   11 /CĐ-BCTPN
V/v kiến nghị xem xét việc xử lý kỷ luật đối với ông Bùi Hữu Phước, Phó Trưởng ban BĐD Báo Đại Đoàn Kết tại TP. Hồ Chí Minh.
TP.  Hồ Chí Minh, ngày  15 tháng  7  năm 2013

Kính gửi:
Đồng chí Đinh Đức Lập, Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết.

Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở Ban Công tác phía Nam nhận được đơn của ông Bùi Hữu Phước đề ngày 03 tháng 7 năm 2013, nội dung đơn Khiếu nại Quyết định số 45-QĐ/BBT.ĐĐK  do Tổng Biên tập Đinh Đức Lập ký ngày 26 tháng 6 năm 2013 về việc kỷ luật đối với viên chức.
Ông Bùi Hữu Phước (tên thường gọi: Hữu Nguyên) hiện là Phó Trưởng ban Ban Đại diện Báo Đại Đoàn Kết tại Thành phố Hồ Chí Minh (là viên chức quản lý tương đương cấp phó trưởng phòng, được hưởng phụ cấp chức vụ là 0,4), là đoàn viên công đoàn thuộc Công đoàn cơ sở Ban Công tác phía Nam. Vì vậy, BCH Công đoàn cơ sở Ban Công tác phía Nam nhận thấy có trách nhiệm xem xét đơn khiếu nại của đoàn viên Bùi Hữu Phước theo quy định tại Khoản 7, Điều 10, Luật Công đoàn Việt Nam đã được Quốc Hội thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2012.
Được sự chấp thuận của Cấp ủy đơn vị, BCH Công đoàn cơ sở Ban Công tác phía Nam đã tổ chức cuộc họp vào ngày 15 tháng 7 năm 2013 để xem xét các nội dung trình bày trong đơn khiếu nại của ông Bùi Hữu Phước. Sau khi nghiên cứu hồ sơ kèm theo đơn khiếu nại và đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành, BCH Công đoàn cơ sở Ban Công tác phía Nam thống nhất kiến nghị xem xét việc xử lý kỷ luật đối với ông Bùi Hữu Phước, Phó Trưởng ban BĐD Báo Đại Đoàn Kết tại TP. Hồ Chí Minh gồm các nội dung như sau:
1. Về thành phần Hội đồng kỷ luật:
Tại Khoản 2, Điều 17, Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức (Sau đây gọi tắt là Nghị định 27) quy định như sau:
“2. Đối với viên chức quản lý có hành vi vi phạm pháp luật, Hội đồng kỷ luật có 05 thành viên, bao gồm:
a) Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm viên chức;
b) Một ủy viên Hội đồng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức;
c) Một ủy viên Hội đồng là đại diện cấp ủy của đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức hoặc đơn vị được phân cấp quản lý viên chức;
d) Một ủy viên Hội đồng là đại diện Ban chấp hành công đoàn của đơn vị quản lý viên chức hoặc đơn vị được phân cấp quản lý viên chức;
đ) Một ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng là người đại diện bộ phận làm công tác tổ chức cán bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xử lý kỷ luật viên chức.”
Đối chiếu với Quy định trên, thì Quyết định số 22-QĐ/BBT.ĐĐK ngày 08 tháng 4 năm 2013 của Ban Biên tập Báo Đại Đoàn Kết về việc thành lập Hội đồng xét kỷ luật, trong đó Chủ tịch Hội đồng kỷ luật là không đúng thành phần như quy định tại Điểm a; vì cho đến nay, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chưa có quyết định nào giao thẩm quyền cho Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết bổ nhiệm viên chức quản lý cấp phòng; Mặt khác về phía chính quyền, cũng chưa ban hành quy định thể chế hóa Hướng dẫn số 35-HD/ĐĐMTTQVN ngày 04 tháng 10 năm 2001 của Đảng Đoàn MTTQ Việt Nam về thực hiện phân cấp quản lý, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ. Qua đó, mặc nhiên việc bổ nhiệm viên chức quản lý vẫn thuộc thẩm quyền của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, mà cụ thể là thẩm quyền riêng của Thủ trưởng cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam theo quy định của pháp luật.
2. Về tổ chức kiểm điểm:
- Tại Khoản 2, Điều 15, Nghị định 27 quy định như sau:
“2. Đối với viên chức quản lý có hành vi vi phạm pháp luật, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm viên chức có trách nhiệm tổ chức họp kiểm điểm và quyết định thành phần dự họp.”
Đối chiếu với Quy định trên, thì trách nhiệm tổ chức họp kiểm điểm và quyết định thành phần dự họp theo Thông báo số 11-TB/BBT.ĐĐK ngày 08 tháng 4 năm 2013 của Ban Biên tập Báo Đại Đoàn Kết là không đúng thủ tục.
- Tại Khoản 4, Điều 15, Nghị định 27 quy định như sau:
“4. Nội dung các cuộc họp kiểm điểm viên chức có hành vi vi phạm pháp luật quy định tại Điều này phải được lập thành biên bản. Biên bản các cuộc họp kiểm điểm phải có kiến nghị áp dụng hình thức kỷ luật đối với viên chức có hành vi vi phạm pháp luật. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc cuộc họp kiểm điểm, biên bản cuộc họp kiểm điểm được gửi tới Chủ tịch Hội đồng kỷ luật để tổ chức xem xét xử lý kỷ luật theo quy định tại Nghị định này.”
Đối chiếu với Quy định trên, thì nội dung Biên bản họp BĐD Báo Báo Đại Đoàn Kết tại TP. Hồ Chí Minh ngày 17 tháng 4 năm 2013 về việc triển khai Thông báo số 11-TB/BBT.ĐĐK ngày 08 tháng 4 năm 2013 của Ban Biên tập Báo Đại Đoàn không có cơ sở pháp lý làm căn cứ xử lý kỷ luật vì không có kiến nghị áp dụng hình thức kỷ luật đối với ông Bùi Hữu Phước.
Mặt khác, Thông báo số 11-TB/BBT.ĐĐK yêu cầu ông Bùi Hữu Phước kiểm điểm về những hành vi vi phạm; đơn vị tổ chức họp kiểm điểm làm rõ động cơ, mục đích cũng như tác hại và hậu quả từ những vi phạm: “Thiếu ý thức xây dựng cơ quan, tuyên truyền các vấn đề nội bộ gây ảnh hưởng tới uy tín của Báo. Không thực hiện yêu cầu của Ban Biên tập, gặp gỡ, trao đổi và đối thoại những vấn đề phát sinh theo Quy chế hoạt động của Ban. Có nhiều nội dung tố cáo sai, tố cáo không đúng, tố cáo không có cơ sở”. Nếu căn cứ vào những nội dung như vừa nêu để cho rằng ông Bùi Hữu Phước đã có hành vi vi phạm pháp luật là chưa có cơ sở. Vì vậy, trong Biên bản cuộc họp toàn thể cán bộ, viên chức Ban Đại diện Báo Đại Đoàn kết tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 17 tháng 4 năm 2013 về việc triển khai Thông báo số 11-TB/BBT.ĐĐK có ghi nội dung: “các ý kiến phát biểu trong cuộc họp đã đi tới sự thống nhất rằng các lý do được nêu ra trong Thông báo số 11 là chưa rõ ràng, không chỉ ra hành vi vi phạm cụ thể theo quy định của pháp luật nên Ban Đại diện gặp khó khăn trong việc kiểm điểm ông Hữu Nguyên để yêu cầu ông Hữu Nguyên tự kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật theo chỉ đạo của Ban Biên tập” là có cơ sở.
3. Về quyết định kỷ luật:                  
Ngày 26 tháng 6 năm 2013, thay mặt Ban Biên tập, đồng chí Đinh Đức Lập, Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết đã ký Quyết định số 45-QĐ/BBT.ĐĐK về việc xử lý kỷ luật ông Bùi Hữu Phước bằng hình thức Buộc thôi việc. Đối chiếu các quy định của pháp luật hiện hành, Quyết định số 45-QĐ/BBT.ĐĐK cần xem xét lại những nội dung sau:
- Tại Khoản 2, Điều 3, Nghị định 27 quy định như sau:
“2. Mỗi hành vi vi phạm pháp luật chỉ bị xử lý một hình thức kỷ luật. Nếu viên chức có nhiều hành vi vi phạm pháp luật hoặc tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian đang thi hành quyết định kỷ luật thì bị xử lý kỷ luật về từng hành vi vi phạm pháp luật và chịu hình thức kỷ luật năng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng với hành vi vi phạm nặng nhất, trừ trường hợp có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc.”
Đối chiếu với Quy định trên, Quyết định số 45-QĐ/BBT.ĐĐK nêu ra ba lý do kỷ luật, nhưng mỗi lý do không có một hình thức kỷ luật tương ứng là trái với quy định của pháp luật. Mặt khác, trong các lý do kỷ luật không thể hiện cụ thể về hành vi vi phạm của viên chức, hoặc văn bản kết luận của cơ quan thẩm quyền về hành vi vi phạm của viên chức. Ngoài ra, lý do kỷ luật “Không thực hiện yêu cầu của Ban Biên tập, gặp gỡ, trao đổi và đối thoại những vấn đề phát sinh theo Quy chế hoạt động của Báo”, xét thấy nếu có kết luận là sai phạm thì cũng đã hết thời hạn xử lý kỷ luật theo Quy định tại Điều 8, Nghị định 27.

- Tại Điều 13, Nghị định 27 quy định như sau:
Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với viên chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:
1. Bị phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng;
2. Không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng;
3. Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập;
4. Nghiện ma túy có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền;
5. Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 07 ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà không có lý do chính đáng được tính trong tháng dương lịch; năm dương lịch;
6. Vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; phòng, chống tệ nạn xã hội và các quy định khác của pháp luật liên quan đến viên chức.”
Đối chiếu với Quy định trên, nếu đúng như ba lý do kỷ luật đã nêu, thì việc áp dụng hình thức kỷ luật Buộc thôi việc đối với ông Bùi Hữu Phước là chưa thỏa đáng vì không có hành vi vi phạm nào được xác định là “đặc biệt nghiêm trọng” hoặc các hành vi liên quan được pháp luật quy định áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc.
- Về thẩm quyền ký Quyết định 45-QĐ/BBT.ĐĐK (và Thông báo số 11-TB/BBT.ĐĐK) với tư cách “Thay mặt Ban Biên tập” là trái với quy định của pháp luật, vì Ban Biện tập Báo không phải là tổ chức bầu cử, dân cử, hoặc là tổ chức được quy định việc lãnh đạo quản lý, điều hành theo chế độ tập thể.
Vì các lý do trên, một lần nữa BCH Công đoàn cơ sở Ban Công tác phía Nam đề nghị đồng chí Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết xem xét lại việc xử lý kỷ luật đối với ông Bùi Hữu Phước, Phó Trưởng ban BĐD Báo Đại Đoàn Kết tại TP. Hồ Chí Minh, theo quy định của pháp luật.
Trân trọng kính chào./.
(Đính kèm bản phô tô đơn và hồ sơ khiếu nại của đương sự)

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bí thư Chi bộ Ban CTPN (để b/c);
- Chủ tịch Công đoàn cơ quan TW MTTQVN (để b/c);
- Trưởng BĐD Báo ĐĐK tại TP. HCM;
- Ông Bùi Hữu Phước (để biết);
- Lưu.
TM. BAN CHẤP HÀNH
CHỦ TỊCH
Trần Quốc Tuấn (đã ký và đóng dấu)

3 nhận xét:

  1. Tui, dân thường (và chắc rất rất nhiều người dân khác cũng vậy) luôn ủng hộ nhà báo (bằng comment thôi).
    Chúng nó chẳng còn coi ai ra gì.
    Cố lên nhà báo Hữu Nguyên.

    Trả lờiXóa
  2. đồng chí đinh đức lập tự đóng đinh vào số phận của mình về xế chiều còn một chút trọng tình trọng nghĩa chứ trọng tiền chết có mang được đi đâu trời còn có trời rộng hơn càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều

    Trả lờiXóa
  3. Chúc mừng thiếu tướng Đỗ Ca
    Ba hoa viết sách giết gà cối xay
    Cảm ơn thứ trưởng Bùi Ga
    Cộng thêm hai điểm cho bà nội em
    Lại thêm Đinh Lập lèm nhèm
    Nịnh trên đập dưới xem thường kỷ cương
    Cả ba khuôn mặt soi gương
    thoảng nhìn ba cái đẹp dường như nhau

    Trả lờiXóa