Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

CHÍNH SÁCH ĐỒNG HÓA ĐẠI VIỆT CỦA QUÂN MINH

Hạ Long Bụt sĩ

-         21 năm-1407-1428 kế hoạch đồng hóa Việt của Tầu.
-         21 năm Hán hóa văn hóa Việt, từ Bụt sang Phật.
-         21 năm trấn yểm long mạch đế vương đất Bắc.      

Nhà Minh đô hộ Đại Việt chỉ có 21 năm, 1407-1428  (dài bằng thời gian đất nước chia đôi 1954-1975), nhưng lại là bước ngoặt lịch sử rất quan trọng, nó chấm dứt 400 phục hưng Lạc Việt của hai triều Lý Trần 1010-1400, gây hệ quả hướng Tầu tai hại cho tới bây giờ.


A-Chính Sách Đồng hóa Việt của nhà Minh
Trong Bình Ngô Đại Cáo Nguyễn Trãi kể tội quân Minh :
…Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ
Chước dối đủ muôn ngàn khóe
Ác chứa ngót hai mươi năm
…Độc ác thay! Trúc rừng không ghi hết tội
Dơ bẩn thay, nước biển không rửa sạch mùi…

Quỷ kế đồng hóa rất bài bản :
1-   Về Tinh thần : quân Minh lập 861 đền miếu, bắt dân cúng tế bách thần, xã tắc, sơn xuyên theo Tầu, 444 đàn tràng, 68 nha môn chuyên về Âm Dương học, học hành theo Tầu, đốt sách hay mang sách do người Việt viết về Tầu, phá đổ bia đá. Lập Tăng Đạo ty giảng Phật Lão theo lối Tầu. Từ Bụt đổi sang Phật từ đây (vì Tầu không phát âm được B, chỉ có âm P như Pán hàng thay vì Bán hàng). Xóa quá khứ một nước chính là cách đồng hóa thâm độc nhất, quân Minh lập ra 252 cơ quan phụ trách tôn giáo và mê tín dị đoan nhằm hạ thấp tôn giáo thành ma giáo. Phá hủy 2 An Nam Tứ Khí (chuông Quy điền, vạc Phổ minh, tháp Báo thiên, tượng Bụt Quỳnh Lâm)

2-   Xã hội : bắt dân ăn mặc áo ngắn quần dài như Tầu, không nhuộm răng, không được cắt tóc. Giới hạn sĩ số đi học (mỗi phủ 1 người 1 năm !), bổ dụng làm quan. Thổ quan, thổ binh là chính sách dùng người Việt trị người Việt, nhưng dân chúng trốn vào rừng núi phản kháng. Lập trạm liên lạc bằng thuyền, ngựa, từ Việt sang Tầu để tiếp ứng cứu viện. Riêng Trương Phụ khi về Tầu bắt theo 9000 người Việt, gồm rất nhiều phụ nữ, con hát, phường nhạc, thợ giỏi, thầy thuốc, trong năm 1408 quân Minh lấy được: 235.000 voi ngựa trâu bò, 13.600.000 thạch thóc, 8.670 chiếc thuyền, 2.539.800 binh khí. Dân phu, thợ xây cất kiến trúc (như Nguyễn An) bị bắt về Tầu xây dựng kinh đô mới Bắc Kinh cho nhà Minh.

3-   Hành Chính- Lập Tam Ty : Ty Đô, Ty Bố, Ty Án cai trị Giao Chỉ quận (bỏ tên nước Đại Việt Lý Trần, hay Đại Ngu nhà Hồ, Hoàng Phúc kiêm hai Ty Bố và Án.) Ty Bố chính gồm 419 cơ quan sau tăng lên 837 cơ quan nhằm cai trị thu thuế chặt chẽ cả nước. Bắt dân làm thẻ chứng minh ghi tên tuổi, cai trị chia theo Lý, Giáp…110 hộ làm 1 Lý. Tên Lý trưởng bắt đầu có từ đây. Theo Minh Sử, dân số Giao Chỉ có 3 triệu 120,000 người, man dân 2 triệu 087.500 người

Thuế má nặng, thuế ruộng, thuế muối, bắt dân đi khai mỏ, mò ngọc, tìm sừng tê ngà voi, cống tiến về Tầu hồ tiêu, quế…

Tước đoạt mọi vũ khí trong dân chúng, tiêu diệt phản kháng tàn bạo như : chém giết thả cửa, chất thây thành núi, rút ruột quấn vào cây, rán thịt người lấy mỡ, làm nhục hình bào lạc mua vui, mổ bụng người mang thai, cắt tay mẹ con dâng cho giặc… ( Việt Sử Thông giám cương mục), thiến hoạn con trai mang về Tầu làm quan thị.

B- QUỶ KẾ YỂM TRIỆT PHONG THỦY
Trước Trạng Trình 100 năm, trong 21 năm thuộc Minh, một phong thủy sư nổi danh của Tầu là Hoàng Phúc đã đến triệt yểm địa lý nước ta. Hoàng Phúc xuất thân Tiến sĩ, mang chức Thượng Thư, giữ việc Bố chính (hành chính) và Án Sát trong chiến dịch cai trị đồng hóa Việt Nam. Việc cử một quan Thượng Thư sang nước Nam nói lên tầm quan trọng của của việc cai trị  và nhất là cơ mật vụ triệt yểm các long mạch đại phát trên đất Việt.

 Hoàng Phúc bắt khắp nơi lập đền miếu thờ bách thần, thổ thần, sơn thần, thần sông, thần gió... bên cạnh văn miếu. Lập Tăng cương ty và Đạo kỳ ty để truyền bá đạo Phật và Lão cùng với đạo Nho... Ngay tại Đông Quan (Thăng Long), Hoàng Phúc lập nhà Giao Chỉ Học để chiêu dụ nhân tài, nơi đây Nguyễn Trãi gặp Hoàng Phúc sau khi đi tiễn cha là Nguyễn Phi Khanh bị bắt về Tầu cùng với cha con Hồ Quí Ly. Sử liệu cho thấy Hoàng Phúc can thiệp để Nguyễn Trãi không bị quân Minh hạch tội, và trong thời gian từ 1407-1416 bị quân Minh giam lỏng ở Đông Quan. Sau này cùng Lê Lợi kháng chiến thành công, Nguyễn Trãi bắt được Hoàng Phúc và  đối xử tử tế với Hoàng Phúc, một kẻ thù trí thức. Truyện kể lại rằng Nguyễn Trãi biết Hoàng Phúc có biệt tài về phong thủy nên mời Hoàng Phúc tới xem đất Nhị Khê là quê quán của dòng họ Nguyễn. Hoàng Phúc nhìn ra vườn sau nhà ở Nhị Khê rồi từ tốn nói : "Số tôi có phúc dầy nên gặp hạn  xấu cũng chỉ bị nhiều lắm là 100 ngày, chứ gò đất sau nhà ông, đâm vào trong nhà thế kia, thì ông sẽ bị mang họa mấy đời!" Quả đúng như lời Hoàng Phúc, ít lâu sau các quan quân nhà Minh đều được thả về Tầu để tạo giao hảo hai nước, còn Nguyễn Trãi 15 năm sau (1442) bị chu di tam tộc vì vụ Thị Lộ. Khi nghe Hoàng Phúc nói về gò đất đâm vào nhà, Nguyễn Trãi không dám tin hẳn và không cho phạt đi như lời Hoàng Phúc khuyên vì nghi bị họ Hoàng thâm gạt.

           Nguyên Hoàng Phúc khi sang đất Việt đã mang theo cuốn Địa Lý của Cao Biền đời Đường để làm bản đồ nghiên cứu địa hình nước ta. Thời xưa, sách Địa Lý đúng là một tài liệu quân sự, ghi rõ hình thể sông, núi, đồi, gò, cao điểm, hạ lưu, mạch núi, thời tiết... nên Hoàng Phúc đã tới những linh địa do Cao Biền ghi chép. Một trong những linh địa ấy là Tam Đảo gần đền Hùng. Núi Tam Đảo gồm ba ngọn cao thẳng đột khởi gần như đối xứng với ba ngọn Ba Vì  (Tản Viên ) bên kia sông Hồng, hợp với Thăng Long, thành ba đỉnh tam giác đều. Tam Đảo tay long, cao hơn Ba Vì 300 mét (1591m) với ngọn cao nhất là Phù Nghĩa, ngọn giữa cao vót gọi là Kim Thiên hay Thạch Bàn có bia Cao Biền dựng, ngọn bên tả là Thiên Thị. Trên đỉnh núi có ngôi chùa Đồng đúc toàn bằng đồng rất cổ, sườn núi có chùa đá khắc chữ Địa Ngục Tự, suối nước vàng chói từ khe cửa chảy ra nhập vào suối Giải Oan. Trên tầng  núi khá cao, khoảng 3 dặm, có một khoảng đất bằng phẳng, với ba nền đất dài, tám phiến đá vuông và một tấm bia lớn khắc vỏn vẹn bốn chữ lớn "La Thành Bất Loạn" bên cạnh có dòng chữ nhỏ "Minh Thượng Thư Hoàng Phúc cẩn đề". (xem Kiến Trúc Phật Giáo VN-Nguyễn Bá Lăng)

          Cả Cao Biền lẫn Hoàng Phúc, hai danh thủ Phong thủy Trung Hoa, cách nhau hơn 500 năm đều dựng bia ở Tam Đảo, vậy có thể nơi đây kết long mạch đặc biệt. Điều này tác giả Vũ Trung Tùy Bút, Phạm Đình Hổ, từ thế kỷ XVIII luận giải như sau :
          " ...Mạch núi Côn Lôn chạy vào (Trung Hoa) chia làm ba cán Long : một đằng theo sông Hoàng Hà chạy về phía Bắc, ... một đằng theo núi Mân Sơn chạy về phía Đông,...một đằng theo sông Hắc Thủy chạy về phía Nam...phía Đông sông Hắc Thủy là những  tỉnh Vân Nam, Quí Châu, Hồ Nam, Quảng Đông, Quảng Tây và Lão Qua kéo dài tới tận núi Tiểu Côn Lôn lại biệt làm một chi thiếu tô. Chi này chạy sang nước ta  lại chia làm ba :
- Chi bên hữu chạy qua sông Đà Giang là những tỉnh Hưng Hóa, Sơn Tây, Sơn Nam, rồi chạy vào Nghệ An, Thanh Hóa, cho đến Thuận, Quảng thì tản ra các cù lao gần biển...

- Chi bên tả qua Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Yên rồi qua đến biển là Hồng Đàm, đảo Đại Nhân...

- Chi giữa tự núi Tam Đảo trở xuống, mênh mông liên tiếp thành ra những tỉnh Thái Nguyên, Kinh Bắc, Trung Đô, Hải Dương, Sơn Nam ... "   ( tr. 46-47 ).
            Tác giả kết luận "  địa thế nước ta, toàn thể cũng giống Trung Hoa, chỉ có nhỏ hơn mà thôi ".

          Nhìn tổng quát như vậy ba ngọn Tam Đảo là chi giữa, làm tổ sơn cho toàn châu thổ Hồng Hà, là mạch xuất phát đổ khí lực vào Thăng Long, trong khi núi Ba Vì thuộc chi hữu mà Nguyễn Trãi, tác giả Dư Địa Chí và mọi nhà lý số, đều gọi là tổ sơn của cả nước. Tại sao lại có hai quan điểm không đồng nhất về tổ sơn ? Theo suy luận, núi Ba Vì tròn như cái lọng, sườn núi thoai thoải rồi vọt cao đứng, đó là hình núi thuộc Kim, núi Tam Đảo đỉnh phẳng lẫn đất đá, cây cối um tùm, xây được chùa Đồng, như vậy có thể là hình dạng  Mộc. Cao Biền biết Sơn thần núi Tản rất thiêng nên không dám xâm phạm, còn ở Tam Đảo không thấy nói tới sơn thần (mặc dù có vườn Tiên rất linh thiêng cầu đảo rất ứng), hoặc có thể Cao Biền đã dùng pháp thuật chế khắc được nên mới dám dựng bia xây thành? Vả lại, thế kỷ IX, khi chống quân Nam Chiếu ở Vân Nam đổ xuống, thì Tam Đảo là một cao điểm chiến lược ở tuyến đầu che cả miền châu thổ sông Hồng. Khi Hoàng Phúc sang đất Việt, ông ghi nhận "La Thành Bất Loạn" để tán dương cái thế đất quân bình Âm Dương, Long Hổ của Đại La. Thời Minh các núi Tam Đảo, Tiên Du... tổng cộng 21 quả núi danh tiếng của An Nam, được tế tại giao đàn cùng với sông núi Trung Hoa (đời Hồng Vũ nhà Minh, theo Đại Nam Nhất Thống Chí). Nhưng khi nhìn tới bối cảnh của Tản Viên thì thấy tổ sơn này tụ long mạch của cả một rặng núi dài và cao là rặng Hoàng Liên Sơn song hành với sông Đà khí lực mạnh mẽ, lại nằm ở vị thế kín đáo, nên có phần trường viễn hùng hậu hơn Tam Đảo.

 Hoàng Phúc có thành công trong việc triệt hạ các long mạch đế vương trên đất Bắc Việt hay không, quả thật khó minh chứng. Chỉ biết rằng thời Minh, với Lưu Bá Ôn, một đại lý số gia, thì khoa phong thủy đã được dùng như một phương pháp dư địa chính –geopolitics- hay ít nhất như một phương pháp song song với phép cai trị. Chưa kể từ thời Cao Biền, khoa Phong Thủy bao gồm cả thuật chôn sống trinh nữ làm thần giữ kho vàng, mổ bụng người nhét chấu làm âm binh, lập đàn tế chiêu dụ thần núi thần sông rồi bất ngờ chém… Sau thời Minh thuộc có một vài hệ quả cần suy ngẫm : 
1-    Từ tk 15, quyền lực ngai vàng đi về phương Nam, họ Lê, gốc Mường Thanh Hóa, tiếp đến Lê-Trịnh -Tây Sơn, Nguyễn- CS miền Bắc, Quốc gia miền Nam… các vị nguyên thủ đều không phải gốc Bắc Lạc Việt Hồng Hà. Ngoại trừ hơn 60 năm nhà Mạc (1527-1592), khối dân Bắc Việt mất hẳn thế lực chính trị. Miền Bắc Lạc Việt chỉ còn giữ căn bản văn hóa làng xã, giới sĩ phu khoa bảng đa phần nhu nhược, bát sách, đa ngôn… hơn là chân trí thức. Phải chăng do Hoàng Phúc triệt hạ các đất đế vương đại địa nguyên thủ trên đất Bắc? Có thể vùng sâu, xa, như Thanh Hóa, Nghệ An…Hoàng Phúc không đủ thì giờ yểm triệt, hoặc Cao Biền không quan tâm vì cho là viễn châu thuộc Lâm Ấp, Chiêm, đất hẹp, sông nông, núi không cao…chăng ? Các thế đất phát của họ Lê vùng núi rừng Thanh-Lào, Tây Sơn vùng Cao nguyên Việt-Lào…đã không bị triệt yểm.
2-    Sau Lý, Trần, Mạc, công trình phục hưng văn minh Lạc Việt hơn 400 năm bị ngưng lại, ảnh hưởng Nho Tầu biến dần nước Nam thành một mảng văn hóa Tầu : Bụt thành Phật, hiền sĩ thành Nho sĩ, thiện trí thức thành Tiến với Cử phục vụ triều đình, Văn ôn Vũ luyện thành Tiên học Lễ hậu học Văn, nhất nhất đều tôn phù Bắc phương mà không quân bình Ấn-Trung, không phát huy Lệ Làng, đồng tôn, đồng quy, đồng tiến như trước.
3-    Sự yểm triệt phong thủy thường  tác hại được 300 năm hoặc 500 năm. Sang đến cuối tk 20, các mạch đất miền Bắc đã tái sinh động cải vận, một số nhân vật gốc Bắc đã lên được địa vị lãnh đạo, trong khi suốt 140 năm nhà Nguyễn (1802-1945), chỉ có một người gốc Bắc là Phạm Quỳnh (Hải Dương) làm tới Thượng Thư đệ nhất phẩm mà thôi, tới thời 1965 có Nguyễn Cao Kỳ (Sơn Tây) cũng chỉ làm tới Phó TT và Chủ tịch Hành pháp được vài năm ngắn ngủi. Nhưng các huyệt kết đại địa đế vương trên đất Bắc, bền vững như Hùng, Lý, Trần… vẫn chưa hội đủ Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa để chấn phát.

KẾT LUẬN
 - Tầu từ thời Tần Thủy Hoàng đến giờ chưa bao giờ biết đến dân chủ tự do, vẫn ngụp lặn trong vũng lầy phong kiến, loại phong kiên phi nhân, tàn bạo, coi rẻ mạng sống, khinh thị phụ nữ, tự cao miệt thị Man Di, lấy miếng ăn nặng hơn danh dự đạo đức (khác hẳn văn hóa Phật/Ấn Hy Mạ Lạp Sơn). Hán du mục máu săn bắn, to khỏe, ăn tươi nuốt sống, các lân bang Thần Nông như Việt, Thái, Lào…khó sống yên ổn với họ.

- Lối đồng hóa tiệm tiến, như tằm ăn dâu của Tầu ngày càng nguy hiểm : với mật độ dân số quá cao, nhiều nam hơn nữ, họ sẽ lấn đất khắp nơi, lập khu khai thác tài nguyên riêng, rồi lấy vợ xứ “man di” sinh con đẻ cái nhằm Hán hóa sau 2-3 đời, ngay ở Phi châu họ cũng không tha, chẳng nói gì tới Tây Tạng 6 triệu dân bị 20 triệu người Tầu đè nén, mang ác căn gieo lên thiện địa, lấy duy vật ép lên duy linh, mở hắc điếm trên đỉnh Tuyết sơn Hy mã !

- Việt Nam hiện nay bị hóc trong lưỡi liềm Tầu Cộng, không còn lá bài nào để đối kháng. Nhưng vận nước Nam ta còn dài, thánh nhân đại địa Ba Vì, Tam Đảo còn linh, mạch Cửu Long còn vượng, nên sẽ có lúc thiên lý xoay chuyển đến hội Long Hoa tứ hải lạc âu ca vậy.

Tham Khảo
-Việt Nam Sử Lược I-Trần Trọng Kim
-Nhìn Lại Sử Việt II-Lê Mạnh Hùng xb 2011 Tổ Hợp XB Miền Đông Hoa Kỳ
-Lịch Sử Việt Nam-Nguyễn Phan Quang, Võ Xuân Đàn xb 2000 VN
-Đại Việt SK Toàn Thư-Ngoại Kỷ-bản Nhượng Tống 1944 tái bản Đại Nam-Cali.
-Lịch sử VN tập III tk XV-XVI xb 2007 Viện Sử Học- VNcs
-Đại Cương LSVN-Trương Hữu Quýnh tập I- 2004 tái bản lần thứ 7-Giáo Dục,VNcs.
-Nguyễn Bá Lăng : Kiến Trúc Phật Giáo VN ( tr.156-57) và Chùa Xưa Tích Cũ.
- ĐVSK Toàn Thư, ĐVSK Tiền Biên, Khâm Định…
Ghi chú I :Việt Sử Siêu Linh-Lưu Văn Vịnh xb 1999 với thư tịch đầy đủ hơn về Địa Lý. ( gần đây khi đào vét khúc sông Tô Lịch, Cầu Giấy, tại Hà Nội còn thấy các công cụ yểm triệt cả 1000 năm trước như 8 bộ xương người, bát đĩa, 7 cọc đóng rất lạ theo hình đa giác đều, tấm gỗ có hình bát quát, và còn tác hại tới người đào vét, mũi khoan gãy 3 lần.. nhiều người bị tử vong kể cả nhà thầu, nhà sư lập đàn cúng tế (?) có thể đây là trận đồ trấn yểm sông Tô Lịch, mạch chính của thành Đại La, khí lực xuất từ Tản Viên sơn, Cao Biền từng chôn 4 tấn sắt, đồng để yểm triệt đền Bạch Mã (nay còn ở Hàng Buồm) là nơi thờ Thần sông Tô Lịch, đặt bùa 19 điểm trấn yểm dọc sông Tô Lịch là khí mạch chính của Đại La, Thăng Long. (Xem mạng về Thánh vật sông Tô Lịch 9/2001, gs Sử học Trần Quốc Vượng nhận rằng đây là trận đồ trấn yểm phong thủy).
Ghi chú II : Dân số Tầu đời Minh 1393 mới hơn 60 triệu, đến đời Thanh 1747 đã tăng lên gần 200 triệu. Toàn binh lực nhà Minh là 1tr.198.434 binh sĩ, con số 80 vạn quân sang đánh Việt là phô trương, vì chẳng lẽ lại mang 2/3 tòan lực sang xâm lăng, trong khi phía Bắc vẫn chưa yên (theo xét đoán của Whitmore nhà Minh sang đánh Việt với khoảng 215.000 quân.). Dân số Việt tk 15, khoảng 5 tr., chưa bằng 1/10 dân số Tầu (tra cứu từ Google).

3 nhận xét:

  1. Bai viet rat dang tin cay.

    Trả lờiXóa
  2. Đạo Khổng không làm được, nhưng đạo Mác sẽ làm được . Chúng ta hãy tin vào tính bách chiến bách thắng của đạo Mác, đạo Mác sẽ đồng hóa được dân tộc Việt .

    Trả lờiXóa
  3. bài này hay quá, thật đáng tin cậy!

    Trả lờiXóa