Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Sơ kết một năm tố cáo Đinh Đức Lập (1)

1. Ngày 17/6/2012, quan ngại về tình hình ngày càng xấu đi của báo Đại Đoàn Kết, có liên quan tới trách nhiệm người đứng đầu là ông Đinh Đức Lập, nhân kỷ niệm Ngày Nhà báo 21/6/2012,  tôi gởi cho Chủ tịch Huỳnh Đảm và các vị lãnh đạo khác của MTTQVN một lá thư.

Lá thư bày tỏ sự lo ngại và cảnh báo về một tương lai không mấy tươi sáng của báo Đại Đoàn Kết, bởi tình hình của báo hiện đang trở nên vô cùng tồi tệ về nhiều mặt, mà trách nhiệm thuộc về người đứng đầu là tổng biên tập Đinh Đức Lập. Chỉ sau hơn 3 năm trở thành người đứng đầu, ông Lập đã nhanh chóng đầy tờ báo lâm vào “bước đường cùng”, đang phải đối mặt với những nguy cơ mất uy tín chính trị, mất cân đối tài chính và mất đoàn kết nghiêm trọng.

Ngoài những tiêu cực cụ thể đã xảy ra dưới sự điều hành của ông Đinh Đức Lập, các cảnh báo cũng nhanh chóng trở thành sự thật khi mà việc sử dụng nhân sự mang tính gia đình trị, nhóm lợi ích của ông Lập đã tiếp tay cho chấu ruột của ong là Đinh Quang Sơn chiếm dụng nhiều tỷ đồng tiền góp vốn xây dựng chung cư của anh em báo Đại Đoàn Kết trong nhiều năm trời. Khi sự việc bị phát giác, ông Sơn đã bỏ trốn cho tới nay mà không phải chịu bất cứ hình thức kỷ luật nào.

Tình hình tài chính của báo Đại Đoàn Kết chỉ cần có một cuộc thanh  tra, kiểm toán đúng pháp luật, khách quan thì sẽ rõ. Còn tình trạng mất đoàn kết nghiêm trọng thì ngày càng quá rõ.

2. Ngày 24/6/2012, Phó tổng biên tập Nguyễn Quốc Khánh thực hiện ý kiến chỉ đạo của tổng biên tập Đinh Đức Lập, ký công văn số 03/BBT.ĐĐK mời tôi (Hữu Nguyên) ra tòa soạn ở Hà Nội để làm việc với nội dung trao đổi và làm rõ những nội dung trong lá đơn mà tôi gởi cho Chủ tịch Huỳnh Đảm.

Tôi đã từ chối không thực hiện yêu cầu phi lý này của Ban biên tập báo Đại Đoàn Kết. Vì các lý do sau:

-  Lá thư đề ngày 17/6/2012 do tôi đứng tên phản ánh một số tình hình đáng lo ngại của báo Đại Đoàn Kết có liên quan tới trách nhiệm của người đứng đầu là Tổng biên tập Đinh Đức Lập ghi rất rõ là gởi cho các vị Lãnh đạo của UBTƯMTTQVN, thư này không gởi cho Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết;

- Nội dung được nói tới trong thư cũng không phải là chuyện để “trao đổi và làm rõ” giữa cá nhân tôi và Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết. Cho nên, không có cơ sở để Tổng biên tập triệu tập tôi nhằm tổ chức một cuộc đối chất giữa cá nhân tôi và Tổng biên tập về bức thư nói trên. Cũng như tôi không có trách nhiệm phải giải trình với Tổng biên tập về những vấn đề được nêu trong thư (có liên quan tới trách nhiệm cá nhân của Tổng biên tập). Thẩm quyền làm rõ những tồn tại ở báo Đại Đoàn Kết liên quan tới trách nhiệm cá nhân của Tổng biên tập Đinh Đức Lập thuộc về cấp chủ quản là UBTƯMTTQVN. Vì vậy, nếu có một cuộc “trao đổi và làm rõ” giữa cá nhân tôi với người chủ trì là Tổng biên tập về nội dung lá thư phản ánh những tồn tại liên quan trực tiếp tới trách nhiệm cá nhân của Tổng biên tập thì đó là một việc làm hoàn toàn không khách quan, không có ý nghĩa vì không giải quyết được vấn đề gì;

- Trong hoàn cảnh kinh tế - tài chính hết sức khó khăn của báo Đại Đoàn Kết, thực hiện một chuyến đi tốn kém tiền bạc của tập thể nhưng lại thiếu cơ sở pháp lý và cũng không góp phần giải quyết được vấn đề gì cho thực trạng đáng buồn của báo Đại Đoàn Kết hiện nay thì đó chính là một sự lãng phí.

Do vậy, với trách nhiệm của một thành viên đang làm việc tại báo Đại Đoàn Kết, tôi thấy không cần thiết phải ra tận Hà Nội để tham gia một cuộc làm việc chỉ phục vụ cho cách hành xử chủ quan của Tổng biên tập Đinh Đức Lập, không mang lại hiệu quả gì cho yêu cầu giải quyết tận gốc các vấn đề mà tôi đã trình bày minh bạch lên cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý là các vị Lãnh đạo cao nhất của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam.

3. Ngày 10/7/2012, tôi chính thức làm đơn tố cáo theo quy định của Luật Tố cáo vừa có hiệu lực từ ngày 1/7/2012, tố cáo nhiều hành vi sai phạm, tiêu cực của ông Đinh Đức Lập tại báo Đại Đoàn Kết. Đơn được gởi tới các lãnh đạo của cơ quan chủ quản báo là Ủy ban TW MTTQ Việt Nam.

4. Ngày 23/7/2012, Phó chủ tịch UBTWMTTQVN Bùi Thị Thanh thay mặt Ban Thường trực ký công văn số 2666/MTTW-BTT gởi cho tôi thông báo Ban Thường trực UBTWMTTQVN đã nhận đơn tố cáo của tôi về các sai phạm của ông Đinh Đức Lập, tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết. Công văn khẳng định: “Ban Thường trực UBTWMTTQVN sẽ chỉ đạo tiến hành làm rõ”.

Một Tổ công tác nhằm kiểm tra giải quyết đơn tố cáo của tôi đã được Ban Thường trực UBTWMTTQVN thành lập. Tuy nhiên, Tổ công tác này cũng chỉ dừng lại ở mức độ kiểm tra thông tin, thẩm định chứng cứ và sau đó tham mưu cho Ban Thường trực xử lý và kết luận.

5. Ngày 16/8/2012, Tổ Công tác kiểm tra giải quyết đơn tố cáo vào TP. Hồ Chí Minh làm việc với tôi về các nội dung của đơn tố cáo ông Đinh Đức Lập. Thành phần của Tổ Công tác gồm có: Ông Lê Bá Trình (Phó chủ tịch UBTWMTTQVN, phụ trách khối báo và tạp chí của MTTQVN); ông Nguyễn Anh Xuân (Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy UBTWMTTQVN) và bà Phạm Thị Hương (chuyên viên của Ban Dân chủ & Pháp luật UBTWMTTQVN).

Buổi làm việc đã đi tới sự nhất trí cao về 9 vấn đề sai phạm của ông Đinh Đức Lập bị tố cáo.

Sau một thời gian khá dài kiểm tra, xác minh và thu thập tư liệu, bằng chứng, Tổ Công tác đã có văn bản kết luận (nghe nói) dày khoảng 56 trang A4 khẳng định hầu hết các nội dung tố cáo của tôi đối với ông Đinh Đức Lập là đều có cơ sở.

Tổ Công tác đã trình báo cáo kết quả kiểm tra các nội dung tố cáo này cho lãnh đạo Đảng và Ban Thường trực của MTTQVN. Ngay sau đó, bản báo cáo được chỉ đạo làm lại, rút ngắn xuống còn trên dưới 10 trang hết sức chung chung.

6. Ngày 10/1/2013 tôi được Ủy ban kiểm tra Đảng ủy cơ quan Trung ương MTTQVN mời ra Hà Nội để nghe Thông báo kết luận giải quyết đơn tố cáo của tôi đối với ông Đinh Đức Lập. Tôi phải tự chịu tất cả các chi phí đi lại bằng máy bay và ăn nghỉ từ TP.HCM ra Hà Nội trong suốt thời gian được mời ra nghe thông báo này.

Tại buổi làm việc này, có mặt ông Lê Bá Trình (Phó chủ tịch UBTWMTTQVN, Tổ trưởng tổ công tác), bà Bùi Thị Thanh (Phó chủ tịch, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra), ông Nguyễn Anh Xuân (Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra), bà Phạm Thị Hương (chuyên viên Ban Dân chủ - Pháp luật MTTQVN), bà ...Hồng (Cán bộ của Ban DC-PL) và tôi.

Tôi chỉ được nghe bà Hương đọc các văn bản kết luận (được cho là của Đảng Đoàn MTTQVN) trong đó hầu hết (khoảng 80%) nội dung tố cáo của tôi được ghi nhận là có cơ sở. Những nội dung khác một phần do Tổ công tác chưa có thời gian để thu thập tư liệu chứng cứ, một phần khác vượt quá khả năng chuyên môn của Tổ công tác nên chưa thể kết luật. Tuyệt nhiên không có bất kỳ một dòng, một chữ nào trong kết luận mà tôi được đọc cho nghe khẳng định rằng tôi tố cáo sai, tố cáo không đúng.

Tôi đã phát biểu ý kiến không đồng tình về cách công bố kết luận giải quyết đơn tố cáo như thế này của lãnh đạo MTTQVN. Ngay tại cuộc họp tôi đã chính thức yêu cầu lãnh đạo MTTQVN cung cấp kết luật giải quyết tố cáo cho tôi bằng văn bản theo quy định của pháp luật.

Ngay sau đó, tôi đã làm đơn gởi lãnh đạo MTTQVN đề nghị cung cấp kết luận giải quyết tố cáo cho tôi bằng văn bản.

Thế nhưng, cho tới thời điểm này tôi vẫn chưa hề nhận được bất kỳ sự hồi đáp nào của lãnh đạo MTTQVN về yêu cầu chính đáng và phù hợp với quy định của pháp luật này của tôi.

Điều này có nghĩa, theo quy định của pháp luật cho tới thời điểm này việc giải quyết đơn thư tố cáo của tôi đối với ông Đinh Đức Lập là chưa kết thúc. Bởi vì, cho tới nay vẫn chưa có văn bản kết luận nào của cơ quan đủ thẩm quyền theo quy định của pháp luật và người tố cáo cũng chưa nhận được bất kỳ văn bản kết luận nào của cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

(Còn tiếp)


Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Nguyễn Trãi & Nguyễn Bỉnh Khiêm


Thu Tứ

NGUYỄN TRÃI 
Ở thế nhiều phen 
Đêm nguyệt trà mai 
Đêm thanh nguyệt bạc 
Kìa nước nọ không 
Đun một nồi hương 
Bui một lòng người 
Mượn đắp lấy hơi 
Anh hùng ôm hận 
Lơ lửng bên sông


NGUYỄN BỈNH KHIÊM 
Uống rượu gốc cây 
Tréo cẳng hiên mai



Nguyễn Trãi (1380-1442) và Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) cuộc đời và tâm sự rất khác nhau. Nhưng lại giống nhau ở chỗ cùng có làm thơ tiếng Việt vào cái thời mà hiếm trí thức Việt chịu sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ. Những bài thơ tiên phong đáng trân trọng của Người Côn Sơn và Người Am Mây Trắng về nội dung có chỗ tương phản đáng chú ý. Vì số tác phẩm liên hệ không nhiều, để tiện đối chiếu ở đây xin bàn về cả hai trong một lần.

Nguyễn Trãi cáo quan về Côn Sơn năm 58 tuổi, với tâm trạng chán nản cực độ về chính sự và lòng người. Bài Ở Thế Nhiều Phen, làm khi mới ngoài 40 tuổi, cho thấy rõ điều đó. Ngoài ra, những câu thơ sau đây cũng cho thấy rõ điều đó:

"Góc thành nam lều một gian 
No nước uống thiếu cơm ăn 
(...) 
Triều quan chẳng phải ẩn chẳng phải 
Góc thành nam lều một gian",

"Lan huệ chẳng thơm thì chớ 
Nỡ chi lại phải chốn tanh tao",

"Khó ngặt qua ngày, xin sống!"

Sen giữa bùn vẫn cốt cách:

"Khó khăn phải đạo, cháo càng ngon",

vẫn tinh thần:

"Có xạ tự nhiên mùi ngát bay 
Lọ là đứng gió vung tay",

"Nước càng tuôn đến, biển càng cả, 
Đất một trùng thêm, núi một cao".


Nhưng hoàn cảnh khó rồi khó thêm. Người có nhân cách cao bắt đầu trăn trở nên tiếp tục ở hay nên về:

"Cốt lãnh hồn thanh chăng khứng hóa", 
"Lưng khôn uốn, lộc nên từ".


Ngẫm đi nghĩ lại, Nguyễn quyết định "từ":

"Rũ bao nhiêu bụi, bụi lầm 
Giơ tay áo đến tùng lâm".


Về đến rừng tùng Côn Sơn, Nguyễn bắt đầu vui cảnh, "vui đạo quên nghèo" , thơ những bài như Đun Một Nồi Hương, Đêm Thanh Nguyệt Bạc, Kìa Nước Nọ Không. Nhưng, ít nhất trong một hai năm, Nguyễn chưa quên hẳn được chuyện cũ, nên trong thơ gió mây trăng núi vẫn thi thoảng có chen đời, chen người, như những bài Đêm Nguyệt Trà Mai, Bui Một Lòng Người.

Lẽ ra rồi tất cả sẽ nguôi ngoai. Oan nghiệt. Người đã lui mà đời vẫn "tới". Không đầy hai năm sau khi Nguyễn Trãi xin về trí sĩ, vua Lê Thái Tông tỏ ý muốn trọng dụng vị lão thần. Nguyễn vui vẻ nhận lời. Để chỉ vỏn vẹn ba năm sau đó, bị tru di tam tộc!

So với đời Nguyễn Trãi, đời Nguyễn Bỉnh Khiêm suông sẻ lắm. Trước năm 45 tuổi, thấy nước loạn lạc, Nguyễn ở ẩn. Năm 45 tuổi đi thi, đỗ Trạng Nguyên, làm quan, bảy năm sau cáo quan, về tiếp tục ở ẩn, 43 năm nữa mới qua đời. Tính ra, Nguyễn này sống gần trăm năm thì ở ẩn sơ sơ cũng gần hết trăm năm!

Kể từ khi đỗ Trạng đến khi chết, hàng nửa thế kỷ, Nguyễn Bỉnh Khiêm lúc nào cũng được trọng vọng. Nước chia Mạc, Nguyễn, Trịnh, thì cả Mạc, Nguyễn, lẫn Trịnh tương truyền đều từng xin ý kiến chủ am Mây Trắng về chuyện trọng đại nhất của mình.

Người chuyên sống xa "chốn lao xao", "chốn xôn xao", thơ tự nhiên cũng trăm phần trăm vô tư:

"Khát uống trà mai hương ngọt ngọt 
Giấc nằm hiên nguyệt gió hiu hiu".


Trở lại với Nguyễn "Số Đen". Đời càng bất như ý, càng dễ nẩy cảm xúc mạnh. Cảm xúc càng mạnh, nghệ phẩm càng dễ hay. Có lẽ một phần vì thế mà thơ Nguyễn Trãi trội hơn thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Về hình thức, thơ Nguyễn Trãi lắm bài câu sáu chữ chen giữa câu bảy chữ, có khi nhiều hơn câu bảy chữ.

Những câu sáu nhiều lúc khiến thơ có một phong cách rắn rỏi khác thường rất hợp với tính tình, tâm trạng người làm thơ!

Ở đây, hình thức thơ hợp với nội dung đến nỗi ta tự hỏi liệu cái nội dung ấy có thể diễn bằng bất cứ thể thơ hoàn chỉnh nào cho hiệu quả hơn được chăng. Thậm chí, ta tự hỏi liệu cái nội dung ấy không biết có nhà thơ nào viết thành thơ hay hơn được chăng!

Cuối cùng, xin lưu ý thơ trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi và Bạch Vân quốc ngữ thi của Nguyễn Bỉnh Khiêm không có nhan đề. Tất cả nhan đề trong bài viết này đều do người chọn tạm đặt.

Ở thế nhiều phen

Người tuổi "ngoại tư mươi" dù sống một cuộc đời bình thường thì cũng đã từng trải, già dặn lắm rồi. Huống gì Nguyễn Trãi là người hẳn đã sống một cuộc đời đầy trôi nổi, va chạm. Khi làm bài thơ này, ông chắc chắn đã hết sức quen thuộc với nhân tình thế thái. Quen và chán đến tận cổ, cho nên:

"Phượng những tiếc cao, diều hãy lượn".

Tiếc cao, muốn tiếp tục lượn, nhưng vì đại nghĩa phượng đành sà xuống thấp, đáp lẫn với gà.

Nguyễn Trãi ngoài bốn mươi thì khởi nghĩa Lam Sơn đang ở vào khoảng giữa. Ngay trong kháng chiến, "hoa" đã "hay héo". Kháng chiến thành công, hoa càng thường xuyên ủ rủ, để đến khoảng mười năm sau đó thì rời Thăng Long về ẩn tại Côn Sơn...

Ở thế nhiều phen thấy khóc cười 
Năm nay tuổi đã ngoại tư mươi 
Lòng người một sự yêm chưng một 
Đèn khách mười thu lạnh hết mười 
Phượng những tiếc cao, diều hãy lượn 
Hoa thì hay héo, cỏ thường tươi 
Ai ai đều có hai con mắt 
Xanh bạc dầu chưng mặt chúng ngươi.(1)


Đêm nguyệt trà mai

"Trà mai" là thứ trà gì mà trước Nguyễn Trãi uống rồi sau Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng uống: "Khát uống trà mai hương ngọt ngọt"? Chắc không làm mất ngủ vì có thể uống ban đêm, có phải thực trà không? Có phải thức uống ưa thích của ẩn sĩ không?

Bài thơ này hẳn làm ở Côn Sơn, khi người làm đã thôi "đeo khổ nhục"...

Trà mai đêm nguyệt dậy xem bóng 
Phiến sách ngày xuân ngồi chấm câu 
Dưới công danh đeo khổ nhục 
Trong dầy dãi có phong lưu


Đêm thanh nguyệt bạc

Bài thơ này tiếng Việt có mấy chỗ lạ. Có chỗ đoán được, như "khóm" là xóm, "đó" là đỏ; có chỗ thì chịu, như "tằm ôm lúc nhúc". Ngoài ra, thơ dùng "trì" Tàu thay vì "ao" Việt...

Thời gian và lịch sử cản trở ta thưởng thức trọn vẹn thơ xưa của ta. Nhưng tuy không được trọn, niềm vui khi đọc thơ vẫn đáng kể. Ta có thể "thấy" được những hình ảnh, "nghe" được những âm thanh, "ngửi" được những mùi hương của buổi chiều nơi cái xóm chài hẻo lánh nào đó chứ. Nhất là hai câu

"Đêm thanh nguyệt bạc khách lên lầu"
"Dặng dõi cầm ve lầu tịch dương"

rất gợi, sờ sờ bóng dáng, tâm sự người viết nên câu...

Tằm ôm lúc nhúc thuyền đầu bãi 
Hào chất so le khóm cuối làng 
Nuớc biếc non xanh thuyền gối bãi 
Đêm thanh nguyệt bạc khách lên lầu 
Thạch lựu hiên còn phun thức đó 
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương 
Lao xao chợ cá làng ngư phủ 
Dặng dõi cầm ve lầu tịch dương.(2)


Kìa nước nọ không

Sáng sớm sương kín mặt hồ, xuống thuyền chèo mấy nhát ngoảnh lại không thấy bờ đâu, gác chèo, không biết mình đang trên hồ hay trong mây!

Trời nghi ngút nước mênh mông 
Hai ấy cùng xem một thức cùng 
Lẻ có chim bay cùng cá nhảy 
Mới hay kìa nước nọ hư không.


Đun một nồi hương

"Ở thế nhiều phen thấy khóc cười". Nguyễn Trãi chán thấy, xin được thôi ở.

"Rũ bao nhiêu bụi, bụi lầm 
Giơ tay áo đến tùng lâm".


Ra khỏi triều đình, giũ bụi khỏi áo, rồi giơ tay áo lên mà đứng trên mây bay về rừng thông như một ông tiên!

Tiên về núi thì

"Dầu phải dầu chăng mặc thế 
Đắp tai biếng mảng sự vân vân".


Nghe chi "sự vân vân" nữa, phải quá.

Trong "con am" thanh vắng, kẻ ở ẩn khi ra xem hoa nở trước sân, khi vào thăm nồi hương đang sôi riu riu cạnh giường. Ngắm đẹp ngửi thơm, tất có làm thơ. Hễ nên thơ đắc ý:

"Ngâm được câu thần, dửng dửng ca".

Chỉ kết bạn với vượn với chim, chỉ gẩy đàn, đọc sách, xem hoa, ngửi hương, thi thoảng dửng dửng ca, thế mà ngày tháng trên non rồi cũng không được "trường".

Giậu thưa thưa, hai khóm cúc 
Giường thấp thấp, một nồi hương 
Vượn chim kết bạn non nước quạnh 
Cầm sách cùng nhau ngày tháng trường.


Bui một lòng người

Chiều hôm đủng đỉnh dạo núi, "trông thế giới phút chim bay", trông non non nước nước mây mây cây cây trăng trăng gió gió...

Dễ tưởng người đi dạo sắp hóa mây hóa gió trôi bay xa khỏi chốn "bụi lầm". Nhưng không, người trông mây "thuộc" núi, trông gió "hay" cây, rồi người nghĩ đến một cái hết sức khó thuộc khó hay:

"Bui một lòng người cực hiểm thay!".

Đời trót đã bước vào, không phải cứ hễ bước ra là quên ngay được.

Đủng đỉnh chiều hôm dắt tay 
Trông thế giới phút chim bay 
Non cao non thấp mây thuộc 
Cây cứng cây mềm gió hay 
Nước mấy trăm thu còn vậy 
Nguyệt bao nhiêu kiếp nhẫn này 
Ngoài chưng mọi chốn đều thông hết 
Bui một lòng người cực hiểm thay!(3)


Mượn đắp lấy hơi

Thời Nguyễn Trãi mà văn chương trí thức đã lãng mạn vậy sao. Sao không, trước Nguyễn Trãi nhiều trăm năm, Lý Bạch bên Tàu đã có thơ thẩn rằng từ ngày em đi chăn gấp để giữa giường không dùng, ba năm rồi mà hương còn phảng phất (bài Ký Viễn)...

Nhưng quả thực Nguyễn Trãi không hay nhắc đến "khách lầu hồng" trong thơ mình đâu. Hình như chỉ có một lần này thôi. Hẳn làm khi chưa cùng Thị Lộ về ở Côn Sơn...

Loàn đan ướm hỏi khách lầu hồng 
Đầm ấm thì thương kẻ lạnh lùng 
Ngoai ấy dầu còn áo lẻ 
Cả lòng mượn đắp lấy hơi cùng.(4)


Anh hùng ôm hận

"Sông lặng lặng", "lá xao xao", trên trời treo một mảnh băng, dưới đất dựng một cái bóng...
Tứ Nguyễn Trãi, lời Xuân Diệu, tưởng Nguyễn Trãi có sống dậy mà đọc, chắc cũng phải ưng!(5)

Kim cổ không cùng, sông lặng lặng 
Anh hùng ôm hận, lá xao xao 
Quay về một bóng lan can tựa 
Trăng sáng như băng trời biếc treo.


Lơ lửng bên sông

Về bài thơ nổi tiếng sau đây, Hoài Thanh viết: "... đã có lúc chúng ta ngờ không biết có phải thơ Nguyễn Trãi không vì lời thơ hình như quá mới. Nhưng sau khi đọc tập thơ nôm Nguyễn Trãi, tôi lại nghĩ bài thơ này ý thơ cũng rất có thể bắt nguồn từ thơ Nguyễn Trãi."(6) Tức sau cũng như trước, Hoài Thanh vẫn thấy "lời (...) hình như quá mới", do đó thơ khó lòng là của...

Theo một số nhà nghiên cứu, thể lục bát chỉ mới xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ 15, sau khi Nguyễn Trãi qua đời. Có thể khi Nguyễn Trãi còn sống, lục bát đã phôi thai. Nhưng Lơ Lửng Bên Sông lại sáu-tám rất "nhuyễn", không giống thứ lời phôi thai. Cho nên hẳn không phải là thơ Nguyễn Trãi.

Không biết ai đã "vay" tứ cũ để làm thơ "mới" thế này.

Chiếc thuyền lơ lửng bên sông 
Biết đem tâm sự ngỏ cùng ai hay 
Chắc chi thiên hạ đời nay 
Mà đem non nước làm rầy chiêm bao 
Đã buồn về trận mưa rào 
Lại đau về nỗi ào ào gió đông 
Mây trôi nước chảy xuôi dòng 
Chiếc thuyền hờ hững trên sông một mình.


Uống rượu gốc cây

Bạch Vân quốc ngữ thi văn bản tam sao thất bổn, có thể nhiều sai sót...

Bài sau đây có lẽ được nhiều người biết nhất. Tắm mát rồi ngồi gốc cây... khà, ở ẩn như Trạng Trình tưởng những kẻ lăn lộn theo phú quý không khỏi có lúc ước ao.

Một mai một cuốc một cần câu 
Thơ thẩn dù ai vui thú nào 
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ 
Người khôn người đến chốn lao xao 
Thu ăn măng trúc đông ăn giá 
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao 
Rượu đến cội cây ta sẽ uống 
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.


Tréo cẳng hiên mai

Cái ông già ưa ăn măng, ăn giá, tắm hồ sen, tắm ao, ưa ngồi uống rượu dưới gốc cây, cái ông đó chắc đã đạt đạo nên mới hóa hồn nhiên như trẻ thơ, mới dựa "cửa trúc vỗ tay cười khúc khích", mới nằm "hiên mai tréo cẳng hát nghêu ngao".

Ủa, ai nói Nguyễn Bỉnh Khiêm nằm tréo cẳng trước hiên? Chưa ai nói, mình nói thử chơi. Ngồi mà tréo cẳng thì ra dáng ngang tàng, còn nằm mà tréo cẳng thì ra dáng thoải mái. Trạng Trình ưa thoải mái, chứ đâu có ngang, vậy chắc ông đã nằm...

Tưởng tượng người "nép mình qua trước chốn xôn xao", người ấy về đến am Mây Trắng bèn nằm khểnh trước hiên hát chơi, hát một lúc thì "mấy sự bên tai gió thoảng ào", người luôn tiện chợp mắt! Sống như vậy, trách nào sống đến sơ sơ 95 tuổi!

Nép mình qua trước chốn xôn xao 
Mấy sự bên tai gió thoảng ào 
Cửa trúc vỗ tay cười khúc khích 
Hiên mai tréo cẳng hát nghêu ngao 
Lo le đã vậy thời dầu vậy 
Vặt vãnh màng bao sá quản bao 
Chẳng hết trung cần hai chữ ấy 
Nhờ ơn đất rộng cậy trời cao.


___________

(1) Yêm (yếm): chán; xanh bạc: người xứng đáng thì mình nhìn bằng mắt xanh, người không xứng đáng thì mình nhìn bằng mắt trắng.
(2) Khóm: xóm; đó: đỏ?; trì: ao; tiễn: đưa (theo Xuân Diệu, trong Ba thi hào dân tộc, nxb. Thanh Niên, VN, 2000).
(3) Bui: duy.
(4) Loàn đan: lăng loàn, mạo muội; cả lòng: rộng lòng (theo Hoài Thanh, trong Tuyển tập Hoài Thanh, tập II, nxb. Văn Học, VN, 1982, tr. 41).
(5) Bài này từ Ức Trai thi tập (Hán văn), Xuân Diệu dịch, in trong sách đã dẫn.
(6) Hoài Thanh, sách đã dẫn.


ĐINH ĐỨC LẬP TIẾP TỤC SA THẢI NGƯỜI TỐ CÁO


Vụ Đinh Đức Lập: 

Ngang nhiên thách thức pháp luật, tiếp tục sa thải người tố cáo 

Ngày 1/7/2013, trên FB của mình, luật sư Trần Đình Triển có bài Vì sao báo chí vẫn chưa vào cuộc bảo vệ đồng đội”, sau đó được Teu đăng lại (http://xuandienhannom.blogspot.com/2013/06/luat-su-tran-inh-trien-bat-au-oc-ho-so.html). Nội dung bài viết nêu rõ các dấu hiệu sai phạm của ông Đinh Đức lập – Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết theo nội dung đơn tố cáo của bà Đặng Thị Kim Ngân - Phó Trưởng Ban Khoa giáo báo Đại Đoàn Kết. 


Thể theo đơn đề nghị bảo vệ, Văn phòng luật sư Vì Dân đã làm các thủ tục các thủ tục cần thiết để luật sư Trần Đình Triển có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Đặng Thị Kim Ngân – Phó Trưởng Ban Khoa giáo báo Đại Đoàn Kết đang bị Ban biên tập báo Đại Đoàn kết tìm mọi cách để trả thù, kỷ luật. 


Thế nhưng, ngày 8/7/2013 và ngày 11/7/2013, luật sư Trần Đình Triển đến trụ sở báo Đại Đoàn Kết để làm việc cùng Hội đồng kỷ luật báo Đại Đoàn Kết thì đều bị bảo vệ ngăn lại. Họ nói: Lãnh đạo không cho luật sư Trần Đình Triển vào, vì đây là chuyện nội bộ cơ quan. Nếu muốn gặp, luật sư phải đợi đến cuối giờ, sau khi Hội đồng làm việc xong thì sẽ tiếp.


Chiều 11/7/2013, trong phòng họp cơ quan, Phó Trưởng Ban Khoa giáo Đặng Thị Kim Ngân đã tuyên bố trước toàn thể Hội đồng kỷ luật: “Tôi là người đã tố cáo ông Đinh Đức Lập từ tháng 5/2012 nhưng cho đến nay chưa được giải quyết tố cáo theo quy định. Vì kiến thức pháp luật còn hạn chế nên tôi đã phải nhờ đến Văn phòng luật sư Vì dân, luật sư Trần Đình Triển để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tôi. Luật sư Triển đã có công văn đề nghị Ban biên tập, Hội đồng kỷ luật cung cấp bằng chứng liên quan về các sai phạm của tôi nhưng không được đáp ứng. Ngày 8/7/2013 và ngày hôm nay 11/7/2013, dù không có giấy mời, nhưng qua tôi thông báo, luật sư Triển đã tới để tham dự cuộc họp nhưng Ban biên tập và Hội đồng kỷ luật vẫn không cho vào. Vì vậy, tôi xin để lại Đơn Khiếu nại này và không tham dự cuộc họp nữa, vì nó vi phạm pháp luật…”.


Bí thư chi bộ, Phó Tổng biên tập Nguyễn Quốc Khánh – Chủ tịch Hội đồng kỷ luật nói: “Chị Ngân đã đến dự họp thì nên tham dự. Tôi nghĩ đây là một cuộc sinh hoạt chính trị rất ý nghĩa”.


Bà Ngân khước từ và ra khỏi phòng.


Ngay hôm sau, 12/7/2013,  ông Lập đã ký Quyết định kỷ luật Phó trưởng Ban Khoa giáo Đặng Thị Kim Ngân với hình thức; Buộc thôi việc.


Bà Ngân vừa nhận được Quyết định này và gửi cho chúng tôi.


Như vậy, cả ba nhà báo, ba lãnh đạo Ban của báo Đại Đoàn Kết chỉ vì tố cáo tiêu cực của ông Lập nên đã bị ông Lập trả thù, ra Quyết định: Buộc thôi việc.


Trong khi ông Lập và Hội đồng kỷ luật chưa kịp thở phào thì nhận luôn được Thông báo số 41/TB-MTTW-ĐĐ đề ngày 8/7/2013 của Đảng Đoàn Mặt trận tổ quốc Việt Nam (Thông báo do bà Bùi Thị Thanh ký). Nội dung ghi rõ: Đảng Đoàn giao cho hai Ủy viên Đảng đoàn (là hai Phó Chủ tịch) là: Ông Lê Bá Trình – Phụ trách khối báo và tạp chí MTTQ và bà Bùi Thị Thanh – Chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm tra Đảng ủy – Phụ trách tổ chức MTTQ làm việc với Ban Biên tập báo Đại Đoàn Kết về hành vi tự ý kỷ luật một số lãnh đạo Ban của báo mà không báo cáo Đảng Đoàn và Ban Thường trực MTTQ.
P. V


Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A: Vì sao Đức Long Gia Lai quyết liệt làm cho bằng được?

Trong khi dự án thủy điện Đak Se Pay của Công ty Đầu tư và Phát triển điện năng Đức Long Gia Lai vừa bị tỉnh Gia Lai quyết định thu hồi vì không triển khai đúng tiến độ như đã cam kết, vi phạm Luật Đầu Tư thì công ty này vẫn quyết liệt đeo bám dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Phân tích dưới đây của các chuyên gia cho thấy sự tính toán mang tính lợi ích nhóm trong vụ này không khéo sẽ thành ra "tính già hóa non".
“Theo một số chuyên gia thuỷ điện giàu kinh nghiệm, thì lý do chính vẫn muốn giữ 2 dự án trên chỉ vì những cấp có thẩm quyền ra quyết định nghĩ rằng thời gian hoàn vốn nhanh so với các dự án thuỷ điện ở những lưu vực khác. Tuy nhiên, người ta quên một điều là vì sao dự án thuỷ điện trên sông Đồng Nai trước đây thu hồi vốn nhanh? Lý do: thời gian đó chưa có đánh giá tác động môi trường, còn nếu phải trả thêm chi phí để phục hồi môi trường thì chắc chắn sẽ cân nhắc có nên giữ lại dự án đó không? Đấy là chưa kể những thiệt hại không thể tính được về mặt bảo tồn di sản” - (GS. TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tich Hội Thuỷ lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi nói)


Thủy điện Đồng Nai 6;6A: Lý lẽ khoa học dễ bị bác bỏ


(ĐVO) – "Hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A cần phải xem xét kỹ, xuất phát từ lợi ích chung chứ không nên vì lợi ích của một nhóm người vì đây là tài nguyên của đất nước".




PGS. TS. Phan Kỳ Nam, nguyên Chủ nhiệm khoa thủy điện, Đại học thủy lợi Hà Nội chia sẻ với Đất Việt liên quan đến 2 dự án thủy điện gây nhiều tranh cãi thời gian qua.

Cố làm vì thu hồi vốn nhanh?

Liên quan đến 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A do Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư đang gây nhiều tranh cãi, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa tiếp tục có cuộc khảo sát để làm rõ.


Đoàn cán bộ của Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng một số nhà khoa học và cán bộ môi trường tỉnh Đồng Nai đã đi thực địa tại 4 xã xung quanh dự án, gồm: Đồng Nai Thượng, Phước Cát 2 (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng); Đồng Nai (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) và Hưng Bình (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông).



Các nhà khoa học khảo sát tại Vườn Quốc gia Cát Tiên, nơi dự định sẽ xây dựng 2 nhà máy thủy điện Đồng Nai 6 và 6A
Các nhà khoa học khảo sát tại Vườn Quốc gia Cát Tiên, nơi dự định sẽ xây dựng 2 nhà máy thủy điện Đồng Nai 6 và 6A
Sở dĩ dự án này có nhiều ý kiến trái chiều nhưng chưa đi đến hồi kết là vì có khúc mắc ở đây. Theo GS. TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tich Hội Thuỷ lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, khi ra quyết định loại bỏ hàng trăm dự án, Bộ Công thương đã phải tổng kết và cân nhắc nên bỏ cái nào, giữ cái nào.

"Theo một số chuyên gia thuỷ điện giàu kinh nghiệm, thì lý do chính vẫn muốn giữ 2 dự án trên chỉ vì những cấp có thẩm quyền ra quyết định nghĩ rằng thời gian hoàn vốn nhanh so với các dự án thuỷ điện ở những lưu vực khác", GS Hồng nói.


Tuy nhiên, GS Hồng cũng lưu ý: "Người ta quên một điều là vì sao dự án thuỷ điện trên sông Đồng Nai trước đây thu hồi vốn nhanh? Lý do: thời gian đó chưa có đánh giá tác động môi trường, còn nếu phải trả thêm chi phí để phục hồi môi trường thì chắc chắn sẽ cân nhắc có nên giữ lại dự án đó không? Đấy là chưa kể những thiệt hại không thể tính được về mặt bảo tồn di sản’, ông Hồng nói.


PGS.TS. Phan Kỳ Nam cũng cho rằng, làm thủy điện thu hồi vốn nhanh nhưng phải trình bày báo cáo đánh giá tác động cho kỹ để thấy được gì, mất gì. Ở Việt Nam đã  có nhiều dự án thông qua nhưng đôi lúc làm lấy lệ, sau này rất thiệt hại.


"Tức là quy trình làm thì đúng nhưng làm qua loa, không đạt cuối cùng thành tai hại, thủy điện mang tiếng. Phải xuất phát từ lợi ích chung chứ không nên vì lợi ích của một nhóm người vì đây là tài nguyên của đất nước. Vì một nhóm người có tiền bỏ ra làm mà không quan tâm đến người khác là không được", PGS Nam nói.


Nhà đầu tư phải lo điều tiết nguồn nước?


Theo TS Đào Trọng Tứ, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ khiến hệ thống sông bị nhiều ảnh hưởng của tài nguyên nước. Còn ảnh hưởng tới môi trường, môi sinh như thế nào thì đã quá rõ qua nhiều ý kiến phản biện cũng như quan điểm của tỉnh Đồng Nai từng nêu.


Về sông Đồng Nai, nơi GS Vũ Trọng Hồng đã từng gắn bó nhiều năm nên ông tỏ ra lo ngại: Đó là nguồn sống không chỉ cho Đồng Nai mà còn cả cho TP. Hồ chí Minh. Đó là nguồn nước ngọt phong phú duy nhất cho cả một vùng rộng lớn.


"Hơn thế nữa khi nước biển dâng cao thì lấy đâu để có nước đẩy mặn, bởi chủ đầu tư không phải nhà nước. Luật pháp nào ràng buộc họ phải xả nước cho hạ du khi nhà nước đã phê duyệt cho họ quyền điều hành nhà máy. (Bài học thuỷ điện và nguồn nước cho nông nghiệp ở Quảng Nam, Đà Nẵng vừa qua", GS Hồng lo ngại.


Khi hệ thống Đồng Nai vốn đã dày thủy điện nay lại có thêm hồ chứa của Đồng Nai 6 và 6A (nếu được triển khai) sẽ bất lợi cho cộng đồng hạ du về nhiều mặt.


"Chính phủ phải thấy rõ điều này và cần hỗ trợ bồi hoàn những thiệt hại đó, bởi những tác hại sẽ kéo dài nhiều năm, mà chủ đầu tư lúc đó đã hết trách nhiệm bảo hành", ông Hồng phân tích.


Chia sẻ về những thông tin liên quan đến 2 dự án này, GS Hồng cũng không giấu giếm: "Theo tôi biết vườn quốc gia Cát Tiên đang được Uỷ ban di sản thế giới xem xét để công nhận và phía Việt Nam cũng chưa muốn đưa vào ngay. Điều này có nghĩa những lý lẽ trên của các nhà khoa học dễ bị bác bỏ. Theo tôi nghĩ UBND tỉnh, nên mời tư vấn của các chuyên gia có kinh nghiệm, đánh giá kỹ xem tác động của dự án có những bất lợi gì cho sự phát triển kinh tế - xã hội (bao gồm cả hệ lụy môi trường) để mời chủ đầu tư và các nhà khoa học tranh luận, có sự chứng kiến của chính phủ. Để từ đó chính phủ sẽ điều chỉnh dự án nếu thấy hợp lý.



Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang:


Thông qua kết quả làm việc của Hội đồng thẩm định và khảo sát thực tế tại hiện trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận thấy, mặt tích cực của dự án là: sẽ sản xuất ra 929,16 triệu kWh và nộp thuế hàng năm cho ngân sách khoảng 300 tỷ đồng; phát triển hạ tầng giao thông và các điều kiện kinh tế - xã hội, đời sống cộng đồng dân cư khu vực thực hiện dự án; điều hòa dòng chảy của đoạn sông Đồng Nai sau khi qua công trình Thủy điện Đồng Nai 5.




Tuy nhiên, một số vấn đề môi trường có liên quan của dự án vẫn chưa được đánh giá đầy đủ, thỏa đáng trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường.



Thứ nhất, hai dự án sẽ làm mất vĩnh viễn 372,23 ha đất rừng, trong đó có 128,37 ha đất ở khu Cát Lộc thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên. Mặc dù trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã cam kết trồng rừng bồi hoàn diện tích rừng bị tổn thất song lại chưa nêu được vị trí cụ thể và trồng loại cây gì.

Thứ hai, trên đoạn sông dự kiến xây dựng các công trình thủy điện Đồng Nai 6 và 6A có cá chình hoa là loài quý hiếm có nguy cơ bị hủy diệt nhưng trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa đề ra được biện pháp bảo vệ, bảo tồn.

Thứ ba, hệ sinh thái thủy sinh dọc đoạn sông Đồng Nai từ đập đến hồ Trị An sẽ bị tác động mạnh bởi việc xây dựng các công trình Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, tuy nhiên nếu không thực hiện các dự án này thì cũng sẽ chịu tác động bởi công trình thủy điện Đồng Nai 5.

Thứ tư, các dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nằm trong Di tích quốc gia đặc biệt Vườn quốc gia Cát Tiên nên sẽ có những tác động bất lợi đến khu vực này, mức độ tác động sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các biện pháp quản lý thi công xây dựng của các dự án.

Thứ năm, việc thực hiện các dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ tác động đến sinh kế của người dân sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và đánh bắt cá vùng hạ du, đặc biệt là các dân tộc ít người như: Châu-ro, Mạ, Xtiêng, Mnông…


Gia Lai thu hồi thêm năm dự án thủy điện


[Trong đó có dự án thủy điện Đak Se Pay của Công ty Đầu tư và Phát triển điện năng Đức Long Gia Lai]



NDĐT - Ngày 18-7, UBND tỉnh Gia Lai đã ra các Quyết định số 370, 371, 372/QĐ-UBND về việc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, chấm dứt hoạt động dự án đối với năm dự án thủy điện trên địa bàn.
Các dự án thủy điện bị thu hồi giấy phép gồm: Dự án thủy điện Ia Grăng 1, Ia Tchom 1 và thủy điện Đak Pô Kei của công ty CP Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long Gia Lai; dự án thủy điện Đak Se Pay của Công ty Đầu tư và Phát triển điện năng Đức Long Gia Lai; dự án thủy điện Ia Loup của Doanh nghiệp tư nhân Phước Thành.
Đây là đợt thu hồi các dự án thủy điện thứ 2 trong năm nay của tỉnh. Trước đó, ngày 11-6-2013, UBND tỉnh đã có các quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với sáu thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh.
Theo các quyết định, lý do thu hồi vì từ khi được cấp chứng nhận đầu tư đến nay, các công ty nói trên không triển khai việc đầu tư xây dựng để đưa dự án đi vào hoạt động đúng tiến độ đã cam kết, vi phạm khoản 2, Điều 64 của Luật Đầu tư năm 2005. UBND tỉnh yêu cầu các công ty triển khai các bước thủ tục thanh lý dự án đầu tư theo quy định pháp luật, hoàn trả diện tích đất như hiện trạng ban đầu giao cho UBND tỉnh. UBND tỉnh cũng yêu cầu các doanh nghiệp có trách nhiệm trả lại bản gốc Giấy chứng nhận đầu tư, thu dọn tài sản trên đất, hoàn trả diện tích đất như hiện trạng ban đầu và tự chịu trách nhiệm về các khoản phí, khoản nợ liên quan.
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có khá nhiều công trình thủy điện đang hoạt động, ngoài việc góp thêm nguồn điện năng cho điện lưới quốc gia, thì một số công trình cũng đang gây ra nhiều hệ lụy. Đơn cử như thủy điện An Khê - Ka Nak (công suất 173 MW, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư), sau khi đi vào khai thác, do nắn dòng chảy cho nước về sông Kôn (Bình Định) đã làm cạn kiệt nước trên dòng sông Ba, khiến người dân vùng hạ lưu thuộc hai tỉnh Gia Lai và Phú Yên thiếu nước sinh hoạt và nước tưới trầm trọng. Gần đây nhất, ngày 12-6, đập thủy điện Ia Krêl 2, do Công ty CP Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long Gia Lai làm chủ đầu tư bị vỡ gây thiệt hại cho người dân hơn năm tỷ đồng…