Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

Luật sư Trần Đình Triển quyết tâm đưa những tiêu cực của Đinh Đức Lập ra ánh sáng


P.V - Sau khi Luật sư Trần Đình Triển (ảnh bên) có bài Vì sao báo chí chưa vào cuộc để bảo vệ đồng đội trên FB của mình thì ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết thay mặt Ban biên tập đã có công văn gửi Đoàn luật sư Hà Nội xúc phạm đến uy tín, danh dự và vu khống Luật sư Trần Đình Triển.
Vì vậy, Luật sư Trần Đình Triển đã có thư này gửi tới ông Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội, Hội đồng thi đua khen thưởng Đoàn Luật sư Hà Nội. Trong thư, Luật sư Triển khẳng định rõ ông sẽ theo đuổi đến cùng để làm rõ những sai phạm của ông Đinh Đức Lập - Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết. Những nội dung sai phạm của ông Lập đã được luật sư Triển nêu rõ trong thư.

















Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Quán ăn hai ngàn đồng ở Sài Gòn

Quán ăn hai ngàn đồng cho người nghèo ở Sài Gòn

Thụy My

Tại Việt Nam trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay, người nghèo càng thêm chật vật chạy ăn từng bữa. Rất may là cũng có những tấm lòng vàng : ngoài một số bếp ăn từ thiện ở các bệnh viện, cũng có một số sáng kiến mở các quán ăn giá rẻ, hầu như là cho không, dành cho dân lao động nghèo.
Đặc biệt tại Saigon, phải kể đến quán cơm Nụ Cười 1 và 2 do nhà báo Nam Đồng chủ xướng, và quán Nụ Cười 3 của nhà báo Trần Trọng Thức. RFI Việt ngữ đã liên lạc với những người phụ trách quán Nụ Cười 3 (số 298A đường Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Thuận Tây, quận 7) để tìm hiểu thêm.


Trước hết, anh Nguyễn Đức Huy, một tình nguyện viên của quán giới thiệu sơ qua hoạt động tại Nụ Cười 3 :

Anh Nguyễn Đức Huy : Quán mình hoạt động thứ Ba, Năm, Bảy, từ 10 giờ đến khoảng 2 giờ chiều mỗi ngày. Hiện nay mình bán chừng 400 phần ăn, mỗi phần ăn mình bán cho người nghèo giá tượng trưng là 2 ngàn đồng, nhưng giá trị của nó tương đương khoảng 14 ngàn.
Thông thường khi mọi người đến ăn, người ta mua vé, xong đi ngang qua một quầy có những khay cơm đầy đủ các thứ. Khách cầm khay đó tự mang ra bàn ăn, sau khi ăn xong cứ để đó sẽ có người đi dẹp. Người khách ăn xong đi ra ngoài có nước uống, và có một quầy báo. Tất cả các loại báo, truyện… đều bán giá 2 ngàn đồng một cuốn.
Thực đơn các món ăn mỗi ngày đều thay đổi, chứ không cố định. Tất cả những người phục vụ đều là tình nguyện đến đó phụ giúp quán, mỗi người góp một phần nhỏ. Có thể là giữ xe, có thể là bán phiếu, dọn bàn, múc cơm, cũng có thể là rửa chén hoặc đi dọn khay…Đa số là sinh viên các trường đại học.
Tiêu chí của quán mình ở đây là mình bán chứ không phải là mình cho họ, nên khi người ta đến ăn bên em vẫn xem họ như là thượng khách. Hai ngàn đồng đó chỉ lấy tượng trưng, cho người nghèo cảm thấy đến ăn là người ta có trả tiền, chứ không phải là đồ cho, nên người ta rất vui vẻ.

Còn chị Lý, quản trị viên quán Nụ Cười 3 cho biết :

Chị Lý Quán cơm từ thiện thì có rất nhiều, nhưng riêng quán 2.000 đồng thì ở Saigon bắt đầu có từ năm 2008. Có một nhóm người quan niệm rằng tuy là quán cơm từ thiện nhưng không muốn có chuyện ban phát, mà bán với giá hỗ trợ cho người nghèo, để cho người tới ăn người ta không có mặc cảm, và người bán thì phục vụ đúng như là đang bán, một dịch vụ chứ không phải ban phát. Ý nghĩa là như vậy.
Chúng tôi đi sau nên chỉ bắt chước mô hình đó để làm theo, chứ không phải chúng tôi nghĩ ra chuyện đó. Như đã biết, Nụ Cười có ba quán 1,2,3, và quán chúng tôi là Nụ Cười 3 - quán sinh sau đẻ muộn nhất, mới vừa làm được khoảng bốn tháng nay thôi. Địa điểm do một ngân hàng cho mượn một năm, sau một năm lại tính tiếp.
RFI Nếu đã sinh sau đẻ muộn, chắc chị cũng rút được nhiều kinh nghiệm từ các quán trước ?
Thật ra thì mỗi quán có cách điều hành khác nhau, chỉ cùng trực thuộc một quỹ từ thiện của thành phố. Nói là quỹ từ thiện thành phố nhưng bọn mình tự lo hết, tự lo huy động và tự quản lý - nghĩa là tự thân vận động, và mỗi quán có cách quản lý khác nhau một chút. Vì ra sau chót nên có thêm một cái mới nữa.
Thay vì chỉ lo món ăn vật chất thôi, chúng tôi còn làm thêm một tủ sách món ăn tinh thần, mà chúng tôi rất tự hào đã giúp thêm cho bà con. Người nghèo cái ăn người ta đã khó rồi, nói chi tới cái đọc. Và quan trọng nhất là con em của những người đó lại càng không có tiền để mua sách. Chúng tôi làm được quầy sách cũng với giá hai ngàn đồng. Cũng là huy động, xin trong xã hội mọi người đóng góp.
Sách ở Việt Nam bây giờ đắt, bốn năm chục ngàn hay bảy tám chục ngàn một cuốn, nhưng mình vẫn bán với giá tượng trưng hai ngàn đồng. Do số sách có hạn nên mỗi người khách tới ăn mỗi ngày chỉ dám chưng bán mỗi người một quyển sách thôi. Tuy vậy các em nhỏ đi ăn được mười ngày thì cũng có được mười cuốn sách rồi. Các em rất sung sướng vì nếu không, các em không bao giờ có thể mua được sách để xem. Đó là niềm vui lớn nhất của chúng tôi hiện nay.
RFI Như vậy cha mẹ đi ăn rồi mua sách về cho con hay sao thưa chị?
Thường thường cha mẹ đi ăn thì dắt theo con, hoặc cha mẹ là những người lao động đến ăn thì mua cho con họ. Đối tượng của chúng tôi nhắm đến rất rõ, đó là những bà con lao động nghèo. Khách của mình chẳng hạn như người bán vé số, xe ôm, thợ hồ, ve chai…và các sinh viên hoàn cảnh khó khăn. Vì đa số các sinh viên dưới quê lên thành phố thì các em khó khăn lắm, chuyện ăn chuyện học tiền gia đình cung cấp rất giới hạn. Đó là hai đối tượng chính chúng tôi phục vụ.
Hiện nay chúng tôi đang phục vụ mỗi ngày 400 suất ăn, tức là cho 400 khách. Do mới mở nên khả năng hoạt động một tuần chỉ ba buổi thôi, thứ Ba, Năm, Bảy, vì nguồn trợ giúp của những nhà hảo tâm chưa được nhiều nên chưa thể mở rộng. Đây là quán từ thiện nên tất cả nhân lực toàn là các tình nguyện viên, và các tình nguyện viên chưa đủ. Số suất ăn cũng vậy. Đầu tiên mới mở là 300, lần lần lên 350, nay là 400, và có lẽ trong tương lai sẽ như các quán đi trước, thường thường vào khoảng từ 500 đến 600.
Chúng tôi luôn đảm bảo ba món : món mặn, món xào, món canh, tráng miệng và nước. Về chất lượng thì rất tự tin để nói rằng bữa ăn đảm bảo được mấy tiêu chí. Thứ nhất là chất lượng thức ăn, từ thịt thà mọi thứ, mình mua thứ tốt, từ những nguồn cung cấp bảo đảm, và cố gắng tối đa để cho bà con ngon miệng. Thứ hai là đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều đó là quan trọng nhất, vì đó là vấn đề lớn trong xã hội ở Việt Nam hiện nay.
RFI Xin phép được ngắt lời chị ở đây, thấy báo chí trong nước vẫn thường xuyên báo động về vấn đề vệ sinh thực phẩm…
Kinh khủng, thành ra bọn mình cái đó là bảo đảm. Bọn mình cân nhắc từ nước rửa chén trở đi. Thịt thì những tiệm ăn bình thường mười tiệm hết chín tiệm mua thịt trôi nổi cho rẻ, mà mình mua thịt của Vissan là công ty uy tín giá mắc hơn. Về nước uống, rất may có nhà hảo tâm cho hệ thống lọc nano, mình đem đi Viện Pasteur kiểm nghiệm - phải có tờ giấy đó rõ ràng mình mới nhận. Nước thì bà con có thể an tâm, chứ trước đây một ngày nấu cả trăm lít nước rất là cực khổ. Từ hồi có hệ thống lọc bảo đảm thì bà con uống nước thoải mái.
Bọn mình hết sức kỹ, vì khi mấy chị em trong nhóm điều hành ngồi lại với nhau thì đã thỏa thuận, cái gì mà tôi không mua cho nhà tôi ăn là tôi không mua cho ở đây. Nếu đồng ý với nhau thì làm, chứ hổng có cái kiểu muốn chọn thứ rẻ.
Đôi khi cũng có một số nhà hảo tâm - tội nghiệp lắm - ở chợ, thì họ đem lại nước rửa chén. Tụi tôi phải xin lỗi không nhận, vì nếu nước rửa chén loại xấu không những làm hại cho các cháu tình nguyện viên khi rửa, mà làm hại cho người ăn nữa nếu rửa không sạch. Bọn mình cẩn thận lắm, trước hết vì trách nhiệm của mình - ba bốn trăm người ăn, lỡ có chuyện gì là mình chết luôn.
RFI Thưa, chị có thể cho biết thêm về các tiêu chí kế tiếp của quán ?
Thứ ba là cho bà con ăn đủ no, tức là phần cơm không hạn chế. Nhưng cái thứ tư, tiêu chí lớn nhất mà chúng tôi bảo đảm được là thái độ phục vụ.
Bởi vì 95% tình nguyện viên phục vụ là các em sinh viên. Các em được huấn luyện rằng, tuy là đến để làm việc thiện nguyện, nhưng hướng đến cách phục vụ chuyên nghiệp. Đó là phục vụ với sự hòa nhã, trân trọng, vui vẻ. Đây là tiêu chí rất cao.
Mình tạo được không khí ấm áp cho người ta tới ăn. Ít ra trong cuộc đời cực nhọc hiện nay thì trong ngày họ có được nửa tiếng đồng hồ vào đây họ được hết sức trân trọng. Họ có được bữa ăn ngon, bảo đảm, họ rất vui. Đó là điều chúng tôi rất tự tin khoe rằng đã làm được.
RFI : Như vậy người nghèo sẽ không bị mặc cảm…
Đúng ! Các em sinh viên khi vào luôn luôn được đọc điều lệ ở đây : thực khách mua chứ không xin, và chúng ta phục vụ chứ không ban phát. Điều đó phải được tuân thủ một cách tuyệt đối trong quán này. Không bao giờ được nói lớn tiếng. Tuy quán là quán bình dân, nhưng phục vụ hướng đến chuyên nghiệp và « có sao » chứ không phải là quán « không sao ».
Luôn luôn nói với các em là, các con là bộ mặt của quán, cho nên phục vụ sẽ đem lại tiếng tốt cho quán. Nhưng điều đó tốt luôn cho cả các con nữa, bởi vì các con sẽ học được tính kiên nhẫn, sự hòa nhã, cực bao nhiêu các con cũng phải vui vẻ. Trong vòng một tiếng rưỡi mà phải phục vụ 400 khách thì cũng rất vất vả nhưng mà các em làm được hết.
Thương lắm, như là một gia đình ! Chúng tôi là người lớn nên nói, cô chú hết sức là hạnh phúc, tự dưng có thêm một đàn con ngoan và có tấm lòng. Ngược lại các con có thêm những bậc cô chú thương yêu, hướng dẫn các con mọi thứ, và bạn bè chung quanh các con lại vui vẻ với nhau. Bọn mình là một cái gia đình ấm cúng lắm, rất là dễ thương.
RFI Có lẽ vì vậy mà quán lấy tên là Nụ Cười ?
Vâng, quán Nụ Cười thì tất cả các em đồng phục là tablier có hình nụ cười rất lớn trước ngực, để nhắc nhở mọi người lúc nào cũng phải cười.
RFI Từ lúc mở quán tới giờ có những trường hợp nào gây ấn tượng cho chị, chị có thể kể lại được không ?
Ôi trời ơi, không biết bao nhiêu mà nói ! Các nhà hảo tâm nói điều quan trọng là làm sao mình lọc được đúng đối tượng của mình. Khi làm cái này rồi mình mới biết là không ai có thể nói cứ nhìn bề ngoài mà đánh giá được. Có những người mà khi họ tới mình tưởng đó là nhà hảo tâm. Họ ăn mặc rất là lịch sự, thì mình tiếp cũng lịch sự.
Tất nhiên khi khách người ta tới, nếu 95% là đúng đối tượng của mình thì đó là thành công lớn rồi, thế nào cũng có khoảng 5-6% là không đúng đối tượng. Trong đó có những người là nhà hảo tâm, người ta tới ăn cho biết trước khi người ta giúp mình. Có những người tuy không phải là người nghèo như đối tượng của mình nhưng người ta tò mò tới ăn một lần cho biết.
Và còn lại tất nhiên cũng có những người họ dựa dẫm vào mình. Họ không phải là quá nghèo, nhưng mà có chỗ này vừa rẻ vừa sạch thì tới ăn. Chúng tôi luôn luôn bắt buộc phải cố gắng lọc ra những người không đúng đối tượng của mình, vì nhà hảo tâm người ta góp tiền cho mình bao giờ cũng muốn đồng tiền đi tới đúng chỗ.
Chúng tôi, những người điều hành phải tới gặp những người đó, trước hết lịch sự nói rằng, thưa, chắc đây là nhà hảo tâm. Khi họ nói « không » thì mới nói, dạ thưa, tới ăn một lần cho biết thôi, chứ xin nhường cho những người nghèo, chúng tôi chỉ phục vụ người nghèo. Thì có những người họ bỏ đi, như bản thân tôi bị rồi.
Một người đàn ông ăn mặc rất là lịch sự, áo sơ mi trắng bỏ trong quần, mang giày đàng hoàng vô, tôi cũng nói như vậy thì ông quày quả bỏ đi. Nhưng mà ổng đi chút xíu thì có lẽ ổng tức, ổng quay trở lại nói : « Tui nói thật với chị, tui là xe ôm, xe tui để bên kia đường kìa. Chị đừng có nhìn bề ngoài mà chị nói vậy. Vì tui chạy xe ôm, tui phải ăn mặc cho đàng hoàng thì khách người ta mới chọn tui, chứ ăn mặc lôi thôi thì không ! ». Rồi ổng bỏ đi, mình phải chạy theo năn nỉ, thôi tôi xin lỗi. Sau này người đó thành khách quen của mình.
Rồi có những đứa nhỏ…Không phải chúng tôi chỉ làm cơm không thôi, mà tới mùa tựu trường thì lại xin tiền nhà hảo tâm, bạn bè quen để mua cặp táp, sách vở…để làm quà tựu trường cho các em, cũng nhắm vào con của người lao động. Nếu hai mẹ con nhà nghèo , nhìn là biết đối tượng VIP của mình rồi, thì đồng ý liền ghi tên để tuần sau mình đưa.
Bữa hôm có em tới, mặt mày bụ bẫm lắm. Riêng cháu đó tôi mới nói rằng, con ơi con không phải là đối tượng của bà, thôi con về nói ba mẹ lo đi. Thì người mà dắt cô bé này mới nói không cô ơi, bé này là con nhà nghèo, ở kế bên nhà em. Hai cha con mới vừa vô ăn, khi ăn xong cháu mới nói ba dắt vô ghi tên thì ba nó tự ái không chịu dắt vô, đã vậy còn đánh con bé nữa. Cái tay đỏ, sưng lên, con bé đứng khóc.
Trời ơi, tôi xót không thể nói được. Về mới nói lại trong nhóm điều hành, kể từ nay tôi dứt khoát thà tôi giúp lầm người chứ tôi không để sót người nữa. Không bao giờ có thể nhìn bề ngoài mà đánh giá người ta được.
Còn người nghèo cô biết hông, có người họ vô ngồi ăn mà họ chảy nước mắt. Bởi vì, nói thật, những người nghèo họ ít được trân trọng, ít được tiếp đón một cách nồng hậu. Họ chảy nước mắt, mình cũng muốn khóc theo họ. Những điều đó làm cho mình cảm thấy việc làm của mình có ý nghĩa lắm.
RFI : Có nhiều người khách quen không chị ?
Không phải chỉ quán này không thôi, mà sau một thời gian thì khách hàng 80% sẽ là khách quen, tức là những người lao động xung quanh đến ăn. Chỉ có 20% là khách vãng lai ở nơi xa tới, là những người thí dụ như bán vé số, ve chai…tiện đâu họ ghé đó.
Do đó khi tìm địa điểm mở quán, bọn mình phải tìm như thế này. Thứ nhất là gần các trường đại học, thứ hai là gần khu lao động, để những người chung quanh đúng đối tượng ở gần đó họ mới tới mình được. Có 80% là những người lao động nghèo xung quanh : xe ôm, người giúp việc giờ, người buôn gánh bán bưng chung quanh khu vực đó.
Những khách hàng bình thường thì mua phiếu đi vô và lấy khay. Riêng những người tàn tật thì tình nguyện viên sẽ đưa thẳng vô, đi mua phiếu, đem khay lại phục vụ tại chỗ luôn.
RFI Tuy là quán ăn giá rẻ nhưng có những người khách khó tính không?
Bốn trăm người thì cũng có người này người khác. Mình có hai người khách tật nguyền rất là nhõng nhẽo ! Bao giờ tới là mình phải ra đón, đưa vô. Cứ kêu hôm nay tôi ăn cái này không được, mai tôi ăn cái kia không được, hôm nay tôi mệt phải cho tôi nằm nghỉ, đủ thứ…
Đến một lúc thì các em đều hơi mệt mỏi với bà, thì mình giải thích với các em như vầy. Các con phải biết rằng họ không có ai chăm sóc đâu, và bây giờ có người chăm sóc thì nên để cho bà nhõng nhẽo một chút. Các con cứ chăm sóc và tập tính kiên nhẫn đi, phải kiên nhẫn với bà bởi vì bà không có nhõng nhẽo với ai được đâu. Không có ai chú ý đến bà đâu ! Thì các em lần lần nhẫn nại hơn, hiểu hơn, đó là bài học lớn nhất cho các em tình nguyện viên của mình.
RFI Nguồn hỗ trợ của quán là từ đâu ạ ?
Hoàn toàn trong xã hội, tức là từ các nhà hảo tâm. Có cái may là những quán cơm ra đời luôn được báo chí, đài truyền hình tới đưa tin, các mạng xã hội lan truyền nhau. Phải nói thật một tháng đầu khi mở ra thì phải dùng cái chữ « bàng hoàng » - một cái chuyện tôi nghĩ là rất nhỏ mà lại lay động xã hội đến như vậy.
Có nhiều người họ giúp như vầy mới là cảm động nè. Có cô bán vé số ăn xong rồi đi ra vét hết tiền, mua một chai dầu ăn nhỏ vô giúp. Cầm cái chai dầu ăn đó mà rưng rưng, vì biết rằng người ta đã góp hết tiền của người ta ngày hôm đó để mua gởi cho mình. Cái công đức đó nó lớn lắm. Lớn hơn là thí dụ bạn gởi cho tôi một triệu, mà tôi yên tâm chắc bạn vẫn còn có một triệu.
Mà cái đó nhiều lắm, người ta cho đường, cho nước mắm, họ cho những cái càng nhỏ thì mình thấy giá trị của nó càng lớn.
Một cái việc thiện trong xã hội nó lay động lòng con người ta kinh khủng lắm. Đôi khi bọn mình nói đùa như thế này, chắc tại vì bây giờ ở đây ít có việc tốt quá, cho nên có được một việc tốt thì mọi người sung sướng quá, cùng chung tay giúp đỡ.
Bọn mình bàng hoàng lắm, không nghĩ là cái việc quá nhỏ của mình mà nó lay động con người ta đến như vậy, lay động tấm lòng của xã hội đến như vậy. Nhiều lắm, người ta giúp thấy thương lắm.
Có những người cho hàng tháng, có người cho một năm, có những nhóm thiện nguyện hứa cho mỗi năm một lần trong vài năm. Đó là lòng tốt của người ta, nhưng về khả năng có khi hôm nay người ta có nhưng đâu có biết trong tương lai như thế nào. Thì thôi không sao hết, bọn mình thanh thản nghĩ, thôi thì mình cứ làm hết khả năng của mình, thì không có gì để phải ân hận.
RFI Chúng tôi xin chân thành cảm ơn chị Lý và anh Nguyễn Đức Huy đã vui lòng tham gia tạp chí xã hội của RFI Việt ngữ hôm nay.

NS Tuấn Khanh: “Đàm Vĩnh Hưng mượn khán giả làm rào chắn”

Nhạc sĩ Tuấn Khanh trả lời phỏng vấn báo VietNamNet xung quanh vụ nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 phê bình nhiều ngôi sao nhạc pop VN và phản ứng gây giận dữ của Đàm Vĩnh Hưng.


Tuấn Khanh, Nguyễn Ánh 9, Đàm Vĩnh Hưng, làng giải trí, khán giả, ngôi sao, truyền thông
Nhạc sĩ Tuấn Khanh
Điểm rơi của nền giải trí son phấn
- Thưa anh, câu chuyện ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng phản ứng với phê bình của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đang trở thành một ví dụ điển hình trong văn hóa ứng xử của những người được gọi là ngôi sao trong làng giải trí hiện nay. Quan điểm của anh về sự kiện này thì sao?
Đây không phải là lần đầu tiên Đàm Vĩnh Hưng phản ứng với ai đó về chuyện phê bình, cũng như không phải nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là người đầu tiên nói thật về những bất cập trong làng giải trí VN nhưng câu chuyện hôm nay là sự bùng nổ ngẫu nhiên, và cũng đúng thời điểm mà giới chuyên môn cũng như khán giả đã quá mệt mỏi với một nền giải trí son phấn, kèm nhiều sự giả tạo bao trùm đời sống.
Trên thực tế, nếu phân tích bài trả lời phỏng vấn của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, cũng có vài điều chưa phải là hoàn toàn đúng trong nhận định của ông. Chỉ tiếc là cách phản ứng của Đàm Vĩnh Hưng thì lại hoàn toàn sai về lý luận cũng như phá vỡ môi trường đạo đức nghệ thuật VN vốn có truyền thống tôn trọng người lớn tuổi cũng như người đi trước trong nghề nghiệp.
- Những biểu hiện nào của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng trong lý lẽ là sai, thưa anh?
Chỉ tập trung phân tích cách phản biện của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng thôi, thì thấy Hưng đang sử dụng lối tam đoạn luận ngụy biện rất thấp: mượn khán giả làm rào chắn cho mình trong các cuộc tranh luận. Chẳng hạn như lối nói “nếu chê Đàm Vĩnh Hưng tức coi thường hàng triệu khán giả đang nghe nhạc của Đàm Vĩnh Hưng”. Trên thực tế, nếu ca sĩ gọi là có người nghe đến hàng triệu khán giả trên đất nước này, tính từ giọng ca dễ thương của bé Xuân Mai đến nhiều người khác, Hưng chỉ là một trong những số đó chứ không có gì đặc biệt hơn, nhưng không ai trong số đó lại đi kéo lê khán giả khắp nơi như một công cụ để bảo vệ, che chắn cho mình như vậy.
Và chẳng hạn như Hưng gọi nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là “ngụy quân tử” thì có lẽ Hưng không hiểu được danh từ này. Ông Nguyễn Ánh 9 thực tế là chưa bao giờ sống hai mặt chỉ trích Hưng, nhưng muốn sử dụng Hưng. Tôi được biết là ông luôn đánh giá thấp Hưng và phát biểu công khai từ lâu. Ngay cả trong câu chuyện ông kể về mẩu đối thoại giữa Hưng và ông về việc không muốn Hưng hát nhạc của ông, Hưng cũng không thể phủ nhận.
Thời đại của truyền thông giật gân
- Nhưng riêng người phê bình, ở đây là nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, có nên cân nhắc hoàn cảnh phát ngôn trước khi đưa ra lời nhận xét, hay chỉ cần thành thật và trách nhiệm với suy nghĩ của mình là đủ?
Chiếu theo ngôn ngữ được viết lại trong bài phỏng vấn đang gây tranh luận, tôi cho rằng ai đã từng viết báo cũng có thể nhìn ra đây không hoàn toàn là một cuộc phỏng vấn. Người viết bài đã ngồi đặt ra những câu hỏi tương đối và lắng nghe nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 kể chuyện. Văn phong kể chuyện vẫn chân thực và đôi khi là thứ chỉ để chia sẻ, nhưng khi bị chuyển thành ngôn ngữ phỏng vấn, trở thành phát ngôn và dễ dàng gây nên sự kiện.
Tôi tin là có thể về mặt chuyên môn, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 không thích tiếng hát của Đàm Vĩnh Hưng - đây là chuyện bình thường của nhận xét - nhưng chính người viết bài cũng không thích Đàm Vĩnh Hưng nên sử dụng chuyện kể này thành vũ khí tấn công ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Và vào một thời điểm khá là không may mắn khi ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng vốn đã gây quá nhiều tai tiếng, nay lại phát ngôn đáp trả vội vã, trở thành giọt nước tràn ly trong dư luận.
Nhưng dù sao đi nữa, đã nói thì nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 phải chịu trách nhiệm về quan điểm của mình. Chẳng hạn như trong cách ông nhận xét chung là ca sĩ Thanh Lam hát tệ, thông qua bài Cô Đơn của ông, thì có lẽ không công bằng. Vì không có nghĩa hát không hay bài Cô Đơn mà Thanh Lam trở thành hát tất cả các bài khác đều tệ. Nhưng ở đây tôi muốn nhấn mạnh là giữa thời đại truyền thông vội vã và giật gân mà chúng ta đang sống, câu chuyện kể được chuyển thành phát ngôn là điều mà bất kỳ ai cũng nên dành thêm thời gian ngẫm nghĩ một chút.
- Sự ủng hộ mạnh mẽ bất ngờ từ phía công chúng về lời phê bình nói chung của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 này đang phản ánh điều gì, thưa anh?
Như tôi đã nói trên, rất nhiều người đã mệt mỏi với nền giải trí Việt Nam, đặc biệt là âm nhạc. Hãy nhìn xem các gameshow và những lời tung hô giả trá. Những danh hiệu “ông hoàng”, “bà chúa” được giành nhau, ganh ghét và vơ vào một cách vô nghĩa. “Diva” hay “hoàng tử” được phong tặng hay đeo bám đều ngớ ngẩn, thấp kém hơn cả ổ bánh mì 10 ngàn đồng buổi sáng mà người lao động vất vả mới có được.
Truyền thông lá cải và âm nhạc như một vở kịch dài đáng chán và ấu trĩ không bao giờ hạ màn. Và rồi phải có một ai đó giật mình hô hoán lên rằng những thứ này đang chắn lối của một cuộc sống bình thường lành mạnh. Vào thời điểm này, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 ngẫu nhiên trở thành người bắt đầu cho một cuộc hô hoán như vậy, mà bất kỳ ai tỉnh táo cũng đều thấy đó là một điều cần thiết.
Cơn ảo giác về quyền lực
- Bức thư khiến dư luận nổi giận vì lời lẽ được cho là bất kính và ngạo mạn, dường như cho thấy Đàm Vĩnh Hưng đang tin vào quyền lực của mình trong làng giải trí. Đây là điển hình của một dạng ảo tưởng trong giới ca sĩ hay sự chi phối của nó, ở mức độ nào đó, là có thật?
Một chút thành đạt sẽ dễ gây ảo tưởng, và một chút ảo tưởng sẽ dễ gây ảo giác về quyền lực. Không chỉ Đàm Vĩnh Hưng, mà rất nhiều người tham gia vào làng giải trí Việt Nam đang mắc phải như một thứ bệnh trầm kha, chỉ có thể được chữa theo thời gian và sự hoàn thiện nhân cách của người đó. Chỉ đáng buồn là chính bởi rất nhiều phóng viên mới vào nghề thiếu bản lĩnh, những tờ báo đuối hơi về nghề nghiệp… là thủ phạm nhân giống và nuôi trồng những loại nấm độc đó trong làng giải trí Việt nhiều năm nay, đôi khi biến những ảo tưởng thành những giá trị có thật tạm thời.
Mỗi ngày chúng ta đều nhìn thấy các tít lớn giật lên về các phát ngôn ba trợn của nhiều ngôi sao, diễn viên… như thể họ vừa xài ectasy vừa nói chuyện, nhưng ngôn ngữ được loan báo trân trọng như lời một nguyên thủ quốc gia. Ở một khía cạnh nào đó, có thể coi Đàm Vĩnh Hưng là nạn nhân điển hình trong trường hợp này.
- Cũng có ý kiến cho rằng có sự ganh tị nào đó với danh tiếng hay thành đạt của người khác, nên mới có sự chỉ trích như vậy. Chẳng hạn, anh có thấy mình như vậy không?
Tôi tin là có rất nhiều kiểu thành đạt và danh tiếng trên đất nước này. Tôi ngưỡng mộ các giá trị đó. Nhưng phải nói rõ là cũng có rất nhiều người không cần danh tiếng hay thành đạt mới có thể cất lời phê bình. Và bên cạnh đó, cũng có rất nhiều kiểu thành đạt và danh tiếng mà tôi cũng như nhiều người khác luôn thấy vô cùng kinh hãi khi phải dây vào.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.
Minh Chánh - thực hiện

Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

Thư gửi Đàm Vĩnh Hưng

Đỗ Trung Quân 

Tôi đã rút lui khỏi show biz có lẽ cũng đã gần 5 năm. Rút vì  nhớ tới lời nhà văn Trang Thế Hy khi thấy không hào hứng điều gì nữa thì ta nên chọn thái độ “đi chỗ khác chơi !”. Tôi đi chỗ khác nghĩa là về nhà, từ chối mọi lời mời của phim ảnh, truyền hình sau khi không quên cảm ơn những ai còn nhớ đến mình. Đạo diễn Mỹ Hà có lẽ là người bạn vừa giận vừa cảm thông cho tôi khi vì nể bạn mà nhận lời một vai diễn của anh, rồi cũng vì “phải thương lấy mình" đang yên thân trong sân nhà nhỏ hà cớ chi lại lao ra ngoài sương gió phim trường. Tôi từ chối anh giờ cuối.


Tháng bảy cô hồn, câu chuyện của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và Đàm Vĩnh Hưng bỗng náo động cả báo mạng lẫn trang cá nhân FB. Tôi đọc và nghe hầu hết ý kiến. Định không lên tiếng vì nghĩ có nên nhúng vào chuyện thị phi hay không ? Nhưng rồi thấy mình nên lên tiếng, chỉ với tư cách một người bình thường từng có một thời dính dáng đến show biz Việt Nam .

Với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Những nhận định của ông không dành riêng cho Đàm Vĩnh Hưng mà còn nhiều ca sĩ khác như Thanh Lam. Mỹ Linh, Hồng Nhung , Bằng Kiều, Quang Dũng, Mỹ Tâm vv..Nói ngay đấy là những ý kiến hoàn toàn về chuyên môn, kỹ thuật của người ca sĩ khi thề hiện một ca khúc, nếu không đủ cảm thụ hay vì lý do nào đấy thì dù là danh ca cũng chưa hẳn thể hiện hay được ca khúc ấy. Ông kêu gọi người có giọng hát đẹp thì bớt sa vào kỹ thuật đi, người chưa đủ kỹ thuật, mạnh về hình thể, vũ đạo thì rèn luyện thêm thanh nhạc, [ nhận xét về Hồ Ngọc Hà ]. Những nhận định ấy của một nhạc sĩ lâu năm trong nghề không hẳn là vô ích hay sai trái.

 Hãy hình dung ông đang ngồi trên ghế giám khảo một chương trình nào đó nhận xét các thì sinh ca sĩ vừa kể tên, nếu nhận xét tinh tế, sâu sắc giám khảo Ánh 9 sẽ nhận được tán thưởng của khán giả, nếu không chính xác thì uy tín ông sẽ tổn thất trước tiên [ Đàm Vĩnh Hưng cũng đang làm công việc nhận xét tương tự về “ chuyên môn “ với các thí sinh của mình trên ghế GK “Giọng hát Việt “ ].

 Nhắc lại để thấy vấn đề là CHUYÊN MÔN. Nhạc sĩ lão thành Nguyễn Ánh 9 không bàn về ĐẠO ĐỨC của những ai mà ông nêu tên. Ông nhận xét về Đàm như thế bởi lẽ Đàm chọn hát nhiều thể loại, trẻ có , sồn sồn có , già có, Trịnh Công Sơn có , Bolero cũng có, cái nào đúng Đàm thì Đàm hay cái nào không phải chất Đàm thì chưa hẳn [ như với âm nhạc của Trịnh , nhiều người cho là Đàm thất bại dù Đàm có ý “làm mới", nhưng có lẽ mới chỉ là “ làm khác”. Đấy cũng là một nhận định về âm nhạc ]. 

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 có thể nhận định chưa đầy đủ nhưng nó  không sai trong thể loại nhạc không dành cho giải trí thị trường. Nói thẳng ra là đúng với cảm nhận chung của nhiều người nghe nhạc mà hầu hết các ca sĩ không bao giờ có dịp nghe những nhận định thẳng thắn, rất có ích cho mình. Phản hồi  ý kiến của nhạc sĩ đi ra ngoài cái gọi là  chuyên môn là lạc đề hoặc cố đẩy vấn đề đi lạc.

Nhân nói về CHUYÊN MÔN, là người từng cộng tác với Đàm Vĩnh Hưng trong chương trình “Thương hoài ngàn năm" mấy năm trước tôi nghĩ mình có đủ tư cách nhận định vài điều về chính Đàm Vĩnh Hưng: Đấy là một chương trình thành công về doanh thu lẫn chất lượng, nó chứng minh nếu hát đúng sở trường, đúng dòng nhạc phù hợp với giọng hát của mình và những ý tưởng có sáng tạo về sần khấu Đàm  không dở. [ Cho dù vẫn còn yếu tố khác khiến nó chẳng may “ bị dở", ví dụ, nếu hôm ấy ca sĩ tâm trạng không vui , tâm lý bất ổn thì hôm qua anh hát hay, hôm nay anh hát dở là điều bình thường. Vào phòng thu âm chắc chắn hiếm có danh ca  nào chỉ  thu một lần mà xong bài hát, dù nó đã quá quen thuộc với mình ngoài sân khấu ]. Vậy, nếu nhạc sĩ lão thành nói anh hát bài này của ông chưa hay hay không hay, cũng không có nghĩa là toàn thể những gì anh hát đều không hay, đấy là nhận xét nên lắng nghe hơn là nhảy dựng.

Việc anh phản ứng bằng một “tâm thư" nặng vấn đề “trả miếng" mà  hầu hết là vấn đề tình cảm riêng từng có giữa 2 “bố - con" rồi kết luận ông đóng kịch hay “ ngụy quân tử “ thì...bó tay !

 Chuyện “bố" đàn cho” con “hát”, chuyện ông ôm lấy “con” nơi sân khấu, chỗ show biz  không phải chuyện chuyên môn, nó là tình cảm, giao tiếp.  Tôi có thể ví dụ cho dễ hiểu: Bạn tôi là những nhà phê bình văn học, họ rất thân thiết ngoài đời , trên bàn rượu với tôi. Nhưng khi phê bình tác phẩm của tôi là bàn về vấn đề chuyên môn – văn chương. Nếu họ thấy và chỉ ra cái dở của thi pháp , của tư tưởng hay đề tài mà tôi viết là họ đang làm công việc của mình. Tôi phải lắng nghe và cảm ơn họ cho dù nói thật tâm trạng không thoải mái tí nào, ai bị chê mà thoải mái cho được ? Nhưng cái họ không ngay ngắn là tôi viết dở họ cứ khen bừa, khen nịnh. Những kẻ cầm bút có chức, có quyền, có tiền là chuyện chả lạ ở xứ mình. Và tôi cũng không thể vì điều phê bình tôi trên trang viết của họ, nó nằm ngoài bàn rượu với tôi mà gọi họ là “ ngụy quân tử “. Hai vấn đề khác nhau hoàn toàn.

Trở lại vấn đề.thái độ “trả đũa" nặng lời với một nhạc sĩ mà bề dày đóng góp cho âm nhạc Việt Nam như nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 của một ca sĩ đang có nhiều cơ hội lẫn thuận lợi trong nghề như Hưng là chuyện dở. Nhiều người than thở “đừng kêu ca con cái bây giờ chửi cha mắng mẹ nữa. Thần tượng của nó đang làm gương , dẫn đường cho nó kia kìa!"

.Các bạn trẻ ! Tôi ủng hộ việc cứ trao đổi với cha mẹ nếu cần , vấn đề là THÁI ĐỘ trao đổi. Mỹ Tâm đã làm một  "trao đổi" đúng mực, cô nói đại ý. “Chú là người lớn nói thì có sao đâu” [ chú thích : không nguyên văn ]. Có thể Đàm không chịu là đứa trẻ ngoan như Mỹ Tâm, nhưng ăn miếng trả miếng kiểu Đàm cũng không phải là thái độ cầu thị.

Tôi cũng đọc nhiều phản ứng binh vực anh, có lẽ hầu hết là fans hâm mộ của anh. Có ý kiến đúng mực, bình tĩnh. Nhưng lại có nhiều ý kiến mà tôi không thể trích dẫn ra đây khi phản ứng với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và những ai trích đăng bài viết có liên quan cho người đọc rộng đường nhận định. Không trích đăng vì tôi nói thẳng “đấy là những lời lẽ vô giáo dục, hạ cấp”.  Bất kể luân lý phương Đông đấy là  bất chấp đúng sai, bất chấp tuổi tác hàng cha mẹ, không ai có thể đối thoại được. Họ không có luần lý nào để đối thoại ngoài chửi bậy. Họ bảo họ không phải fans của Hưng, tôi cũng hy vọng đúng như thế bởi lẽ chả cần phải là fans của ai, ai cũng được quyền trao đổi khi thấy cần, trừ với lời lẽ vô giáo dục.Thế thôi.

Nhiều người hay tin can tôi “đừng dây với h…” [ họ chơi chữ viết tắt tên Hưng ]. Nhưng tôi nghĩ không sao, tôi trao đổi và tôi không chửi bậy ai ở đây. Tôi cứ nói.

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 hẳn đã  buồn rầu. Khi một người có tuổi , lâu năm trong nghề đành phải nói “tôi xin lỗi !" đám ca sĩ con cháu mà ông chỉ góp ý chuyện nghề, hẳn ông đau đớn lắm.  Bởi không dưng nó vượt ra ngoài chuyện nghề, nó giờ đây chính là phạm trù luân lý , là phạm trù LÀM NGƯỜI mà ông cay đắng nhận ra điều gì đấy.[ !!! ]

Truyền thông và fans hâm mộ có thể đặt một ca sĩ nào đó lên ngôi vua.nhưng cũng chính một ngày nào đó họ sẽ ném xuống bùn những gì họ từng xưng tụng. Hưng chắc cũng dư kinh nghiệm về điều ấy. Cái để  tồn tại vững chắc chỉ duy nhất đấy là: Nhân cách và sự rèn dũa khả năng đã có của mình.
Vài dòng, tôi lại lui về am tự của mình.

 Kính cẩn chào show biz !

Thư ngỏ của ông Lê Hiếu Đằng

TP HCM, ngày 26 tháng 8 năm 2013
Kính gửi:  - Các ông Giám đốc Đài Truyền hình Trung ương, TP HCM
-  Tổng biên tập các báo Nhân dânQuân đội Nhân dânĐại đoàn kếtCông an Nhân dânSài Gòn Giải phóng và các báo do sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương đã và sẽ đăng bài phê phán bài viết Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh của tôi.
Thưa các ông/bà,
Sau khi trang mạng Bauxite Việt Nam và các trang mạng khác đăng bài Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh của tôi thì Đài Truyền hình Trung ương và TP HCM cùng nhiều tờ báo, trong đó có báo của quý ông/bà, dồn dập đưa tin hoặc đăng nhiều bài phê phán bài viết của tôi và chắc chắn trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều tờ báo nữa vào cuộc “đánh đòn hội chợ” này.
Để các tầng lớp nhân dân, trong đó có nhân sĩ, trí thức, hiểu rõ bài viết của tôi và có điều kiện so sánh với những bài phê phán đăng trên báo của các ông/bà, xem đúng sai thế nào, tôi đề nghị các ông/bà cho đăng công khai trên báo các ông/bà hai bài viết sau đây của tôi: Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh (bài có sửa chữa đăng ngày 17/8/2013 trên mạng Bauxite Việt Nam) và Những điều nói rõ thêm… (đăng ngày 19/8/2013 trên mạng Bauxite Việt Nam).
Tôi thấy các ông/bà cần làm điều này vì nếu phê phán bài viết của một người mà người đọc không biết bài viết nói gì, ngược lại, các ông/bà chỉ cắt xén vài đoạn rồi hô hoán, lên án thế này thế kia, thì hoá ra các ông/bà chơi trò “bỏ bóng đá người” mà tôi đã cảnh báo trong bài viết của mình. Và nếu các ông/bà không cho đăng (tôi biết chắc như vậy), thì hoá ra các ông/bà sợ sự thật: khi so sánh bài viết của tôi với các bài phê phán, nhân dân sẽ biết các ông/bà đã dối trá, ăn nói hàm hồ, quy chụp, chỉ là những tên bồi bút. Tôi thách các ông/bà đấy, các ông/bà có dám làm không, hỡi những tổng biên tập đầy quyền uy hiện nay!
Qua các bài viết trên báo các ông/bà, tôi thấy có ba điểm bị các ông/bà xuyên tạc, đánh lận con đen.
Một là, tôi chưa bao giờ phản bội lý tưởng mà cả một thời tuổi trẻ tôi và các bạn, các đồng đội của tôi, có người đã nằm xuống trong tù, trên chiến trường cũng như bao thế hệ cha anh đã theo đuổi. Đồng bào, chiến sĩ chúng ta đã hy sinh biết bao xương máu với hy vọng họ và con cháu được sống trong một xã hội lành mạnh, công bằng, ở đó con người đối xử với nhau một cách tử tế, các quyền sống, quyền con người được tôn trọng. Nhưng nay chúng ta đang sống một xã hội như thế nào? Bài viết của tôi, nhất là bài Những điều nói rõ thêm…, đã chứng minh – bằng những kinh nghiệm của một người đã hơn 45 năm sống và hoạt động trong hệ thống chính trị hiện nay – ai phản bội ai. Tôi rất mong các ông/bà công tâm xem xét. Tôi quan niệm rằng hiện nay đã có điều kiện để nhận biết cái đúng cái sai, mà vẫn u mê, mù quáng bào chữa cho cái ác, cái xấu, cái sai, thì đó là tội ác đối với dân tộc, với đất nước. Con cháu các vị sẽ nghĩ sao về các vị?
Hai là, trong hai bài viết nói trên, tôi chưa bao giờ nói là chống Đảng Cộng sản hoặc xoá bỏ Đảng Cộng sản. Tôi chỉ đề nghị Đảng Cộng sản nên chấp nhận đối lập chính trị, để phát triển một nền chính trị lành mạnh, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay của thế giới. Không nên duy trì chế độ độc tài toàn trị, bóp nghẹt các quyền tự do, dân chủ của người dân mà chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng cam kết trước nhân dân trong Tuyên ngôn độc lập và trong Hiến pháp năm 1946.
Sau bài viết của tôi, ngày 23/8/2013, luật sư Trần Vũ Hải đã chính thức gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bản “Đề nghị cho ý kiến về vấn đề thành lập và tham gia một đảng ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam dưới góc độ pháp luật Việt Nam”. Cũng như bao người khác, tôi đang chờ sự trả lời chính thức bằng văn bản của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, của Đảng và Nhà nước Việt Nam để với tư cách công dân, tôi có thể “sống và làm việc theo luật pháp” như khẩu hiệu mà báo các ông/bà thường hô hào. Tôi cũng đề nghị các ông/bà cho đăng văn bản của luật sư Trần Vũ Hải gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để nhân dân biết. Đây là văn bản gửi cho cơ quan trọng yếu của Quốc hội, một việc làm công khai, minh bạch, thì tại sao các ông/bà không dám đăng? Các ông/bà sợ cái gì? Sợ sự thật à? Chính các ông/bà là những người bưng bít, che giấu sự thật, thế mà còn cho tay sai bù lu bù loa thế này thế kia. Các ông/bà không có lòng tự trọng và liêm sỉ tối thiểu của người cầm bút sao?
Ba là, trong hai bài viết nói trên, không có chỗ nào tôi đòi lật đổ chế độ. Tôi viết rất rõ: “Chủ trương của chúng ta là ôn hòa, bất bạo động, chống lại các hành động quá khích, khủng bố, vũ trang lật đổ.” (Những điều nói rõ thêm…). Chấp nhận đa nguyên đa đảng, đấu tranh trong hoà bình, là để tạo cơ chế cho Đảng Cộng sản tự điều chỉnh, được nhân dân giám sát, ngăn chặn khuynh hướng lộng quyền và lạm quyền, là khuynh hướng vốn có của bất cứ một chính quyền nào, dù cộng sản hay không cộng sản, nếu không được các lực lượng của toàn xã hội giám sát. Nếu không giải quyết sớm, kịp thời, sẽ có nguy cơ bùng nổ những bạo loạn chính trị mà người dân sẽ là người trước tiên gánh chịu hậu quả.
Thưa các vị Giám đốc Đài Truyền hình, truyền thanh, Tổng biên tập các báo,
Các vị chịu trách nhiệm chính về nội dung những bài viết đăng trên báo của mình, nên không thể vì trên chỉ đạo “đánh ông Đằng bằng bất cứ giá nào” mà đi đăng những bài với luận cứ ngớ ngẩn, thiếu trung thực, chỉ làm trò cười cho thiên hạ.
Nhưng tôi cũng thành thực cảm ơn các ông/bà: nhờ báo các ông/bà phê phán tôi mà đông đảo quần chúng biết đến hai bài viết của tôi – những bài viết đã làm cho cả hệ thống báo chí, phát thanh, truyền hình đồng loạt tấn công trong một cơn lên đồng tập thể. Các vị nên biết rằng Việt Nam chúng ta hiện nay được xếp là một trong những nước mà người dân, nhất là giới trẻ, sử dụng rộng rãi Internet. Qua các bài báo phê phán tôi, các vị đã “quảng cáo” giúp tôi. Người dân sẽ nhờ con cháu, người quen cung cấp hai bài viết của tôi. Tôi tin rằng họ sẽ công minh, sáng suốt để phân định đúng sai.
Trân trọng,
Lê Hiếu Đằng

Thứ Ba, 20 tháng 8, 2013

Vụ Đinh Đức Lập: HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM BẮT ĐẦU LÊN TIẾNG BẢO VỆ HỘI VIÊN



Vụ Đinh Đức Lập
Báo Người làm báo lên tiếng bảo vệ hội viên

* Ban Thường trực Mặt trận tổ quốc không giải quyết tố cáo theo luật định
* Ông Lập – người bị tố cáo tự giải quyết tố cáo và xử lý kỷ luật người tố cáo
* MTTQVN cần giải quyết dứt điểm công khai, minh bạch
Tạp chí Người làm báo (thuộc Hội Nhà báo Việt Nam) trên trang 21 số 63 tháng 8/2013 vừa đăng bài viết lên tiếng bảo vệ ba nhà báo chống tiêu cực tại báo Đại Đoàn Kết bị chính người tố cáo (ông Đinh Đức Lập – Tổng biên tập) trả thù buộc thôi việc.

Bài viết chỉ rõ, theo Điều 12 khoản 1 luật Tố cáo quy định về thẩm quyền giải quyết những nội dung tố cáo của ba nhà báo thuộc Ban Thường trực Ủy Ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam. Thế nhưng, Ban Thường trực Ủy Ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam đã không giải quyết. Thay vào đó là việc “sút bóng” cho Đảng đoàn Ủy Ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam giải quyết. Đảng đoàn chỉ là lãnh đạo đường lối của toàn ngành chứ không quản lý trực tiếp chi bộ và báo Đại Đoàn Kết. Cái sai lại tiếp cái sai khi Đảng đoàn MTTQ không trả Kết luận cho người tố cáo theo điều 26 luật tố cáo quy định. Điều này nếu không phải nhằm bao che, cố tình giải quyết sai nội dung tố cáo ông Lập của Đảng đoàn MTTQ, mặt khác để người tố cáo không có căn cứ để khiếu nại thì là gì?.

P. V

Bài trên Người làm báo:
3 nhà báo bị kỷ luật tại báo Đại Đoàn Kết tiếp tục khiếu nại
Mộc Miên

Bài báo “Bị buộc thôi việc sau khi tố cáo” – liên quan đến vụ việc kỷ luật 3 nhà báo tại Báo Đại Đoàn Kết đăng trên báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh ngày 4.8.2013 đã gây sự chú ý trong dư luận. Vụ việc tiếp tục “nóng” lên khi Ban Biên tập báo Đại Đoàn Kết bày tỏ quan điểm kỷ luật thôi việc 3 nhà báo này ở mục “Cùng bạn đọc” (trang 3 số báo ngày 5.8.2013; daidoanket.vn ngày 9.8.2013) là do “Quá trình cơ cấu lại tổ chức, quy trình sản xuất của tờ nhật báo, một số cá nhân không theo kịp sự phát triển, vì lợi ích cá nhân đã tỏ ra bất mãn, dần xa rời tập thể. Họ liên tục có hành vi vi phạm quy chế hoạt động của Báo, vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ viên chức và những việc viên chức không được làm quy định tại Luật Viên chức, vi phạm các nghĩa vụ cam kết trong hợp đồng làm việc...”.

Vụ việc bắt đầu từ ngày 7.5.2012 khi 3 nhà báo của Báo Đại Đoàn Kết là Đặng Thị Kim Ngân – Phó Trưởng Ban Khoa giáo, Nguyễn Mạnh Thắng – Phó Trưởng ban văn hóa Nghệ thuật; Bùi Hữu Phước (tức Hữu Nguyên) – Phó Trưởng ban Đại diện Báo tại TP. Hồ Chí Minh làm đơn tố cáo sai phạm của Tổng biên tập Đinh Đức Lập.

Sau hơn một năm, Ban Thường trực Ủy Ban Trung ương MTTQVN vẫn chưa có kết luận giải quyết đơn tố cáo mà chỉ có kết luận giải quyết tố cáo của Đảng đoàn Ủy Ban Trung ương MTTQVN. Tuy nhiên, khi công bố kết luận này, 3 nhà báo chỉ được mời lên nghe thông báo kết luận với lý do “Thực hiện nguyên tắc Đảng” nên không trả lời kết luận giải quyết đơn tố cáo bằng văn bản theo như điều 26 luật Khiếu nại – Tố cáo quy định, khiến vụ việc càng căng thẳng hơn.

Nhà báo Kim Ngân, cho biết cả 3 anh chị đều phản ứng mạnh mẽ trước cách xử lý trên vì Điều 12 khoản 1 luật Khiếu nại - Tố cáo quy định rõ thẩm quyền giải quyết tố cáo: “Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết”. Như vậy, thẩm quyền giải quyết những nội dung tố cáo đối với 3 nhà báo kể trên thuộc về ban Thường trực Ủy Ban Trung ương MTTQVN. Tuy nhiên tạiBáo Đại Đoàn Kết, trực thuộc Ủy Ban MTTQVN – Tổng biên tập Đinh Đức Lập đã giải quyết tố cáo và xử lý kỷ luật buộc thôi việc những người đã tố cáo mình.

Hiện nay, cả 3 nhà báo bị kỷ luật thôi việc vẫn tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền can thiệp, đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam, lên tiếng bảo vệ Hội viên, đồng thời nhờ luật sư hỗ trợ pháp lý và nộp đơn kiện ra tòa án Quận Hoàn Kiếm (TP. Hà Nội). Vụ việc không những vượt ra ngoài phạm vi điều chỉnh của những “Quy chế hoạt động” nội bộ cơ quan báo chí, mà còn liên quan đến nhiều lĩnh vực pháp luật khác như Luật Báo chí, Luật Lao động, Luật Viên chức, Luật Khiếu nại – Tố cáo.

3 nhà báo vẫn chưa hề nhận được bất kỳ văn bản kết luận giải quyết đơn tố cáo nào của cơ quan có thẩm quyền. Đã đến lúc cơ quan chủ quản cần giải quyết dứt điểm vụ việc tại Báo Đại Đoàn Kết một cách công khai, minh bạch các kết luận thanh tra.

Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

Phẫn nộ với … “cối xay gió”!


Trong họan nạn mới biết rõ lòng người. Mặc dù bị ông Đinh Đức Lập thẳng tay đàn áp, trù dập với đỉnh cao là sa thải khỏi báo Đại Đoàn Kết, viết bài bôi bác, xuyên tạc, chụp mũ, vu khống song những ngày qua, lòng tôi lại thấy vui và ấm áp lạ.

Vui, vì đột nhiên có quá nhiều sự chia sẻ của bạn bè, đồng nghiệp, của dư luận xã hội, của cả những người chưa từng quen biết hoặc chỉ biết nhau trên báo chí, mạng internet… Hầu hết đều bày tỏ sự cảm thông với cuộc đấu tranh mang tính chất “đánh vào cối xay gió” của chúng tôi. Có người còn đùa, có lẽ đây là cuộc đấu tranh có tính chất lãng mạn cách mạng cuối cùng của “bộ tộc những người làm báo”… nhằm bảo vệ cái tên của một diễn viên hài: Công Lý (xin lỗi anh Công Lý, chỉ đùa chút thôi).

Ấm áp, vì mọi người đều thấu hiểu vấn đề, biết rõ sự thật, mặc cho ông Đinh Đức Lập lợi dụng báo Đại Đoàn Kết viết bài xuyên tạc, chụp mũ những người đã tố cáo hàng loạt sai phạm của ông.

Cảm giác ấm áp nhất là sự chia sẻ, động viên của nhiều vị cán bộ lão thành của báo Đại Đoàn Kết và nhiều cộng tác viên lâu năm của chính báo này.

Nhà báo, nhà sưu tập tư liệu nổi tiếng đạt nhiều kỷ lục quốc gia và cũng là cựu Phó tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết Trần Thanh Phương đã rất nhiều lần gặp gỡ trực tiếp và thường xuyên qua điện thoai hỏi thăm tình hình, động viên tinh thần và chia sẻ với chúng tôi rất nhiều điều xung quanh cuộc đấu tranh với “cối xay gió” nói trên.

Các nhà báo gạo cội khác ở Đại Đoàn Kết mà tôi không tiện nêu tên bây giờ cũng liên tục bày tỏ sự phẩn nộ về hành vi trù dập cán bộ trái pháp luật của ông Lập mà đặc biệt là các hành xử chưa từng có tiền lệ cho đăng bài ngay trên chính báo Đại Đoàn Kết vu khống những người tố cáo ông.

Nhưng ấn tượng và cảm động nhất với tôi là tình cảm của cựu Đại sứ Nguyễn Lê Bách, nhà ngoại giao kỳ cựu (từng là Đại sứ Việt Nam tại các nước vùng Trung Đông trong nhiều năm) người cộng tác thân tình, uy tín và lâu năm với báo Đại Đoàn Kết.

Nay đã về hưu đang nằm trên giường bệnh điều trị căn bệnh hiểm nghèo đã không thể kìm nén cảm xúc phẫn nộ qua điện thoại  về hành vi vô tiền khoán hậu của ông Đinh Đức Lập đối với những nhà báo tố cáo các sai trái của ông.  Cựu Đại sứ Nguyễn Lê Bách kết thúc câu chuyện bằng lời căn dặn “đã làm chuyện đúng đắn thì phái làm tới cùng, dù rất gian nan, khốn khổ vì sự trả thù, trù dập của những kẻ đang tạm thời nắm quyền lực trong tay”. Sự chia sẻ và lời động viên chân tình của một nhà ngoại giao kỳ cựu, một cộng tác viên chí tình và lâu năm của báo Đại Đoàn Kết chính là nguồn năng lượng ấm áp, mạnh mẽ giúp chúng tôi tự tin hơn trong “cuộc đấu tranh với cối xay gió” của mình.

Luật gia Lê Hiếu Đằng,  nguyên là Phó chủ tịch MTTQVN TP.HCM, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật của MTTQ Việt Nam cũng đang trong thời gian điều trị bệnh, điện thoại chia sẻ với giọng nói còn chưa khỏe hẳn, đôi lúc ngắt quãng bởi những cơn ho kéo dài… Tỏ ra vô cùng bức xúc, ông Đằng cho biết sẽ có ý kiến chính thức  với UBTƯMTTQVN về vụ việc Đinh Đức Lập. MTTQVN cần phải có hành động cụ thể bảo vệ công lý, lẽ phải, bảo vệ những người đấu tranh đúng pháp luật, đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước trong cuộc chiến đấu chống tham nhũng, tiêu cực.

Đặc biệt là sự chia sẻ, lên tiếng của nhiều tờ báo đồng nghiệp, trong đó có tờ Tuổi Trẻ… Mặc dù phải hứng chịu nhiều sự “vận động, can thiệp” gây hoang mang và khó khăn cho những nhà báo trực tiếp tác nghiệp cũng như các lãnh đạo báo ở các tờ báo này. Song ít nhiều gì các tờ báo đó cũng đã làm được những việc đúng vời lương tâm nghề nghiệp cũng như chức trách xã hội của mình. Công bố lên dư luận một sự thật mà ông Đinh Đức lập và nhóm lợi ích của ông đang ra sức bưng bít, xuyên tạc.

Trước đây tờ báo Người Cao Tuổi từng đăng tải nhiều bài vạch trần sự thật nhức nhối về các hành vi sai phạm, tham nhũng của ông Đinh Đức Lập và các thành viên nhóm lợi ích của ông Lập được dư luận hoan nghênh. Song, lãnh đạo Hội Người Cao tuổi do sự tác động từ phía ô dù của ông Đinh Đức Lập đã ngăn cản không cho báo này tiếp tục công bố nhiều sự việc còn nghiêm trọng hơn nữa. Ông Kim Quốc Hoa, tổng biên tập báo Ngtười Cao Tuổi dù rất thẳng thẳn, cương quyến đấu tranh công khai sự thật nhưng vẫn phải chấp hành “lệnh miệng” của lãnh đạo cơ quan chủ quản tờ báo mà ngậm ngùi dừng lại. Không hiểu, các tờ báo tiếp tục “sự nghiệp” này rồi đây có lâm vào tình cảnh như báo Người Cao Tuổi nữa hay không? Có người bình luận, Người Cao Tuổi là cây đa cây đề mà còn phải im tiềng, huống hồ gì các tờ báo cháu chắt!

Điều đó cho thấy, để công bố sự thật và đấu tranh bảo vệ sự thật không để cho ai có thề bưng bít và xuyên tạc, bóp méo sự thật quả là một cuộc đấu tranh gian khó. Mà nhiều người đang ví như là “cuộc đấu tranh với cối xay gió”. Do đụng chạm tới lợi ích cá nhân, lợi ích của những nhóm quyền lực, nên họ phải ra sức bưng bít, ngăn cản, gây khó khăn và thậm chí trả đũa bằng mọi cách kể cả những cách thức hèn mạt nhất. Họ thực hiện sự trả thù, trừng phạt một cách thô bạo và ngang nhiên bất chấp pháp luật, đáng buồn là không ít người lại dễ dàng chấp nhận sự can thiệp đó khi chưa nắm rõ vấn đề. Đó cũng là một cách tiếp tay, hoặc bỏ mặc theo kiểu “mackeno” sống chết mặc bay, vô cảm, vô trách nhiệm với xã hội. Thái độ và cách hành xử “mackeno” đã vô tình mở toang cửa cho cái ác, cái xấu hoành hành trong xã hội như chốn không người.

Vì vậy, sư thông cảm, quan tâm, thấu hiểu và sẵn sàng tham gia vào “cuộc đấu tranh với cối xay gió” của những vị cán bộ lão thành dù đang nằm trên giường bệnh, của nhiều đồng nghiệp dũng cảm công khai danh tính hoặc còn đang ẩn danh hiện là điều vô cùng quý giá. Nhất là trong hoàn cảnh “cối xay gió” vẫn đang nắm trong tay quyền lực và luôn hành xử bất chấp pháp luật kiểu ông Đinh Đức Lập ở báo Đại Đoàn Kết.