Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

Từ những vụ “triệu đô” liên quan đến những cán bộ có tên “Dũng”

Trên địa bàn cả nước chắc sẽ còn rất nhiều cán bộ “cộm cán” của đảng và nhà nước liên quan đến những cái tên “Dũng” mà trong phạm vi bài viết không thể liệt kê ra hết.

Chỉ biết rằng báo chí đang cho nhân dân thấy rằng nếu chỉ cần tập trung giải quyết những vụ việc có liên quan đến những cái tên “Dũng” trong các cơ quan đảng và nhà nước mà nhân dân đang phẫn nộ bất bình ắt sẽ có rất nhiều điều thú vị và sẽ giúp dân lành thêm tin yêu đảng, tin yêu chế độ biết bao nhiêu.

Đức Thành

Vẫn biết rằng mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Nhìn lại những quan chức của một đảng đang cố tình độc quyền lãnh đạo phạm tội phải rơi vào vòng lao lý, mặc dù số bị xử lý theo pháp luật chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ nhưng cũng đủ làm cho mọi người chúng ta phải suy ngẫm, trăn trở về hiện tình đội ngũ cán bộ đảng, cán bộ công chức ngày nay.

Sau khi Dương Chí Dũng làm nhân chứng nhắc lại lời khai của mình, những lời đã khai trước đó với cơ quan điều tra ngay khi bị bắt, tại phiên tòa xử em trai mình (Dương Tự Trọng) tổ chức cho người khác ra nước ngoài trái phép. Rằng, ông đã đưa hối lộ tổng cộng hơn 1 triệu đô la cho ông Phạm Quý Ngọ, một cán bộ cao cấp trong ngành công an. Không ít người dân đặt nghi vấn rằng tại sao lại có nhiều ông tên Dũng là đảng viên , làm cán bộ cấp to hẳn hoi lại bị dân tình và pháp luật săm soi kỹ đến như vậy.

Vài năm về trước vụ án con bạc triệu đô cũng liên quan đến một đối tượng cộm cán mang tên Dũng mà thủ phạm chính là ông Bùi Tiến Dũng – nguyên tổng giám đốc PMU 18 – đã đánh bạc và tổ chức đánh bạc với số tiền khủng khiếp, lên đến 1,8 triệu đô la Mỹ. Ngoài Bùi Tiến Dũng trogn vụ án đó còn có các cán bộ mà chắc chắn đều là đảng viên, mặc dù truyền thông nhà nước cố tình quên không đính kèm cho các bị cáo đó các danh hiệu với cụm từ “nguyên đảng viên cộng sản Việt Nam” mà điểm mặt đều là cán bộ lãnh đạo công ty hay cán bộ lãnh đạo công an phường trở lên. Có lẽ nếu khai thác thêm cụm từ này vào vụ án sẽ làm căn cứ để giải quyết vụ án một cách đầy đủ toàn diện nhất, để xem xét cân nhắc lượng hình cho các bị cáo, bởi họ là đảng viên nên họ đã từng phải có lời thề suốt đời trung thành và tận tụy phục vụ nhân dân. Và qua đó nhân dân cũng sẽ hiểu việc không đưa cụm từ “là đảng viên” (nếu bị cáo là đảng viên) để bào chữa cho bị cáo Tòa án mà cụ thể hội đồng xét xử đã không đánh giá vụ án một cách khách quan toàn diện và đầy đủ để định tội.

Trở lại vụ án “con bạc triệu đô” của ông Dũng họ Bùi, từ vụ án này đã lộ ra biết bao nhiêu là chuyện khác nhưng cũng không khác mấy những chuyện của ông Dũng (Dương) trong vụ án tham ô tham nhũng tại Vinalines, ví như cũng bao gái từ nguồn tiền tham nhũng lậu lạm. Điều đó cho thấy đạo đức cách mạng mà đảng trau dồi cho họ đã hết thiêng.

Chả biết có vô tình không, ngay tại thời điểm vụ “triệu đô” Dương Chí Dũng nóng nhất. Báo chí lại đưa ra một ông Dũng khác, đó là ông Dũng họ Trịnh – đương kim bộ trưởng xây dựng Trịnh Đình Dũng – bị chính người dân quê ông, cũng chính là công dân của ông khi ông còn làm chủ tịch tỉnh, và họ cũng đã là những quần chúng tốt đầy khí thế cách mạng của đảng khi ông làm bí thư tỉnh ủy tỉnh, đã cả gan chặn xe ông chỉ với một đòi hỏi rất bình thường là cán bộ của đảng có cả “triệu đô” để đi đánh bạc, để bao gái nuôi bồ nhí, để chạy án, chạy dự án… trong khi đó nhà nước, đảng mà những cán bộ ấy là đại diện khi bồi thường cho dân lại quá rẻ mạt. Dân cũng hỏi rằng, để ra được cái quyết định bồi thường rẻ mạt ấy, nhà nước lại bắt nhân dân – những công dân đã chặn xe – phải đóng bao nhiêu loại phí, thuế cao quá mức chịu đựng của họ nhằm nuôi thêm không biết bao nhiêu cán bộ trong cái hội đồng tư vấn cho nhà nước ra các quyết định bồi thường quá rẻ mạt kia.

Trên Wikipedia, ông Trịnh Đình Dũng được ca ngợi là có quan điểm “công nghiệp hóa nhưng không làm bần cùng hóa người dân”, và Vĩnh Phúc thời kỳ ông làm lãnh đạo “là địa phương đầu tiên thực hiện chính sách cấp đất dịch vụ khi nhà nước thu hồi đất đã giúp cho trung ương bài học về giải phóng mặt bằng”!

Nhưng thực tế thì sao? Khi đã 10 năm nay các khu công nghiệp mọc lên trên địa bàn Vĩnh phúc kể cả nơi đã chuyển về Hà Nội chưa thấy có nơi nào người dân được cấp đất dịch vụ, và nếu mục tiêu của ông là không làm bần cùng hóa người dân thì tại sao người dân quê ông lại phải chặn xe để khiếu nại về tiền công, tiền đền bù rẻ mạt?

Để hiểu hơn về ông Dũng họ Trịnh này, có lẽ chính xác nhất là nhà nước hãy biết lắng nghe và biết cách hành xử đúng pháp luật để người dân Vĩnh Phúc lên tiếng, bởi địa phương Vĩnh Phúc cũng là một địa chỉ có tỷ lệ dân oan cao trên bản đồ dân oan cả nước.

Trên địa bàn cả nước chắc sẽ còn rất nhiều cán bộ “cộm cán” của đảng và nhà nước liên quan đến những cái tên “Dũng” mà trong phạm vi bài viết không thể liệt kê ra hết.

Chỉ biết rằng báo chí đang cho nhân dân thấy rằng nếu chỉ cần tập trung giải quyết những vụ việc có liên quan đến những cái tên “Dũng” trong các cơ quan đảng và nhà nước mà nhân dân đang phẫn nộ bất bình ắt sẽ có rất nhiều điều thú vị và sẽ giúp dân lành thêm tin yêu đảng, tin yêu chế độ biết bao nhiêu.


Liệu một mình ban nội chính có làm xuể? Đừng ngại rằng nếu xử lý hết cán bộ sẽ lấy ai làm việc như lời một cán bộ “to”đang lãnh đạo cơ quan lập pháp đã tuyên bố, bởi nhân dân đâu có cần những cán bộ như thế!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét