Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2014

Ý kiến trái chiều về thông điệp của Thủ tướng Việt Nam


Đây được coi là lần đầu tiên người đứng đầu chính phủ Việt Nam đưa ra đánh giá về năm cũ và nêu những hoạch định cho năm mới đúng ngày đầu năm.

Đây được coi là lần đầu tiên người đứng đầu chính phủ Việt Nam đưa ra đánh giá về năm cũ và nêu những hoạch định cho năm mới đúng ngày đầu năm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm 1/1 đã phát đi thông điệp đầu năm, trong đó nhấn mạnh rằng nguồn động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững xuất phát từ việc ‘đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân’.

Đây được coi là lần đầu tiên người đứng đầu chính phủ Việt Nam đưa ra đánh giá về năm cũ và nêu những hoạch định cho năm mới đúng ngày đầu năm, giống như các nhà lãnh đạo khác trên thế giới vẫn thường làm.

Bài phát biểu này sau đó đã được đưa ra ‘mổ xẻ’ trên các trang mạng xã hội.

Nhà hoạt động xã hội Lã Việt Dũng nói với VOA Việt Ngữ rằng bài diễn văn mang ‘tính hình thức nhiều hơn thực tiễn’.
Ông Dũng nói: “Theo tôi đánh giá, ông Nguyễn Tấn Dũng là một trong những người có khả năng phát biểu, thuyết trình và ra những văn bản mà nghe thì có vẻ như là rất là đổi mới nhưng mà thực tế thì còn phải kiểm nghiệm nhiều. Trước đây, vụ Tiên Lãng, vụ Đoàn Văn Vươn, gần như ngay lập tức, ông Nguyễn Tấn Dũng đã có những văn bản chỉ đạo, xử lý nghiêm túc và đúng người đúng tội trong vụ này. Nhân dân, nhiều người rất hồ hởi, người ta nghĩ rằng là gia đình ông Vươn có thể được tuyên bố là vô tội. Nhưng chính quyền Hải Phòng vẫn xử một bản án tương đối là nặng. Thứ hai, ông Nguyễn Tấn Dũng từng tuyên bố trước quốc hội rằng phải sớm có luật biểu tình, nhưng tới giờ vẫn chưa ra được luật đó”.

Tiến sỹ Nguyễn Quang A cho rằng thông điệp đầu năm của ông Dũng ‘nêu ra những vấn đề rất là quan trọng của đất nước’ và ‘nếu chính phủ hoặc thủ tướng hiểu đúng các vấn đề đó và cương quyết làm những vấn đề nêu ra thì đó là một điều tốt cho đất nước này’.

Các nhà quan sát cho rằng điểm đáng chú ý là ông Dũng đã nêu ra các vấn đề như dân chủ, pháp quyền và quyền làm chủ của người dân, trong bối cảnh Việt Nam vẫn bị chỉ trích vì thiếu những điều đó.

Ông A cho VOA Việt Ngữ hay rằng phát biểu của Thủ tướng Việt Nam về các vấn đề đó ‘không có gì bất ngờ’.

Ông nói: “Từ trước tới nay người ta vẫn nói như thế. Cái gọi là quyền làm chủ tập thể của nhân dân là từ thời ông Lê Duẩn, tức là cách đây 3 – 4 chục năm rồi, chứ không phải bây giờ. Làm chủ rồi dân chủ, người ta đã nói cách đây cả 5 – 6  chục năm rồi, không phải là cái gì mới cả. Pháp quyền cũng như thế. Tôi chỉ lưu ý một điểm là, người ta nói luôn một cái gọi là xã hội chủ nghĩa đi sau, tức là dân chủ xã hội chủ nghĩa, pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Cái sự mơ hồ, đó chính là cụm từ xã hội chủ nghĩa ở đằng sau. Cho nên, nếu người ta hiểu tất cả những điều đó như tuyệt đại bộ phận nhân dân thế giới hiểu thì đi một nhẽ, còn hiểu theo kiểu của các ông ấy từ trước tới nay, thì nó lại đi một nhẽ”.

Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Việt Nam nói: “Chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng phải ưu việt hơn về dân chủ và đảng ta phải nắm chắc ngọn cờ dân chủ”.

Ông A cho rằng cần phải ‘cẩn trọng’ đối với các ngôn từ như vậy vì ‘họ có thể dùng những từ ngữ mang những ý nghĩa hoàn toàn khác’.

Theo chuyên gia từng nhiều lần lên tiếng về các vấn đề nổi cộm ở Việt Nam, người Việt ‘đã nghe quá nhiều những thông điệp rất là hay, rất là kêu rồi, nhưng mà thực chất nó không phải như vậy’.

Tiến sỹ Nguyễn Quang A cho rằng một người dân thường có thể cảm thấy ‘phấn khởi và tin tưởng’ khi đọc phát biểu của ông Dũng.

Ông A nói: “Có lẽ một thông điệp nào của một lãnh đạo nào cũng muốn gieo một niềm tin như thế vào trong dân chúng. Nhưng mà cái đó nó chỉ thực sự có hiệu quả và nó không phải là cái gậy ông lại đập lưng ông nếu mà cái đấy nó là thực chất, tức là nó được thể hiện.  Từ ngày 1/1/2014 trở đi, một tháng sau, hai tháng sau, sáu tháng sau, chúng ta có thể thấy những ý tưởng đó được thực hiện từ từ, dần dần, tức là có thể nhìn thấy những cải thiện thực sự thì chúng ta mới có thể đánh giá được cái tầm quan trọng, thực chất của thông điệp này như thế nào”.
Thủ tướng Việt Nam cũng nêu ra việc ‘thế hệ trẻ nước ta được trang bị kiến thức ngày càng cao và phần lớn thường truy cập Internet để giao lưu và học hỏi, khám phá và chiêm nghiệm thực tế’.

Ông Dũng cho rằng thế hệ này ‘đang và sẽ đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển cũng như vận mệnh của đất nước’. Người đứng đầu chính phủ ở Hà Nội cũng nói ‘đây vừa là áp lực vừa là điều kiện thuận lợi để tăng cường dân chủ và hoàn thiện thể chế’.

Tiến sĩ Quang A cho rằng đó có thể là ‘một thông điệp nội bộ, gửi cho một nhóm nào đó mà muốn cản trở Internet chẳng hạn, và cũng có thể có một khả năng là cũng có thể nói như thế để lấy lòng dân mà thôi’.

Theo nhà nghiên cứu này, không ai có thể biết được là khả năng nào là sự thật, và ‘chỉ có chính người nói ra mới có thể hiểu được’.

Ông A cho biết ông ‘không rõ có nhắm tới các nhóm [xã hội dân sự] đó không, nhưng ông nghĩ rằng  ‘các nhóm như thế nên tận dụng cái tuyên bố này của ông thủ tướng để đấu tranh với các lực lượng cũng lại của chính phủ của ông ấy mà cản trở điều này’. 

Trong khi đó, kỹ sư Lã Việt Dũng nói rằng việc phát triển Internet nhanh chóng ở Việt Nam là một thực tế ‘khó mà chối bỏ được’.

Ông nói: “Hiện nay nếu muốn phát triển, Việt Nam bắt buộc phải mở rộng thông tin và mở rộng Internet. Họ đã từng chặn Internet, từng chặn Facebook nhưng cuối cùng việc chặn đó gần như là bất lực. Giới trẻ, đặc biệt là những người sử dụng công nghệ thông tin thành thạo, có nhu cầu trao đổi, giao lưu cao thì họ sẽ tiếp cận được và sẽ chiêm nghiệm những vấn đề mặt trái khác của xã hội mà ngày xưa, chính quyền, qua hệ thống tuyên truyền của mình, đã bưng bít”.

Về quyền làm chủ của nhân dân, Thủ tướng Dũng nói rằng ‘nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển’.

Trong khi đó, nhà hoạt động xã hội Lã Việt Dũng nói rằng anh ‘không có niềm tin’ vào những cải thiện dẫn tới các đổi mới thực sự trong năm 2014.

Nguồn VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét