Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

Báo Đại đoàn kết đưa tin nóng về tình hình Hoàng Sa vừa chậm vừa sơ sài

Tinh cờ lên mạng vào Đại đoàn kết online xem tin về Hoàng Sa thấy có nhiều chuyện phải bàn. Thật không vui khi một tờ báo lớn và từng có truyền thống oai hùng như Đại đoàn kết nay lại quá sơ sài và có vẻ như là khá cẩu thả, vô trách nhiệm trong việc đưa tin về các diễn biến nóng ở Hoàng Sa.

Báo  Đại đoàn kết kết từng một thời vang danh với các loạt bài về chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông hết sức nhanh nhạy, kịp thời và hiệu quả. Như loạt bài “Những chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý về chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”; “Đường lưỡi bò – yêu sách hoang đường trên Biển Đông; các loạt phóng sự do nhiều phóng viên của báo đi thực tế ở Trường Sa trong nhiều năm qua ghi nhận rất sống động và hiệu quả…

Nay chẳng hiểu sao lại đưa tin về tình hình Hoàng Sa – giàn khoan HD 981 quá chậm chạp và khá là sơ sài, một cách lạnh lùng.

Tình hình Hoàng Sa – giàn khoan HD 981 ngày 30/5/2014 hầu như đều được các báo lớn của Việt Nam cập nhật trong ngày 30/5/2014 (vì dụ như tờ Tiền Phong http://www.tamguong.vn/phang/672785/Chieu-HOANG-SA-305-Tau-Trung-Quoc-boi-roi-goi-tiep-vien-tpot.html  cập nhật lúc 14:15 phút ngày 30/5/2014; infonet http://infonet.vn/ban-tin-hoang-sa-305-con-28-hai-ly-tq-cuong-cuong-goi-tiep-vien-post132781.info cập nhật lúc 19:23 phút ngày 30/5/2014…). Riêng Đại đoàn kết phải cập nhật tình hình ngày 30/5/2014 trong ngày hôm sau 31/5/2014, khá là chậm chạp.

Đặc biệt, trong ngày 30/5, tàu kiểm ngư Việt Nam đã tiếp cận giàn khoan ở khoảng cách khoảng 2,8 hải lý để yêu cầu Trung Quốc lập tức rút giàn khoan. Không thể ngăn cản, Trung Quốc đã vội vã gọi thêm máy bay và tàu Hải giám để ngăn cản và đâm va tàu VN.

Đây là khoảng cách gần nhất mà lực lượng chấp pháp Việt Nam đã phải rất cố gắng và quyết liệt mới tiếp cận được từ lúc gian khoan 981 của Trung Quốc được hạ đặt trái phép trên vùng biển Hoàng sa của Việt Nam.

Sự kiện này rất đáng ghi nhận, và hầu như được tất cả các báo mạng chính thống khác của Việt Nam loan tin. Chỉ riêng Đại đoàn kết khi phóng viên có mặt tại hiện trường tường thuật lại các sự kiện của ngày 30/5/2014 trên mạng của báo này ngày 31/5/2014 là không đưa tin (xem http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=82732&menu=1501&style=1).

Phóng viên Đại đoàn kết theo như tờ này cho biết thì đang có mặt tại hiện trường Hoàng Sa, vậy mà bản tin trên trang mạng của báo này không có lấy một tấm hình.

Cũng báo Đại đoàn kết nhận định “Ngày 30-5, theo ghi nhận của PV ĐĐK, các tàu Trung Quốc tiếp tục gây hấn, khiêu khích với cường độ mạnh hơn”.

Trong khi nhiều báo khác thì lại cho rằng mấy ngày gần đây khi diễn đàn đối thoại Shangri-la đang diễn ra ở Singapore thì tàu Trung Quốc có giảm bớt cường độ hung hăn hơn trước.

Cụ thể là bình luận của cựu chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm trên báo Tuổi Trẻ số ra ngày 31/5/2014 cho thấy “Các vòng rào bảo vệ xung quanh giàn khoan, số lượng các tàu ngư chính, hải giám, những tàu có năng lực bảo vệ nhất đã giảm, có thể chỉ là để giảm chi phí chứ chưa chứng tỏ việc Trung Quốc có ý rút lui. Nhiều tàu Việt Nam hôm nay đều ghi nhận các tàu Trung Quốc đã bớt thái độ hung hăng, giảm đâm va, phun vòi rồng. Điều đó chứng tỏ sự lên án của Việt Nam, dư luận quốc tế đã có kết quả” (xem http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/610293/du-luan-quoc-te-da-co-ket-qua.html ).

Làm báo theo kiểu báo Đại đoàn kết thật là cẩu thả, nếu không muốn nói là vô trách nhiệm với đất nước. Vì các thông tin như đã dẫn của Đại đoàn kết có quá nhiều chi tiết khiến người đọc băn khoăn, không biết có đáng tin không đây?

Đặc  biệt là sự chậm chạp, thái độ đưa tin thờ ơ, thiếu chính xác như báo Đại đoàn kết đối với vấn đề gây chấn động dư luận Việt Nam, đang lan ra gần như khắp khu vực, thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia hàng đầu thế giới, làm sôi sục hàng chục tim con tim Việt trong và ngoài nước trong những ngày qua, thực là đáng phê phán.


TRUNG QUỐC ĐANG THUA NHƯ THẾ NÀO?

Với những gì Trung Quốc đã và đang làm trên Biển Đông thì việc gần như cả thế giới "vẫn nhìn Trung Quốc như một gã khổng lồ hung hăng, một tên đạo đức giả, một gã trọc phú thừa tiền nhưng nghèo về tư cách, đạo đức... Người ta chỉ có sợ và e dè Trung Quốc, chứ không kính trọng" như kết quả một cuộc thăm dò của BBC năm 2012 là chuyện không có gì đáng ngạc nhiên.

Vừa ăn cướp, vừa la làng cho nên thế giới ngày nay thật sự cảnh giác với tên khổng lồ thiếu văn hóa này hơn bao giờ hết. Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã có nhận xét chí lý khi cho rằng: "Những gì màTrung Quốc đang làm khác rất xa những gì mà Trung Quốc nói”.

Khổng lồ nhưng bị coi thường, càng khiến Trung Quốc thêm hung hăn, gây hấn. Hậu quả là càng hung hăn, càng gây hấn "quyền lực mềm" mà Trung Quốc đang ra sức xây dựng, tố vẽ càng thất bại thảm hại trong nhận thức chung của gần như toàn thế giới văn minh.

Quyền lực mềm: TRUNG QUỐC ĐANG THUA NHƯ THẾ NÀO?


(NCTG) "Hình ảnh về một Trung Quốc giàu có, văn minh, đẹp đẽ mà chính quyền Trung Quốc cố gắng gây dựng qua những phong trào tuyên truyền tại ngoại quốc đã bị chính tay người dân nước này phá bỏ không thương tiếc. Một lần nữa, hình ảnh Trung Quốc là một sự thật trần trụi: họ thừa tiền, nhưng vô cùng nghèo về tư cách cùng hiểu biết về thái độ ứng xử trong một xã hội văn minh. Nói đúng hơn, Trung Quốc hiện nguyên hình là một tên trọc phú".


Hình ảnh chiếc ghế trống tại buổi trao giải Nobel Hòa bình cho nhà tranh đấu dân chủ Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo) là một hình ảnh vô cùng mạnh mẽ, nó tố cáo một sự thật trần trụi: tiền Trung Quốc có thừa, nhưng sự tự do và tôn trọng nhân quyền thì không!”

Mao Trạch Đông có nhiều câu nói bất hủ mà một trong những câu nói ấy là “Mọi quyền lực chính trị đều phát sinh từ nòng súng”, khẳng định chủ trương dùng bạo lực để đạt đến mục đích chính trị. Mao chết đi, những người Cộng sản lên nắm quyền vẫn tiếp tục theo đuổi chủ trương này: bắt bớ, đàn áp, thủ tiêu những kẻ không cùng chính kiến với mình. Đỉnh điểm là cuộc tàn sát Thiên An Môn năm 1989 với con số những người biểu tình bị giết hại lên đến hàng ngàn người.

Những nhà lãnh đạo Trung Quốc chỉ thấy bạo lực - hay quyền lực cứng - là phương pháp tối ưu để cai trị và giải quyết mọi vấn đề. Nhưng giáo sư Joseph Nye của Đại học Harvard thì lại không nghĩ như thế. Ông nhắc đến một khái niệm mới là “quyền lực mềm” (soft power) lần đầu tiên trong cuốn sách “Bound to Lead: The Changing Nature of American Power” xuất bản năm 1990. Hai mươi bốn năm sau, khái niệm này được Joseph Nye hoàn tất trong cuốn sách thứ hai “Soft Power: The Means to Success in World Politics”.

Theo ông, để đạt được một mục đích chính trị nào đó thì thay vì dùng vũ lực để đàn áp hoặc tiền bạc để mua chuộc, bạn hãy dùng sự hấp dẫn của chính mình để thu phục lòng người và tìm kiếm sự ủng hộ. Trên bình diện quốc tế, quyền lực mềm của một quốc gia phụ thuộc vào ba yếu tố chính: 1. sức hấp dẫn của văn hóa (bao gồm văn chương, nghệ thuật, giáo dục, thể thao và văn hóa giải trí), 2. lý tưởng chính trị và 3. các chính sách đối ngoại.

Khái niệm quyền lực mềm nhanh chóng được nhiều nguyên thủ quốc gia nghiên cứu kỹ lưỡng và không ít người ủng hộ việc dùng quyền lực mềm để nâng cao hình ảnh và vị trí của quốc gia mình trên bàn cờ chính trị thế giới.

Trung Quốc cũng không thể làm ngơ trước tầm quan trọng của quyền lực mềm. Năm 2007, tại Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 17, Hồ Cẩm Đào tuyên bố Trung Quốc cần phải đầu tư nhiều để phát triển quyền lực mềm. Hẳn cũng không khó khăn gì để họ Hồ nhận ra vị thế của Trung Quốc: một quốc gia với con số GDP khổng lồ và chắc chắn sẽ vượt qua Mỹ trong tương lai gần, nhưng rồi danh hiệu nền kinh tế lớn nhất thế giới ấy lại bị làm lu mờ bởi những đàn áp nhân quyền thô bạo, bởi nạn tham nhũng tràn lan hầu như không còn cách nào kiểm soát được, bởi nạn đạo đức xã hội xuống cấp trầm trọng và bởi bao vấn đề liên quan đến môi trường và an sinh xã hội.

Các công dân của Trung Quốc tuy mang tiếng là công dân của một nước lớn, nhưng có vẻ họ không nhận được sự đối xử tương xứng. Một ví dụ: theo đánh giá của tổ chức Hentley and Partners năm 2013 về những quốc gia được ưu tiên miễn thị thực visa thì Trung Quốc nằm ở hạng 82, gần chót, chung nhóm với những nước ở vùng Châu Phi và Trung Đông như Cameroon, Congo, Jordan và Rwanda. Ở vị thế này, công dân mang hộ chiếu Trung Quốc chỉ được có 44 quốc gia trên thế giới (tổng số 218) miễn thị thực.

Đây là một con số vô cùng khiêm tốn nếu so sánh với con số của Anh, Mỹ, Đức, Phần Lan, v.v… Có tổng cộng 173 quốc gia miễn thị thực cho công dân của Phần Lan, Thụy Điển và Anh; với Đan Mạch, Đức, Luxembourg và Mỹ thì con số này là 172; theo sau là Bỉ, Canada, Na Uy, Nhật, Hàn Quốc, v.v…

Khổng lồ, nhưng cô đơn và bị coi thường. Trung Quốc không thể nào hài lòng với vị trí này.

Và như thế, họ bắt đầu đổ tiền vào các dự án phát triển quyền lực mềm để nhằm nâng cao hình ảnh và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới. Hàng tỷ đô-la được Trung Quốc đầu tư vào các chương trình giúp đỡ các quốc gia nghèo ở châu Phi/Nam Mỹ và phát triển hàng trăm Học viện Khổng Tử ở khắp mọi nơi. Trung Quốc cũng không ngại vung tiền để làm một Thế Vận Hội (mùa hè 2008) vô cùng hoành tráng để cho cả thế giới biết giờ đây họ không còn là một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu nữa. Cuộc triển lãm thương mại quốc tế năm 2010 tại Thượng Hải được kể là một thành công lớn khi Trung Quốc thu hút được hơn 70 triệu khách tham dự. Họ cũng không tiếc tiền đầu tư vào những kênh truyền hình và radio ở nước ngoài bằng tiếng Anh nhằm tô vẽ một hình ảnh hiện đại và dân chủ về Trung Quốc.

Với bao tâm huyết và tiền của đổ ra, Trung Quốc đã thu về được những gì?

Không nhiều, nếu không muốn nói là rất ít. Theo một cuộc thăm dò của BBC năm 2012, trong khi một số nước ở châu Phi và Nam Mỹ nhìn Trung Quốc với nhiều thiện cảm thì hình ảnh của Trung Quốc tại Bắc Mỹ, Châu Âu, Ấn Độ, Nhật và Hàn Quốc lại vô cùng tồi tệ. Người ta vẫn nhìn Trung Quốc như một gã khổng lồ hung hăng, một tên đạo đức giả. Người ta chỉ có sợ và e dè Trung Quốc, chứ không kính trọng. Người ta chỉ công nhận Trung Quốc là một cường quốc kinh tế với thái độ lạnh lùng chứ không mến phục.


Nếu xem sự đầu tư phát triển quyền lực mềm là một chuyến làm ăn thì Trung Quốc đang chịu lỗ nặng. Trao ra thì rất nhiều nhưng nhận về lại chẳng bao nhiêu. Tại sao như thế?

Có ba nguyên nhân:

Thứ nhất, quyền lực mềm của một quốc gia chỉ có hiệu quả khi ba yếu tố văn hóa, lý tưởng chính trị và chính sách đối ngoại phối hợp nhịp nhàng với nhau. Một học viện Khổng Tử ở Manila có thể không ngớt rao giảng về những giá trị nhân nghĩa, tương thân tương ái đến người Philippines, nhưng ở ngoài khơi thì Trung Quốc lại không ngớt bắt nạt Philippines trong vấn đề chủ quyền, vậy cái học viện Khổng Tử ấy nói cho ai nghe đây?

Thật rõ ràng, văn hóa của Trung Quốc không hề đi chung đường với chính sách đối ngoại của họ. Tương tự như vậy, thành công rực rỡ của cuộc triển lãm thương mại quốc tế năm 2010 tại Thượng Hải nhanh chóng tan thành mây khói khi sau đó ít lâu, tràn ngập trên các phương tiện truyền thông quốc tế là hình ảnh chiếc ghế trống tại buổi trao giải Nobel Hòa bình cho nhà tranh đấu dân chủ Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo).

Chiếc ghế trống, cỏn con ấy là một hình ảnh vô cùng mạnh mẽ. Nó tố cáo một sự thật trần trụi: tiền Trung Quốc có thừa, nhưng sự tự do và tôn trọng nhân quyền thì không.

Thứ hai, quyền lực mềm của một quốc gia chỉ có hiệu quả khi nó đến từ hai phía: chính quyền và xã hội dân sự. Hãy nhìn ví dụ của Mỹ. Trên bề mặt, quyền lực mềm của Mỹ qua phương diện văn hóa gần như hoàn toàn đến từ xã hội dân sự và các tổ chức tư nhân. Từ giáo dục ở bậc đại học cho đến phim ảnh Hollywood, từ văn chương cho đến nghệ thuật, từ các phát minh khoa học cho đến thung lũng điện tử Silicon Valley, v.v…

Nhưng sở dĩ Mỹ có một thành quả văn hóa rực rỡ như ngày hôm nay là do chính quyền Mỹ đã thành công trong việc gây dựng và bảo vệ một môi trường mà trong đó sự sáng tạo được khuyến khích triệt để, quyền sở hữu các sản phẩm trí tuệ được đảm bảo và quan trọng hơn hết, các quyền căn bản của con người được tôn trọng.

Nhìn về Trung Quốc, có thể thấy quyền lực mềm của quốc gia này chỉ đến từ phía chính quyền, ngay cả mặt văn hóa. Chính sách trù dập những văn nghệ sĩ bất đồng chính kiến, nạn kiểm duyệt phim ảnh nội địa gắt gao, cùng nạn sao chép, ăn cắp các sản phẩm trí tuệ đã gần như bóp chết sức sáng tạo của người dân Trung Quốc.

Hãy lấy ví dụ về công nghệ phim ảnh giải trí ở Trung Quốc. Một phóng viên đã từng đưa ra nhận định là hiện nay, có ít nhất 70% phim ảnh Trung Quốc (bao gồm phim điện ảnh và truyền hình) tập trung vào các đề tài võ hiệp (ví dụ như Kim Dung), lịch sử (thời Tam Quốc, Bao Công) và cuộc chiến kháng Nhật. Những vấn đề gai góc của xã hội hiện nay như tham nhũng, cường hào ác bá, v.v… bị liệt vào hàng cấm.

Văn hóa đến từ quyền lực mềm của Trung Quốc hiện nay là một thứ văn hóa rất tội nghiệp, vì thứ nhất, nó chỉ dám quanh quẩn ở thời quá khứ; thứ hai, nó gần như không có hiện tại, khi mà hiện tại của nó là một Trung Quốc không ngớt hít khói trong cuộc thi đua về sức sáng tạo với Mỹ và phương Tây.

Thứ ba, quyền lực mềm của một quốc gia chỉ có hiệu quả nếu có sự hợp tác tích cực từ người dân. Đây là một phương diện mà chính quyền Trung Quốc gần như bất lực. Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay khi mà sự đi lại giữa các quốc gia tương đối dễ dàng, hình ảnh về Trung Quốc sẽ trở nên rõ ràng hơn qua những người Trung Quốc đi du lịch hoặc làm việc ở các quốc gia khác.

Và những người Trung Quốc này đã để lại những ấn tượng như thế nào? Nhan nhản từ Hồng Kông cho đến Thái Lan, từ Maldives cho đến Pháp cho đến Mỹ, v.v… là những giận dữ về nạn khạc nhổ, nạn xả rác, nạn ồn ào, nạn ăn cắp, nạn phá hoại các di tích lịch sử, nạn khinh thường luật pháp sở tại và thói ỷ ta đây có tiền nên coi trời bằng vung của rất nhiều du khách Trung Quốc. Bảo tàng Louvre ở Paris từng để bảng tiếng Trung cấm khách du lịch không được đi tiểu/đại tiện bất cứ nơi nào mà họ muốn.

Tình trạng tồi tệ đến nỗi Bộ Du lịch Trung Quốc phải đăng những quy định để người dân Trung Quốc biết nên hành xử thế nào khi ra nước ngoài. Có thể nói, hình ảnh về một Trung Quốc giàu có, văn minh, đẹp đẽ mà chính quyền Trung Quốc cố gắng gây dựng qua những phong trào tuyên truyền tại ngoại quốc đã bị chính tay người dân nước này phá bỏ không thương tiếc.

Một lần nữa, hình ảnh Trung Quốc là một sự thật trần trụi: họ thừa tiền, nhưng vô cùng nghèo về tư cách cùng hiểu biết về thái độ ứng xử trong một xã hội văn minh. Nói đúng hơn, Trung Quốc hiện nguyên hình là một tên trọc phú.

Để kết thúc bài viết, tôi xin kể một câu chuyện nhỏ. Năm 2012 khi đến Đài Loan, tình cờ tôi quen một anh bạn người Áo. Đang tính chuyện đi thăm ngôi làng Hallstatt ở Áo nên tôi hỏi thăm anh này về ngôi làng ấy. Khổ nỗi tiếng Anh của người bạn Áo này khá tệ, nghe tôi hỏi mà cứ ngơ ngác nên cuối cùng bí lối tôi phải đánh vần chữ Hallstatt ra. Nghe xong anh ta thốt lên: “Oh Hallstatt! China? Copy?” (Oh Hallstatt! Trung Quốc? Hàng nhái?).

Làng Hallstatt ở Áo chỉ là một trong vài chục các di tích lịch sử hay văn hóa trên thế giới bị Trung Quốc nhái và xây dựng lại tại đất nước của họ. Nhái trắng trợn, không một lời hỏi han, xin phép. Nhái từ từng viên gạch đến từng hoa văn.


Làng Hallstatt ở Áo chỉ là một trong vài chục các di tích lịch sử hay văn hóa trên thế giới bị Trung Quốc nhái và xây dựng lại tại đất nước của họ. Nhái trắng trợn, không một lời hỏi han, xin phép. Nhái từ từng viên gạch đến từng hoa văn”

Dĩ nhiên là người Áo bực bội, nhưng họ không giận lâu. Với họ, chả có gì phải đáng giận với một ngôi làng Hallstatt ở Trung Quốc khi mà nó chỉ là một cái vỏ không hồn. Nó cạn kiệt về sức sống, về lịch sử, về văn hóa. Nó là một ngôi làng chết, khi nơi đây chẳng có một bóng người ở. Gặp một ngày đẹp trời nào đó, nếu may mắn thì bạn sẽ gặp vài anh da vàng mũi tẹt trong bộ quân phục của… Áo, hoặc một vài bạn trẻ đến chụp hình.

Nhưng tôi cũng phải cám ơn tính ăn cắp ý tưởng vô tội vạ của Trung Quốc, khi nhờ họ mà anh bạn kia mới hiểu tôi muốn nói đến điều gì. 
Hải Lý, từ Canada


Vụ giàn khoan 981: Trung Quốc đang đi nước cờ hiểm và thế cờ đang trong tay họ?

'Thế cờ đang ở trong tay Trung Quốc'

Phái đoàn Việt Nam đứng trước nhiều thách thức tại Đối thoại Shangri-la năm nay
Giáo sư Carl Thayer, người đang có mặt tại Singapore để tham dự một diễn đàn an ninh cấp khu vực, cho rằng Việt Nam đứng trước nhiều thách thức tại hội nghị năm nay.
Sang dự Đối thoại Shangri-la, dự kiến sẽ diễn ra trong ba ngày từ 30/5-1/6, Việt Nam cử một phái đoàn gồm 20 quan chức, dẫn đầu bởi Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh và có cả Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh.
Giáo sư Thayer cho rằng bài phát biểu của tướng Thanh ngày 31/5 sẽ "không có bất cứ ảnh hưởng nào đến tình hình hiện nay trên Biển Đông".
"Tôi đã nói chuyện với nhiều chuyên gia về Hoa Kỳ và Trung Quốc từ khi đến Singapore".
"Tất cả bọn họ đều cho rằng đây là một cuộc chơi mà Trung Quốc nắm chắc lợi thế và Bắc Kinh đang có những bước tính toán rất chính xác.
"Giới chức Việt Nam thường có thói quen nói chung chung và không đi vào cụ thể,
"Tướng Thanh có thể sẽ than phiền về một số hành động trên Biển Đông của Trung Quốc và đề cập tới khả năng mở đường dây nóng giữa hai nước, tăng cường trao đổi giữa các phái đoàn cấp cao và tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho tranh chấp hiện nay, ví dụ như kêu gọi sớm đi đến một Bộ quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông".
"Tuy nhiên, tôi không cho rằng ông ta sẽ đi xa hơn thế", ông nói với BBC qua điện thoại từ Singapore vào ngày 30/5.
Giáo sư Thayer cũng cho rằng ông Thanh rơi vào thế bất lợi khi phải xuất hiện trong cùng phiên họp với các bộ trưởng quốc phòng từ Úc David Johnson và Indonesia Purnomo Yusgiantoro:
"Cùng lắm Úc sẽ lặp lại quan điểm ủng hộ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông, Indonesia cũng vậy. Đây không phải là một nhóm mạnh để công khai hậu thuẫn Việt Nam".
Theo lịch làm việc được đăng tải trên trang web của Viện Nghiên cứu Chiến lược (IISS), đơn vị tổ chức hội nghị, Tướng Phùng Quang Thanh sẽ có bài phát biểu trong phiên họp toàn thể vào lúc 12:00 trưa ngày 31/5 với chủ đề 'Kiểm soát căng thẳng chiến lược'.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 29/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được truyền thông trong nước dẫn lời nói "Về giải pháp đấu tranh pháp lý, chúng ta đã chuẩn bị hàng chục năm nay, còn thời điểm nào hợp lý thì Bộ Chính trị sẽ quyết định."
'Đổi trắng thay đen'
Bà Phó Oánh được xem là người hùng biện và hiệu quả hơn nhiều quan chức khác của TQ.
Trong khi đó, giáo sư Thayer cảnh báo rằng Trung Quốc đã cử một phái đoàn rất mạnh đến Đối thoại Shangri-la năm nay, tiêu biểu là cựu Thứ trưởng Ngoại giao Phó Oánh, Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội Trung Quốc, người nổi tiếng cứng rắn và có tài hùng biện.
"Tôi đã quan sát bà Phó phát biểu nhiều lần. Người phụ nữ nhỏ con này có thể sử dụng lời lẽ để đẩy văng bất cứ ai ra khỏi Trái Đất," ông nói.
Ông dự đoán rằng phía Trung Quốc sẽ tìm cách "đổi trắng thay đen" và đổ lỗi cho Việt Nam là nước chủ động gân hấn.
Năm nay, nhiều sự chú ý cũng được cho là sẽ tập trung vào nỗ lực tiến đến một vai trò lớn hơn trong nền an ninh toàn cầu và khu vực của Nhật Bản, nước cũng đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Hoa Đông.
Giáo sư Thayer cho rằng điều này sẽ được Việt Nam "hết sức hoan nghênh".
"Tôi đã nói chuyện với một số chuyên gia về Việt Nam và họ cho rằng Hà Nội càng thắt chặt quan hệ với Nhật Bản và Philippines bao nhiều sẽ càng khiến Trung Quốc phải dè chừng bấy nhiêu," ông nói.
"Bắc Kinh lúc đó sẽ phải xem xét liệu gây hấn với Việt Nam khi nước này đang thắt chặt quan hệ với các đồng minh thân cận của Hoa Kỳ có khiến Washington phải vào cuộc hay không."
'Đôi bên cùng bị hủy diệt'
Trong bài viết trên BấmTạp chí Diplomat vào ngày 28/05, Giáo sư Carl Thayer cho biết Việt Nam đã thực hiện cách tiếp cận “rất thận trọng” và “ôn hòa” để giải quyết khủng hoảng với Trung Quốc.
Trước tiên là đảm bảo sự hiện diện liên tục của các tàu phòng vệ và cảnh sát biển ở gần giàn khoan, tuy nhiên cách ly tàu ngầm và tàu chiến ra khỏi vùng tranh chấp.
Thứ hai là đề xuất các giải pháp ngoại giao: đề nghị một cuộc gặp cấp cao giữa Tổng bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo Trung Quốc, mở đường dây nóng giữa lãnh đạo hai bên, giao thiệp giữa quan chức ngoại giao, và đối thoại với đại diện của Bắc Kinh bên lề các cuộc họp quốc tế.
“Tuy vậy Trung Quốc đã khước từ tất cả các tiếp cận đó, và đối thoại giữa hai bên vẫn hết sức lạnh nhạt,” ông Carl Thayer nói.
Trước thất bại của các động thái song phương, có vẻ như Việt Nam sẽ cân nhắc những chiến lược dài hạn để kiềm tỏa các hành động khiêu khích của Trung Quốc, theo GS Thayer.
Tuy vậy, GS Carl Thayer cảnh báo rằng nếu xung đột với Việt Nam leo thang tới miệng hố chiến tranh, rất có thể Hà Nội sẽ sử dụng chiến lược “đôi bên cùng bị hủy diệt”, nhằm phá hủy nền kinh tế Trung Quốc bằng cách tạo tâm lý bất ổn và đẩy giá bảo hiểm tăng cao, khiến nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy.
Theo đó, Việt Nam sẽ tập trung tấn công các tàu thương mại và chở dầu của Trung Quốc qua biển Đông, cũng như căn cứ hải quân ở Hải Nam và đảo Phú Lâm, những vị trí nằm trong tầm bắn của tên lửa đạn đạo bờ biển Việt Nam.
“Một vài chiến lược gia Việt Nam còn cho rằng nước này có thể mua cấp tập số lượng lớn các tên lửa đạn đạo có đủ khả năng tấn công Thượng Hải hoặc thậm chí là Hong Kong. Khi xung đột vũ trang nổ ra, các thành phố này có thể là mục tiêu để làm rối loạn kinh tế Trung Quốc. Nó sẽ gây ra ảnh hưởng toàn cầu, và các chuyên gia Việt Nam kì vọng điều đó sẽ khiến các cường quốc can thiệp để ngăn cản Bắc Kinh gây hấn,” Ông Thayer viết trên Diplomat.


Nước cờ hiểm của TQ với giàn khoan



Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

Vụ Đinh Đức Lập: MTTQ Việt Nam vẫn chưa xử lý vụ mê tín ở báo Đại Đoàn Kết


Tối ngày 19/7/2012, với cương vị Bí thư chi bộ Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết, ông Đinh Đức Lập chỉ đạo cho Phó Bí thư Phó tổng biên tập Nguyễn Quốc Khánh và Trưởng ban kỹ thuật quản trị mạng Vũ Tiến Cường và Phó Ban Kế hoạch Tài chính Đinh Quang Sơn cùng với đại diện Công ty CP đầu tư xây dựng địa ốc Đông Dương – đơn vị cùng hợp tác xây dựng tòa nhà 66 Bà Triệu, tổ chức mời thầy cúng, với nghi lễ hoành tráng rồi đốt vàng mã cháy rực cả sân trụ sở báo Đại Đoàn Kết tại 66 phố Bà Triệu, Hà Nội. Một số nhân viên Ban Trị sự đã phải tất tả phục vụ, tất tả mua sắm đồ lễ suốt buổi chiều cho lễ cầu cúng này.

Giờ Tuất, nghi lễ cầu cúng được thực hiện tại phòng làm việc của ông Nguyễn Xuân Huy – Trưởng Ban Tuyên truyền quảng cáo và phát hành và ngoài sân cơ quan. Lúc này, ông Nguyễn Xuân Huy đang bị báo Người cao tuổi phanh phui vì hành vi môi giới hối lộ, cùng ông Lập làm giả giấy tờ, hồ sơ để theo học Tiến sĩ tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Sau màn “chập cheng” ở phòng ông Huy, Bí thư chi bộ Lập mời thầy cúng cùng bầu đoàn đệ tử kéo nhau ra giữa sân cơ quan tiến hành nghi lễ cầu cúng.

La liệt đồ cúng cùng nào voi nào ngựa, hình nhân, đã được bày trên ba chiếc chiếu ở sân, sát chiếc ô tô “mi ni cóp phơ” của ông Lập. Lại tiếp tục khoảng 20 phút “chập cheng” vái lạy lia lịa nữa thì bầy đoàn hạ lễ và đốt vàng mã. Lửa cháy nghi ngút, khiến các cán bộ, biên tập viên của phòng thư ký đang làm việc trên tầng 2 phải vội vã chạy ra đóng chặt cửa sổ không thì khói và bụi bay tràn vào phòng.

Việc đốt vàng mã đã làm cây lộc trước cửa phòng Ban Trị sự bị chết. Cả một khoảng sân và mảng tường của ngôi biệt thự thời Pháp hoen ố, dù phun nước rửa vẫn không sạch mà sau đó phải thuê thợ đến quét lại vôi ve.

Cũng may, việc đốt vàng mã này có Bí thư Đinh Đức Lập và Phó Bí thư Nguyễn Quốc Khánh trực tiếp đứng trông coi, chỉ đạo đảng viên Trưởng Ban Kỹ thuật Quản trị mạng Vũ Tiến Cường, Phó Ban kế hoạch Tài chính Đinh Quang Sơn, Nguyễn Thị Hồng - nhân viên ban Thư ký tòa soạn (cháu ông Vũ Trọng Kim), nên không để xảy ra tình trạng cháy toàn bộ phòng làm việc như quan thầy Vũ Trọng Kim - Ủy viên Trung ương Đảng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam ngày Tết ông Công, ông Táo tức 23 tháng Chạp năm Quý Tỵ (2013 – năm tuổi của ông Kim).

Ngay sau đó, Đảng đoàn và Đảng ủy Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã nhận đơn tố cáo về hành vi mê tín dị đoan vi phạm 19 Điều Đảng viên không được làm này của Bí thư chi bộ báo Đại Đoàn Kết Đinh Đức Lập. Nhiều lần sau đó, đơn tố cáo được gửi lại cho Đảng ủy Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhưng không được giải quyết. Đơn tố cáo tiếp tục được gửi lên Đảng ủy Khối các cơ quan trung ương.

Ngày 28/9/2012, Ủy Ban Kiểm tra Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đã có Phiếu báo số 303-PC/UBKTĐUK thông báo cho nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng; Đơn đã được chuyển cho Đảng ủy cơ quan Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam để giải quyết theo thẩm quyền.

Sau đó, Tổ kiểm tra của Ủy Ban Kiểm tra Đảng ủy cơ quan Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã mời nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng lên để tiếp nhận bằng chứng. Nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng đã cung cấp ảnh chụp về hành vi sai phạm này.

Trước bằng chứng không thể chối cãi, không biết Bí thư Đảng ủy cơ quan Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim đã chỉ đạo thế nào mà vụ việc mê tín dị đoan này lại không được giải quyết, không được đưa vào hai bản Kết luận số 42 và 43 về giải quyết tố cáo đối với Bí thư chi bộ, Tổng biên tập Đinh Đức Lập.

Thế nhưng, tại Báo cáo đóng dấu Mật số 05-BC/UBKT – ĐU ngày 12/11/2012 của Tổ Kiểm tra Ủy Ban Kiểm tra Đảng ủy UBTWMTTQ Việt Nam lại lý giải hành vi mời thầy cúng, đốt vàng mã này là vào dịp Tết và để cúng Bác Hồ và sự việc rất khó để giải quyết vì có hai người cùng tố cáo...

Và để hỗ trợ “chứng minh” cho Ủy Ban Kiểm tra Đảng ủy UBTWMTTQ Việt Nam, ông Lập đã nghe tư vấn và làm một bức ảnh Hồ Chủ tịch để lên bàn thờ ở tầng 1 - Tại Ban Tuyên truyền Quảng cáo và Phát hành – tức là vị trí mà ông đặt ghế ngồi lên trên ở tầng hai.

Vì biết hành vi của mình là sai trái nên ông Lập đã tổ chức cho người bảo vệ rất nghiêm ngặt. Dù vậy, với sự hỗ trợ của những nhà báo dày dạn kinh nghiệm tác nghiệp, chúng tôi đã có những bức ảnh, clip ghi lại. Ở đây, chúng tôi xin đăng một số ảnh chụp về hành vi mê tín này. Vì dung lượng lớn nên chúng tôi không đưa lên đây những clip ghi lại hình ảnh này. Nếu MTTQ Việt Nam tiếp tục giải quyết chúng tôi sẽ sao thành đĩa để gửi.

Trên đây, chỉ là một bằng chứng mà cho đến nay nhiều nội dung tố cáo ông Lập chưa được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam giải quyết.

Không có lẽ, quy định của Đảng phải chịu dừng bước và bó tay đứng ngoài cánh cổng 46 Tràng Thi, Hà Nội và số nhà 66 Bà Triệu, Hà Nội hay sao?.


Chính Nghĩa



Bí thư Lập (trái) cùng Đảng viên Vũ Tiến Cường đứng giám sát việc chuẩn bị bày biện cho buổi cấu cúng mê tín dị đoan ở sân báo Đại Đoàn Kết




Lãnh đạo báo Đại Đoản Kết cùng tổng giám đốc công ty Đông Đương (bên phải) đang chứng kiến cảnh  Đảng viên Vũ Tiến Cường hóa vàng trong buổi cầu cúng đầy màu sắc mê tín dị đoan.




Thầy cúng mặc áo vàng ổn định chỗ ngồi chuẩn bị màn cầu cúng.



Bài và ảnh của tác giả gởi tới blog HN

Chủ Nhật, 25 tháng 5, 2014

Vụ Đinh Đức Lập: Chạy nước rút để giải phóng mặt bằng khu đất vàng (66 Bà Triệu, Hà Nội) liệu có khả thi?


Liên quan đến sai phạm trong vụ việc hợp tác xây dựng tòa nhà báo Đại Đoàn Kết tại 66 Bà Triệu, Hà Nội, ngày3/12/2013, Ủy Ban Kiểm tra Trung ương đã có Thông báo Kết luận số 528-TB/UBKTTW về việc giải quyết đơn tố cáo đối với ông Vũ Trọng Kim - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Bên cạnh hàng loạt sai phạm sai phạm khác, Thông báo 528-TB/UBKTTW chỉ rõ: Việc ông Vũ Trọng Kim ký Quyết định số 322/QĐ-MTTW-BTT ngày 13/5/2010 chỉ định hợp tác với Công ty cổ phần đầu tư xây dựng địa ốc Đông Dương để đầu tư và quản lý sau đầu tư xây dựng khai thác tòa nhà trụ sở báo tại 66 Bà Triệu, Hà Nội là vi phạm Khoản 4 Điều 44 Nghị định Số: 52/2009/NĐ-CP ngày 3/6/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.

Khoản 4 Điều 44 Nghị định Số: 52/2009/NĐ-CP nêu rõ việc xác định giá trị tài sản để liên doanh, liên kết phải đảm bảo nguyên tắc sau:

 a) Đối với tài sản là quyền sử dụng đất, giá trị quyền sử dụng đất được xác định sát với giá thực tế trên thị trường tại thời điểm liên doanh, liên kết; không thấp hơn giá đất cùng loại do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định;
b) Đối với tài sản gắn liền với đất, giá trị tài sản được xác định phù hợp với giá trị thực tế còn lại theo kết quả đánh giá lại;
c) Đối với tài sản nhà nước không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này, giá trị tài sản được xác định phù hợp với giá thị trường của tài sản cùng loại hoặc có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, xuất xứ với tài sản để liên doanh, liên kết.

       Chưa hề thực hiện các trình tự, thủ tục nêu tại khoản 4 Điều 44 của Nghị định Số: 52/2009/NĐ-CP, chưa có văn bản trình Bộ Tài chính (cơ quan có thẩm quyền) nhưng ông Vũ Trọng Kim đã ký Quyết định số 322/QĐ-MTTW-BTT ngày 13/5/2010.


Ông Vũ Trọng Kim (ở giữa), ông Lập (bên trái) và đại diện công ty Đông Dương (phải) cắt băng để khai trương "Bức ảnh dự án" treo trên nóc nhà báo Đại Đoàn Kết!
(Lưu ý là tòa nhà này cho tới thời điểm này vẫn chưa được cấp phép đầu tư, xây dựng hay phê duyệt về quy hoạch, kiến trúc của bất kỳ cơ quan có thẩm quyền nào) 

Lẽ ra, khi có Thông báo Kết luận số 528-TB/UBKTTW của Ủy Ban Kiểm tra Trung ương thì ông Vũ Trọng Kim phải ra Quyết định hủy bỏ Quyết định sai trái số 322/QĐ-MTTW-BTT, nhưng ông lại im lặng, tạo điều kiện cho “đệ tử” Đinh Đức Lập (Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết) tiếp tục âm thầm chạy giấy phép để có thể “giải phóng mặt bằng” đập  Tòa nhà 66 Bà Triệu hiện nay và giao cho  Công ty cổ phần đầu tư xây dựng địa ốc Đông Dương (được ông Kim chỉ định làm nhà đầu tư một cách sai trái như đã nói ở trên) trước khi hết hạn làm Tổng biên tập (hết ngày 30/6/2014).

Trong giới làm ăn ai ai cũng biết “luật bất thành văn”, khi bàn giao mặt bằng sạch là những khu đất vàng như 66 Bà Triệu, Hà Nội, cho nhà đẩu tư (được ưu ái chọn sẵn) thì sẽ được nhận ngay món “lại quả” không nhỏ.

Có lẽ vì vậy mà thầy trò ông Lập “cố đấm ăn xôi”, liều mình quyết làm cho bằng được chuyện này, chạy mọi cách để có giấy phép hòng gấp rút “giải phóng mặt bằng” 66 Bà Triệu càng sớm càng tốt trong thời gian họ còn đương chức. Vì nếu sau khi mất chức rồi thì “xôi hòng bỏng không”…

Cố gắng để ngăn chặn việc thất thoát tài sản Nhà nước (như đã từng bị thất thoát nhà đất văn phòng báo Đại Đoàn Kết tại địa chỉ 82 Trần Quốc Toản, TP. Đà Nẵng), một số cán bộ, phóng viên, những nhà báo đã tố cáo nhiều sai phạm của ông Lập và ông Vũ Trọng Kim đã làm đơn đến UBND TP. Hà Nội, Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị không cấp phép xây dựng tòa nhà 66 Bà Triệu, Hà Nội vì vi phạm pháp luật, và đã có kết luận chính thức của Ủy Ban Kiểm tra trung ương.

Đáng ghi nhận là sau một thời gian “ngâm cứu” khá lâu, ngày 5/5/2014, UBND TP. Hà Nội đã có Phiếu chuyển đơn số 2227348/2/PC-BTCD chuyển đơn tới Sở Xây dựng TP. Hà Nội để giải quyết theo thẩm quyền và báo cáo kết quả về Ban tiếp công dân TP để theo dõi, báo cáo UBND TP. Hà Nội.

Hiện, Sở Xây dựng Hà Nội đang thụ lý vụ việc này, và nếu có thể thời gian tới, Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cũng thụ lý vụ việc.




Lê Cường

 Bài do tác giả gởi tới blog Hữu Nguyên

Tham khảo thêm:

Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2014

AI THỰC SỰ CÓ CHỦ QUYỀN Ở HOÀNG SA THEO LUẬT PHÁP QUỐC TẾ?

HN: Báo chí chính thống của Việt Nam mới đây nhấn mạnh việc Chính phủ Việt Nam đang xem xét khả năng sẽ kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế liên quan tới việc nước này hạ đặt giàn khoan HD 981 trái phép, vi phạm lãnh hải của Việt Nam trên Biển Đông.

Tranh chấp pháp lý ở tầm vóc quốc tế không phải là chuyện có thể thực hiện một cách duy ý chí, theo kiểu “quán triệt, quyết tâm thực hiện nghị quyết” mà người Việt vẫn thường quen làm trong nhiều thập niên qua.

Việc này không chỉ đòi hỏi kiến thức pháp luật quốc tế của các chuyên gia giàu kinh nghiệm mà còn phải có các cơ sở khách quan làm bằng chứng thuyết phục cho các yêu sách, đòi hỏi hoặc sự khẳng định chủ quyền theo đúng thông lệ quốc tế.

Để có cái nhìn khách quan và đa chiều cho câu hỏi:  “Ai mới thực sự có chủ quyền theo luật pháp và thông lệ quốc tế tại quần đảo Hoàng Sa?” có lẽ chúng ta cần tham khảo nhiều ý kiến khác nhau của các nhà nghiên cứu độc lập thay vì tự bằng lòng với các lập luận quen thuộc thường được định hướng một cách chủ quan.


Binh pháp xưa có câu: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Muốn chiến trhắng trong cuộc chiến pháp lý về chủ quyền ở Biển Đông trên trường quốc tế buộc chúng ta phải có đầy đủ kiến thức, đầy đủ chứng cứ một cách khách quan chứ không phải nói lấy được theo kiểu "mẹ hát con khen hay". Hơn nữa, nhất thiết cũng phải biết đối phương đang có gì trong tay và đang chuẩn bị cho cuộc chiến pháp lý này như thế nào?


“Công hàm Phạm Văn Đồng làm lung lay yêu sách chủ quyền của Việt Nam”

Dưới đây là toàn văn bài phân tích của Sam Bateman, nghiên cứu viên cao cấp của Chương trình An ninh Hàng hải, trực thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS, thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore), về căng thẳng hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc xoay quanh giàn khoan dầu HD-981 và tranh chấp chủ quyền giữa hai nước đối với quần đảo Hoàng Sa.

Bạn đọc lưu ý khẳng định của tác giả: “Vấn đề ai có chủ quyền đối với Hoàng Sa là trọng tâm của tình hình hiện nay”, và “Yêu sách chủ quyền hiện nay của Việt Nam bị lung lay nghiêm trọng vì Bắc Việt đã công nhận chủ quyền của Trung Hoa đối với quần đảo Hoàng Sa vào năm 1958, và sau đó cũng không có phản đối gì suốt từ năm 1958 đến năm 1975”.

Quan điểm của người dịch: Nếu thực sự chìa khóa để giải quyết tình hình hiện nay là xác định chủ quyền đối với Hoàng Sa, thì mọi chuyện không đến nỗi vô vọng. Đã có nhiều bài phân tích, nghiên cứu bác bỏ Công hàm Phạm Văn Đồng 1958. Tuy nhiên, chìa khóa có lẽ nằm ở chỗ khác.

Bài viết đăng ngày 15/5/2014 trên Eurasia Review. Trong nguyên bản tiếng Anh, Biển Đông được gọi là South China Sea (biển Hoa Nam) và Hoàng Sa được gọi là Paracel.

* * *

AI CÓ CHỦ QUYỀN ĐỐI VỚI HOÀNG SA?
  • Sam Bateman

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam xoay quanh các vấn đề chủ quyền trên Biển Đông lại bùng lên vào ngày 2/5/2014 khi Trung Quốc đặt một giàn khoan dầu vào vùng biển ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa. Việt Nam phản đối hành động này và gửi tàu đến để phá hoạt động của giàn khoan. Trung Quốc đáp lại bằng cách điều thêm tàu đến bảo vệ giàn khoan. Với số lượng tàu đụng độ nhau trong khu vực, bạo lực đã nổ ra như một tất yếu vào ngày 7/5, làm một số thủy thủ Việt Nam bị thương và một vài tàu Việt Nam bị hư hại.

Việt Nam tổ chức một chiến dịch ngoại giao và PR (public relations – quan hệ công chúng) mạnh mẽ để biện hộ cho lập trường của họ. Có vẻ như họ đang chiến thắng trong trận chiến PR, với việc có rất nhiều bình luận trong cộng đồng quốc tế ủng hộ yêu sách của Việt Nam rằng giàn khoan dầu kia là bất hợp pháp, và xem tình hình như một ví dụ mới nữa cho thấy sự hung hăng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơn vào thực tế, có thể thấy rằng Trung Quốc có lẽ đang thực hiện đúng quyền của mình khi triển khai giàn khoan. Dù vậy, chắc chắn là Trung Quốc đã có thể xử lý tình huống một cách ngoại giao hơn thay vì hành xử đơn phương theo cái cách tất yếu sẽ dẫn đến làm gia tăng xung đột.

Xác định vị trí giàn khoan

Giàn khoan nằm cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý về phía đông và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 180 hải lý về phía nam. Đây là hai điểm gần nhất trên đất liền để từ đó có thể xác định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa một cách chắc chắn. Tuy nhiên, có một điều cũng quan trọng như thế, là giàn khoan nằm ở vị trí chỉ khoảng 14 hải lý tính từ một hòn đảo nhỏ thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc có yêu sách chủ quyền, và 80 hải lý tính từ đảo Phú Lâm (Woody Island, thuộc Hoàng Sa), một cấu trúc địa lý lớn, với diện tích khoảng 500 hecta, mà Trung Quốc đang chiếm hữu.

Phú Lâm là một hòn đảo mà, không còn tranh cãi gì nữa, đáp ứng quy chế về đảo như Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) quy định, và do đó, nó đầy đủ điều kiện để có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa bao quanh. Mặc dù cộng đồng quốc tế có bình luận này khác, nhưng một đường biên giới hàng hải đã được đàm phán trong khu vực này thì chắc chắn sẽ xác định rằng giàn khoan dầu nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc, ngay cả khi những lập luận của Trung Quốc khẳng định các đặc tính của đảo có kém sức thuyết phục đi chăng nữa.

Việt Nam tuyên bố rằng, do giàn khoan ở gần đất liền của họ hơn gần Trung Quốc và nằm hoàn toàn trong khoảng cách 200 hải lý tính từ bờ biển Việt Nam, cho nên nó rơi vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Nghe qua thì lập luận này có vẻ thuyết phục, nhưng gần gũi về địa lý không thôi thì không phải là một cơ sở rõ ràng cho việc ra yêu sách chủ quyền hay quyền chủ quyền. Trên thế giới, có rất nhiều ví dụ về những nước có chủ quyền đối với các cấu trúc địa lý nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác, hoặc có những đường phân định vùng đặc quyền kinh tế được thiết lập gần một quốc gia nào đó hơn hẳn quốc gia khác.

Vấn đề chủ quyền

Vấn đề ai có chủ quyền đối với Hoàng Sa là trọng tâm của tình hình hiện nay. Nếu Việt Nam có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa thì chẳng còn gì phải tranh cãi. Tuy nhiên, mặc dù cộng đồng quốc tế có nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam có hồ sơ bảo vệ cho yêu sách chủ quyền của mình, nhưng những phân tích sâu hơn về lịch sử cuộc tranh chấp lại cho thấy một thực tế khác.

Yêu sách chủ quyền hiện nay của Việt Nam bị lung lay nghiêm trọng vì Bắc Việt đã công nhận chủ quyền của Trung Hoa đối với quần đảo Hoàng Sa vào năm 1958, và sau đó cũng không có phản đối gì suốt từ năm 1958 đến năm 1975. Chính quyền một số nước, gồm cả Hoa Kỳ, đã thừa nhận – công khai hoặc ngấm ngầm – chủ quyền của Trung Quốc đối với một số hoặc toàn bộ các hòn đảo trong quần đảo này. Trung Quốc đã chiếm hữu đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa từ cuối Thế chiến II. (Nếu Bắc Việt chiếm được hòn đảo lớn này thì) Sự chiếm đóng của Bắc Việt có thể đã có tác động đáng kể đến các chiến dịch của quân Mỹ nhằm vào Bắc Việt trong thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam.

Chính quyền Mỹ đã yêu cầu các bên có yêu sách chủ quyền phải quan tâm và kiềm chế trước tình hình. Tuy nhiên, lâu nay Mỹ vốn chấp nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với đảo Phú Lâm, cho nên sẽ là rất đạo đức giả nếu giờ đây Washington ra một tuyên bố nào đó mạnh mẽ hơn và được coi như ủng hộ lập trường của Việt Nam.


Rồi sẽ đi đến đâu?

Các sự cố trước đây xoay quanh quần đảo Hoàng Sa chủ yếu liên quan đến vấn đề kiểm soát ngư trường và việc Trung Quốc bắt giữ các tàu cá Việt Nam hoạt động giữa hoặc gần các đảo thuộc Hoàng Sa. Chắc chắn là Việt Nam có thể tuyên bố mạnh mẽ rằng ngư dân của họ có truyền thống đánh bắt cá ở vùng biển này – cũng hoàn toàn giống như Trung Quốc lập luận ngư dân Trung Quốc có quyền đánh bắt cá truyền thống ở nơi nào đó khác trên Biển Đông.

Có lẽ sẽ tốt hơn cho Việt Nam nếu họ chấp nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa; đổi lại, Trung Quốc nhân nhượng quyền đánh bắt cá truyền thống trong khu vực cho ngư dân Việt Nam và đồng ý khai thác chung nguồn lợi hải sản trong vùng biển giữa quần đảo Hoàng Sa và bờ biển Việt Nam. Tuy nhiên, không may là dường như cả hai nước đều đã đi đến cái điểm không thể quay trở lại được nữa để mà có thể thỏa thuận một sự dàn xếp. Việt Nam đang dốc sức cho một cơ hội mong manh, bằng việc cố gắng vận động quốc tế và khu vực ủng hộ lập trường của họ; nhưng trên thực tế, họ có thể kết thúc trắng tay.

Quan điểm cứng rắn của tất cả các bên trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông đều là những quan điểm thiển cận và không tránh khỏi việc làm gia tăng căng thẳng, gây mất ổn định khu vực. Cứ theo hướng này, sẽ có “kẻ bại trận”, trong khi lẽ ra tất cả đều có khả năng là “người chiến thắng” nếu các bên đều thừa nhận nhu cầu phải hợp tác phụ thuộc lẫn nhau trong việc quản lý biển và nguồn lợi từ biển. Về mặt địa lý, sự thực là ở một số vùng biển, sẽ không thể có được những đường biên giới hàng hải thẳng nét, và do đó độc quyền sở hữu nguồn lực ở đó là điều không thể.

Cái trớ trêu của tình hình hiện nay là, hợp tác phụ thuộc không chỉ là một việc tốt cần làm mà còn là một nghĩa vụ thực sự, theo Phần IX trong UNCLOS về các vùng biển nửa kín (bán nội hải, semi-enclosed waters) như Biển Đông. Nghĩa vụ đó đã bị quên lãng, trong khi các nước vẫn tiếp tục khẳng định yêu sách chủ quyền đơn phương của họ và có nguy cơ sẽ phải lãnh kết cục “người thắng-kẻ thua”.

Nguồn: http://www.eurasiareview.com/15052014-new-tensions-south-china-sea-whose-sovereignty-paracels-analysis/


Nếu công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng không hiện hữu...

Trương Nhân Tuấn

Các viên chức nhà nước CSVN thường hay nói rằng công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng là « vũ khí tuyên truyền » của Trung Quốc. Thực ra điều này chỉ có thể thuyết phục được các học giả trong nước. Vì không có điều kiện tiếp cận thông tin, hoặc do áp lực của « sổ lương » hay « sổ hưu », do đó các học giả VN dễ dãi tin theo. Trong lúc các tác phẩm của các học giả, những nhà nghiên cứu quốc tế… những người thân VN thì cho rằng công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng đã làm yếu đi hồ sơ chủ quyền của VN tại HS và TS. Có người trung dung, không thân phe nào, cho rằng VN đã bị « estopped – forclusion », tức bị mất tố quyền. Phía Trung Quốc, mới đây cũng lên tiếng rằng VN đã bị « Estoppel » nhưng không biết là vào trường hợp nào ?. Theo người viết thì công hàm 1958 đã khiến VN bị mắc vào trường hợp « estoppel par acquiescement - estoppel by acquiscence ».

(Ý nghĩa của thật từ luật học « Estoppel » là thế nào, lý ra phải cần một nhà luật học giàu kinh nghiệm, để có thể giảng nghĩa nói rõ rệt về các « trường phái » Estoppel trên thế giới. Chưa thấy có học giả người Việt nào nói về Estoppel một cách đầy đủ và thuyết phục. Thật đáng tiếc).

Tiểu đoạn này thử đặt giả sử rằng công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng không hề hiện hữu. Ông Phạm Văn Đồng chưa bao giờ ký, và nhà nước VNDCCH chưa bao giờ ra tuyên bố bất kỳ liên quan lãnh thổ và hải phận của Trung Quốc.

Câu hỏi đặt ra là chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa có bị mất vào Trung Quốc hay không ?

Học giả Monique Chemillier-Gendreau, sau khi phản bác ý kiến một số học giả quốc tế cho rằng công hàm Phạm Văn Đồng khiến VN bị vướng nguyên tắc « estoppel », đã có ý kiến về việc này  :

« Néanmoins, son silence devant l’affirmation de souveraineté chinoise sur les iles peut être interprété comme un acquiescement, et cela autant plus qu’il est renforcé par la déclaration relative aux zones de combat et les articles du Nhan Dan.[i] »
Tạm dịch : « dầu vậy, sự im lặng (của nhà nước VNDCCH) trước sự khẳng định chủ quyền của Trung Hoa tại các đảo có thể được hiểu như là một sự đồng thuận. Việc này càng được củng cố qua các tuyên bố liên quan đến vùng chiến sự và những bài viết trên báo Nhân Dân. »

Thế nào là « sự đồng thuận – acquiescement » và hiệu lực pháp lý của nó như thế nào ?

« l’Acquiescement » được định nghĩa là « thuật ngữ thuộc quá trình tố tụng chỉ định hành vi qua đó một bên tranh chấp, một cách minh thị hay mặc thị, vô điều kiện hay có điều kiện, chấp nhận một nghĩa vụ hay một yêu cầu của bên kia. »

Theo tập quán quốc tế, (thể hiện qua các án lệ của các tòa án quốc tế), ít khi nào một bên bị mắc « acquiescement » chỉ vì một dấu hiệu (ưng thuận) đơn lẻ nào đó. Một « sự đồng thuận – acquiescement » luôn là sự kết tinh của một quá trình logic, một tập hợp những « dấu hiệu » thể hiện trong một thời gian lâu dài, từ đó cấu thành một « lập trường » (một thái độ) của một bên.
Ý kiến của học giả Monique Chemillier-Gendreau, trong bối cảnh phản bác ý nghĩa VN bị ràng buộc theo nguyên tắc « estoppel », như đã thấy trong câu dẫn trên, VN đã thể hiện một loạt các hành vi có thể cấu thành yếu tố « đồng thuận ».

Sau khi Trung Quốc ra tuyên bố đơn phương về lãnh thổ và hải phận ngày 4 tháng 9 năm 1958 (Tuyên bố này có hình thức « décision[ii] - quyết định » hơn là hình thức « notification[iii] »). Theo tập quán quốc tế, các nước nếu công nhận lập trường này, sẽ gởi công hàm trả lời mang hình thức « reconnaissance[iv] – công nhận ». Trường hợp không đồng ý thì gởi công hàm « phản đối – protestation[v] ».

Giả sử rằng phía VN « im lặng », không bày tỏ bất kỳ một hành vi nào liên quan đến tuyên bố của Trung Quốc. (Tức giả sử rằng công hàm Phạm Văn Đồng không hiện hữu).

Theo tập quán quốc tế, thái độ « im lặng » này sẽ được hiểu là sự « đồng ý ám thị - consentement tacite ».

Thí dụ trường hợp Trung quốc ra tuyên bố về vùng « Nhận diện phòng không » ngày 23-11-2013. Tuyên bố này phù hợp với công pháp quốc tế.
Điều 1 của Công ước Chicago 1944 qui định vùng bầu trời phía trên lãnh thổ, lãnh hải và vùng tiếp cận lãnh hải của một quốc gia thì thuộc chủ quyền của quốc gia đó. Tức là trong vòm trời đó, quốc gia có đầy đủ thẩm quyền quốc gia đối với người hay các phương tiện qua lại. 

Một quốc gia bất kỳ nếu không lên tiếng phản đối, hay bảo lưu một điều nào đó trong tuyên bố (như chồng lấn vùng không gian, không chấp nhận việc đe dọa sử dụng vũ lực – theo điều 3 của Tuyên bố...) thì tuyên bố này tự động có hiệu lực.

Thì thái độ « im lặng » của VN sau khi TQ tuyên bố về lãnh thổ và hải phận của họ năm 1958, có nghĩa là sự « đồng ý ám thị », một hình thức thụ động của nguyên tắc « acquiescement ».

Một số hành vi khác củng cố thái độ « đồng thuận » của VN (về chủ quyền của TQ tại HS), điều này học giả Monique Chemillier-Gendreau đã nhắc tới. Đó là các bài viết trên báo Nhân Dân vào thập niên 60 nhìn nhận vùng biển Hoàng Sa (mà Đệ thất hạm đội của Mỹ đang hoạt động) thuộc về TQ. Hoặc các bản đồ do Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam xuất bản năm 1960 (trên đó quần đảo Nam Sa – tức Trường Sa - được đánh dấu là lãnh thổ Trung Quốc). Hay bản đồ do Cục Bản đồ Việt Nam xuất bản năm 1972, trong đó quần đảo Nam Sa được chú thích bằng tiếng Hoa, chứ không phải bằng tiếng Việt, tiếng Anh hay tiếng Pháp.

Thái độ khác, quan trọng hơn cả là sự « im lặng » của VNDCCH vào tháng giêng năm 1974 khi Trung quốc dùng vũ lực xâm lăng Hoàng Sa của VN.
Hành vi xâm lăng của TS đòi hỏi các bên Việt Nam phải có một thái độ dứt khoát. Phía VNCH đã có hành động quyết liệt, sử dụng quyền « tự vệ chính đáng » để bảo vệ lãnh thổ bằng vũ lực, sau đó bằng những tuyên bố tố cáo hành vi TQ trước cộng đồng quốc tế. Các hành vi này đã khẳng định chủ quyền của VN tại Hoàng Sa cũng như vùng biển chung quanh.

Sự im lặng của VNDCCH được hiểu là « đồng ý ám thị » hành vi của Trung quốc là chính đáng. Mặt khác, các bên VNDCCH và MTGPMN từ chối ký tên vào bản tuyên bố phản đối TQ do phía VNCH đề nghị.

Các điều này kết tinh, đồng thời củng cố, yếu tố « acquiescement - đồng thuận » của VN về các đòi hỏi về danh nghĩa chủ quyền của TQ tại HS và TS.
Các án lệ, kết quả phán quyết dựa trên thái độ « đồng thuận – acquiescement » của một bên có rất nhiều. Các trường hợp nổi tiếng như phán quyết của Trọng tài Max Huber trong vụ tranh chấp các đảo Palmas (l'acquiescement de l'Espagne) năm 1934. Vụ tranh chấp lãnh thổ giữa Bỉ và Hòa Lan (CIJ 20 juin 1959). Tranh chấp Thái-Miên về ngôi đền Préah-Vihéar (CIJ 15 juin 1962). Vụ Barcelona, phán quyết CIJ ngày 24-7-1964. Hay phán quyết ngày 22-12-1965 tranh chấp Pháp-Hoa Kỳ...

Tức là, có hay không có công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng, hoặc là công hàm này có hiệu lực hay không có hiệu lực, các tranh cãi của các học giả VN sẽ không làm thay đổi cốt lõi của vấn đề : VNDCCH đã nhìn nhận những đòi hỏi về chủ quyền của TQ tại HS và TS.

Tức là, người đã nằm trong quan tài và nắp áo quan đã đóng lại. Tranh cãi về công hàm Phạm Văn Đồng tương tự việc có cần đóng đinh hay không đóng đinh nắp quan tài.

Vấn đề đáng lẽ phải là : có ai kiểm soát rằng người trong hòm có thật sự chết hay chưa ? Hay là có phương pháp nào để cứu sống người trong hòm hay không ?

Một thực tế pháp lý cần phải được phản biện bằng các lý lẽ, chứng cứ pháp lý, chứ không thể phản biện bằng những lý lẽ sai (do bóp méo dữ kiện lịch sử, pháp lý) hay bằng thái độ đà điểu. 

Phải nhìn nhận thực tế « pháp lý » này để « mở đường » khác cho VN hầu thoát khỏi bế tắc do giàn khoan 981 đem lại trên thềm lục địa VN. 

Và đó là vấn đề mà người viết sẽ trình bày trong bài sắp tới.





[i] Monique Chemillier-Gendreau, sdd, tr 123.
[ii] Nguyen Quoc Dinh, Patrick Daillier, Mathias Forteau, Alain Pellet - Doit International Public, L.G.D.J, 8e Edition, đoạn 242, tr 405
[iii] Doit International Public , sdd, đoạn 242, tr 405.
[iv] Doit International Public , sdd, đoạn 237, tr 396.
[v] Doit International Public , sdd, đoạn 237, tr 396-397.