Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2014

Không chỉ hai sự cố

Các vi phạm về chính sách nhà, đất của nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền và sự cố mất điện gây sập toàn hệ thống thiết bị điều hành bay tại Tân Sơn Nhất (TP.Hồ Chí Minh) mới đây, thoạt nhìn chẳng có gì tương quan. Tuy nhiên, ở góc độ tổ chức nhân sự và cơ chế đảm bảo sự vận hành thực thi tốt chức trách cho các cơ quan, đơn vị thì rõ ràng hai vụ việc tưởng chứng như riêng lẻ nói trên lại có không ít điểm chung đáng quan tâm.


Một trong những ngôi nhà của ông Trần Văn Truyền

Thanh tra Chính phủ cũng như người đứng đầu tổ chức này gần như mặc nhiên được xã hội đòi hỏi khắt khe về sự liêm chính và thượng tôn pháp luật. Dân gian còn gọi đùa một cách thâm thúy họ là "Bao Công thời nay”. Đó là yêu cầu tất yếu về tính gương mẫu của một cơ quan, một lãnh đạo cấp cao được Đảng và Chính phủ giao cho trọng trách thanh tra, giám sát, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại đạo đức công vụ, giữ gìn kỷ cương phép nước.  Thế nhưng, nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền sau một thời gian nghỉ hưu nay phải đối mặt với các kết luận về những sai phạm liên quan tới chính sách nhà đất, được cho là vi phạm pháp luật, thiếu trung thực và thiếu gương mẫu.

Trung tâm điều hành không lưu Tân Sơn Nhất, TP.Hồ Chí Minh (ACC.HCM), về nguyên tắc được thiết kế để không thể xảy ra bất kỳ sự cố nào, làm tê liệt hệ thống dẫn tới mất quyền điều hành bay trong khu vực. Theo các chuyên gia về hàng không, hệ thống an toàn của ngành này mà cụ thể là của trung tâm này được yêu cầu tới mức gần như tuyệt đối chứ không thể giỡn chơi. Thế nhưng, sự cố mất điện ngày 20-11 vừa rồi tại ACC.HCM vẫn xảy ra và được xem là một sự cố cực kỳ hy hữu.

Hai đơn vị được yêu cầu cao và khắt khe nhất về tiêu chuẩn thiết kế, về tổ chức cán bộ và cơ chế đảm bào vận hành, cuối cùng đều đã xảy ra sự cố rất đáng tiếc làm rúng động dư luận xã hội. Hậu quả của các sự cố này nghiêm trọng tới đâu còn mất nhiều thời gian để lượng định, song có những bài học cần phải nhìn thấy ngay để đảm bảo loại trừ được các sự cố tương tự có thể tái diễn trong tương lai.

Theo các thông tin được công bố trên hệ thống truyền thông chính thức cho tới nay cả hai "sự cố” nói trên đều liên quan tới yếu tố con người. Nói cách khác, có vấn đề trong công tác tổ chức nhân sự nên đã dẫn tới các sai phạm của những con người cụ thể, có thẩm quyền và có trách nhiệm hàng đầu ở ngay chính những nơi lẽ ra phải đòi hỏi rất cao về tiêu chuẩn, phẩm chất nhân sự cũng như thiết chế bộ máy. Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đã rất thẳng thắn khi chỉ ra từ vụ việc ông Trần Văn Truyền, chúng ta phải nghiêm khắc rút ra các bài học về tu dưỡng, rèn luyện đạo đức phẩm chất cán bộ và bài học về công tác tổ chức nhân sự.  Theo ông Vũ Quốc Hùng, cán bộ lãnh đạo trước hết phải tu thân, tề gia rồi mới có thể trị quốc, bình thiên hạ. Tu thân là việc dứt khoát phải làm, tề gia quan trọng không kém bởi tề gia giúp cán bộ vượt qua những sức ép, đòi hỏi của người thân làm mình lung lạc. Câu cổ nhân dạy nay vẫn còn nguyên giá trị giáo dục, mang tính thời sự. Bài học thứ hai là về công tác tổ chức cán bộ, vẫn còn những quan liêu, sai lầm, những sơ sảy... Có những người không đủ phẩm chất vẫn có thể được bổ nhiệm. Có những người bản thân tốt, nhưng khi ngồi vào ghế cao lại thoái hóa biến chất. Do vậy, vai trò của công tác tổ chức là hết sức quan trọng.

Trong thực tế, công tác tổ chức nhân sự được cụ thể hóa khá chi tiềt bằng nhưng giai đoạn quy hoạch và các bước quy trình thẩm tra, bổ nhiệm. Thế nhưng, dù có áp dụng đầy đủ các quy định và quy trình công tác nhân sự vẫn không tránh khỏi sai sót cả vô tình lẫn cố ý. Do vậy, song song với công tác tổ chức nhân sự còn đòi hỏi có sự giám sát, kiểm tra của các tổ chức Đảng, đoàn thể, cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của cán bộ công quyền.

Trường hợp sai phạm của nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền chỉ được cơ quan có thẩm quyền kết luận sau khi ông Truyền đã nghỉ hưu. Chủ yếu sau khi có sự phát hiện của dư luận xã hội và báo chí. Trước đó, ông Truyền vẫn là cán bộ, đảng viên tốt, gương mẫu trong "con mắt” của cơ quan chức năng. Điều này cho thấy, có gì đó chưa ổn trong mạng lưới các công cụ giám sát cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ cấp cao, của các tổ chức Đảng và Nhà nước. Liên quan tới các sai phạm của ông Trần Văn Truyền còn xuất hiện sự tắc trách hay nể nang của một số địa phương vô tình hay cố ý hỗ trợ cho các sai phạm này được hoàn thành một cách khá dễ dàng. 

Nể nang trong thi hành công vụ là điều không thể chấp nhận khi mọi công dân đều phải bình đẳng trước pháp luật. Dùng tài sản nhà nước để "nể nang”, có lợi cho "tình riêng” càng không thể chấp nhận, vì hành vi đó là vi phạm pháp luật. Tương tự, trong một đơn vị đòi hỏi tiêu chuẩn cán bộ khắt khe, có tính quốc tế như ACC.HCM vì sao xuất hiện không ít cán bộ chưa đủ tiêu chuẩn và trong thực tế đã để xảy ra sự cố nghiêm trọng một cách hết sức khó hiểu? Cách lý giải về nguyên nhân của sự cố này của các quan chức ngành hàng không cho thấy các hành vi dẫn tới sự cố nghiêm trọng nói trên là hết sức ấu trĩ tới mức không thể chấp nhận được đối với một nhân viên bình thường. Điều này đã khiến không ít chuyên gia uy tín trong lĩnh vực hàng không buộc phải nghi ngờ nguyên nhân yếu tố con người ở đây có khả năng thuộc về cấp cao hơn. Nhân sự có thẩm quyền và khả năng làm ảnh hưởng tới chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật của hệ thống thiết bị được coi là hiện đại nhất Đông Nam Á này. Bộ trưởng Đinh La Thăng ngay lập tức có thể chỉ đạo đình chỉ hoặc cho nghỉ việc những cán bộ có liên quan trực tiếp tới sự cố, trong ca trực. Tuy nhiên, trách nhiệm cấp cao hơn, cũng cần phải đặt ra: Ai đã tạo điều kiện cho không ít nhân viên không lưu chưa đạt chuẩn có mặt trong hệ thống cần có sự vận hành an toàn gần như tuyệt đối này? 

Chưa có kết luận chính thức nào gọi các sai phạm của ông Trần Văn Truyền là hành vi tham nhũng. Song từ mối liên hệ tự nhiên của xã hội, người từng đứng đầu cơ quan có trọng trách trong công cuộc phòng chống tham nhũng lại tự mình coi thường pháp luật, vì lợi ích cá nhân để xảy ra nhiều hành vi vi phạm không khác gì các hành vi tham nhũng như vậy có gì đó thật sự không ổn. Trước khi kịp "hạ cánh an toàn”, ông Trần Văn Truyền còn "tranh thủ” ký hàng chục quyết định bổ nhiệm cán bộ quản lý cấp cao trong bộ máy Thanh tra Chính phủ chỉ trong thời gian ít ỏi, mà nay những người kế nhiệm đang phải giải quyết hậu quả. Điều đó càng cho thấy rõ hơn công tác tổ chức cán bộ và công cụ giám sát hành vi công vụ của chúng ta hiện đang có không ít vấn để đáng quan ngại.

Hữu Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét