Chủ Nhật, 31 tháng 8, 2014

TT Ngô Đình Diệm đã từng giúp gạo cho dân Tây Tạng tỵ nạn tại Ấn Độ?




(Đức Đạt Lai Lạt Ma, người thứ hai trong hình, 24 tuổi, đang trên đường vượt thoát từ Tây Tạng sang Ấn Độ, tháng Ba 1959)


Vài tháng trước trên internet xuất hiện bài viết “Câu chuyện thật cảm động của đức ĐẠT LẠI LẠT MA nói về ĐỆ NHẤT VNCH” với nội dung chính:

Ngày 20.09.2013 khi người Việt tại Đức được vinh dự đón Đức Dalai Lama tại chùa Viên Giác, Ngài đã kể lại 1 câu chuyện thật cảm động. Những thập niên 50, Mao Trạch Đông xua quân vào Tây Tạng giết sư, đốt chùa và gây ra hằng hà xa số tội ác với 1 dân tộc Tây Tạng hiền lành chịu đựng. Năm 1959 Đức Dalai Lama phải cùng dân tộc của Ngài từ bỏ quê hương lên đường tỵ nạn. TQ lúc bấy giờ như con hổ đói, họ dùng đủ mọi cách để truy lùng ...Ngài.   Khoảng thời gian đó trên thế giới ít người biết và để ý đến tình hình xảy ra ở Tây Tạng, và cũng chẳng ai biết gì về 1 thanh niên với nụ cười thật nhân hậu đang dìu dắt dân tộc mình lánh nạn trước mũi súng bạo tàn của Mao Trạch Đông. Ấn Độ luôn có đụng độ với TQ về vấn đề biên giới, vi vậy họ không muốn làm tình hình căng thẳng thêm, nên cũng chẳng tha thiết giúp đỡ đoàn người tỵ nạn đến từ Tây Tạng. Tin tức về tình hình bi đát từ Tây Tạng chẳng được loan truyền, lại bị TQ cô lập thông tin toàn diện, nên thế giới chẳng ai biết đến mà quan tâm.  Đoàn người tỵ nạn vì vậy thiếu thốn cơ cực đủ điều, tình hình lúc bấy giờ thật nghiệt ngã.

May thay ở vùng Đông Nam Á có 1 vị Tổng Thống cũng nhân đạo không kém. Ông từng biết thế nào là tỵ nạn CS, vì chính ông cũng đã mở rộng vòng tay đón tiếp và giúp đỡ hằng triệu đồng bào của ông chạy nạn CS từ Bắc vào Nam... Đó là cố TT Ngô Đình Diệm, một vị Tổng Thống Công Giáo, đã âm thầm gửi hàng tấn gạo để cứu khổ những người Phật Giáo Tây Tạng. Một miếng khi đói bằng một gói khi no, Đức Dalai Lama bồi hồi khi kể lại sự giúp đỡ của cụ Diệm đối với dân tộc của ông vào những ngày tháng khó khăn nhất”.

Vài hôm sau tôi nhận bài viết phản bác bài viết trên với cái tựa khá dài  “ĐỨC DALAI LAMA, ÔNG NGÔ ĐÌNH DIỆM VÀ MẶC CẢM TỘI LỖI CỦA NHÓM “HOÀI NGÔ”” của tác giả Nguyễn Kha. Tác giả dành khá nhiều công sức để tìm kiếm gần như tất cả các phương tiện truyền thông thông dụng, từ google cho đến các trang web Tây Tạng và nhất là nghe kỹ youtube thu lại buổi thuyết pháp của Đức Đạt Lai Lạt Ma ở chùa Viên Giác.

Theo tác giả Nguyễn Kha, ngoài ba lần nhắc đến Việt Nam trong chiến tranh, trong toàn bộ buổi thuyết pháp Đức Dalai Lama đã không còn đả động gì đến Việt Nam nữa. Nhất là Ngài HOÀN TOÀN KHÔNG NÓI MỘT TIẾNG “PRESIDENT DIEM” HAY MỘT TIẾNG “RICE DONATION” NÀO CẢ. Do đó, dĩ nhiên là không có câu chuyện hoang đường “Đức Dalai Lama bồi hồi khi kể lại sự giúp đỡ của cụ Diệm” đã “âm thầm gửi hàng tấn gạo để cứu khổ những người Phật Giáo Tây Tạng.” như “Chị Hoa Lan” đã gian trá phịa ra”.

Đến Viên Giác, Hannover, Đức

Một lần, bạn tôi, Luật sư Nguyễn Xuân Phước ở Dallas gọi để thảo luận về chuyện “TT Ngô Đình Diệm tặng gạo cho dân Tây Tạng” này. Tôi nói với anh, trên quan điểm chính trị và nhân đạo, tôi tin là có nhưng thú thật tôi không chứng minh được bằng tài liệu nào. Biết tôi sắp đi Đức, anh Phước dặn tôi để đích thân nhờ Hòa Thượng Thích Như Điển, Phương trượng chùa Viên Giác, Hannover xác nhận dùm chuyện “hàng tấn gạo” này. Tôi hứa sẽ bạch với thầy.

Tôi đến Hannover chiều thứ Năm tuần trước. Lần đầu đến viếng chùa Viên Giác, nhưng về tình cảm, với tôi đây là chuyến trở về. Viên Giác Hannover không có bóng đa già và những mùa thu ngập lá như Viên Giác Hội An. Viên Giác Hannover  không có thằng bé ngồi nhìn bóng trăng soi trên sân gạch mà nhớ đến mẹ mình trong những đêm rằm Vu Lan tháng Bảy như Viên Giác Hội An. Cây đa già đã chết, thằng bé đã đi xa nhưng ký ức của một phần đời cô đơn nhất vẫn còn nguyên vẹn trong tâm hồn nó.

Sau những chuyện riêng tư, thăm hỏi sức khỏe, tôi bạch với Hòa thượng Thích Như Điển trong thời gian Đức Đạt Lai Lạt Ma viếng thăm chùa Viên Giác hôm 20 tháng 9, 2013, khi ngài thuyết pháp, khi ngài trò chuyện, khi ngài nói trong chương trình, khi ngài thăm hỏi ngoài chương trình, có bao giờ Đức Đạt Lai Lạt Ma nhắc đến việc “TT Ngô Đình Diệm, một vị Tổng Thống Công Giáo, đã âm thầm gửi hàng tấn gạo để cứu khổ những người Phật Giáo Tây Tạng” không?

Hòa thượng Như Điển xác định “Không”.  

Nhưng rồi hòa thượng nói tiếp, sau khi đọc bài viết chính hòa thượng cũng thắc mắc về chuyện “hàng tấn gạo” và bảo các đệ tử, trong đó có nhiều người tu học tại Ấn Độ truy cứu tài liệu để tìm xem nếu Việt Nam Cộng Hòa đã từng viện trợ gạo cho nhân dân Tây Tạng. Ngày 7 tháng 8 vừa qua, hòa thượng nhận được kết quả truy cứu.

Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã hai lần tặng gạo cho dân tỵ nạn Tây Tạng

Tài liệu xác nhận Việt Nam Cộng Hòa đã có cứu trợ gạo cho dân tỵ nạn Tây Tạng tại Ấn, và không chỉ cứu trợ “hàng tấn gạo”, vài chục ngàn tấn mà đã gởi hai lần tổng cộng một ngàn năm trăm tấn gạo qua trung gian chính phủ Ấn. Hòa thượng chuyển cho tôi nguyên văn tài liệu và cả đường link dẫn đến tài liệu. Ngài cũng khuyến khích tôi dịch các đoạn liên hệ đến Việt Nam để phổ biến cho công chúng. “Sự thật cần phải làm sáng tỏ”, thầy dặn tôi như thế.

Tôi thật có duyên với câu chuyện “hàng tấn gạo” này vì người đón gia đình tôi ở phi trường và cả nhà ga Berlin lại là chị Hoa Lan. Chúng tôi không biết nhau trước. Chị ở Berlin nên Hòa thượng Phương Trượng chùa Viên Giác nhờ chị đón chúng tôi ở phi trường, đưa sang nhà ga đi Hannover và đón chúng tôi khi về lại Berlin. Khi chị đón tôi ở nhà ga Berlin, trên đường về khách sạn, tôi hỏi có phải chính chị đã nghe đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng “TT Ngô Đình Diệm, một vị Tổng Thống Công Giáo, đã âm thầm gửi hàng tấn gạo để cứu khổ những người Phật Giáo Tây Tạng” hay không? Chị Hoa Lan trả lời “Không”. Chị Hoa Lan cũng không biết ai đã dùng tên chị để đưa vào bài viết. Vì tôi đã được hòa thượng xác nhận bằng tài liệu chính thức của chính phủ Ấn nên việc chị Hoa Lan có nói hay không không còn là chuyện quan trọng.

Giá trị của tài liệu

Tài liệu do Hòa thượng Như Điển chuyển dày 116 trang do Trung Tâm Nghiên Cứu Chính Sách và Quốc Hội Tây Tạng (Tibetan Parliamentary and Policy Research Centre) công bố năm 2006. Trung tâm đặt văn phòng tại H-10, 2nd Floor, Lajpat Nagar - III, New Delhi - 110024, INDIA.  Đây là tổng kết các biên bản ghi lại các buổi phỏng vấn các lãnh đạo trong chính phủ Ấn Độ. Những người được phỏng vấn có Thủ tướng Shri Jawaharlal Nehru, Bộ Trưởng Ngoại Giao Shrimati Lakshmi Menon, Bộ trưởng Thương mại Shri D.P. Karmarkar, Thứ trưởng Ngoại Giao Shri A.K. Chanda, Bộ trưởng Thương Mại và Kỹ Nghệ Shri T.T. Krishnamachari và nhiều viên chức cao cấp khác có liên hệ đến tiến trình định cư người tỵ nạn Tây Tạng tại Ấn từ năm 1952 đến năm 2005.

Phỏng vấn Thủ tướng Nehru

Ngày 19 tháng 12 năm 1960, người phỏng vấn tên Shri Harihar Patel hỏi Thủ Tướng Shri Jawaharlal Nehru: “Thủ tướng vui lòng cho biết tên các quốc gia, cơ quan cứu trợ tư có liên hệ đến công việc cứu giúp và định cư người tỵ nạn Tây Tạng tại Ấn và số lượng cũng như tên các trại do các cơ quan đó điều hành tại Ấn, Sikkim và Bhutan?

Thủ tướng Shri Jawaharlal Nehru: “Các chính phủ Úc, Mỹ và Tân Tây Lan đã viện trợ 10 lakhs Rupees, 4,75,000 Rupees, 2,63,920 Rupees theo thứ tự để chính phủ Ấn chi dùng cho các chương trình tỵ nạn Tây Tạng. Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tặng 1300 tấn gạo”.

Các cơ quan thiện nguyện tư cung cấp thức ăn, áo quần, thuốc men v.v. gồm có (1) Co-operative for American Relief Everywhere; (2) American Emergency Committee for Tibetan Refugees; (3) Catholic Relief Services in India; (4) National Christian Council of India; (5) World Veterans’ Federation; (6)  Indian Red Cross Society; (7) Junior Chamber International; (8) The Buddhist Society of Thailand. Không có một trại tỵ nạn nào được đặt dưới sự điều hành bởi các cơ quan từ thiện ngoại quốc.”

Phỏng vấn Bộ Trưởng Ngoại Giao Shrimati Lakshmi Menon

Ngày 30 tháng Tư, 1962,  người phỏng vấn tên Shri N. Sri Rama Reddy phỏng vấn Bộ Trưởng Ngoại Giao Ấn Shrimati Lakshmi Menon: “Thủ tưởng có vui lòng cho biết đúng hay không rằng Chính phủ Nam Việt Nam đã đề nghị tặng 200 tấn gạo để cứu giúp người tỵ nạn Tây Tạng tại Ấn Độ”. Bộ trưởng Ngoại Giao Ấ Shrimati Lakshmi Menon đáp “Đúng vậy, thưa ông”.

Như vậy, việc chính phủ Việt Nam Cộng Hòa không chỉ một lần mà hai lần và cũng không chỉ vài ngàn mà hàng trăm ngàn tấn gạo là chuyện thật.

Người xác nhận nghĩa cử cao quý của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa không phải là một viên chức cấp thấp chăm lo công việc cứu trợ hay một phóng viên báo chí góp nhặt tin tức đó đây mà chính từ lời phát ngôn trang trọng của cố Thủ Tướng  Shri Jawaharlal Nehru, người có thẩm quyền cao nhất của chính phủ Ấn và cũng là nhà kiến trúc nên quốc gia dân chủ Ấn Độ hiện đại ngày nay.

Lý do không “hoang đường” mà rất đơn giản và dễ hiểu.

Về mặt nhân đạo, việc cố Tổng thống Ngô Đình Diệm tặng gạo cho nhân dân Tây Tạng phát xuất từ tình người. TT Ngô Đình Diệm đâu cần phải vượt qua hàng rào tôn giáo như người viết bài gán ghép cho cố tổng thống. TT Ngô Đình Diệm cũng không phải “âm thầm” giúp đở chỉ vì ngài là “Tổng Thống Công Giáo” mà lại giúp đở “những người Phật Giáo Tây Tạng”. Đạo Công Giáo chẳng những không cấm cản mà còn khuyến khích con cái Chúa giúp đở những người khó khăn, đói khát, chịu đựng không cùng tôn giáo. Hình ảnh Mẹ Teresa sẽ mãi mãi như ánh trăng thương yêu soi sáng sông Hằng Hindu Ấn Độ. Hàng triệu người Việt tỵ nạn Cộng Sản sau 1975 đã vượt qua được chặng đường đầu đầy khó khăn phần lớn cũng nhờ vào bàn tay cứu giúp của những người không cùng tôn giáo.

Về mặt chính trị, cố Tổng thống Ngô Đình Diệm chắc chắn biết rằng Việt Nam Cộng Hòa và Tây Tạng có nhiều điểm giống nhau về hoàn cảnh lịch sử và địa lý chính trị. Hai dân tộc từng chịu đựng dưới ách thống trị của phong kiến Trung Hoa, hai quốc gia nhỏ chịu số phận vùng trái độn sát biên giới Trung Cộng, hai cuộc di dân tìm tự do trong đói khát, chịu đựng, viện trợ gạo, do đó, là một cách để thế giới thấy rằng Việt Nam Cộng Hòa luôn đứng về phía những người cùng chiến tuyến tự do. Tổng thống Ngô Đình Diệm không làm việc đó trong “âm thầm” mà đã chính thức thông báo cho Thủ tướng Ấn Độ Shri Jawaharlal Nehru biết và được thủ tướng vui mừng đón nhận. Ngày nay rất nhiều quốc gia có cảm tình với Tây Tạng nhưng trong thời điểm 1960 chỉ vỏn vẹn bốn quốc gia, trong đó có Việt Nam Cộng Hòa đã đóng góp trực tiếp vào việc cứu trợ dân tỵ nạn Tây Tạng. Và trong số bốn quốc gia, Việt Nam Cộng Hòa có thể là nước nghèo nhất về của cải nhưng giàu hơn nhiều cường quốc về lòng nhân đạo.

Hai lý do đó chẳng “hoang đường” nhưng rất đơn giản và dễ hiểu mà vị lãnh đạo một quốc gia cùng số phận với Tây Tạng hẳn phải biết.

Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm có đức tính sống cao cả hơn và có một tâm hồn trong sáng hơn nhiều người đang “ca tụng” hay “vinh danh” ngài.  Nếu biết kính trọng, hãy để ngài là cố Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa, đừng cô lập ngài thành một vị “Tổng Thống Công Giáo”. Lịch sử để lại nhiều vết thương đau nhưng không có vết thương đau nào là của riêng Công Giáo hay Phật Giáo mà là vết thương đau của dân tộc.

Phản bác bài viết “Câu chuyện thật cảm động của đức ĐẠT LẠI LẠT MA nói về ĐỆ NHẤT VNCH”, tác giả của bài “ĐỨC DALAI LAMA, ÔNG NGÔ ĐÌNH DIỆM VÀ MẶC CẢM TỘI LỖI CỦA NHÓM “HOÀI NGÔ” cũng chẳng xây dựng hay tích cực gì hơn. Thái độ hiềm khích, hằn học thể hiện ngay trong cách dùng từ, đặt tựa.  

Không thể đánh giá một con người đã sống, một biến cố đã xảy ra hơn nửa thế kỷ bằng tiêu chuẩn ngày nay. Phương pháp đó thiếu đặc tính khách quan và lịch sử. Dân chủ là một tiến trình từ thấp đến cao, từ non trẻ đến trưởng thành chứ không phải là một sản phẩm được chế tạo theo một công thức, mẫu mực nhất định hay được nhập từ một quốc gia nào. Nền dân chủ Mỹ trả giá bằng sinh mạng của sáu trăm ngàn người lính hai miền trong năm năm nội chiến. Nền dân chủ Nam Hàn cũng phải chịu đựng ám sát, đảo chính, độc tài, tham nhũng trước khi trở thành một trong G20 của thế giới ngày nay.

Việt Nam Cộng Hòa, sau hiệp định Geneva, từ một thường dân cho đến nguyên thủ quốc gia đều bắt đầu hành trình dân chủ đầy gai góc bằng hai bàn tay trắng, vừa học vừa hành trong máu và nước mắt. Không ai muốn nhưng đã để lại những hố sâu, những vết nứt trên đường đi của các thế hệ hôm nay. Một người Việt Nam có trách nhiệm, nếu không giúp lấp lại những cách ngăn, không giúp xoa dịu nỗi đau, không giúp bắt một nhịp cầu cảm thông thì cũng không nên đào sâu thêm hố hận thù, chia rẽ trong lòng một dân tộc đang quá khao khát thương yêu và đoàn kết.

Trần Trung Đạo
(Trên xe lửa từ Berlin đi Prague, chiều 26-8-2014)


Tham khảo:
-       Indian Parliament on the issue of Tibet RAJYA SABHA DEBATES 1952 -2005 (http://www.tpprc.org/publication/rajya_sabha_debates_on_tibet-2006.pdf)


Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

Đảo ngược lớp học, phá vỡ truyền thống

“Trên thực tế toàn bộ phương pháp luận trong giáo dục thực sự không nhiều hơn – bắt người học phải muốn học. Một khi họ muốn học, họ sẽ học.” - Noam Chomsky .

Dương Trọng Tấn

Sau khi cho cô con gái nhỏ ngủ xong xuôi, Đới – một giảng viên các môn lập trình của Đại học FPT – bắt đầu bật chiếc laptop Asus đời cũ lên, cắm tai nghe và bắt đầu ghi âm tạo clip bài học mới cho những ngày tiếp theo. Anh sẽ tải video clip ngắn về một kĩ thuật lập trình Java nâng cao này lên YouTube. Học trò của anh sẽ xem bài giảng trước khi đến lớp để có thể tích cực tham gia các thảo luận sôi nổi trong lớp học, để có nhiều ý tưởng hỏi thầy, và để sớm hoàn thành dự án mà thầy đã giao từ đầu khóa học. Trong khi thu âm, Đới phải hết sức nhẹ nhàng để tránh làm mất giấc ngủ ngon của con gái. Đôi khi tiếng chó sủa từ bên nhà hàng xóm lẫn cả vào clip.
Một giờ học của thầy Đới bắt đầu bằng ít phút ôn lại nội dung của video clip mà sinh viên đã xem trước ở nhà. Những sinh viên đã xem được khuyến khích tóm tắt lại các nội dung chính được ghi trong một tài liệu Google Docs, hoặc vẽ ra những bản đồ tư duy do chính họ tạo lập sau khi xem các clip từ kênh riêng của thầy Đới trên YouTube. Những sinh viên chưa kịp xem video clip thì tranh thủ xem qua để chút nữa có thể bắt kịp các thảo luận và bài thực hành ngay sau đó.
flipped
Tiếp theo, thầy Đới dẫn học trò của mình qua các hoạt động, khi thì thảo luận, khi thì làm bài tập nhóm, khi thì thực hành trên laptop. Phần lớn giờ học, sinh viên không ngồi yên mà luôn chân, luôn tay, luôn miệng. Thầy Đới cũng không còn thuyết trình nhiều, trừ khi thật cần thiết. Thầy tập trung tư vấn riêng cho các bạn học chậm, gỡ rối những khúc mắc hoặc gợi mở và giao thêm các nhiệm vụ nâng cao cho những bạn học nhanh hơn. Các bạn hoàn thành công việc trước được khuyến khích giúp đỡ các bạn xung quanh để hoàn thành công việc được giao. Kết thúc giờ học, thầy dẫn dắt cả lớp vào hoạt động mà thầy gọi là “Retrospective” để sinh viên có thời gian nghĩ về những gì được học, cái gì thích cái gì không, và có những khó khăn nào cần được giải quyết.
Toàn bộ “kế hoạch làm việc” của khóa học, thầy Đới đã thiết kế chi tiết và chia sẻ cho cả lớp trên một thư mục Google Drive chung. Các tài liệu học tập chính quy và tham khảo cũng được đặt hết tại đây. Bên cạnh một bảng theo dõi tiến độ học tập, tiến độ hoàn thành công việc và tình hình giao nộp các “sản phẩm” của từng sinh viên (thầy gọi riêng công cụ do mình sáng chế này là Progress Tracking, tạo ra từ Google Spreadsheet). Thầy Đới còn dùng chế độ lưu vết hoạt động (Activity history) của Google Apps để theo dõi các hoạt động của từng sinh viên trên lớp. Ngoài giờ trao đổi trực tiếp, sinh viên được khuyến khích trao đổi thêm trên mạng xã hội (một Group trên Facebook với đầy đủ các thành viên trong lớp) và qua email.
flipped 2
Cách dạy học mang tên Dạy học Đảo ngược (Flipped Teaching) của thầy Đới đang là một trong những trào lưu thu hút rất nhiều nhà giáo thử nghiệm và sử dụng như là phương pháp dạy chính thức trong nhà trường. Đặc trưng rất dễ nhận biết của lối dạy học này là đảo ngược cách làm truyền thống:  thay vì để sinh viên “lên lớp  nghe giảng, sau đó về nhà làm bài tập”, giờ đây sinh viên tự học lí thuyết ở nhà (qua các bài giảng trong video, hoặc sách tương tác, hoặc phần mềm học tập), khi tới lớp làm bài tập ứng dụng và đào sâu các lí thuyết đã học, cùng với phản hồi đa dạng của giáo viên và các bạn cùng lớp. Những nhà giáo cổ súy cho các lớp học đảo ngược (Flipped Classroom) lý luận rằng “thời giờ quý giá ở trên lớp nên để dành cho các hoạt động tương tác và hoạt động, chúng mang lại nhiều giá trị hơn cho sinh viên, thay vì ép họ phải ngồi hàng tiếng đồng hồ nghe những bài giảng chán ngắt”. Với sự phát triển vượt trội của công nghệ, giờ đây giáo viên có thể dễ dàng biến những mong ước đó thành hiện thực mà không tốn kém. Họ ghi lại bài giảng và phân phối qua mạng để quẳng đi gánh nặng phải “nói cho hết bài giảng” trong những giờ học ít ỏi ở trên lớp, mở rộng không gian lớp học với sự trợ giúp đắc lực của các ứng dụng trên Internet và mạng xã hội. Họ đang thực sự “đảo ngược” những cách dạy học truyền thống bấy lâu nay. Giống như phần lớn trong gần 22.000 nhà giáo thuộc Mạng lưới Học tập Đảo ngược (Flipped Learning Network: http://flippedclassroom.org/) và nhiều nhà giáo khác chưa tham gia mạng lưới này, thầy Đới bắt đầu nghĩ rằng mình không thể dạy học theo một cách nào khác ngoài Dạy học Đảo ngược. Lý do căn bản nhất gây nghiện những nhà giáo như thầy Đới đó là thông qua việc sử dụng khéo léo công nghệ vào lớp học, họ có rất nhiều “đất” để sử dụng nhiều phương pháp học tập hiện đại và tích cực mà trước đây họ chỉ có thể đọc trong sách sư phạm, mà không biết cách nào dùng cho thật tự nhiên và dễ dàng (như các phương pháp học tập tích cực – active learning, học tập cộng tác – collaborative learning, học tập phân hóa – differentiated learning, hay học tập hướng giải quyết vấn đề – problem-based learning… ). Các giảng viên có nhiều thời gian làm việc trực tiếp với sinh viên hơn, giúp họ nhiều hơn trong việc cá nhân hóa học tập. Đối với những giảng viên này, công nghệ thực sự đã nối dài cánh tay, mở rộng không gian và kéo dài thời gian hơn. Họ có thể làm được nhiều việc ý nghĩa hơn trong một thời gian và nguồn lực hạn hẹp.
Nói về ấn tượng của mình khi đảo ngược lớp học, thầy Đới cho biết: “Đến học sinh lười nhất trong lớp cũng học”. Với dạy học đảo ngược, anh có được cảm giác rõ ràng hơn về điều giản dị mà nhà tư tưởng lớn đương đại Noam Chomsky nhắn gửi các nhà giáo: “Trên thực tế toàn bộ phương pháp luận trong giáo dục thực sự không nhiều hơn – bắt người học phải muốn học. Một khi họ muốn học, họ sẽ học.”

Học tập đảo ngược

Học tập đảo ngược (Flipped Learning) là một phương pháp sư phạm, ở đó việc hướng dẫn trực tiếp chuyển từ không gian học theo nhóm sang không gian học cá nhân và do đó không gian nhóm trở thành môi trường học tập năng động và tương tác, nơi nhà giáo hướng dẫn sinh viên áp dụng các khái niệm và tham gia một cách sáng tạo vào các vấn đề.
Theo Flipped Learning Network.

Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

Khủng hoảng nợ công ở Việt Nam đang đến dần?

Sẽ rất tệ nếu một phần quá lớn của ngân sách được dùng để trả nợ cũ vì số tiền này không dùng để tái tạo giá trị cho tương lai. Thêm nữa, với nguồn thu yếu, Việt Nam đang phải đi vay thêm để trả nợ cũ (đảo nợ), biến cuộc chơi ngân sách thành một trò ponzi nguy hiểm;
TS. Trần Vinh Dự
Đặc điểm nổi bật nhất về kinh tế vĩ mô của giai đoạn này là việc nền kinh tế đang ở trong trạng thái ổn định và, trên một vài phương diện, tốt dần lên một cách chậm chạp. Các biến số vĩ mô chính đều tương đối ổn. Thí dụ lạm phát giữ được ở mức 1 con số (kỳ vọng năm nay chỉ ở mức 5%). Cán cân thương mại có thặng dư ở mức thấp (xuất siêu nhẹ cả hai năm 2012 và 2013, 6 tháng đầu 2014 đạt 1,51 tỷ USD). Tăng trưởng GDP ổn định ở mức loanh quanh từ 5% đến 5,5% (5,03% năm 2012, 5,42% năm 2013, và kỳ vọng 5,4% năm 2014). Tỷ giá có một lần phá giá nhẹ giữa năm nay (có tác dụng tốt để tăng xuất khẩu) nhưng nhìn chung không bị áp lực gì lớn phải phá giá tiếp.
news_s76
Tuy nhiên, có vẻ sự ổn định này đang ru ngủ nhiều người và nó che khuất những rủi ro ngầm bên dưới. Một trong những vấn đề vĩ mô đau đầu nhất đã được giới chuyên gia nói đến khá nhiều, nhưng hầu như công luận không mấy người để ý (và dù có để ý thì cũng không ý thức được mức độ nghiêm trọng của nó) là câu chuyện khủng hoảng nợ công của Việt Nam có vẻ như đang đến dần.
Theo Báo cáo Kinh tế Vĩ mô 2014 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cuộc khủng hoảng này có vẻ đang đến vì hai lý do: thu kém đi trong khi chi thì phình to liên tục.
Thu ngân sách của Việt Nam đang gặp nguy hiểm vì nhiều lẽ. Việt Nam dựa quá lớn (25% năm 2013) vào các nguồn thu không thường xuyên như bán tài sản nhà nước, giao quyền sử dụng đất, dầu thô… Các khoản này sẽ hết dần, không sinh sôi. Trong khi đó, thu thường xuyên (thuế và phí) giảm dần do giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp và theo các cam kết của các hiệp định thương mại. Nhà nước tìm cách thu vét (truy thu thuế) tuy nhiên trong khi doanh nghiệp tư nhân còn chưa gượng lên được bao nhiêu sau khủng hoảng nên việc thu vét cũng dễ đẩy doanh nghiệp tư nhân vào chỗ kiệt quệ.
Chi ngân sách của Việt Nam thì đang ngày càng phình to vì nhiều lý do. Nghĩa vụ trả nợ vay quốc tế (cả gốc lẫn lãi) đang tăng dần với ngày càng nhiều khoản vay đáo hạn. Chi thường xuyên (thí dụ trả lương công chức và ngân sách hoạt động của bộ máy hành chính) chiếm tỷ trọng lớn và vẫn đang phình to, hiện đã vượt thu thường xuyên (thí dụ thuế và phí). Cơ cấu chi bất hợp lý vì về mặt tỷ trọng chi đầu tư thì giảm (chỉ còn 21,4% trong tổng chi) mà chi thường xuyên lại tăng, thể hiện nỗ lực “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ về cơ bản không thành công. Đó là chưa kể với vấn đề Trung Quốc hiện nay, chi quốc phòng và an ninh sẽ buộc phải tăng lên, dễ rơi vào bẫy chạy đua vũ trang, chèn ép và lấy mất vốn của các lĩnh vực tạo giá trị thặng dư khác.
Vì cơ cấu thu chi như vậy dẫn đến chỗ thâm hụt ngân sách đang tăng dần. Từ 4,8% năm 2012 đã tăng lên 5,3% năm 2013. Tổng mức nợ công là 53,5%, vẫn thấp hơn ngưỡng an toàn 65%, nhưng đã tăng 26,89% so với năm 2012, là một tốc độ tăng quá lớn.
Có hai vấn đề lớn nhất trong chuyện này. Thứ nhất là cơ cấu chi ngân sách dùng để trả nợ vay đang sắp vượt ngưỡng cho phép (25% trong tổng chi ngân sách – ngưỡng an toàn do Ngân hàng Thế giới khuyến nghị và thủ tướng phê chuẩn). Sẽ rất tệ nếu một phần quá lớn của ngân sách được dùng để trả nợ cũ vì số tiền này không dùng để tái tạo giá trị cho tương lai. Thêm nữa, với nguồn thu yếu, Việt Nam đang phải đi vay thêm để trả nợ cũ (đảo nợ), biến cuộc chơi ngân sách thành một trò ponzi nguy hiểm;
Thứ hai, vì nền kinh tế không có dấu hiệu hồi phục đáng kể trong trung hạn, có khả năng rất cao là bức tranh ngân sách sẽ còn tiếp tục xấu đi do các khoản thu thường xuyên không tăng, các khoản thu không thường xuyên có thể giảm, trong khi chi ngân sách thì liên tục dưới áp lực phải phình to (để trả nợ, và thậm chí đơn giản như chi thường xuyên cũng không kiểm soát được và vì thế tiếp tục phình). Câu chuyện vượt ngưỡng 65% GDP có thể sẽ đến rất sớm nếu Việt Nam không kiểm soát mạnh được chi thường xuyên.

Khánh Ly bất ngờ công bố giấy cho phép tác quyền của Trịnh Công Sơn

Từ Mỹ, nữ danh ca Khánh Ly vừa gửi về cho VietNamNet bài tùy bút chia sẻ kỷ niệm của bà với Trịnh, kèm tài liệu cho thấy Trịnh nhận tác quyền và cho phép bà sử dụng tác phẩm của ông ở mọi thời điểm. 


Bài tùy bút được bà đặt tựa "Chữ ký cuối cùng của một người dành riêng cho một người", chia sẻ những ngày khó khăn nhưng hạnh phúc trên bước đường âm nhạc chung với Trịnh. Xin trân trọng giới thiệu tới quý độc giả:
Khánh Ly, tác quyền, Trịnh Công Sơn, tranh cãi
Khánh Ly đến thăm nhà Trịnh Công Sơn khi bà về VN biểu diễn.
Đã đến giờ tôi phải đi. Phải từ giã Hà Nội thôi. Mọi người còn đang ngủ yên trong kia. Chỉ mình tôi ngồi trước hiên nhà. Một mình ngồi suốt 3 tiếng đồng hồ. Hạnh phúc lớn quá, mà nỗi cô đơn cũng lớn quá.
Tôi không biết đêm đã dần qua, một ngày mới đang tới. Và tôi lại sắp phải nói lời giã từ con phố mình vừa gặp lại sau 60 năm xa cách. Bao giờ trở lại. Có còn trở lại nữa không.Tôi đã 70 rồi.Đường thì xa vạn dặm mà thời gian thì vô tình.Ngày mai.Ngày mai ai biết được ngày mai đời mình sẽ ra sao. Một chớp mắt đã bãi biển nương dâu.Một chớp mắt đã nghìn trùng xa cách.Một chớp mắt đã thành kỷ niệm. Đã là quá khứ.
Khánh Ly, tác quyền, Trịnh Công Sơn, tranh cãi
Khánh Ly và khán giả trẻ Hà Nội.
…Chúng tôi, những người của ba miền đất nước. Đến với nhau không nghi ngại. Toại, Sơn, Giang, Tuân, Doãn, Yến, Minh, Lộc… Anh và tôi. Chúng tôi có chung một niềm vui, một mơ ước. Dẫu hoàn cảnh gia đình không giống nhau. Tiếng cười tiếng hát vẫn rộn ràng mỗi khi chiều xuống. Những đĩa cơm nghèo chia đôi, những điếu thuốc chuyền tay. Giấc mơ về một ngày im tiếng súng, một ngày chân bước và hát trên ba miền từ thành phố đến thôn làng. Nhà thương, trường học sẽ dược dựng xây trên hoang tàn đổ nát. Có áo cơm cho trẻ con không nhà. Có nụ cười cho cha già mẹ yếu. Có vòng tay cho chị. Có chiếc nạng cho anh. Có tiếng cười trong căn nhà nhỏ. Bài học yêu thương phải được học lại từ đầu. Giấc mơ của tuổi trẻ Việt Nam. Giấc mơ của người Việt Nam trên khắp ba miền.
Tháng ngày bên Anh thật hạnh phúc.Anh mở cho tôi cánh cửa vào cuộc sống tốt đẹp. Phải, dù chẳng để làm gì, dù chỉ để gió cuốn đi. Dù vắng bóng ai, tấm lòng ấy vẫn còn mãi. Chúng ta có mong được đến trong cuộc đời này? Vậy thì chúng ta sẽ ở lại trong trái tim mọi người dù chỉ là một góc nhỏ nhoi. Bây giờ, nếu có ai đó bảo rằng chúng tôi rồi sẽ xa cách nhau. Sẽ có ngày phải khóc nhau. Không thể được. Không bao giờ có chuyện đó. Chúng tôi tin cậy nhau, chúng tôi yêu thương nhau, gần gũi gắn bó biết bao. Điều gì có thể chia cắt được thâm tình này.
Khánh Ly, tác quyền, Trịnh Công Sơn, tranh cãi
Khánh Ly trong chuyến đi từ thiện ở miền Trung.
Những ngôi nhà khang trang mái ngói đỏ nằm chen lẫn giữa những vườn cây ăn trái, ruộng lúa xanh rì bạt ngàn. Tôi cố căng mắt tìm kiếm nhưng vô ích.Tôi không tìm thấy dấu vết nào của 40 năm trước. Con đường Huế Quảng Trị ngập sâu dưới cơn mưa chẳng còn biết đâu là đường, đâu là ruộng. Chiếp Jeep lùn chậm chạp lăn bánh qua những biển nước. Cây cầu gỗ run rẩy. Chỉ có niềm tin và tình yêu mới đưa tôi đến con đường này. 60 cây số Huế Quảng Trị sao mà quá gian nan. Tình yêu trước mặt tưởng như trong tầm với. Có ai ngờ ngay từ phút giây đầu đã phải khóc nhau.
Phải. Tôi đã muốn khóc thật lớn, thật nhiều giây phút lìa xa Hà Nội. Chỉ thấy trong lòng nặng trĩu bao nhiêu nỗi niềm ấp ủ 60 năm. Giờ trên con đường này, tôi vẫn muốn dấu đi giọt nước mắt muộn màng. Làm sao tôi có thể bộc lộ nỗi lòng của mình, và mặc dù biết rất rõ, Anh cũng không nói gì, chỉ dịu dàng hơn, ân cần hơn. Anh vốn như thế. Những tình khúc của Anh là ngàn vạn lời an ủi ấm áp. Anh như muốn nhắn nhủ một điều dấu kín trong tim chỉ là những điều… dấu kín mà thôi. Hãy cứ yêu ngày tới dù đã mệt kiếp người vì còn cuộc đời trước mắt. Hãy cứ vui mà sống dầu đã vắng bóng ai.
Khánh Ly, tác quyền, Trịnh Công Sơn, tranh cãi
Bà từng nói Trịnh là hình, còn bà là bóng.
Đức Mẹ La Vang và Quảng Trị không kéo tôi ra khỏi nỗi đau.Huế và Anh lại cho tôi nơi chốn bình yên. Tôi không thể khóc trong tay Anh. Tôi chỉ có thể ngồi bên Anh yên lặng mà cảm nhận tình thương từ ánh mắt dịu dàng bao dung. Ánh mắt đó vẫn theo tôi, vẫn luôn luôn nhắc nhở tôi, hãy sống tử tế với một tấm lòng. Anh vẫn đi cùng tôi qua những miền nắng ấm, những ngày bão mưa tuyết đổ.Khuôn viên Đại Học, hội trường Công Giáo, Phật Giáo. Những lớp học tiếng Việt. Trẻ mồ côi tàn tật, người già neo đơn.
Tôi muốn đi cùng Anh đến mọi nơi mọi miền chia sẻ những may mắn của mình trong đời cho người bất hạnh. Anh đã nói các bạn là những người không may mắn, mất đi một phần thân thể của mình nhưng tâm hồn các bạn còn nguyên vẹn; trong khi ngoài đời có rất nhiều người lành lặn nhưng tâm hồn lại khiếm khuyết… Anh ru đời đừng tuyệt vọng. Tôi là ai… là ai… mà yêu quá đời này.Anh tuyệt vời biết bao. Anh đã đến và ở lại trong trái tim những người yêu Anh. Ở lại mãi mãi vòng tay Hà Nội. Nụ cuời Hội An. Tấm lòng Đà Nẵng. Mọi người se đến để gặp Anh… Lại gần với nhau. Ngồi kề bên nhau.Thù hận xin quên. Đây quê hương mình… Tâm hồn Anh. Trái tim Anh sẽ mãi mãi đi cùng với người yêu Anh trên khắp các nẻo đường quê hương từ thành thị đến thôn xóm ruộng đồng.
Khánh Ly, tác quyền, Trịnh Công Sơn, tranh cãi
Giấy Trịnh ký nhận tác quyền và cho phép Khánh Ly biểu diễn nhạc phẩm của ông.
Chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa tôi sẽ rời Việt Nam.Buổi chiều. Một buổi chiều tháng 05 con đường Duy Tân cây dài bóng mát. Con ngõ nhỏ, cho đến bây giờ, không có gì thay đổi. Tôi muốn đến chào Anh trước khi ra đi. Tôi muốn nhìn lại cái cầu thang tôi đã lên xuống nhiều lần. Tôi muốn nhìn lại chiếc ghế Anh ngồi. Chỗ Anh hay ngồi với bạn bè với tôi. Tôi muốn tìm xem Anh đã ngồi đâu khi ký cho tôi chữ ký cuối cùng. Thì ra Anh không hề quên tôi. 
Trong giây phút đó, Anh vẫn nhớ đến những tháng ngày hạnh phúc của một thời bé dại. Phải. Ở một nơi xa lắm, cho đến cuối đời, tôi luôn ôm ấp một tình yêu dành cho Anh. Tình yêu dành cho một người cha. Một người anh. Một người bạn.
Khánh Ly, tác quyền, Trịnh Công Sơn, tranh cãi
Nội dung bằng tiếng Anh của giấy cho phép trên được xác nhận bởi một tòa án Mỹ. 
Cánh cổng nặng nề đã khép lại sau lưng, tôi vẫn nghe lẫn trong tiếng cười vui của anh Sâm Thương, anh Nguyễn Quang Sáng, anh Dương Minh Long, Bảo Phúc, Từ Huy… Em hãy sống tử tế với mọi người… Tôi sẽ cố gắng để dẫu không làm được gì tốt đẹp thì cũng không đến nỗi phụ tấm lòng của Anh.
Lòng tôi bỗng nhẹ nhàng bước đi không quay lại. Không có ai nhìn theo. Mãi mãi không còn ai nhìn theo. Cái Ngõ Trịnh đáng yêu ở đó có một người luôn bên cạnh tôi.Luôn đi cùng tôi. Ở đó có một ngôi nhà tôi luôn mong mỏi mở cửa bước vào mà chân cứ ngập ngừng.
Khánh Ly, Calif. tháng 05-2014.

Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

Những điều đáng tiếc về cuộc thi tổng biên tập ở báo Đại đoàn kết

Thế này mà cũng gọi là thi với thố. 

Ấy vậy nhưng nhà báo Bá Tân vẫn tiếc. Như tiếc một mối tình đơn phương, quá nhiều mơ mộng. Nay thấy người mình yêu tay trong tay với kẻ khác, cóc coi tình yêu đấy chát thơ mộng của mình ra cái khỉ gió gì.

Tôi thì chả tiếc gì cái gọi là cuộc thi. Chỉ tiếc cho nhà báo Bá Tân. Ông cứ tự buộc mình vào cái tư duy “sẽ có một cuộc thi đúng nghĩa” để thực sự chọn ra được người tài đức “chẳng cần ưu tiên” làm TBT báo Đại đoàn kết một cách xứng đáng. Cứ như lãnh đạo MTTQVN thật sự mong muốn tránh được những hậu quả đau đớn, nhãn tiền do việc chọn sai TBT Đinh Đức Lập cho báo này 5 năm trước đây.

Chia buồn với nhà báo Bá Tân vì giấc mộng vỡ tan của ông, quá nhanh. Cầu trời giúp ông sớm tỉnh giấc để biết rằng mình đang mộng.

Biết mộng thì tỉnh mộng vậy!

Tiếc cho một cuộc thi

Bá Tân

Thế là cuộc thi tổng biên tập (TBT) đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam đã diễn ra, chiều ngày 25/8/2014, tại hội trường cơ quan UBTWMTTQ Việt Nam.

Với 2 ứng viên, cuộc thi diễn ra chỉ trong hơn 180 phút. Hơn 3 giờ chiều mới bắt đầu. Chỉ 3 giờ sau đó, cuộc thi kết thúc.

Nếu thuần túy phản ánh theo kiểu “chụp ảnh” cuộc thi ấy, tôi sẽ đưa tin ngay sau khi cuộc thi kết thúc. Tuy nhiên, tôi thật sự không có ý định đưa tin, cho dù đây là sự kiện lần đầu diễn ra trong lịch sử báo chí Việt Nam.

Đến với sự kiện này, tôi thực hiện mong ước “chiêm ngưỡng” người sắp tới trở thành tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết, nơi tôi đang công tác.

Khi ngồi viết bài này, cuộc thi đã đi qua hơn 3 ngày, trong tôi vẫn cứ nguyên vẹn sự tiếc nuối. Ngay từ khi mở đầu cuộc thi, với người khác chẳng biết thế nào, còn tôi mang nặng sự ước muốn. Đến bây giờ, khi sự kiện đã đi qua mấy ngày, sự tiếc nuối không giảm mà còn đầy căng thẳng.

Tiếc là bởi vì, nếu cuộc thi có tính chuyên nghiệp cao hơn sẽ có được cuộc chơi hấp dẫn hơn.  Nếu cuộc thi có tính chuyên nghiệp cao hơn, mới xứng tầm sự kiện lần đầu diễn ra trong lịch sử báo chí Việt Nam.

Điều kiện khách quan để cuộc thi có tính chuyên nghiệp cao là hoàn toàn có thể, thế nhưng trở nên không thể trong cuộc thi này.

Không thể phủ nhận điều này, cả 2 ứng viên đều có tính chuyên nghiệp. Một người hiện là cấp phó của một tờ báo. Một ứng viên khác là cấp trưởng của một tờ báo.

Họ không còn xa lạ, càng không phải ngoài cuộc khi thể hiện vai diễn TBT trong cuộc thi. Từ đề án được chuẩn bị trước đó, cho đến khi diễn giải tại cuộc thi, hai ứng viên bộc lộ tính chuyên nghiệp của những người chuyên làm báo và quản lí cơ quan báo chí. Dĩ nhiên không chỉ 2 ứng viên mà báo chí nói chung, có bao nhiêu nhà báo thì có bấy nhiêu sự khác biệt cả về phong cách, năng lực chuyên môn... Và tất nhiên, với một cơ quan báo chí, TBT chỉ thật sự xứng đáng người cầm lái khi họ đứng đầu về năng lực chuyên môn. Vì lẽ đó cơ quan chủ quản mới tổ chức thi tuyển TBT cho báo Đại Đoàn Kết, sau khi tờ báo này cũng như cơ quan chủ quản phải trả giá cho việc chọn sai TBT.

Ứng viên không và không thể thiếu tính chuyên nghiệp, nói đúng hơn là phải có tính chuyên nghiệp cao.

Với một cuộc thi, chừng đó là chưa đủ. Cuộc thi nào cũng vậy, đòi hỏi tính chuyên nghiệp từ 2 phía, người dự thi cũng như người chấm thi. Người chấm thi bắt buộc phải có năng lực chuyên môn cao hơn người dự thi, như thế mới có thể chấm điểm chuẩn xác.

Thi đại học, cao đẳng, bảo vệ luận án thạc sĩ, tiến sĩ đều phải tuân thủ nguyên tắc như vậy. Đã là người chấm thi, phải có năng lực chuyên môn cao hơn người dự thi, phải là thầy của người dự thi.

Các cuộc thi người đẹp, có ban giám khảo gồm những chuyên gia hàng đầu về mĩ học, về cái đẹp. Những người đó mới đủ khả năng xác định điểm số (thứ hạng) cho cái đẹp của những người đẹp khác nhau.

Tại các kì thi sao mai điểm hẹn, những nhạc sĩ và ca sĩ thành danh được mời làm ban giám khảo. Nhạc sĩ nghiệp dư, ca sĩ cấp phường nếu được mời cũng không giám ngồi ghế ban giám khảo cuộc thi sao mai điểm hẹn.

Theo cái lẽ thông thường như vậy, trong cuộc thi TBT vừa rồi, rất nên có những người đã thành danh trong nghề TBT tham gia chấm điểm cho các ứng viên. Những người đó không có tên trong hội đồng tuyển dụng, nếu có mời họ cũng từ chối, nhưng nếu đưa họ vào ban giám khảo thì chất lượng cuộc thi sẽ có tính chuyên nghiệp cao hơn. Làng báo Việt Nam không thiếu những TBT giỏi và rất giỏi. Nếu được mời, chắc chắn họ sẽ vui lòng tham gia ban giám khảo cuộc thi TBT.

Những người thành danh trong nghề TBT với những người chưa làm TBT (nhất là chưa làm báo ) sẽ có sự khác biệt xa vời khi “ cân, đong” ứng viên làm TBT. Chưa nói đến chấm điểm, chỉ riêng cách đặt câu hỏi trong phần phản biện, người có tính chuyên nghiêp và người xa lạ với nghề này hoàn toàn có cách hỏi khác nhau. Một bên tiếp nhận thông tin cũng như đặt câu hỏi mang tính chuyên nghiệp, vì công việc chuyên nghiệp. Một bên, vì là người ngoài cuộc về mặt chuyên nghiệp, khó tránh khỏi những non nớt (thậm chí lệch pha) khi phải làm công việc không đúng chuyên môn nghề nghiệp. Chỉ nghe cách đặt câu hỏi ( chất vấn ) là nhận ra năng lực chuyên môn của người đó. Trách nhiệm với năng lực chuyên môn nghề nghiệp là hai thứ khác nhau, không thể dùng trách nhiệm thay cho chuyên môn nghề nghiệp.

Cuộc thi nào cũng vậy, sẽ là thế nào, nếu người chấm thi không có năng lực chuyên môn vượt xa người dự thi.

TBT là một nghề, đòi hỏi hội tụ nhiều yếu tố, trong đó cốt lõi và giữ vai trò chi phối thuộc về năng lực chuyên môn. Sẽ là sai lầm lớn nếu cho rằng, ai cũng làm được TBT, ai cũng có thể chấm điểm cho người dự thi TBT.

Còn có thêm sự tiếc nuối về mặt thông tin của cuộc thi. Sự kiện đầu tiên diễn ra trong lịch sử báo chí, vậy mà chẳng có đại diện cơ quan báo chí nào đến dự.

Chứng kiến sự kiện này không vì tò mò, nếu có sự hiện diện, báo chí có cơ hội bàn góp ý kiến cho cách làm đổi mới, lần đầu xuất hiện tại Việt Nam. Sự kiện đầu tiên của lịch sử báo chí, nóng hơn nhiều điểm nóng khác, vậy mà báo chí dửng dưng. Thật đáng tiếc. Vấn đề không phải cá nhân ứng viên tham dự thi tuyển. Vấn đề của vấn đề là sự kiện mang tính lịch sử, là cách làm hoàn toàn mới đối với việc tuyển chọn người làm nghề TBT.

Báo Đại Đoàn Kết sẽ có TBT thông qua cuộc thi này. Những người chấm thi chỉ có vai trò trong cuộc thi. Giá trị đích thực và lâu bền của TBT được tính bằng công việc hàng ngày, nhân cách thường ngày. Làm tốt hơn những việc làm tốt của những người tiền nhiệm, không lặp lại vết xe đổ đã từng xảy ra tại báo Đại Đoàn Kết. Làm được những điều cơ bản như vậy, TBT báo Đại Đoàn Kết sẽ cùng mọi người ở tờ báo này tạo ra sức sống mới cho tờ báo đúng như tên gọi của nó.


Tác giả gởi bài tới blog Hữu Nguyên

Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

Nửa triệu vũ khí bí mật của Trung Quốc ở Biển Đông

HarryJ. Kazianis/National Interest

Lê Quốc Tuấn dịch Việt Ngữ

Trong khi vô số bài được viết trên các trang mạng về sức mạnh quân sự ngày càng tăng và chiến thuật "xắt lát"chia nhỏ của Trung Quốc đang làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, chúng ta hiếm khi nhìn sau hậu trường, để hiểu rõ các chiến thuật và chiến lược mà Bắc Kinhđang sử dụng. Tuy nhiên, nhờ một bài báo gần đây của Reuters, chúng ta biết thêm phần nào về những nỗ lực gia tăng của Trung Quốc hầu làm thay đổi điều kiện ở vùng biển này. Và bài viết rõ ràng cho thấy, vũ khí lớn nhất của Bắc Kinh là các tàu đánh cá chứ không phải là quân đội của họ.

Bài viết này cho thấy đầy đủ chi tiết về chiến lược đa diện của Trung Quốc để khẳng định yêu sách thông qua việc đánh bắt cá tại các khu vực khác nhau vốn đang tranh chấp về chủ quyền trong Biển Đông -nhằm khẳng định chủ quyền không qua chiến thuật ngoại giao "cây gậy nhỏ" mà qua những gì mà chúng ta có thể gọi tên là "ngoại giao cần câu cá". Không điều gì có thể nói lên "chủ quyền của một nước" rõ ràng hơn là những việc bình thường, đơn giản như câu cá trong lãnh thổ của mình. Chiến lược của Trung Quốc một phần là vô cùng khôn khéo, phần khác còn đặt nền tảng cho cuộc đối đầu có thể bạo lực với các nước láng giềng ở Biển Đông trong tương lai gần. Lẽ tất nhiên chiến lược này là một phần của các chiến thuật khác như việc phát hành bản đồ chín đoạn bao quanh khu vực để trắng trợn khẳng định chủ quyền và đặt giàn khoan dầungoài bờ biển bên tranh chấp, cũng như hình thành một quân đội có đẳng cấp thế giới với năng lực chống truy cập mạnh mẽ trong khu vực để ngăn chặn một đối thủ mạnh hơn rất nhiều trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.

Theo bài viết của Reuters:

Về phía nam đảo Hải Nam của Trung Quốc, một thuyền trưởng tàu cá cho một phóng viên Reuters thấy những gì trên con tàu già nua của mình. Ông có một bộ công nghệ cao cấp: đó là một hệ thống định vị vệ tinh cho phép ông kết nối trực tiếp đến lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc để có thể chạy vào bờ khi thời tiết xấu hoặc có tàu tuần tra của Philippines, Việt Nam khi đang đánh bắt cá trong vùng biển tranh chấp.

Đến cuối năm ngoái, theo tin truyền thông chính thức, hệ thống vệ tinh nội hóa Beidou của Trung Quốc đã được cài đặt trên hơn 50.000 tàu thuyền đánh cá Trung Quốc. Trên đảo Hải Nam, cửa ngõ trông ra biển Đông của Trung Quốc, các thuyền trưởng tàu đánh cá đã chỉ phải trả không quá 10 phần trăm chi phí, tất cả phần còn lại do chính phủ chịu.

Điều này hết sức có ý nghĩa khi ngư dân Trung Quốc không chỉ đánh cá trong vùng biển tranh chấp rõ ràng có hỗ trợ của chính phủ, mà còn khi gặp rắc rối thì đã có một đường dây nóng trực tiếp đến Bắc Kinh để được giúp đỡ và các ngư dân chỉ phải trả rất ít cho chi phí công nghệ đó. Trong thực tế, theo một bài viết trên tờ Quartz, Trung Quốc có 695.555 tàu cá, dù không rõ là tất cả số tàu này đều có thể viễn du vào vùng biển tranh chấp nhưng việc nhiều con tàu hơn có thể đến được vùng lãnh thổ này trong tương lai gần là điều hợp lý.

Bài báo này tiếp tục lưu ý:

Đó là dấu hiệu cho sự hỗ trợ tài chính ngày càng tăng của Trung Quốc đối với ngư dân của mình khi họ tiến sâu vào vùng biển Đông Nam Á để tìm kiếm ngư trường mới khi nguồn cá ven biển của mình đang cạn dần. 

Chính quyền Hải Nam khuyến khích ngư dân của họ mang ngư thuyền vào khu vực tranh chấp, người thuyền trưởng và một số ngư dân khác đã cho Reuters biết qua cuộc phỏng vấn tại cửa cảng vắng vẻ Tanmen. Họ nói thêm, các chuyến đi như vậy được tạo dễ dàng nhờ phụ cấp nhiên liệu của chính phủ.

Sự việc đó đã đưa ngư thuyền Trung Quốc - từ các tàu tư nhân đến các tàu thương mại của các công ty niêm yết công khai – ra tuyến đầu của một trong những điểm nóng ở châu Á.

Việc đề cập đến sự suy giảm các nguồn cá cũng đáng quan tâm. Trong khi các vấn đề về chủ nghĩa ái quốc, các đường giao thông chở hàng nghìn tỷ USD giá trị hàng hóa trên biển cũng như dầu và khí tự nhiên thường được đề cập đến như một trong những nguyên nhân tạo ra căng thẳng,lượng cá đánh bắt có giá trị đã bị bỏ quên nhiều lần nhưng rõ ràng đang có ảnh hưởng trong các yêu cầu lãnh hải của Trung Quốc cũng như của các quốc gia khác.Thật vậy, một nghiên cứu của Cục Quản lý Đại dương Nhà nước Trung Quốc giải thích nguồn cá xung quanh bờ biển Trung Quốc cho biết đã có suy giảm.

Với những ai nắm được các phát triển mới nhất trong khu vực nóng bỏng châu Á, tất cả những điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã sử dụng các tài nguyên phi quân sự và thương thuyền dân sự khác nhau để thúc đẩy tuyên bố chủ quyền ở các khu vực tranh chấp. Bài báo trên cho thấy mức độ hỗ trợ công khai của chính phủ đã giúp ngành công nghiệp đánh cá thúc đẩy các khẳng định lãnh hải thay mặt cho chính phủ, và việc họ có thể tạo sức ép đến đâu trong các khẳng định ấy:

Một số ngư dân từ các con thuyền riêng biệt nói rằng chính quyền Hải Nam khuyến khích đi đánh bắt xa đến tận Trường Sa, khoảng 1.100 km (670 dặm) về phía nam.

Người thuyền trưởng cho biết ông muốn ra đó ngay sau khi sửa chữa tàu xong.

"Tôi đã ra đó nhiều lần", người thuyền trưởng - cũng các ngư dân khác - yêu cầu được giấu tên vì ông lo lắng về hậu quả có  thể đến khi nói chuyện về các sự việc nhạy cảm với một nhà báo nước ngoài.

Một ngư dân khác, thư giãn trên chiếc võng trên một chiếc thuyền chở những con ngêu khổng lồ từ quần đảo Trường Sa về, cho biết thuyền trưởng được trợ cấp nhiên liệu cho mỗi chuyến đi. Đối với một động cơ 500 mã lực, một thuyền trưởng có thể nhận được 2.000 đến 3.000 nhân dân tệ (320- 480 USD) một ngày, ông nói.

"Chính phủ cho chúng tôi biết phải đi đâu và họ trả trợ cấp nhiên liệu cho chúng tôi dựa trên kích thước động cơ," người ngư dân cho biết.

Một người thuyền trưởng nói thêm: "Nhà chức trách hỗ trợ đánh bắt cá ở Biển Đông để bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc."

Chính sách ngoại giao "Cần câu cá"của Trung Quốc có thể giành chiến thắng ở Biển Đông? Có lẽ chúng ta vừa tìm thấy câu trả lời.

Sư tử Tàu đang bóp chết con nghê Việt?

Gần đây nổi lên khá nhiều lo ngại về việc văn hóa Trung Quốc áp đảo đời sống văn hóa Việt Nam và những nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng nếu không nhanh chóng khắc phục, thay đổi tư duy lệ thuộc quá nhiều vào nền văn hóa ấy nước Việt không sớm thì muộn sẽ trở nên đồng hóa một cách tự nguyện với nền văn hóa phương Bắc.

Câu chuyện sư tử đá Trung Quốc hiện đang tràn ngập các đền chùa miếu mạo kể cả các khu du du lịch văn hóa tâm linh đang là nỗi lo ngại rất đáng quan tâm. Điều đó cũng cho thấy sự kém hiểu biết của một bộ phận không nhỏ những người có tiền, có quyền quyết định trong việc xây dựng, trùng tu, tôn tạo các di tích văn hóa lịch sử ở nước ta ngày nay.


Người Việt hiện nay phần đông không phân biệt được đâu là con nghê, đâu là con sư tử – có một phần do sách vở. Chẳng hạn Từ điển Tiếng Việt phổ thông của Viện Ngôn ngữ xuất bản năm 2002 giải thích nghê là  “Tên con vật tưởng tượng đầu giống sư tử, thân có vẩy, thường được tạc hình trên cột trụ hay trên nắp đỉnh đồng”. Những con sư tử Trung Hoa được cũng các xưởng đá giới thiệu là con nghê. 

Nếu ngăn chận hình ảnh mà Trung Quốc muốn quảng bá cho cái nhãn hiệu nước lớn thì cách tốt nhất là trang bị kiến thức cho người dân Việt Nam không lạc hậu hay mù mờ về văn hóa dân tộc, cụ thể là tri thức về các hình tượng trong đền chùa miếu mạo hay cung đình, văn miếu. Cách mà nhà nước tuyên truyền hiện nay không thể thuyết phục được người dân rằng Việt Nam đã từng có những nét văn hóa rất riêng chứ không phải luôn dựa vào văn hóa Trung Quốc mặc dù nền mỹ thuật dân gian Việt Nam vẫn còn khá sơ khai.

Bài viết dưới đây của tác giả Trần Hậu Yên Thế đăng trên Đặc san Nghiên cứu Mỹ thuật, số 4/2011 cung cấp khá nhiều kiến thức về hình tượng con nghê vốn quen thuộc với các đền thờ, miếu mạo và chùa chiền Việt Nam từ xa xưa, mang tâm thức Việt rất rõ ràng và riêng biệt so với sư tử Trung Hoa.


Hình tượng con nghê ở đền miếu

Đôi nghê đá, thế kỷ 18, lăng Dinh Hương, Hiệp Hòa, Bắc Giang
Đôi nghê đá, thế kỷ 18, lăng Dinh Hương, Hiệp Hòa, Bắc Giang
Trần Hậu Yên Thế
Dẫn luận
Năm 1993, trong tham luận tại Hội thảo khoa học Bàn về nghiệp vụ nghiên cứu mỹ thuật do Viện Mỹ thuật tổ chức nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Viện, NNC Thái Bá Vân có bài viết Sử học mỹ thuật như một hệ thống1. Trong bối cảnh học thuật đề cao thái quá tính dân tộc và thường cô lập các hiện tượng mỹ thuật Việt để nghiên cứu, bình luận, bài viết của ông mong muốn sự hội nhập với thế giới của ngành nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam.
Ý thức được yêu cầu khoa học đó, thao tác của người viết cũng sẽ đặt tính độc đáo (unique) của những hình tượng con nghê ở đền miếu trong những hệ thống  để khảo cứu như:
- Các con vật trong không gian lăng tẩm đền miếu phương Đông.
Theo hướng nghiên cứu của ngành Mỹ thuật so sánh thì những hiện tượng mỹ thuật độc đáo luôn cần được kiểm chứng trong những mối quan hệ, đối chiếu liên văn hóa (Interculturality) của các tộc người, các quốc gia với nhau. Mỹ thuật so sánh thiên về nhận thức tính phổ quát của những hiện tượng được coi là độc đáo. Thuyết Liên văn hóa là một trong những hệ thống lý thuyết nền tảng của ngành Mỹ thuật so sánh2
1. Nghê đá trong lăng tẩm, đền miếu Việt Nam
Con nghê đã trở nên rất đỗi thân quen trong đời sống tinh thần người Việt. Nguời ta gặp những con nghê hồ hởi trên các cổng làng, cổng xóm có khi cũng ở ngay trên cổng nhà, cổng chùa, trên lan can tay vịn các dinh thự, cung điện. Nghê cung kính đứng nơi đền miếu và lăng tẩm đã bao đời nay… Có loại nghê như những con chó cảnh, con sư tử nhỏ, lại có giống nghê như những con chó săn; trải qua nhiều thời kỳ, nghê cũng muôn hình vạn trạng. Bản thân chữ nghê trong tiếng Hán gồm bộ Cẩu (chó) và chữ Nhi (trẻ con) hợp thành.Thế nên, sẽ là hơi sớm khi chúng ta cứ đinh ninh rằng con nghê là của người Việt 3.
Nghê là tên gọi một linh vật xuất phát từ Trung Hoa. Trong thuyết rồng sinh chín con, một trong chín đứa con đó một con là con nghê, gọi là toan nghê nhưng thường chỉ gọi vắn tắt là nghê. Trong nghệ thuật trang trí phong kiến Trung Quốc và Việt Nam có nhiều đồ án nghê như lưỡng nghê chầu nhật, lưỡng nghê tranh châu, nghê hí cầu…
Người Trung Quốc cho rằng toan nghê là một cách gọi khác của sư tử. Ở Việt Nam vấn đề lại khác, nhiều người đã không đồng tình khi dịch nghê là lion. Vì Nghê ở Việt Nam mang dáng dấp của loài chó. Trong một số tài liệu nước ngoài, nghê được dịch là fo dog – cách chuyển ngữ này tương đối sát nghĩa. Khi nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam từ những so sánh với Trung Hoa, chúng ta luôn bắt gặp những hình tượng có nguồn gốc phương Bắc khi du nhập vào xứ ta có những thay đổi rất kỳ lạ. Hình ảnh những con nghê là như vậy.
Nghê đá chầu trước đền miếu có tự bao giờ ? Nó có ý nghĩa gì về tâm linh, giữ vai trò gì trong không gian tưởng niệm? Đó là những câu hỏi chưa có câu trả lời chính xác. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện còn lưu giữ một con nghê gỗ phủ sơn ở đền thờ Lê Thánh Tông. Con nghê này cao 118,5cm tạo hình đẫy đà nhưng vẫn có hình dạng của một loài chó săn ức nở bụng thót.
Đền vua Đinh ( Trường Yên, Hoa Lư) có hai cặp nghê đá, một cặp trước nghi môn ngoại và một cặp nghê đá trước bái đường. Nhìn vào độ phong hóa của đá và đặc biệt là phong cách nghệ thuật, chúng tôi cho rằng hai cặp nghê đá này có niên đại không đồng nhất. Nhưng thần thái của hai con nghê đá này cũng không khác nhau là bao: trang nghiêm và trầm lắng, có phần buồn bã như câu ví buồn như chó nhà có tang. Miệng nghê há ra nhưng không phải để hăm dọa mà như đang há miệng gào lên những tiếng rên thống thiết! Cái bộ dạng buồn bã, u sầu của những con nghê đá ta từng thấy ở đền vua Đinh (Hoa Lư, Ninh Bình), còn thấy ở Đền Gióng, lăng Dinh Hương, lăng Quận Nghi, lăng họ Ngọ… 
 vua dinh truoc nghi mon.[1]
 Đôi nghê đá, thế kỷ 17  đền Vua Đình, Hoa Lư, Ninh Bình                                                                                                                   
Một đặc điểm chung nhất, dễ nhận thấy nhất là những con nghê này đầu thường to mà chi trước nhỏ, dáng vẻ co ro. Miệng dẫu có há nhưng cũng không phô diễn hàm răng sắc nhọn, mắt nhỏ vừa phải, không trợn, không lộ, ẩn dưới hốc mắt, gần với tạo hình của những con nghê thời Lý. Nghê đá đền vua Đinh, đền Gióng khác với những con nghê ở lăng Lê Thánh Tông, lăng họ Ngọ không chỉ ở tư thế mà cả dáng vóc: mình thon, bụng thót, lông mao thưa.    
Ở Trung Hoa, người ta  không thích đưa chó vào các lăng tẩm đền đài, vì chó không phải các loài thú cát tường4. Trong tiếng Hán, có hai chữ chỉ chó, một là cẩu, hai là khuyển. Đại bộ phận những thành ngữ có từ cẩu và từ khuyển hàm ý rất tệ. Sư tử là con vật thường thấy nhất, phổ biến nhất trong các lăng tẩm, đền đài kể từ thời Đường đến nay. 
2. Sư tử nơi đền miếu, lăng tẩm Trung Hoa
Sư tử là một động vật có ảnh hưởng mãnh mẽ tới nhiều nền văn hóa nhất – với tư cách là biểu tượng của uy lực. Các nhà động vật học ( qua thực nghiệm) đã khẳng định về trọng lượng cơ thể, sức mạnh cơ bắp, khả năng tấn công đối phương, sư tử xếp sau hổ và voi. Nhưng với ý nghĩa là biểu tượng của uy lực và võ lực, sư tử đã thực sự gắn bó chặt chẽ với vương quyền và thần quyền của nhiều nền văn hóa, nhiều quốc gia. Hình tượng sư tử xuất hiện trong không gian thờ phụng của nhiều tôn giáo, trên quốc kỳ và quốc huy, được mô tả phổ biến trong văn học nghệ thuật từ cổ chí kim ở nhiều quốc gia hơn bất cứ động vật nào khác. Ngay từ thời kỳ Đồ đá sớm tại hang động ở Lascaux và Chauvet Caves (Pháp), sư tử xuất hiện trong nhiều nền mỹ thuật của thế giới, ngay cả ở những khu vực không thuộc địa bàn cư trú của nó như Việt Nam, Triều Tiên và Nhật Bản.Cho dù giáo lý của Do Thái giáo, Hồi giáo, Thiên chúa giáo, Ấn độ giáo, Phật giáo không giống nhau, nhưng sư tử vẫn trở thành một biểu tượng không thể thiếu của các tôn giáo trên. Xét về thị giác, đặc biệt là các con sư tử đực, với bộ lông bờm dày,  ức nở, răng sắc, móng nhọn, thân vàng óng, sư tử hơn hẳn voi và hổ. Theo các nhà sinh vật học, cho đến cuối thời kỳ đồ đá, khoảng 10.000 năm trước, sư tử là động vật có vú phổ biến nhất trên trái đất sau con người. Bị ảnh hưởng từ Trung Đông và Ấn Độ, Trung Hoa từ thời Tam Quốc về sau, ngày càng say mê sư tử, một loài vật dữ tợn nhất trong các loài vật; và sư tử là con vật phổ biến nhất ở đền miếu5.
Miếu Quan Vũ ở Hà Nam (TQ) có một kỷ lục về tượng sư tử. Ngay từ ngoài vào, hai bên tả hữu của nghi môn đã sừng sững đôi sư tử đá vô cùng cang cường, vóc dáng to lớn, khối căng, ức nở hông chắc, đặc biệt là dáng vẻ cực kỳ dữ tợn: mắt trợn miệng há. Đi qua nghi môn, du khách sẽ lại gặp hàng sư tử đá đứng chầu hai bên đường thần đạo. Sư tử đá ở đền thờ Quan Vũ có kích thước vốn đã to lớn lại được ngồi trên một chiếc bệ đá, tổng chiều cao gần gấp đôi đầu người . Xét về công năng, đôi nghê đá ở đền vua Đinh ngồi vuông góc với đường thần đạo ở tư thế chầu rất khác với đôi sư tử đá ở đền thờ Quan Vũ ngồi hướng ra phía trước có nhiệm vụ trấn yểm, thị uy.
Không chỉ ở Trung Quốc, tại Triều Tiên từ rất sớm đã xuất hiện hình tượng sư tử trong các lăng mộ. Tại ngôi mộ của danh tướng Kim Yushin (595-673) chúng ta đã thấy xuất hiện nhiều tượng sư tử đá. Có một hiện tượng rất đáng chú ý là vẻ hung dữ của những con sư tử đá trấn yểm nơi đền miếu cũng lan sang chiếm giữ bên ngoài các dinh phủ cung điện. Cặp sư tử đá ở Thiên An Môn (Bắc Kinh) dường như không khác mấy những con sư tử đá ở đền thờ Võ Tặc Thiên (Tứ Xuyên). 
09ky lan- vu hau tu 01
  Ảnh trái: Sư tử đá, đền Quan Vũ, Hà Nam, Trung Quốc/Ảnh Phải: Kỳ lân, Hán Chiêu liệt miếu, Tứ Xuyên, Trung Quốc  
3. So sánh nghê đá với sư tử đá trong không gian tưởng niệm, những nhận định ban đầu
Nếu coi các không gian tưởng niệm là một cấu trúc, thì con nghê và sư tử nằm trong những cấu trúc vật chất và tinh thần rất khác nhau. Đại đa số các lăng tẩm, đền miếu thời trước của người Việt đều rất khiêm cung nhỏ nhắn, không có tường bao, những con thú đứng lẫn trong cỏ cây hoa lá. Những tượng sư tử đá như ở đền thờ Quan Vũ, đền thờ Võ Tặc Thiên to lớn, uy nghi, hòa hợp với không gian kiến trúc, với những dãy tường bao cao ngất. Xét về trạng thái biểu cảm, nghệ thuật của người Việt (thời phong kiến) ít tạo ra những nỗi sợ hãi, khiếp đảm như nghệ thuật Trung Hoa, Nhật Bản hay Hàn Quốc. Lấy ví dụ như đền thờ vua Đinh ở Ninh Bình (VN) so với đền thờ Quan Vũ ở Hà Nam (TQ) thể hiện rất rõ truyền thống thẩm mỹ của hai dân tộc. Trong đền thờ Quan Vũ có những bức chạm thánh tích đồ kể lại công trạng của danh tướng này, không ít cảnh đầu rơi máu chảy. Ngược lại, ở đền vua Đinh có những hình ảnh khắc họa đời sống bình dị của người dân Trường Yên. Cảnh vợ chồng người tiều phu, người vợ ngước mắt nhìn chồng đang bấm bàn chân lần theo những mỏm đá mấp mô gánh củi xuống núi. Hay cảnh đôi vợ chồng thuyền chài buông lưới ngày giông gió làm ta nao lòng trước nỗi cực nhọc.

8 cheo thuyenaa
Bản vẽ bức chạm ở chân tảng, đền Vua Đinh, Hoa Lư, Ninh Bình 
Xét về độ oai phong, nghê không thể sánh được sư tử. Cụ thể ở đây, thái độ biểu cảm của hai con vật cũng rất khác nhau. Tuy cùng đứng trước nghi môn, nhưng dáng vẻ nghê đá đền vua Đinh thấp nhỏ, hiền hòa dưới tán cây, nếu mải đi không để ý sẽ bỏ qua dáng vẻ co ro đã nhuốm màu rêu phong này. Cái dáng vẻ co ro được tạo ra có chủ định do người nghệ nhân đã bắt con nghê ngồi bấu trên một khối đá nhỏ6. Cũng có công năng trấn giữ ở cổng thành, cặp nghê đá lớn nhất của người Việt trong mỹ thuật thời phong kiến, đôi nghê ngồi trước Hiển nhân môn ở cố đô Huế tiếp tục cho thấy mỹ thuật Huế vấn tiếp nối những truyền thống thẩm mỹ từ các triều đại trước đó7. Người xưa cho rằng nghê là con vật biết phân biệt người ngay người gian, người thiện kẻ ác. Có lẽ là như thế, con nghê được khắc họa dáng vẻ trầm ngâm quan sát người qua lại. Ngay cả với nền mỹ thuật được coi là đậm chất Trung Hoa nhất trong các các giai đoạn mỹ thuật Việt thời trước, thì đôi nghê đá thời Nguyễn này cũng rất gần gũi, thân thiện.
Gần đây ở phía trước các công sở, dinh thự thường đặt đôi sư tử đá rất hung dữ như từng thấy ở Thiên An Môn, Bắc Kinh. Trào lưu này còn lan đến các đình chùa, miếu tự. Phải chăng những tiếng nói nhỏ nhẹ, trầm ấm của Mỹ thuật Việt đã không còn phù hợp?  Phải chăng tâm thức người Việt đã thay đổi? Người Việt hiện nay phần đông không phân biệt được đâu là con nghê, đâu là con sư tử – có một phần do sách vở. Chẳng hạn Từ điển Tiếng Việt phổ thông của Viện Ngôn ngữ xuất bản năm 2002 giải thích nghê là “ Tên con vật tưởng tượng đầu giống sư tử, thân có vẩy, thường được tạc hình trên cột trụ hay trên nắp đỉnh đồng”. Những con sư tử Trung Hoa được cũng các xưởng đá giới thiệu là con nghê. Như đã nói ở trên, nghê vốn là chó được linh thiêng hóa. Nghê không có vẩy nhưng khoảng đến thế kỷ XVII nghê được thiêng hóa bằng cách toàn thân bao phủ lớp vẩy các. Nghê trong rất nhiều trường hợp đã thay thế kỳ lân đứng vào những vị trí tôn nghiêm ở đình miếu, lăng tẩm, đền đài.
ho ngo 1clm a copy
 Nghê đá, thế kỷ 17, lăng Họ Ngọ, Hiệp Hòa, Bắc Giang 
4. Sự hiện diện của các con thú trong các không gian tưởng niệm phương Đông
4.1 Trạng thái biểu cảm của các con thú nơi đền miều
Không chỉ là những người phương Tây, ngay với cả người Việt hôm nay cũng sẽ nhiều người thắc mắc sao lăng tẩm lại như vườn thú, nào voi, nào ngựa, hổ, tê giác đến những con vật huyền thoại như nghê, kỳ lân…Một truyền thống có thể xuất hiện sớm từ Trung Hoa, các con thú đóng vai trò trung tâm trong việc tạo dựng không gian tưởng niệm cho các đền miếu. Cho đến nay, những con thú ở lăng mộ của danh tướng Khoắc Khứ Bệnh8 thời Tây Hán được coi là những ví dụ sớm nhất của hiện tượng này. Bức tượng đá Ngựa đạp Hung Nô là bức tượng đẹp nhất trong số các bức tượng đá ở đây. Nhân vật chính ở đây là các con vật, hình tượng người chỉ đóng vai trò thứ yếu, chẳng hạn như người Hung Nô (tượng người duy nhất ở đây) được mô tả nằm ngã dưới chân ngựa. Một trong những cách giải thích bức tượng này là khi biết tin thân chủ của mình đột ngột qua đời, con ngựa lồng lên chạy dẫm đạp lên đám tù binh Hung Nô. Ngựa là con vật luôn gặp trong các đền miếu Trung Hoa.
Kỳ lân, một linh thú, cũng là một con vật thường thấy ở các lăng mộ từ miếu của người Hán. Tại Thành Đô, Tứ Xuyên, có một ngôi đền mang tên Hán chiêu liệt miếu. Đây là ngôi đền duy nhất ở Trung Quốc phối thờ vua và trung thần (Lưu Bị và Khổng Minh). Khổng Minh là một danh tướng thời Tam Quốc. Trong khuôn viên đền miếu hai bên đường thần đạo có cặp tượng kỳ lân, ngựa đứng chầu. Cặp kỳ lân đá đang biểu lộ một trạng thái kìm nén nỗi đau trước sự mất mát. Ở lăng mộ của Minh Thành Tổ tại Nam Kinh cũng có một đôi kỳ lân trong tư thế nghiến chặt hàm răng cố kìm nén tiếng khóc. Còn rất rất nhiều ví dụ ở Trung Hoa về tượng những con thú bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn với các bậc tiên đế công thần đã khuất.
Trong tiếng Hán, có nhiều từ để diễn tả trạng thái khóc than, khấp là từ diễn tả cách khóc thầm (như thơ Văn Cao: có khi nước mắt không thể chảy ra ngoài được). Nguyễn Du có câu thơ nổi tiếng Bất tri tam bách dư niên hậu – Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như  (câu đó thường được dịch là Không biết ba trăm năm sau con có ai là người khóc Tố Như). Dịch khấp là khóc tuy đúng nhưng không nói hết được cái hàm ý sâu sắc và sự thâm trầm của văn hóa Đông Phương. Ở Việt Nam, do chiến tranh loạn lạc nên các lăng miếu thời Lý Trần phần lớn bị hư hại, xâm phạm. Con hổ đá ở lăng Trần Thủ Độ (Hưng Hà, Thái Bình), một trong những kiệt tác điêu khắc đá quan trọng của lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Mặc dù tượng hổ bị hư hai nhiều phần mặt, nhưng nhìn kỹ vẫn thấy rất rõ người xưa đang mô tả con hổ đang nghiến chặt hàm răng, dáng vẻ buồn bã. Triều Lê cho xây dựng hệ thống lăng mộ vua chúa ở Lam Kinh, Thanh Hóa. Các con thú tuy không to lớn, ngôn ngữ điêu khắc đơn giản nhưng khá biểu cảm.                                                                                                     
Sang đến thế kỷ XVII, sự bùng phát các lăng mộ của các tầng lớp quan lại phong kiến đã hình thành nên một phong trào điêu khắc đá trong các không gian tưởng niệm này. Có rất nhiều lăng mộ và sinh từ như: lăng Dinh Hương (Bắc Giang), lăng họ Ngọ (Bắc Giang), lăng Vũ Hồng Lượng (Hải Dương), lăng Quận Nghi (Thanh Hóa),  Các con thú thường thấy là voi, ngựa, nghê, chó đá. Các con vật được mô tả trong một trạng thái  kính cẩn, nghiêm trang và buồn bã. 
dsc02396.[1]
 Nghê đá, thế kỷ 17, đền Gióng, Gia Lâm, Hà Nội (chụp từ 3 phía) 
nghe hue
Nghê đá, thế kỷ 19, Hiển Nhơn môn, Đại Nội, Huế 
nghe da mai dich
 Nghê đá  trong nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội 
Triều Nguyễn để lại một di sản kỳ vĩ, hùng vĩ nhất trong lịch sử hệ thống lăng mộ các vị hoàng đế. Sự hiện diện của các tượng quan hầu đã từng thấy ở  Vĩnh lăng (vua Lê Thái Tổ), Hựu lăng (Lê Thái Tông), Chiêu lăng (Lê Thánh Tông) thời Lê Sơ hay lăng Vũ Hồng Lượng thời Lê – Trịnh tiếp tục phát triển hoàn chỉnh ở Huế. Hệ thống tượng thú như voi, ngựa… đứng hai bên đường thần đạo vẫn tiếp tục được duy trì. Mảng đồ án trang trí trên các tượng thú được chạm khắc tinh vi hơn nhưng thần thái biểu cảm có phần khô cứng.
4.2. Ý niệm cho sự hiện diện của hệ thống con thú nơi đền miếu, lăng tẩm
Một vấn đề được nêu ra ở đây là tại sao lại cần đến sự biểu cảm của những con vật ở đây. Chúng ta thử so sánh một bức tranh đức Phật nhập niết bàn của một danh họa Nhật Bản với bức tranh đức chúa trên cây thánh giá phương Tây. Cùng xuất hiện trên tranh là hoạt cảnh các tín đồ khóc than thì bức tranh của họa sỹ Nhật Bản còn miêu tả rất nhiều loài thú tới vật vã khóc lóc bên thi hài Đức Thế tôn. Mỗi loài thú có một kiểu khóc không giống nhau. Đây là hai nhân vật lịch sử có thật thời cổ đại ( hai đức giáo chủ cách nhau chừng 600 năm), vậy thì sự khác biệt của hai họa phẩm này liên quan đến culture code (mã văn hóa hoặc bản sắc văn hóa). Văn hóa Á Đông đề cao sự gắn kết hòa đồng của con người với Tự nhiên. Khi một ai đó mất đi, vợ con gia quyến, đệ tử, hương lân thương tiếc là lẽ thường, nhưng nếu đến cầm thú, cây cối cũng thương tiếc thì đó ắt phải là bậc thánh nhân.
Tượng nghê đá, sư tử đá tuy rất khác nhau về trạng thái biểu cảm nhưng có chung một đời sống tâm linh nơi đền miếu, phản ánh tâm thế của từng dân tộc. Sư tử là một động vật có thật, tuy không phải là sinh vật bản địa của người Trung Quốc nhưng đã từ rất lâu trở thành một phần máu thịt của văn hóa Trung Hoa. Nó biểu tượng cho uy quyền và sức mạnh. Con nghê tuy là một con vật truyền thuyết được hư cấu từ loài chó nhưng rất gắn bó với người Việt. Những con nghê nhỏ bé phù hợp với vóc dáng, tâm sinh lý của người Việt. Trong hệ thống lăng tẩm, sinh từ, đền miếu của người Việt tuy có nhiều con thú nhưng con nghê trở thành một linh vật thân thiết và trìu mến nhất.    
niet ban 1ssss.[1]
Phật nhập niết bàn, tranh Nhật Bản, hình sư tử dưới góc phải tranh 
Kết ngữ
Luận về tính độc đáo của mỹ thuật Việt trong so sánh với mỹ thuật Trung Hoa hay Nhật Bản, Hàn Quốc, người viết muốn nhìn nhận sự độc đáo trước hết là sự khác biệt, không có ý phân biện tốt xấu, cao thấp. Bài viết mong được vận dụng phương pháp luận của ngành Mỹ thuật so sánh vào nghiên cứu những trường hợp cụ thể của mỹ thuật Việt Nam. Cũng tương tự như với truyện Kiều, dù rất yêu mến, kính trọng tài năng của Nguyễn Du, chúng ta cũng cần làm rõ những điểm chung, những nền tảng tư tưởng đã chi phối cả Thanh Tâm Tài nhân và Tố Như, tìm ra những mối liên hệ giữa Đoạn trường tân thanh với truyện Kiều.
Trong bối cảnh hội nhập với thế giới hiện nay, nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam có được nhiều thông tin và các cơ hội hợp tác trao đổi nghiên cứu với các học giả nước ngoài. Hy vọng rằng sự phát triển của ngành Mỹ thuật so sánh sẽ phát hiện ra những giá trị Việt đặc sắc của nghệ thuật tạo hình Việt Nam.
 T.H.Y.T
Bài viết được thực hiện tháng 10 năm 2011
Đã được công bố trên Đặc san Nghiên cứu Mỹ thuật, số 4/2011 
Chú thích:                                                                 
1.Bài này in lại trong cuốn Thái Bá Vân tiếp xúc với nghệ thuật, Viện Mỹ thuật, 1997
2. Trong một thế giới hội nhập và toàn cầu hóa như hiện nay, tính chất Interculturality ngày một quan trọng, trở thành một ngành học chính thống.
3. Bùi Ngọc Tuân trong bài viết Con nghê – linh vật thuần Việt đăng lần đầu tiên trên trang talawas, ông đã nhấn mạnh đến sự hiện diện của con nghê trong đời sốn tinh thần của người Việt. Tuy vậy sự phát triển của nghê trong lịch sử tạo hình Việt cũng khá phức tạp. Trong rất nhiều trường hợp, nghê để trở nên thiêng hóa cũng đã có mang một số đặc điểm của kỳ lân, Ví dụ như hình khắc những đôi nghê chầu ở đình Phù Lão thân mang vẩy giống kỳ lân. Việc đối sánh nghê với kỳ lân không tiêu biểu bằng nghê với sư tử. Khái niệm thuần Việt cũng không hề đơn giản. 
4. Trong tiếng Hán, có hai chữ chỉ chó, một là cẩu, hai là khuyển. Những thành ngữ có từ cẩu và từ khuyển đại bộ phận với ý nghĩa rất tệ hại. Khuyển mã chi lao : vất vả như chó ngựa. Khuyển nha giao thố : thế giành giật. Cẩu đảm bảo thiên: to gan làm càn. Cẩu cấp khiêu tường:  là cùng quá hoá liểu, chó cùng giứt dậu. Cẩu thoái tử: ám chỉ lũ chó săn tay sai. Cẩu thí : mắng chỉ đồ cặn bã rác rưởi. Cẩu vĩ tục điêu: ngụ ý lấy cái xấu kế tục cái tốt, hay dùng cho sự chắp nối vụng về trong văn chương. Cẩu huyết phún đầu: ý mắng đồ chó chết, quân chó má. Cẩu trượng nhân thế : chó cậy chủ, ta vẫn nói là chó cậy gần nhà. Dẫu thế trong một số ngôi mộ thời Hán cũng có vẽ hình chó. Hay như trong ngôi mộ của Tư Mã Kim Long thời Bắc Ngụy (năm 484) khai quật năm 1965, tìm thấy một tượngcon chó đen bằng đất nung đang ngậm khúc xương.
5. Tại Càn lăng ( lăng mộ của vua Đường Cao Tông Lý Trị và Võ Tắc Thiên) có một đôi sư tử đá ngồi cao 3,4 m (bệ cao 0,5 m). Nhưng đỉnh cao của biểu tượng quyền lực thể hiện qua hình tượng sư tử đá thời Đường phải nhắc đến sư tử đá đặt ở Thuận lăng (lặng mộ mẹ của Võ Tặc Thiên). Tượng sư tử đực cao 3,55 m dài 3,27 m, rộng 1,4m, tượng sư tử cái cao 2,7m dài 2,97 m rộng 1,3 m. Bức tượng sư tử này trở thành biểu tượng hoành tráng nhất cho một vương triều vĩ đại.
6. Những dáng vẻ kiêm cung của những con nghê phù hợp với tâm thức người Việt. Mặt khác bản thân hầu hết các kiến trúc đền miếu cổ truyền của chúng ta ở Bắc Bộ rất ít khi xây tường bao. Qua ảnh chụp tư liệu chúng ta biết rằng đền vua Đinh cho đến thời Nguyễn vẫn không có tường bao. Tường bao quanh văn miếu cũng chỉ có từ đầu thế kỷ XX.
7. Mỹ thuật Huế nhìn từ góc độ ý nghĩa và biểu tượng trang trí thì đó là con Kỳ Lân; nhưng Trần Đức Anh Sơn lại khẳng định đó là con nghê. Sự phân định giữa nghê và kỳ lân khá phức tạp trong mỹ thuật dân gian nhưng khá dễ với mỹ thuật cung đình. Nghê thường không có vẩy, vì là chó nên không có sừng và móng có ba, bốn móng trước và một móng phía sau. Kỳ lân chính là hươu nên đầu có sừng, thuộc loài móng guốc; là con vật được tưởng tượng them cho linh thiêng nên thân nghê thường có vẩy. Căn cứ vào nhận dạng ngoại hình, tôi đồng ý với cách gọi của Trần Đức Anh Sơn, đấy chính là con nghê. Người Việt hiện nay không phân biệt được đâu là con nghê, đâu là con sư tử có một phần do sách vở.
8. Hoắc Khứ Bệnh (người Sơn Tây, Trung Quốc; 140 TCN – 117 TCN) là danh tướng dưới thờiHán Vũ Đế, có công lao trong việc chinh phạt Hung Nô ở phía bắc. Cậu của ông là tướng quânVệ Thanh cũng là một danh tướng có công trong việc đánh Hung Nô – nguồn wiki
Giới thiệu các mẫu linh vật của Việt Nam
linhvat1_GTSG linhvat2_SLCZ linhvat3_BJFY linhvat4_IRUT linhvat5_UEDI linhvat6_VSIV linhvat7_KHIF