Thứ Ba, 21 tháng 4, 2015

Dân ngày càng giỏi chịu đựng tham nhũng?


Người dân ngày càng lo ngại và đặc biệt quan tâm tới vấn nạn tham nhũng đang có xu hướng gia tăng trong bộ máy hành chính công. Trong khi, chất lượng huy động sự tham gia của người dân vào đời sống chính trị và công cuộc phát triển ở địa phương thì lại đang giảm sút. Đó là một trong những kết luận đáng quan tâm của Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI), do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) và Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) đồng thực hiện, được công bố sau khi khảo sát hơn 13.500 người trên toàn quốc trong năm 2014.

Theo PAPI, so với kết quả khảo sát năm 2011 thì mức độ cải thiện kiểm soát tham nhũng nhũng ở cấp tỉnh đang chậm lại. Phần lớn người dân cho rằng không có dấu hiệu tiến bộ nào trong chỉ số nội dung kiểm soát tham nhũng năm 2014.  Điều đáng lưu ý là dường như khả năng chịu đựng “chung sống với tham nhũng” của người dân lại đang gia tăng.  Chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ (khoảng 3%) số người đã từng bị cán bộ, công chức vòi vĩnh, đòi hối lộ dám tố cáo các hành vi đó. Thậm chí ở nhiều nơi có tới 100% số người dân được hỏi sau khi bị vòi vĩnh, đòi đưa hối lộ đã không dám tố cáo các cán bộ, công chức có hành vi đó. Phần lớn lý do được đưa ra để giải thích là có tố cáo tham nhũng thì cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Ngược lại còn chuốc lấy phiền phức, nguy hiểm và có nhiều nguy cơ bị trù dập, trả thù. Sự giỏi chịu đựng với tham nhũng của người dân được biểu hiện cụ thể qua việc họ ngày càng chấp nhận chi nhiều tiền hơn. Năm 2014, khi bị vòi vĩnh với số tiền từ 8 triệu đồng trở lên thì họ mới bắt đầu có phản ứng (khảo sát năm 2011 là 5,5 triệu đồng). Kết quả khảo sát cũng dẫn chứng khả năng đặc biệt giỏi chịu đựng của người dân  Lào Cai khi họ chỉ bắt đầu tố cáo hành vi vòi vĩnh của cán bộ công chức với số tiền từ 16,82 triệu đồng.
Bản chất của tham nhũng là giấu mặt và phức tạp. Do đó, không thể chỉ đơn thuần dựa vào bộ máy nhà nước để phòng chống tham nhũng. Người dân vừa là nạn nhân nhưng đồng thời cũng có phần trách nhiệm trong việc hình thành các hành vi tham nhũng của cán bộ công chức. Tăng cường sự tham gia của người dân vào công tác phòng chống tham nhũng là một trong những phương pháp hiệu quả nhất. Cần nhớ rằng, phần lớn các vụ việc tham nhũng bị phát hiện, phanh phui và xử lý trong thời gian qua đều từ các thông tin tố cáo của người dân và phản ánh của báo chí. Tình trạng tham nhũng ngày càng trầm trọng, không phải dân không biết. Đáng quan ngại là người dân biết nhiều thông tin về tham nhũng, nhưng ngày càng phải chấp nhận, giỏi chịu đựng và ngại tố cáo hành vi tham nhũng hơn.
Thực tế cho thấy, người dân ngại tố cáo tham nhũng vì ngày càng nhận ra hiệu quả “bôi trơn” của hành vi tham nhũng để được việc cho mình một cách nhong chóng. Mặt khác, việc xử lý hành vi tham nhũng trong thời gian qua của các cơ quan chức năng còn mang tính hình thức, qua loa, chiếu lệ nên ngày càng làm mất lòng tin của người dân khi quyết định đấu tranh với tham nhũng. Không ít người nghĩ rằng có tố cáo cũng không được cơ quan chức năng giải quyết tới nơi tới chốn. Không ít trường hợp còn có hiện tượng bao che, nễ nang, thiếu kiên quyết trong xử lý cán bộ tham nhũng. Trong khi người tố cáo tham nhũng thì lại phải gánh chịu nhiều hậu quả, thiệt hại nặng nề về vật chất lẫn tinh thần. Rất nhiều người tố cáo tham nhũng bị trả thù, bị trù dập tới mất việc làm, bị hành hung, mất an toàn trong cuộc sống. Người dân không còn cách mào khác hơn là buộc phải tăng cường sức chịu đựng để chung sống với tham nhũng. Vì thực tế đau thương đã chỉ ra cho họ kinh nghiệm xương máu rằng có tố cáo tham nhũng cũng chẳng giải quyết được gì mà còn rước họa vào thân, làm vạ lây tới gia đình, bè bạn.

Pháp luật  Việt Nam hiện hành có khá đầy đủ các điều khoản quy định về việc bảo vệ người tố cáo cũng như người thân, gia đình nhằm giúp họ cảm thấy an toàn trong cuộc đấu tranh không cân sức với tham nhũng. Cần nhớ rằng, đối tượng của hành vi tham nhũng thường là những cán bộ có chức có quyền, có kiến thức pháp luật nhất định và nhất là có quan hệ chằng chịt, phức tạp tạo thành những nhóm lợi ích để che chắn, bảo kê cho nhau. Trong khi, từ quy định của pháp luật về việc bảo vệ người tố cáo tới thực tế hiện còn đang có khoảng cách khá xa khiến cho người dân yếu thế chưa thực sự yên tâm khi quyết định tố cáo tham nhũng. 

Các nhà nghiên cứu đều cho rằng để tạo lập lòng tin với người dân, khuyến khích họ mạnh dạn tố cáo, tham gia tích cực vào công cuộc phòng chống tham nhũng cần phải xây dựng cơ chế hiệu quả trong việc bảo vệ người tố cáo và minh bạch thông tin. Đồng thời các cơ quan chức năng cũng cần phải làm tròn trách nhiệm, kiên quyết làm tới nơi tới chốn trong việc ngăn chận và xử lý các vụ tham nhũng cũng như cán bộ công chức có hành vi tham nhũng bị tố cáo. Thực hiện tốt việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng có tác dụng trực tiếp đến vai trò, sự tham gia của người dân nói chung. Đặc biệt là của những cán bộ, công nhân viên chức trong chính cơ quan, đơn vị có tham nhũng. Nếu các định chế pháp  lý về việc khuyến khích người dân tham gia phòng chống tham nhũng không đi vào cuộc sống, không làm cho người tố cáo tham nhũng thấy tự tin, yên tâm và tự hào vì sự góp phần công sức của mình vào cuộc chiến đấu chống “giặc nội xâm” thì trong nhiều trường hợp, qua thời gian sẽ triệt tiêu dần dần động lực, ý thức tham gia phòng chống tham nhũng của người dân. Khi người dân ngày càng trở nên giỏi chịu đựng hơn với tham nhũng như xu thế mà PAPI vừa cảnh báo trong kết quả khảo sát trên đây thì thật đáng lo ngại cho mục tiêu ngăn chận và đẩy lùi được quốc nạn tham nhũng.

1 nhận xét:

  1. Lâu rồi người dân xem tham nhũng là câu chuyện hàng ngày của họ,việc chống tham nhũng không phải là của họ nữa rồi họ không còn la ó phản đối nữa mà chấp nhận sống chung với tham nhũng, nhưng sống chung với bảo, sống chung với lủ,

    Trả lờiXóa