Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2015

Biển Đông, không đơn thuần chỉ là cuộc chiến chính trị

Trung Quốc tuyên bố các hoạt động cải tạo của mình “không chống lại quốc gia nào” nhưng sự thật thì những thiệt hại lâu dài cho các quốc gia đã “rõ như ban ngày”.
Các hoạt động cải tạo của Trung Quốc (TQ) ở Biển Đông vẫn luôn là mối quan tâm lớn trong khu vực vì nhiều lý do, không hẳn chỉ có lý do chính trị mà còn vì môi trường.
Sự biến đổi hoàn toàn của các đảo san hô lớn trong hệ sinh thái biển của khu vực do bị các đảo mới của TQ xâm chiếm ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường xung quanh. Những tác động sinh lý diễn ra bên dưới các công trình nhân tạo lan rộng vào nước biển đến các quốc gia ven biển.
Dòng chảy gen giữa biển Đông và biển Sulu với những luồng cá (mũi tên xanh), con trai (mũi tên cam), sao biển (mũi tên vàng) do các nhà hải dương học của Viện hải dương học, đại học Philippines xác định.
Khu vực quần đảo Trường Sa từ lâu đã là một kho tài nguyên sinh học đa dạng, lưu trữ một phần hệ sinh thái rạn san hô giàu có nhất khu vực Đông Nam Á. Các loài cá sinh sản và bổ sung vào sự phong phú của rạn san hô, chúng len lỏi rồi di chuyển theo những sinh vật phù du và các sinh vật khác trôi dạt trong nước đến những nơi xa hơn.
Thông qua vệ tinh, có thể thấy được sự lưu thông của các sinh vật phù du đa dạng trong khu vực Biển Đông, chứng minh những kết nối sinh học trên khắp vùng biển này. Trớ trêu thay, vùng đảo đang bị tranh chấp xâu xé chính là suối nguồn sống của hệ sinh thái, giúp duy trì cân bằng quần thế sinh vật biển ở các vùng biển xung quanh.
Philippines là nước đặc biệt nhạy cảm với những hành động của TQ trên Biển Đông. Rõ ràng, Philippine nhận thức được môi trường ven biển sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các hoạt động cải tạo đó. Cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi Philippines kiên quyết phản đối, bởi lẽ đánh bắt cá là phương thức sinh nhai chính của cộng đồng ven biển nước này.
Vùng biển Palawan là ngư trường đạt năng suất cao nhất của cả nước, đóng góp 20% sản lượng cá hàng năm. Các nghiên cứu cũng chỉ ra mối liên hệ tương quan và trao đổi của các loài giữa khu vực quần đảo Trường Sa, vùng biển Palawan, Biển Sulu, các vùng biển đảo khác và khu Tam giác san hô của Đông Nam Á. Nghĩa là chỉ cần một trong các khu vực trên bị ô nhiễm hay hủy diệt thì các khu vực khác không tránh khỏi ảnh hưởng lớn.
Tiến sĩ Edgardo Gomez thuộc viện Hải Dương học, một trong những nhà hải dương học được kính trọng nhất trong khu vực, cũng là người đi tiên phong trong các hoạt động hợp tác khoa học những năm 90, đã vô cùng tiếc nuối vì trong vài năm qua, có 311ha rạn san hô quý đã bị hủy hoại, thiệt hại kinh tế ít nhất là 110 triệu USD mỗi năm, và chắc chắn sản lượng cá đánh bắt sẽ giảm nghiêm trọng trong vài thập niên tới.
Ông Gomez chỉ ra rằng những hoạt động cải tạo của TQ không chỉ ảnh hưởng sinh thái riêng trên vùng đất hay vùng đảo được cải tạo mà còn xa hơn nhiều. Khi những rạn san hô phong phú trước đây bị thay thế bằng những “vạn lý trường thành cát và bê tông”, mỗi đảo nhân tạo được dựng nên cũng là lúc môi trường xung quanh bị bóp chết vì hàng tá khói bụi kim loại.
Các sinh vật xung quanh những đảo nhân tạo bắt đầu bị xáo trộn đời sống rời chết dần chết mòn. Đảo san hô tự nhiên sẽ được nạo vét thành cảng tàu, thế hệ san hô nào còn sót lại cũng có thể phát triển không bình thường vì những ô nhiễm do cảng tàu tạo ra.
Cư dân trên các đảo mới sẽ tàn phá môi trường ngày này sang ngày khác khi xả nước thải, rác thải, thả neo. Sau đó, nhu cầu thực phẩm tăng, khả năng cao nhất là cư dân sẽ khai thác hải sản trong vùng biển gần đảo nhất. Và để tận thu, TQ đang triển khai đội tàu đánh bắt “háu đói” nhất của mình. Hiện tại, các hoạt động đánh bắt gần bờ của TQ đã khiến rạn san hô và sản lượng cá ở ven biển phía Nam TQ suy giảm liên tục, chuyện tương tự hẳn sẽ xảy ra ở những vùng biển xa hơn.
Trong khi TQ cứ mãi lập luận rằng những đảo nhân tạo mà họ xây dựng là “hợp lý, dễ hiểu, và hợp pháp”, những thiệt hại quy mô lớn xuyên biên giới và không thể khắc phục mà họ gây ra là trái với các nguyên tắc cơ bản về hành vi ứng xử của một quốc gia.
Các nhà khoa học hàng hải của TQ từng kêu gọi chính phủ chú trọng đến sự suy giảm các rạn san hô trên Biển Đông vì 80% khai thác quá mức, 20% còn lại cũng sẽ “ra đi” khi các hoạt động cải tạo diễn ra. Tuy nhiên, hẳn là những lời kêu gọi này đã bị phớt lờ.
TQ tuyên bố các hoạt động cải tạo của mình “không chống lại quốc gia nào” nhưng sự thật thì những thiệt hại lâu dài cho các quốc gia đã “rõ như ban ngày”. Trong nỗ lực kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên, TQ đã phá hủy những nguồn tài nguyên biển quý giá, mỏng manh khác trên Biển Đông. Cuộc tranh chấp trên Biển Đông giờ không đơn thuần là cuộc chiến chính trị bảo vệ chủ quyền mà còn là cuộc chiến bảo vệ môi trường biển, miếng cơm chung của nhiều quốc gia.

Khả Anh (Theo National Interest)
______________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét