Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

Báo Thanh Niên loan tin bị phóng viên "bôi nhọ"

BLA: Mấy ngày qua trên trang facebook Hoai Nam Nguyen của phóng viên Nguyễn Hoài Nam có stt của tác giả, cho rằng mình bị báo Thanh Niên, nơi mình đang công tác, trù dập bằng "luật rừng". Vụ việc gây chú ý khá lớn trên mạng xã hội Facebook. Đến 21h50 ngày 20-10-2015, trên báo Thanh Niên Online có đăng bài phản hồi như bên dưới, chứng minh phóng viên có nhiều điểm yếu kém, nên bị trừ thu nhập. 

Tiếp đó khoảng 6h ngày 21-10-2015, nhà báo Nguyễn Hoài Nam có vẻ muốn đẩy sự việc lên cao khi đã có đối đáp lại phản hồi của báo và còn đưa cả đoạn băng ghi âm nói chuyện với lãnh đạo báo Thanh Niên lên trang Youtube. Trong đó có những thông tin về chuyện bếp núc của nghề báo. Hiện chưa biết sự việc sẽ đi đến đâu và kết thúc ra sao, và ai đúng ai sai, nhưng phần nào cho thấy mạng xã hội như facebook có thể giúp các cá nhân có một diễn đàn để nói lên quan điểm, chính kiến của mình một cách công khai. Điều mà trước đây chưa từng có.


Bài trên báo Thanh Niên:

Phản hồi thông tin bôi nhọ uy tín Báo Thanh Niên
20/10/2015 21:50

Vừa qua, một số bạn đọc đã đề nghị Báo Thanh Niên làm rõ thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội, có nội dung “Báo Thanh Niên trù dập cá nhân bằng luật rừng!”, liên quan đến tài khoản Facebook cá nhân “Hoai Nam Nguyen”.

Thông tin này được cho là của phóng viên (PV) Nguyễn Hoài Nam, nhằm bôi nhọ công tác điều hành, quản lý tại Báo Thanh Niên. Để rộng đường dư luận, Báo Thanh Niên thông tin phản hồi như sau:

Thứ nhất, liên quan đến thông tin chống tham nhũng trong nạo vét đường sông, Ban Biên tập Báo Thanh Niên và ông Hoài Nam đã nhiều lần làm việc về phương pháp tác nghiệp, việc rò rỉ thông tin và những suy diễn không có căn cứ liên quan đến công tác điều hành nội dung báo chí. Ban Biên tập đã có các báo cáo gửi cơ quan quản lý cấp trên. Sau đó, ông Hoài Nam lại có đơn thư tố cáo gửi Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và một số cơ quan trung ương, trong đó có nội dung cho rằng mình bị “ngăn cản, dọa đuổi việc, phê bình vì viết bài chống tham nhũng”.

Ủy ban kiểm tra Trung ương Đoàn đã tổ chức đoàn kiểm tra xác minh, và đã có kết luận số 19-KL/TWĐTN-BKT ngày 7.9.2015. Theo đó, không có chứng cứ xác định cá nhân lãnh đạo Báo Thanh Niên có liên quan hay bảo kê cho đối tượng tham nhũng; không dọa đuổi việc vì chống tham nhũng. Việc cân nhắc trong xử lý thông tin theo ý kiến của các cơ quan chỉ đạo và quản lý báo chí là phù hợp.

Thứ hai, để đảm bảo việc hoàn thành nhiệm vụ của PV, Báo Thanh Niên đã ban hành Quy chế định mức nhuận bút của PV (tháng 1.2012, bổ sung tháng 3.2015) nhằm có cơ sở khen thưởng các phóng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, đồng thời có biện pháp chế tài đối với phóng viên thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ, cụ thể là không có đủ số lượng tin, bài được đăng, nên không đạt mức chỉ tiêu nhuận bút.

Việc chế tài được trừ vào phần phụ cấp tăng thêm của PV, không phải trừ vào lương. Tin, bài không được đăng thường do: chất lượng nội dung kém, thực hiện đề tài không theo quy trình tác nghiệp mà cơ quan phân công, bài chưa nộp cho tòa soạn mà đối tượng bị điều tra đã biết...

Thỏa ước lao động tập thể năm 2015 được ký tại Hội nghị công nhân viên chức Báo Thanh Niên (1.2015, ông Hoài Nam có dự) biên soạn trên các quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản pháp luật liên quan; lấy biểu quyết của tập thể người lao động của báo; đăng ký tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM. Theo đó, cơ quan báo sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với PV nào liên tục 2 quý không hoàn thành định mức chỉ tiêu tin, bài .

Việc Ban Biên tập phê bình nghiêm khắc và phân công ông Hoài Nam viết phóng sự điều tra về an sinh xã hội, môi trường… mà không tiếp tục điều tra về tham nhũng (đã đăng Báo Thanh Niên ngày 7.10.2014) do PV này sơ hở, thậm chí có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong một vụ điều tra tiêu cực trước đó.

Thực tế, PV Hoài Nam không hoàn thành nhiệm vụ chỉ tiêu tin, bài 2 quý của năm 2013 cũng như chỉ tiêu gộp cả năm 2014, và đặc biệt, trong liên tục 9 tháng đầu năm 2015. Ngoài PV Hoài Nam, còn có 2 PV khác không hoàn thành nhiệm vụ chỉ tiêu tin, bài. Do vậy, đầu tháng 10.2015, Báo Thanh Niên đã họp với các PV này thông báo việc chấm dứt hợp đồng lao động.

Các thông tin đăng tải từ trang Facebook của tài khoản “Hoai Nam Nguyen” nêu không đầy đủ bản chất nhân-quả của vụ việc, suy diễn theo hướng vu khống, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của tập thể và cá nhân lãnh đạo của báo, cần được xem xét, xử lý phù hợp.

THANH NIÊN

------------

STT mới trên Facebook của phóng viên Nguyễn Hoài Nam (lúc 6h ngày 21-10-2015)

Báo Thanh Niên luôn đúng tôi luôn sai!
Tối qua, TNO phản hồi thông tin bài chia sẻ của tôi trên trang cá nhân của chính tôi. TNO cho rằng tôi bôi nhọ uy tín báo Thanh Niên. Thực lòng tôi vẫn yêu tờ Thanh Niên lắm, tôi k bao giờ bôi nhọ báo Thanh Niên đâu, vì chính tờ Thanh Niên đã làm lên tên tuổi của tôi. Và thương hiệu Hoài Nam luôn gắn liền với tờ Thanh Niên. Và giờ đây trong làng báo ai cũng biết nhắc và nói đến Hoài Nam là sẽ nghĩ ngay đến Thanh Niên. Từ một anh Khế lẫy lừng với 23 năm làm Tổng Biên tập. Và bây giờ là anh Quang Thông, một Tổng Biên tập luôn mẫu mực. Vậy vì sao tôi phải đấu tranh, đánh đuổi cái xấu? Nếu như Thanh Niên không phản hồi thì tôi không nói ra đây, vì nói sẽ làm bạn đọc quay lưng. Nhưng tôi không nói thì mọi người không thể hiểu. Tôi xin phép nói ra một nửa sự thật thôi nhé.

Trước khi trở thành PV điều tra của Báo Thanh Niên, tôi là lính tham mưu tác chiến. Về công tác tại báo Thanh Niên, báo Thanh Niên không có quy chế bảo vệ PV, cũng như hướng cho PV được tác nghiệp tới đâu là dừng. Chính vì vậy các PV của báo nếu dấn thân viết phóng sự đều tự bơi để bảo vệ mình.

Mảng điều tra tôi đeo bám cực kỳ nguy hiểm,vì vậy từ ngày chập chững bước vào Ban Chính trị xã hội làm CTV tôi nhập vai viết phóng sự điều tra, phóng sự xã hội để rút ra những kinh nghiệm cho mình. Và các loạt bài mang uy tín cho báo như “Thâm nhập đường dây hàng lậu Móng Cái; Người ghi hình lâm tặc phá rừng; Giấy kiểm dịch bán như rau; Kinh hoàng heo siêu nạc; Tinh luyện dầu ăn bằng chất tẩy rửa; Nông dân vượt biên đánh bạc; Bí mật hành phi; Hãi hùng công nghệ trồng rau muống; Cảnh sát trật tự cơ động làm luật…”

Gần 10 năm làm việc ở Báo Thanh Niên, tôi hiểu từng con người của báo. Ai có hoa hồng quảng cáo cao nhất, và ai không lấy hoa hồng...Cho đến năm 2013 tôi bắt đầu chuyển sang viết điều tra tham nhũng ở lĩnh vực hàng hải. Sau khi đăng loạt bài 3 kỳ “Nạo vét sông Thị Vải – Sự mờ ám kinh tởm” đăng xong thì giám đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng tàu lên gặp Ban Biên tập Báo Thanh Niên. Và sau đó bài cuối cùng của tôi bị cắt 900 chữ. Tôi hiểu doanh nghiệp đã chạy (như băng ghi âm tôi đã công khai).

Cuối năm 2013 tôi tiếp tục lên kế hoạch điều tra 4 công trình nạo vét ở Vũng Tàu, TPHCM và Quảng Ninh, kinh phí của nhà nước hơn 200 tỉ đồng. Để đảm báo bí mật cũng như giữ mối quan hệ với cấp trên, tôi đột phá không báo cáo đề tài theo quy định (từ Ban CT – XH đến Ban Thư ký và phó Tổng Biên tập phụ trách báo in) vì tôi không muốn mất lòng Phó Tổng Biên tập Đặng Việt Hoa. Tôi viết báo cáo rõ và đến tận nhà anh Nguyễn Quang Thông báo cáo. Nghe tôi trình bày anh Thông duyệt ngay và tôi về báo cáo lãnh đạo Ban tôi đi điều tra theo chỉ đạo của Tổng Biên tập. Được Tổng Biên tập duyệt tôi làm công lệnh đi công tác Vũng Tàu và Quảng Ninh.

Hơn nửa tháng trong vai ngư dân bắt đầu tư 19 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau tôi tác nghiệp giữa sông Thị Vải và Soài Rạp – Hiệp Phước để thu thập chứng cứ. Có chứng cứ rõ, về cơ quan lúc này tôi mới báo cáo đúng quy định và báo cáo rõ đi gặp doanh nghiệp để lật bài ngửa nhằm củng cố chứng cứ chắc cho loạt bài điều tra.

Tuy nhiên, khi tôi gặp đại diện chủ đầu tư là ông Phạm Đình Vận và nhà thầu chính là ông Nguyễn Minh Tùng. Ông Vận hối lộ tôi một phong vì cả ngàn USD, còn ông Tùng hối lộ tôi một phòng bỉ khủng, tôi cương quyết không nhận. Lập tức ông Tùng chạy và tôi bị chỉ đạo ngưng điều tra (như băng ghi âm tôi đã công khai). Sau đó tôi làm báo cáo xin đi Quảng Ninh thì bị chỉ đạo ngưng, bút phê do chính Tổng Biên tập viết, mặc dù trước đó cũng chính tay Tổng Biên tập duyệt cho tôi đi Quảng Ninh, tôi làm công lệnh nay vẫn giữ.

Bị chỉ đạo ngưng tôi không chịu khuất phục vì nếu tôi chịu sống chung, tiền của nhà nước tiếp tục chảy vào túi quan tham trên công trình nạo vét ở Quảng Ninh, vì chỉ còn 1 tháng nữa là công trình hoàn thành. Để tiếp tục đấu tranh chống thất thoát ngân sách cho nhà nước, tôi xin phỉ phép năm 2013 ra Quảng Ninh điều tra thu thập chứng cứ. Sau đó phối hợp với Ban Nội chính “bẻ khóa” bắt giam 4, trong đó có hai lãnh đạo phòng thuộc Tổng Công ty xây dựng dường thủy, Bộ GTVT (hai bị can này nhận hối lộ của doanh nghiệp nạo vét 1,2 tỉ đồng). Mở rộng điều tra, giữa năm 2015, 4 bị can tiếp theo bị khởi tố. Nay cơ quan điều tra đã kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND TC đề nghị truy tố 8 bị can.

Kỳ nghỉ phép đi đánh án tham nhũng đã hết, tôi vào cơ quan viết 5 kỳ điều tra đặt tên “Bí mật tảng băng chìm nạo vét”, ngày 12.1.2014 gửi mail cho Tổng Biên tập. Sau đó tôi được thông báo Báo Thanh Niên không dùng loạt bài này, nên tôi đã xin phép Tổng Biên tập được gửi loạt bài “Bí mật tảng băng chìm nạo vét” sang báo khác.

Chờ một tuần không thấy Tổng Biên tập trả lời, tôi tung tin gửi bài sang báo Tuổi trẻ, lập tức lúc 14 giờ 58 ngày 20.1.2014, Phó Tổng Biên tập Đặng Việt Hoa điện thoại cho tôi gằn giọng hỏi: ông viết bài nạo vét cho báo tuổi Trẻ hả. Tôi trả lời đã hỏi anh Thông, ông Hoa nói lớn “Ông lúc nào cũng ông Thông chỉ đạo, ông cứ nói ông Thông miết, ông Thông đuổi việc ông đó nghe…”. Vì vậy từ đầu năm 2014 tôi đã bị dọa đuổi việc rồi, và bậy giờ họ mới có cơ hội.

Ngày hôm sau (22.1.2014) lúc tôi đang làm việc với thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công thì ông Hoa điện thoại giọng nhỏ nhẹ hơn (có lẽ biết tôi chuyển vụ việc đến anh Nguyễn Bá Thanh) mời tôi về nói chuyện nhưng tôi nói đang ở xa không về ngay được, ông Hoa có nói và hù dọa tôi “mảng của ông hết sức nguy hiểm, ông thấy đúng thì cứ làm, nay mai ông gặp khó anh em khó chia sẻ”… (nghe băng nghi âm).

Bắt đầu từ đó tôi bị cô lập và các bài tôi viết đều không được đăng. Loạt bài “Rau ruộng trộn VietGAP” của tôi được đăng đầu tháng 12/2014 là do thời gian đó ông Hoa đi công tác nước ngoài.

Đặc biệt, trong thời gian công tác tại Báo Thanh Niên tôi phát hiện có một số doanh nghiệp xuống làm từ thiện bất thường ở ấp Thạnh An xã Trung An, huyện Củ Chi TP.HCM. Đáng chú ý, tiền của bạn đọc ủng hộ những hoàn cảnh cần hỗ trợ cũng được chuyển về đây sửa chữa văn phòng ấp, làm bia liệt sĩ và mẹ VNAH.

Tôi xuống điều tra xem ở ấp Thạnh An có cái gì, thì được ông Võ Văn Hai (Trưởng ấp) khai, ông là người dẫn ông Đặng Việt Hoa mua gần 5 ngàn m2 đất ở tổ 9, năm 2014 làm xong nhà vườn, chia ra làm 3 cho 3 anh em ông Hoa. Ông Hai cho biết thêm, bia tưởng niệm liệt sĩ và Văn phòng ấp có từ năm 2003 và thuộc xã quản lý. Việc sửa chữa nhà mẫu giáo và bia tưởng niệm kinh phí đều do nhân dân trong ấp đóng góp. Thế nhưng, đơn ông Hai gửi báo Thanh Niên xin hai lần 50 triệu đồng để sửa chữa Van phòng ấp và làm bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, trong đó có 8 mẹ VNAH nhưng lúc đó chỉ còn một mẹ VNAH còn sống...

Không những thế, ngày 13.11.2013 PV Thanh Tùng viết loạt bài điều tra “Kiểu bán hàng kỳ lạ của Unicity”, thì ngay sau đó doanh nghiệp này về ấp Thạnh An làm từ thiện, tài trợ làm đường ở tổ 9 40 triệu đồng.

Sâu chuỗi lại hai sự việc trên, đặc biệt là dùng tiền của bạn đọc hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn của báo, nhưng số tiền này được đem về ấp Thạnh An nơi có nhà vườn của ông Hoa sửa chữa Văn phòng ấp. Nếu không ngăn chặn ngay thì sau này Báo Thanh Niên sẽ đi về đâu, xấu hơn là bị khởi tố vì sai phạm liên quan đến tiền của bạn đọc.

Vì vậy, đầu năm 2015 đại hội CNV Báo Thanh Niên tôi mạnh dạn nói thẳng ở hội trường, vì muốn tờ báo Thanh Niên phát triển và không bị xuống bùn đen, tôi đề nghị Ban Biên tập chuyển ông Hoa sang phụ trách mảng khác. Sau đó Tổng Biên tập giao cho Ban Thanh tra nhân dân xác minh. Cuối cùng Ban Thanh tra kết luận việc ông Hoa chỉ đạo ngưng vụ nạo vét là có chỉ đạo từ Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ TTTT, việc ngưng là đúng quy trình... Còn việc ký duyệt tiền tài trợ của bạn đọc mang xuống sửa chữa ấp Thạnh An là đúng thẩm quyền, đã được Tổng Biên tập ủy quyền...

Sau khi ông Nguyễn Văn Thắng đọc kết luận trước các trưởng phó Ban của báo, tôi tuyên bố thẳng sẽ làm tới cùng vụ này.

Có lẽ thấy tôi cương quyết, nên nhiều ngày sau tôi được ông Nguyễn Văn Thắng (Trưởng Ban Thanh tra) mời uống cà phê nhiều lần nói được ủy quyền của Tổng Biên tập gặp tôi tâm sự nếu tôi rút đơn kiến nghị ông Hoa thì Ban Biên tập sẽ cho tôi làm phó trưởng Văn phòng đại diện Đông Bắc Bộ, tôi không đồng ý vì tôi không thích làm sếp. Tiếp đến ông Thắng nói có nguyện vọng gì thì làm đơn nhưng phải kèm theo đơn xin rút đơn tố cáo ông Hoa. Nghe vậy tôi làm đơn xin xem xét nguyện vọng cho tôi về làm biên tập để triển khai 3 đề tài lớn ảnh hưởng tới tình hình ANKT của đất nước (3 đề tài đó mỗi đề tài sai phạm hàng chục tỉ đồng), nhưng tôi không chịu rút đơn tố cáo. Một tuần sau, ông Thắng gọi điện thông báo cho tôi anh Thông đang ở nước ngoài có gọi điện thoại về nói tôi phải làm đơn xin rút đơn tố cáo ông Hoa thì Tổng Biên tập mới xem xét.

Không những thế, một cán bộ A87 (phía Nam) cũng mời tôi đi uống cà phê đề nghị tôi xin lỗi ông Hoa thì ông Hoa sẽ chỉ đạo Ban giao việc cho tôi để tôi có bài viết và nếu đã có bài viết thì chỉ tiêu chỉ là nhỏ, tôi quyết không đồng ý.

Tháng 6.2015 tôi làm đơn tố cáo ông Hoa gửi tới Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông Tin Truyền Thông, Thủ Tướng và Trung ương đoàn với 4 nội dung: Làm việc có động cơ cá nhân; Bảo kê doanh nghiệp; Mượn danh Ban Tuyên giáo Trung ương bảo kê doanh nghiệp và Trù dập cá nhân.

Riêng về đơn gửi cho Trung ương đoàn tôi kiến nghị cải tổ Báo Thanh Niên một số quy chế vì đối xử phân biệt như:

1: Cắt ngay hoa hồng quảng cáo vì có hoa hồng quảng cáo sẽ làm bớt lửa cho bài viết (mỗi năm có nhiều tỉ đồng hoa hồng quảng cáo được chi cho người lấy quảng cáo về cho báo).

2: Thỏa ước lao động tập thể phân biệt đối xử với PV. Cụ thể, Báo Thanh Niên có khoảng 500 người, nhưng thỏa ước lao động tập thể năm 2015 chỉ áp dụng chỉ tiêu với khoảng 120 PV “Nếu thiếu chỉ tiêu nhuận bút trong hai quý thì sẽ xem xét chấm dứt Hợp đồng lao động”, còn các bộ phận khác (trừ Ban Biên tập do Trung ương Đoàn quản lý) như Ban Thư Ký, Các Trưởng, Phó Ban, Phòng Tổ chức…không quy định thế nào là hoàn thành nhiệm vụ và thế nào là xem xét chấm dứt hợp đồng lao động; 3: Cần dân chủ khi duyệt bài của PV.

Ngày 16.7.2015 Ban Chấp hành Trung ương Đoàn quyết định thành lập tổ công tác xác minh do ông Phạm Xuân Đảng Phó chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm tra Trung ương Đoàn làm tổ trưởng vào làm việc với tôi. Tôi cung cấp toàn bộ chứng cứ liên quan đến 4 nội dung tố cáo bằng dẫn chứng cụ thể từng phần trên 6 trang giấy A4.

Ngày 7.9.2015 Trung ương Đoàn kết luận không theo chứng cứ mà theo giải trình của người bị tố cáo. Đặc biệt, đóng dấu mật vào văn bản kết luận nên tôi không tiện đưa lên đây để bạn đọc tham khảo. Kết luận của Trung ương Đoàn có yêu cầu: Đề nghị đồng chí Đặng Ngọc Hoa (tức Đặng Việt Hoa), phó Tổng Biên tập báo Thanh Niên rút kinh nghiệm về phương pháp công tác; hạn chế nóng nảy trong trao đổi công việc, từ đó dễ tạo áp lực và tâm lý đối với cán bộ cấp dưới. Đề nghị ban Biên tập Báo Thanh Niên cân nhắc trong phân bổ nguồn lực làm từ thiện, an sinh xã hội để tránh hiểu lầm, gây dư luận không tốt, ảnh hưởng đến uy tín của Báo Thanh Niên.

Tôi không nói tôi đúng hay báo Thanh Niên đúng, vài tiếng nữa tôi sẽ đưa lên đây hai văn bản:

1: Biên bản làm việc với Tổ công tác, tôi kiến nghị Trung ương Đoàn xem xét tư cách đảng viên của ông Hoa về công tác phòng chống tham nhũng và đề nghị chuyển ông Hoa sang phụ trách mảng khác, nhằm đảm bảo dân chủ cho tờ báo.

2: Biên bản bàn giao chứng cứ 4 nội dung tố cáo để tất cả mọi người tham khảo, chắc chắn mỗi người một cách nghĩ riêng.

Trong phản hồi của TNO có nói đến đoạn tôi bị phê bình nghiêm khắc vì tôi sơ hở và vượt quá quyền cho phép của PV, tại sao tôi không sai trong tác nghiệp trong loạt bài “Cảnh sát trật tự cơ động làm luật” mà phê bình tôi, Báo Thanh Niên không hề có quy chế bảo vệ PV cũng như hướng dẫn cho PV được tác nghiệp tới đâu nên tôi phải tự bơi để bảo vệ bản thân an toàn và tôi là PV đầu tiên không bị khởi tố vì sau loạt bài có đến 7 công an bị tước quân tịch, khai trừ đảng. Công an TP.HCM vào cuộc nhưng cuối cùng chỉ kết luận “tạo tình huống cài bẫy cảnh sát” là vi phạm pháp luật, một điều luật không có trong tất cả các bộ luật Việt Nam.

Đáng lẽ mô hình tác nghiệp của tôi cần được nhân rộng để các PV khác học hỏi mới đúng. Nếu tôi có dấu hiệu sai phạm trong loạt bài tiêu cực đó, và nếu tôi sơ hở thì công an TP.HCM khởi tố tôi từ lâu rồi, Thanh Niên đưa lên phản hồi “có dấu hiệu tiêu cực trước đó nhằm mục đích gì?” tự để mọi người bình luận.

Đáng nói, trong năm 2012 tôi thực hiện thành công hai loạt bài điều tra chấn động xã hội, đó là loạt bài “Kinh hoàng heo siêu nạc” và “Cảnh sát trật tự cơ động làm luật” qua đó Báo Thanh Niên tăng uy tín lên nhiều. Cuối năm 2012 tôi được Trung ương Đoàn tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua trung ương đoàn năm 2012. “Đúng là được tiếng thì tung hô, khi gặp nạn thì thí tốt”.

Tôi có hoàn thành nhiệm vụ, có xứng tầm một nhà báo không thì cả xã hội đều biết. Điều tôi muốn nói Báo Thanh Niên không có quy chuẩn cho một bài viết thế nào là đạt thế nào là không đạt. Bài được đăng phụ thuộc vào Ban Biên tập và quy chế cũng chính Ban Biên tập đẻ ra. Có những loạt bài của tôi về an sinh xã hội đúng mảng được phân công, nhưng không được đăng, khi tôi gửi báo khác thì lại đăng trang nhất. Có bài về lừa đảo xin việc vào sân bay giá 150 triệu đồng, viết và nộp xong đều không được đăng. Bài “Sập bẫy lương khủng”, bài “Thần dược lừa nông dân”, “Nghi án phi tang 1.300 tấn chất thải rắn” hoàn toàn đúng với mảng an sinh xã hội… viết xong không được đăng. giữa năm 2015 tôi báo cáo đề tài 3 kỳ: “Casino và lâm tặc giữa đại ngàn” nhưng không được duyệt. Vậy tôi xin hỏi mọi người tôi có hoàn thành nhiệm vụ không để đến nỗi bị phạt 64 triệu đồng/3 quý?.

Chú ý hơn, ngày 21.6 vừa rồi, một PV của VTV có ý định làm chân dung tôi cho ngày 21.6, khi điện thoại cho Tổng Biên tập thì được trả lời “…chúng tôi có hướng đào tạo anh lên làm lãnh đạo, nhưng anh tự mãn…”. Ô hay, tôi không thích đánh đổi sự im lặng để tiến thân sao lại gọi là tự mãn?. Anh bạn PV buồn buồn nói trong điện thoại “tôi không hiểu vì sao Thanh Niên lại không muốn đưa anh lên, một tờ báo có PV lên chân dung ngày 21.6 thì vinh dự lắm chứ, Tổng Biên tập nói thế là tôi hiểu rồi, tôi chọn nhân vật Hữu Ước vậy”…


Theo Blog Bình Luận Án

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét