Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2016

Trao đổi về đám cháy từ bà Rồng (Trần Lệ Xuân)

Bảy mươi năm qua, hễ mỗi lần câu chuyện bà Nhu - Trần Lệ Xuân (1924-2011) được kể dù với động cơ mục đích nào, cũng đều có nguy cơ bùng lên một đám cháy tranh luận.
Dù trong bức tranh lịch sử chính trị đầy biến động của Việt Nam hiện đại, hình ảnh nhân vật này chỉ lóe lên trong chớp mắt của chín năm tồn tại nền Đệ nhất Cộng hòa - chế độ Việt Nam Cộng hòa - chính phủ Ngô Đình Diệm.
Đầu 2016, quyển tiểu sử Finding the dragon lady: the mistery of Vietnam’s madam Nhu của nhà nghiên cứu Mỹ Monique Brinson Demery vừa chính thức có phiên bản tiếng Việt với tựa Madam Nhu Trần Lệ Xuân - quyền lực Bà Rồng (Mai Sơn dịch, Phương Nam Book & NXB Hội Nhà Văn ấn hành) cũng đang tạo nên đám cháy những cuộc tranh luận mới, không dừng lại ở chữ nghĩa dịch thuật, mà xa hơn, là cái nhìn về nhân vật Trần Lệ Xuân phía sau một giai đoạn lịch sử đầy phức tạp.
- Từng biên soạn, dịch thuật nhiều tác phẩm triết học, văn chương kinh điển và hiện đại nhưng dường như đây là một dịch phẩm được ông dành nhiều tâm huyết? Những phản hồi đa chiều sau khi sách ấn hành dường như là điều mà ông đã tiên liệu?
- Tôi dành cho nó nhiều thích thú thì đúng hơn. Nếu có ai dịch nó rồi, tôi chắc chắn sẽ cầm sách lên và không buông xuống cho đến khi đọc hết, vì nó quá hay, quá hấp dẫn, từ câu chuyện nhiều kịch tính của nhân vật chính đến văn phong báo chí pha trộn tài tình với vô số chi tiết sử liệu. Về những phản hồi đa chiều hiện nay, quả thật là tôi có tiên liệu, nhưng không ngờ nó mạnh mẽ, bạo liệt và đầy cảm tính như chúng ta đang chứng kiến, mặc dù theo tôi biết đa số những tranh cãi trên mạng đến từ những người chưa đọc hết cuốn sách mà chỉ dừng lại ở cái tựa. Sự phân hóa thành ít nhất là hai luồng ý kiến và quan điểm cho thấy nhiều vấn đề lịch sử của miền Nam trước 1975 còn rất nóng bỏng, càng tránh nói đến thì càng nuôi dưỡng những đám cháy.
Trao đổi về đám cháy từ bà Rồng
Nhà văn, dịch giả Mai Sơn. Ảnh: N.V.N
- Từ cái nền căn bản là quyển hồi ký mà bà Nhu tin tưởng gửi gắm và những cuộc trao đổi qua điện thoại sau 20 năm sống lưu vong, tác giả Monique Brinson Demery đã dựng lại chân dung một “dragon lady” của chính trường Việt Nam thời hiện đại đầy thú vị và hấp dẫn dưới dạng tiểu sử pha trộn hồi ký, ký sự. Nhưng điều lớn lao hơn - phía sau bức chân dung cá nhân bà Trần Lệ Xuân - là toàn cảnh chính trị Việt Nam, là bối cảnh của sự ra đời, phát triển và suy tàn đầy bi thảm của nền Đệ nhất Cộng hòa (1954-1963). Ông đánh giá thế nào về đóng góp của cuốn sách này ở phương diện sử học? 
- Anh đã khái quát được chủ đề của cuốn sách trong mấy câu. Bà Nhu chắc chắn là một nhân vật lịch sử quan trọng, góp phần xây dựng rồi “góp phần” từng bước làm suy sụp nền Đệ nhất Cộng hòa. Rất tiếc là nhiều chục năm qua, ở trong nước,người ta cố tình không nhìn bà ta như một con người toàn diện gắn chặt với những biến động chính trị - xã hội khốc liệt, mà chỉ tìm cách khai thác những scandal của bà, cắt bà ta thành nhiều mảnh vụn vặt với nhiều ác ý, thêu dệt.
Tại sao Monique Brinson Demery đã dành mười năm lục tung các thư viện, tài liệu Anh, Pháp, Việt, gặp gỡ vô số nhân chứng, và nhất là kiên trì phỏng vấn trực tiếp nhân vật chính để viết nên công trình này? Đơn giản là tác giả bị lôi cuốn vào cuộc đời của bà Nhu mà khía cạnh nào, thời điểm nào trong suốt cuộc đời của bà cũng cống hiến những case study (điển cứu) về chính trị, ngoại giao, xã hội, cai trị, đầy tranh cãi. Những thêu dệt tiêu cực về bà Nhu rơi rụng gần như ngay lập tức. Chẳng hạn, những chuyện tình ái của bà được các cây bút trong nước “dày công” viết ra hai, ba cuốn sách và vô số bài báo, thì M. Brinson Demery chỉ mô tả trong nửa trang sách, mà khái quát đầy đủ, rung động, rất sexy mà vẫn tao nhã. Tôi nghĩ tác giả không đứng trên lập trường (chính trị) nào cả, đơn giản là bà thấy bà Nhu là một trong những khuôn mặt lớn đã trực tiếp nhào nặn nên lịch sử của Việt Nam hiện đại, và tác giả nói đại khái: “Bà Nhu xứng đáng để tôi băng qua đại dương tìm hiểu”. Đại dương là hình ảnh nói lên muôn vàn khó khăn bà vượt qua để hoàn thành cuốn sách.
Mặt khác, có lẽ tác giả thấy rằng người Việt Nam cho đến nay vẫn còn chưa thấy hết vai trò dàn dựng kịch bản (và đó là một sai lầm) của Mỹ trong thảm kịch tháng 11.1963, nên bà nhấn đi nhấn lại những quân cờ di động kiểu Mỹ (ở Washington DC và Sài Gòn) ngay từ khai cuộc của ván cờ (và của cuốn sách). Và bà trích một câu nói trứ danh của bà Nhu: “Ai đã có nước Mỹ làm đồng minh thì không cần kẻ thù nữa”. Với cách tiếp cận đó, cuốn sách này dành cho nhiều đối tượng độc giả, mỗi đối tượng sẽ có cách tiếp cận khác nhau, nhưng điểm chung là bà muốn gieo sự bi quan tích cực cho độc giả Việt Nam và niềm hãnh diện về một phụ nữ Việt Nam từng một thời khuấy động và giành được sự kính nể của cả hai đảng trong chính trường nước Mỹ. Đó cũng là cách “giải huyền thoại Mỹ” chăng?
- Phía sau ván cờ đảo chánh 1963 là sự giật dây của người Mỹ, nhưng đó là một câu chuyện dài. Xin trở lại với hình tượng bà Nhu: người đàn bà hành động này luôn tạo ra kịch tính bởi mang nhiều đối cực trong tính cách...
- Tôi không rõ từ những kết hợp sinh học hay tâm lý học nào đã sản sinh ra một người như bà Nhu, nhưng theo tôi bà sinh ra để làm một chính trị gia, một nhà lãnh đạo thông minh, sắc sảo, quyết đoán, can đảm. Bà luôn ở tâm điểm của kịch tính, ở cao điểm của lãnh đạo để nhìn mọi sự và ra quyết định hoặc muốn ra quyết định. Khi thấy mình “hữu ích” hơn hai ông Diệm và ông Nhu trong những tình huống nhất định, bà thậm chí quát tháo và ra lệnh cho họ mà quên mất vị trí của mình. Nhưng như chúng ta thấy, bà rất tôn trọng trật tự trong hầu hết hoạt động bình thường. Họ buộc bà im lặng, bà tuân thủ ngay. Nếu bà có nhiều quyền lực chính danh hơn, không biết chuyện gì xảy ra. Nhưng người Mỹ, đại diện là Tổng thống Mỹ Kennedy, tiên đoán được sự bùng nổ của bà, thấy rõ vai trò, tài trí quyền biến và “tác hại” của bà ở hậu cảnh, nên họ tìm cách loại bà với quyết tâm không mạnh mẽ hơn thì cũng ngang với quyết tâm loại bỏ cả một chế độ.
- Thúc đẩy một bộ luật Gia đình để giải phóng phụ nữ dù biết điều này gây ra những chia rẽ lớn trong gia đình, thiết lập tổ chức bán quân sự nữ giới, phong trào Liên đới phụ nữ... dường như vai trò hoạt động nữ quyền của bà Trần Lệ Xuân cho đến nay vẫn chưa được các nhà nghiên cứu nữ quyền trong nước nhìn nhận đầy đủ và xác đáng. Theo ông, vì sao?
- Bà Nhu đã đóng góp to lớn vào phong trào đòi bình đẳng nam nữ ở miền Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng thời đó. Nhiều phụ nữ miền Nam sống qua những tháng năm đó, nói gì thì nói, vẫn nhắc đến điều này như một điểm son của bà Nhu. Tôi cho rằng đời sống nội tâm của bà Nhu rất mạnh và phức tạp, bà có thẩm mỹ và học thức cao, từ đó bà trực giác thấy hạnh phúc và đau khổ của người phụ nữ là thế nào. Cái áo dài cổ thuyền mà bà Nhu mặc không chỉ đẹp mà còn là biểu tượng cho sự giải phóng phụ nữ. Ngày nay người ta không dám nhắc nhiều đến nó, vì như vậy thì phải làm sống lại kẻ đã sáng tạo ra nó. Chính trị thì bao giờ cũng có hai mặt, nhưng dù sao đi nữa, sau khi đã gạn đục khơi trong, cái gì còn lại sẽ là những giá trị trường tồn.
Trao đổi về đám cháy từ bà Rồng
Hình ảnh bà Nhu trong lễ cưới 5.1943 tại Hà Nội. Ảnh: TL
- Dường như càng về cuối, cuốn sách càng đi vào bi kịch gia đình bà Nhu sau biến cố đảo chính 1963 với một sự chia sẻ sâu sắc - tác giả không coi bà Nhu là nhân vật chính trị chủ động nữa, mà là một nạn nhân của ván bài chính trị đầy tàn bạo của các cường quốc. Người đàn bà từ đỉnh cao danh vọng trở thành kẻ mất mát, lưu vong trong câm lặng gần như là một ẩn dụ nào đó của lịch sử cần được nhìn nhận thấu đáo hơn?
- Trong câu hỏi của anh gần như chứa một phần câu trả lời cay đắng: khi các nước lớn dù về lý thuyết là thù nghịch nhau nhưng vì lợi ích toàn cục lại “đi đêm với nhau”, “đàm phán trên lưng nước nhỏ”, thì số phận của “kẻ nhược tiểu” đã được định đoạt. Trong viễn tượng đó, bà Nhu là vật hy sinh cho một trong những cuộc tế lễ dối trá. Bà phải rời khỏi vũ đài chính trị quốc tế sớm để ván bài được tiếp tục, ít nhất là vì sự phân biệt giới (gender), chắc hẳn là như vậy, nếu không, tại sao Tổng thống Kennedy lại gọi bà là “chó cái” và chỉ thẳng về bà như là kẻ làm cho mọi sự sôi sục rối tung lên ở Việt Nam và người Mỹ không còn kiểm soát được nữa lúc bấy giờ.
- Là một nhà văn đam mê nghiên cứu, theo ông, có thể học được gì từ phương pháp viết tiểu sử của Monique Brinson Demery? Vì sao chúng ta chưa có những quyển hồi ký thú vị như thế do tác giả trong nước viết về các nhân vật lịch sử nước mình?
- Bài học trước hết là nghệ thuật tước bỏ những chi tiết thừa khi đã có trong tay một khối lượng chi tiết khổng lồ về nhân vật. Và nếu vậy, một câu hỏi đáng phải đặt ra: tác giả đã bỏ đi những chi tiết gì? Chúng ta tò mò muốn biết điều đó. Chẳng hạn, tại sao không thấy tác giả nhắc đến tướng Trần Văn Đôn, một nhân vật đình đám trước và sau biến cố tháng 11/1963 và vướng nhiều rắc rối tin đồn với bà Nhu? Đọc xong cuốn sách này, ai cũng có ít nhất một câu trả lời: có lẽ bà đã bỏ đi không thương tiếc những chi tiết rẻ tiền (mà người khác đã “trân quý” và còn “làm giả” để sản xuất hàng loạt) khi bà đã cảm thấy đây là một nhân vật lịch sử xứng đáng phục vụ cho một công trình nghiên cứu - báo chí: chân dung một khuôn mặt chính trị lớn.
Có thể một ngày nào đó bà lại tung ra cuốn sách viết về cuộc đời tình ái của bà Nhu thì sao? Nhưng chúng ta cũng không nên đoán mò. Thứ hai, rõ mười mươi là câu chuyện của nhân vật chính và hậu cảnh lịch sử phức tạp luôn song hành nhau, không lúc nào tách rời. Trên nền của từng hậu cảnh lớn nhỏ khác nhau, bà Nhu nổi bật lên với một ý nghĩa hoặc chiều kích nào đó. Thứ ba, nhưng không hề kém quan trọng, là bà không tiếc thời gian (10 năm) khi cảm thấy bà đang làm một việc lớn, một tác phẩm để đời.
Tóm lại, không có tự do học thuật, nghiên cứu, sáng tạo, thì mãi mãi chúng ta không có gì đáng kể cả!
Ở bản tiếng Việt vừa được ấn hành, về cá nhân, ông có điều gì hài lòng và không hài lòng?
Tôi hài lòng với bản dịch này. Vì tôi nghĩ tôi đã đem hết khả năng ngôn ngữ, kiến thức để tát cạn nội dung cuốn sách. Đây không phải là tác phẩm chứa đựng nhiều vấn đề về dịch thuật. Tôi (và người biên tập) đã để xảy ra một số sai sót. Và dĩ nhiên, nếu có thêm thì giờ thì làm cái gì cũng khá lên chứ không chỉ là một dịch phẩm. Tôi sẽ không nói tôi đã bị thúc giục như thế nào. Tôi cho rằng cuốn sách này không có vấn đề gì lớn về danh hiệu của bà Nhu mà tác giả (và người Mỹ) đặt cho.
Nội dung cuốn sách mới là điều đáng bàn. Không nên dừng lại reo hò mãi ở ngoài cái bìa mà không chịu lật vào trong. Mỗi người sau khi đọc xong sẽ chọn cho mình một danh hiệu bằng tiếng Việt để gọi bà Nhu, nếu không thì cứ đơn giản gọi bà là Dragon Lady. Riêng tôi, tôi dịch từ “Dragon Lady” thành “Rồng Cái” dựa vào ngữ nghĩa và hàm nghĩa (Đông - Tây), quan niệm của chính tác giả về bà Nhu, cảm thức, cảm giác và kiến thức tôi có về bà trước và sau khi đọc cuốn sách này. Thao tác và sự chọn lựa của tôi được một số dịch giả gạo cội và chuyên gia dịch thuật ủng hộ. Tuy vậy, tôi đã đón biết trước việc dịch ra tiếng Việt từ “Dragon Lady” có thể gây tranh cãi, nên tôi không muốn đưa nó ra bìa sách như là sự khẳng định. Tôi đã lấy một cái tựa khác, nhưng như mọi người thấy, nhà xuất bản đã có chủ trương của mình. Điều lạ lùng nhất là có không ít người thích đẩy cái từ này thành vấn đề “học thuật” hay “dịch thuật học” hay “văn hóa”... ngay cả khi chưa đọc sách.
 http://nguoidothi.vn/vn/news/van-hoa-giai-tri/nghe-xem-doc/9598/trao-doi-ve-dam-chay-tu-ba-rong.ndt
Theo Nguyễn Vĩnh Nguyên/ Người Đô Thị

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét