Thứ Tư, 29 tháng 6, 2016

Vụ giấy Lee & Man Hậu Giang: Trách nhiệm chính quyền và bài toán lợi ích kinh tế

Từ bài học cá chết Vũng Áng cùng những cảnh báo nguy cơ mất trắng nguồn nước ngọt và triệt tiêu toàn bộ nguồn lợi thủy sản sông Hậu do công ty giấy Lee & Man VN (thuộc Tập đoàn Lee & Man Paper Hồng Kông - Trung Quốc) gây ra, các chuyên gia công nghệ môi trường cho rằng: việc công ty cam kết xử lý nước thải ra môi trường đạt tiêu chuẩn loại A, chỉ dựa trên một số chỉ số lý hóa theo quy định như hiện nay là chưa đủ!
Ngày 23.6, công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam đã chủ động đưa các phóng viên báo đài tham quan dự án nhà máy giấy tại thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, sau nhiều phản biện đánh giá về dự án nhà máy giấy vừa qua.
 nhà máy giấy Lee & Man
Ông Chung Wai Fu, tổng giám đốc Lee & Man VN đang thuyết trình quy trình xử lý nước thải của công ty
Từ những thông số “đẹp như mơ”...
Tại buổi họp báo vào trưa cùng ngày, ông Chung Wai Fu, tổng giám đốc Lee & Man Việt Nam khẳng định, mọi công nghệ và thiết bị sử dụng trong quá trình sản xuất giấy đều đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhập về từ Châu Âu, với dây chuyền sản xuất lớn nhất VN hiện nay, là công nghệ mới nhất và lần đầu tiên được sử dụng tại VN.
“Chúng tôi có tham vọng là doanh nghiệp đóng thuế cao nhất trong tỉnh Hậu Giang”, ông Chung Wai Fu nói thêm.
Theo ông Chung, nước thải được xử lý sẽ đạt trên tiêu chuẩn loại A theo quy định. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn nước thải khi thải ra môi trường sẽ còn "sạch" hơn cả tiêu chuẩn loại A theo quy định của VN!
Cụ thể, BOD (lượng oxy cần thiết để vi sinh vật oxy hoá các chất hữu cơ) < 10mg/l, COD (lượng oxy cần thiết để oxy hoá các hợp chất hoá học trong nước bao gồm cả vô cơ và hữu cơ) < 60mg/l, SS (chất rắn lơ lửng) <10mg/l, pH từ 6-8...
(Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp giấy và bột giấy năm 2015 của VN, giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm BOD là 30mg/l, COD là 75mg/l với cơ sở mới, tổng chất rắn lơ lửng TSS là 50 mg/l, pH là từ 6-9 – PV)  
Ông Chung cũng khẳng định: công ty không hề dùng chất xút (NaOH) trong suốt các quá trình sản xuất.
Còn tại điểm xả thải có xây bể chứa và có ống xả thải nổi trên mặt đất, người dân, cơ quan, ban, ngành đều có thể giám sát và lấy mẫu thử về kiểm tra.
Công ty cũng đặt trạm quan trắc kết nối với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang để nơi này giám sát, theo dõi,...
Đến nguy cơ mất trắng nguồn nước ngọt 
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của Người Đô Thị giải thích như thế nào về báo cáo của UBND tỉnh Hậu Giang gửi Chính phủ ngày 17.6.2016 nêu rõ Lee & Man có sử dụng xút trong quá trình sản xuất, ông Chung đã vội giải thích lại rằng: công ty cam kết không sử dụng xút, nhưng chỉ sử dụng chất này cho xử lý nước thải dùng để trung hòa pH khi cần thiết, tức khi nước có độ pH thấp (không đạt tiêu chuẩn).
Trao đổi với Người Đô Thị, PGS.TS Lê Anh Tuấn, phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, ĐH Cần Thơ cho rằng: việc không sử dụng xút trong sản xuất là khó tin được. Lý do, trong dây chuyền sản xuất giấy phải sử dụng axit làm trắng giấy, làm nước thải bị chua, vì vậy phải dùng xút để trung hòa pH trong chất thải. Chưa kể, độ pH phụ thuộc vào đặc điểm thời tiết, mùa khô kéo dài thì phèn xuất hiện nhiều, khiến độ pH xuống. Trong khi đó, hiện nay mùa khô ngày càng khốc liệt hơn.
Theo PGS Tuấn, cũng với tình hình biến đổi khí hậu và tác động thủy điện trên thượng nguồn Mekong hiện nay, nước sông đang càng ít dần trong mùa khô. Một nhà máy hoạt động quanh năm sử dụng một khối lượng nước lớn (20.000 m3 nước/ngày đêm – PV) như Lee & Man VN, thì sẽ càng tăng nguy cơ nước thải của nhà máy sẽ đe dọa nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản tự nhiên và nuôi trồng khu vực sông Hậu.
Đồng quan điểm này, một chuyên gia về công nghệ môi trường cho rằng không nên có bất cứ một nhà máy sản xuất giấy, bột giấy nào ở ĐBSCL, đặc biệt là trong lưu vực sông Mekong, nhất là sông Tiền và sông Hậu, hai con sông cung cấp nước ngọt cho tất cả các nhu cầu của đồng bằng sông Mekong. Khả năng Lee & Man VN gây ô nhiễm trầm trọng không những làm mất trắng toàn bộ nguồn nước ngọt mà còn huỷ hoại toàn bộ nguồn lợi về thủy sản sông Hậu.
nhà máy giấy Lee & Man
Khu vực xử lý nước thải của nhà máy giấy Lee & Man VN
Chuyên gia này phân tích: trong quá trình sản xuất giấy, đặc biệt là bột giấy (với nguyên liệu là gỗ, tre, nứa, ...) thì phải dùng xút (NaOH) đậm đặc để tách lignin (chất keo có trong gỗ, tre nứa tự nhiên – nguyên liệu dùng trong sản xuất). Quá trình sản xuất kiềm nóng sẽ tạo thành một dung dịch đen chứa xút và lignin, rất khó xử lý bằng phương pháp sinh học. Các nhà máy giấy lớn trên thế giới thường phải đốt dung dịch này để thu hồi lại xút, tuy nhiên điều này sẽ phải tốn năng lượng rất lớn. Và nếu đốt dịch đen thu hồi xút thì lại rất đắt tiền, khó kham nổi (tốn cả triệu USD để lắp đặt hệ thống, chưa kể đốt thu hồi). Đây là lý do các nhà máy giấy và bột giấy xả thải một lượng xút rất lớn ra môi trường. Bài học nhà máy giấy Bãi Bằng (Phú Thọ) và Đồng Nai là những ví dụ điển hình. 
Theo vị chuyên gia, nếu trong nước có lượng lignin cao như vậy mà xử lý không hết, khi dùng clo khử trùng sẽ tạo thành hợp chất THM (Trihalomethane) là một chất gây ung thư.  
Chưa kể, lignin thải vào nguồn nước sẽ làm ung các loại trứng cá!
Tương tự, theo ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, nguy cơ từ Lee & Man VN có thể sẽ rất lớn bởi vì sản lượng cá ở ĐBSCL gấp 8 lần của đồng bằng Bắc Bộ và bằng tất cả các miền khác của VN cộng lại. Thủy sản cửa sông Hậu vào mùa khô là rất cao, tập trung ngay tại cửa sông theo báo cáo của WWF.
     
Thêm một nhà máy nhiệt điện Lee & Man VN 125 MW
Tại buổi họp báo ngày 23.6, ông Chung Wai Fu cho biết, để phục vụ cho sản xuất, dự án có một trạm điện và nhiệt với công xuất 100 MW.
Tuy nhiên, khi Người Đô Thị hỏi thêm thông tin, cũng như về việc thực hiện các bảo vệ môi trường (xử lý tro xỉ, hệ thống khí thải, nước thải, kế hoạch khắc phục sự cố, phục hồi môi trường khi dự án kết thúc vận hành,...) với nhà máy nhiệt điện này, thì ông Chung không trả lời.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nằm trong dự án sản xuất giấy của Lee & Man VN, nhà máy nhiệt điện Lee & Man VN đã được UBND tỉnh Hậu Giang phê duyệt ĐTM vào tháng 12.2014, gồm hai tổ máy 50 MW và 75 MW.
Cũng theo các chuyên gia, nước sông Hậu Giang dùng cấp nước cho cả một vùng. Vì vậy nếu nước thải từ sản xuất giấy xử lý không đạt chuẩn, lén lút xả thải thì nước theo triều đẩy lên theo sông Hậu, chắc chắn các nhà máy nước của các thành phố sẽ bị ảnh hưởng.
Trách nhiệm chính quyền và bài toán lợi ích kinh tế?
Dự án nhà máy giấy Lee & Man VN với diện tích 80 ha nằm tại cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, thị trấn Mái Dầm. Công ty này cam kết xử lý nước thải ra môi trường đạt loại A.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hậu Giang gửi Chính phủ ngày 17.6.2016, do nguồn ngân sách tỉnh khó khăn, thực tế số lượng nhà đầu tư tại đây lại ít, chỉ 2 doanh nghiệp lấp đầy 100% diện tích, gồm Lee & Man VN, lại đều cam kết xử lý nước thải đạt loại A, nên tỉnh không đầu tư xây dựng hạ tầng và trạm xử lý nước thải tập trung.
Như vậy, toàn bộ nước thải của Lee & Man VN sẽ xả thải thẳng ra sông, với điều kiện xử lý đạt loại A.   
Việc không xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung mà khoán hẳn cho doanh nghiệp tại cụm công nghiệp Phú Hữu A của tỉnh Hậu Giang, xét về vai trò và trách nhiệm, thì chẳng khác gì chính quyền đang tự loại bỏ hẳn vai trò giám sát của mình! Đặc biệt là khi ô nhiễm môi trường đang là một vấn nạn lớn của đất nước.
Nhiều chuyên gia môi trường cho biết, phải khẳng định ngay rằng, trên thế giới hiện nay, nước nào cũng sợ nhà máy giấy, nguyên nhân vì nguy cơ gây ô nhiễm rất lớn. Đây cũng là lý do khiến hầu hết các dự án sản xuất giấy và bột giấy thường bị đẩy đem sang các nước đang phát triển.
 nhà máy giấy Lee & Man
Dự án nhà máy giấy nằm giáp sông Hậu và rạch Mái Dầm
Trao đổi với Người Đô Thị, một chuyên gia công nghệ môi trường nhấn mạnh, xét trên thực tế hiện nay và từ bài học cá chết Vũng Ánh, cần xem Lee & Men VN là một trường hợp đặc biệt. Cam kết xử lý nước thải đại loại A chỉ dựa trên một số chỉ số lý hóa như quy định hiện nay là chưa đủ.
Theo chuyên gia, Lee & Man VN cam kết xử lý nước thải loại A, và chất lượng nước thải sau xử lý phải tương đương với nước sông trước khi có nhà máy, đặc biệt là chỉ tiêu TDS (tổng hàm lượng chất rắn hòa tan trong nước bao gồm tất cả loại muối) của VN cần được điều chỉnh lại cho phù hợp với trường hợp này, tức là phải bằng hoặc thấp hơn nước sông Hậu ở thượng nguồn trước khi có nhà máy.
Điều này cũng có nghĩa là một doanh nghiệp sản xuất giấy như Lee & Man sẽ rất khó khả thi về mặt kinh tế. Trong khi đó, việc xút bị xả ra ngoài môi trường sẽ làm tăng nồng độ natri, làm mất tính chất hóa học của nước, làm tăng nồng độ TDS.
Vì vậy, việc một doanh nghiệp cam kết xử lý nước thải ra môi trường đạt loại A không khác gì công ty này tự giết chết mình, bởi sẽ tốn chi phí xử lý rất lớn, hoạt động kinh doanh không thể có lãi được. Chưa kể, toàn bộ nguyên liệu (giấy phế thải) phục vụ cho sản xuất của Lee & Man VN là nhập khẩu.
Dư luận hoàn toàn có quyền đặt ra những chất vấn và nghi ngại. Nhất là khi các thông tin dự án của Lee & Man VN chỉ được cung cấp một chiều, mà không có thông tin đã được nhà nước phê duyệt để đối chiếu, phản biện.
Ngay cả tại một buổi họp báo tưởng rằng doanh nghiệp thiện chí minh bạch thông tin, có sự tham gia của đại diện chính quyền và cơ quan chức năng (phó chánh văn phòng UBND tỉnh Hậu Giang, phó giám đốc sở Công thương, phó giám đốc sở TNMT), nhưng khi chúng tôi đạt câu hỏi cho cơ quan chức năng thì hoàn toàn bị rơi vào im lặng.
Đại diện cơ quan chức năng lặng lẽ rời đi, còn Lee & Man VN độc chiếm toàn bộ diễn đàn.
________________________________
 Cần đánh giá lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường
 nhà máy giấy Lee & Man
Tổ hợp nhà máy xử lý nước thải, nhà máy sản xuất, nhiệt điện,... nằm trong dự án nhà máy giấy Lee & Man VN
Trước câu hỏi của Người Đô Thị và phóng viên các báo đài về Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án, ông Chung Wai Fu thừa nhận ĐTM đã được chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt năm 2008 là đã lạc hậu, vì vậy mọi hạng mục trong dự án, từ nhà máy sản xuất, xử lý nước thải, trạm điện, cầu cảng đều đã có ĐTM riêng và cấp giấy phép xây dựng mới. Tuy nhiên, công ty này cũng thừa nhận hiện công ty đang chủ động gom từng ĐTM các hạng mục riêng lẻ thống nhất lại. Theo quy định, ĐTM sau hai năm phải được đánh giá lại.
Trao đổi thêm với Người Đô Thị, nhiều chuyên gia môi trường cũng cho rằng, rất cần đánh giá lại ĐTM từ năm 2008 của Lee & Man VN lẫn các ĐTM riêng lẻ mới đây, bởi các tiêu chuẩn về môi trường hiện nay của VN đang rơi vào tình trạng đang có nhiều sai lệch, lẫn đã quá lạc hậu so với yêu cầu bức thiết thực tế hiện nay.
Luật BVMT 2014 đã có những quy định mới về trách nhiệm của hội đồng thẩm định và người ký duyệt ĐTM.
________________________________________ 
Theo UBND tỉnh Hậu Giang, dự án nhà máy sản xuất giấy và bột giấy tại cụm công nghiệp Phú Hữu A, huyện Châu Thành (Hậu Giang) có diện tích 82,8ha do Công ty TNHH giấy Lee & Man (thuộc Tập đoàn Lee & Man Paper Hong Kong - Trung Quốc) làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư 628,7 triệu USD.
Dự án được khởi công tháng 8.2007, dự kiến hoàn thành sau 14 tháng. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, đến nay dự án vẫn chưa đi vào hoạt động.
Theo ông Chung Wai Fu, kể từ khi bắt đầu quay lại khởi động dự án, Lee & Man VN chỉ mất 1,5 năm để xây dựng hoàn bộ quy mô dự án như hiện nay. Công ty đã được Bộ TNMT cấp giấy phép xả thải vào tháng 12.2015 với lưu lượng xả thải lớn nhất là 50.000 m3/ngày đêm.
Kế hoạch, nhà máy giấy sẽ được đưa vào hoạt động thử nghiệm vào cuối tháng 7.2016, và sẽ chính thức vận hành, có sản phẩm vào tháng 8.2016; với công xuất nhà máy xử lý nước thải hiện tại là 20.000 m3/ngày đêm.
Dự án nhà máy giấy Lee & Man VN có quy mô là lớn nhất Việt Nam, TOP 5 trên Thế giới; nằm tiếp giáp với sông Hậu và rạch Mái Dầm.

 Bài & ảnh: Lê Quỳnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét