Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2016

Vô liêm sỉ


Chuyện bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh phát biểu tỉnh queo rằng việc bổ nhiệm 8 người nhà của ông làm quan ở tỉnh này là đúng quy trình, cho thấy sự vô liêm sỉ cực kỳ trong giới quan lại nay không còn là cá biệt nữa.
Có cái quy trình đang cho phép sự vô liêm sỉ tồn tại và phát triển ngang ngược, bất chấp lẽ phải và đạo lý. Bởi thực tế là từ trên xuống dưới, ai ai cũng làm như vậy, nhan nhản, phổ biến chứ đâu chỉ có riêng ông Triệu bí thư. Sao chỉ đem mình ông ra mà bắn… chỉ thiên? Oan ức vô cùng tận cho Triệu bí thư.
Mình từng được "giáo dục" phàm cái gì của bọn thực dân phong kiến đế quốc thì đều xấu xa, phải phản đối, phải căm thù cao độ (Kiểu "Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ, đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sỹ"). Nên đã chẳng muốn nhớ tới cái gọi là Luật Hồi tỵ vốn là mồ ma của bọn phong kiến từ thời Hậu Lê.
Nhưng nay nghe toàn chuyện bổ nhiệm người nhà nhan nhản, lại còn ngạo mạn tuyên bố đúng quy trình kiểu Triệu bí thư Hà Giang, nên dầu muốn quên cũng phải nhớ tới chuyện hồi tỵ xấu xa của bọn phong kiến.
Theo từ điển Hán Việt của cụ Đào Duy Anh thì “Hồi tỵ” có nghĩa là tránh đi. Ví như một người được bổ đi làm quan ở một địa phương, nếu có người bà con đã là liêu thuộc ở đó thì phải tránh đi, thế gọi là hồi tỵ. Làm như vậy để tránh việc các quan lạm dụng quyền thế, kéo bè cánh bà con nội ngoại và bạn bè thân thuộc vào nha môn để hà hiếp nhân dân.
Luật Hồi tỵ ra đời dưới triều vua Lê Thánh Tôn (ở ngôi từ 1460 - 1497) nhằm minh định việc bổ dụng đội ngũ quan lại phong kiến thời đó. Luật được hoàn thiện vào thời vua Minh Mạng (ở ngôi từ 1820 - 1841), và được các vua nhà Nguyễn tiếp tục được thực hiện sau đó.
Năm Minh Mạng thứ 17 (1836) Luật Hồi tỵ định thêm: “Lại mục, thông lại không được làm việc ở huyện nguyên quán mà phải đi làm việc ở một huyện khác”.
Đến thời vua Thiệu Trị qui định tiếp: “Trong nha môn có nhiều người là bố vợ, anh em ruột của vợ, chồng chị, chồng em của vợ đều phải hồi tỵ”.
Luật Hồi tỵ cũng được áp dụng trong các kỳ thi. Điều 209 qui định những khảo quan (chấm thi, coi thi…) nào có thân thích, bà con ứng thí ở trường thi mình có trách nhiệm phải khai báo hồi tỵ. Nếu cố tình không khai báo sẽ bị trọng tội vì cố ý làm trái.
Hóa ra bọn ta suốt ngày chửi bọn phong kiến nhưng thực tế thì còn tệ hại hơn cái bọn mà ta được dạy rằng phải “đào tận gốc trốc tận rễ” này nhiều lắm, xách dép đi học bọn xấu xa này còn chưa xong.
Thế nên dân gian giờ mới có "bài kệ: “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba đồ đệ, tư tiền tệ còn trí tuệ thì mặc kệ”.
Thủ tướng Phúc nói thì làm: "Tìm người tài chứ không phải tìm người nhà", giờ tính sao?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét