Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2016

Hoa Anh Ðào trong tâm thức người Nhật



Hoàng Long

Nhắc đến Nhật Bản là người ta nhớ ngay đến một đất nước có những điểm vô cùng độc đáo về văn hóa và sáng tạo, dung hòa được những điều mâu thuẫn cùng cực và tương phản nhau. Một đất nước vô cùng coi trọng lễ nghi với những nét truyền thống còn giữ lại qua hàng ngàn năm với Kyoto cổ kính, với geisha mặc kimono cao quý, tiếng đàn samisen dìu dặt, vườn cảnh tĩnh lặng thâm u, mái chùa rêu phong trầm mặc lại dẫn đầu thế giới về hàng điện tử, về công nghệ game và phim khiêu dâm. Một đất nước vô cùng tôn trọng sự sống của mọi loài sinh vật trong thiên nhiên lại có tỉ lệ tự sát đứng vào hàng cao nhất thế giới. Tại sao có sự trái ngược này? Chúng ta thử tìm hiểu một khía cạnh của nền văn hóa Nhật Bản qua hoa anh đào, một loài hoa biểu thị cho linh hồn Nhật Bản, nơi người Nhật gửi gắm bao nhiêu tư tưởng triết học và mỹ học của mình vào những cánh hoa bé nhỏ mong manh.
Trước hết là sự tinh tế và mẫn cảm của người Nhật Bản trong việc cảm nhận sự chuyển đổi bốn mùa của thiên nhiên. Người Nhật luôn dành cho thiên nhiên một tình cảm đặc biệt. Với những đổi thay đa dạng phong phú và bốn mùa khác biệt được gọi là “siêu thị thời tiết”, người Nhật luôn ý thức được được mình đang sống ở một trong những nơi đẹp nhất hoàn vũ. Mùa xuân hoa anh đào nở trắng núi đồi; mùa hạ tiếng ve sầu, tiếng chim cu, pháo hoa rực rỡ; mùa thu lá vàng lá đỏ (momiji) với ánh trăng soi và rượu hoa cúc; mùa đông với tuyết trắng và giai nhân “tuyết đọng trên mái nhà, người đẹp đêm yên tĩnh”. Cho nên việc thưởng ngoạn thiên nhiên của người Nhật vốn có một truyền thống lâu đời. Thể thơ đặc trưng của Nhật Bản và là thể thơ ngắn nhất thế giới haiku chỉ gồm 17 âm tiết vốn gợi ra tâm trạng của con người trước bốn mùa chuyển biến. Vì thế mà trong thơ haiku, quý ngữ (kigo: từ chỉ mùa) là vô cùng quan trọng. Cho dù sau này thơ haiku phát triển thành thơ haiku cách tân và tiền vệ có khuynh hướng lược bỏ quý ngữ đi nữa thì cảm giác do bốn mùa gợi ra đối với người Nhật là không bao giờ thay đổi.

Yêu thiên nhiên, thích gần gũi với thiên nhiên nên người Nhật mới có một phát minh vô cùng độc đáo là cây bonsai nhằm thu nhỏ thiên nhiên, đưa thiên nhiên vào trong nhà mình. Ngoài ra nghệ thuật vườn cảnh Nhật Bản vô cùng phong phú đa dạng, đi đến tuyệt mỹ của nghệ thuật, của Đạo. Chịu ảnh hưởng của Thiền Tông, người Nhật còn phát minh ra “khô sơn thủy”, tức là vườn khô, chỉ gồm cát đá sắp xếp theo một ý đồ nghệ thuật gợi ra núi non, ao hồ biển cả. Vườn cát khô sơn thủy ở chùa Ryoanji (Long An Tự), Kyoto là tiêu biểu và nổi tiếng nhất cho thể loại này.
Tình yêu thiên nhiên của người Nhật đã được tác giả Suzuki Setsuko trong quyển “Linh hồn Nhật Bản” giải thích như sau “Đối với người Nhật, tự nhiên vừa là một đối tượng để thưởng ngoạn vừa là suối nguồn khơi gợi những cảm hứng thi ca mạnh mẽ. Người Nhật yêu hoa bởi dáng vẻ và những cảm xúc gợi ra hơn là màu sắc và mùi hương của nó. Trong thơ ca, người Nhật coi trọng đặc biệt đến bốn mùa, đó là thể hiện sự yêu quý đến thực vật và sự quan sát tỉ mỉ chi tiết của các loài thực vật như là một ấn chứng của tự nhiên vừa dễ thay đổi lại vừa bất biến. Việc thấu hiểu được thái độ này của người Nhật đối với tự nhiên là điều không thể thiếu trong giám thưởng văn học Nhật Bản truyền thống”. Minh chứng cho điều này là trong chừng khoảng bốn ngàn năm trăm bài thơ trong Vạn diệp tập 万葉集 thì có chừng một phần ba lấy chủ đề là về thực vật hay đề cập đến thực vật trong hình thức này hay hình thức khác. Trong tác phẩm Genji monogatari 源氏物語 được viết vào khoảng năm 1000 Tây lịch, được biết đến như một tác phẩm miêu tả thiên nhiên trác tuyệt, có xuất hiện 101 loài thực vật. Trong đó thì hoa anh đào (sakura) chiếm vai trò chủ đạo đến mức từ “sakura” 桜 trong thời Heian đồng nghĩa với “Hoa” (hana) 花 và được rất nhiều người yêu thích. Còn nhà nghiên cứu quốc học nổi tiếng Motoori Norinaga 本居宣長 đã xưng tụng hoa anh đào như là một đối tượng thực vật tiêu biểu và đối tượng của lòng yêu nước như sau: “Nếu người ta muốn biết tinh thần Nhật Bản Đại Hoà hồn, hãy ngắm hoa anh đào ngát hương trên đỉnh núi sớm mai” (敷島の大和心を人間わば朝日ににほふ山桜花).
Lòng yêu hoa anh đào của người Nhật được thể hiện vào mùa xuân khi đất nước đảo quốc ngập tràn sắc hoa anh đào từ nam đến bắc. Chưa có đất nước nào trên thế giới mà tình hình hoa nở được cập nhật từng ngày trên báo chí và truyền hình trong mục “tiền tuyến hoa anh đào” (sakura zensen) vô cùng chi tiết như “bắt đầu nở” (sakihajime), “nở ba phần” (sanbunsaki), “nở bảy phần” (shichibunsaki), “mãn khai” (mankai), “bắt đầu rụng” (chirisame). Rồi dân chúng lũ lượt kéo nhau đi ngắm hoa “hanami”, mở yến tiệc, hát ca dưới hoa. Những chỗ ngắm hoa nổi tiếng phải có người đến sớm để chăng dây giữ chỗ. Ngắm ban ngày chưa đủ, người Nhật còn ngắm hoa anh đào ban đêm với ánh trăng nữa. Có những nhà thơ nổi tiếng như Saigyo cuồng hoa, được gọi là “nhà thơ của hoa đào”, mong muốn được chết dưới cội hoa anh đào vào đêm trăng rằm mùa xuân và kỳ lạ là điều ước của thi nhân đã trở thành hiện thực.
Vậy tại sao hoa anh đào được xem là quốc hoa của Nhật Bản? Cũng theo Suzuki “giá trị quan truyền thống của Nhật Bản là giản đơn và thanh khiết được phản ánh trong hình dáng và màu sắc hoa anh đào. Thời kỳ khai hoa của sakura rất ngắn và lập tức tàn phai nên đã tượng trưng cho vẻ đẹp ngắn ngủi phù du, được xem như là trung tâm của mỹ học Nhật Bản”
Tác giả Akishina Omori trong quyển “Bí ẩn người Nhật Bản” đã dành nguyên một chương 15 để giải đáp câu hỏi “Tại sao người Nhật lại đi ngắm hoa anh đào (hanami) vào mùa xuân”? Tác giả đã phân tích rằng thường người Nhật thích hoa anh đào lúc hoa nở và hoa rụng. Cái cảm giác luyến tiếc khi hoa rụng rơi thể hiện triết lý và mỹ học về sự sống và cái chết của người Nhật Bản.
Người Nhật chịu ảnh hưởng của bi cảm aware của văn hóa truyền thống với cảm giác vô thường của Phật Giáo nên rất coi trọng vẻ đẹp mong manh phù du. Cảm giác vô thường (mujo) có nghĩa không có điều gì bền vững, tất cả rồi sẽ phải đổi thay. Còn aware có thể dịch tạm là “u hoài”. Trong quyển linh hồn Nhật Bản”, khái niệm aware được định nghĩa như sau: “Đây là một khái niệm văn học và mỹ học được phát đạt vào thời Heian 平安. Trung tâm của khái niệm này là một cách lý giải sâu sắc mạnh mẽ đối với cái đẹp mong manh ngắn ngủi của tự nhiên và mọi dạng thức của cuộc đời này. Bởi vậy thường thì khái niệm này hàm ẩn một sắc nét buồn nào đó nhưng tuỳ theo trường hợp và thời điểm, nó có thể đi cùng với sự tán thưởng, sùng kính hay niềm vui.
Từ này được phục hoạt lại thông qua trước tác của Motoori Norinaga 本居宣長. Theo Norinaga thì “aware” あわれ là sự kết hợp của hai từ cảm thán “a” あ và “hare” はれ. Hai tiếng này đều là tiếng tự nhiên phát ra khi tâm tình con người bị xúc động mạnh. Tầng lớp quý tộc triều đình thời Heian đã làm giảm sắc thái mãnh liệt về cảm tính của từ này và hạn định ý nghĩa của “aware” vào cái đẹp ưu nhã, cái u uất thầm lặng và hơn nữa nhấn mạnh đến tính vô thường của Phật Giáo. Tuy vậy, từ này dần dần mất đi ý nghĩa vui sướng và đền thời của Norinaga thì “aware” 哀れ chỉ còn biểu thị ý nghĩa của nỗi buồn bi ai, tiếng kêu cảm thán mà thôi.
Norinaga là học giả đầu tiên trong khi nghiên cứu về “Nguyên thị vật ngữ” 源氏物語 nhận thấy rằng khái niệm “aware” là một khái niệm trọng yếu không chỉ hiện diện trong tản văn và thơ ca mà còn xuyên suốt trong toàn bộ nền văn học thời kỳ Heian. Và để phân biệt khái niệm này với “aware” chỉ nỗi buồn thương thống khổ được sử dụng thường xuyên trong thời của mình, Norinaga đã đặt lại tên cho khái niệm này là “mono no aware” もんおあわれ. Theo ý nghĩa của từ thì đó là “một cảm tình sâu sắc liên quan đến sự vật” ものごとにかかわる深い感情. Cho dù một người được nuôi dưỡng trong một nền giáo dục nào đi chăng nữa thì “nỗi buồn” vẫn là “nỗi buồn”. Nếu có người không thể nào cảm nhận được nỗi buồn thương thì người đó không có trái tim, không hề biết đến “mono no aware”. Theo suy nghĩ của Norinaga, “mono no aware” là một cảm tình đã được nâng cao, thuần tuý hoá, gần với điều sâu thẳm nhất của trái tim con người và tự nhiên. Do đó, cùng với đẹp ngắn ngủi phù du thì cái tâm biết nuôi dưỡng, làm phong phú thêm cái cảm nhận thấu hiểu về cái đẹp phù du đó là điều rất quan trọng”
Trong thế gian này chẳng có gì là mãi mãi. Tất cả đều vô thường và phù du, ngắn ngủi. Bởi vậy người Nhật yêu hoa anh đào vì sự rụng rơi đúng lúc đẹp nhất của hoa như một biểu tượng mỹ học về cái chết. Trong các bài chiến ca, ta cũng nghe ra hình ảnh hoa anh đào tượng trưng cho những người chiến sĩ “tôi cùng các bạn, là hoa anh đào cùng mùa, nếu hoa đã nở thì chắc phải có ngày rụng rơi, hãy ý thức được điều đó, hãy rơi cho đẹp đẽ, vì quốc gia” (“Hoa anh đào cùng mùa” 同期の櫻、どうきのさくら, Saijou Yaso sáng tác)

Nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng người Nhật không có triết lý về sự sống nhưng có triết lý về cái chết. Trong những quyển binh pháp vĩ đại dành cho samurai luôn chỉ ra bí quyết tối hậu là phải vượt lên sống chết. Quyển sách vĩ đại nhất về binh pháp của Samurai là “Hagakure” (Ẩn mình dưới lá) không ngừng nhắc đi nhắc lại rằng lúc nào người samurai cũng phải nghĩ đến cái chết để vượt qua sống chết. Câu văn của kiếm sĩ kiệt xuất Tsukahara Bokuden được ngời đời sau ghi thêm vào có thể coi là tóm tắt tinh thần của quyển sách “võ sĩ sở học vô tha pháp, duy bất cụ tử thị thiên cơ” (sở học của võ sĩ không có pháp nào khác ngoài đối diện với cái chết không chút nào sợ hãi). Tinh thần samurai ấy còn được tiếp diễn mãi đến cuối thế chiến thứ hai khi những phi công cảm tử “Thần phong” (Kamikaze) đâm máy bay vào tàu chiến Mỹ trong nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng của cuộc chiến. Như nhiều nhà nghiên cứu đã nói không phải là Nhật thiếu phi công cảm tử mà chỉ thiếu máy bay mà thôi.
Đối với người Nhật, cái chết là một thách thức mỹ lệ, là vẻ đẹp tuyệt đối. Với những não trạng nhạy cảm và ưu tú đặc biệt, những nhà văn Nhật Bản đã đưa vào trong tác phẩm của mình “mỹ học về cái chết” thể hiện qua nhiều hình ảnh khác nhau hay dùng chính cuộc đời mình để thể hiện. Chưa có một đất nước nào mà các nhà văn nhà thơ lại tự sát nhiều như Nhật Bản. Chỉ tính từ thời Minh Trị (từ năm 1868) đến nay, ta đã có Kawakami Bizan, Kitamura Tokoku, Akutagawa Ryu no suke, Dazai Osamu, Kawabata Yasunari, Mishima Yukio, Arishima Takeo, Hara Tamiki chọn con đường tự sát bằng đủ cách từ treo cổ, bật hơi ga, uống thuốc độc, trầm mình xuống sông, nhảy vào đầu máy xe lửa và đặc biệt cái chết mổ bụng tự sát (seppuku) theo kiểu samurai nổi tiếng của văn hào Mishima Yukio. Trong những tác phẩm văn chương Nhật Bản, cái chết nhiều khi được miêu tả rất mỹ lệ. Tác phẩm “Đèn không hắt bóng” của Watanabe Junichi được giáo sư Cao Xuân Hạo dịch ra Việt ngữ là một minh chứng điển hình cho mỹ học về cái chết thể hiện trong văn chương. Bác sĩ Naoe, một nhà phẫu thuật lỗi lạc, giấu mọi người căn bệnh ung thư đã chọn cho mình cái chết trầm mình xuống hồ có một rừng cây dưới đáy để xác không bao giờ nổi lên, không làm phiền người khác. Trong một tác phẩm khác cũng của Watanabe “Gặp lại người xưa” (Sơn Lê dịch) cũng có cảnh một phụ nữ đẹp tuyệt trần khi biết tin mình bị bệnh phải khoét một con mắt mới sống được đã chọn con đường nhảy xuống biển tự sát để chết nguyên vẹn, chết đẹp đẽ. Lặng lẽ biến mất tuyệt tích. Không dấu vết. Một thứ mỹ học cao sang lạnh lùng và đẹp đẽ vô song chỉ có thể có được ở người Nhật Bản. Đúng thật như cánh hoa anh đào lìa cành trong độ rực rỡ nhất để lại nuối tiếc bao nhiêu. Hình ảnh những cánh hoa rơi đi vào tâm thức người Nhật trở thành biểu tượng của một triết lý về nhân sinh và mỹ học về cái chết. Bởi thực ra sống và chết chỉ là hai mặt của một vấn đề như hai mặt tờ giấy, hai mặt đồng xu không hề tách biệt được. Cho nên hiểu thấu và vượt qua cái chết chính là để có thể sống trọn vẹn, tận tụy và tha thiết hơn. Biết chết đẹp thì sẽ biết sống đẹp. Một cuộc đời thành công là cuộc đời không có gì phải hối tiếc. Thanh thản rơi như hoa anh đào. Đức Phật đã nói “trong tất cả những loại tỉnh giác khác nhau, sự tỉnh giác về sự vô thường và cái chết thì hữu hiệu nhất”. Bạn có thấy cuộc đời là giấc mộng “nhân sinh nhược đại mộng” khi nhìn những cánh hoa tuyệt đẹp rơi xuống đất “trông vời hồng rụng ngổn ngang, tìm đâu chốn cũ muôn vàn dưới kia?” để rồi ý thức được khoảnh khắc hiện tại mới chính là đáng sống “mạc tư thân ngoại vô cùng sự, thả tận sinh tiền hữu hạn bôi”?
Vì thế, nếu có cơ duyên nào đó bạn được đến xứ Phù Tang, thấy hoa anh đào bay bay trong gió xin hãy nhớ rằng trong cánh hoa bé nhỏ mong manh ấy gói trọn vẹn triết lý về cuộc sống và cái chết của tâm hồn người Nhật Bản.
Hoàng Longtrích “Bông Hồng Cho Ngày Tháng Không Tên”
Lotus xuất bản tại Hoa Kỳ, 2014

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2016

Tài liệu tuyệt mật của CIA về vụ thảm sát Thiên An Môn 1989

Đội quân tiên phong bị giải thể trong Chương trình Cải cách Quân đội của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là Quân đoàn 27, sự kiện gây chú ý vì đây là đội quân chính gây ra vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989.
Trang tin Next Magazine ở Hồng Kông gần đây đã đăng bài viết tiết lộ thông tin về hồ sơ mật của Nhà Trắng (Mỹ), theo đó tình báo Washington từng thu thập được tài liệu của nội bộ Trung Nam Hải đánh giá về số thương vong trong sự kiện thảm sát Thiên An Môn lên đến 40 nghìn người, trong đó có 10.454 người bị giết.

Thảm sát tại Thiên An Môn ngày 4/6/1989
Thảm sát tại Thiên An Môn ngày 4/6/1989 

Trong cuộc thảm sát này, Quân đoàn 27 là thủ phạm chính. Sau vụ thảm sát, ông Giang Trạch Dân được ông Đặng Tiểu Bình tín nhiệm và cho thay thế ông Triệu Tử Dương. Ông Giang được chọn là vì đã thẳng tay trừng phạt “Báo Kinh tế Thế giới” và biết nghe lời lãnh đạo ra tay đàn áp phong trào dân chủ tại Thiên An Môn.

Trong “Nhật ký Lý Bằng” cũng khẳng định, ông Giang là “kẻ lãnh đạo và quyết định” đàn áp tại Quảng trường Thiên An Môn.

Khác biệt về số lượng thương vong trong tài liệu mật


Có nhiều số liệu khác nhau liên quan đến số người thương vong trong sự kiện Thiên An Môn. Theo số liệu của Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc, số người chết từ 2.600 ~ 3.000 người.

Vào ngày 16/6 năm đó, Tổng Lãnh sự quán Mỹ trú tại Hồng Kông đã chia sẻ một thông tin có được từ tài liệu nội bộ của chính quyền ĐCSTQ, theo số liệu này thì từ ngày 3 – 4/6, tại Thiên An Môn và phố Trường An có 8.726 người bị giết; từ ngày 3 – 9/6, vùng ngoại vi Thiên An Môn thuộc nội thành Bắc Kinh có 1.728 người bị giết.

Vụ thảm sát Thiên An Môn
Vụ thảm sát Thiên An Môn 

Như vậy, tổng số người chết là 10.454 người, còn số người bị thương thì lên đến 28.796 người. Người Mỹ khẳng định, thông tin tình báo của họ đáng tin cậy, cho dù hiện không có cách nào kiểm chứng được thông tin trong tài liệu gốc này.

Theo truyền thông Hồng Kông, tài liệu nội bộ của Trung Nam Hải đánh giá về số thương vong trong sự kiện thảm sát Thiên An Môn và những chi tiết liên quan đến Quân đoàn 27 gây tội ác thảm sát mà người Mỹ thu thập được là chưa từng được biết đến.

Theo Next Magazine, tin tình báo của Mỹ có được qua tài liệu nội bộ của Trung Nam Hải đánh giá về số người thương vong trong sự kiện thảm sát Thiên An Môn lên đến 40 nghìn người, trong đó 10.454 người bị giết.

Chứng cứ này trái ngược hoàn toàn với công bố công khai của chính quyền ĐCSTQ với cộng đồng quốc tế rằng “không có người chết trong Sự kiện Thiên An Môn 1989.”

Quân đoàn 27 gây ra vụ thảm sát là đội quân mù chữ


Tối ngày 9/2 năm nay, chương trình “Tin tức Quân sự” của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đưa tin, Quân đoàn 27 đã từ Thạch Gia Trang chuyển tới Sơn Tây.

Vào tháng 12 năm ngoái, tờ Minh Báo của Hồng Kông đưa tin, Quân đoàn 27 thuộc Quân khu Bắc Kinh bị giải thể, vào tối ngày 29/12 đã chuyển một bộ phận quân đến doanh trại xe tăng tại quận Giao, thuộc Thái Nguyên – Sơn Tây, đổi tên Sư Lục Quân đoàn 27, Tổng bộ trú tại Thạch Gia Trang – Hà Bắc được chuyển đến Ban Lục quân Chiến khu Trung bộ.

Vụ thảm sát Thiên An Môn
Vụ thảm sát Thiên An Môn 

Next Magazine chia sẻ thông tin theo hồ sơ mật của Washington, Quân đoàn 27 là đội quân chính ra tay thảm sát khiến nhiều người thiệt mạng tại Quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6.

Vào sáng sớm ngày 4/6, đội quân này mang theo vũ khí tiến vào Quảng trường Thiên An Môn thực hiện cuộc thảm sát, trong những người bị giết hại có cả lính của những đơn vị khác, vì thế mà tại đây còn xảy ra một cuộc chiến trong nội bộ lực lượng quân đội Trung Quốc.

Theo lời của gián điệp Mỹ, Quân đoàn 27 là đội quân được tín nhiệm và luôn biết phục tùng, tướng chỉ huy là Yang Jianhua, em trai cựu Chủ tịch nước Dương Thượng Côn, còn Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị khi đó là con của tướng Dương Bạch Băng, còn gọi là Dương Thượng Chính.

Nhưng nhân vật bí ẩn này không thấy có bất cứ tài liệu nào nhắc đến, không thể tìm được tên gốc bằng tiếng Trung Quốc.

Theo thông tin, Quân đoàn 27 là đội quân đặc biệt được tuyển từ những nông dân vùng hẻo lánh, có đến 60% là mù chữ.

Doanh trại Quân đoàn 27 ở Thạch Gia Trang, cách Bắc Kinh khoảng 4 tiếng chạy xe, trước ngày vào thành Bắc Kinh họ được thông báo tới Bắc Kinh để huấn luyện. Trên đường đi vào thành Bắc Kinh, lại được thông báo được cho đi tham quan, ai nấy đều thích thú.

Vụ thảm sát Thiên An Môn
Vụ thảm sát Thiên An Môn 

Vào ngày 20/5, sau khi Bắc Kinh thực thi lệnh giới nghiêm, họ mới biết “có lực lượng làm loạn.” Khi đó tiến vào Bắc Kinh còn có đội quân của Thẩm Dương và Thành Đô, nhưng chỉ có Quân đoàn 27 mang theo vũ khí chiến đấu, bao gồm: xe tăng, xe thiết giáp, sung ống đạn dược…

Hồ sơ nhắc đến vụ thảm sát diễn ra vào sáng ngày 4/6, vụ thảm sát xảy ra tại Lục Bộ Khẩu (Liubukou) ở phía tây Trung Nam Hải. Khi người dân cản trở đường đi của quân nhân, đội quân mù chữ Quân đoàn 27 đã chạy xe tăng lao thẳng vào các quân nhân và người đi đường, những họng súng cũng nhắm thẳng vào người dân khai hỏa.

Quân đoàn 27 đã nhận được mệnh lệnh: “Không được cho bất cứ ai chạy thoát, không được cho bất cứ ai sống sót.” Khi xe bọc thép chạy vào Quảng trường Thiên An Môn đã chuyển sang lao vào các học sinh, sinh viên, phụ nữ và trẻ em, giết đến đâu thì dùng máy ủi gom thi thể đến đó và dùng lửa hỏa thiêu.

Bọn lính man rợ được thông báo có khoảng 1000 học sinh trốn ở gần khách sạn Bắc Kinh, khu đường Chính Nghĩa, khi những học sinh này vừa kéo vào thì bị lính mai phục chờ sẵn và nổ súng càn quét. Ngay cả xe cấp cứu của Quân đoàn 27 đến Thiên An Môn chi viện cũng bị chính những tên đồng đội điên cuồng này xả súng vào.

Gián điệp của Mỹ nằm trong Quân đoàn 27 còn cho biết, bọn chúng ra tay khủng khiếp như thế là hoàn toàn là phục tùng mệnh lệnh của cấp trên.

Nhưng hồ sơ của Nhà Trắng còn kể lại tình hình nội bộ trong quân đội Trung Quốc khi đó, ví dụ như một quan chức trong đội quân ở Thẩm Dương sau khi biết tin bạn mình bị Quân đoàn 27 giết hại liền đến trước xe bọc thép của Quân đoàn 27 chửi mắng và lập tức bị một phát súng vào đùi; một quân nhân Thẩm Dương về quê nhà lấy vũ khí rồi trở lại Bắc Kinh liều chết với Quân đoàn 27.

Vụ thảm sát Thiên An Môn
Vụ thảm sát Thiên An Môn 

Quân đội ở Tân Cương, Giang Tây, Sơn Đông cũng đến Bắc Kinh đối đầu với Quân đoàn 27.

Giang Trạch Dân được chọn vì “công lao” tắm máu người dân tại Quảng trường Thiên An Môn

Nhiều người đều biết, ông Giang Trạch Dân được lên nắm quyền lực tối cao sau sự kiện Thiên An Môn. Hồ sơ mật của Nhà Trắng cũng đề cập, Bí thư Thành ủy Thượng Hải đương nhiệm Giang Trạch Dân được xem là kẻ được lợi nhiều nhất nhờ công tắm máu tại Thiên An Môn.

Năm 1989, ông Giang là Bí thư Thành ủy Thượng Hải, vào trung tuần tháng 5/1989 làn sóng dân vận lan tới Thượng Hải, mũi nhọn dân chúng chĩa vào ông ta, thời điểm đó báo Kinh tế Thế giới ở Thượng Hải là tờ báo ủng hộ cải cách, vì đăng bài viết tưởng nhớ ông Hồ Diệu Bang nên đã bị Giang đến chỉnh đốn và bị đình bản.

Sau sự kiện Thiên An Môn, người Mỹ mới biết rằng, khi thực hiện lệnh giới nghiêm vào ngày 20/5 tại Bắc Kinh, ông Giang đã được ông Đặng Tiểu Bình hứa sẽ cho lên thay ông Triệu Tử Dương. Ông Giang được chọn là vì mạnh tay xử lý Báo Kinh tế Thế giới, và hùa theo bài Xã luận 426 trên Nhân dân Nhật báo.

Trong đó, sự kiện của Báo Kinh tế Thế giới là tâm điểm dẫn đến Phong trào Dân chủ Học sinh Sinh viên năm 1989.

Trong “Nhật ký Lý Bằng” viết, trong đêm xảy sự kiện Thiên An Môn, ông Giang Trạch Dân ở ngay gần Thiên An Môn để chỉ huy “chiến trường”.

Cuốn Nhật ký còn chỉ ra, ngày 3/6/1989, ông Đặng Tiểu Bình đã phê chuẩn phương án đàn áp phong trào vào tối hôm đó, ông Giang “trú tại lầu 4 tòa nhà của lực lượng Cảnh vệ, có thể quan sát mọi động thái tại Quảng trường Thiên An Môn qua cửa sổ.”

Giang Trạch Dân bước lên đỉnh quyền lực sau sự kiện Thiên An Môn
Giang Trạch Dân bước lên đỉnh quyền lực sau sự kiện Thiên An Môn 

Tháng 1/2011, nhà đấu tranh nhân quyền Ngụy Kinh Sinh sống lưu vong ở ngoài Trung Quốc Đại Lục đã có bài viết tiết lộ, nhiều người không biết, trước sự kiện Thiên An Môn ngày 4/6/1989, ông Giang Trạch Dân đã được xem như là Tổng Bí thư, vì thế mới có thể vào thành Bắc Kinh chỉ huy cuộc tàn sát. Tội ác của ông Giang trong vụ thảm sát này là rõ như ban ngày

Cùng với việc ông Giang lên nắm quyền, ông Triệu Tử Dương vì phản đối đàn áp phong trào dân chủ Thiên An Môn 1989 nên đã bị mất chức, sau đó bị giam lỏng tại số 6 Hồ Đồng, Phú Cường, Bắc Kinh, đến năm 2005 thì qua đời ở tuổi 85.

Vào năm 2002, khi ông Giang mãn nhiệm kỳ Tổng Bí thư và Chủ tịch nước, ông ta đã đưa ra một số quy định cho các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, trong đó có quy định là “không được lật lại vụ án tại Quảng trường Thiên An Môn.”

Nguyên nhân của Quy định này là vì chính ông ta là nhân vật chủ mưu và cũng là kẻ giành được lợi ích nhiều nhất.


Nguồn VTC News


http://www.vtc.vn/tai-lieu-tuyet-mat-cua-cia-ve-vu-tham-sat-thien-an-mon-1989-d245646.html

Thứ Tư, 2 tháng 11, 2016

10 hành vi của những người chân thật

Những người chân thật là những người có suy nghĩ đi đôi với hành động. Không may đây là một phẩm chất khó nhận thấy. Vấn đề là tất cả các mối tương tác của con người đều có sự liên quan. Chúng đều có chức năng giúp chúng ta nhìn nhận nhau thông qua lăng kính chủ quan của chúng ta.
01
Chân thật cũng là một phẩm chất hiếm thấy. Trong một thế giới đầy thú vui giả tạo, quảng cáo cường điệu trên truyền thông, những người thích ảo, những người suy nghĩ tích cực thái quá và các thương hiệu cá nhân, nơi mọi người đều muốn có những thứ họ không có, thì không ai hài lòng với những gì họ có, và quan trọng hơn là không ai sẵn lòng thừa nhận bất cứ điều nào trong những điều trên, thì phẩm chất này trở nên ngày càng hiếm hơn bao giờ hết.
Dưới đây là những dấu hiệu giúp bạn xác định được phẩm chất quý hiếm này ở bản thân và những người khác qua cách họ hành xử.
  • Họ không tìm kiếm sự chú ý. Họ không cần củng cố cái tôi của chính họ. Những người tìm kiếm sự chú ý luôn thấy có những lỗ hổng cần lấp đầy, còn những người chân thật đã lấp đầy chúng bằng sự tự tin và tự ý thức.
  • Họ không quan tâm tới việc được người khác ưa thích. Nhu cầu được yêu thích nảy sinh từ sự bất an và tự yêu bản thân. Nó tạo ra nhu cầu lôi kéo các cảm xúc của chính bạn và những người khác. Những người tự tin và thành thật chỉ đơn giản là chính họ. Nếu bạn thích họ, tốt thôi. Nếu bạn không thích thì cũng chẳng sao cả.
  • Họ có thể biết khi nào ý kiến của mọi người là đủ. Có lẽ những người ngây thơ rất dễ bị lừa phỉnh, nhưng những người thành thật thì không ngây thơ. Họ thực tế và điều đó cho họ cơ sở có thể nói khi nào mọi thứ là đủ. Đó là một sự khác biệt lớn.
    Họ thoải mái trong vỏ bọc của chính họ. Khi ở độ tuổi 70, diễn viên Leonard Nimoy (biểu tượng của điện ảnh thế giới qua vai diễn Spock trong bộ phim Star Trek) đã nói rằng ông đã trở nên thoải mái với chính bản thân mình hơn, gần như nhân vật Spock thể hiện. Hầu hết chúng ta đều gặp khó khăn với điều này. Henry David Thoreau từng quan sát thấy rằng: “Số đông mọi người sống một cuộc sống tuyệt vọng âm thầm”.
  • Họ làm những điều họ nói và nói những điều họ nghĩ. Họ không đánh lừa hoặc phóng đại. Họ thực hiện các cam kết của họ. Và họ không phân tích từng lời nói của mình hoặc bọc đường sự thật. Nếu bạn cần nghe sự thật, họ sẽ nói với bạn… ngay cả khi nó khó nói với họ và khó nghe với bạn.
  • Họ không cần quá nhiều thứ. Khi bạn thoải mái với chính mình, bạn không cần quá nhiều những thứ bên ngoài để cảm thấy hạnh phúc. Bạn biết phải tìm hạnh phúc ở đâu, chính là bên trong bản thân bạn, những người thân yêu và công việc của bạn. Bạn tìm thấy hạnh phúc trong những thứ đơn giản.
  • Họ không phải là những người dễ bị tổn thương. Họ không quan trọng hóa bản thân quá đáng nên không cảm thấy bị xúc phạm với những hành vi không cố ý.
  • Họ không quá khiêm tốn hoặc khoe khoang. Vì họ tự tin vào những điểm mạnh của họ nên họ không cần khoe khoang khoác lác về bản thân. Tương tự như vậy, họ không thể hiện sự khiêm tốn sai lầm. Khiêm tốn là một phẩm chất tích cực nhưng sự thẳng thắn còn tốt hơn.
  • Họ kiên định. Bạn có thể miêu tả những người chân thật là có uy thế lớn, vững vàng hoặc thực tế. Vì họ biết rõ bản thân mình và có sự gắn kết với những cảm xúc chân thật của họ nên ít nhiều dễ đoán…theo cách tích cực.
  • Họ thực hành những gì họ rao giảng. Họ không khuyên mọi người làm những việc bản thân họ sẽ không làm. Sau cùng thì những người chân thật họ không giỏi hơn bất cứ ai nên việc tự cho là mình đúng không phải bản chất của họ.
Tất cả những hành vi tưởng như khác biệt này đều tương đồng với điều thuộc về cốt lõi của họ: sự tự nhận thức phù hợp với thực tế. Những người thành thật thấy mình giống như những người khác nếu họ là những người quan sát khách quan. Không có quá nhiều sự xử lý, mánh khóe hoặc kiểm soát diễn ra giữa những thứ có trong đầu họ và những gì mọi người thấy và nghe.
Khi bạn đã biết họ, thì hóa ra những người chân thật ít nhiều lại không giống với cách họ thể hiện ban đầu. Bạn thấy sao thì sẽ hiểu như vậy. Thật buồn là trong thế giới hiện nay, phẩm chất tích cực này lại đang có nguy cơ tuyệt chủng. Không chỉ thật khó để tìm thấy nó ở những người khác mà chính bản thân chúng ta cũng khó trở nên chân thật hơn.
(Dịch từ Entrepreneur)

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2016

Chuyện bên ly cà phê "thật và sạch"

Sáng nay vừa mở Fb ra là thấy bài anh Nguyễn Chính viết về Café Tùng. Mình đã đọc bài này nhiều năm trước, nay đọc lại vẫn thấy thú vị.

"Tại cà phê Tùng ngày nào, Trịnh Công Sơn đã gặp Khánh Ly. Từ Công Phụng và đám bạn của tôi trong ban nhạc trường Trần Hưng Đạo đã từng mài đũng quần trên ghế cà phê Tùng. Thi sĩ Bùi Giáng cũng đã ngồi nơi đây. Có lẽ ông nhìn bầu trời Đà Lạt âm u qua cửa kính cà phê Tùng để viết hai câu thơ lục bát phá cách trên miếng giấy bạc của bao thuốc lá:
“Quán ngồi mỏi. Nắng chưa lên.
Chợt vui tràn. Thấy còn nguyên sơ đầu”.

(Trích bài anh Nguyễn Chính)

Ca sỹ Khánh Ly với Cafe Tùng Đà Lạt

Mình cũng thường ngồi ở Càfé Tùng thưởng thức cái không gian hầu như đọng lại với thời gian ấy, mỗi khi về Đà Lạt. Lại đúng lúc mình đang nghĩ nhiều về cà phê và làm vài việc có liên quan tới cà phê, nên càng thêm thú vị.

Nhà mình làm nghề cà phê chắc cũng được hơn 30 năm, chuyên mua cà tươi của nông dân, sơ chế rồi cung cấp cà phê nhân cho các hãng chế biến rang xay thành phẩm trong cả nước. Nhà mình cũng có vườn cà phê ở Đà Lạt, chuyên trồng Arabica, lấy giống từ Cầu Đất.

Mấy đứa em từ lâu cũng mở quán cà phê, hướng tới  giới bình dân, giá rẻ,  nhưng chất lượng thì không thấp. Vì là dân cà phê, hiểu cà phê và cũng thuộc loại ghiền cà phê nên mình không thể cung cấp cho khách hàng, cũng chính là những người quen biết, sống loanh quanh trong cái thành phố nhỏ nhắn này, những sản phẩm kém chất lượng chỉ vì lý do giá rẻ.

Nhận thấy trong toàn bộ chuỗi giá trị cà phê, từ nông trại tới ly cà phê trên bàn, nhà mình chỉ còn thiếu khâu rang xay, nên từ lâu mình đã nghĩ tới việc khép kín chuỗi quy trình này.

Đáng mừng là cả nhà đều ủng hộ. Tuy nhiên, từ lâu do thói quen, mọi người đều nghĩ khâu rang xay tẩm ướp cà phê là thuộc về phạm trù “bí quyết” nên rất khó thành công.

Sau khi tìm hiểu và tham khảo nhiều nơi, mình nhận thấy, khâu rang xay đúng là quan trọng, nhưng với kỹ thuật hiện đại trợ giúp và sự am hiểu cà phê, gắn bó với cà phê thì không phải là chuyện quá khó. Chuyện khó nhất với nhiều người là chủ động được nguồn cà phê nhân thật tốt thì với nhà mình lại rất đơn giản.

Theo mình, chính khâu nguyên liệu, chất lượng cà phê nhân, mới mang tính quyết định cho sự thành công của sản phẩm chế biến. Chỉ cần cà phê thật, cà phê phẩm chất tốt, đủ độ chính, độ ẩm, sơ chế đúng chuẩn, chủng loại, xuất xứ rõ ràng là đã nắm được cái cán của sự thành công cho chất lượng thành phẩm.

Cà phê nguyên liệu chất lượng cao, rang xay đúng kỹ thuật và cộng hưởng với xúc cảm cà phê của người thực hiện, gia giảm một ít phụ gia thảo mộc, bơ chất lượng cao, lấy tinh hơn là số lượng…  sẽ đảm bảo chất lượng cà phê rang tuyệt hảo. Tuy nhiên, cũng ít nhiều có sự chi phối từ khả năng cảm nhận tinh tế, cảm quan từ kinh nghiệm thưởng thức cà phê của chinh người điều khiển quy trình rang xay.





Từng loại cà phê phải được rang khác nhau. Moka, Robusta, Culi…. có những kỹ thuật gia giảm thời gian và nhiệt độ khác nhau, độ chín khác nhau. Vì mỗi loại có những thế mạnh riêng, nên cách rang phải  khác nhau để cố gắng tạo ra hương vị và giữ được tính chất độcđáo, riêng biệt của từng loại cà phê.

Một ly cà phê thành phẩm quyến rũ, còn phải là sự phối hợp của nhiều loại cà phê khác nhau. Để từng loại với thế mạnh độc đáo riêng biệt của mình, cộng hưởng và hòa trộn lại thành một hương vị vừa nồng nàn vừa sâu lằng vừa thênh thang mênh mông…

Hương vị cà phê thật, chế biến mộc mạc với kỹ thuật nhuần nhuyễn, không can thiệp thô bạo bằng các dị chất khác đã quá đủ cho những người sành điệu. Tuy nhiên, hiện tại mình chỉ có thể gọi sản phẩm của mình là “cà phê thật”.

Với quy trình khép kín này, mình có thể tự hào nói rằng, tại quán cà phê nhà mình giá một lý cà phê thuộc hàng rẻ nhất nước, nhưng chất lượng thì có khả năng sánh ngang hàng với những loại cà phê chất lượng cao trên thị trường. Nhưng quan trọng nhất, đó là cà phê thật, an toàn cho người sử dụng, dù bạn chỉ trả một khoản tiền rất nhỏ.  

Có những khách chưa quen, chủ yếu là du khách từ phương xa tới quán, đọc thực đơn thấy giá tiền quá thấp thường ngờ vực hỏi: "Tiền ít thế này sao có cà phê thật được?". Với người sành cà phê, em mình chỉ cười nói: "Mời ông (bà) nhấp thử một ngụm sẽ biết thật hay giả ngay đấy mà". Với khách không sành, nó chỉ cần mời khách vào trong xem qua các thiết bị quy trình rang xay, chế biến cà phê tại chỗ. Mắt thấy, tai nghe, miệng nếm.... sự thật luôn mang lại lòng tin. Dù theo thói quen, chất lượng thì phải rất đắt tiền.

Mình muốn chứng minh cho một điều tâm huyết hơn,  bỏ ra ít tiền không có nghĩa là bạn không có sản phẩm an toàn, chất lượng. Người ít tiền vẫn có những sản phẩm chất lượng và an toàn để sử dụng, nếu bạn làm ăn tử tế.


Arabica

Sang năm, với mùa thu hoạch cà phê sắp tới từ vườn nhà, mình sẽ có sản phẩm đủ tiêu chuẩn để gọi là “cà phê sạch”. Bởi vì mình kiểm soát được toàn bộ quá trình từ trồng trọt trên cánh đồng tới thu hoạch, chế biến và thành phẩm sử dụng trên bàn, “farm to cup”. Vườn cà phê nhà mình trong nhiều năm qua đã được chăm sóc theo  tiêu chuẩn organic. 

Hôm nay, nhân đọc lại bài Café Tùng của anh Nguyễn Chính, ngẫu hứng viết mấy dòng này chia sẻ cùng quý bạn ghiền cà phê cho vui.