Thứ Tư, 19 tháng 4, 2017

THIỆT THÒI NÔNG DÂN

Bài này đăng mục Thời Luận báo Đại Đoàn Kết ngày 4/10/2007 (gần 10 năm trước, sau sự cố sập cầu Cần Thơ đang thi công), nay thấy vẫn còn thời sự nên post lại để nhớ:

Thời luận 4-10-2007

THIỆT THÒI NÔNG DÂN

Phần lớn những người bị nạn trong thảm họa cầu Cần Thơ đều là nông dân. Trong số đó không ít người là những nông dân “mất đất” từ các dự án đô thị hóa. Họ chỉ vừa mới rời khỏi ruộng vườn, tay hãy còn lấm chân vẫn còn bùn đã phải vội vã, bươn chãi bước vào “đại công trường” cầu Cần Thơ. Nhiều người trong số họ khoác áo công nhân đồng thời với sự am hiểu mù mờ về các điều kiện an toàn lao động, mơ hồ về các điều khoản bảo hiểm cũng như các quyền lợi khác của người lao động trong lĩnh vực xây dựng. Những người mẹ, người vợ lo lắng cho con, cho chồng đã từng nói trong nước mắt: “Ở nhà có cháo ăn cháo, có rau ăn rau. Đi làm công trình nhiều tai nạn, nguy hiểm lắm, biết còn giữ được tính mạng hay không?”. Những điều lo lắng đó đã thành sự thật vào 8 giờ sáng ngày 26 tháng 9 ở cầu Cần Thơ.

Tốc độ đô thị hoá càng nhanh số lượng nông dân mất đất ngày càng nhiều trong khi các chính sách về đất đai hiện đang còn rất bất cập khiến cho tình cảnh của không ít bộ phận nông dân trở nên rất tồi tệ. Đã từng có những cảnh báo với Nhà nước từ những người có trách nhiệm về việc chúng ta có nguy cơ không thể giải quyết tốt “bài toán” nông dân mất đất trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Mà cụ thể là các chính sách đền bù, giải tỏa, tái định cư, tái đào tạo nghề, cũng như các yếu kém của bộ máy công quyền dung dưỡng cho đặc quyền đặc lợi, tiêu cực, tham nhũng để dẫn tới hệ quả phân chia đất đai không công bằng, không minh bạch…làm nảy sinh những xung đột mạnh mẽ trên con đường phát triển. Không ít người nông dân hiện nay đang đứng trước những thử thách rất lớn. Họ không hề được chuẩn bị khi bước ra khỏi mảnh đất muôn đời của mình. Họ hoặc bị hút vào vòng xoáy công nghiệp hóa một cách vô ý thức, thiếu hiểu biết hoặc bị đẩy ra ngoài và đứng bên lề của sự phát triển. Chúng ta không phủ nhận có một số ít nông dân vượt qua được số phận của mình và vươn lên nắm bắt các cơ hội làm ăn. Họ thích ứng được với sự thay đổi và trở nên giàu có. Nhưng số này hãy còn quá ít và hầu hết đều do họ tự thân vận động chứ chưa phải là kết quả từ những chính sách hỗ trợ hữu hiệu của nhà nước.

Nông dân hiện đang chiếm khoảng 73% dân số cả nước là một lực lượng to lớn và có ảnh hưởng quyết định tới sự phát triển chung của đất nước. Trước kia, trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, nông dân đã tự nguyện hy sinh rất nhiều cho độc lập dân tộc mà không hề đòi hỏi điều kiện gì. Nhưng ngày nay, trong điều kiện hòa bình, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, nói như đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc: “không thể đòi hỏi người nông dân cứ phải hy sinh mãi được”!. Vị đại biểu này còn cho biết, ông đi thực tế nhiều nơi và nhận thấy nông dân ta mất đất …dễ quá! Nhiều khi chỉ cần một nét kẻ của một ông chủ tịch nào đó - tất nhiên là nhân danh tập thể, thế là đất đai canh tác từ nhiều đời của người nông dân bị chuyển đổi không chỉ công năng mà cả người sử dụng nữa. Với tư cách là đại biểu Quốc hội, ông Quốc cũng đã thực hiện quyền giám sát, kiểm tra, phát hiện những bức xúc của dân rồi chuyển cho các cơ quan chức năng giải quyết. Thế nhưng vị đại biểu này cũng phải than rằng: “Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, phải nói thành thực là giải quyết không mấy khi triệt để. Nguyên nhân là vì hệ thống chính sách của chúng ta rối rắm, mâu thuẫn và còn nhiều kẻ hỡ”.

90% các cụ khiếu kiện đông người vừa qua là có liên quan tới vấn đề đất đai, trong đó khiếu kiện đúng từ 70 đến 80% số vụ. Những con số biết nói đó cho ta thấy điều gì? Phải chăng là nhà nước cần phải quan tâm hơn tới các chính sách về đất đai có liên quan tới quyền lợi lâu dài và hợp pháp của người nông dân. Trước hết là phải nghiêm túc đánh giá lại các nguyên nhân của khiếu kiện để điều chỉnh hợp lý các chính sách cho hợp lòng dân và đáp ứng được các nhu cầu phát triển hơn. Cần phải coi trọng ý dân và tiếp thu đầy đủ các yêu cầu bức xúc của dân để hiểu được trách nhiệm của nhà nước là tạo ra một hành lang an toàn và ổn định cho sự phát triển, tránh những xung đột không cần thiết. Nếu cần phải dùng biện pháp mạnh thì trước hết là phải chận đứng ngay các hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn của các quan chức nhà nước tranh thủ đặc quyền, đặc lợi bao chiếm và tham nhũng đất đai, phá vỡ các tư tưởng  tốt đẹp của nhà nước cách mạng trong vấn đề nông dân.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét