Thứ Ba, 23 tháng 5, 2017

ĐỐI THOẠI CHỈ CÓ LỢI!

Thời Luận ĐĐK 22-12-2006

(Bài đăng mục Thời Luận báo Đại Đoàn Kết ngày 22/12/2006)

Nhân kỷ niệm ngày giỗ thứ 10 cố Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ (24-12-1996/2006)

ĐỐI THOẠI CHỈ CÓ LỢI!

Từ những năm 80 của thế kỷ trước Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã rất thích dùng từ "đối thoại" mỗi khi có dịp trò chuyện với giới trẻ. Theo Chủ tịch, không có gì úy kỵ khi chúng ta dùng từ "đối thoại". Bởi vì, trong đời sống hàng ngày "đối thoại" là chuyện thường tình, ai cũng sẽ phải đối thoại, nếu như có từ hai người trở lên. 

Không có gì buồn hơn "độc thoại" - nói một mình, chỉ có một người nói và tệ hại hơn chỉ có một người nghe. Ngay cả chuyện các vị lãnh đạo phát biểu trên báo chí, trên đài phát thanh, truyền hình xét cho cùng cũng là đối thoại. Trên cơ sở một lượng thông tin nào đó, diễn giả hay người viết truyền đạt những suy nghĩ, ý tưởng và thái độ của mình đối với một vấn đề xã hội với tinh thần không thể cấm mọi người có ý kiến khác mình. Những tư tưởng hoặc  thông tin được phổ biến công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng phải là những thông tin chấp nhận sự phản biện, không thể cấm người khác không đồng tình hay buộc phải đồng tình với mình cho dù người phát biểu có ở vị trí quan trọng nào đi chăng nữa. Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ kết luận: "Có cơ hội cọ sát tư duy sẽ dễ dẫn tới chân lý. Tôi thấy chỉ có điều lợi trong đối thoại".

Ngày nay chúng ta đã khá quen với từ "đối thoại", không chỉ đối thoại trên báo in, báo hình, báo nói mà còn "đối thoại trực tuyến" trên hệ thống internet toàn cầu. Một trong những tin tức đang thu hút sự quan tâm của dư luận là việc Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đang chuẩn bị  kế hoạch cho việc thường xuyên tổ chức những cuộc "đối thoại trực tuyến" với nhân dân về mọi vấn đề quốc kế dân sinh. "Đối thoại" chỉ có lợi, chỉ làm cho Đảng và Nhà nước gần dân hơn, hiểu dân hơn và dễ dàng đồng thuận hơn trong nhiều vấn đề gai gốc của đất nước.

Cũng từ những năm 80 của thế kỷ trước, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã rất nhiều lần đối thoại với giới trẻ về vấn đề dân chủ. Ngay trong năm 1986, năm đầu tiên của sự nghiệp 20 năm đổi mới, Chủ tịch nói: "Dân chủ chẳng những là thử thách sát sườn của đổi mới, nó còn là biểu trưng chủ yếu cho đổi mới, là điều kiện tiên quyết đảm bảo đổi mới, là động lực thúc đẩy đổi mới và là cái đích mà đổi mới phải vươn tới, nâng cao và hoàn thiện". Chủ tịch cho rằng "dân chủ phải đi trước một bước so với nền tảng kinh tế". Bởi vì sự trì trệ, lạc hậu, bảo thủ trong quản lý kinh tế - xã hội của nước ta trong nhiều năm qua phản ánh rất rõ trong đó sự trì trệ, lạc hậu, bảo thủ trong cơ chế thực hiện dân chủ. Đó là mối quan hệ hữu cơ, là nhân quả của nhau, tác động và quy định, thúc đẩy lẫn nhau. Chủ tịch chứng minh luận điểm của mình bằng hiệu quả của việc khoán sản phẩm, giao quyền tự chủ cho đơn vị sản xuất, phân phối thu nhập theo lao động trong những năm xóa bao cấp về mặt nào đó nó không chỉ là một giải pháp kinh tế mà còn là một cách thực thi dân chủ trong đời sống kinh tế.

Việc "cởi trói", "tháo gỡ", "giao quyền tự chủ" cho người lao động chính là mở rộng dân chủ, tạo điều kiện tốt hơn cho người lao động làm ra nhiều của cải vật chất cho xã hội và nâng cao đời sống bản thân, gia đình mình. Do vậy có thể nói rằng dân chủ là nền tảng cho sự phát triển kinh tế. Một nền kinh tế hùng mạnh chỉ có thể hình thành và phát triển trong một hệ thống chính trị dân chủ.


Dân chủ được thực thi trong đời sống bằng muôn hình vạn trạng, nhưng không thể không nói tới các cơ quan dân cử, đại diện cho quyền lực của nhân dân. Đó là Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Do vậy, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ cũng luôn nhắc nhở chúng ta về hiệu quả thực của các cơ quan này và kiên quyết chống những hoạt động hình thức. Chủ tịch khuyến cáo: "Quốc hội dứt khoát không thể là vật trang trí, là tổ chức hình thức. Các phiên Quốc hội họp không thể là dịp đại biểu tham luận, phát biểu cảm tưởng mà để xem xét các việc thuộc thẩm quyền của mình. Cách duy nhất đảm bảo chức năng của Quốc hội là tranh luận thẳng thắn và công khai mọi vấn đề". 

Cuối cùng, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ cũng trở lại với phương thức làm việc vốn trở thành máu thịt của mình là luôn luôn và sẵn sàng đối thoại. Đối thoại thẳng thắn và công khai để Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực của dân. Nếu có xảy ra trường hợp những dự kiến của Đảng không được Quốc hội đồng tình cũng nên xem là bình thường và đó là những thông tin phản biện có giá trị thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân.


Hữu Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét