Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2017

Bài phát biểu chấn động của luật sư Nguyễn Mạnh Tường tại Mặt trận Tổ quốc ngày 30-10-1956

Qua sai lầm trong Cải cách ruộng đất,
xây dựng quan điểm lãnh đạo

Nguyễn Mạnh Tường
Tham luận đọc tại cuộc họp Mặt trận Tổ quốc ở Hà Nội ngày 30.10.1956
 

Trang bìa tập san Tự Do Diễn Đàn
(Th. 12/1956) có đăng bài tham luận của
Ls. Nguyễn Mạnh Tường. Tập san này
bị cấm ấn hành

Thưa các quí vị,

Hội nghị Mặt trận Trung ương họp để nghiên cứu các sai lầm trong Cải Cách Ruộng Đất và chính sách sửa chữa sai lầm ấy. Hôm nay tôi được đúc kết trước toàn thể Hội nghị các ý kiến mà trong mười ngày vừa qua tôi đã trình bày trong tổ thảo luận, với tinh thần thận trọng của người trí thức không bao giờ quên trách nhiệm của mình trước nhân dân và lịch sử nước nhà.
Tôi phấn khởi được nghe bản phê bình của Đảng Lao Động do ông Trường Chinh đọc trước Hội nghị. Nhưng tôi cũng phải thú rằng lòng phấn khởi của tôi một phần bị giảm đi, vì tôi nhớ lại kết quả tai hại của các sai lầm đã phạm trong công cuộc Cải Cách Ruộng Đất. Tôi xin phép các vị được kính cẩn nghiêng mình trước kỷ niệm những người vô tội đã chết oan, không phải vì bàn tay của địch mà chính của ta. Trong cuộc kháng chiến anh dũng của ta, những đồng bào đã hi sinh, có thể nói được, chết với trong lòng chan chứa nỗi vui sướng vì chết cho sự nghiệp giải phóng dân tộc khỏi nanh vuốt của địch. Họ chết vì địch, cho ta, đó là cái chết tích cực, cái chết vẻ vang, cái chết oanh liệt mà Tổ quốc ghi nhớ muôn thuở. Trái lại, các người chết oan vì các sai lầm trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất này, lúc tắt thở, cay đắng đau xót vì chết với một ô danh. Chúng ta đã xoá bỏ cái ô danh đó, nhưng con cháu của các nạn nhân tài nào mà không ngậm ngùi? Đau đớn hơn, bây giờ ta làm thế nào mà biến cái khổ cực của người tắt thở thành một niềm an ủi cho họ được? Nếu chúng ta duy tâm và tin rằng linh hồn còn tồn tại thì một phần nào ta chuộc lại được tội lỗi của ta. Nhưng ta duy vật và các người ấy lúc chết cũng là duy vật. Do đó, cái nỗi khổ cực của họ ta biết rõ rằng bây giờ ta không thể nào thủ tiêu được nữa. Quyền hạn của ta không tới đó. Nhưng cái gì ta có thể làm được, ta cần làm, để như là đền bù một phần nào sự tổn thiệt của các người ấy, và chứng minh ta thấm thía nỗi đau khổ của họ khi họ từ trần là ta cương quyết rút bài học kinh nghiệm đau đớn và sửa chữa các sai lầm nghiêm trọng mà họ là nạn nhân.
Với tinh thần của một người trong quần chúng, của một người công dân đau khổ trước bao nhiêu cái chết oan của người vô tội, tôi xin phép trình bày mấy ý kiến xây dựng. Chủ yếu tôi sẽ phê phán và truy nguyên các sai lầm trong Cải Cách Ruộng Đất, nhưng theo ý tôi các sai lầm này chỉ là biểu hiện điển hình và bi đát nhất của những thiếu sót trong sự lãnh đạo của Đảng Lao Động. Do đó tôi xin được góp ý kiến xây dựng quan điểm lãnh đạo của Đảng Lao Động.
Tại sao tôi lại tin như vậy? Là vì, không những trong Cải Cách Ruộng Đất chúng ta đã phạm sai lầm nghiêm trọng mà cả trong nhiều khu vực khác nữa. Trong các khu vực này, sai lầm cũng đã đưa một số người trong quần chúng đến cái chết thê thảm. Do đó, nếu chỉ cục bộ hoá các sai lầm, chúng ta không thể rút được bài học kinh nghiệm, chúng ta sẽ khiếm khuyết với sự tín nhiệm của tất cả các đảng viên Đảng Lao Động, với sự mong đợi của toàn dân. Chúng ta phải kiên quyết không cho các sai lầm ấy tái diễn và tác hại nữa. Đó là nhiệm vụ tối thiểu của chúng ta đối với các người đã chết oan.
Tình hình nước ta hiện thời ra sao? Tình hình ấy có bi quan không? Đó là vấn đề nhận định thôi. Nhưng cái chủ yếu là ta không nhìn tình hình ây với con mắt bi quan. Vậy sự thật khách quan như thế nào? Nhìn vào nông thôn, ta thấy hiện thời tình trạng thiếu đoàn kết rất phổ biến. Vì thi hành sai chính sách cải cách, ta đối lập các từng lớp trong giai cấp nông dân, cán bộ cũ và mới, chi bộ cũ và mới của Đảng. Trong khi đập tan giai cấp địa chủ, ta không phân biệt đối xử, ta để cho chết chóc thê thảm những người hoặc già cả hoặc thơ ấu mà ta không chủ trương tiêu diệt. Ta chỉ cần đọc lại các bài giáo huấn cho đồng bào nông thôn trong báo Nhân Dân là ta đủ hiểu mặt mũi nông thôn hiện giờ ra sao. Nhìn vào các công xưởng, công trường, ta thấy gì? Cứ đọc báo Nhân Dân thôi, ta thấy Chính phủ gửi các phái đoàn đi thăm các anh chị em công nhân, uỷ lạo họ, bắt buộc thi hành quy chế lao động mà Chính phủ đã ban ra. Nghĩa là thế nào? Nghĩa là giai cấp công nhân đã phải lao động sản xuất hai năm nay mà không được bồi dưỡng đúng mức. Lắng nghe dư luạân đồng bào Hà Nội thôi, ta được biết rằng có it ra một doanh nghiệp quốc gia lãng phí bao nhiêu triệu trong khi dưới chế độ Pháp thuộc, cũng doanh nghiệp ấy mang lại cho thực dân đế quốc các số lãi khổng lồ.
Về Mậu dịch nửa năm nay, đồng bào ca thán như thế nào, ta đã biết. Nào chèn ép các nhà kinh doanh tư nhân, nào lãng phí bao nghìn triệu trong khi thực hiện chính sách, nào tàn nhẫn với các người bán sức lao động cho mình, nào đưa ra thị trường sữa hư mà không bao giờ nghĩ đến tính mệnh của người ốm, của trẻ sơ sinh, nào tung ra bơ hỏng, thuốc lá mốc, phạm đến sức khỏe của nhân dân, nào bất lực trước hiện tượng vật giá ngày càng lên trong khi nhiệm vụ của mình là phải bình ổn nó. Có thể nói được, suốt ngày đêm không đâu là không có lời oán trách Mậu dịch.
Về hộ khẩu thì cán bộ tỏ vẻ không phải là nhằm duy trì trật tự an ninh, phá vỡ cơ sở của địch, trái lại quấy nhiễu nhân dân, tạo ra một đời sống thành thị điêu đứng cho tất cả. Nếu các vị cần những dẫn chứng cụ thể, tôi chỉ xin nhắc lại hồ sơ mênh mông, thu lượm các thắc mắc cay đắng của đồng bào Thủ đô trong Đại hội lần thứ ba của nhân dân Hà Nội vừa họp cách đây hai tháng.
Nói về chính sách khôi phục kinh tế, ta thấy gì? Số vốn mà các nhà công thương mang ra kinh doanh chỉ là một phần ti tiểu, số công nhân làm việc trong các doanh nghiệp tư nhân không có nghĩa lý gì. Trái lại ta thấy tất cả một phong trào các nhà tư bản thu hẹp hoạt động của họ, hoặc “chuyển hướng” bằng cách đâm ra quay chỉ, bán nước mía, hay dệt vài thước vải vớ vẩn, hoặc đóng cửa ăn vào vốn để khỏi đụng chạm đến Sở Lao động vì vấn đề công nhân, với Sở Công thương vì vấn đề đăng ký và nguyên liệu sản xuất, với Sở Tài chính vì thuế khoá đặc biệt. Thuế bổ sung đã đưa bao nhiêu người đến chỗ phá sản, có kẻ đến chỗ tự sát. Các người tiểu thương buôn thúng bán mẹt, đẩy chiếc xe hàng tiều tuỵ trong phố cũng “được” nộp thuế, cũng như các người suốt ngày làm việc ở công sở hay công xưởng, tối về thức đêm dệt vài thước kiếm thêm tiền độ thân. Hàng trăm, hàng nghìn công chức cũ về hưu, với gia đình của họ, trước đây sống bằng lương hưu trí, hai năm nay không được ai chiếu cố đến, chết dần chết mòn, có người đâm đầu xuống sông tự tử, có người hai lần uống độc dược để quyên sinh.
Còn như các cán bộ thì ta có cần nói đến không? Ta cứ trông mặt mũi, quần áo họ, ta chỉ cần hỏi con số những người qua các phòng khám bệnh, các bệnh viện, ta liếc mắt nhìn họ ăn uống những gì trong bữa cơm, là ta đủ hiểu khổ cực của họ.
Ta quên thế nào được các đồng bào tập kết ra ngoài Bắc, số phận con cái họ ở Hà Nội, Hải Phòng, số phận chính của họ bi đát quá nỗi! Khổ cực nhất cho các anh chị em là không nương tưa được vào một đời sống gia đình đề khuây khoả trong lúc thảm sầu.
Các hiện tượng trên đây có đúng không, tôi chỉ yêu cầu các vị đọc báo Nhân Dân, nghiên cứu các hồ sơ chồng chất lên ở Mặt trận Thành Hà Nội sau Đại hội lần thứ 3 vừa rồi, nghe ngóng lời than phiền của quần chúng, nhìn nhận các quang cảnh diễn ra dưới mắt của các vị là các vị đủ hiểu rồi. Quả thực như ông Trường Chinh đã tuyên bố, uy tín của chính phủ, của Đảng bị tổn thiệt rất nhiều. Thế tại sao đồng bào chúng ta lại khổ cực? Phải chăng vì cán bộ của chúng ta non, hẹp hòi, chưa thấm nhuần lý luận cách mạng, không tôn trọng giá trị của con người, các nhu cầu và đòi hỏi chính đáng của nó? Phải chăng vì ta đang mắc trầm trọng bệnh ấu trĩ của cách mạng? Các điều đó là có, ta không hề chối và ta cũng không thể chối cãi được. Nhưng nhận định như vậy vẫn còn hời hợt. Ta phải đi sâu hơn nữa. Khi trong Cải Cách Ruộng Đất của ta, ta thấy bao nhiêu người bị tù tội, bị giết oan, trong đó bao nhiêu người dân ưu tú đã từng góp phần không nhỏ vào sự nghiệp cách mạng, khi hiện thời ở nông thôn vẫn có người bị đánh đập, ngược đãi, khi ta không xây dựng được đoàn kết giữa các đồng bào, thì ta phải nhận định rằng các sai lầm ta đã mắc trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất này chỉ là những biểu hiệu cực độ của các sai lầm ta đã phạm, và các sai lầm ấy nêu lên, như tôi trình bày trên đây, một vấn đề cực kỳ quan trọng là vấn đề lãnh đạo của Đảng Lao Động.
Do đó, tôi yêu cầu các vị cho phép tôi bắt đầu nghiên cứu các sai lầm trong Cải Cách đã rồi sau khi truy nguyên các sai lầm ấy, đề đạt mấy ý kiến về vấn đề lãnh đạo.
I. Vấn đề pháp lý trong Cải Cách Ruộng Đất
Ta đã sai lầm nghiêm trọng trong Cải Cách Ruộng Đất, ta có thể tránh được sai lầm ấy mà vẫn bảo đảm được đường lối căn bản của cách mạng không? Tôi giả nhời cương quyết rằng có.
Đường lối cách mạng của ta đòi hỏi gì? Ruộng phải trở về người cày. Điều này rất đúng không ai có thể chối cãi được. Nông dân là đại đa số trong nhân dân, nông dân là quân đội chủ lực của cách mạng, nhất định cách mạng không thể nào thành công được nếu ta không thoả mãn nhu cầu thiết yếu và cấp bách của nông dân. Không cần phải là một nhà chính trị cao, một nhà cách mạng thạo, cũng nhận thấy điều ấy. Chỉ cần nhìn lịch sử cách mạng từ thời kỳ cổ đại đến giờ là đủ hiểu rồi.
Như vậy về nguyên tắc, ta tán thành chủ trương Cải Cách Ruộng Đất.
Về phương pháp, ta có nên ban ơn cho nông dân không? Nhất định là không. Nông dân ta trong bao nghìn năm đã khổ cực dưới chế độ bóc lột phong kiến và một trăm năm nay dưới chế độ bóc lột thực dân. Đồng bào nông thôn ta lầm than như vậy, đã mất hết khí thế con người. Ta cần khôi phục khí thế của người nông dân, xây dựng cho họ tinh thần chủ nhân ông trên đất nước. Do đó ta thấy cần thiết phải phát động tư tưởng của họ để họ nhận được phân minh kẻ thù của họ, để họ vùng dậy nắm lấy quyền thế ở nông thôn.
Nhưng từ đây trở đi, ta thấy khởi phát các sai lầm. Sai lầm này, ông Trường Chinh đã nhận thấy là ở chỗ: ta quên hẳn ta hiện thời nắm chính quyền và chính quyền ấy, nếu ta biết sử dụng nó, khai thác nó một cách sáng suốt, nhất định ta vẫn thành công nhưng ta tránh được bao tai hoạ làm ta đau khổ hiện thời. Con đường ông Trường Chinh đã đi để tiến tới kết luận ấy là con đường chính trị. Các anh em tôi là những nhà luật học, chỉ là nhà chuyên môn và lý luận trên cơ sở chuyên môn thôi, đã trông thấy kết luận ấy ngay từ khi chính sách phát động và Cải Cách được đề ra. Tại sao? Vì giải pháp chính quyền cụ thể là giải pháp pháp lý, đảm bảo thắng lợi hoàn toàn của cách mạng nếu ta biết mang nó ra phục vụ chính trị và cách mạng.
Ta muốn gì? Tìm kẻ thù của nông dân, của cách mạng để tiêu diệt nó. Nhưng đồng thời nếu ta biết lo xa, nhìn xa, ta cũng không quên rằng công lý của cách mạng, muốn bảo toàn được uy tín và thắng lợi của cách mạng, phải biết đánh đúng địch. Khi đưa ra khẩu hiệu “thà chết 10 người oan còn hơn để sót một địch” thì khẩu hiệu này không những quá tả một cách vô lý mà phản lại cách mạng là đằng khác nữa. Muốn chứng minh điều này ta chỉ cần nhìn thực tế: kết quả sai lầm ta đã phạm khi thực hiện khẩu hiệu này rất tổn thiệt cho uy tín của cách mạng và cho bản thân bao nhiêu chiến sĩ cách mạng. Nếu không phải đó là phản lại cách mạng thì là gì?
Khẩu hiệu của pháp lý thì khác hẳn: “Thà 10 địch sót còn hơn một người bị kết án oan”. Thế ta có lo ngại rằng 10 địch sót không? Không, vì ta nắm chính quyền, vì cách mạng ta đã thành công. Như vậy kẻ thù của cách mạng chẳng sớm thì chậm, nhất định hoặc cải thiện, giác ngộ, hoặc lọt vào lưới của ta. Khẩu hiệu này lợi ở chỗ: không một người oan nào bị kết án. Do đó, không có các kết quả cực kỳ tai hại diễn ra hiện thời.
Làm thế nào thực hiện được khẩu hiệu ấy? Kinh nghiệm pháp lý của hàng nghìn năm lịch sử thế giới cho ta biết rằng ta có phương pháp để tìm đúng địch mà đánh, không đánh tràn lan, không đánh người vô tội. Tôi xin phép nhắc tóm tắt sau đây các nguyên tắc căn bản mà pháp lý nêu lên để đạt mục đích ấy.
Một nguyên tắc đầu tiên là không hình phạt các tội đã phạm quá lâu rồi mà bây giờ mới khám phá ra. Tại sao? Vì rằng vấn đề bằng chứng khó giải quyết được. Tang vật đã mất, nhân chứng có người đã từ trần, có người không nhớ rõ các sự việc họ đã mục kích. Hơn nữa, sở dĩ hình luật phạt các tội, là vì các tội ấy đã xâm phạm vào trật tự xã hội: tác hại cho nạn nhân và gây tác dụng xấu trong quần chúng. Nhưng khi tội đã phạm quá lâu, trật tự xã hội hết bị xâm phạm rồi, nạn nhân không còn đau khổ, tác dụng xấu của tội cũng hết, thời gian đã hàn gắn các vết thương. Bây giờ lại vạch chuyện cũ thì không những khó thu thập được bằng chứng kết tội mà lại gây một sự náo động trong xã hội không cần thiết. Chính xã hội thấy “quên” lợi hơn là “nhớ”.
Một nguyên tắc thứ hai là trách nhiệm của phạm nhân thì chỉ một mình phạm nhân phải chịu, không có trách nhiệm chung của vợ con, của gia đình. Nêu trách nhiệm truớc hình luật của các người “có quan hệ” với phạm nhân không những là bất công mà lại còn gây các sự rung động vô ích trong xã hội. Hơn 400 năm nay không một nước Tây phương nào làm việc đó nữa. Trách nhiệm trước hình luật chỉ là một trách nhiệm cá nhân mà thôi. Không những thế, về phương diện nhân đạo, thì các phạm nhân quá già được miễn nghị, miễn tố và các vị thành niên được chiếu cố.
Môt nguyên tắc thứ ba là muốn kết án một người phải có bằng chứng xác đáng. Phải có nhân chứng là những kẻ đã mục kích sự phạm pháp và cung khai một cách cụ thể, rõ ràng, chắc chắn. Một nhân chứng thôi chưa đủ, ít ra cũng phải có hai nhân chứng cung khai phù hợp với nhau mới được coi là đáng kể. Cung khai của các nhân chứng phải ăn khớp với nhau và trong quá trình phạm pháp các tang vật thu được phải có tác dụng hợp lý, sát hợp với kết quả do cuộc điều tra mang lại.
Một nguyên tắc thứ tư là thủ tục điều tra, xét xử phải bảo đảm quyền lợi của bị tố nhân. Bị tố nhân có quyền nhờ luật sư bào chữa cho mình, và khi thiếu điều kiện nhờ luật sư, khi nào là một trọng tội, Toà phải cử luật sư bào chữa không, cho bị can. Trong tất cả, giai đoạn điều tra ở trình độ công an thẩm vấn trong phòng dự thẩm, buộc tội trước toà, quyền lợi của công tố viện ngang với quyền lợi bị can, nghĩa là nếu công tố viện đưa hết lý lẽ để buộc tội, bị can đưa hết lý lẽ để minh oan. Cuộc đấu lý diễn ra trong tất cả quá trình điều tra, truy tố, xét xử giữa công tố viện và luật sư. Các vị thẩm phán ngồi xét xử phải là vô tư, đứng giữa để theo rõi cuộc đấu lý diễn ra dưới mắt mình. Như thế mới nhận định đúng và xử công minh. Toà án xét xử không chịu lệnh của ai trong khi xét xử, chỉ biết xét xử theo lương tâm của mình và căn cứ vào tài liệu trong hồ sơ, sau khi nghe hai tiếng chuông buộc tội và gỡ tội. Người thẩm phán phải được đủ đảm bảo để làm nhiệm vụ của mình mà không sợ ai khiển trách hay gây khó khăn cho mình được. Khi điều tra thẩm vấn, tuyệt đối cấm không được dùng phương pháp tra khảo, đánh đập, hành hạ bị can, mớm cung cho bị can, doạ nạt hay dụ dỗ hắn. Khi nào có điều nghi ngờ thì bị can được miễn nghị. Nếu bị kết án thì còn quyền chống án lên toà trên. Nếu bị kết án tử hình thì lại còn quyền xin ân giảm trước vị Chủ tịch Chính phủ. Con người của bị can, trong tất cả quá trình truy tố và xét xử phải được tôn trọng triệt để, khi bị can ra trước toà thì không được xiềng xích họ và không lúc nào được dùng nhục hình đối xử với họ.
Theo một nguyên tắc căn bản, không phải vì một người tác hại cho một người khác mà người ấy phải chịu trách nhiệm trước hình luật. Tác hại cho ai thì chỉ nêu trách nhiệm về phương diện dân sự, nghĩa là bồi thường thôi — của người đã tác hại. Muốn truy tố người ấy để thi hành hình luật đối với hắn thì phải chứng minh rằng hắn phạm một tội, nghĩa là phạm vào một điều khoản nào qui định trong hình luật, và hình luật không bao giờ có tác dụng đối với quá khứ cả: nếu hành động của một người diễn ra trong thời kỳ mà hình luật chưa quan niệm là một tội thì người ấy không thể mang ra truy tố được. Không những bị can phải phạm một tội đã qui định rồi trong pháp luật, mà ta lại còn phải xét xem rằng lúc phạm tội ấy bị can có ý thức, có ý chí phạm pháp hay không, hay là vô tình mà phạm pháp. Sự đối xử trong hai trường hợp ấy khác nhau.
Lúc tôi nhắc lại các nguyên tắc này thì có vị cho rằng như thế là phiền phức, phức tạp. Dĩ nhiên rồi, nhưng tất cả vấn đề là: ta có muốn giết người vô tội không? Nếu không thì không thể nào làm khác được. Hơn nữa, muốn nhận định vấn đề cho đúng, ta không nên đứng vào vị trí một người hiện thời không dây dưa với pháp luật, một người ở một cương vị chính quyền.Ta phải đứng vào cương vị của bị tố nhân; lúc ấy vấn đề rất sáng tỏ, không những ta đòi thi hành các nguyên tắc pháp luật, ta còn cố gắng tìm hiểu thêm các nguyên tắc mới để đảm bảo người oan khỏi bị chết.
Nếu mang ra áp dụng các nguyên tắc ấy vào cuộc Cải Cách Ruộng Đất của ta, ta sẽ làm thế nào? Thủ tục cải cách cứ diễn bài nhưng sự trừng trị bọn cường hào gian ác hay phản động, ta sẽ không giao cho một toà án nhân dân, đặc biệt như ta đã làm với tất cả sự thiếu sót về phương diện pháp lý mà ta đã biết. Trái lại, sau khi phát động tư tưởng của nông dân, ta sẽ nghe lời họ tố cáo kẻ thù của họ. Ta sẽ uỷ nhiệm toà án nhân dân thường lập các hồ sơ, để toà án, với bộ máy và kinh nghiệm của nó, tiếp tục điều tra, kiểm tra, lấy cung chứng, truy tố, luận tội, xét xử. Ta đảm bảo triệt để cho bị tố nhân quyền bào chữa của họ, ta yêu cầu các luật sư làm tròn nhiệm vụ của họ, ta tôn trọng triệt để con người của bị tố nhân. Ta chỉ thù ghét và kết án, trừng phạt tội của nó đã phạm thôi. Ta tin tưởng ở toà án, ta đảm bảo cho các vị thẩm phán làm việc ngoài sự điều khiển của chính quyền, một cách biệt lập, tôi nói biệt lập chứ không phải độc lập, theo lương tâm của các vị và căn cứ vào hồ sơ và kết quả của cuộc thẩm vấn.
II. Các nguyên nhân sai lầm
Theo như tôi nhận định, với chủ quan của tôi, các nguyên nhân sai lầm thuộc hai loại, có loại trực tiếp, nhưng nếu ta phân tích loại này thì ta sẽ đi tới một loại thứ hai mà theo tôi là những nguyên nhân chính, ta cần chú ý.
Các nguyên nhân trực tiếp ta trông thấy ngay. Sở dĩ mà khi nghiên cứu chính sách cải cách, ta không nghĩ đến giải pháp pháp lý đưa ra để điều hoà với giải pháp chính trị, phải chăng là vì ta không biết giải pháp pháp lý? Nếu không thì là sự thiếu sót nghiêm trọng của cấp lãnh đạo. Nhưng tôi tin rằng không phải như thế đâu. Sở dĩ ta không để ý đến giải pháp pháp lý là vì ba lý do:
1. Quan điểm ta-địch, thù-bạn của ta rất mơ hồ
2. Ta bất chấp pháp luật, lấy chính trị lấn át pháp lý
3. Ta bất chấp chuyên môn
Quan điểm bạn-thù, ta-địch mơ hồ — Các hiện tượng trên trường quốc tế và trong nước rất nhiều và rõ rệt.
Trên trường quốc tế, trong các nước dân chủ của ta thôi, ta thấy những điều làm ta suy nghĩ. Ta thấy chẳng hạn những người suốt đời hi sinh cho sự nghiệp cách mạng, giữ những trọng trách trong chính thể cách mạng, rồi bỗng nhiên phải truất quyền, khai trừ ra khỏi Đảng, tống giam, thậm chí có khi bị giết nữa. Rồi ít lâu sau, ta lại thấy các người ấy được khôi phục công quyền, đảng tịch, cương vị, người nào bị kết án tử hình rồi thì được an táng lại ở các đài kỷ niệm các liệt sĩ mà Tổ quốc ghi tên muôn đời.
Trong nước ta, qua cuộc Cải Cách Ruộng Đất ta thấy bao nhiêu các chiến sĩ cách mạng thành tích lộng lẫy, có người ngực gắn tới hai huy chương kháng chiến (ở ngoại thành Hà Nội) bị kết án là phản động, cường hào gian ác và, sau khi nhận tội, bị tống giam hay bị hành hình. Ấy là không nói đến các người trong quần chúng bị hi sinh oan. Đối với các nạn nhân này, ta có thể một phần nào hiểu các sai lầm đã phạm, vì họ thiếu hay không có thành tích cách mạng hay kháng chiến. Nhưng đối với các đảng viên ưu tú, tinh hoa của dân tộc, lúc bị xử trí như ta đã biết, thì ta tự hỏi trong đầu óc của những người xử họ có cái gì mà ta gọi là lý tính không? Ngay một thường dân, không phải là một nhà chính trị hay văn hoá, chỉ sử dụng cái lẽ phải của mình thôi, cũng không thể nào hỗn hợp người xấu với kẻ tốt như vậy được. Ta phải đặt vấn đề rằng cán bộ từ trên xuống dưới, tham gia Cải Cách Ruộng Đất, không phải là người điên cuồng, cũng không phải là người chủ mưu, dụng tâm phá hoại. Nếu như thế thì ta sẽ gửi họ đến bác sĩ chuyên môn chữa bệnh thần kinh, hay đến công tố viện của các toà án. Nhưng không phải như thế, ta tin như vậy. Do đó, kết luận mà ta tiến tới, dù muốn hay không, là các các cán bộ ấy có một quan điểm rất mơ hồ về ta-thù, bạn-địch.
Còn gì đau đớn hơn là câu ta được nghe “ta đánh cả ta nữa”. Nếu như vậy thì ta cần phải nhận rằng ta không phân biệt được bạn và thù. Ta đọc lại các bài gần đây đăng trong báo Nhân Dân của các đồng chí bị xử trí oan, hoặc các đồng chí ấy nói, hoặc không nói, nhưng ta đều hiểu các đồng chí ấy nghi ngờ những người kết án các đồng chí, không phân biệt được bạn và thù. Vì vậy nên đánh cả bạn, giết cả bạn.
Tôi thấy đây là một điều cực kỳ quan trọng. Nguyên do ở đâu? Phải chăng ở một tinh thần cảnh giác quá cao đến nỗi mù quáng, ở một tả khuynh mà ta thường mắc trong giai đoạn ấu trĩ của cách mạng? Đây không phải là nơi và lúc mà ta cần phân tích sâu sắc điều ấy. Chủ yếu là ta nhận thấy rằng một nguyên nhân sai lầm là ở trong quan điểm thù bạn rất mơ hồ. Nếu ta không kịp sửa chữa sai lầm, xây dựng lại quan điểm thù bạn, một ngày kia ta sẽ lại phải khóc trên kỷ niệm của những vị có công nhất với cách mạng, với nhân dân. Ta cương quyết không thể nào để tình trạng ấy tái diễn ra được.
Bất chấp pháp luật — Giáo sư Ba Lan Mahelli nói chuyện ở Bộ Tư pháp, cho ta biết rằng bên Ba Lan, khi cách mạng thành công, các nhà chính trị bất chấp pháp luật. Họ quan niệm rằng họ đủ tài năng để đảm nhận các cương vị lãnh đạo trong ngành tư pháp, để bó buộc tư pháp phục vụ triệt để chính trị mà không đếm xỉa đến các nguyên tắc căn bản của pháp lý. Kết quả là chẳng bao lâu bộ máy tư pháp xộc xệch, không những không củng cố được chính thể cách mạng, ngược lại, tác hại quá nhiều gây bao nhiêu khó khăn cho chính quyền cách mạng. Sai lầm ấy được uốn nắn kịp thời: hoàn cảnh khách quan đã dạy một bài học cho chủ quan các nhà chính trị, để lãnh đạo chuyên môn phải nhập trường học tập, trước non 2 năm, sau 5 năm, để qua pháp lý, phục vụ chính trị và cách mạng.
Điều này không làm chúng ta ngạc nhiên. Trong giai đoạn đầu tiên, chính trị say sưa với các thắng lợi đã thu —và dĩ nhiên các thắng lợi ấy vĩ đại— lâm vào tình trạng tự mãn và bao biện.
Nhưng quản trị một nước, đặc biệt một nước đang xây dựng chính quyền cách mạng, nghĩa là một cái gì vô cùng mới mẻ và khó khăn — không giống như là đề ra đường lối và khẩu hiệu tranh đấu cách mạng và vận động quần chúng làm cách mạng. Hai khu vực hoạt động ấy tuy quan hệ mật thiết với nhau, nhưng mỗi ngành hoạt động có kỹ thuật và quy luật của nó. Lúc nhà chính trị bao biện, bất chấp hoàn cảnh khách quan kinh nghiệm xương máu của lịch sử, thì chẳng sớm thì muộn ta thấy diễn ra những tai hại hiện thời làm chúng ta đau xót. Trên con đường bao biện và tự mãn ấy, các nhà chính trị đã bị thúc đẩy bởi những thành kiến đối với pháp lý và tin rằng pháp lý là cái gậy chỉ dùng để chọc bánh xe, không hiểu rằng, trái lại, chính pháp lý giúp xe khỏi lật, khỏi gây tai nạn. Nguy hại hơn là chính trị tự đặt mình lên trên pháp luật. Ngay trong trường hợp chính trị sau khi đặt mình lên trên pháp luật, còn giữ vững thái độ chân chính, cũng đã gây ra bao khó khăn rồi. Pháp luật chủ yếu đề ra những cái gì có thể làm được, cái gì không được phép làm, do đó nhân dân vững tâm biết rõ đường mà đi. Nhưng tâm hồn quần chúng chỉ được ổn định khi nào quần chúng biết rõ rằng cái gì bó buộc mình cũng đồng thời bó buộc nhà cầm quyền. Trái lại, khi pháp luật chỉ gò bó quần chúng mà không gò bó nhà cầm quyền thì nhà cầm quyền mỗi lúc có thể vẽ ra các đường mới mà quần chúng chưa từng biết. Vì vậy quần chúng hoang mang: cái gì hôm qua làm được, ngày mai với sự độc đoán của nhà cầm quyền có thể bị coi là phi pháp. Hoang mang ấy lên tới cực độ khi tác dụng của sự thay đổi thái độ này của nhà cầm quyền không những ảnh hưởng đến tương lai, mà là ảnh hưởng cả về quá khứ nữa. Đó là trường hợp nhà cầm quyền, lúc tự đặt mình lên trên pháp luật, giữ thái độ chân chính đúng mực, huống hồ là khi nhà cầm quyền sử dụng quyền thế của mình một cách lộng quyền, như ông Trường Chinh đã nhận định. Quyền xử tử người một cách đơn giản như vậy trái với luật pháp: đó chỉ là một giải pháp chính trị mà thôi. Nếu mà các người sử dụng quyền ấy lại không sử dụng với tinh thần chính sách của lãnh đạo, sử dụng một cách lộng quyền thì kết quả thế nào, hiện thời ta đã trông thấy rõ.
Bất chấp chuyên môn — Các nhà chính trị bất chấp pháp luật. Nhưng nếu các vị ấy tranh thủ ý kiến của các nhà chuyên môn và cho phép các nhà chuyên môn đề đạt ý kiến thì các nhà chuyên môn cũng sẽ yêu cầu các nhà chính trị nên chú ý đến pháp luật, và dùng pháp luật phục vụ cách mạng.
Nhưng tiếc thay, trong 10 năm vừa qua, ta thấy một tình trạng quái gở. Chính trị ám ảnh đầu óc chúng ta đến nỗi hai chữ “lập trường” làm ta mất ăn mất ngủ. Nếu được dùng một hình ảnh “duy tâm”, tôi ví lập trường như cái oan hồn ngày đêm theo đuổi kẻ nào đã hãm hại người chủ của nó. Có một điều lạ, là các anh em công nông, các vị lãnh tụ không bao giờ nói đến lập trường trong sinh hoạt hàng ngày. Trái lại, các cán bộ và đảng viên tiểu tư sản không lo ngại gì bằng sự mất lập trường. Vì vậy, để nhớ đến nó, mở miệng ra là nêu lập trường rồi. Đó là tinh thần tự ti của một giai cấp mất khí thế, quên rằng mình đứng trong hàng ngũ cách mạng. Dù sao, ở Việt Nam chúng ta cũng đã xảy ra những sự việc như sau đây, ta cần ghi nhớ để con cháu ta cười muôn thuở: khi chọn một người vặn lái ô tô, ta không hỏi người ấy có bằng vặn lái và đã vặn lái bao năm, ta chỉ hỏi : “Có lập trường không?” Kết quả là từ hai năm nay, riêng trong thủ đô Hà Nội, hàng trăm tai nạn xảy ra do các người vặn lái ô tô có lập trường mà không nắm chuyên môn. Khi đưa tới bệnh viện một bệnh nhân cấp cứu, vấn đề mang ra thảo luận trước tiên là: Bệnh nhân thuộc thành phần giai cấp nào? Chữa cho địa chủ thì “mất lập trường”. Để nó chết mới chứng minh mình có “lập trường giai cấp” (hiện tượng do B.S. Nguyễn Xuân Nguyên đưa ra).
Tại sao có những hiện tượng quái gở như vậy? Là vì chính trị chiếm đóng tất cả các khu vực trong nhận thức của chúng ta làm chúng ta mất cả cái nhân đạo tối thiểu của con người, làm chúng ta khước từ các chân lý. Chân lý cho biết rằng chính trị không thể nào thay thế được cho chuyên môn, không làm được việc của chuyên môn. Nếu như vậy thì ít ra chính trị cũng hỏi ý của chuyên môn mới là phải. Nhưng không. Chính trị nghi ngờ chuyên môn, không tin ở chuyên môn. Lúc thì cho rằng chuyên môn là do văn hoá và khoa học tư sản đế quốc xây dựng, là vô dụng (đó là một sai lầm nghiêm trọng các người tin như vậy chưa đọc Lê-nin). Lúc thì cho rằng các nhà chuyên môn không phải xuất hiện ở tầng lớp cơ bản, công hay nông, thì không có đảm bảo vì thái độ lừng chừng, lập trường lỏng lẻo, dù là 10 năm nay họ đã bước chân vào đường cách mạng và chứng minh nhiệt tình của mình đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, kiến thiết quốc gia.
Theo ý tôi, đây là một vấn đề then chốt. Các anh em trí thức kháng chiến thường phàn nàn rằng Đảng Lao Động thiếu tín nhiệm họ. Họ đau khổ mà nhận thấy rằng mặc dầu họ đã trải qua bao nhiêu thử thách, chịu đựng bao nhiêu hi sinh, trải qua bao nhiêu gian nguy, Đảng vẫn chưa tin ở họ. Nào họ có yêu sách gì quá đáng đâu? Họ có đòi làm Bộ trưởng hay Đại sứ đâu? Không. Đại đa số các anh em trí thức nói chung, không mơ ước các cương vị, công tác lộng lẫy đâu, họ vui lòng nhường chỗ cho các nhà chính trị, các đảng viên. Họ chỉ thiết tha đòi hỏi được mang khả năng chuyên môn và kinh nghiệm của họ ra phục vụ nhân dân mà thôi. Họ chỉ thiết tha mong muốn được bảo toàn danh dự trí thức của họ và cái tự do tư tưởng mà họ quan niệm là cần thiết cho nhân phẩm của người trí thức mà thôi. Họ đã từng nghe thấy Đảng tuyên bố: Người trí thức là vốn quí của dân tộc. Nhưng họ cảm thấy vốn ấy quí quá đến nỗi phải cất nó đi thật kỹ, giữ gìn nó trong một bán ảnh, một hoàng hôn trường cửu. Nếu có ai cho rằng tôi nói không đúng, tôi cứ đề nghị người ấy quay mặt nhìn chung quanh, ở các cương vị công tác trong chính thể của ta. Có một chỗ nào mà người trí thức ngoài Đảng nắm được thực quyền không? Tác dụng “hiếu hỉ” hay “cười gật” thì có, mà lại có nhiều. Nhưng ngay ở các cương vị ấy, ngoài vai trò hiếu hỉ, cười gật, người trí thức có một trách nhiệm gì không, có quyền nói gì làm gì không, quần chúng đã biết và miễn tôi giả nhời.
Chính trị chèn ép chuyên môn như thế nào? xua đuổi người trí thức ra ngoài con đường cách mạng ra sao, lịch sử kháng chiến đã cho ta kinh nghiệm đau đớn. Năm 1949, phong trào tư pháp liên khu III tan vỡ vì chính quyền quan niệm tư pháp phải thuộc sự điều khiển của mình. Năm 1951, phong trào quân y, dân y liên khu IV sụp đổ vì các chính trị viên đưa vào các bệnh viện đã đàn áp chuyên môn, thúc đẩy các bác sĩ có công với cách mạng, với kháng chiến, phải gạt nước mắt mà rời bỏ kháng chiến. Đó không phải là chủ trương của Đảng Lao Động. Nhưng có một điều làm ta suy nghĩ: sao mãi bây giờ sau 10 năm Đảng mới nghiên cứu một chính sách cho trí thức? Điều ấy chứng tỏ rằng từ khi cách mạng thành công, ta chưa đánh đúng giá người trí thức, chưa đặt vấn đề trí thức. Do đó, làm thế nào khai thác được tất cả khả năng của người trí thức để họ mang chuyên môn ra phục vụ nhân dân?
Trên đây, tôi nói về người trí thức từ chiến khu trở về. Đối với người trí thức vẫn ở trong Thủ đô, ta thấy sự thiếu tín nhiệm ấy lại còn trầm trọng hơn nữa. Bao lần ta nghe tiếng chua cay của các anh em ấy phàn nàn bị coi như là kẻ thù, mặc dầu các anh em vì yêu nước đã khắc phục mọi lo sợ do tuyên truyền của địch gây ra và ở lại với chúng ta. Ta để cho cán bộ hộ khẩu xâm phạm đến danh dự của các anh em, ta không tìm cách nào sửa chữa sai lầm ta đã phạm đối với anh em. Ở các công sở tình trạng chèn ép của chính trị đối với chuyên môn đã đưa đến cái danh từ bi đát làm cho ta đau lòng: “họ Lưu, họ Kháng”. Không đoàn kết được các anh em, ta lại còn có thái độ úp mở, nhùng nhằng (ta tưởng như vậy là thượng sách), thậm chí ta lại còn nghi ngờ các anh em. Ta không hiểu rằng làm như vậy, ta bất công với các anh em, ta không tôn trọng lời đã hứa qua chính sách tiếp quản và cương lĩnh Mặt Trận, ta đẩy các anh em xa rời ta, ta vô tình ném xuống bể tiêu cực cái vốn chuyên môn của các anh em trí thức trong Thủ đô.
Đó là những nguyên nhân trực tiếp. Đào sâu hơn nữa, ta thấy rằng sở dĩ có những hiện tượng như ta vừa phân tách trên đây, chẳng qua chỉ vì sự lãnh đạo của ta thiếu dân chủ, xa lìa quần chúng.
Chính thể ta thiếu dân chủ như thế nào, ta đã từng biết. Vai trò của các vị Bộ và Thứ trưởng ngoài Đảng như thế nào, các vị đó làm được những gì trong Hội đồng chính phủ, trong các ngành chuyên môn mà các vị ấy phụ trách, ta không nên đi quá sâu. Ta chỉ cần liếc mắt nhìn qua công việc làm trong mỗi Bộ, ta chỉ cần nghe tiếng than phiền của các cán bộ, công chức làm việc trong các Bộ là ta hiểu. Ta cũng biết rằng chủ trương của Đảng có lẽ không phải như vậy đâu, nhưng trong thực tế công tác, mỗi anh em ta tiếp xúc với các vị Bộ hay Thứ trưởng ngoài Đảng, đều nhận thấy rằng quyền hành của các vị ấy hình như không phải là quan trọng cho lắm. Nhận định như vậy có lẽ ta lầm đấy. Nhất định ta lầm. Nhưng dù sao có “dư luận” không ai chối cãi được. Do đó, nếu chủ trương của Đảng không phải như vậy thì ít ra Đảng cũng mang trách nhiệm không làm thế nào để tiêu tan cái dư luận tai hại mà chúng ta thấy tồn tại từ thời kỳ kháng chiến đến giờ. Nhưng cũng có điều chắc chắn không ai chối cãi được, là các vị Bộ hay Thứ trưởng không có trách nhiệm gì trước Quốc hội, trước nhân dân, chỉ có trách nhiệm trước Chính phủ mà thôi. Chưa bao giờ ta thấy vị Bộ truởng nào bị lật đổ cả. Phải đợi đến các sai lầm đặc biệt nghiêm trọng trong Cải cách mới thấy hai vị Thứ trưởng phải rút lui khỏi Hội đồng Chính phủ. Các hiện tượng ấy chứng tỏ rằng Chính phủ ta chưa thực hiện được dân chủ trong khi lập Hội đồng Chính phủ, vì các vị Bộ hay Thứ trưởng đều được cử hay bị truất, ngoài sự tham gia trực tiếp hay gián tiếp (qua Quốc hội) của quần chúng.
Tình trạng của Quốc hội lại rõ hơn nữa. Mười năm Quốc hội đã thành lập. Các vị đại biểu Quốc hội còn phản ảnh được ý nguyện của quần chúng không, quần chúng có tín nhiệm ở Quốc hội nữa không, đó là một vấn đề. Nhưng dù vấn đề ấy ta giải quyết như thế nào đi nữa, có một điều chắc chắn là một Quốc hội già 10 năm rồi mà vẫn tồn tại ngoài sự can thiệp của quần chúng, sự lựa chọn của quần chúng, chứng minh rằng quần chúng 10 năm nay đã bị truất quyền cử đại biểu của mình rồi. Dĩ nhiên trong thời kỳ kháng chiến, bầu lại Quốc hội là một điều không làm được. Và hiện thời, Nam-Bắc bị tạm chia cắt, do đó sự bầu lại toàn thể Quốc hội cũng là khó khăn. Nhưng dù sao riêng ở các miền giải phóng này, nếu ta chú ý đến quyền người dân cử đại biểu của họ thì nhất định ta phải cho phép người dân bỏ phiếu rồi. Từ khi hoà bình trở lại, 2 năm đã qua, mãi bây giờ trước phong trào quần chúng đòi thực hiện dân chủ, ta mới nghĩ đến quyền bỏ phiếu của người dân và bổ sung Quốc hội.
Nào có thế thôi đâu? Ngay cái Quốc hội ta đang có hiện thời, ta có thực hiện dân chủ với nó không? Chắc chắn là không. Thỉnh thoảng ta mới họp Quốc hội, và trong các buổi họp đó ta chỉ thấy Chính phủ đưa ra các báo cáo để Quốc hội nghiên cứu, xây dựng, hay các chính sách để Quốc hội tán thành và bổ khuyết. Quyền lập pháp của Quốc hội ở đâu? Quyền đề ra đường lối, chủ trương trong nội trị, ngoại giao, quyền nêu trách nhiệm của Chính phủ và các Bộ, quyền lựa chọn nhân viên trong Hội đồng Chính phủ, bấy nhiêu quyền, Quốc hội có được hưởng dụng không? Dư luận quần chúng quan niệm rằng Quốc hội chỉ có quyền thông qua các chính sách mà thôi. Còn như các sắc lệnh hay đạo luật thì thường thường, quyền thông qua ấy chỉ thuộc ban Thường trực của Quốc hội. Nếu Quốc hội là tổ chức cao nhất của quần chúng, đại diện cho quần chúng, thì ta phải khách quan nhận thấy rằng, với vai trò vô cùng yếu ớt của Quốc hội hiện thời, quyền dân chủ của quần chúng không được thực hiện.
Nói đến Mặt trận thì tình hình cũng tương tự. Mặt trận hiện thời là tổ chức quần chúng có lẽ sát tình hình quần chúng nhiều nhất. Nhưng ta có để nó đóng vai trò của nó không? Không. Tác dụng của nó là động viên quần chúng để tán thành, ủng hộ và thi hành các chính sách. Đứng về phương diện này, nó làm tròn nhiệm vụ của nó. Nó xứng đáng với tín nhiệm của Đảng và Chính phủ. Nhưng hoạt động của nó như thế chỉ có một chiều thôi. Ta chưa khai thác các khả năng của nó. Ta chưa nhận thấy bản chất của nó. Nó có thể là liên lạc “hai chiều” giữa quần chúng và Đảng, Chính phủ. Một mặt như nó thường làm, nó động viên quần chúng để thực hiện các chủ trương của Đảng và Chính phủ. Nhưng mặt khác, nó có thể là cơ quan phản ảnh lên Đảng và Chính phủ các ý kiến, thắc mắc, nguyện vọng của quần chúng, góp phần xây dựng các chính sách, nói lên tiếng nói của quần chúng, cung cấp tài liệu nguồn gốc ở quần chúng, tích cực giúp đỡ cấp lãnh đạo tránh khỏi chủ quan, thắt chặt liên lạc giữa cấp lãnh đạo và quần chúng. Nhưng muốn để cho nó đóng vai trò ấy, ta phải “dân chủ” đối với nó, nghĩa là phát động tự do tư tưởng của nó, để nó mạnh dạn nói lên ý kiến của quần chúng, dù là các ý kiến trái ngược với nhận định của cấp lãnh đạo. Nhưng từ trước tới nay, ta không làm như vậy. Ta thấy khó chịu khi nó thỏ thẻ —chỉ thỏ thẻ thôi— những lời làm ta một phút chốc tỉnh giấc mộng chủ quan mà ta trong cấp lãnh đạo đang say sưa. Vì vậy ta chỉ thường cho phép nó, chỉ khuyến khích nó phụ hoạ ta, tán đồng ta với thái độ của đứa con khen hay khi mẹ nó hát. Tóm lại, ta không dân chủ với nó. Do đó, ta hạn chế khả năng của nó, nó không giúp ích gì cho cấp lãnh đạo.
Thiếu dân chủ là gì? Là xa rời quần chúng, là giam hãm mình vào ngục thất của chủ quan. Tại sao một chính thể cách mạng lại có thể phạm sai lầm nghiêm trọng như vậy được?
Trước đây, ta không trả lời được. Những người kính yêu cách mạng rất ngạc nhiên khi thấy có kẻ đi tìm tự do, rời bỏ hàng ngũ cách mạng để lén sang phía tư bản. Ngay trong thủ đô ta hiện thời, qua Đại hội lần thứ 3 của Mặt trận Thành, ta thấy phản ảnh ý muốn của bao nhiêu đồng bào muốn đi Nam. Ta nghĩ đến các đồng bào, trong thời kỳ kháng chiến, gạt nước mắt mà trở về Hà Nội. Nếu cách mạng mang lại cho họ ánh sáng và hạnh phúc, sao lại có người lo ngại trước cách mạng, đau đớn vì cách mạng? Các người ấy không phải thuộc thành phần kẻ thù của cách mạng, trái lại thuộc thành phần cơ bản trong nhân dân, như nông dân, công nhân. Thế thì đâu là chân lý? Đó là một vấn đề mà trước đây ta chỉ đặt thôi và không giải quyết được.
Bây giờ sau Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô, sau các cuộc bạo động ở Berlin, Poznan, bên Tiệp, bên Hung, ta hiểu rõ vấn đề, ta giải quyết được nó. Chung quy, mặc dầu cách mạng là tốt đẹp, mang lại hạnh phúc cho dân tộc, sở dĩ vẫn có người xa lánh cách mạng, chẳng qua là vì chính thể cách mạng mắc trầm trọng bệnh xa lìa quần chúng, thiếu dân chủ, do đó đi càng ngày càng sâu vào tình trạng quan liêu, mệnh lệnh, duy trì một thái độ lãnh đạo hẹp hòi, độc đoán, có khi độc tài. Thái độ một chiều không muốn, không cho phép ai nói cái gì trái ngược ít nhiều với ý kiến nhận định, thành kiến của mình. Mình tự phụ, tự hào mình có độc quyền tìm thấy và gìn giữ chân lý. Đó là tật tự cao tự đại của nhà cách mạng. Ta bay bổng lên trời xanh của ảo tưởng, ta chỉ tin ở ta. Trong tư tưởng, ta không khinh quần chúng, nhưng trong hành động, quả thật con mắt khách quan nhận thấy ta bất chấp quần chúng. Thậm chí, khi ta nghe thấy một tiếng nào từ quần chúng nói lên rằng ta nhầm, ta làm như thế này mới phải, lập tức ta thét ngay đó là tiếng của địch. Sở dĩ quan điểm bạn thù của ta mơ hồ, và đâu ta cũng trông thấy địch, chẳng qua là vì ta quá tự phụ, ta sùng bái ta quá đáng mà thôi. Bây giờ ta biết rõ là nếu bệnh ấy phổ biến trong hàng ngũ cách mạng hiện thời thì trách nhiệm chính là Stalin phải chịu. Vì tự cao, tự đại, tự phụ, tự mãn, Stalin không cho phép ai dân chủ với mình, đâu cũng trông thấy địch. Kết quả thế nào ta đã biết: khẩu hiệu nêu lên, thét lên, gào lên là: đề cao cảnh giác. Và lợi dụng tình thế ấy, ta biết Béria đã làm những gì, phạm tội ác như thế nào.
Nếu không có quyết nghị lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô, nếu không có những sai lầm cực kỳ tai hại trong Cải Cách, ta chưa mở mắt được, ta sẽ còn thấy bao nhiêu máu oan chảy thành suối thành sông, bao nhiêu người kính yêu cách mạng mà vẫn đau sót rời bỏ cách mạng. Tuy ta phải trả một giá quá cao, nhưng bây giờ ta biết rõ nguyên do của các đau khổ của ta: ta thiếu dân chủ.
III. Phương hướng sửa chữa các sai lầm
Qua lịch sử tranh đấu của quần chúng hai nghìn năm nay, ta thấy cái gì mà nhân bản của loài người đòi hỏi thiết tha nhất, đó là một đời sống vật chất tương đối đầy đủ êm ấm, đó là một đời sống tinh thần tương đối ổn định, có đảm bảo và tự do. Hạnh phúc của loài người xây dựng trên cơ sở dân sinh và dân quyền. Tôi muốn nhấn mạnh ở đây về vấn đề dân quyền. Ta được biết từ hai thế kỷ nay chủ yếu trong vấn đề dân quyền là vấn đề dân chủ, nghĩa là quyền của người dân làm chủ trên đất nước, đồng thời là quyền của con người được sống theo các nhu cầu thiết yếu và chính đáng của nhân bản. Từ cuộc Cách mạng tư sản Hoa Kỳ cuối thế kỷ 18, Cách mạng tư sản Pháp 1789, tới cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa của Nga, quần chúng nổi dậy, mang xương máu để giành kỳ được chế độ dân chủ. Sau cuộc đại chiến lần thứ hai, Hiến chương Liên hiệp quốc đúc kết những thành quả của các phong trào lịch sử tranh đấu cho dân chủ và đặt các nước văn minh trước trách nhiệm của họ để thực hiện và đảm bảo các nguyên tắc dân chủ. Đối với các nước tư bản ta không ngạc nhiên thấy chế độ dân chủ thực hiện với những thiếu sót quan trọng. Nhưng ta có quyền ngạc nhiên khi ta thấy các thiếu sót ấy cũng xuất hiện trong các nước đã hoàn thành cuộc Cách mạng dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa. Đại hội lần thứ 6 của Hội Quốc tế các luật gia dân chủ họp trong tháng 5 vừa rồi tại Bruxelles đã lấy làm tiếc mà nhận thấy rằng trong tất cả các nước, dù tư bản hay xã hội chủ nghĩa, mặc dầu các Hiến pháp, các bộ luật tuyên bố trịnh trọng, tôn trọng thực hiện, đảm bảo thực hiện các nguyên tắc dân chủ, tuy nhiên các nguyên tắc này vẫn bị dày xéo. Vì vậy trong tất cả các nước, quần chúng tranh đấu kịch liệt.
Ở nước ta, trong bản Tuyên ngôn độc lập, trong Hiến pháp cũng như trong các sắc lệnh, đạo luật, nguyên tắc dân chủ đã được ban bố. Nhưng qua phong trào phát huy dân chủ mà Chính phủ chủ trương, qua đại hội nhân dân thủ đô lần thứ 3, các Đại hội Mặt trận Trung ương, Mặt trận Thành, qua thông cáo của Hội nghị lần thứ 10 của Trung ương Đảng Lao động, của Chính phủ v.v., nhân dân nhận thấy, và Đảng cũng như Chính phủ xác nhận rằng ta thiếu sót về dân chủ khá nhiều. Vì các thiếu sót ấy, ta phạm các sai lầm nghiêm trọng trong Cải Cách Ruộng Đất như tôi đã trình bày trên đây. Nguyên nhân sâu sắc của các sai lầm ấy, ta có thể quy kết được. Sở dĩ đời sống tinh thần của ta không được ổn định, lúc nào ta cũng nơm nớp lo sợ các hành động “lộng quyền” của nhà đương cục, là vì ta thiếu một chế độ pháp trị phân minh, không đề ra nghĩa vụ và quyền lợi của mọi người, đồng thời cả của cấp lãnh đạo nữa. Sở dĩ cấp lãnh đạo có thể phạm được các sai lầm nghiêm trọng trong Cải Cách Ruộng Đất, tổn thất cho xương máu, mồ hôi nước mắt của đồng bào, cho uy tín của Đảng và Chính phủ, là vì người dân không có quyền, không có phương tiện nói lên ý kiến của mình, tham gia xây dựng các chính sách của Chính phủ.
Do đó, phương hướng sửa chữa các sai lầm là một chế độ pháp trị chân chính, một chế độ dân chủ thực sự.
Một chế độ pháp trị chân chính — Ở đây, chưa phải lúc và chỗ để tôi trình bày ý kiến về vấn đề pháp trị. Ta sẽ có dịp khác. Ở đây, tôi chỉ muốn trình các quí vị một nhận xét.
Đảng Lao Động và chính phủ có nhận thấy cần thiết, trong chính sách sửa chữa các sai lầm trong Cải Cách, phải “tăng cường chế độ pháp trị” của ta. Tôi e rằng trong tư tưởng lãnh đạo, sự nhận thức về vấn đề pháp trị chưa được rõ và đầy đủ. Chính trị vẫn coi pháp luật như một “bà con nghèo”. Chữ “tăng cường” là một chứng minh. Tuy rằng trong nước ta có một Bộ Tư pháp, có các toà án, có luật lệ, nhưng chế độ pháp trị hầu như không có. Đó là một điều tôi sẽ nghiên cứu sâu sắc hơn khi nào tôi trình bày ý kiến về chế độ pháp trị, một chế độ pháp trị chân chính. Theo ý tôi, thì vấn đề không phải là tăng cường mà là xây dựng.
Một chứng minh khác trong chính sách Sửa Sai trong Cải Cách này, tôi vẫn thấy chính trị lấn áp pháp lý. Trước hết bức thư của ông Hồ Viết Thắng tự phê bình và xin rút lui khỏi Mặt trận Trung ương chỉ là một giải pháp chính trị mà thôi. Trong cuộc mạn đàm với các vị đại biểu đến họp hội nghị này, tôi nhận thấy không ai “thông” về ý kiến và biện pháp ông Hồ Viết Thắng trình bày cả. Riêng về phần tôi là một nhà luật học, tôi chưa thể nào nhận định được trách nhiệm của ông Thắng. Có thể trách nhiệm của ông ấy rất lớn, có thể rất nhỏ. Đứng trên tinh thần pháp lý, sự nhận tội lỗi của một người không đủ để qui định trách nhiệm của người ấy. Trong Cải Cách, khi những đảng viên ưu tú bị đoàn Cải cách gán cho là phản động, ra trước nhân dân, có người cũng nhận tội trong khi biết là mình oan. Ta nên rút kinh nghiệm vừa qua, sửa sai không phải là phạm các sai lầm khác. Do đó, đứng trên một lập trường pháp trị chân chính, tôi đề nghị phải lập một uỷ ban điều tra gồm các vị đại biểu Quốc hội, Mặt trận, Đảng Lao động với sự cộng tác của các vị thẩm phán cao cấp, giàu kinh nghiệm để lập một hồ sơ theo phương pháp pháp lý đã nhận định, trên quá trình đi từ lãnh đạo qua chỉ đạo đến chỗ thực hiện chính sách, trách nhiệm ở chỗ nào và do những ai phải chịu. Sau khi kết thúc cuộc điều tra, uỷ ban ấy sẽ phân tách trách nhiệm chính trị và trách nhiệm pháp lý. Ai chịu trách nhiệm chính trị sẽ trả lời trước Quốc hội biến thành Toà án tối cao. Ai chịu trách nhiệm pháp lý sẽ trả lời trước các toà án tư pháp. Dưới con mắt của quần chúng theo dõi xây dựng cuộc điều tra và xét xử, công lý phát huy, không còn ai thắc mắc nữa.
Có người hỏi làm thế để làm gỉ? Tôi xin phép trả lời. Làm thế để rút kinh nghiệm. Tôi cảm thấy ngay hiện thời ta chưa rút được kinh nghiệm đâu. Chính trị không những lãnh đạo pháp lý —đó là đúng— nhưng vẫn lấn át pháp lý, thay thế cho pháp lý, như trong trường hợp ông Hồ Viết Thắng, như thế là ta vẫn mở cửa cho các sai lầm mới còn nguy hại hơn nữa. Không những thế, ta biết rằng nhu cầu công lý thuộc nhân bản con người văn minh. Từ người bị xử trí oan cho đến các người chỉ chịu thiệt gián tiếp vì các sai lầm, có thể nói được rằng toàn dân đợi chờ công lý. Một biện pháp chính trị xuề xoà không thoả mãn được ai. Bằng chứng ở nông thôn, ta được biết tình hình “căng thẳng”. Phong trào trả thù, tự xử diễn ra khắp mọi nơi, kéo chúng ta trở về quá khứ của lịch sử. Còn như các đảng viên bị xử trí sai, tâm hồn các anh em như thế nào, ta chỉ cần đọc lại báo Nhân Dân. Tuy rằng các anh em kết thúc các bài tường thuật lại đau khổ của mình bằng những lời phấn khởi, nhưng các lời này không làm ta quên được các lời phẫn uất, chua xót, cay đắng mà các anh em nói lại với ta từ đầu bài. Nhưng bi đát hơn hết là các chiếc khăn trắng chít trên đầu họ hàng thân thích của những anh em bị xử tử, những bàn thờ vẫn dựng trong nhà, các thổn thức phá vỡ im lặng của các đêm hiu quạnh, các ngày cúng giỗ nhắc lại hàng năm bi kịch thê thảm đã diễn ra trong gia đình vì cuộc Cải Cách. Nhân dân đòi hỏi các người có công được thưởng và các người có tội phải đền tội. Trách nhiệm của tất cả mọi người từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, phải được qui định rõ ràng, dứt khoát. Như thế mới yên được lòng dân, như thế mới thu phục được nhân tâm. Kinh nghiệm lịch sử dạy ta điều ấy. Trong chính sách sửa chữa sai lầm, ta không thể quên được bài học lịch sử. Quần chúng im lặng đợi chờ công lý.
Chúng ta thiết tha mong ước ở chính trị một nhận định đúng về vai trò của pháp luật phục vụ cách mạng. Kinh nghiệm đau đớn vừa qua bó buộc ta phải xây dựng lại quan điểm “địch” trên cơ sở pháp lý và pháp trị. Các sai lầm nghiêm trọng ta đã phạm bắt nguồn ở một quan điểm chính trị về địch. Quan điểm ấy linh động quá, “biện chứng” quá, nên ta không biết phân tách địch và ta, do đó ta đánh cả ta nữa. Muốn tránh các sai lầm hôm qua đừng tái diễn ngày mai, ta cần xác định theo hình luật thế nào là địch. Lúc đó ta mới đánh đúng địch, và có đánh đúng địch ta mới củng cố được ta, ổn định được nhân tâm, duy trì lại trật tự và an ninh ở thôn quê, kiến thiết lại đoàn kết giữa các tầng lớp nhân dân ở thôn quê cũng như ở thành thị, đảm bảo cho quần chúng một đời sống tự do, thoát khỏi mọi sự đe doạ của “lộng quyền”, bênh vực các quyền căn bản và thiết yếu của con người.
Tóm lại, nếu chính trị giác ngộ, vui lòng tôn trọng pháp ly, thiết lập một chế độ pháp trị trong đó chính trị vẫn lãnh đạo pháp lý, nhưng đồng thời nêu thật cao gương phục tùng pháp lý và pháp trị thì nhất định chính trị khôi phục được uy tín và được quần chúng nhiệt liệt ủng hộ.
Một chế độ thực sự dân chủ — Thế nào là một chế độ thực sự dân chủ? Đó là một chế độ trong đó người dân được làm chủ trên đất nước không những trong hiến pháp, mà cả trong thực tế nữa. Đây không phải là lúc là chỗ mà ta đi sâu vào vấn đề. Ta chỉ cần nhận thấy rằng trong giai đoạn hiện thời, quần chúng có đòi hỏi cái gì quá đáng đâu, chỉ yêu cầu có một điều thôi, là được đàm thoại với cấp lãnh đạo, được đề đạt lên cấp lãnh đạo, ý kiến về các chính sách do cấp lãnh đạo xây dựng. Các vị lãnh tụ đã bao lần khen dân ta tốt. Mà dân ta tốt thật. Bằng chứng là điều tôi vừa nhắc lại đây. Trong khi quần chúng có quyền đòi hỏi ở một chính thể cách mạng rất nhiều, nhân dân ta chỉ có một yêu cầu mà ai cũng phải nhận là chính đáng. Tại sao nhân dân chỉ có cái yêu cầu nhũn nhặn ấy mà thôi? Là vì nhân dân thông cảm với cấp lãnh đạo phải đương đầu với bao khó khăn. Nhưng nếu nhân dân chỉ đề ra có một yêu cầu, yêu cầu ấy thiết yếu. Tôi tin rằng cấp lãnh đạo cũng nhận thấy như vậy. Tôi không quên lời của ông Trường Chinh đọc bản tự phê của Đảng Lao Động tại Hội nghị này. Ta nghe thấy cấp lãnh đạo thú nhận trước Hội nghị rằng Trung ương Đảng đã phạm sai lầm là xa quần chúng, chỉ tiếp xúc với quần chúng qua báo cáo của các cán bộ đảng viên mà thôi. Ta phải nhận định rằng đây là một sai lầm nghiêm trọng. Do đó, cuộc Cải Cách Ruộng Đất của ta đã gặp các thất bại cay đắng. Trái với lời ta thường nói, ta đã thiếu dân chủ với nhân dân.
Nhân dân nhất định không để tình trạng tai hại ấy kéo dài nữa. Tôi xin phép Hội nghị góp một số ý kiến để chấm dứt tình trạng đó. Tôi không đặt vấn đề dân chủ nói chung. Tôi chỉ chú ý đến yêu cầu thiết tha nhất hiện thời của quần chúng là được phản ảnh lên ý nguyện của mình. Theo ý tôi, để thực hiện và đảm bảo yêu cầu vô cùng chính đáng ấy, chỉ cần ba giải pháp.
1. Một chế độ báo cáo của cán bộ. Đảng tín nhiệm ở cán bộ. Đúng! không tài nào khác được. Vậy phải đặt các cán bộ có nhiệm vụ báo cáo trước trách nhiệm của họ. Một báo cáo không phản ảnh trung thành sự thực với các khía cạnh của nó, với các ưu và khuyết điểm của nó, rất tai hại. Cấp lãnh đạo cần đề cao cảnh giác với các con số thống kê, các động cơ bất chính của cán bộ muốn thi đua thành tích, vưà mị dưới, vừa lừa trên, do đó đưa ra một hình ảnh quá hẹp của thực tế. Ta phải tiến tới giải pháp nhận định rằng người nào hữu ý xuyên tạc sự thật vì động cơ bất chính, có thể bị truy tố về tội giả mạo được.
2. Một chế độ cho các đoàn thể nhân dân được quyền mạnh dạn nói lên ý kiến của quần chúng mà họ tập hợp. Từ trước tới nay, ta có thể ví Đảng Lao động như một cây rất to, lá ruờm ra che hết ánh sáng của mặt trời, khiến ngay một ngọn cỏ cũng không mọc dưới chân nó được. Vì vậy, Quốc hội cũng như Mặt trận không thể đóng được vai trò của mình. Ở đây, tôi chỉ xin phép nói về Mặt trận của ta thôi. Các vị đã thấy rằng từ khi thành lập Mặt trận Liên Việt cho đến Mặt trận Tổ quốc, chúng ta chỉ có nhiệm vụ động viên quần chúng thi hành chính sách mà thôi. Đó là một nhiệm vụ. Nhưng dù sao chỉ có một chiều. Ta là giây liên lạc giữa các cấp lãnh đạo và quần chúng. Nếu ngược lại, ta có quyền liên lạc giữa quần chúng và cấp lãnh đạo, nghĩa là phản ảnh lên Đảng và Chính phủ ý kiến thắc mắc, nguyện vọng của quần chúng, công tác của ta thế nào cũng tốt đẹp hơn, hoàn hảo hơn. Ta gắn liền lãnh đạo và quần chúng, do đó lãnh đạo sát hợp với thực tế hơn. Tôi xin phép đặt mỗi vị uỷ viên trước trách nhiệm của mình. Chúng ta ủng hộ Chính phủ, nhưng chúng ta cũng là đại biểu của nhân dân. Công tác của chúng ta có hai mặt, chúng ta không thể chỉ lệch về một bên được. Quần chúng không cho phép chúng ta làm như vậy, muốn theo rõi công việc ta làm vì chúng ta làm đại biểu của quần chúng, được quần chúng tín nhiệm. Quần chúng giao quyền cho chúng ta, chúng ta phải xứng đáng với sự uỷ quyền ấy. ta sử dụng quyền ấy thế nào, quần chúng đòi kiểm soát ta.
Để đạt mục đích này, tôi xin phép đề nghị: một là mỗi uỷ viên phải có nhiệm vụ phản ánh lên Mặt trận ý kiến của quần chúng. Mặt trận phải có nhiệm vụ đề đạt lên cấp lãnh đạo những phản ảnh của các uỷ viên và báo cho các vị ấy thái độ của cấp lãnh đạo giải quyết vấn đề ra sao, sử dụng các phản ảnh ấy như thế nào. khi Mặt trận họp hội nghị, phải cho phép quần chúng đến bàng thính: để quần chúng kiểm soát công việc của Mặt trận làm và thái độ của các uỷ viên. Dĩ nhiên các người bàng thính ấy không có quyền tham gia thảo luận, chỉ được nhập hội trường cho tới khi hết số ghế dành cho quần chúng, và phải tôn trọng kỷ luật của hội nghị. Ngoài ra, báo chí, đặc biệt báo chí của Mặt trận như tờ Cứu Quốc, phải phản ảnh trung thành nội dung của các cuộc thảo luận và đăng các tham luận của các vị uỷ viên.
3. Một chế độ tự do ngôn luận, xuất bản báo chí — Ta phải đề phòng trường hợp các cán bộ không báo cáo, các uỷ viên Mặt trận không phản ảnh ý kiến của quần chúng. Do đó, ta thấy cần thiết phải cho phép quần chúng nói lên tiếng nói của mình qua báo chí. Có người lo ngại rằng tự do ngôn luận này mà ai cũng thấy cần thiết có thể bị sử dụng một cách bừa bãi. Về điều này ta phải suy nghĩ. Mối lo ngại trên đây xuất phát từ động cơ nào? Nếu là động cơ tốt —nghĩa là do một nhiệt tình đối với cách mạng gây ra— ta hoan nghênh. Nhưng ta cũng sẽ trả lời rằng trong một chính thể dân chủ muốn sử dụng tự do nào, dĩ nhiên phải nêu trách nhiệm của người sử dụng tự do ấy trước pháp luật. Nếu sử dụng với tinh thần trách nhiệm hợp pháp, ta không có quyền kêu ca gì, trái lại, ta hoan nghênh. Nếu lạm dụng một cách vô trách nhiệm, ta đã có toà án để nghiêm trị. Vậy ta không lo ngại. Nhưng nếu mối lo ngại xuất phát từ một động cơ bất chính, nhắm mục đích thủ tiêu các tự do dân chủ, thì tôi chỉ cần khuyên nhủ người lo ngại như vậy nên đọc lại lịch sử các phong trào cách mạng trong hơn một thế kỷ nay. Họ sẽ nhận thấy rằng chưa bao giờ, chưa ai có thể ngăn cản được một phong trào quần chúng tranh đấu đòi các tự do dân chủ.
Không những ta công nhận các tự do dân chủ, ta lại còn cung cấp phương tiện để thực hiện các tự do ấy. Thí dụ tự do ngôn luận. Ta có các báo của Chính phủ, của Đảng, của Mặt trận, ta lại có các báo của tư nhân, ta giúp đỡ cho các báo ấy giấy và mực in đầy đủ, ta lại còn quảng cáo cho các báo ấy là đàng khác nữa. Các cơ quan tuyên truyền, báo chí của ta không bao giờ tìm khó dễ cho các báo ấy, và khi nào các báo đó được hàng vạn độc giả hoan nghênh, ta rất lấy làm sung sướng vì trong thâm tâm ta, ta là những người dân chủ.
Các biện pháp tôi đề nghị trên đây đều nhằm mục đích cống hiến các cấp lãnh đạo một nhận thức đúng và sát thực tế mà cấp lãnh đạo không có điều kiện biết đến một cách trực tiếp. Sát với thực tế của quần chúng, cấp lãnh đạo thông cảm với quần chúng, đi đúng đường lối của quần chúng, được quần chúng tín nhiệm, ủng hộ, mến yêu.
Thưa các quý vị,
Tôi nói đã quá lâu, nhưng tôi tin các vị cũng tha thứ cho, vì biết rằng tôi là một người thiết tha đến sự nghiệp của cách mạng và tiền đồ của dân tộc. Các ý kiến của tôi, dù sai hay đúng, tôi cứ thành khẩn đề đạt lên các vị, gọi là để góp phần vào hội nghị, một phần nhỏ mọn nhưng chan chứa một niềm hi vọng và tin tưởng vô biên ở tương lai của đất nước.

Luật sư Nguyễn Mạnh Tường
Hà Nội, ngày 30-10-1956


Nguồn Vietstudies

Thứ Hai, 9 tháng 10, 2017

Ngô Đình Nhu: Lễ Lập Xuân ở Hà Nội về thời Hậu Lê

HTN: Bài khảo cứu về lễ Lập Xuân của Ngô Đình Nhu, đăng trên tờ Thanh Nghị, số 14, ngày 1er Juin 1942. Ngô Đình Nhu tốt nghiệp École Nationale des Chartes (Paris) năm 1938 với luận văn “Les moeurs et les coutumes des Annamites du Tonkin au xviie siècle” (Những phong tục và tập quán của người An Nam ở Đằng Ngoài thế kỷ XVII). Về nước, Ngô Đình Nhu làm nhân viên Nha văn khố trung ương Hà Nội từ năm 1938 đến 1943. Bài khảo cứu khá thú vị và đặc sắc dù tiếng Việt của tác giả hơi vụng về,  đôi chỗ diễn đạt tối nghĩa, lại dùng nhiều từ cũ nay không còn thông dụng. Học Thế Nào  giới thiệu bài khảo cứu đặc sắc này đến bạn đọc thay cho lời chúc mừng xuân mới.

Lễ Lập Xuân chắc là một trong những tế tự nước Nam mượn trước nhất của Tàu. Vì lễ này thuộc về loại lễ có định kỳ và theo như sách Lễ Ký, có thể gieo nhiều tai họa thảm khốc cho nhân gian nến vị quốc chủ cử hành không hợp lệ. Nhưng ta không biết lễ ấy vào xứ này từ hồi nào và tiên tổ ta theo những nghi thức nào để cử hành lễ này là một lễ có dính dáng đến khoa chiêm tinh và nghề nông phố.
Ngoài tập Việt Điện U Linh (ở đầu thế kỷ XIII) nhân khi nói đến một vị thần ở thành Thăng Long (thần Quảng Lợi Vương) có bàn một vài câu; ngoài bộ An Nam Chí Lược (đầu thế kỷ XIV) của Lê Tắc có ghi qua (xem bản dịch của Sainson xuất bản năm 1896, trang 93-94) ta phải công nhận với Phan Huy Chú rằng giở lên trước nhà Hậu Lê (1428-1788), ta không có tài liệu đích xác về lễ này tuy là một trong những quốc lễ và có tính cách bắt buộc ở nước Nam.
Tài liệu chính để làm bài khảo cứu này là tập thủ-thảo bằng chữ la tinh số 11.114 của Quốc Gia Thư Viện Paris, nhan đề là: Opusculum de Sectis apud Simenses et Tunkinenses (Petit traité des sectes religieuses chez les Chinois et les Tonkinois) (1750) của cố Adriano di Santa Tecla (Adriende Sainte Thècle), người thuộc về dòng Augrestins (chỉ đi dép không, không dùng tất). Truyền Giáo Thánh Hội (Propagande de la foi), sai sang Bắc Kỳ năm 1738, mất năm 1765 tháng một.
Tôi có tra cứu thêm chương Lễ Nghi chí, quyển XXII bộ Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú (1821), với thiên Quảng Lợi Vương ở tập Việt điện U linh như đã nói trên.
Tập Petit traité des sectes religieuses chez les Chinois et les Tonkinois đã được phác tả ra trong tạp chí Journal Asiatique, năm 1823-1824 (có đem đại lược bàn qua và trích đăng nhiều đoạn) và trong bộ Bibiotheca Indosinica của H. Cordier, quyển III, cột 1887.
Bản sách của Quốc Gia Thư Viện (Ban lưu giữ những thủ-thảo) – Thư viện Pierre Pasquier có một bản sách này bằng ảnh chụp – có chứng cớ rõ ràng là đã được giám mục Louis Néez (1680-1764), coi địa phận Bắc kỳ Tây từ năm 1738, tự tay đối chiếu cẩn thận với bản chính vì cố Adrien de Sainte Thècle đã ở cạnh ngài ba năm (1762-1764).
Cố Adrien de Sainte Thècle, tên ta là Cụ Tri, về dòng O.R.S.A., đến xứ Bắc năm 1738. Được bổ làm quản sự (procureur) địa phận Bắc kỳ Đông năm 1761; người cùng các bạn đồng tông, vì lời xúi giục của các cố Dominicains, bị trục xuất ra khỏi xứ Bắc; đến trú ẩn nhờ giám mục Nèez năm 1762 và mất tại địa phận này vào quãng tháng một năm 1765.

*
Muốn hiểu rõ những lễ thuộc về « nông nghiệp tuần hoàn » (cycle agraire) của người Nam, ta cũng nên ôn lại những điều chính của thiên văn học và vũ trụ quan của Trung Quốc.
Người Trung Quốc chia bầu trời ra làm năm cung: Cung giữa (trung cung) là vòm trời bao bọc « bắc cực » lúc nào ta cũng nom thấy và bốn cung đặt theo xích đạo tuyến (quatre palais équatoriaux) lần lượt lặn xuống dưới chân trời và so đúng với bốn mùa. Bởi vì xích đạo tuyến (équateur céleste) đem ghép đúng với tứ phương, nên « bắc cực » không phải ở miền bắc như của người Tây phương đâu nhưng ở vùng giữa (Trung cung) và bốn cung kia bao bọc lấy trung cung đều đúng với tứ phương xếp theo chân trời.
Cho nên cung mùa đông gọi là Bắc cung vì về mùa đông, mặt trời thuộc về một vùng mà tí ngọ tuyến (méridien céleste) gặp chân trời ở phương Bắc; cung mùa hè gọi là Nam Cung vì lúc bấy giờ mặt trời thuộc về một vùng ở về đầu kia mà gặp tí ngọ tuyến gặp chân trời ở phương Nam của chúng ta. Về hai cung kia cũng vậy: ta thấy tuần trăng tròn về mùa xuân và mùa thu, một cung ở về phương đông, một cung về phương tây nếu ta cứ theo lối tìm phương hướng kể trên.
Muốn giảng cách chuyển vận của năm cung và bốn tiết, người Tàu dẫn ra hai lẽ âm dương thuộc về vật lý và ngũ hành thuộc về thổ hóa chất là : mộc (xuân); kim (hạ); hỏa (thu); thủy (đông) và thổ (trung cung). Năm hành ấy lần lượt thắng nhau: kim chặt gỗ thắng mộc, hỏa làm chảy sắt thắng kim, thủy làm tắt lửa thắng hỏa, thổ hút nước thắng thủy ; mộc tiêu hóa được đất thắng thổ và cứ lần lượt như vậy làm bốn mùa đều chuyển vận.
Và chẳng bao lâu người ta đem ghép vào chủ nghĩa có tính cách hoàn toàn lý hóa ấy sự tin tưởng rằng có một đấng Thượng đế ngự vị tại Trung Cung và sai khiến được hai lẽ âm dương và ngũ hành.
Cái óc cân đối của người Tàu đã làm cho họ sớm tìm thấy một hình thể tương đương với Thượng đế là Trung Hoa Hoàng Đế thống trị ở Trung Quốc. Trung Quốc, cũng như trung cung, ở giữa, chung quanh là man di ở rải rác bốn phương; đế đô, cũng như sao bắc cực, ở vào giữa bốn vùng Bắc, đông, nam, tây đối với tứ thời; so với Thượng đế thì Trung Hoa Hoàng Đế là con (thiên tử) ; nhờ có tiên tổ là ngũ đế sánh được với ngũ hành và được năm vị thần phò tá, Trung Hoa hoàng đế có thể và cần phải lập trên địa cầu một trật tự tương đương với trật tự của Thượng đế. Vì giữa trời và đất, giữa vũ trụ và nhân sinh có một dây liên lạc mật thiết, nên chỉ cần rằng Thiên tử, là vị giúp việc Thượng đế trên nhân gian, đúng vào những thời kỳ đã định trong lịch, truyền lệnh cho các phương hướng ở trong không gian chuyển vận theo thứ tự, là tự nhiên tứ thời đều đều kế tiếp.
Đó là tóm tắt quan niệm Tàu về thiên văn sinh lý học, trái hẳn với luật tam thế (loi des trois ages) của Auguste Comte. Khởi thủy từ sự nhận xét và những thuyết tuyệt nhiên không pha mảy may thuần lý học và thần nhân đồng hình thuyết, để sau cùng thành một giáo lý chủ trương thuyết định mệnh, quan niệm này về vũ trụ nhân sinh đã làm khung cảnh cho văn minh Đông Á hơn bốn mươi thế kỷ và đã tìm được hình thức hoàn toàn trong những nguyệt lệnh sách Lễ Ký.
Để theo cho đúng nghi lễ đã ghi trong Lễ Ký, muốn cho tiết điệu của thế gian khỏi bị đình trệ và những hiện tượng của vũ trụ được luân lưu và tránh được sự hỗn tạp, vua Lê, mỗi năm lúc đổi mùa lại dâng lễ cho bốn vị hoàng đế thuộc về thời thần thoại của Trung hoa và bốn vị thần bộ hạ. Tế ở đâu ? Tại « Giao đàn » (loco Giao) theo như lời Adrien de Sainte Thècle :có lẽ là đàn Nam Giao ở miền Nam ngoại ô Thăng Long. (Đàn Nam Giao, rìa đường Chợ Hôm Bạch Mai, lối ngày xưa vào Huế) Route de Huê, gần làng Phong Vân, bây giờ chỉ còn một tấm bia làm từ đời Vĩnh Trị tứ niên, 1680 và giữ ở Bảo tàng Louis Finot).
Đàn Nam Giao hình chữ nhật, cửa chính mở về phía nam, cũng chia ra làm năm phần hợp với vũ trụ quan của Trung Quốc.
Ở giữa một phần là chiêu sư điện để riêng tế trời và do vua ra hành lễ ; và bốn phần bên đúng với tứ phương : đến kỳ có quan đại thần thay vua ra tế các mùa.
Cuối mùa đông, tế vua Phục Hy và thần Câu Mang tại đàn đông để lập xuân vì mùa xuân đúng với phương đông;
Cuối mùa xuân, tế vua Thần Nông và thần Chúc Dung tại đàn nam để lập hạ vì mùa hạ đúng với phương nam;
Cuối mùa hạ, tế vua Thiếu Hiệu và thần Nhục Thu tại đàn tây để lập thu;
Cuối mùa thu, tế vua Chuyên Húc và thần Huyền Minh để đàn bắc để lập đông.
Nhưng ngoài lẽ chính này, một nghi tiết đặc biệt đã được đem ra cử hành một cách long trọng hơn trong dịp lễ Lập xuân để mở đầu năm mới cho nông gia và dân chúng.
Để tả tế này, cố Adrien de Sainte-Thècle  dựa vào hai bức thư của cố Francisco Gile De Federich, người Tây ban nha, thuộc dòng Dominicains (tên ta là cụ Tê); đến Bắc kỳ năm 1737, cố Gil de Federich, bị giam từ 1737 tại Ngục Đông ở Thăng Long cho đến ngày 22 tháng giêng 1745 là ngày cố bị hành hình. Cố biết chữ nho và tiếng Nam, trong lúc bị giam cầm nhờ có tiền cho ngục tốt nên cố được thảnh thơi, tự do ra phố và thư tín với cố Adrien de Sainte Thècle. Vì một phần lễ đã cử hành tại nơi cố phải miễn cưỡng ở, nên cố được dịp quan sát cẩn thận.
« Mỗi một năm, theo Phan Huy Chú, vào dạo tháng một, đúng vào ngày đông chí (mà người Tàu lấy làm chừng để đặt âm lịch), quan Chánh tòa Khâm thiên giám kính tâu để Chúa Trịnh biết hôm nào lập xuân và thể dâng trình Ngài kiểu mẫu nhỏ một đoàn người vật nặn phác ra, trong có tượng một mục đồng dắt trâu tức là thần Câu Mang. Mẫu nặn mỗi năm nhuộm một màu để cho đúng với năm và hợp với ngày lập xuân. Theo mẫu ấy, bộ Công sai thường ban đắp một con trâu to và tượng Mang thần. (Ở Huế bây giờ cũng làm từa tựa như vậy[1]). Nhưng theo cố Gil de Federich, ngoài trâu to và tượng Mang Thần, người ta đắp luôn 1300 con nghé cao chừng 5,6 ngón tay và 1300 mục đồng. Tất cả những tượng lớn nhỏ ấy đem chứa tại Nha môn ngưu. Người ta còn dựng một cái quán « tứ bề gió lọt được » ở ngõ Hàng Chiếu (gần cửa phố Jean Dupuis bây giờ), tại phường Đông Hà, nghĩa là ở phía đông kinh thanh, đúng với hướng cổ của mùa xuân.
Trước hôm lễ, lúc chập tối, nhân viên thường ban rước tượng trâu và Mang Thần đến đàn thờ ở quán lợp ngõ Hàng Chiếu và bày ở đấy đến nửa đêm. (Dân gian đi xem có câu hát :
Bây giờ Mang hiện đến ngày
Cày bừa cho chín mạ này đem gieo.)
Còn 1300 nghé và 1300 mục đồng thì đã có lính canh Ngục Đông (chừng 50 người, cứ 15 ngày lại đổi phiên cho nhau) đem từ Nha môn Ngưu về đặt trong sân Ngục Đông. Ngục Đông Môn ở tại cửa đông kinh thành.
Đến nửa đêm thì quan Phủ doãn là quan đầu tỉnh Thăng Long, có hai quan huyện Thọ Xương và Quảng Đức đi hầu và có dân các phường buôn bán đi theo, đến rước tượng trâu to và Mang Thần lại đền Bạch Mã, ở Đông Hà Phường, thờ thần Long Đỗ Vương, vừa là thành hoàng Thăng Long lại là vị thần vẫn chứng giám lễ này từ đời Lý Thái Tôn (1028-1054). Đến đền thì trâu để ngoài, người ta rước tượng Mang Thần vào giữa tiền đường rồi quan Phủ doãn dâng lễ. Lễ xong, nha môn quấn Mang Thần vào một chiếc chiếu rồi đem chôn.
Sáng sớm hôm sau, rước xuân ngưu đến trình vua: ấy là lễ tiến xuân ngưu. Theo Phan Huy Chú: « quan Phủ Doãn và hai quan huyện, mỗi người cầm một cành dâu, giả làm roi mây, dẫn trâu vào điện đình. Theo lệnh chúa Trịnh, các công, hầu, bá, văn võ triều thần, bận phẩm phục vào triều giúp vua hành lễ. Xong rồi thì ngục tốt rước trâu thần về Ngục đông, còn cái ngai đã dùng để rước trâu đến trình vua thì được quan tham chi bộ Lễ đem rinh vào trong cung ». Đoạn, người ta đem phân phát trâu và nghé cho các quan chức để tống tiễn mùa đông : ngục tốt ở Ngục Đông chặt một miếng thủ, một khúc chân, và một khấu đuôi con trâu to, chọn 300 con nghé, lấy 55 con đặt vào một chiếc mâm, mỗi mâm 5 con, trên có phủ lụa, đem dâng vua. Vua đem ban cho các đền thờ (trong kinh thành), còn bao nhiêu thưởng cho các quan đã đứng tế, 1000 nghé còn lại cũng vẫn những ngục tốt ấy, rước bằng ngai đến phủ đường chúa Trịnh. Chúa truyền lệnh gọi nha môn sáu hiệu, và hiệu nào phần nấy lấy trâu về cho tướng mình. Lễ Lập Xuân thế là xong.
Ta nên nhận rằng lễ Lập Xuân này thật ra có hai phần khác nhau : một là lễ tống tiễn mùa đông, hai là lễ lập xuân. Khởi thủy, tế trâu đất rồi lấy roi mây quất đuổi đi có nghĩa là người ta tiễn đuổi mùa đông. Theo sách Lễ Ký, thiên nguyệt lệnh, đến tháng cuối mùa đông vua ra lệnh cho người ta dẫn ra đồng một con bò bằng đất sét, cốt để áp giải và tống tiễn tiết lạnh đi ; tháng chạp thuộc về chi sửu hợp với con bò (ở ta là trâu), hành thổ (đông) lại khắc hành thủy (đất hút nước) đúng với thuyết ngũ hành tương khắc. Về sau, trâu được đem sáp nhập vào lễ Lập Xuân và dùng roi quất trâu dần dần có nghĩa là khuyến khích nông nghiệp.
Ngô Đình Nhu


[1] Vua Nguyễn hành lễ ở kinh đô Huế.

Thứ Bảy, 7 tháng 10, 2017

Nobel Vật Lý 2017: Đang mở ra những thế giới chưa từng thấy!

Năm 1916 nhà bác học Albert Einstein nói ông tin vào sự tồn tại của sóng hấp dẫn. Năm nay, 101 năm sau phát biểu của Einstein, giải Nobel Vật Lý được trao cho  Rainer Weiss, Barry C. Barish và Kip S. Thorne vì đã phát hiện ra được sự tồn tại của sóng hấp dẫn. Trong thông báo về giải thưởng, Viện hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy điển nói về giải Nobel Vật lý 2017 năm nay: “Đây là một thứ hoàn toàn mới và khác biệt, đang mở ra những thế giới chưa từng thấy.”
(Bài trích từ sách Bầu trời chiều ẩn giấu, bài trích này cũng đã đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần số tuần này, tức tuần công bố giải Nobel 2017). Link download sách, bản ebook định dạng pdf ở đây, và bản để in ở đây).
*
Năm 1916, một nhà vật lý người đức, lúc này đang sĩ quan pháo binh trên mặt trận Nga, tên là Karl Schwarzschild, đã giải các phương trình tensor của Einstein và tìm ra một nghiệm kỳ lạ. Theo nghiệm này, xung các ngôi sao có khối lượng cực lớn có một không quyển kỳ ảo (magical sphere). Tất cả mọi thứ, kể cả ánh sáng, khi đi vào không quyển này sẽ bị hút vào ngôi sao khổng lồ và không có cách nào thoát ra được. Schwarzschild còn tính toán được bán kính của không quyển kỳ ảo này. Bán kính này được gọi là bán kính Schwarzschild  hoặc bán kính hấp dẫn (gravitational radius).
main-qimg-16937fefd7824b98e56b9a657bbb311b-c
Schwarzschild qua đời trên mặt trận Nga và không biết rằng mình đã tìm ra một thứ, về sau được John Wheeler đặt tên: Hố Đen (Black Hole). Không quyển ma quái mà Schwarzschild tìm ra, ngày nay được gọi là Chân trời sự kiện (event hoziron), hàm ý đấy là nơi xa nhất mà  tầm mắt của người quan sát có thể với tới (sau chân trời là hố đen, nơi mà ánh sáng nếu vươn tới sẽ bị nuốt vào và không bao giờ trở lại).
main-qimg-a1f5c6d5455ada34815c84f510aa5877
Cũng năm 1916, Einstein đề xuất sự tồn tại của một sóng gọi là sóng hẫp dẫn, một loại sóng mang lực hấp dẫn lan truyền trong không gian với vận tốc bằng vận tốc ánh sáng. Einstein đã tìm thấy sóng trên lý thuyết bằng cách giải các phương trình của mình, cũng như dự báo các ngôi sao đôi quay quanh một trục chung sẽ dần sát lại với nhau để rồi lao vào nhau do năng lượng mất dần do bị bức xạ vào không gian dưới dạng sóng hấp dẫn.
Để biết chi tiết hơn, xem bài Tiếng vọng từ sáng thế.
Năm 1936, Einstein và học trò là Nathan Rosen đăng một bài báo khoa học trên tạp chí Physical Review. Bằng cách sử dụng nghiệm của một hố đen tiêu chuẩn hình bình cổ dài có cổ bình bị cắt ngang và sáp nhập (merge) với một hố đen giống như thế nhưng đã bị xoay ngược lại. Ý tưởng này của Einstein và Rosen ngày nay được các nhà vũ trụ học hình dung như một cổng để kết nối hai vũ trụ khác nhau. Ý tưởng này có tên gọi Cầu Einstein-Rosen. Hay còn được biết với tên lỗ sâu đục (wormhole). Tuy nhiên, theo Einstein, các lỗ sâu đục có thể tồn tại, nhưng các sinh vật lọt vào miệng hố đen sẽ chết ngay lập tức vì bị xé xác bởi lực hấp dẫn.
wormhole-main
Năm 1963, nhà toán học Roy Kerr tìm được nghiệm chính xác của phương trình Einstein: một ngôi sao chết, suy sụp vào bên trong do lực hấp dẫn của chính nó, do định luật bảo toàn động lượng sẽ quay nhanh hơn, và tạo thành một lỗ đen quay. Nghiệm của Roy Kerr cho thấy việc đào thoát tới một không gian khác thông qua lỗ sâu đục là khả thi về lý thuyết: lực ly tâm (hướng ra ngoài) do sự quay của hố đen sẽ cân bằng và triệt tiêu lực hấp dẫn (hút vào), và các sinh vật rơi vào miệng hố đen sẽ không bị xé tan xác nữa.
Lỗ đen là vô hình bởi nó hút tất cả ánh sáng vượt qua không quyển kỳ ảo quanh nó (hay còn gọi là chân trời sự kiện). Các nhà thiên văn phải tìm hố đen bằng cách xác định các đĩa bồi tích (accretion disk) tạo thành do các khí bồi đắp dần xung quanh hố đen.
Trước năm 1990, hố đen chỉ tồn tại trên lý thuyết cho đến năm 1994 kính viễn vọng Hubble tìm thấy bằng chứng rõ ràng về các hố đen siêu nặng “ẩn nấp” giữa các thiên hà. Các nhà thiên văn tin rằng, hầu hết các thiên hà, kể cả Ngân Hà của chúng ta, đều có hố đen ở trung tâm. Các hố đen đã được phát hiện, ngày nay đã tới hàng trăm. Tất cả các hố đen đều tự quay rất nhanh quanh chính mình.
Năm 1988, một học trò của John Wheeler, nhà vũ trụ học và vật lý hấp dẫn Kip Thorne đề xuất một ý tưởng xây dựng máy du hành thời gian. Ý tưởng này được Thorne tư vấn để Christopher Nolan xây dựng bộ phim giả tưởng rất thành công Interstellar. Trong bộ phim này, người cha sau khi vượt qua chân trời sự kiện của hố đen vẫn tiếp tục sống và tìm được cách gửi thông điệp về cho con gái của mình bằng cách sử dụng sóng hấp dẫn.
Năm 1962, hai nhà khoa học là Gertsenshtein và Pustovoit xuất bản một bài báo đề xuất các nguyên tắc dò tìm sóng hấp dẫn bước sóng dài bằng giao thoa kế.
Năm 1973, Kip Thorne ở học viện Caltech bắt đầu hành trình săn lùng sóng hấp dẫn của mình.
Năm 1984, Kip Thorne, Ronald Drever và Rainer Weiss thành lập ủy ban lâm thời để xây dựng dự án LIGO. Năm 2002, LIGO bắt đầu dò tìm sóng hấp dẫn. Năm 2015, phiên bản hiện đại hơn với tên gọi Advanced LIGO, đi vào hoạt động.
LIGO (Laser Interferometer Gravitational Wave Observatory – Trạm quan trắc sóng hấp dẫn giao thoa kế laser) là một thiết bị khổng lồ gồm hai đường ống dài khoảng 4km, nối với nhau hình chữ L. Trong mỗi ống có một chùm tia laser được chiếu liên tục. Hai chùm tia gặp nhau ở góc chữ L. Các sóng laser được tính toán sao  cho chúng triệt tiêu nhau và tạo nên vân giao thoa. Do hiện tượng phân cực, hai ống vuông góc với nhau nên chỉ có một ống sẽ bị sóng hấp dẫn đập vào. Khi sóng hấp dẫn đập vào một trong hai ống , chiều dài ống này sẽ bị co giãn khác với ống kia, gây ra nhiễu loạn phá vỡ cân bằng của hai chùm laser, và làm mất các vân giao thoa
Theo tính toán, để phát hiện sự va chạm của hai hố đen cách trái đất 300 triệu năm ánh sáng, LIGO có thể phải chờ đợi từ 1 đến 1000 năm. Cuối cùng, Advance LIGO phát hiện được sự va chạm của hai hố đen cách trái đất 1.3 tỷ năm, chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi được sửa chữa nâng cấp.
Giống các loại sóng khác, như sóng hấp dẫn có biên độ, tần số, bước sóng và tốc độ. Tốc độ của sóng hấp dẫn bằng tốc độ ánh sáng. Tần số của sóng hấp dẫn rất thấp (thấp tần) nên bước sóng của chúng rất dài, truyền tải năng lượng rất bé. Đây là lý do rất khó bắt được sóng hấp dẫn.
1.3 tỷ năm trước, ở một thiên hà rất xa xôi, có hai hố đen bị dính vào một quỹ đạo xoắn ốc, rồi ở khoảnh khắc cuối cùng chúng đâm sập vào nhau với tốc độ gần bằng tốc độ ánh sáng. Vụ va chạm đã tạo ra một hố đen mới nặng bằng 62 lần khối lượng mặt trời, đồng thời phát ra một nguồn năng lượng khổng lồ và tinh khiết. Toàn bộ năng lượng ấy bức xạ vào vũ trụ chỉ trong trong chỉ khoảng 1 phần 10 giây. Năng lượng ấy làm biến dạng không gian và thời gian xung quanh vụ va chạm trong chớp mắt. Bởi vụ va chạm là của hai lỗ đen, nên năng lượng phát ra không phải là sóng ánh sáng, mà là sóng hấp dẫn.
Sóng hấp dẫn này truyền đi và làm co giãn không gian khi nó đi qua. Đó chính là không gian – thời gian trong vũ của Einstein.
Ngày 11 tháng 2 năm 2016, các nhà khoa học của LIGO công bố họ đã dò tìm được sóng hấp dẫn của một vụ sáp nhập hố đen cách chúng ta 1.3 tỷ năm ánh sáng (và cũng có nghĩa là sóng từ một vụ sáp nhập cách ngày nay 1.3 tỷ năm).
Ngày 15 tháng 6 năm 2016, LIGO công bố lần thứ hai dò được sóng hấp dẫn từ một vụ sáp nhập hố đen cách trái đất 1.4 tỷ năm ánh sáng.
Một nửa giải Nobel Vật Lý năm nay được trao cho Rainer Weiss, giáo sư tại đại học MIT và là một trong ba nhà vật lý sáng lập LIGO.
Nửa giải còn lại được trao cho Kip Thorne và Barry C. Barish.
Kip Thorne là giáo sư tại đại học Caltech (California Institute of
Technology) và cũng là thành viên sáng lập LIGO.
Barry C. Barish, giáo sư đại học Caltech, là giám đốc thứ hai của LIGO và là người nỗ lực xây dựng thành công và đưa LIGO vào hoạt động.
Rainer Weiss sinh ở Đức năm 1932. Năm 1939, gia đình ông đào thoát khỏi ách Phát Xít và đến nước Mỹ. Vài phút sau khi giải Nobel Vật lý được  công bố, ông trả lời các phóng viên qua điện thoại: “Thật là tuyệt. Tôi thấy rất ổn. Thậm chí tôi còn mặc quần áo sẵn sàng rồi đây.” Ông nói giải thưởng này là kết quả lao động của 1000 con người tham gia vào dự án LIGO, là dự án đã quan sát được sóng hấp dẫn, qua đó chứng minh được lý thuyết có tuổi đời một thế kỷ của Einstein.
Ronald Drever, giáo sư đại học Caltech, một trong ba sáng lập viên của LIGO mới qua đời tháng ba năm nay. Nếu giải Nobel được trao sớm thêm một năm có lẽ ông cũng là người được nhận giải.
Trong khoa học hiện đại, đóng góp của nhóm các nhà nghiên cứu cho thành tựu khoa học có tác động lớn hơn các đóng góp cá nhân. Gần đây có nhiều ý kiến chỉ trích cách giải Nobel được trao. Các nhà khoa học cho rằng giải Nobel Vật lý chỉ trao tối đa cho ba nhà khoa học như hiện nay không còn hợp lý nữa. Tất nhiên những người được giải vẫn xứng đáng, nhưng trên thực tế họ không làm việc đơn độc.
Phát biểu sau khi biết mình được trao giải Nobel, Kip Thorne nói: “Tôi đã hy vọng giải được trao cho cả nhóm LIGO, nhưng thay vì thế giải được trao cho ba chúng tôi.”
Phát hiện sóng hấp dẫn của LIGO còn chứng minh Einstein tiếp tục đúng ở một khía cạnh khác, khía cạnh lực hấp dẫn trong Thuyết tương đối rộng của ông. Lần đầu tiên sóng hấp dẫn được chứng minh với bằng chứng thực nghiệm của một hiện tượng xảy ra bên ngoài hệ mặt trời.
Phát hiện sóng hấp dẫn của LIGO lần đầu tiên giúp khoa học chứng minh trực tiếp bằng thực nghiệm được sự tồn tại của một cặp hố đen, vốn chỉ tồn tại trên lý thuyết.  Dữ liệu đo được còn giúp các nhà khoa học biết về hai hố đen đã tạo ra sóng: khối lượng của hố đen, vận tốc quỹ đạo, và thời điểm chúng đâm vào nhau. Có thể, dữ liệu ấy còn giúp giải thích các hố đen siêu nặng đã hình thành như thế nào ở tâm các thiên hà.
Người Hy Lạp cổ và người Do Thái cổ cùng tin rằng vũ trụ trật tự (cosmos) được sinh ra từ hỗn mang không có hình dạng.
Thánh Augustine, một nhà thần học xuất sắc của Hội Thánh ở thế kỷ thứ 4, có những chiêm nghiệm rất độc đáo về thời gian và không gian. Theo chiêm nghiệm của Thánh Augustine, Thượng Đế tồn tại bên ngoài thời gian mà con người nhận thức được. Thượng đế ở bên ngoài vũ trụ do chính ngài tạo ra, và ở bên ngoài thời gian của cái vũ trụ ấy. Thời gian của Thượng Đế là một cái gì đó vừa hiện tại vừa vĩnh hằng.
Quan điểm của Thánh Augustine đã đặt không gian với thời gian của vũ trụ vào chung trong một khái niệm, rất gần với một vũ trụ được dệt lưới (fabric) bằng không-thời gian của Einstein. Và ý tưởng của Thánh Augustine về một thượng đế đứng hoàn toàn bên ngoài không gian và thời gian của vũ trụ do chính ngài tạo ra cũng là một ý tưởng độc đáo và cấp tiến. Sau khi Einstein đặt những viên gạch đầu tiên cho ngành vũ trụ học hiện đại, ý tưởng ấy quay lại bằng sự màu nhiệm của khoa học.
*
Năm 1915, Einstein đưa ra lý thuyết mới về lực hấp dẫn, còn gọi là thuyết tương đối rộng: một vũ trụ “mới” hình thành. Trong vũ trụ ấy, khi con người quan sát ánh sáng của một ngôi sao cách trái đất một tỷ năm ánh sáng, thì đồng thời cũng là quan sát ánh sáng được phát đi từ một tỷ năm trước. Trong vũ trụ ấy, không gian và thời gian đã dệt vào nhau thành lưới không-thời gian (spacetime).
Năm 1921,nhà vật lý gốc Nga Alexander Friedmann khi giải các phương trình gốc của Einstein đã tìm ra nghiệm mà ngày nay được gọi là nghiệm Big Bang. Vũ trụ xuất hiện đột ngột và mạnh mẽ kinh khủng từ một trạng thái có độ nén vô hạn và năng lượng cực lớn. Tác động của vụ nổ Big Bang lan ra khắp vũ trụ theo không gian và thời gian, và tác động của nó còn tồn tại đến ngày nay.
Vũ trụ bao la được tuôn trào từ một điểm sau một vụ nổ là một ý tưởng rất khó hiểu với nhận thức thông thường. Hơn thế, khác với các vụ nổ bình thường, phải xảy ra ở đâu đó với thời gian và vị trí cụ thể trong không gian, vụ nổ Big Bang xảy ở một điểm hoàn toàn chưa có không gian và thời gian. Vị trí của vụ nổ ấy ở hiện tại chính là tất cả các điểm trong vũ trụ.
Toàn bộ vũ trụ rộng lớn ngày nay, ngày xưa đã ở cùng một chỗ.
Ở thời điểm Planck, 10-43 giây sau Big Bang, vũ trụ là là một mớ hỗn mang cực kỳ nóng, cỡ 1032 độ Kelvin. Đó là một khối plasma đồng chất, nóng bỏng, và có thể có nhiều hơn 3 chiều không gian. Chừng một phần trăm giây sau, vũ trụ mới nguội đi, còn khoảng 10 ngàn tỷ độ K, các hạt quark bắt đầu cụm lại để tạo ra proton và neutron. Một phần trăm giây sau nữa hạt nhân các nguyên tố nhẹ hình thành. Giai đoạn tổng hợp hạt nhân kéo dài vài trăm ngàn năm, rất dài với đời người nhưng chỉ là khoảnh khắc ngắn ngủi của vũ trụ. Vũ trụ đầy plasma của các hạt tích điện khiến các photon bị khuếch tán không thoát ra được. Khi nhiệt độ vũ trụ giảm xuống còn vài ngàn độ, các electron chuyển động chậm dần và lúc này nguyên tử mới bắt đầu hình thành.
Sau Big Bang khoảng 370 ngàn năm, nhiệt độ vũ trụ hạ xuống còn 3000 độ Kelvin, các electron và hạt nhân chuyển động đủ chậm để hình thành nguyên tử: electron bị trói vào quỹ đạo nguyên tử và hòa điện với các proton. Các photon nguyên thủy của Big Bang, không còn bị các hạt tích điện ngăn trở nữa, bắt đầu tràn ra và lấp đầy vũ trụ. Do vũ trụ giãn nở, mọi thứ giảm mật độ và nguội dần. Do photon luôn chuyển động với tốc độ ánh sáng nên khi nguội đi, tần số của nó cũng giảm dần. Ánh sáng của của vũ trụ nguyên thủy chuyển dần màu sắc, từ tím chuyển dần sang xang, vàng, đỏ, hồng ngoại và cuối cùng trở thành sóng vô tuyến.
Nhờ vào vệ tinh COBE và vệ tinh WMAP đã chụp được bức xạ nền sóng vô tuyến của vũ trụ, con người đã có thể nhìn xa được vào không gian, tới tận quá khứ, khi vũ trụ sơ sinh mới 370 ngàn năm tuổi.
Để nhìn xa hơn về thời điểm gần Big Bang hơn nữa, các nhà khoa học kỳ vọng những thiết bị dò sóng hấp dẫn như LIGO, có thể dò được nhưng sóng hấp dẫn nguyên thủy có từ thời điểm Big Bang.
Và có vẻ như với LIGO, họ đang tiến tới thành công.

Nguồn Blog của 5xu