Thứ Hai, 25 tháng 12, 2017

Gieo gió & Gặt bão




Ảnh: Lúc 17h30 chiều 24/12, bão Tembin bắt đầu ảnh hưởng đất liền - Ảnh: Cơ quan Khí tượng Nhật Ban (JMA)


Thiên nhiên chẳng phải tự nhiên mà thay đổi quy luật của nó.
Xét cho cùng, thay đổi cũng đồng nghĩa với việc thiên nhiên đang thực hiện chính xác quy luật bất biến bao trùm lên toàn bộ vũ trụ mà nó hiện diện. Sự cân bằng.
Quan sát thiên nhiên theo cách cắt khúc từng đoạn không - thời gian ngắn ngủi, con người chỉ nhìn thấy sự đỏng đảnh và kỳ quặc mà không thể thấy được quy luật vận hành toàn cục của thiên nhiên với chu kỳ không thời gian vượt tầm nhận thức hạn chế, vốn phổ biến ở con người.
Sự biến đổi bất chợt của thiên nhiên trong cái nhìn hạn hẹp thực ra lại chính là cách mà thiên nhiên đang bảo toàn quy luật vận hành tòan cục của nó một cách hoàn chỉnh nhất.
Thậm chí, ngay cả sự hủy diệt với con người, với thế giới hiện tại, cũng chưa phải là kết thúc vòng tuần hoàn sự vận hành của tự nhiên. Sự hủy diệt này thậm chí cũng có thể chỉ là một thay đổi nhỏ nhằm đảm bảo sự cân bằng của toàn thể.
"Gieo gió ắt gặt bão", các nhà tiên tri với tầm nhận thức lớn, sâu sắc đã để lại nhiều lời sấm truyền cho nhân loại. Đáng tiếc, nhiều người nghe thì biết vậy nhưng không hiểu, hoặc hiểu nhưng không làm gì, không thay đổi.
Mọi tín hiệu thay đổi luôn kèm theo những thông điệp của thiên nhiên. Giải mã nó như thế nào liên quan tới số phận con người.
Lẽ ra, khi phải đón nhận các cơn bão ngày càng dữ dội hơn, dồn dập hơn từ tự nhiên, con người cần phải nghiêm túc nghĩ xem họ đã gieo bao nhiêu loại gió để có thể gặt được những cơn bão này!

25/12/2017 - Viết trong khi chờ cơn bão số 16 (Tembin) vào Nam bộ.

Chủ Nhật, 24 tháng 12, 2017

Ghi chép 2




ta đi chẳng tới bao giờ
ta về cũng chẳng xa rời chốn xưa
loanh quanh chẳng thiếu chẳng thừa
một vòng lẩn quẩn kịp vừa hóa thân


Thứ Bảy, 23 tháng 12, 2017

Ghi chép






ở mãi trong hẻm núi
cửa chẳng có then cài
thơ viết trên lá chuối
mưa xong về với mây



Thứ Năm, 21 tháng 12, 2017

Chân học & Hư học

Phạm Việt Hưng 
Chân học là một nền học vấn cung cấp cho học trò những kiến thức thiết thực để làm người và hành nghề phục vụ xã hội. Ngược lại, hư học là một nền học vấn sính chuộng hình thức và hư văn – những thứ chữ nghĩa có cái vỏ hào nhoáng, "hàn lâm", "bác học", nhưng thực chất rỗng tuếch, vô bổ, thậm chí làm rối loạn nhận thức của học trò.

Trong cùng một nền học vấn, có thể có phần chân học, có phần hư học. Chẳng hạn, trong Nho giáo có chân nho và hủ nho. Trong giáo dục toán học cũng có "chân toán" và "hủ toán".
Một trong những thí dụ tiêu biểu của chân toán là việc biến Cái Không trừu tượng của triết học cổ Ấn Độ thành Sunya, tức số 0 phổ dụng ngày nay.

Phần 1: Sunya, Cái Không của người Ấn cổ


Sunya, hay Sunyata, là một từ cổ Ấn Độ, có nghĩa là Zero, tức số 0. Trong dãy chữ số thập phân, 0 và 1 đứng cạnh nhau, nhưng từ 1 đến 0 lại là cả một hành trình vĩ đại của tư duy.Denis GuedjThật vậy, sau số 1 phải đợi một thời gian dài đằng đẵng hơn 15 thiên niên kỷ số 0 mới có thể ra đời tại Ấn Độ! "Cơn đau đẻ vật vã" này là kết quả của sự "hôn phối" giữa bà mẹ toán học với ông cha triết học – những tư tưởng thâm thuý sâu xa, trừu tượng và cao siêu của Cái Không (The Nothingness) mà trong quá khứ dường như chỉ xứ Ấn Độ mới có. Cái Không ấy đã được Denis Guedj, giáo sư lịch sử khoa học tại Đại học Paris, diễn đạt tóm tắt trong cuốn "Số – Ngôn ngữ phổ quát"[1] bằng ngôn ngữ hiện đại như sau: "Số 0 là cái chẳng có gì nhưng lại làm nên mọi thứ".

Nhưng tưởng cần phải hỏi tại sao một Sunya vốn cao siêu trừu tượng như thế mà ngày nay lại trở nên đơn giản, thông dụng và quen thuộc với mọi người như thế ? Công lao phổ cập cái cao siêu trừu tượng này thuộc về ai, nếu không thuộc về các nhà giáo dục thông thái hàng ngàn năm qua đã chú tâm truyền bá ý nghĩa cụ thể và ứng dụng của nó, thay vì thổi phồng ý nghĩa triết học cao siêu để làm khổ học trò?
Vì thế, lịch sử của Sunya rất đáng được chú ý nghiên cứu học hỏi, để từ đó rút ra những bài học bổ ích nhằm suy tôn tinh thần hiện thực và cụ thể trong giảng dạy toán học ở trường phổ thông.

1* Hành trình của Sunya:

Ba con số tạo nên nền tảng của  hệ thống số là số 0, số 1, và số vô cùng (). Việc tìm hiểu sự hình thành một hệ thống số phải bắt đầu từ 1, vì 1 là khởi thuỷ của mọi con số.
Dấu hiệu cổ xưa nhất về các con số trong những nền văn minh đầu tiên của loài người mà hiện nay khoa khảo cổ học đã nắm được trong tay là những vạch đếm được khắc trên sừng hươu thuộc kỷ Paleolithic, thuộc niên đại khoảng 15000 năm trước C.N. Di tích này có 2 ý nghĩa: Một, nó cho biết tuổi của toán học; Hai, nó khẳng định toán học ra đời từ nhu cầu đếm. Việc đếm hiển nhiên phải bắt đầu từ 1. Vì thế, 1 từng được Pythagoras coi là biểu tượng của Thượng Đế – cái bắt đầu của mọi sự. Về mặt triết học, 1 có nghĩa là tồn tại, hiện hữu. 1 còn có ý nghĩa là đơn vị, nhiều đơn vị gộp lại thành số nhiều. Nếu số nhiều này là hữu hạn thì nó được gọi là arithmos. Việc nghiên cứu arithmos được gọi là arithmetics, tức số học. Điều đáng kinh ngạc là trải qua một thời gian dài dằng dặc mười mấy ngàn năm kể từ xã hội nguyên thuỷ thuộc kỷ Paleolithic đến các thời kỳ văn hoá cổ đại rực rỡ nhất như văn hoá Hy-La, văn hoá Hebrew (Do-thái), văn hoá cổ Trung Hoa, mặc dù số học đã phát triển tới trình độ rất cao, rất phức tạp nhưng vẫn chưa thể nào sản sinh ra số 0! Thật vậy, trong các chữ số của người Trung Hoa gồm nhất (1), nhị (2), tam (3), tứ (4), ngũ (5), lục (6), thất (7), bát (8), cửu (9), thập (10), bách (100), thiên (1000), hoặc của người La Mã gồm  I (1), V (5),  X (10),  L (50),  C (100),  D (500),  M (1000 hoặc 1000000), hoặc của người Do Thái gồm aleph (1), beth (2), gimel (3),... hoặc của người Hy Lạp gồm alpha (α = 1), beta (β = 2), gamma (γ = 3),... tất cả đều vắng bóng số 0!
Xem thế đủ biết việc sáng tạo ra số 0 khó khăn đến nhường nào, và không có gì để ngạc nhiên khi các nhà nghiên cứu lịch sử khoa học đều nhất trí đánh giá rằng việc phát minh ra số 0 là một trong những cột mốc vĩ đại nhất trong lịch sử nhận thức.
Thật vậy, để sáng tạo ra số 0, toán học chưa đủ, mà cần đến một tư tưởng hoàn toàn mới lạ. Tư tưởng ấy đã được nhen nhóm và chín mùi tại Ấn Độ cổ – cái nôi của Phật giáo. Cần biết rằng suốt trong giai đoạn các nền văn hoá lớn quanh Địa Trung Hải như Hy Lạp, La Mã, Do Thái, và nền văn hoá cổ Trung Hoa thời Tần, Hán, Tấn, lần lượt thay nhau đạt tới độ cực thịnh thì Phật giáo đã trưởng thành từ vài trăm tới ngót một ngàn tuổi – một thời gian đủ để các tư tưởng tinh vi của nó thấm đượm vào đầu óc các bậc hiền triết, tu sĩ, học giả, nghệ sĩ, những người đã đóng góp lớn lao vào việc tạo dựng nên nền văn hoá trác việt của Ấn Độ cổ đại. Một trong những tư tưởng trác việt đó là Cái Không, một khái niệm kỳ lạ đồng nhất cái không có gì với toàn thể vũ trụ mà trên thế giới từ cổ chí kim duy nhất chỉ có Phật giáo mới nói đến.
Ngay từ những năm khoảng từ 300 đến 200 trước C.N. người Ấn Độ đã có một hệ thống á thập phân (gần thập phân) gồm chín ký hiệu cho các số từ 1 đến 9, và các danh từ dành cho các "bội của mười". Cụ thể "mười" được gọi là "dasan", "một trăm" được gọi là "sata", v.v... Chẳng hạn để thể hiện số 135 như ngày nay ta viết, người Ấn Độ cổ viết là "1 sata, 3 dasan, 5", hoặc để thể hiện 105, họ viết "1 sata,5", v.v... Phải đợi mãi đến khoảng năm 600 sau C.N., người Hindu mới tìm ra cách xoá bỏ các danh từ trong khi viết số nhờ vào việc phát minh ra ký hiệu của số 0. Với ký hiệu này, "1 sata, 5" sẽ được viết là 105 như ngày nay.Vào khoảng những năm 700, người Ả-rập đã học số học của người Hindu.
Vào khoảng những năm 800, một nhà toán học Ba Tư đã trình bầy số học với hệ thập phân của người Ấn Độ trong một cuốn sách bằng tiếng Ả-rập. Khoảng 300 năm sau cuốn sách này được dịch ra tiếng La-tinh. Từ đó hệ thống số Ấn-Ả-rập xâm nhập vào Châu Âu, rồi từ Châu Âu được truyền bá ra khắp thế giới như ngày nay. Thực ra người Babylon cổ đại là người đầu tiên tìm ra số 0. Người Maya ở Châu Mỹ cũng đã tìm thấy số 0 vào thế kỷ 1, tức là trước người Ấn Độ khoảng 500 năm. Nhưng số 0 của người Babylon và người Maya không có đầy đủ ý nghĩa và chức năng như số 0 của người Ấn Độ mà ngày nay ta dùng. Phải đợi đến số 0 của người Ấn Độ thì hệ thống số mới thực sự đạt tới một bước ngoặt lịch sử trong khoa học và trong nhận thức nói chung bởi công dụng vô cùng tiện lợi và ý nghĩa triết học sâu xa của nó.


2* Ý nghĩa triết học của Sunya:




Theo Guedj, số 0 khác hẳn với các số khác về mặt khái niệm ở chỗ nó không gắn liền với đồ vật hoặc đối tượng cụ thể nào cả. Việc đưa số 0 vào trong hệ thống số là sự trừu xuất các số ra khỏi đối tượng cụ thể. Thực ra số 0 ra đời ở Ấn Độ sớm hơn một chút: nó đã xuất hiện trên các bản thảo ở thế kỷ 5 sau C.N. Ký hiệu đầu tiên của người Ấn Độ đối với số 0 là một vòng tròn nhỏ gọi là Sunya, theo tiếng Sanskrit (tiếng Ấn cổ) nghĩa là "cái trống rỗng" hoặc "cái trống không" (emptyness). Dịch ra tiếng Ả Rập  là sifr, ra tiếng La-tinh là zephirum rồi thành zephiro, và cuối cùng thành zero như ngày nay.Guedj viết tiếp: "Với sự sáng tạo ra số 0, khái niệm không có gì trở thành khái niệm tồn tại. Đây là sự gặp gỡ giữa hai hình thức của cái không, đó là sự trống rỗng về mặt không gian và sự phi tồn tại về mặt triết học, và điều này đã tạo ra một biến đổi căn bản về trạng thái ý nghĩa các con số. Khái niệm chẳng có gì đã biến thành khái niệm có cái không... Sự chuyển tiếp từ trạng thái không có đến trạng thái có zero, từ một số zero như một vị trí bị bỏ trống đến một số zero như một số lượng có thật, điều này đã tạo ra một bước chuyển biến căn bản trong lịch sử nhận thức".



Đó là "lần đầu tiên, khái niệm trừu tượng của Cái Không đã được trình bầy bằng một ký hiệu cụ thể sờ thấy", như Simon Singh đã mô tả trong cuốn "Định lý cuối cùng của Fermat".
Tính chất "cụ thể sờ thấy" ấy cũng được Georges Ifrah trình bầy rõ trong cuốn "Từ 1 đến 0: Lịch sử phổ quát của số" như sau: "Số 0 của người Ấn Độ dùng để diễn tả sự trống không hoặc sự không hiện diện, nhưng đồng thời diễn tả không gian, vòm trời, bầu trời các thiên thể, bầu khí quyển, cũng như để diễn tả cái chẳng có gì, một số lượng không thể đếm được, một phần tử không  thể diễn tả cụ thể được".
Như vậy việc sáng tạo ra số 0 thực chất là lấy hình để diễn tả cái siêu hình (lấy vòng tròn Sunya diễn tả cái không có gì, cái trống rỗng). Nói cách khác, cái siêu hình đã được cụ thể hoá bởi hình (cái không có gì được cụ thể hoá bằng vòm trời, vũ trụ), ngược lại hình chỉ là biểu lộ của cái không có gì mà thôi. Đây chính là tư tưởng "sắc sắc không không" của Phật giáo, trong đó Cái Không vừa là cái trống rỗng vừa là toàn bộ vũ trụ. Tư tưởng này rất khó hiểu đối với ngay cả người lớn, nếu không nghiên cứu học hỏi các lý thuyết Phật giáo một cách nghiêm túc, chứ đừng nói đến trẻ em.

3* Bài học về giáo dục từ Sunya:



Sẽ không có nền văn minh hiện đại, không có computer, … nếu không có Sunya.
Bài học lớn nhất từ Sunya là bài học về giáo dục: Những nhà giáo dục chân chính là những người biết biến cái phức tạp thành đơn giản, biến cái cao siêu trừu tượng thành cái phổ dụng, mang lại lợi ích thiết thực cho mọi người. Đó chính là nền chân học, hoàn toàn trái ngược với nền giáo dục hủ nho hoặc nền giáo dục sính chuộng hư văn mà "Chủ nghĩa Frege mới" (neo-Fregeanism) là một thí dụ điển hình. Chủ nghĩa này là gì?

Phần 2: "Chủ nghĩa Frege mới"



Nếu lịch sử về Sunya là thí dụ điển hình của một nền chân học mang lại kiến thức bổ ích cho con người thì ngược lại, "chủ nghĩa Frege mới" (neo-Fregeanism) là thí dụ điển hình của một nền hư học chuộng hình thức, sính chữ nghĩa sáo rỗng, xa rời cuộc sống, không mang lại kiến thức bổ ích và làm rối trí học trò.
Thông thường cái gì đã bị chứng minh là SAI thì sẽ mất hết uy tín. Nhưng lịch sử giáo dục thế kỷ 20 chứng kiến một "ngoại lệ kỳ quái": tư tưởng hình thức của Gottlob Frege đã bị chứng minh là SAI, vậy mà nó vẫn được một số nhà toán học và giáo dục ra sức bắt chước, tạo nên cái gọi là Chủ nghĩa Frege mới. Đỉnh cao của chủ nghĩa này là trào lưu "Toán học mới" (THM) ở Tây phương những năm 1960-1970 mà "di căn" của nó đến nay vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt.

   1* Từ Frege đến THM:

Đầu thế kỷ 20, giống như nhiều nhà toán học "mơ mộng" khác, Frege khao khát tìm ra một thứ Số học "sạch sẽ", "không vương chút bụi trần", ngõ hầu vươn tới một hệ thống Số học chính xác tuyệt đối. Ước mơ ấy giúp ông viết nên tác phẩm đồ sộ "Cơ sở Số học" với nền tảng là những định nghĩa về số: Số 2 là cái đặc trưng cho tất cả các "cặp đôi" (pair) – tập hợp chứa 2 phần tử; số 3 là cái đặc trưng cho tất cả các "bộ ba" (triple) – tập hợp chứa 3 phần tử; v.v.
Ngay trong định nghĩa này, Frege đã rơi vào một cái vòng luẩn quẩn: ông muốn "giải thoát" số ra khỏi ý nghĩa số lượng, nhưng định nghĩa của ông vẫn dựa vào số lượng phần tử trong tập hợp – Frege muốn bay lên trời nhưng chân vẫn bị trói chặt trên mặt đất!
Bất chấp sai lầm "ngây thơ" đó, "vẻ đẹp bác học" của hệ thống ký hiệu và suy diễn logic hình thức của Frege vẫn làm cho thiên hạ bị choáng ngợp. Họ coi phương pháp của Frege như mẫu mực của toán học hiện đại. Ngay cả Bertrand Russell – người chỉ ra chỗ sai trong nền tảng lý thuyết của Frege[2] – vẫn tin rằng con đường Frege đang đi là đúng, do đó chỉ cần điều chỉnh một chút là sẽ tới "thiên đường toán học"!
Phải chờ mãi đến năm 1931, khi Kurt Godel công bố "Định lý bất toàn" (Theorem of Incompleteness) thì những người khôn ngoan nhất như John von Newman mới đau xót nhận ra rằng không bao giờ có cái "thiên đường" ấy. Nhưng dường như đa số vẫn muốn "tẩy chay" Định lý Godel, hoặc không hiểu hết ý nghĩa của định lý đó, do đó tư tưởng hình thức của Frege vẫn tiếp tục sống, mặc dù chính Frege đã từ bỏ nó. Bằng chứng là đã ra đời nhóm Bourbaki với những công trình vĩ đại nhằm "xét lại" (viết lại) toàn bộ toán học trên cái nền của lý thuyết tập hợp, tức là làm sống lại tư tưởng hình thức mà David Hilbert, Gottlob Frege, Bertrand Russell, … đã xới lên từ đầu thế kỷ 20.
Trớ trêu thay, Bourbaki ra đời ở Pháp – quê hương của Henri Poincaré, nhà toán học vĩ đại từng quyết liệt chống đối chủ nghĩa logic hình thức! Nếu Poincaré sống thêm vài chục năm nữa, chắc hẳn ông sẽ ủng hộ Định lý Godel để chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa hình thức ở Pháp, không để cho THM cùng những thứ hư văn của nó "đổ bộ" vào trường phổ thông rồi gây nên những thảm hoạ giáo dục như ta đã thấy.

2* Thảm hoạ của THM:



Một "cựu nạn nhân" của THM là nhà vật lý nổi tiếng Phạm Xuân Yêm, giám đốc nghiên cứu tại CNRS (Trung tâm quốc gia về nghiên cứu khoa học của Pháp), giáo sư Đại học Pierre và Marie Curie tại Paris. Trong một thư gửi cho tôi, GS Yêm viết:
"Vụ Bourbaki ở Pháp những năm 1960 tôi là nạn nhân chứng kiến. Khi ấy, 1958, tôi học năm cuối cử nhân toán với Gustave Choquet, Claude Chevalley, Henri Cartan, toàn những đỉnh cao của Pháp. Nhưng các vị ấy mang vào lớp cử nhân này lần đầu như một thử nghiệm trường phái Bourbaki, cả giờ ông Choquet chỉ nói và không viết một dòng trên bảng! Chính vì thế mà tôi bỏ toán ra làm vật lý lý thuyết. Đã thế về sau họ còn mang théorie des ensembles (lý thuyết tập hợp) vào trung học làm khủng hoảng môn toán trung học một thời gian, may mà họ sửa chữa lại sau này".
Theo tài liệu do GS Yêm cung cấp, từ 1967 đến 1972, dưới sự lãnh đạo của Uỷ ban cải cách giáo dục toán học, đứng đầu là Lichnerowicz, cái gọi là "toán hiện đại" đã được đưa vào trường phổ thông. Khẩu hiệu của THM là "Đả đảo Euclide!" (À bas Euclide!)[3], có nghĩa là vứt bỏ hết mọi cái cũ truyền thống để thay thế bằng "toán hiện đại": dạy toán học hình thức dựa trên lý thuyết tiên đề (các cấu trúc đại số, các không gian vector, lý thuyết tập hợp…). Từ năm 1971 đến 1977, ngôn ngữ tập hợp và cấu trúc đại số được dạy ngay từ trung học và giới thiệu ngay từ tiểu học.
Kết quả là "việc nhấn mạnh đến các môn học khó hiểu như Lý thuyết tập hợp tỏ ra phản tác dụng … Chương trình quá chú trọng tới toán học ở trình độ cao này dẫn tới sự trả giá là mất kiến thức cơ bản", đó là nhận định của Bách khoa toàn thư Americana[4].
Nhưng tại sao một cơ quan quan trọng như Uỷ ban Lichnerowicz, với rất nhiều giáo sư, tiến sĩ, lại dấn thân vào một cuộc "phiêu lưu" vô ích đến như vậy?
Câu trả lời thiết tưởng đã quá rõ:
Vào giữa thế kỷ 20, ảnh hưởng của chủ nghĩa hình thức vẫn còn quá lớn. Lúc ấy cái bóng của Bourbaki che lấp cái bóng của Godel. Nếu thấm nhuần Định lý Godel, có thể Uỷ ban Lichnerowicz sẽ không phiêu lưu, vì họ sẽ ý thức được rằng nhận thức có giới hạn. Nhưng vào thời điểm đó, số người biết Godel, hiểu Godel và đánh giá đúng tầm vóc của Định lý Godel dường như còn quá ít, chưa đủ tạo nên một lực hãm đủ mạnh đối với khát vọng vô chừng vô độ của chủ nghĩa hình thức.
Hơn thế nữa, Uỷ ban cải cách giáo dục phổ thông của Lichnerowicz lại chẳng hiểu gì về mục tiêu của giáo dục phổ thông.

3* Mục tiêu giáo dục phổ thông:



Giáo dục phổ thông, bản thân tên gọi của nó, đã cho thấy kiến thức ở trường phổ thông phải là kiến thức dành cho mọi người. Vậy câu hỏi đặt ra là cái gì cần thiết cho mọi người? Cái gì chỉ cần cho một số ít người?
Hơn ai hết, các nhà giáo dục cần phải trả lời rõ ràng và dứt khoát những câu hỏi đó trước khi đặt bút viết sách giáo khoa!
Câu chuyện sau đây có thể có ích trong việc tìm câu trả lời:
Một tạp chí điện ảnh ở Mỹ phỏng vấn Cameron Diaz, nữ diễn viên xinh đẹp trong cuốn phim nổi tiếng The Mask. Cuối buổi phỏng vấn, phóng viên đặt câu hỏi:
- Cô còn muốn nói gì với độc giả nữa không?
- Tôi muốn biết "thực ra công thức E = mc2 có ý nghĩa gì?", Diaz trả lời.
Thế là cả hai cùng phá lên cười. Cuộc phỏng vấn kết thúc[5].
Nghe chuyện này, có người cho rằng Einstein quá vĩ đại, vì một người như Diaz cũng phải bận tâm tới công thức của ông. Nhưng nếu để ý Diaz hỏi mà không cần nghe trả lời thì có thể nghĩ Diaz chỉ mượn công thức của Einstein để gợi ý với chúng ta một điều gì đó. Mỗi người có thể hiểu ý của cô theo cách riêng. Riêng tôi, tôi nghĩ cô muốn nói với giới "celebrities" (người nổi tiếng) rằng Cái Đẹp chân chính không cần phải trang điểm bằng những thứ loè loẹt phù phiếm (E = mc2 là một thứ phù phiếm đối với giới nghệ sĩ điện ảnh).
Chủ nghĩa Frege mới – thói chuộng logic và tập hợp ở trường phổ thông – cũng chỉ là một thứ trang điểm loè loẹt mà thôi.

4* Thay lời kết:

Ngay từ đầu thế kỷ 20, Henri Poincaré đã tuyên chiến với Chủ nghĩa hình thức. Ông nói: "Nhà toán học thuần tuý dường như lãng quên sự tồn tại của thế giới bên ngoài, giống như một hoạ sĩ biết cách kết hợp hài hoà màu sắc và hình dạng nhưng lại bị tước đi vật mẫu – điều đã làm cho sức sáng tạo của anh ta bị khô héo đi một cách nhanh chóng".
Albert Einstein cũng ghét loại toán học đó đến mức phải tuyên bố: "Tôi không tin vào toán học".
Tại sao những người thông minh lại ghét thứ toán học ấy đến thế?
Đơn giản vì nó sáo rỗng, không đếm xỉa đến thực tiễn!


Tư tưởng toán học đề cao logic đến mức không đếm xỉa đến thực tiễn đã manh nha từ lâu. Đặc biệt, sự ra đời của Hình học phi-Euclid đã khuyến khích ý nghĩ cho rằng bằng con đường suy diễn logic thuần tuý, toán học có thể khám phá ra những chân lý tuyệt đối[6]. Tư tưởng này lên tới tột đỉnh vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 để từ đó hình thành nên một chủ nghĩa, một đường lối, một chương trình vĩ đại nghiên cứu toán học: đó là chủ nghĩa hình thức, mà linh hồn của nó nằm trong tuyên ngôn của Bertrand Russell: "Toán học là một khoa học mà trong đó người ta không bao giờ biết là người ta đang nói về cái gì, miễn là cái điều người ta nói là đúng"[7].
Chẳng hạn, 2 + 3 = 5 là đúng, không cần biết 2, 3, 5 đang nói về cái gì. Khi đó phép cộng không phải là "thêm vào", mà là một "ánh xạ"… Đó chính là những gì nền giáo dục đang nhồi vào đầu trẻ em, xuất phát từ tư tưởng "xa rời thực tế mới là điểm mạnh của toán học"[8], như một giáo sư có ảnh hưởng lớn trong ngành giáo dục hiện nay từng tuyên bố.
Có nghĩa là với những nhà giáo dục này, có một thứ toán học "thiêng liêng" đứng trên và đứng ngoài xã hội, bởi vì xã hội không thể không biết những con số của mình đang nói về cái gì, về USD hay VND, về m hay inch, về nhiệt độ C hay nhiệt độ K, về newton hay coulomb, v.v.
Được biết, có lần một tên lửa vũ trụ của NASA đã nổ tung trên quỹ đạo chỉ vì một lỗi rất "tầm thường": các chương trình điều khiển do các bộ phận khác nhau viết ra đã không sử dụng một hệ đơn vị đo lường thống nhất[9]!
Không biết các nhân viên của NASA có cho rằng "xa rời thực tế mới là điểm mạnh của toán học" hay không? Nhưng chắc chắn quan điểm đó sẽ làm hỏng nền giáo dục toán học ở trường phổ thông!

Ngày 17/09/2011
 
[1] Numbers - The Universal Language, Denis Guedj,  Thames and Hudson Ltd, London 1998.
[2] Xem "Lời sám hối của một nhà toán học hình thức" của Phạm Việt Hưng trên Khoa học & Tổ quốc Tháng 05/2009, hoặc trên trang mạnghttp://vietsciences.free.fr/  và http://viethungpham.wordpress.com/
[3] Khẩu hiệu này xuất phát từ cửa miệng của Jean Dieudonné, một trong những thành viên sáng lập của nhóm Bourbaki. Mặc dù không tham gia vào giáo dục phổ thông, nhưng sau này Dieudonné thừa nhận việc Bourbaki-hoá trường phổ thông là một sai lầm tệ hại.
[4] Encyclopedia Americana, 1999, mục từ "New Mathematics".
[5] Xem "A Biography of the World’s Most Famous Equation E = mc2", David Bodanis, MacMillan, London, 2000.
[6] Hình học phi-Euclid ra đời từ giữa thế kỷ 19, nhưng mãi đến năm 1916 mới tìm thấy bằng chứng thực tiễn là không gian vật lý trong Thuyết tương đối tổng quát của Einstein.
[7] Xem "Pour la Science", số chuyên đề về Henri Poincaré, trang 21.
[8] Xem bài "Môn Toán ở trường phổ thông" của Lê Hải Châu, tạp chí Tia Sáng Tháng 04/2002.
[9] Thông tin do một chuyên gia lập trình thuộc Công ty ResMed ở Sydney, Australia, cung cấp.
©  http://vietsciences.org và http://vietsciences.free.frPhạm Việt Hưng


Chủ Nhật, 17 tháng 12, 2017

Sinh viên Trần Đức Thảo luận về Danh Dự

"Ai cũng có thể cố học để trở thành bác sỹ, kỹ sư. Nhưng không phải ai cũng có thể học để trở thành một triết nhân. Đạt đỉnh cao trong triết học đòi hỏi phải có bộ óc minh triết, mẫn tuệ hơn người. Trong nhân loại, suốt trong chiều dài lịch sử, triết nhân chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ở Pháp kẻ theo học ban triết ở Đại học đều được nể trọng vì có bộ óc minh triết hơn người. Thảo nghe vậy, khoái lắm, nhớ mãi".



Nhớ lại lúc thi môn viết của tam cá nguyệt cuối niên học, giáo sư Ner, trả lại bài luận triết vừa chấm. Bài của Thảo (Trần Đức Thảo) đứng đầu như thường lệ, nhưng với điểm cao không ngờ: 16 trên 20! Thông thường Thảo chỉ đứng đầu với điểm 13 hay 14 điểm là cùng. Lần ấy, Thảo còn nhớ rõ, đề thi là bình giải một câu của Léon Bourgeois: “Danh dự cũng có thể là một nền tảng của đạo đức”.

Cả lớp, trừ Thảo, đều dài dòng tìm cách minh chứng câu đó với những bằng chứng, điển tích, nêu ra các hành động mưu tìm danh vọng qua các công trình vĩ đại, các chiến thắng vinh quang của những vĩ nhân thường thấy trong lịch sử thế giới. Tất cả như đã hành động vì danh dự để mang lại vinh quang cho xứ sở. Riêng chỉ có Thảo là đã bình bàn theo hướng khác hẳn.

Thảo chuẩn bị vào đề bằng cách định nghĩa, phân tích kỹ khái niệm danh dự về mặt tâm lý và xã hội để chỉ ra rằng danh dự là một thuộc tính được ban tặng cho con người, từ bên ngoài.  Nghĩa là một giá trị do người đời khen tặng, chứ bản thân không thể trực tiếp đi tìm… mà lấy được. Danh dự chỉ đến với những con người sống đức hạnh, có lương tri, biết hoàn thành trọn vẹn công việc của mình, dù đấy là một công việc khiêm tốn. Như thế thì mọi người đều có thể có danh dự, chứ danh dự không phải là riêng của những kẻ có chức, có quyền trong xã hội. Nhưng do ngộ nhận mà danh dự đã bị coi là một khả năng kích thích con người có hành động đẹp đẽ, vĩ đại, theo xu hướng khoa trương, phù phiếm bề ngoài, để tạo ra “danh dự”, hay vinh dự cho chính mình. Bởi khi đó danh dự đã bị đồng hoá với danh vọng, vinh dự mà người Pháp gọi là  "les honneurs”. Thông thường, danh vọng có khả năng kích thích tâm lý, có thể làm cho con người u mê đến mức sa đoạ, y như là một thứ thuốc phiện! Người ta đam mê chạy theo danh vọng, tìm vinh dự, rồi tự biến mình thành kẻ khoe khoang, kiêu ngạo, hoang tưởng chạy theo những trò trang trí phù phiếm, hào nhoáng bề ngoài. Tranh đua nhau trên con đường danh vọng thường làm cho mình thành ích kỷ, thấp hèn, muốn dìm mọi người chung quanh xuống, để đề cao mình lên. Danh vọng đã đẻ ra một cấp trên kiêu ngạo, một cấp dưới nịnh nọt… Tệ nạn nịnh nọt cấp trên thường là phải bóp méo, xuyên tạc sự thật. Nó có thể cải trang một người bình thường thành kẻ kiêu căng tự đắc, một nhà chính trị thành một lãnh tụ độc tài, đam mê quyền lực, điên cuồng khao khát danh vọng, quan liêu cửa quyền đến mức hành động, nói năng như cha mẹ của dân, rồi muốn được tôn vinh làm cha dân tộc!

Về mặt tâm lý và xã hội, danh dự phải được hiểu một cách hét sức sáng suốt, hết sức thận trọng để tránh xa những mục tiêu của danh vọng. Danh dự cũng như hạnh phúc, không thể tìm kiếm, không thể mua chuộc nó một cách trực tiếp, bằng quyền lực hay tiền bạc, như người ta vẫn đi tìm kiếm danh vọng. Danh dự chỉ tới, một cách gián tiếp từ bên ngoài, với những ai không chủ tâm tìm kiếm nó, nhưng biết sống một cách xứng đáng, có lương tri, sống tử tế với mọi người, sống ngay thẳng, trong sạch ở mọi hoàn cảnh, biết làm tròn nhiệm vụ của mình, dù đó là của một công việc khiêm tốn nhất… sống như thế là sống thật sự có ích cho mọi người, là làm đẹp cho xã hội. 

Danh dự do đó quả thật là một nền tảng của đạo đức. Nhưng khốn nỗi, người đời vẫn thường nhầm lẫn danh dự với danh vọng. Do vậy nên danh dự, khi bị hiểu lầm, thì nó là cái bã khiến con người chạy theo nó, tìm kiếm nó, mua bán nó… để rồi nó biến xã hội thành một môi trường giả dối, háo danh, phù du, ưa phô trương cái mẽ bề ngoài, che giấu cái trống rỗng, kém cỏi, xấu xa bên trong… Không thiếu gì xã hội, trong đó con người ngông cuồng khao khát danh vọng, một xã hội chỉ trọng vọng bề ngoài, chỉ trưng khoe thành tích giả tạo một cách bệnh hoạn. Một thí dụ điển hình về mặt tiêu cực của danh vọng là thói háo danh với bằng cấp. Bằng cấp chỉ là một hình thức chứng thực khả năng. Nhưng nay bằng cấp đã bị coi như là thứ áo mão gấm hoa, loè loẹt màu sắc, để phô trương. Nó đã tạo ra cái thói trưng diện bằng cấp trước cái tên của mình. Tự xưng mình là tiến sĩ này, thạc sĩ nọ, thủ trưởng cơ quan này, giám đốc công sở kia…! Danh dự của một người có học, có tri thức là biết sống không ồn ào, không khoa trương, biết chứng tỏ trình độ bằng kết quả của việc làm, khác hẳn với kẻ đã tự đồng hoá mình với danh dự bằng những hành động khoa trương chức tước, khoe khoang bằng cấp! Từ sự hiểu sai ý nghĩa của bằng cấp mà nó đã bêu xấu con người, làm hỏng nền giáo dục. Tình trạng đó có thể phá hoại xã hội. Khi danh dự bị nhầm lẫn với danh vọng, thì nó đã đưa tới sự gian lận trong thi cử, mua bán bằng cấp, chạy chọt chức tước cứ y như mua bán áo mão màu sắc lòe loẹt hào nhoáng để trưng diện. Bởi khi danh dự bị đồng hoá với danh vọng, thì nó là một cái bã tâm lý, làm hoen ố nhân phẩm, làm mất tự trọng, mất tỉnh táo nên không phân biệt được đầu là giá trị nội tại bền vững đích thực của luân thường đạo lý, đâu là hư danh xấu xa phù phiếm, dối trá khoe khoang bề ngoài…. Danh dự khi bị nhầm lẫn với danh vọng thì có thể đưa con người và xã hội đi rất xa về phía tiêu cực.

Sau khi nêu nhiều bằng chứng về thành tích được coi là danh dự của những người có cuộc sống khiêm tốn và đã bị đời coi thường, bỏ quên… Thảo nhắc lại rằng vì những thành tích vinh quang, đầy danh vọng của những kẻ có quyền lực, mà có người đã được hậu thế ca ngợi, có khi còn được tôn thờ như thánh nhân. Rồi Thảo đưa ra phản đề khá mạnh mẽ: những thành tích mưu cầu vinh quang danh vọng một cách đam mê, cố mưu tìm chiến thắng kiểu Pyrrhus, cố tạo ra những công trình vĩ dại như Kim Tự Tháp, như Vạn Lý Trưởng Thành… Và nhầm lẫn đấy là những thành tích của danh dự. Thực ra là những công trình vĩ đại ấy không thể là biểu tượng cho danh dự với đạo đức, đạo lý!  Vì chiến thắng như thế là phung phí xương máu quân lính, vĩ đại như thế phung phí mồ hôi, nước mắt của dân chúng. Chúng không mang tính đạo đức và nhân bản. Vì vậy mà nhiều nhà lãnh đạo quyền lực lớn trong lịch sử chẳng thể trở thành một nhà đạo đức, càng không thể là thánh nhân! Thảo nêu ra những trường hợp đời thường, trong đó không hiếm những lãnh tụ chỉ vì cao ngạo, khát khao được trọng vọng như những Tần Thuỷ Hoàng, Napoléon… là những kẻ đã sẵn sàng phung phí máu xương quân lính, coi rẻ tính mạng, công sức lao động của nhân dân. Những nhà lãnh đạo ấy đã kích thích, thúc ép dân phải trở thành anh hùng, phải trở thành vĩ đại để tạo ra những thành tích vẻ vang, phi thường… cho họ. Vì thế mà hành động mưu tìm danh vọng thường là phản công lý, phản đạo lý. Rồi Thảo kết luận: người ta ưa ca ngợi, một cách nhầm lẫn, những thành tích vinh quang, vĩ đại… mà bỏ qua, hoặc bỏ quên khía cạnh vô nhân đạo, bất công của những hành động đã ép buộc nhân dân thấp cổ bé miệng phải gánh chịu biết bao hi sinh gian khổ để dựng lên nhũng thành tích ấy. Vì đấy, dù thế nào, thì cũng chỉ là những hành động tàn bạo, háo danh, thiếu công lý, thiếu đạo lý. Những thành tích vĩ đại ấy, những kỳ công vinh quang ấy, vì không công lý, không nhân đạo nên nó không thể là trở thành mẫu mực cho đạo đức! 

Một danh nhân, một ông vua, trong lịch sử, do những thành tích chính trị hay quân sự phi thường, thường được đám nịnh thần tâng bốc, ca ngợi đến mức sùng bái như một vĩ nhân, một thánh nhân, nhưng thật sự đấy chỉ là một lãnh chúa đầy tham vọng, đầy mưu trí nham hiểm, tàn nhẫn, độc ác! Người ta yêu thích danh vọng, tưởng như đó là danh dự. Sự đam mê danh vọng và quyền lực như thế là thiêu huỷ tính nhân bản trong những con ngườí muốn có sự nghiệp vĩ đại. Con người bình thường không chỉ sống vì danh vọng! Trong thực tế, thời có nhiều thành tích, công trình vĩ đại thường là những giai đoạn bi thảm đen tối, đẫm máu trong lịch sử nhân loại! Vì một lẽ giản dị là nó thiếu tính nhân bản, thiếu tính đạo lý. Nhân loại bình thường không sống để đì tìm danh dự trong danh vọng. Nhân loại bình thường không phải toàn là thánh nhân và anh hùng! Bởi con đường của những thánh nhân, của những anh hùng, với ý nghĩa cao cả của nó, là con đường tuẫn đạo, là con đường hi sinh có ý thức vì nghĩa vụ đối với con người. Khác với con đường của những kẻ u mê cuồng tín lao mình vào những hành động đầy máu và nước mắt, dù cho đấy là con đường tạo ra vinh quang, vĩ đại, nhưng đấy không phải là con đường của đạo đức! Trong lịch sứ, cái thời đầy vinh quang, đầy anh hùng của một dân tộc, thường là thời đau đớn đầy hi sinh, gian khổ, đầy máu và nước mắt, đầy hận thù và tội ác… rất phản đạo đức, phản con người… vì thời ấy bắt đám cùng dân phải trả giá bằng mồ hôi, nước mắt, bằng xương máu và tính mạng! 

Danh dự và đạo đức thực ra là những giá trị cộng sinh tự nhiên, chúng không phải là những ỉhuộc tính chỉ dành cho những vĩ nhân. Trong thực tế, danh dự là một giá trị kín đáo của con người nói chung, trong những hoàn cảnh sống bình thường, khiêm tốn trong xã hội, nên người ta không thấy, vì ít được ai để ý tới. Xưa nay, người đời chi nói tới, chỉ đề cao danh dự của những ông lớn có đầy danh vọng. Do vậy mà chúng ta dễ ngộ nhận, khi đọc tiểu sử của những vĩ nhân, mà không thấy được những tấm gương sảng về mặt đạo đức trong đám người thấp cổ bé miệng trong xã hội. Chính ở nơi những mẫu người khiêm tốn ấy, ta mới thấy rõ được rằng danh dự quả thật là nền tảng của đạo đức. Trong giá trị danh dự âm thầm, khiêm tốn đó, mới thấy người đời sống như thể đích thực là có đạo đức!


Khi chấm bài, bên lề phần kết luận, giáo sư Ner đã phê: “Có nhiều ý triết lý!” Bài của Thảo được đọc cho cả lớp nghe. Sự khen ngợi đó đã vĩnh viễn in sâu vào trí óc non nớt của Thảo. Người thầy dạy triết còn nhấn mạnh thêm: Ai cũng có thể cố học để trở thành bác sỹ, kỹ sư. Nhưng không phải ai cũng có thể học để trở thành một triết nhân. Đạt đỉnh cao trong triết học đòi hỏi phải có bộ óc minh triết, mẫn tuệ hơn người. Trong nhân loại, suốt trong chiều dài lịch sử, triết nhân chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ở Pháp kẻ theo học ban triết ở Đại học đều được nể trọng vì có bộ óc minh triết hơn người. Thảo nghe vậy, khoái lắm, nhớ mãi.

Trích "Những lời trăn trối" - Trần Đức Thảo.

Thứ Sáu, 15 tháng 12, 2017

HOUSE & HOME


HOUSE-HOME, người Việt dùng chung một từ là NHÀ, tuy thế chữ NHÀ trong tiếng Việt lại hàm một khái niệm rất rộng. Theo chức năng có: Nhà ở, Nhà thương, Nhà hát, Nhà quốc hội, Nhà vệ sinh, Nhà thổ….Theo danh phận thì có: Nhà văn, Nhà thơ, Nhà giáo, Nhà nghiên cứu…Theo hình thức thì: Nhà biệt thự, Nhà cao tầng, Nhà tranh, Nhà ngói…Theo đánh giá thì có: Nhà nghèo, Nhà giàu…- Vô số là NHÀ, và có một thứ gần như bao gồm tất cả : Nhà tôi…?!.

Ở đây chỉ muốn nói một chút chơi về khái niệm gần gủi và thiết thân nhất của từ nhà theo HOUSE-HOME.

Người Mỹ có câu rất hay để phân biệt house và home:
Your house is nice, but I want to go home.
Nhà anh thì đẹp đấy, nhưng tôi chỉ muốn về nhà mình.

- “...nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà”, với cái nồi cơm điện thì còn dễ gì còn nghe được tiếng cơm sôi, âm thanh từ mép chiếc nồi gang trên ông táo cà ràng củi cháy phừng phừng...cái bếp nơi bà mụ bắt ấm nước đở đẻ mầy; nước từ cái giếng sau hè do ông nội mầy đào lấy nước uống và tưới hàng cau bà nội mầy trồng bên thềm...bộ phảng ăn cơm cũng là nơi mầy nằm ăn đòn vì ham chơi trốn học là do công của bố và chú mầy xẻ trên rừng kéo về, cả mấy cậy cột cây kèo cũng thế...Cho nên ở đó, cái nơi mà từng tất vuông đều tỏa ra cái hơi ấm bàn tay của những người thân thuộc chắc chiu dựng xây không chỉ dựng xây ngôi nhà mà còn xe bện sợi dây vô hình nối kết những con người, nối kết lịch sử quá khứ vào hiện tại...Bởi sao mà...Tôi chỉ muốn về nhà mình thôi...!!.
- Có một đôi, tuổi đã sồn sồn sắp lấy nhau cần khẩn cấp một tổ uyên ương đến nhờ vẽ giúp nhà. Mình bảo ông bà cần gì thích gì nói hết ra xem…Chàng trình ra 7-8 ý thích và yêu cầu, còn nàng tất nhiên là số lượng gấp đôi. Trước gần hai mươi cái gạch đầu dòng mình phân tích là chúng đá nhau loạn xạ cho nên muốn có cái nầy phải bỏ qua cái kia…Chưa nói hết nhận định thì giữa chàng và nàng đã xãy ra một trận võ mồm chí chóe ỏm tỏi, ai cũng cho ý của mình là chuẩn và phán ra theo kiểu hạ thủ bất quờn…rồi sau đó cả hai hầm hầm phủi đít ra về quên cả chào kiến trúc sư. Nghe đâu sau đó chẵng có cái nhà nào được xây vì em ơi nếu mộng không thành thì…thôi !!.
Người Pháp có câu: Mỗi ngôi nhà là một ước mơ…Đúng thế, lớn lên ai cũng mơ, mơ về “ngôi nhà và những đứa trẻ…”nhưng mà đôi khi lại quên rằng để biến những giấc mơ thành hiện thực thì phải tự làm lấy là chính. Về những đứa trẻ thì không ai dạy cũng làm rất hăng còn ngôi nhà thì có khi lại trau giấc mơ của mình vào tay người khác, các kiến trúc sư…Mà kiến trúc sư may ra thì chỉ thiết kế được những cái house ở được chứ làm sao vẽ ra được cái home..?!. Và cũng cần biết rằng 80% kiến trúc sư đều rất bối rối khi phải tự thiết kế và xây dựng ngôi nhà của chính mình (20% còn lại chưa đủ tiền để xây nhà..!!). Cho nên thay vì tự sướng bằng cách đăng lên mạng hình 3D những căn nhà xanh đỏ mãng khối thòi thụt vô bổ chả ai khen mà các bạn trẻ nên kiếm tiền ở các dự án chung cư, sắp xếp vài mẫu căn hộ tiêu chuẩn lại với nhau rồi nhân số lượng lên rồi lụm về cho khỏe khỏi phải phân xử lôi thôi.
Thời nay người ta đi mua căn hộ tái định cư, cao cấp hay đẳng cấp gì gì đó… với tiêu chí quan tâm hàng đầu là nếu có sự cố thì tôi thoát ra bằng đường nào…Nỗi lo nầy là thực tế, thực tế như là có dễ bán, dễ cho thuê không…cứ thế, chưa vào đã tính thoát ra, chưa ở đã tính bán đi…đơn giản đó chỉ là một cái house hay apartment tạm trú qua ngày. Lên voi người ta xây lâu đài biệt phủ, xuống chó bị nhét vào cái hốc nhỏ trong căn nhà to mà nghiền ngẫm cái sự đời. Cái sự đời hướng người ta chúi mũi vào chiếc Lexus mà quên mất Cây ô liu…và như thế kết quả cuối cùng không khó mấy để đoán ra.
“ Chiếc Lexus và Cây ô liu” luôn là bài toán và vấn đề khó giải…Khó, nhưng không phải là không thể.
- “ Từ xa nhìn thấp thoáng thấy chiếc cổng làng, cảm tưởng dường như mình đã về đến nhà…”.- dường như đã về đến nhà… vì nơi đó tôi sẽ gặp những người quen biết và thân thiện, nơi tôi có thể lang thang đêm ngày mà không e ngại bất cứ thứ gì, nơi mà tôi bỏ lại sau lưng tất cả những phiền toái lo toan đa đoan vướn bận sách nhiểu nhì nhằng và những nỗi ám ảnh không rời…nơi mà về quê hay về nhà là một khái niệm không thể tách rời.
Không phải nhẫu nhiên mà từ Ecological (sinh thái-chất lượng của môi trường) xuất phát từ chữ Hy lạp : Oikos = Ngôi nhà. Cho nên không chỉ cám cảnh “…quê tôi ai cũng có một dòng sông bên nhà…” mà còn là nơi cho tôi đậm một tình yêu để quay về.
Hỏi rằng người ở quê đâu,
Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà - ( Bùi Giáng : hai câu thiên tài )
Alexandre Yersin đến Nha trang thời còn là một vùng biển hoang sơ. Sống, làm việc rồi một thân một mình chết ở xứ sở xa xôi nầy. Ông có “ gởi nắm xương tàn nơi đất khách quê người…” như trong mấy câu vọng cổ ai oán không ?!, không, ông đã sống và mất đi trong cái home chung thân thiết của cả một miền quê, của cả nhân loại, cái home ông tự tạo dựng bằng tấm lòng nhân ái cao cả của chính ông, một cái home thật sự không nhất thiết phải có ngôi nhà và những đứa trẻ…!!.
Đêm nhớ về Sài gòn…bóng mẹ hiền mờ mờ bên sông, mắt người tình một trời mênh mông…(Trầm Tử Thiêng)
Nhớ về, nhớ về Sài gòn chỉ còn nhớ về bạn bè, mẹ, ánh mắt người tình…chỉ còn nhớ về những con người, còn đâu một Sài gòn homeland=quê nhà nơi ta sinh ra và lớn lên…còn chăng chỉ còn là một cái vỏ rỗng màu mè chứa những tàn phai. Vội vã trở về, vội vã ra đi…!!.
Vẫn phải nhớ về…với nỗi nhớ canh cánh trong lòng…bởi lơ mơ “ sẽ không lớn nổi thành người..” ( bị dọa thế..) –
Ôi..! Giàn thiên lý đã xa mãi ngàn xa…- Tội nghiệp thằng bé !!.
LAN VO – Nỗi nhớ mùa đông

Thứ Năm, 14 tháng 12, 2017

Tự do thật sự

Một tu sĩ đồng môn với tôi dạy thiền nhiều tuần ở một nhà tù có mức an ninh tối đa gần Perth. Nhóm nhỏ tù nhân mới học rất tôn trọng tu sĩ. Vào cuối một buổi học, họ bắt đầu hỏi ông về thông lệ hàng ngày ở một tu viện Phật giáo.
“Chúng tôi phải dậy lúc 4 giờ sáng”, ông bắt đầu. “Nhiều lúc rất lạnh vì căn phòng nhỏ của chúng tôi không có sưởi. Chúng tôi chỉ ăn một bữa mỗi ngày, tất cả đồ ăn trộn vào nhau trong một cái tô. Vào buổi chiều và buổi tốt, chúng tôi không được ăn. Quan hệ tình dục hay rượu dĩ nhiên là không có. Chúng tôi cũng không có tivi, radio, hay âm nhạc. Chúng tôi không bao giờ xem phim, cũng không chơi thể thao. Chúng tôi nói ít, làm việc miệt mài, dành thời gian rảnh ngồi tréo chân quan sát hơi thở. Chúng tôi ngủ trên sàn.”
Các phạm nhân kinh ngạc với sự khắc khổ tột độ của đời sống tu sĩ. Nó khiến nhà tù của họ như một khách sạn năm sao. Một trong các tù nhân đã xúc động vì đồng cảm với hoàn cảnh của người bạn tu sĩ đến nỗi anh ta quên mất mình đang ở đâu. Anh bảo: “Sống ở tu viện của thầy như thế thật khủng khiếp. Sao thầy không đến đây ở với chúng tôi?”
Tu sĩ kể rằng trong phòng đã cười rũ rượi. Tôi cũng thế khi nghe ông kể lại. Rồi tôi bắt đầu suy ngẫm sâu sắc về điều đó.
Đúng là tu viện tôi còn khổ hạnh hơn cả nhà tù khắc nghiệt nhất cho các tội phạm, nhưng nhiều người tự nguyện đến tu viện, và họ hạnh phúc ở đây. Trong khi đó, nhiều người muốn thoát khỏi nhà tù, và họ không hạnh phúc ở đó. Vì sao?
Là vì ở tu viện của tôi, người ở đó muốn ở đó; trong tù, người ở đó không muốn ở đó. Khác biệt chỉ có vậy.
Bất kỳ nơi nào bạn không muốn ở dù thoải mái ra sao, đó là một nhà tù đối với bạn. Đây là ý nghĩa thật sự của chữ “nhà tù”. Nếu bạn ở trong một công việc không mong muốn, bạn ở tù. Nếu bạn ở trong một mối quan hệ không mong muốn, bạn ở tù. Nếu bạn ở trong một cơ thể ốm yếu và đau đớn mà mình không muốn, đó cũng là một nhà tù đối với bạn. Một nhà tù là bất kỳ hoàn cảnh nào mà bạn không muốn rơi vào.
Vậy làm sao bạn thoát khỏi nhiều nhà tù của cuộc sống?
Dễ thôi. Chỉ cần thay đổi cảm nhận của bạn về hoàn cảnh thành “muốn ở đó”. Ngay ở nhà tù hay tu viện của tôi, nếu bạn muốn ở đó, nó không còn là một nhà tù đối với bạn nữa. Bằng cách thay đổi cảm nhận về công việc, mối quan hệ hay cơ thể của mình, bằng cách chấp nhận hoàn cảnh thay vì không muốn nó, nó không còn có cảm giác như một nhà tù đối với bạn. Khi bạn hài lòng ở đó, bạn được tự do.
Tự do là hài lòng với hoàn cảnh hiện tại. Nhà tù là muốn ở một nơi khác. Thế giới tự do là thế giới của người cảm thấy hài lòng. Tự do thực sự không bao giờ là tự do ham muốn, mà là tự do vì thoát khỏi ham muốn.
Trích dẫn từ cuốn Ai đổ đống rác ở đây? của Sư Ajahn Brahm