Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2018

Tệ hơn cả dâm dục


Bá Tân

21-4-2018

Những ngày vừa qua, nhân vụ việc “máu dê” ở tờ Tuổi Trẻ, một số người, thông qua báo lề Dân, tập trung “khai quật” chuyện dâm dục đã và đang phát sinh trong làng báo chí quốc doanh.

Hiện trạng ấy là có thật, rất đáng lên án. Hành vi dâm loạn có thể chỉ là cá biệt ở tờ báo này, nhưng cũng có thể trở nên “chuyện thường ngày” ở tờ báo khác. Làng báo quốc doanh “cùng chăn” với nhau, họ không lạ chuyện ấy, có nói ra hay không mà thôi.


Nghề nào cũng có “bệnh” của nó. Kiểm lâm, thuế vụ, công an có chung thứ “bệnh” vòi vĩnh, quen thói bóp nặn tiền bạc của dân chúng. Quan chức thời nay bệnh ung thư thì ít, bệnh chạy chức, chạy tội thì nhiều vô kể.

Nghề báo không phải ngoại lệ, thậm chí ở một bộ phận nào đó, trĩu nặng những thứ “bệnh” làm cho uy tín, chất lượng, tác dụng báo chí quốc doanh xuống cấp nghiêm trọng.

Động cơ cầm bút không trong sáng, thậm chí có kẻ làm nghề theo kiểu đâm thuê chém mướn. Năng lực chuyên môn non kém, viết cũng như nói nghêu ngao nhạt nhẽo. Đọc bài viết của họ giống như đi vào rừng rậm. Đó là thứ “bệnh” nan y của báo chí quốc doanh, thứ “bệnh” ấy còn tệ hơn, gây ra tác hại ghê gớm hơn so với thói xấu dâm dục.

Không phải tất cả nhưng cũng không phải là ít, báo chí quốc doanh đang dư thừa nhũng hạng người cầm bút chỉ vì mục đích miếng cơm manh áo. Sự đam mê nghề nghiệp và bảo vệ lợi ích của dân, đối với họ, chẳng khác nào tìm sao trên trời giữa ban ngày.

Đừng tưởng chỉ có quan chức (các ngành, các cấp) chạy chức. Trong giới báo chí quốc doanh, chạy chức cũng trở nên “phổ cập” y như là người bị ung thư phải xạ trị. Muốn có chức phải chạy, phải mua. Chức cao phải chạy nhiều nơi, mua giá cao. Chức nhỏ không thể không chạy, không thể không mua nhung có phần đỡ hơn. Muốn có chức phải chạy, phải mua, theo đúng thị trường chợ giời, trở thành quy trình đẻ ra quan chức nói chung, kể cả giới báo chí quốc doanh.

Không ít cơ quan báo chí quốc doanh gần như đóng băng không khí đam mê nghề nghiệp, nhưng lại “sục sôi” ganh đua chạy chức và kèn cựa tranh dành từng mẫu tin, từng bài viết nhảm nhí. Có những kẻ suốt ngày lo tìm kế chạy chức hơn là lo tu luyện nhân cách và nâng cao chất lượng bài viết. Môi trường ấy không chỉ làm cho người tử tế trở nên cá biệt, mà còn kéo dài khoảng cách báo chí với người dân, thậm chí quay lưng với nhau.

Nhũng người làm báo có chức bằng chạy và mua, bọn họ có chung đặc tính: Vênh váo, nịnh trên nạt dưới, ăn không trừ một thứ gì, gian manh, dâm dục. Loại người đó, làm báo có chức bằng chạy và mua, là sản phẩm của một thể chế thối nát.

Trong cái “chợ chiều” báo chí quốc doanh như vậy, thật đáng nể trọng 3 phóng viên của báo Đại đoàn kết. Họ là Hữu Nguyên, Từ Khôi, Kim Ngân, dám hy sinh quyền lợi cá nhân, hiên ngang đấu tranh lôi ra ánh sáng những sai phạm nghiêm trọng của kẻ đứng đầu cơ quan báo chí. Điên loạn vì bị thuộc cấp phanh phui tiêu cực, kẻ đứng đầu báo Đại Đoàn Kết ra quyết định buộc thôi việc 3 phóng viên này. Nhiều lần gửi đơn kiến nghị (có cả gặp trực tiếp) cấp trên nhưng chẳng đâu vào đâu, thậm chí gây thêm bức xúc.

Ba phóng viên này đứng ra khởi kiện, tòa án quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) xét xử, tổng biên tập cũng như báo Đại Đoàn Kết trắng bụng thua kiện ê chề. Sau khi bị thua kiện, cùng với nhiều sai phạm bị phanh phui, tổng biên tập bị hạ bệ, buộc phải cuốn gói khỏi báo Đại Đoàn Kết. Đã có bài học cay đắng của người tiền nhiệm nhưng tổng biên tập hiện thời của tờ báo này đang gây nên những sai phạm nghiêm trọng, thậm chí có loại sai phạm chưa từng xảy ra trong lịch sử báo chí quốc doanh (ở một dịp khác chúng tôi sẽ nói rõ với đầy ắp chứng cứ).



Từ trái sang: Các nhà báo Từ Khôi Nguyễn Mạnh Thắng, Đặng Thị Kim Ngân, Hữu Nguyên và Luật sư Phạm Quốc Bình. 

Vĩnh viễn qua rồi cái thời tuyên truyền không nghe đài địch. Dân trí bây giờ không còn u mê như ngày xưa. Có thể chăm chú nghe đài của “địch” nhưng lại thờ ơ, thậm chí quay lưng với báo chí của… ta. Với dân chúng, bạn đọc công minh nhất, nói đúng sự thật và luôn bảo vệ lợi ích của dân, đó là báo chí đích thực của ta, cho dù viết ra từ… địch. Ngược lại, báo chí không vì dân, chỉ lo ton hót, nâng đỡ quan chức, cái của nợ ấy dân chúng lánh xa, cho dù luôn bị áp đặt gọi đó là báo chí của ta. Ta hay địch, báo chí cũng như mọi lĩnh vực, người dân tự nhận ra, dân trí thời nay thừa khả năng phân định ai là địch, ai là ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét