Thứ Hai, 5 tháng 11, 2018

Dữ liệu riêng tư phải là quyền cơ bản của con người

Trường Sơn


TTCT - Các nền tảng và thuật toán được hứa hẹn sẽ cải thiện cuộc sống của chúng ta thực tế có thể khuếch đại các khuynh hướng tồi tệ nhất trong mỗi con người...

minh họa
CEO của Apple Tim Cook vừa lên tiếng cảnh báo nạn mua bán dữ liệu người dùng của các đại gia công nghệ và kêu gọi một đạo luật liên bang để bảo vệ riêng tư dữ liệu cá nhân cho người dùng Internet Mỹ, theo hình mẫu đạo luật GDPR của châu Âu.
Trong bài diễn văn cuối cùng trước khi rời Nhà Trắng năm 1961, cựu tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower đã nhắc đến cụm từ “tổ hợp công nghiệp quốc phòng” (military-industrial complex) để cảnh báo quốc dân về nguy cơ của liên minh giữa các nhà thầu quân sự và lực lượng vũ trang. 57 năm sau, một người Mỹ khác, “tổng tư lệnh” của một đế chế hùng mạnh có mức vốn hóa 1.000 tỉ USD, cũng mượn lời cựu tổng thống để nêu lên một cảnh báo khác về cái gọi là “tổ hợp công nghiệp dữ liệu” (data-industrial complex).
Lời cảnh báo của Tim Cook
Phát biểu tại một hội nghị quốc tế về bảo vệ và quyền riêng tư dữ liệu ở Brussels (Bỉ) ngày 24-10, ông Cook cảnh báo công nghệ có thể gây hại thay vì mang lại điều tốt đẹp cho con người.
Các nền tảng và thuật toán được hứa hẹn sẽ cải thiện cuộc sống của chúng ta thực tế có thể khuếch đại các khuynh hướng tồi tệ nhất trong mỗi con người - Cook nói - Những “kẻ xấu” và thậm chí các chính phủ đã lợi dụng lòng tin của người dùng để làm sâu sắc hơn sự chia rẽ, kích động bạo lực và thậm chí làm sai lệch trực giác của chúng ta về giả - thật”.
Cook cho rằng nền kinh tế phụ thuộc vào ngành công nghiệp công nghệ, vốn dựa trên dữ liệu người dùng, đang đặt ra thách thức gọi là “tổ hợp công nghiệp dữ liệu” - tức một nhóm nhỏ các đại gia công nghệ đang mua bán dữ liệu người dùng.
“Thông tin về chính chúng ta, từ những thứ diễn ra hằng ngày đến những điều riêng tư nhất, đang bị biến thành vũ khí chống lại chính chúng ta với hiệu quả quân sự”.
Những điều CEO Apple nói không có gì mới. Ai cũng biết chuyện mỗi cái like ta để lại trên Facebook, mỗi lệnh tìm kiếm trên Google, mỗi lần tra cứu địa điểm trên Google Maps đều tạo ra dữ liệu. Và từng đơn vị dữ liệu tưởng không có gì quan trọng khi được tổng hợp, tinh luyện và xử lý sẽ trở nên có giá trị, mà theo lời Tim Cook, thậm chí được “vũ khí hóa” cho các mục đích nguy hiểm hơn là chỉ để bán quảng cáo.
Theo Tim Cook, mỗi mẩu dữ liệu riêng lẻ thì vô hại, khi được thu thập, tổng hợp, mua bán và trao đổi sẽ trở thành “hồ sơ số” về mỗi cá nhân, cho phép các công ty “hiểu bạn hơn chính bạn”. “Hồ sơ của bạn là một loạt thuật toán phục vụ các nội dung ngày càng cực đoan và biến những sở thích vô hại của ta thành thứ nguy hiểm”.
CEO của Apple nhấn mạnh dữ liệu riêng tư phải là một quyền con người cơ bản, và cho dù là người dùng đang sống ở đâu, họ cũng phải được bảo vệ theo bốn nguyên tắc cơ bản: quyền hạn chế dữ liệu của mình bị thu thập đến mức tối thiểu, quyền được biết dữ liệu nào về mình đã được thu thập, quyền được tiếp cận các dữ liệu đó, và quyền yêu cầu các dữ liệu đó được lưu trữ an toàn, bảo mật.
Sau phần trình bày, Cook khẳng định Apple “ủng hộ hoàn toàn một đạo luật liên bang toàn diện về quyền riêng tư ở Hoa Kỳ”, phát ngôn được cho là rõ ràng nhất từ trước đến nay của nhà sản xuất iPhone về việc ra luật bảo vệ dữ liệu người dùng ở Mỹ.
Và trong bối cảnh mà đạo luật GDPR vừa đi vào hiệu lực ở EU hồi tháng 5, Cook ca ngợi nỗ lực tiên phong này của châu Âu và các động thái quản lý dữ liệu người dùng tương tự ở Singapore, Japan, Brazil, New Zealand và chốt lại rằng “đã đến lúc phần còn lại của thế giới, bao gồm cả đất nước tôi, theo dấu các bạn”.
minh họa
Rồi sau đó...
Tim Cook không nhắc đến cái tên nào trong diễn từ của mình, nhưng ai cũng rõ ông nhằm vào ai. Có ai nổi tai tiếng về thu thập và làm giàu từ dữ liệu người dùng như Facebook và Google?
Ví dụ gần nhất cho chuyện “vũ khí hóa dữ liệu” chính là bê bối Cambridge Analytica hồi tháng 3, khi dữ liệu hàng chục triệu người dùng Facebook bị sử dụng vào mục đích thay đổi quan điểm chính trị của họ.
Dữ liệu bị biến thành vũ khí theo cách Hãng Cambridge Analytica sẽ phân loại người dùng theo sở thích, thông tin có được về họ và dựa vào đó để “giội bom” họ với các thông điệp, thông tin sai lệch được “đo ni đóng giày” cẩn thận.
Đạo luật GDPR là “cú đấm” thực sự với các hãng công nghệ chuyên thu thập và khai thác dữ liệu người dùng như Facebook, Google hay các công ty trung gian chuyên làm việc này (data broker). GDPR trao thêm quyền để người dùng quản lý thông tin cá nhân của họ tốt hơn và buộc các công ty phải minh bạch hơn trong việc thu thập dữ liệu người dùng nếu không muốn bị phạt nặng.
Khi GDPR có hiệu lực hồi tháng 5, phe phản đối cho rằng đó sẽ là thảm họa cho Internet. Nhưng thực tế là bang California (Mỹ) mới đây đã thông qua đạo luật xây dựng từ hình mẫu của GDPR, cho phép người dùng được quyền yêu cầu các hãng công nghệ nói rõ đang lưu trữ dữ liệu gì về mình, tại sao lại lưu và đã chia sẻ nó với ai. Người dùng cũng có quyền yêu cầu bên thu thập xóa các dữ liệu về mình.
Thế giới có thể nhìn vào ngọn cờ đầu EU, và nếu Mỹ, trong hình dung của Tim Cook, cũng gia nhập, thì “phong trào” dùng luật pháp để quản lý thị trường dữ liệu người dùng hẳn sẽ lan rộng.
Cook cũng thẳng thắn vỗ mặt luận điểm thường được nêu ra rằng công nghệ sẽ không phát huy hết tiềm năng thực sự của nó nếu bị đặt dưới các quy định về quyền riêng tư ngày càng ngặt nghèo. “Quan niệm này không chỉ sai mà còn gây hại, do lẽ tiềm năng của công nghệ phải luôn bắt nguồn từ niềm tin mọi người đặt vào nó”.
Đã đến lúc nhìn thẳng vào sự thật: chúng ta sẽ không bao giờ thực sự khai phá hết tiềm năng của công nghệ nếu không có lòng tin và sự tín nhiệm của những người sử dụng chúng.
Tim Cook
 
Nghịch lý “nạn nhân”
Theo đánh giá của tạp chí chuyên về bảo mật thông tin CPO Magazine, các đại gia công nghệ ở Thung lũng Silicon đã buộc phải thừa nhận “tình hình rất chi là tình hình”, nghĩa là không tránh được việc chuyện thu thập dữ liệu sẽ sớm bị cho vào khuôn phép.
Vì thế mục tiêu hàng đầu của họ bây giờ là làm sao để đạo luật liên bang mà Tim Cook đang kêu gọi nếu được ban hành thì cũng “dễ thở” một chút.
Một trong những cách để làm thế là định hướng dư luận, chẳng hạn như thuyết phục người dùng tin rằng một đạo luật liên bang về quyền riêng tư dữ liệu sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận của họ hoặc ngăn trở sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ.
Nhưng dựa vào đâu mà các công ty công nghệ tin rằng họ có thể lôi kéo người dùng - người đang bị chính các công ty này lợi dụng - về phe của mình? Câu trả lời chính là một kiểu “nghịch lý thời đại số”: người dùng vừa muốn phơi bày thông tin để đổi lấy dịch vụ, sản phẩm miễn phí, vừa muốn che giấu chúng.
Chính người dùng chứ không ai khác đang làm “kho vũ khí” rồi sẽ nhắm vào chính mình to và đầy hơn mỗi ngày bằng mỗi cú click, cái like trên Internet.
Người dùng đâu phải không biết họ sẽ phải đánh đổi thông tin cho nhà cung cấp dịch vụ, nhưng vì tiện ích, họ vẫn chấp nhận. Lấy ví dụ Google hiển thị quảng cáo dựa trên hoạt động online của ta. Nhưng ta có vì thế mà ngưng dùng Google?
Facebook cũng thế, chính ta tình nguyện chia sẻ, like, theo dõi các nhãn hàng, tự khai báo thông tin cá nhân chi tiết đó thôi. Và thực sự có tồn tại quan niệm: đằng nào cũng phải xem quảng cáo, thôi thì được xem quảng cáo có liên quan, mình có thể quan tâm vẫn tốt hơn.
Thực tế này mở ra một hướng mới trong việc hạn chế các “tổ hợp công nghiệp dữ liệu” tiếp tục lợi dụng, làm hại người dùng: thay vì buộc các công ty công nghệ tuân thủ luật về bảo vệ dữ liệu, cần làm sao để họ sử dụng chỗ thông tin thu thập được một cách có đạo đức và trách nhiệm, để tạo ra các sản phẩm có lợi cho nhân loại, theo bình luận của TechCrunch.
Chính Giovanni Buttarelli, giám sát viên bảo vệ dữ liệu của EU, trong phát biểu khai mạc sự kiện ở Brussels, cũng nhấn mạnh việc cần phát triển “một bộ quy tắc đạo đức bền vững cho xã hội được số hóa” ngày nay.■

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét