Thứ Hai, 20 tháng 9, 2021

KIM VỀ VỚI CỔ, CẠN MỘT HỒ TRƯỜNG

Khi Kim Dung tạ thế, tên tuổi của Cổ Long – đã qua đời cách đây 36 năm – cũng được nhắc lại. Bởi vì làm sao có thể nói/viết về Kim mà quên đi Cổ, với chiếc gạch nối Minh Báo.



Tác phẩm của cả hai bao trùm toàn bộ thế giới võ hiệp. Nhiều người vì yêu Kim mà ghét Cổ, cũng chẳng ít người vì mê Cổ mà hạ thấp Kim. Nhưng ngày Kim tạ thế, người ta tin rốt cục cả hai cũng đã có thể vứt bỏ những phiền muộn cả đời đeo mang, để cùng nhau cạn một hồ trường.
Kiếm hiệp, đầu tiên và trên hết, là phương tiện để Kim Dung và Cổ Long bộc bạch lòng mình. Khát vọng lập danh, tình yêu và tình bạn. Ngày Kim Dung lập Minh báo, sinh kế luôn là vấn đề thúc bách. Ông vừa phải làm chủ bút, làm biên tập rồi kim luôn người viết. Ông viết xã luận và viết feuilleton kiếm hiệp để thu hút độc giả. Ông bảo mỗi ngày đều phải nuốt ít nhất 7.000 chữ, liên tục suốt 20 năm không dứt, đến nhiều lúc cơm nuốt không nổi.
Cổ Long cũng chọn nghiệp viết để lập danh. So với một Kim Dung xuất thân danh gia, học hành bài bản, vẻ ngoài ưa nhìn, Cổ Long tướng mạo tầm thường, cao chỉ 1,56 mét, đầu to như đấu, mắt nhỏ miệng rộng, đến tuổi trung niên lại còn phát phì. Đã xấu trai lại còn thất học, Cổ Long bỏ học từ rất sớm, lăn lộn mưu sinh. Điều đó khiến Cổ Long dù thông minh và tài hoa nhưng luôn mang đầy tự ti, mặc cảm. Bởi vậy nhân vật của Cổ Long ai cũng phong tư tài mạo tót vời, vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa. Chính là để bù trừ cho người viết ngoài đời vậy.
Xuyên suốt gần một trăm bộ tiểu thuyết võ hiệp của hai người (Kim Dung 15, Cổ Long gần 70), tất cả đều tập trung bày tỏ nỗi lòng trăn trở của cả hai về nhân sinh. Như những gì đã được Nguyễn Bá Trác ghi lại từ một khúc ca Trung Hoa, rồi đặt tên là Hồ Trường:
“Miên miên mang mang, ai là tri kỷ, lại đây cùng ta cạn một hồ trường.
Hồ trường, hồ trường, ta biết rót về đâu?
Rót về Đông phương, nước bể Đông chảy xiết sinh cuồng lạn.
Rót về Tây phương, mưa Tây rơi từng trận chứa chạn
Rót về Bắc phương, ngọn Bắc phong vi vút đá chạy cát dương.
Rót về Nam phương, trời Nam mù mịt, có người quá chén như điên như cuồng.
Nào ai tỉnh nào ai say.
Chí ta ta biết lòng ta ta hay.
Nào ai tỉnh, nào ai say.
Chí ta ta biết lòng ta ta hay.
Nam nhi sự nghiệp ở hồ thỉ, hà tất cùng sầu đối cỏ cây.”
Năm 1972, không lâu sau khi đăng kỳ cuối cùng của Lộc Đỉnh Ký trên Minh Báo, Kim Dung tuyên bố phong bút, vì biết đã đạt đến đỉnh cao của nghề viết tiểu thuyết. Nhưng vì mục feuilleton kiếm hiệp trên Minh Báo đã ăn khách quá lâu, gần như là mục đinh của tờ báo, Kim Dung đã âm thầm tuyển lựa người thay thế mình, để giữ cho tờ báo không mất đi sức hút.
Trần Mặc, trong phần trích đầu sách “Đa tình kiếm khác vô tình kiếm”, thuật lại câu chuyện như sau:
“Khi Kim Dung viết thư tay gửi cho Cổ Long, đấy không chỉ là một lá thư thuần túy của một chủ bút dành cho một người viết để mời cộng tác, mà còn là động thái truyền lại ấn tín của võ lâm minh chủ. Vu Đông Lâu, cộng sự của Cổ Long ngày ấy, cho biết Cổ Long hờ hững nhờ mình bóc thư, xem tay nào từ Hồng Kông lại đi gửi thư cho mình. Đến khi biết là Kim Dung, Cổ Long giật ngay thư lại, xem như báu vật. Đọc xem thư, bần thần nằm dài trên sofa hồi lâu mới ngồi dậy, vì không thể tin đấy là sự thật. Cổ Long đã được Kim Dung thừa nhận. Và để xứng đáng lòng tin của võ lâm minh chủ, Lục Tiểu Phụng truyền kỳ đã được Cổ Long dồn nhiêu tâm huyết, đăng dài kỳ từ 1972 đến 1976 mới hết.”
Sau đó, Cổ Long viết cho Kim Dung, giữa họ là những bức thư. Tình bạn vong niên giữa hai con người khác nhau xa lắc về xuất thân, địa vị xã hội thật đẹp. Kim Dung là bác học, nhưng chưa từng coi thường kẻ mang sở học tạp nham Cổ Long. Cổ Long kiêu ngạo dễ tổn thương, nhưng với Kim Dung luôn trước kính sau quý. Cũng bởi Kim Dung đã đi đến tận cùng nghệ thuật tiểu thuyết bác học, Cổ Long đã nghĩ ra con đường riêng cho mình, để vượt thoát khỏi người đàn anh vĩ đại. Nói cách khác, Cổ Long không hoàn toàn kế thừa y bát của Kim Dung, mà tự mình bước ra, khai sơn lập phái.
Truyện của Kim Dung lẫn Cổ Long nói lên rất rõ sự khác biệt như mặt trăng và mặt trời của cả hai. Điều đó dễ giải thích vì sao fan của người này lại thường không mê được người kia.
Kim Dung, sau khi phong bút, có hai lần dụng công sửa chữa toàn bộ bản thảo của mình. Cổ Long sau khi viết, như chính ông thừa nhận, hoàn toàn không có nhu cầu đọc lại. Kim Dung nghiêm túc với tác phẩm của mình bao nhiêu, Cổ Long vô trách nhiệm bấy nhiêu. Bởi vì Kim Dung luôn trăn trở, nghiền ngẫm khi tỉnh táo. Cổ Long lại chỉ làm việc ấy khi say. Một bên là triết gia, một bên là nghệ sĩ.
Kim Dung viết câu văn thường rất dài. Văn của ông như một lộ thái cực kiếm, kết thúc chiêu này là khởi đầu chiêu khác, ý nối ý, tình kết tình, cứ thế mà liên miên bất tuyệt. Câu văn của Cổ Long lại rất ngắn. Nhịp điệu nhanh, dồn dập như một bộ phim hành động, trinh thám. Kim Dung là danh gia kiếm thuật, Cổ Long là cao thủ ám khí. Ngay cả nhân vật ưng ý nhất của đời Cổ Long – Lý Tầm Hoan – cũng là một bậc thầy về ám khí, với ngọn Tiểu Lý Phi Đao. Và cái tên Tầm Hoan ấy cũng vận vào đời Cổ Long. Cả một đời tìm kiếm niềm vui.
Tình yêu trong Kim Dung thuần phác đôn hậu, chưa nhuốm mùi sắc dục. Quách Tĩnh – Hoàng Dung bên nhau một bước không rời, tình ý miên mang nhưng chưa một lần vượt vòng lễ giáo. Với cả giang hồ, Tiểu Long Nữ có thể đã mất trinh. Nhưng Dương Quá mang nàng trong tim, như một vị hôn thê băng thanh ngọc khiết. Lệnh Hồ Xung trước yêu Linh San, sau yêu Doanh Doanh, giữa đường ăn ngủ cùng với đám tăng ni phái Hằng Sơn, tuyệt chưa một lần nghĩ đến chuyện trên bộc trong dâu. Đoàn Dự, bị ép uống âm dương hòa hợp tán, cho vào trong một phòng với Mộc Uyển Thanh, lửa dục thiêu đốt tâm trí, người bên cạnh lại xinh như ngọc, nhưng thà chết không xâm hại đối phương. Rồi chính chàng sau đó đã yêu và si mê Vương Ngữ Yên như nữ thần. Giữa cái giếng khô, đôi bên hiểu lòng nhau, toàn bộ chân tình dành cho Mộ Dung Phục, nay trao hết cho chàng. Vậy mà tuyệt đối không có màn “hãy ngồi xuống đây, hôn nhau lần này”. Tình yêu đã vượt lên tình dục rất xa.
Cổ Long thì khác. Tác phẩm của ông ngập tràn sắc dục. Nhân vật chính của Cổ Long tuyệt đại đa số là phường đam mê tửu sắc, giết người không gớm tay, chơi gái không gớm… khúc này đã phá vỡ sự nghiêm trang của bài viết, xin lỗi độc giả. Đàn bà trong truyện Kim Dung thanh cao dịu vợi, đàn bà trong Cổ Long dâm tà trá ngụy. Trong vấn đề tình yêu và tình dục, Kim lại rất cổ, còn Cổ lại rất kim.
Trong uống rượu, Kim Dung là dân sành sỏi, biết thưởng thức, mượn chén rượu để trò chuyện. So với Tổ Thiên Thu - bậc thầy thẩm rượu, đám nhân vật chính của Cổ Long chỉ là nhũng đệ tử của Lưu Linh không hơn không kém. Kim Dung dùng rượu để kết giao, Cổ Long dùng rượu để quên sầu. Người ta nói ngày Cổ Long chết, đám bạn chí cốt không mang hoa đến, mà mỗi ông vác một chai Hennessy, cứ thế mà rót xuống mồ, rồi lại mang 48 chai khác chôn theo Cổ Long, tượng trưng cho 48 năm sống trên đời, cùng lời phúng điếu bi thương: "Tiểu Lý Phi Đao thành thất truyền, nhân thế hết gặp Sở Lưu Hương."
Kiến thức của Kim Dung rất rộng, của Cổ Long rất hẹp. Nếu như tài hoa của Kim Dung đi theo con đường phát huy sở trường thì Cổ Long đích thị là hạn chế sở đoản.
Nhân vật của Kim Dung dẫu cho bị ràng buộc rất nhiều bởi lễ giáo và các khái niệm anh hùng nhưng vẫn ung dung khoái hoạt, càng về sau tư tưởng tự do càng mạnh. Nhân vật Cổ Long thoạt nhìn tự do, kỳ thực luôn bị mắc kẹt với quá khứ lẫn hiện tại. Nhân tại giang hồ, thân bất do kỷ.
Kim Dung luôn cho cho nhân vật của một một “backstory” rất mạnh. Anh là con ai, học nghệ ở đâu, quá khứ thế nào, tình đầu ra sao? Sau khi đã có backstory đủ mạnh, Kim ném nhân vật vào tiểu thuyết, để họ tự tìm hiểu ý nghĩa của cuộc đời. Và vì đã có quá khứ lẫn hiện tại, Kim Dung chẳng thể quản tương lai của họ được nữa. Như trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Kim Dung rất thích để cho Trương Vô Kỵ thành đôi với Tiểu Chiêu, cô gái mà ông yêu nhất. Nhưng rốt cục, Trương giáo chủ vẫn từ bỏ giang hồ, về vẽ lông mày cho Triệu Mẫn.
Vì nhân vật của Kim Dung có đời sống riêng, nên họ rất sống động. Và ta luôn nhìn thấy chính mình, ở phần đời của một nhân vật đó. Phụ nữ có lẽ sẽ đồng cảm với Nhạc Linh San thật nhiều, khi nàng từ bỏ “anh trai mưa” Lệnh Hồ Xung để về với tình yêu đích thực của mình: Lâm Bình Chi. Cuộc sống là những lựa chọn. Và dẫu chọn sai, vẫn không có gì hối hận. Đến chết, Nhạc Linh San cũng chỉ cầu xin anh trai mưa chu toàn cho anh yêu của mình. Giây phút ấy, Lệnh Hồ Xung hoàn toàn rũ bỏ được tình yêu đầu thuần khiết, để dành trọn con tim cho Doanh Doanh. Còn nếu trong những giây cuối cùng, Nhạc Linh San lại chuyển sang giọng hối hận, xin lỗi Lệnh Hồ đại ca, hãy tha thứ cho tiểu muội, thì Lệnh Hồ Xung có lẽ chưa thể hoàn toàn quên nàng được. Mối tình giữa chàng và Doanh Doanh tất nhiên vẫn còn một vết gợn, khúc Tiếu Ngạo chưa thể toàn mỹ.
Lại nói về Doanh Doanh, con gái giáo chủ, quyền lực nghiêng thành, lại yêu một chàng lãng tử mê rượu, không có thanh kiếm thì gần như là người vô dụng. Và người con gái ấy yêu nhưng không ghen, dẫu gái bao vây Lệnh Hồ thiếu hiệp như ruồi. Và nàng cũng chẳng hể sốt ruột khi biết Lệnh Hồ Xung chưa thể yêu mình toàn ý. Cái gì của mình sẽ là của mình, không phải của mình, cưỡng cầu cũng chẳng có được. Cẩm nang chinh phục đàn ông, ngoài Doanh Doanh, còn ai có thể viết được đây?
Trong lúc nhân vật của Kim Dung nhân thân rõ ràng, Nhân vật của Cổ Long lai lịch bất minh, là những vì sao lẻ loi trên trời. Khi thế sự giang hồ mở ra, họ đã ở đó với nỗi cô đơn muôn thuở. Nếu Kim Dung là bậc thầy của blockbuster, Cổ Long lại đi theo dòng art-house. Nhân vật của ông hành động và di chuyển, nhưng chẳng biết đi đâu, về đâu. Họ thủy chung không xử lý những mối quan hệ xã hội phức tạp. Dường như cuộc đời của họ chỉ có hai trạng thái: say xỉn và tỉnh táo, sinh tồn và tử vọng. Họ uống rượu thật mạnh, dùng binh khí thật sắt. Họ tiêu diệt kẻ thù trên một hành trình tự diệt.
Bổi cảnh của Kim Dung bao la hùng vĩ, đa dạng thú vị. Độc giả mê Kim Dung sao thể có thể quên được những đại cảnh choáng ngợp: Quang Minh Đỉnh, núi Hoa Sơn, Nhạn Môn Quan, ngọn Thiếu Thất, thành Tương Dương… Kim Dung ném những số phận nhỏ bé vào bối cảnh vĩ đại, như để làm nổi bật sự tương phản của đời người trước số mệnh. Cổ Long thì trước sau chỉ kéo nhân vật của mình vào những chỗ thật nhó bé, chật hẹp: quán rượu, tửu điểm. Nếu có núi thì cũng chỉ là ngọn, nếu có Tử Cấm Thành thì cũng chỉ là nóc nhà.
Những hiệp khách của Kim Dung hành động quang minh, lỗi lạc. Những trận chiến kinh tâm động phách nhất đều diễn ra vào ban ngày, dưới ánh mặt trời. Trong khi đó, hiệp khách của Cổ Long thuộc về màn đêm. Có lẽ vì ban đêm người ta mới… nhậu. A Phi là con sói dưới đêm trăng, Tây Môn Xuy Tuyết là tảng băng dưới trăng, Lý Tầm Hoan là kẻ si tình dưới trăng. Những trận đánh kinh điển của Cổ Long đều diễn ra dưới ánh nguyệt.
Ôn Thụy An khẳng định: "Địa vị của Kim Dung và Cổ Long, tuyệt đối là song song”. Sự so sánh, đối chiếu là điều không thể tránh khỏi trong những ngày này. Kim và Cổ, ai giỏi hơn? Các nhân vật trong truyện Kim Dung, ai giỏi nhất, ai đẹp nhất? Có lẽ chính Kim Dung cũng chẳng có… tư cách để trả lời. Vì như chính ông nói, nhân vật có đời sống và số phận của riêng họ. Chúng ta tuyệt đối chẳng có quyền can dự vào.
Phán xét làm cho con người đau khổ. Kim Dung bị người vợ đầu phụ rẫy, lại đi phụ rẫy người vợ thứ hai, kết hôn với người vợ thứ ba kém mình 30 tuổi. Sau khi phong bút tưởng sống đời khoái hoạt ung dung như Lệnh Hồ Xung, rốt cục cũng chỉ chuốc thêm nhưng ê chề của nhân thế. Con trai đầu treo cổ tự vẫn năm 19 tuổi, con gái thứ bị sốt mà điếc cả hai tai. Nhân thế bảo Kim Dung chỉ vĩ đại trên trang sách, nhưng quá tầm thường giữa đời thực.
Cổ Long một đời đau khổ vì đàn bà, sinh ra hận đàn bà, vùi đầu vào bia rượu. Bỏ địa vị của một tiểu thuyết gia, Kim Dung còn là một nhà lịch sử, nhà ẩm thực học, sinh vật học, nhà nghiên cứu lịch sử… Bỏ địa vị ấy, Cổ Long có lẽ là một ma men thất bại toàn tập. Nhưng dù là bác học như Kim Dung hay thất học như Cổ Long, ở giai đoạn cuối đời họ cũng đã ngộ ra thế nào là tri túc.
Cuộc đời đầy những muộn phiền, chỉ có những khoảnh khắc hạnh phúc và những sát na an ủi. Khi ta biết thỉnh thoảng, ở tận cùng khổ đau, vẫn có người đến bên ta, cùng cạn một hồ trường.
Sau tất cả, Lý Tầm Hoan vẫn có Á Phi, và Lênh Hồ Xung vẫn có Nhậm Doanh Doanh cùng anh trỗi khúc tiêu cầm Tiếu Ngạo!

Khanh Khanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét