Thời luận 01-12-2011
Đưa Hoàng Sa vào sách giáo khoa
Hữu Nguyên
Đòi lại quần đảo Hoàng Sa bằng
biện pháp hòa bình là vấn đề quốc gia đại sự mang tính lâu dài và phải có sự
góp sức của toàn thể người Việt Nam
bất kỳ đang sinh sống ở đâu. Do vậy, bước đầu tiên trong sự nghiệp lớn lao này
là phải làm cho toàn dân nhìn thấy rõ sự thật lịch sử và tạo điều kiện cho mọi
người đều có cơ hội như nhau, đều có thể tham gia đóng góp hết khả năng của
mình vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng trước Quốc hội ngày 25-11-2011 về vấn đề chủ quyền hai quần đảo Hoàng
Sa và Trường Sa của Việt Nam mang một ý nghĩa chính trị - lịch sử quan trọng.
Lần đầu tiên một quan chức cấp cao của đất nước phát biểu tại Quốc hội đã công
khai sự kiện Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa bằng vũ lực năm 1974 và
thừa nhận chính quyền Việt Nam Cộng hòa khi đó đang quản lý quần đảo này theo
đúng tinh thần của luật pháp quốc tế. Thủ tướng cũng khẳng định, Việt Nam
có chủ quyền lâu đời trên quần đảo Hoàng Sa, ít nhất là từ thế kỷ thứ XVII, khi
chưa có bất kỳ quốc gia nào chiếm hữu hay tuyên bố chiếm hữu quần đảo này. Kể
từ đó, người Việt Nam
đã liên tục quản lý, khai thác quần đảo Hoàng Sa một cách hòa bình, lâu dài và
liên tục. Có thể nói, phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới đây đã làm
thay đổi nhận thức chung của dư luận trong và ngoài nước về những “vấn đề nhạy
cảm” trong việc tuyên truyền, phổ biến các bằng chứng lịch sử về chủ quyền biển
đảo của Việt Nam trong thời gian qua, mà đặc biệt là về quần đảo Hoàng Sa.
Theo TS. Giáp Văn Dương (Quỹ
Nghiên cứu Biển Đông), trên thực tế ngay từ khi Hoàng Sa vẫn còn bị cho là “vấn
đề nhạy cảm”, nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng cần phải thực hiện “chiến lược
3C” (Công khai – Công luận – Công pháp) về vấn đề Biển Đông. Tức là truớc hết
cần phải công khai hiện trạng tranh chấp trên Biển Đông, trong đó có việc quần
đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm, đồng thời công khai lập trường của các
bên, công khai các sự kiện lịch sử (kể cả các sự kiện lâu nay được coi là “nhạy
cảm”) đã từng xảy ra cho toàn dân biết. Từ đó sử dụng công luận, báo chí và các
hình thức truyền thông để cung cấp một cách đầy đủ, hệ thống và liên tục cho
toàn dân kể cả cho nhân dân Trung Quốc, cũng như cộng đồng quốc tế biết rõ sự
thật về tranh chấp trên Biển Đông, lên án những hành vi sử dụng vũ lực, vi phạm
pháp luật quốc tế trong khu vực, khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam
giải quyết các vấn đề trên Biển Đông bằng thương lượng hòa bình trên cơ sở tuân
thủ và tôn trọng công pháp quốc tế. Theo các nhà nghiên cứu, trong cuộc đấu
tranh lâu dài này, vũ khí hòa bình nhưng lại vô cùng sắc bén chính là công
pháp, tức luật pháp quốc tế, các án lệ, Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông… Quan
điểm hòa bình và tôn trọng công pháp quốc tế của Việt Nam trong giải quyết các
tranh chấp trên Biển Đông được các nhà bình luận quốc tế coi là “sức mạnh mềm”
nhưng vô cùng sắc bén của người Việt Nam trong cuộc đấu tranh này nếu như người
Việt Nam biết cách sử dụng hiệu quả “vũ khí hòa bình” chính là ánh sáng công
khai và sức mạnh công luận.
Từ thời nhà Nguyễn, các vua chúa
phong kiến đã ý thức rất rõ việc công khai các thông tin và tư liệu lịch sử về
chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa trong dân chúng để xây dựng sự đồng thuận và
tăng cường ý thức dân tộc trong việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của
quốc gia. Một phát hiện gần đây của các nhà sử học Việt Nam cho thấy từ thời
vua Tự Đức, sách giao khoa dạy trẻ học vỡ lòng bằng chữ Hán đã có nội dung học
về quần đảo Hoàng Sa. Bản đồ quần đảo Hoàng Sa được in trong sách “Khải Đồng
Thuyết Ước”, được khắc in lần đầu vào năm Quý Sữu, Tự Đức năm thứ sáu (1853) và
được sử dụng trong tất cả các trường học ngay từ đầu đời vua Tự Đức tương tự
như sách giáo khoa ngày nay.
Việc công khai các sự kiện lịch
sử về chủ quyền biển đảo mà đặc biệt là chủ quyền quần đảo Hoàng Sa (đang bị
Trung Quốc chiếm đóng trái phép bằng vũ lực từ năm 1974) chính là bước đi đầu
tiên để tạo nên sự đồng thuận trong sự nghiệp lâu dài, kiên trì và to lớn của
cả dân tộc: đòi lại quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình. Một trong những
con đường công khai và chuẩn bị hành trang cho các thế hệ người Việt Nam trong
tương lai lâu dài cho cuộc đấu tranh này là đưa các sự kiện lịch sử quan trọng
về chủ quyền biển đảo vào trong sách giáo khoa giảng dạy trong tất cả các
trường học ở các cấp. Ngày 29-11-2011, tại một hội nghị do Ban Tuyên Giáo Trung
ương tổ chức, Chuẩn Đô đốc Đinh Gia Thật (Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân) đã đề
nghị cần đưa nội dung chủ quyền biển đảo của Việt Nam vào sách giáo khoa, làm
tài liệu học tập chính khóa trong tất cả các bậc học để giúp thế hệ trẻ Việt
Nam hiểu rõ và sâu sắc hơn các vấn đề liên quan tới tranh chấp trên Biển Đông,
mà đặc biệt là về chủ quyền thiêng liêng của người Việt Nam trên quần đảo Hoàng
Sa. Từ đó, dần dần xây dựng ý thức và năng lực đấu tranh, tạo nên sự đồng thuận
cao nhất góp phần hiệu quả vào cuộc đấu tranh lâu dài đòi lại Hoàng Sa trong
các thế hệ tương lai. Đề nghị đưa nội dung chủ quyền biển đảo vào trong sách
giáo khoa chính thức giảng dạy trong trường học các cấp thực ra đã được dư luận
nói tới từ nhiều năm qua và đã nhận được sự đồng thuận cao của xã hội. Điều đáng
nói là, đề nghị lần này đã được đưa ra chính thức trong một phiên họp quan
trọng của Ban Tuyên giáo Trung ương và được phát ngôn bởi một sỹ quan cao cấp
của Hải quân Việt Nam, những người đang nhận lãnh trách nhiệm quan trọng và
trực tiếp nhất trong việc giữ gìn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, đương nhiên
cũng là những người hiểu rõ hơn ai hết cần phải có những hành động cụ thể gì để
có thể tạo ra sức mạnh toàn dân tộc tham gia vào sự nghiệp to lớn và lâu dài
này.
Trong cuộc đấu tranh đòi lại quần
đảo Hoàng Sa từ tay Trung Quốc và bảo vệ vững chắc chủ quyền quần đảo Trường Sa
của Việt Nam ngày nay, việc thu thập và hệ thống hóa các tư liệu lịch sử, các
sự kiện quan trọng chứng minh một cách khoa học chủ quyền của người Việt Nam từ
lâu đời trên hai quần đảo này phù hợp với công pháp quốc tế là một việc vô cùng
quan trọng. Khi chúng ta có đầy đủ chứng cứ lịch sử lâu dài, liên tục và cơ sở
pháp lý vững chắc để khẳng định chủ quyền có nghĩa là chúng ta có chính nghĩa. Đồng
thời, lập trường giải quyết các tranh chấp trong hòa bình tuân thủ luật pháp
quốc tế của Việt Nam sẽ tạo nên “sức mạnh mềm” có khả năng thuyết phục cao và dễ
dàng kêu gọi sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế đứng về phía Việt Nam. Các tư
liệu lịch sử muốn có giá trị như là những bằng chứng pháp lý quốc tế, ngoài
việc phải đảm bảo tính khách quan, khoa học trong nghiên cứu còn phải chứng
minh được tính liên tục và sự kế thừa giữa các hình thức nhà nước của người
Việt Nam trong lịch sử về chủ quyền. Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng
Úc) cho rằng sau tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam
cần đẩy mạnh việc trưng ra các bằng chứng chứng minh quá trình thực thi chủ
quyền liên tục tại quần đảo Hoàng Sa. “Việt Nam cũng cần phải cung cấp các bằng
chứng cho thấy đã từng lên tiếng phản đối sự chiếm đóng của Trung Quốc đối với
nhóm Đông và Tây quần đảo Hoàng Sa khi các sự việc này mới xảy ra”, ông Thayer
nói. Chuyên gia Úc cũng cho rằng “lập trường của Việt Nam
chỉ có thể được củng cố nếu Việt Nam
cung cấp một danh sách các hành động phản đối liên tục của mình kể từ năm 1974
(thời điểm Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm toàn bộ Hoàng Sa) đến nay”.
Chúng ta thường nói nhiều về việc
phát hiện các tài liệu thời Nguyễn, thời Pháp thuộc, những tài liệu của người
Trung Quốc, người phương Tây đề cập tới chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, bên cạnh các tài liệu như trên, chúng ta còn
có một hệ thống tư liệu là các văn kiện khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường
Sa của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Những tài liệu thời Việt Nam Cộng hòa,
trong đó có các tuyên bố phản đối chính thức sau sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực
chiếm Hoàng Sa năm 1974, là những bằng chứng quan trọng cho chính nghĩa Việt
Nam. Trước kia, do nhiều vấn đề còn tồn đọng của lịch sử, chúng ta ít khi công
khai những tài liệu trong giai đoạn này. Giờ đây, để phục vụ cho công cuộc đấu
tranh đòi lại quần đảo Hoàng Sa, bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa, những tài
liệu ấy cần được nghiên cứu và công bố nhiều hơn, cần được công khai để mọi người
dân đều có thể hiểu rõ hơn về lịch sử chủ quyền, về lập trường xuyên suốt của
các chính quyền tại Việt Nam. Không chỉ ở trong nước, các tài liệu này cần được
giới thiệu rộng rãi ra quốc tế, để thế giới biết được chính nghĩa của Việt Nam,
cũng như nhận thấy việc dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa và một phần quần
đảo Trường Sa mà Trung Quốc đã thực hiện vào các năm 1974 và 1988 là vi phạm
nghiêm trọng các nguyên tắc ứng xử của nhân loại văn minh trong vấn đề thụ đắc
lãnh thổ, là hành vi vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên hợp quốc và công pháp
quốc tế.