Trang

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Trung Quốc được, mất gì khi từ chối ra tòa với Philippines


Trước đề nghị của Philippines giải quyết tranh chấp trên biển Đông thông qua tòa án trọng tài theo công ước luật biển 1982, hôm 19 tháng 2, Trung Quốc đã chính thức thông báo nước này từ chối tham gia tòa trọng tài. Bước đi này của Trung Quốc đã nằm trong dự đoán của nhiều người vì Trung Quốc đã từng tuyên bố trước đó là nước này không chịu những phán quyết của tòa quốc tế theo công ước liên hiệp quốc về luật biển năm 1982 dù nước này có tham gia công ước. Quyết định này sẽ khiến Trung Quốc mất gì và được gì trong tranh chấp tại biển Đông? Tình hình sắp tới tại khu vực này sẽ ra sao?
Không ra toà cũng có cái lợi và cái hại
Việt Hà phỏng vấn giáo sư Carl Thayer, chuyên gia Đông Nam Á thuộc học viện Quốc phòng Úc. Trước hết, trả lời câu hỏi liệu tòa trọng tài sẽ có thể vẫn được tiến hành mà thiếu Trung Quốc hay không, Giáo sư Carl Thayer cho biết:
GS. Carl Thayer: Thủ tục tòa trọng tài có thể vẫn tiến hành mà không có mặt Trung Quốc, và thủ tục là khi Trung Quốc đã chính thức thông báo với Philippines là nước này từ chối tham gia tòa thì Philippines bây giờ có thể tiếp cận với Chủ tịch của tòa quốc tế về luật biển, và yêu cầu ông lập một ban năm người của tòa. Người đứng đầu của ITLOS sẽ xem danh sách một ban gồm những người đã được chỉ định bởi các nước tham gia công ước về luật biển và chọn ra 5 người. Những người này khi gặp nhau đầu tiên, trước khi họ xem xét trường hợp này, sẽ phải đưa ra hai quyết định.
Quyết định đầu là xem xét đòi hỏi của Philippines có vi phạm luật quốc tế không, nếu họ nói không, và trên thực tế thì dường như Philippines đang muốn giải thích luật, câu hỏi thứ hai họ phải tự hỏi là tòa có thẩm quyền pháp lý không, và Philippines thì rất cẩn thận không muốn bước vào những khu vực mà Trung Quốc đã tuyên bố mình được miễn trừ.  Khi tòa nói họ có thẩm quyền pháp lý thì tòa sẽ được tiến hành. Tòa có thể kéo đến 3, 4 năm và có thể sẽ có quyết định có lợi cho Philippines, hoặc đưa ra phản hồi. Cho nên chúng ta đang đợi Philippines chính thức thông báo với tòa và phải đợi xem ông Chủ tịch sẽ làm gì.
Việt Hà: Trung Quốc được gì và mất gì khi họ quyết định không tham gia tòa?
Cái mà Trung Quốc mất là uy tín của mình khi nước này nói về sự trỗi dậy hòa bình, về luật quốc tế bên cạnh UNCLOS đối với biển Đông... Philippines nói là chúng tôi đã làm việc với các ông suốt 17 năm mà không có giải quyết. Điều này cũng làm suy yếu luật quốc tế, nó làm cho các nước khác có tranh chấp với Trung Quốc chán nản
GS. Carl Thayer
GS. Carl Thayer: Cái mà Trung Quốc mất là uy tín của mình khi nước này nói về sự trỗi dậy hòa bình, về luật quốc tế bên cạnh UNCLOS đối với biển Đông. Họ nói rằng vấn đề cần giải quyết qua song phương và Philippines nói là chúng tôi đã làm việc với các ông suốt 17 năm mà không có giải quyết. Điều này cũng làm suy yếu luật quốc tế, nó làm cho các nước khác có tranh chấp với Trung Quốc chán nản, hay nói cách khác là luật quốc tế không thể được sử dụng. Đó là điều Trung Quốc nói, họ đang đứng trên luật. Điều này cần phải được giải quyết về mặt chính trị. Cái mà Trung Quốc đạt được bằng cách từ chối tham gia tòa  là nó làm mạnh hơn vị trí của Trung Quốc.
Nếu Philippines tiếp tục thủ tục với tòa và tòa nhóm họp thì cũng mất 3, 4 năm. Trong thời gian đấy, Trung Quốc có thể củng cố sự có mặt của mình. Ngay cả nếu quyết định của tòa chống lại điều này thì cũng không thể loại bỏ được Trung Quốc. Một trong những yêu cầu của Philippines cần được giải quyết là việc Trung Quốc chiếm giữ các bãi đá nằm dưới mực nước biển, như vậy là anh không thể đòi chủ quyền từ những bãi đá này ra vùng biển xung quanh. Nhưng trong 3, 4 năm nữa, Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục xây dựng trên các bãi đá này và củng cố sự có mặt của họ. Bởi vì quyết định của tòa không có ý nghĩa bắt buộc, trong vòng 4 năm Trung Quốc cứ ngồi đó như một người chiếm giữ trái phép và cuối cùng giành được cái mà họ muốn bằng cách vượt qua các thủ tục pháp lý.
Biển Đông bài toán không lời giải?
Việt Hà: Với việc Trung Quốc khước từ tham gia tòa trọng tài, và những hành động gửi thêm tàu ra biển Đông thời gian gần đây của nước này, theo ông đánh giá tình hình căng thẳng trên biển Đông thời gian tới sẽ ra sao?
Cho nên sẽ có hai khả năng xẩy ra là đụng độ do tai nạn, mặt khác TQ sẽ có hành động mạnh vì họ nói là các nguồn tài nguyên thuộc về họ. Họ sẽ mang ra những lực lượng hùng hậu...Chúng tôi có thể thấy dẫn chứng ở bãi cạn Scaborough, họ đang chiếm giữ và lấy đi từ Philippines. Philippines không thể vào đó nữa vì họ căng rào và cử nhiều tàu hơn đến đó
GS. Carl Thayer
GS. Carl Thayer: Lập luận của tôi là sẽ như vậy, bởi biển Đông là vùng biển đóng, nó giống như một cái bồn tắm, một vùng biển nhỏ. 2 năm trước và gần đây Trung Quốc đã tuyên bố mở rộng lực lượng hải giám và thực hiện luật kiểm ngư tại đây, và công suất tàu bây giờ đã tăng từ 1,000 tấn lên 2000 tấn, 4000, 5000 tấn, cho nên họ sẽ có nhiều loại tàu và máy bay trực thăng, một năng lực lớn với đội ngũ nhân lực nhiều để tuần tra khắp vùng biển Đông. Trong khi đó, ở mức độ nhỏ hơn, Philippines cũng xây dựng đội tàu tuần duyên của mình, Nhật bản cho họ 10 tàu. Việt Nam cũng xây dựng đội cảnh sát biển. Đây là những nỗ lực nhỏ, nhưng dần dần sẽ có nhiều tàu ở khu vực này để bảo vệ chủ quyền. Điều quan trọng hơn nữa là nếu Philippines và Việt Nam quyết định mở thầu các khu vực khai thác dầu khí thì Trung Quốc sẽ có phản ứng mạnh.
Cho nên sẽ có hai khả năng xẩy ra là đụng độ do tai nạn,  mặt khác Trung Quốc sẽ có hành động mạnh vì họ nói là các nguồn tài nguyên thuộc về họ. Họ sẽ mang ra những lực lượng hùng hậu, không phải là quân đội. Chúng tôi có thể thấy dẫn chứng ở bãi cạn Scaborough, họ đang chiếm giữ và lấy đi từ Philippines. Philippines không thể vào đó nữa vì họ căng rào và cử nhiều tàu hơn đến đó, hơn cả Philippines. Đó là cách Trung Quốc đang làm và tương lai tại đây có rất nhiều rủi ro.
Việt Hà: Vậy Việt Nam học được bài học gì từ vụ việc này, thưa ông?
GS. Carl Thayer: Việt Nam cũng chiếm giữ các bãi ngầm và nếu tòa nói các bãi mà Trung Quốc chiếm không thể đòi chủ quyền ra các vùng biển xung quanh thì Việt Nam cũng mất. Còn nếu vùng vùng biển của Philippines được xác định theo luật, thì Việt Nam cũng có thể làm điều tương tự với đường cơ sở của mình. Một trong các vấn đề ở phần đông nam của Việt Nam mà Việt Nam dùng từ miêu tả là hình phụ nữ có mang, họ vẽ đường cơ sở mở rộng không hợp lý theo luật quốc tế và Việt Nam sẽ phải rút lại chỗ này. Một trong các tranh chấp của việt Nam là ở quần đảo Hoàng Sa không được đề cập ở đây. Đây là vấn đề chủ quyền giữa hai nước và công ước quốc tế không dùng để giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền , nó được dùng để giải quyết tranh chấp vùng nước giữa hai quốc gia. Hoàng Sa là vấn đề giữa hai nước. Trung Quốc nói không ai được đụng vào, và họ tiếp tục làm những gì mà họ đã làm với các ngư dân tại đây.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn này.

Giá 6 tấn bôxit bằng 1 tấn cà phê!


GIA BẢO
TT -  Khi biết giá trị của 1 tấn alumin chỉ đang thương thảo bán ở mức 340 USD (tương đương 7 triệu đồng), một nông dân ở huyện Bảo Lâm (nơi Nhà máy bôxit - nhôm Tân Rai hoạt động) đã thốt lên như vậy.


Anh Phạm Xuân Vũ mang gốc cà phê về làm củi - Ảnh Gia Bảo

Nông dân này nói: “Tưởng thứ gì có giá trị lắm nên mới xây dựng nhà máy to thế, ai dè giá bán còn thua xa 1 tấn cà phê của dân”.
Sáng 22-2, vợ chồng anh Phạm Xuân Vũ và chị Kim Thị Thu Hồng (tổ 15, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm) bắt đầu đốn bỏ những cây cà phê tại vườn gần nhà.
Nhìn mảnh vườn với những cây cà phê bị đốn và những gốc chè còi cọc do không được chăm sóc, chị Hồng xót ruột: đất thì Nhà nước đã thu hồi để làm dự án bôxit từ năm 2008 nhưng vì tiếc chè và cà phê quá nên cứ tận thu, khi nào lấy đất hãy hay.
Trước đây chỉ làm 5 sào đất, gia đình chị Hồng thu được 3-4 tấn cà phê khô mỗi năm, cộng với diện tích chè trồng xen mỗi tháng cũng được vài trăm ngàn đồng, đủ để hai vợ chồng và ba con trang trải cuộc sống.
Thế nhưng từ khi đất bị thu hồi, họ mua lại miếng đất hoang cách nhà gần 10 km và làm lại từ đầu sau hơn 20 năm rời Long An lên Bảo Lâm lập nghiệp.
Tại khu vực đất của gia đình chị Hồng, có tổng cộng 46 hộ dân bị thu hồi đất để làm khu mỏ tuyển phục vụ dự án bôxit - nhôm Lâm Đồng. Đến nay, theo chị Hồng, mọi người đều đi tứ xứ mua đất lập nghiệp lại hoặc làm công việc khác. Chỉ mỗi gia đình chị cùng gia đình ông Điền ở lại và đều khốn khó như nhau.
Ông Trần Trung Kiên - phó chủ tịch UBND thị trấn Lộc Thắng - cho biết: từ năm 2007, ban quản lý dự án và huyện quy hoạch khu đất rộng 190ha (cách nhà máy bôxit khoảng 5km) để làm đất tái định canh cho dân. Đến nay, chưa có hộ dân nào được mua đất tái định canh do chưa áp giá cụ thể.
Huyện Bảo Lâm là vùng trọng điểm chè và cà phê của tỉnh Lâm Đồng. Theo cách tính của nhiều nông dân nơi đây, với giá cà phê khoảng 40 triệu đồng/tấn như hiện tại thì 1 tấn cà phê gấp gần 6 lần so với alumin. Để nhường đất triển khai dự án bôxit, nhiều nông dân buộc phải đi xa hơn để mua đất sản xuất.
Nếu như trước đây khi tổ hợp bôxit Tân Rai được xây dựng, tại khu vực ngã ba Cát Quế (thị trấn Lộc Thắng) quán ăn, quán cà phê rất nhiều và hoạt động nhộn nhịp, nay cảnh tượng lại đìu hiu.
Hàng loạt quán đã đóng cửa vì buôn bán ế ẩm. Người dân luôn phải sống trong nơm nớp lo sợ vì xe chạy nhiều, tai nạn nhiều, đường sá lúc nào cũng bụi mù.
Khi dự án bôxit khởi công, được trở thành công nhân bôxit là giấc mộng của rất nhiều thanh niên địa phương. Hiện giấc mộng này đã vỡ tan khi lương bổng không như mong đợi, sản xuất chưa có lãi. Anh Phong (công nhân lấy mẫu hóa) nói: “Sau một thời gian dài hưởng lương chờ việc, nay trở lại làm việc thì mức lương cũng không cao, thua cả lương thợ xây”.
Ông Nguyễn Văn Yên - phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - tại buổi làm việc với thứ trưởng Bộ Công thương vào cuối năm 2012 cho biết: “Hai năm liên tục (2011 - 2012) tỉnh Lâm Đồng đã lên kế hoạch thu ngân sách từ dự án này. Tuy nhiên, do chậm tiến độ nên số thu này không thể thực hiện, ảnh hưởng đến kế hoạch thu chi ngân sách của tỉnh”.

Tọa sơn quan cà phê đấu

Nếu Trung Nguyên đang lấy “bản sắc Việt” làm cú ra đòn chính thì Starbucks lại dùng “chiêu” học hỏi bản sắc xứ người kết hợp với hiện đại hóa và toàn cầu hóa. Thiên hạ đang chờ xem - tọa sơn quan cà phê đấu sẽ diễn biến ra sao. Quan trọng là "đấu kiểu gì cũng được", miễn sao người uống cà phê Việt Nam ngày càng được quan tâm sâu sắc hơn và ngày càng được thưởng thức ly cà phê "xịn" hơn, có văn hóa hơn là OK rồi.

Đấu Stabucks, Vũ Trung Nguyên có ‘nổ’?
Nếu Trung Nguyên đang lấy bản sắc Việt làm cú ra đòn chính thì Starbucks dùng chiêu học hỏi bản sắc xứ người kết hợp với hiện đại hóa và toàn cầu hóa.

 Ảnh: minh họa - Internet
Ông John Culver, Giám đốc của Starbucks tại thị trường Trung Quốc và châu Á - Thái Bình Dương nói rằng, Việt Nam là một thị trường năng động và phát triển nhất thế giới, còn công ty của ông “rất hãnh diện với việc, Việt Nam trở thành thị trường thứ 12 của mình trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.
Trong khi đó, trang mạng của BBC đưa tin: “Trung Nguyên có “nổ” hay không? Bài báo tóm lại ý kiến của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, tổng Giám đốc Cà phê Trung Nguyên về tin Starbucks sẽ vào Việt Nam. Ông nói rằng, thật khập khiễng khi so sánh Trung Nguyên ở Việt Nam với Starbucks . Và Starbucks đang là “người khổng lồ đánh mất bản sắc”.
Đây không phải lần đầu tiên sếp Trung Nguyên có những phát biểu gây ồn ào dư luận. phe ủng hộ cho rằng, ông Vũ cần phải làm thế. Ta đang là chủ ở trên đất ta, chẳng lẽ người Việt lại không yêu nước mà đã yêu nước thì phải thích uống cà phê Trung Nguyên. Ông Vũ cũng đã phát biểu trên báo chí rằng: “Dù sao thì đây cũng là đất của mình, quê hương của mình, đồng bào của mình, nói một lần không được sẽ nói nhiều lần, nếu nói nhiều lần không được thì nói ngàn lần chắc cũng phải tỉnh ra… ai thích giống tây, giống Mỹ thì tìm tới Starbucks, còn ai muốn uống cốc cà phê tuyệt hảo, muốn khơi nguồn sáng tạo, muốn yêu nước thì tìm tới Trung Nguyên”. Nghe đâu phe này còn khuyên rằng, để rèn luyện ý chí và thân thể, hàng ngày tốt nhất mỗi nhân viên Trung Nguyên nên tập thể thao bằng cách đấm bao cát trên có dán chữ “Starbucks” thay vì trước đây có thể dán chữ “nestle”.
Phe khác chỉ cười. Họ chờ xem “quân ta có thể cầm cuốc xẻng đào mồ chôn quân nó” hay không? Nếu chôn thì có lẽ cái mồ này cũng phải to kha khá. Vì khổng lồ mà chết thì to chuyện đấy, chỉ tính khâu khiêng vác đã mệt, nói chi tới hạ huyệt rồi hát khúc từ biệt nữa! Mà kiểm tra, kiểm điểm lại xem có “bao nhiêu” anh “khủng” trong làng kinh doanh thế giới đã “hy sinh” tại Việt Nam vì không cạnh tranh nổi với hàng Việt thì… chưa thấy!
Những người trung dung thì chăm chú nghiên cứu các động thái trong hệ thống quản trị và kinh doanh của Trung Nguyên cũng như quan sát cách thức Starbucks vào Việt Nam. Họ sẽ nhớ ra rằng, Trung Nguyên thời đỉnh điểm đã có đến dăm trăm quán cà phê, nay thì chỉ còn độ 60 quán, trong đó có 55 quán tại Việt Nam và 5 quán tại Singapore. Còn Starbucks thì chỉ trong 11 nước của khu vực châu Á - thái bình dương đã có tới 3.300 quán cà phê giải khát với quy chuẩn chặt chẽ và độc đáo. Mỗi tuần hãng này bán ra 20 triệu ly cà phê với doanh thu hàng chục triệu USD.
Thành công của Starbucks có được hiện nay là nhờ vào khả năng tiếp thị cực kỳ linh hoạt, thậm chí biến tiếp thị trở thành công việc của mỗi nhân viên bán cà phê. Bản thân howard Schultz cũng là một đối thủ đáng gờm: Ông đã từ bỏ công việc của mình ở newyork đến Seatle để theo đuổi việc bán cà phê, bắt đầu từ một công ty bé tí hon. Ông cũng không quản khó nhọc, lặn lội sang Italia để học cách pha chế cà phê nổi tiếng của người Italia và biến món cà phê của mình thành nổi tiếng.
Nghĩa là, nếu Trung Nguyên đang lấy “bản sắc Việt” làm cú ra đòn chính thì Starbucks lại dùng “chiêu” học hỏi bản sắc xứ người kết hợp với hiện đại hóa và toàn cầu hóa. Thiên hạ đang chờ xem - tọa sơn quan cà phê đấu sẽ diễn biến ra sao.

Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

Nhà hàng Trung Quốc bài người Việt


Chủ nhà hàng treo biển không phục vụ người Việt, Nhật và Philippines ở Bắc Kinh nói ông tự hào vì làm như vậy. 
Ông Vương, chủ quán Beijing Snacks từ hai năm nay, nói với BBC hôm 25/2: "Tôi tự hào về việc mình làm."


Nhà hàng Beijing Snacks (Trung Quốc) tuyên bố không phục vụ người Nhật Bản, Philippines, Việt Nam và chó

Trước đó ảnh chụp thông báo treo ngoài cửa nhà hàng Beijing Snacks ở khu Hậu Hải thuộc trung tâm Bắc Kinh đã gây nhiều tranh luận trên mạng Faceboook.

Thông báo viết bằng cả tiếng Anh và tiếng Hoa: "Nhà hàng này không phục vụ người Nhật Bản, Philippines, Việt Nam và chó."
Bức ảnh do cựu phóng viên CNN Rose Tang chụp hôm 22/2 đã được chia sẻ hàng ngàn lần trên Facebook và cũng thu hút nhiều bình luận.
Công dân mạng xã hội Paul Mooney viết: "Đây là lỗi của Đảng và chính quyền.
"Họ nói dối về các nước khác và xuyên tạc lịch sử và những người Trung Quốc thiếu hiểu biết đáp lại điều đó với sự ngu dốt. Thực nản quá."
Một người dùng Facebook khác, Deborah Stacy viết: "Họ cũng còn đang tìm cách lấy biển của mọi nước...và nếu các nước không đoàn kết để ngăn họ hăm dọa cá nhân mỗi nước, các nước đó sẽ không có cơ hội bảo vệ quyền [sử dụng] biển nữa."


'Không quan tâm'

Trả lời phóng viên Temtsel Hao của BBC tiếng Trung, chủ quán họ Vương nói: "Tôi không quan tâm tới những gì người ta nói."
"Nhà hàng của tôi cũng không có nhiều người nước ngoài tới."
"Còn nếu là khách hàng Trung Quốc thì họ ủng hộ tôi."
Ông Vương quê ở vùng hồ Bạch Dương Điện thuộc tỉnh Hà Bắc.
Quê ông nổi tiếng có truyền thống chống Nhật hồi Thế Chiến II với đội du kích Lông Én đi vào lịch sử.
Khi phóng viên Hồng Nga của BBC tới Bắc Kinh nhân Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi cuối năm 2012, không ít người Trung Quốc nói thẳng rằng họ ghét Nhật.

Trong khi đó nhà hoạt động xã hội Bạch Định Đình nói với Hồng Nga:
"Chính phủ và Đảng Cộng sản đang đánh tráo hai khái niệm: chủ nghĩa yêu nước và dân tộc chủ nghĩa hạn hẹp.
"Những người tham gia biểu tình chống Nhật một cách hung hăng đó, họ nghĩ họ đang bày tỏ lòng yêu nước."
Về phía Việt Nam, cũng đã có những tiếng nói tẩy chay hàng hóa Trung Quốc mặc dù chính quyền thường nhanh chóng trấn áp những người công khai đưa ra các tuyên bố như vậy.

* Thật đáng tiếc cho một đất nước tự xưng có nền văn hóa rực rỡ, lâu đời và đang mơ tới ngày trở thành cường quốc hàng đầu có trách nhiệm với thế giới lại có thể tồn tại tư tưởng dân tộc cực đoan, chà đạp lên các quy tắc cư xử văn minh tối thiểu của nhân loại ngày nay như vậy. 
Công dân mạng xã hội Paul Mooney viết: "Đây là lỗi của Đảng và chính quyền. Họ nói dối về các nước khác và xuyên tạc lịch sử và những người Trung Quốc thiếu hiểu biết đáp lại điều đó với sự ngu dốt. Thực nản quá."


* Trà Mi của VOA cho biết :

Cộng đồng cư dân mạng trong và ngoài nước đang phẫn nộ trước bức ảnh chụp một nhà hàng ở thủ đô Trung Quốc treo bảng từ chối không tiếp khách người Việt.

Thành Nguyễn, một thành viên Facebook được nhiều người biết đến tại Việt Nam với chiến dịch kêu gọi người tiêu dùng Việt tẩy chay hàng Trung Quốc và cũng là chủ nhân của cửa hàng online mang tên “No China Shop”, phản hồi trước hành động gây tranh cãi của nhà hàng ở Bắc Kinh:

“Lúc đầu, mình cũng cảm thấy rất tự ái trước tấm bảng phân biệt chủng tộc như vậy. Nhưng sau đó, mình cảm thấy vui hơn, vì về mặt văn minh, người Việt mình không đến nỗi sử dụng một cách thức xấu xa như họ. Họ quá cực đoan về vấn đề ‘chủ nghĩa dân tộc’ mà lý do là có thể do sự tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc. Chính sự tuyên truyền đề cao ‘chủ nghĩa dân tộc’ đã dẫn tới sự cực đoan, coi thường, xem nhẹ tất cả các nước khác, nói chung, và các quốc gia đang có tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc, nói riêng.”

Kim Hiệu, một nghiên cứu sinh y khoa đang du học ở Hà Lan bày tỏ bất bình:

“Mình thật sự cảm thấy người Trung Quốc bây giờ càng ngày càng thô lỗ và hiếu chiến. Tuy nhiên, được đứng chung với Philippines và Nhật mình cảm thấy như một cái gì đó có sức mạnh hơn trong việc phản đối lại Trung Quốc về vấn đề Trường Sa-Hoàng Sa.”  

Các cư dân mạng Việt Nam nói hành động phân biệt đối xử vì tinh thần dân tộc cực đoan kiểu này sẽ mang lại hiệu quả ngược, bất lợi cho Trung Quốc, vì đó là một dấu hiệu thêm nữa cho thấy một hình ảnh xấu của Trung Quốc trong ánh mắt bạn bè quốc tế.  

Về cách đối phó trước tinh thần dân tộc cực đoan của người Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, Kim Hiệu hy vọng một phản ứng hợp tác giữa các nước đang có tranh chấp với Bắc Kinh sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn:

“Người Việt Nam mình nghe tin này nói chung rất tức, nhưng cũng ráng bình tĩnh để giải quyết vấn đề. Một mình Việt Nam mình cũng khó, nhưng nếu có nhiều nước cùng hợp tác với nhau thì sẽ giải quyết tốt hơn.”

Chính chủ nhân của bức ảnh, một người gốc Hoa, trên trang Facebook của mình đã kêu gọi mọi người truyền tay tấm hình bà chụp được càng nhiều càng tốt với hy vọng rằng áp lực từ công chúng và truyền thông sẽ dạy cho chủ nhân nhà hàng một bài học.

Bà Rose Tang cho rằng sở dĩ đảng cộng sản Trung Quốc bồi đắp và khuyến khích chủ nghĩa dân tộc và sự thù hận kiểu này là vì họ cần phải dùng sự bẩn thỉu của con người như thế đánh lạc hướng công chúng để mọi người bớt chú ý tới các vấn nạn của quốc gia như tham nhũng, bất công, và khủng hoảng môi trường.    

Nguồn VOA

Chuyện mẹ con GS Ngô Bảo Châu và việc "uốn lưỡi" của ĐB Phước


(GDVN) - Tôi đã không định viết tiếp về ông nghị Phước, nhưng khi đọc thêm được những phát biểu "kinh thiên động địa" của ông, tôi lại không dừng được.
    Năm 2012, trong lễ khai trương Lớp học Nhân ái, một lớp học dành cho trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, có một chi tiết rất nhỏ nhưng đã khiến PGS. TS Trần Lưu Vân Hiền  (thân mẫu của GS Ngô Bảo Châu) lo sợ. Đó là khi người dẫn chương trình dùng từ "công chúa" để nói về 3 cô con gái của GS Châu, cũng đang có mặt để trao quà từ thiện.

    PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền – thân mẫu của GS. Ngô Bảo Châu

    Ngay lập tức, PGS Hiền lên diễn đàn với vẻ mặt lo lắng. Bà nói: "Xin các anh chị nhà báo đừng dùng từ "công chúa" với các cháu. Dù là con ai, các cháu cũng là những người hết sức bình thường, làm việc thiện cũng là những công việc hết sức bình thường trong xã hội. Các cháu không bao giờ là những công chúa quyền quý, được nuông chiều..."

    Trước đó, năm 2000, một ngày sau khi GS Châu lên bục nhận giải toán học Fields danh giá, từ Việt Nam, tôi gửi email tới GS Châu một đề án thành lập Quỹ bồi dưỡng nhân tài Ngô Bảo Châu. GS Châu đồng ý.

    Trong hội nghị trù bị thành lập Quỹ diễn ra sau đó chục ngày, gần như tất cả các nhà khoa học, GS hàng đầu Việt Nam đều quyết liệt bảo lưu ý kiến: Trong tên Quỹ nhất thiết phải có chữ "Ngô Bảo Châu", thì mới trực tiếp cổ vũ, động viên được tinh thần khát khao vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao của người Việt trẻ. Quan trọng hơn nữa, chữ "Ngô Bảo Châu" trong tên Quỹ, sẽ là sự đảm bảo để thu được số kinh phí khổng lồ cho việc ươm mầm tài năng. Phương án tối ưu sẽ là "Quỹ khuyến học Ngô Bảo Châu".

    Thế nhưng, bằng thái độ lịch duyệt và cương quyết đến sắt đá, GS Châu đã nói không. Và cái tên quỹ "Vì tinh thành hiếu học" ra đời. Sau hội nghị, khi chỉ còn vài người, GS Châu nhẹ nhàng: "Quỹ là vì các em học sinh chứ không phải để tôn vinh, ghi nhớ một ai đó". Về sau, một lần nữa, Quỹ được đổi tên thành "Hạt vừng". Những hạt vừng nhỏ bé, bình dị có thể mở ra những kho báu ngỡ ngàng.

    Là con một bà mẹ, một ông bố cẩn trọng, chín chắn trong từng suy nghĩ như thế (thân phụ GS Châu cũng là người điềm đạm, khiêm nhường) thì rất ít khi  con cái có thể hấp tấp vội vàng. GS Châu vốn kiệm lời, nhưng mỗi lời nói của ông đều ẩn chứa nhiều thành công lực, thậm có những phát biểu khiến người ta phải kinh ngạc - điều không thường thấy ở những nhà khoa học siêu phàm về toán.

    Quay trở lại chuyện ông nghị Hoàng Hữu Phước. Trong 500 đại biểu quốc hội, hẳn phải có người điềm đạm, người trực ngôn. Phàm những ai càng nói nhiều, càng nói thẳng, thì càng không tránh khỏi những sơ suất ngôn từ.

    Ông Phước không thuộc tuýp người biết phải uốn lưỡi 7 lần trước khi nói, vì vậy, ông có thể gặp sơ xuất về ngôn từ. Nhưng nếu ông Phước chỉ lỗ mãng, lệch lạc trong ngôn từ, thì dư luận cũng không phẫn nộ đến dường ấy.

    ĐB Hoàng Hữu Phước (Ảnh: Báo Vietnamnet)

    Cái phạm nặng nhất của ông Phước là lỗ mãng, lệch lạc trong tư duy.

    Một năm trước, trên diễn đàn quốc hội, ông kịch liệt chống việc ban hành Luật biểu tình với lập luận rằng: Biểu tình từ trước đến nay luôn luôn là chống chính phủ.

    Vì chỉ nhìn lệch lạc, lỗ mãng ở góc độ chống phá và góc độ nhà cầm quyền, nên ông không hiểu được, về sâu xa, biểu tình là cách mà số đông nhân dân bày tỏ sự ủng hộ hoặc phản ứng của mình trước những vấn đề thời sự của cuộc sống, một cách để phản biện xã hội - điều mà tất cả xã hội dân chủ đều mong muốn để thúc đẩy sự phát triển.

    Sự lệch lạc, lỗ mãng trong tư duy của ông Phước còn thể hiện rất rõ ở việc coi việc chính luận về những vấn đề rất lớn của đất nước:  Mại dâm, biểu tình, tư cách, trình độ của một đại biểu được lòng dân là ông Quốc,  như một "thùng nước đá để ngoài đường, ai muốn xem thì xem".

    Sự lệch lạc, lỗ mãng trong tư duy xuất hiện cả trong cách hành xử của ông. Cử tri chất vấn tại sao ông lại chê dân trí thấp đến nỗi không nên ban luật biểu tình, ông Phước đã đem mẹ ruột của mình ra làm ví dụ: "Mẹ của tôi cũng như nhiều người dân không đủ trình độ, không đủ hiểu biết để thực hiện quyền biểu tình".

    Phần trả lời ấy khiến cho những cử tri có "dân trí thấp nhất" cũng thấy ông Phước "vừa nói không đúng vừa không giữ được đạo hiếu với người sinh ra mình".

    Sự lệch lạc này được ông Phước đẩy cao hơn trong những màn đánh giá "đặc sắc" về chính bản thân mình. Phát biểu trên một kênh truyền hình hải ngoại, ông Phước hết sức tự tin: "Tôi nói với anh một cách chắc như đinh đóng cột là một khi tôi đã tranh luận một điều gì về ngữ nguyên thì không bao giờ trên đời này có ai có thể nói lại với tôi cả";

    "Đọc cách hành văn của tôi, một vị Phó giám đốc Manulife Canada mà tôi từng làm giám đốc nhân sự ở đó nói rằng: Cả khu vực Bắc Mỹ- Canada không người Việt nào được như tôi. Nếu ai hỏi ổng cái gì thì ổng nói cứ gặp Mr. Phước hỏi".

    Đọc đến những dòng này, hẳn quý vị đã giải mã được phần nào mục đích tối cao của bài viết tứ đại ngu tấn công ông Dương Trung Quốc.

    Với những ngôn từ hoa mỹ, những tầm chương trích cú, viện dẫn cổ kim tây dày đặc, Lăng Tần Hoàng Hữu Phước muốn nhiều triệu người biết đến mình như một "ngôi sao Hollywood trên nghị trường", một nhân vật có một không hai, không chỉ riêng khu vực Bắc Mỹ- Canada mà còn ở cả Việt Nam, một người đã nói điều gì thì trên đời này không một ai bắt bẻ được chứ nói gì đến một ông cử nhân như Dương Trung Quốc. Ông Phước đã mượn mũ ĐẠI BIỂU để thỏa mãn cái CÁ NHÂN của mình.

    Tướng Nguyễn Quốc Thước, một vị đại biểu nảy lửa trên nghị trường tâm sự rằng: "Nhiều lúc tớ phát biểu gay gắt lắm kể cả với các vị lãnh đạo cấp cao, nhưng tại sao tớ không bị phản ứng? Vì đơn giản là tất cả những ý kiến ấy đều đứng về phía mất mát, đau khổ, bức xúc của người dân. Cá nhân chủ nghĩa là chết".

    Chiếc áo không làm nên thầy tu. Khi làm việc và hành xử, mẹ con GS Ngô Bảo Châu cũng như tướng Thước không xuất phát từ cái danh hão của mình, của con cháu mình. 

    Sự nghiêm cẩn trong tư duy của PGS Hiền đã góp nhiều viên gạch xây nên tính cách một nhà khoa học lớn như Ngô Bảo Châu. Sự nghiêm cẩn trong tư duy và hành động của Ngô Bảo Châu đã góp những viên gạch cho thành công của Bổ đề cơ bản.

    Muốn trở thành một đại biểu lớn, ông nghị Phước phải bắt đầu từ việc biết uốn lưỡi trước khi nói để có tư duy nghiêm cẩn, chứ không phải bằng những danh xưng "kinh ngạc" dài dằng dặc gắn trước cái tên cách đây ít lâu vẫn còn rất xa lạ của ông: Nhất thạc bàn cờ, Lăng tần Hoàng Hữu Phước, Nhà Việt Nam Cộng hoà học, nhà Khổng Tử học, nhà tiếng Anh học, nhà thánh kinh học...

    Bùi Hải


Luật gia Lê Hiếu Đằng: Việt Nam đừng bỏ lỡ cơ hội thoát khỏi vòng ảnh hưởng của Trung Quốc


Luật gia Lê Hiếu Đằng

Luật gia Lê Hiếu Đằng
RFI/Capdevielle

Thụy My
Như chúng ta đã biết, ngày 17/02/1979, Trung Quốc đã xua hơn 30 vạn quân trang bị hùng hậu tràn vào xâm chiếm 5 tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam. Tuy bị bất ngờ và lực lượng yếu hơn, nhưng phía Việt Nam đã chống trả mãnh liệt, khiến quân Trung Quốc phải rút về nước ngày 18/03/1979. Thế nhưng nếu Trung Quốc hàng năm rầm rộ tổ chức kỷ niệm cái gọi là « cuộc chiến phản kích tự vệ quân xâm lược Việt Nam ở Quảng Tây », thì phía chính quyền Việt Nam lại hoàn toàn im lặng trong suốt hơn ba chục năm qua. Thậm chí các hoạt động tưởng niệm của một số nhân sĩ và công dân ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mới đây còn bị ngăn trở.

RFI Việt ngữ đã trao đổi về vấn đề này với Luật gia Lê Hiếu Đằng Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Luật gia Lê Hiếu Đằng - TP Hồ Chí Minh
24/02/2013
by Thụy My
RFI Kính chào luật gia Lê Hiếu Đằng. Thưa ông, đã 34 năm qua trôi qua, nhưng cuộc chiến tranh biên giới 1979 vẫn ít được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông cũng như trong sách giáo khoa tại Việt Nam, như thể đây là một cuộc chiến « phi nghĩa » ?

Luật gia Lê Hiếu Đằng : Vừa qua chúng tôi có đưa ra lời kêu gọi cả nước có những hoạt động để tưởng nhớ những đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh để bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Có thể nói đây là một cuộc chiến do bành trướng Trung Quốc chủ động mở ra xâm lược, mà Đặng Tiểu Bình gọi là « cho Việt Nam một bài học ». Chính việc họ bất ngờ tấn công làm cho phía Việt Nam tổn thất khá nhiều, kể cả chiến sĩ và nhân dân. Nhưng rõ ràng là chiến sĩ và đồng bào ở các tỉnh biên giới chiến đấu rất là dũng cảm, và cuối cùng cũng đẩy lui được cuộc tiến công quân sự rất rầm rộ này của Trung Quốc. Họ tính là sẽ giành thắng lợi, nhưng cuối cùng phải rút lui.
Đây là một cuộc chiến đấu rất dũng cảm, đã bảo vệ được phần đất ở biên giới phía Bắc của tổ quốc chúng ta. Do đó sự hy sinh của đồng bào và chiến sĩ phải được ghi nhận, được tổ chức tưởng niệm hàng năm, chứ không thể nào lãng quên. Mà chúng ta nhớ là sau chiến tranh biên giới năm 1979, chúng ta đã đưa vào Hiến pháp Việt Nam « Trung Quốc là kẻ thù chính và trực tiếp ». Nhưng bây giờ thì lại hàng năm không kỷ niệm. Ví dụ năm nay chẳng hạn, nhà nước không có một hoạt động nào để tưởng niệm các đồng bào chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến biên giới năm 1979. Đến nỗi mà chúng tôi với tư cách công dân phải ra lời kêu gọi các địa phương trong cả nước, vì vậy tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng như Hà Nội và một số địa điểm khác cũng có tiến hành một số hoạt động. Nhưng mà điều tệ hại là lại bị ngăn cản.
Ở Thành phố Hồ Chí Minh thì không đến nỗi bị cản trở, nhưng sau đó không biết họ sợ cái gì mà họ lại đến gỡ bỏ chữ « Trung Quốc xâm lược », chỉ còn lại mấy cái vòng hoa ở tượng Đức Trần Hưng Đạo. Nhưng ở Hà Nội thì họ ngăn cản, làm cho những nhân sĩ trí thức và đại diện các tầng lớp nhân dân thủ đô do nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc dẫn đầu cũng không được vô khu vực Đài tưởng niệm chiến sĩ ở Hà Nội, phải đứng xa nhìn vào để tưởng niệm. Tôi cho đó là một việc làm hết sức là vô ơn bạc nghĩa.
Ai phải chịu trách nhiệm về việc này ? Và ai phải trả lời trước thanh niên về sự vô ơn đó ? Đây là một việc làm cần phải lên án. Lẽ ra nhà nước phải đứng ra tổ chức.
Như chúng ta đã biết, trong Hội nghị Thành Đô lúc ông Nguyễn Văn Linh còn làm Bí thư, tôi nghe nhiều người nói có cam kết là không nhắc lại chiến tranh biên giới. Tôi cho đây là một cam kết hết sức sai lầm. Tại sao với Pháp, với Mỹ, những trận như Điện Biên Phủ hay trận chiến trên không 12 ngày đêm thì chúng ta tổ chức kỷ niệm rầm rộ, nhưng đối với trận chiến biên giới năm 1979 thì chúng ta lại im lặng ? Như vậy chứng tỏ chúng ta không khách quan.
Lịch sử là lịch sử ! Trong thời điểm đó, nhà cầm quyền Trung Quốc có thể nói là rất phản động khi tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc của chúng ta. Đó là một giai đoạn lịch sử, chúng ta phải nhìn nhận, và phải nhắc nhở con cháu chúng ta nhớ mãi những hình ảnh này. Nhớ mãi cái dã tâm xâm lược của bọn bành trướng Bắc Kinh, để làm một bài học cảnh giác, không để cho những hành động như năm 1979 xảy ra nữa.
Chứ nếu nhà nước Việt Nam lờ đi và không có những hoạt động kỷ niệm để nhớ ơn những anh hùng liệt sĩ và đồng bào đã nằm xuống ở biên giới phía Bắc, thì đó là một hành động rất vô ơn, gây công phẫn, bất bình đối với nhân dân Việt Nam. Và nhân dân thế giới người ta cũng chê cười.
Ví dụ Liên Xô chẳng hạn. Người ta vẫn kỷ niệm cuộc chiến tranh biên giới năm 1960 giữa Trung Quốc và Liên Xô, tức là Nga bây giờ. Thế thì tại sao chúng ta lại không làm một cách công khai minh bạch ? Theo tôi, nếu Trung Quốc có nói thì chúng ta cần rõ ràng : cái giai đoạn đó anh sai lầm, và đã gây cho dân tộc tôi, cho đồng bào tôi ở một bộ phận lãnh thổ những cảnh đau thương tang tóc như vậy. Tôi có quyền - đầy đủ chủ quyền của một nước độc lập - để mà tiến hành các cuộc kỷ niệm đó !
Những nghĩa trang của chiến sĩ, đồng bào ở biên giới phía Bắc đến ngày thương binh liệt sĩ, theo tôi biết là cũng không có một vòng hoa viếng ! Việc này làm cho người dân không thể nào hiểu nổi vì sao lại có sự im lặng đáng sợ như vậy. Trong đợt 17/2 vừa qua, trên mạng nhiều cán bộ chiến sĩ, nhiều anh em đã chiến đấu cũng nói lên nỗi niềm đó. Người ta đã hy sinh biết bao xương máu để rồi bây giờ nhà nước lại làm ngơ, không tiến hành những hoạt động để tưởng nhớ đến những người đã nằm xuống. Đó là một điều không thể chấp nhận được !

RFI Chính quyền Việt Nam không chỉ im lặng mà còn ngăn trở các hoạt động tưởng niệm những người đã hy sinh trong cuộc chiến biên giới 1979, theo ông có thể giải thích thái độ đó như thế nào ?

Tôi cho có thể giải thích là : Họ sợ Trung Quốc. Nhưng một chính sách ngoại giao hòa hiếu có nghĩa là phải trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Chứ không thể nào chúng ta lại sợ đến nỗi mà không kỷ niệm một giai đoạn lịch sử một cách khách quan như vậy, sợ là Trung Quốc có phản ứng thế này thế kia. Tôi nghĩ là chúng ta phải đủ bản lĩnh để trả lời nếu Trung Quốc đặt vấn đề khi chúng ta kỷ niệm cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, và có trách nhiệm trước dân để trả lời với ban lãnh đạo Bắc Kinh. Không có gì phải sợ hãi cả. Đó là điều rất bình thường, bởi vì lịch sử là lịch sử.
Có nhiều người đề nghị là phải đưa giai đoạn chiến tranh biên giới vào sách sử cho các em, các cháu học. Đó là vấn đề giáo dục truyền thống mà các vị lãnh đạo Nhà nước, Đảng Cộng sản Việt Nam thường nhắc nhở. Thế thì rõ ràng cuộc chiến tranh biên giới với thắng lợi rất là oanh liệt như vậy, tại sao không đưa vào sử sách để giáo dục truyền thống ? Chẳng những im lặng mà lại cản trở nữa, thì đó là một việc làm hoàn toàn không đúng đắn. Nói cách khác là trái với đạo lý của những người đang sống, được sống nhờ sự hy sinh xương máu của những đồng bào, chiến sĩ đã nằm xuống.

RFI : Nhìn một cách tổng quát, phải chăng đã đến lúc phải xác định bạn và thù, trong cục diện địa chính trị mới ?

Vấn đề theo tôi là tình hình thế giới đã thay đổi. Cuộc chiến tranh lạnh không còn nữa, và vấn đề ý thức hệ không còn như trước nữa. Bởi vì ngay một nước xã hội chủ nghĩa như Liên Xô và các nước Đông Âu thì cũng đã sụp đổ. Thế thì chúng ta phải nhận thức lại một số vấn đề căn bản hiện nay, trong đó có chính sách ngoại giao. Ví dụ nhà nước chúng ta cũng nêu chính sách ngoại giao là đa phương hóa đối với các nước, thế thì tình hình hiện nay rất là thuận lợi. Có thể nói đây là thời cơ để chúng ta thực hiện chính sách ngoại giao đó.
Có nghĩa là chúng ta không dựa vào Trung Quốc, và không sợ Trung Quốc, bởi vì chúng ta được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, trong đó có nhiều nước thuộc khối ASEAN, rồi Nhật Bản, Hàn Quốc, kể cả Mỹ. Tôi nghĩ là thái độ chúng ta phải rõ ràng. Chúng ta không dựa vào nước nào để chống nước nào, nhưng vì lợi ích của dân tộc, lợi ích của đất nước, phải có thái độ là nếu ai tốt với chúng ta, không xâm lược ta thì chúng ta phải đứng về phía họ để chống lại bọn xâm lược, để bảo vệ.
Chứ thật ra bây giờ về mặt quân sự mà nói thì Việt Nam chúng ta với một nền kinh tế như thế này dù có trang thiết bị quân sự tối tân đến đâu cũng không đủ sức. Mà cái thế của chúng ta là cái thế lòng dân – đang sôi sục phẫn nộ trước những hành động xâm lược của Trung Quốc. Và cái thế thứ hai là cái thế của quốc tế, của thời đại.
Hiện nay dòng chảy của thời đại là xu thế dân chủ tiến bộ trên toàn thế giới. Mà Trung Quốc thì ngược lại - một nước trỗi dậy về mặt kinh tế nhưng đồng thời lại có những hành động có thể nói là hết sức xấc láo : xâm lược, đe dọa nước này nước kia. Thì tôi nghĩ là họ phải bị cô lập.
Vì vậy mà chúng ta phải có một đường lối rõ ràng, chứ không thể nào cứ mập mờ như thế này. Sẽ bỏ qua mất thời cơ để chúng ta dứt khoát ra khỏi vòng ảnh hưởng của Trung Quốc, để trở thành một nước độc lập thực sự, một nước có nền ngoại giao bình đẳng với tất cả các nước. Trên cơ sở đó chúng ta không phải sợ một ai cả. Chúng ta đủ bản lĩnh để mà quan hệ với tất cả các nước một cách bình đẳng, để bảo đảm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

RFI : Nếu chiến tranh với Trung Quốc nổ ra, thì theo ông Việt Nam có thuận lợi và bất lợi gì so với năm 1979 trước đây ?

Trước hết, theo tôi nghĩ chúng ta phải hết sức tránh xảy ra chiến tranh. Bởi vì đất nước Việt Nam cũng đã trải qua nhiều năm chiến tranh rồi. Và nói như nhà thơ Nguyễn Duy, trong bất cứ cuộc chiến tranh nào, thì thất bại cũng là nhân dân mà thôi. Do đó phải hết sức tránh chiến tranh.
Nhưng tôi đánh giá tình hình hiện nay khác với năm 1979 ở chỗ là, năm 1979 chúng ta đang bị cô lập, trong khi hiện nay chúng ta đã là thành viên của khối ASEAN và là thành viên của nhiều định chế khác nữa. Hơn nữa, trào lưu tiến bộ, trào lưu dân chủ trên thế giới hiện nay đang bao trùm.
Vì vậy với tình hình như thế này, theo tôi Trung Quốc họ cũng không dại gì mà gây chiến với chúng ta. Hơn nữa, tình hình nội bộ của họ cũng rất rối ren, và kinh tế cũng vậy. Họ phát triển nóng, thành ra họ đứng trước những khó khăn về nguyên liệu, về đủ thứ chuyện, chứ không phải suông sẻ. Tình hình quốc nội và quốc tế của Trung Quốc không cho phép họ tiến hành một cuộc chiến tranh như năm 1979.
Còn nếu vạn bất đắc dĩ, họ lấn lướt, ép chúng ta, rồi có thể cuối cùng họ đi đến một cuộc chiến tranh cục bộ, ví dụ đánh chiếm đảo, thì chúng ta cũng phải cương quyết bảo vệ. Và lúc đó chúng ta cũng phải kêu gọi các nước trên thế giới ủng hộ cuộc chiến đấu của chúng ta.
Nhất là lúc đó Trung Quốc sẽ phải lòi mặt ra. Nó cũng có cái lợi là để giới lãnh đạo Việt Nam thấy được cái bản chất, thấy được cái bộ mặt thật của Trung Quốc là như thế nào, để từ đó mà không còn « bốn tốt, mười sáu chữ vàng ». Để Trung Quốc bộc lộ cái bộ mặt họ ra ! Chứ còn tôi nghĩ chiến tranh lớn thì khó xảy ra, và chúng ta hết sức tránh.

RFI Có lẽ giới lãnh đạo Việt Nam không phải là không biết bộ mặt thật của Trung Quốc, nhưng nhiều khi đặt quyền lợi cá nhân lên trên quyền lợi đất nước ?

Thì họ có thấy, nhưng mà theo tôi, họ thấy chưa đầy đủ. Bởi vì đúng là bị chi phối bởi quyền lợi cá nhân, của gia đình, và nhất là họ không đặt lợi ích của đất nước, của Tổ quốc lên trên. Họ sợ nếu mà không dựa vào Trung Quốc thì sẽ sụp đổ chế độ.
Nhưng nếu Đảng Cộng sản Việt Nam không nắm ngọn cờ dân tộc, không nắm ngọn cờ dân chủ, thì chính tự bản thân mình gây khó cho mình. Tự bản thân mình sẽ tạo những điều kiện để đi đến chỗ suy yếu, rồi mất lòng dân, và sụp đổ, nếu không chịu thay đổi.
Vì vậy vừa rồi chúng tôi, một số nhân sĩ đã soạn dự thảo Hiến pháp 2013 để mong Đảng và Nhà nước Việt Nam thấy được cái tình hình này mà tự điều chỉnh. Tự thoát khỏi những hạn chế vì quyền lợi cục bộ của mình, để đặt lợi ích dân tộc, lợi ích nhân dân lên trên, và có những thái độ căn cơ để từ đó làm cho đất nước Việt Nam nhanh chóng phát triển và hòa nhập chung với dòng chảy tiến bộ và dân chủ hiện nay trên thế giới.
Chúng tôi rất mong như vậy. Do đó cuộc đấu tranh hiện nay của nhân sĩ trí thức hay các tầng lớp đồng bào khác ở Việt Nam là đấu tranh bất bạo động, ôn hòa, dùng những biện pháp để thức tỉnh những người lãnh đạo ở Việt Nam thấy được các vấn đề của đất nước, của dân tộc như thế nào để tự điều chỉnh.
Có thể nói nếu Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện được điều đó, thì với cái quá khứ chống xâm lược thành công, và hiện nay nếu có chuyển đổi thuận lòng dân như vậy, thì uy tín vẫn giữ được. Còn nếu cứ đi theo con đường hiện nay là mất dân chủ, rồi tham nhũng, nội bộ đấu đá nhau theo kiểu đó, thì dần dần sẽ không còn chỗ đứng trong lòng dân tộc Việt Nam nữa.
Đó là cái nguy cơ mà họ thường nói là làm sụp đổ chế độ, chứ không ai khác. Chính họ là những người sẽ tự đào mồ chôn họ, nếu không thấy đây là thời cơ để thay đổi. Nếu mà để lỡ thời cơ một lần nữa, thì nguy cơ sụp đổ của chế độ sẽ ngày càng rõ ràng hơn. Mà chúng tôi thì không mong như vậy. Chúng tôi muốn là các vị lãnh đạo của Việt Nam sáng suốt, có sự thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp với xu thế hiện nay trên thế giới, đặt lợi ích đất nước và dân tộc lên trên.

RFI Trước đây những trận đánh thắng quân Trung Quốc xâm lược có yếu tố lòng dân rất lớn như Hội nghị Diên Hồng chẳng hạn. Nhưng bây giờ sau những sự kiện như trấn áp các cuộc biểu tình chống hành động bành trướng của Bắc Kinh tại Biển Đông, thì không ít người yêu nước đã tỏ ra chán ngán. Trong trường hợp có xung đột với Trung Quốc, liệu người dân có một lòng ủng hộ chính quyền hay không ?

Tôi cho rằng chính các lãnh đạo Việt Nam phải suy nghĩ về điều đó. Nếu xảy ra chiến tranh dù là với bất cứ nước nào kể cả Trung Quốc thì ai là người sẽ cầm súng ? Ai sẽ là người đứng ra bảo vệ đất nước ? Chỉ có dân thôi, chứ không phải mấy ông lãnh đạo – trong đó có thanh niên. Thế thì vấn đề ở chỗ là nếu làm cách nào đó, cái nhuệ khí, cái niềm tin họ đã mất nơi người lãnh đạo, thì tất nhiên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức chiến đấu khi bị xâm lược.
Nhưng tôi vẫn tin rằng, như lịch sử chúng ta đã chứng minh, là trong tình hình như vậy sẽ xuất hiện người lãnh đạo. Sẽ xuất hiện những vị anh hùng để lãnh đạo nhân dân Việt Nam đứng lên chống bọn xâm lược mới dù là ở đâu – ví dụ bọn bành trướng Bắc Kinh chẳng hạn. Sẽ xuất hiện những người yêu nước. Ngay trong quân đội nhân dân Việt Nam cũng sẽ xuất hiện những vị tướng để có thể đứng ra lãnh đạo cuộc chiến đấu này.
Tôi nghĩ là không phải ai cũng bán mình cho quỷ sứ cả, mà sẽ còn những người căn bản là tốt, người tốt trong nhà nước, cùng với nhân dân chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược. Bởi vì cái truyền thống của dân tộc Việt Nam là như vậy. Khi có xâm lăng sẽ đoàn kết lại với nhau chiến đấu để mà chiến thắng kẻ thù.

RFI Xin chân thành cảm ơn luật gia Lê Hiếu Đằng, Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đã vui lòng nhận trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ.

TS Tô Văn Trường gởi thư ngỏ cho PTT Hoàng Trung Hải về dự án bauxite


Dear Anh Hoàng Trung Hải

Dự án bô xit đúng là chủ trương lớn của Đảng gây ra nhiều tranh cãi. Chỉ riêng cá nhân tôi tính đến nay đã có 11 bài viết dưới các góc nhìn khác nhau về dự án này. Bài viết mới nhất  CON “CHUỘT BẠCH”  KHỐN CÙNG được đăng tải rộng rãi trên các trang mạng xã hội đã nói hết những gì cần nói.

Có thể khẳng định dự án bô xít là một dự án gây chia rẽ sâu sắc nhất trong lòng người dân Việt Nam, là phép thử thực sự cho tiến trình dân chủ của đất nước. Nhiều chuyên gia, nhân sỹ, trí thức và đông đảo nhân dân ở trong và ngoài nước đã đồng loạt kiến nghị Đảng và Nhà nước dũng cảm dừng dự án khai thác bô xít Tây Nguyên dựa trên nhiều phân tích sâu sắc ở các góc độ khoa học kỹ thuật, kinh tế, xã hội và môi trường rất khách quan và thuyết phục. Kiến nghị đó được sự đồng thuận và nhất trí rất cao của nhân dân. Kết quả thăm dò của Diễn đàn kinh tế Việt Nam VNR500 và báo Dân Trí có đến 96% người dân đồng ý dừng dự án bô xít Tây Nguyên. Đấy là con số sống động phản ánh ý dân, lòng dân không thể bỏ qua trong một xã hội dân sự, nhà nước pháp quyền.

Những bài học nóng hổi tính cách mạng, khẳng định bản lĩnh, vai trò lịch sử và tấm lòng vì nước vì dân của những người đứng đầu nhà nước vẫn còn đó. Quyết định kéo pháo ra khỏi Điện Biên Phủ ngay trước thời điểm nổ súng đã ấn định của Tổng tư lệnh  Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tấm gương trung thực, dũng cảm, khẳng định trách nhiệm sắt đá với công sức và xương máu của nhân dân, của chiến sỹ bộ đội đã được hậu thế ghi tiếng thơm mãi mãi vào sử sách. Người dân luôn nhớ Tổng bí thư  Trường Chinh đột phá tư duy, dám lật ngược vấn đề, truy đến cùng những hạn chế của mình và hệ thống bấy lâu nay để vạch lối thoát cho Đảng, cho đất nước – viết lại Báo cáo chính trị Đại hội Đảng lần thứ VI và quyết liệt tổ chức đổi mới, sau đó khẳng khái bàn giao lại cho thế hệ kế cận. Ngày nay toàn Đảng nhớ ơn ông, coi ông là ví dụ sinh động về con người vì nước vì dân, vượt lên hạn chế bản thân, hạn chế thời đại để phản tỉnh kịp thời trước tụt hậu và bế tắc của hệ thống, đưa đất nước sang trang mới và hoàn thành sứ mệnh lịch sử, chia tay đỉnh cao quyền lực thanh thản, ung dung.

Thủ tướng  Nguyễn Tấn Dũng mới tuyên bố quyết định không làm cảng Kê Gà nhưng vẫn chưa đủ can đảm nỗ lực giải quyết hậu quả và trọn vẹn vấn đề bô xít như mong muốn trông đợi của người dân. Tôi hiểu và chia sẻ cái khó của người đang  “cưỡi trên lưng hổ”!  Là người trực tiếp giúp việc Thủ tướng, nếu Anh Hải dũng cảm nhận thấy cái sai của người thừa hành sẽ tạo thành động lực, chia sẻ để Thủ tướng có những quyết định tỉnh táo, quyết liệt vượt lên chính mình.

Riêng về bài toán kinh tế của dự án , cách đây hơn 2 năm khi VNN- TuanVN vừa mới đăng bài viết của tôi phê phán về phương pháp luận, cách tính kinh tế sai lầm của Tập đoàn khoáng sản,  nhận được điện thoại của PV (Ban biên tập) cho biết ngày mai phía Tập đoàn  sẽ có phản hồi bài viết của tác giả. Tranh luận về khoa học phải công khai sòng phẳng cả về lý luận và số liệu, tôi nhờ PV chuyển tiếp một loạt câu hỏi cần phải làm rõ của bài toán kinh tế. Biết chắc là THUA lại  sợ “vạch áo” cho người xem lưng nên họ rút lui, không gửi bài phản hồi nữa.  Tôi đã trao đổi với các chuyên gia kinh tế độc lập cả trong và ngoài nước dù có ngụy biện cách nào thì bài toán kinh tế  bô xit chỉ có lỗ và lỗ chưa kể các mặt tác hại về môi trường và văn hóa xã hội.

Cái gốc cuối cùng vẫn phải là dân chủ hóa xã hội để mỗi quyết định quan trọng của đất nước được đưa ra đều phải có chất lượng dựa trên một quy trình khoa học, chuẩn mực. Việc cần nhất để danh chính ngôn thuận thì phải thành lập BAN hội đông gồm các nhà khoa học độc lập, có uy tín cao đánh giá toàn diện dự án làm tham mưu cho Đảng và Nhà nước ra quyết định cuối cùng.

Vấn đề thứ hai, liên quan đến dự án cảng tỷ đô Lạch Huyện. Tôi là thành viên trong Hội đồng thẩm định  nhà nước về báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM của dự án này. Có thể nói chưa có Hội đồng nào phải họp nhiều lần như thế và cũng chịu sức ép như thế! Mặc dù kết quả bỏ phiếu cuối cùng có 3 phiếu không thông qua (trong đó có tôi) nhưng các phiếu còn lại  chỉ đồng ý thông qua với điều kiện phải sửa 20 điểm theo góp ý của Hội đồng. Buổi họp mới đây nhất, tôi vắng mặt vì đang đi công tác ở Nhật Bản, được biết  rất nhiều điểm góp ý của Hội đồng lần trước vẫn chưa được chủ đầu tư là Bộ giao thông vận tài và tư vấn JICA Nhật Bản giải đáp thế nhưng người ta vẫn đá “quả bóng” lên lãnh đạo Bộ Tài nguyên môi trường để xem xét, quyết định. Xin lưu ý Anh là vấn đề xin chủ trương đồng ý đầu tư của Quốc hội theo quy định của Nhà nước, Bộ giao thông vẫn tìm cách “lách luật”.  Ngay cả phát biểu của đại diện Bộ Văn hóa và công văn trả lời chính thức của Bộ Văn hóa cũng không hề khẳng định đồng ý với dự án cảng Lạch Huyện!???

Trí tuệ, tầm nhìn, và cách hành xử  của hai ông Bộ trưởng giao thông Đinh La Thăng và Bộ Tài nguyên môi trường Nguyễn Minh Quang, tôi chưa muốn bàn luận ở đây nhưng xin nói rõ nếu họ “cố đám ăn xôi”, và mượn danh theo chỉ đạo của Chính phủ (có thể kể cả Anh Hoàng Trung Hải) để phê duyệt báo cáo ĐTM của  dự án thì dù là chỗ quen biết Anh, tôi vẫn phải gọi đúng tên  là tội đồ của đất nước.

Tôi đang phải dành thời gian tham gia viết cuốn sách liên quan đến tài nguyên nước và môi trường với APU (Nhật Bản) và viết góp ý cho một số báo cáo  nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước dạng tiềm năng thuộc chương trình KC08/11-15 của Bộ KHCN. Tuy bận, nhưng  trong một ngày gần đây, tôi sẽ tiếp tục chỉ rõ các “lỗ hồng” không thể sửa chữa của bài toán khuếch tán và lan truyền bùn cát của việc nạo vét 40 triệu mét khối ở cảng Lạch Huyện do JICA thực hiện để rộng đường công luận.

Thời gian không chờ đợi ai. Chúng ta, bất cứ ai sinh ra dù quyền lực, tiền bạc đến đâu rồi cũng về với cát bụi. Thời đại thông tin ngày nay không phải chờ  đến khi lâm trung hay về cõi vình hằng mới được lịch sử phán xét. Xin mượn lời Alexandre Đại Đế để kết luận cho bức thư này: ” Ta muốn chính các bác sĩ giỏi nhất khiêng quan tài của ta để chứng tỏ rằng, đối diện với cái chết, chính họ cũng không có quyền năng chữa lành bệnh. Ta muốn mặt đất được phủ đầy kho báu của ta để mọi người hiểu được rằng những tài sản vật chất thu gom được tại đây sẽ ở lại trên mặt đất này. Ta muốn hai bàn tay ta được thò ra ngoài quan tài và đong đưa theo gió để cho dân chúng thấy rằng chúng ta đến cõi đời này với hai bàn tay trắng, và chúng ta sẽ ra đi cũng với hai bàn tay trắng khi chúng ta đã xài hết kho tàng quý giá nhất của mỗi chúng ta là thời gian!”

Chúc Anh luôn mạnh khỏe, mọi sự tốt lành
Kính 
Tô Văn Trường