Trang

Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

Để gió bay đi

Tuấn Khanh

IMG_1197.PNG

Để gió bay đi

Thật không may cho anh Tấn trong buổi tối định mệnh đó. Khi tất cả mọi thứ cùng quẩn đổ xuống đầu anh. Mẹ già và con bệnh đang nằm bệnh viện. Trong tay không còn gì để nghĩ đến ngày mai, anh Tấn đã cầm dao chạy ra lề đường và chận 2 người đi đường dừng lại để doạ cướp. Một người bị cướp 20.000 đồng và một người khác bị cướp 30.000 đồng. Anh Tấn muốn dùng số tiền đó để mua đồ đi thăm bệnh cho con vào sáng ngày mai. Thế nhưng chiều hôm sau, anh Tấn bị bắt và bị Toà án xử 7 năm tù vì tội “cướp tài sản”.
Đây là một câu chuyện có thật chứ không phải viết ra từ tiểu thuyết. Thậm chí đó cũng không phải là chủ đề của một cuốn tiểu thuyết về một hoàn cảnh rất xa xưa như của nhà văn Hồ Biểu Chánh. Người bị xử 7 năm tù là anh Nguyễn Văn Tấn, 25 tuổi ở huyện Lai Vung, Đồng Tháp. Sự việc này đã được báo chí đưa tin, nhưng có lẽ đã không có nhiều người biết. Đơn giản vì giữa những câu chuyện đáng hoảng sợ hàng ngày tại Việt Nam như việc chết người do nước dâng ngập đường, công an phát tờ rơi dặn dò người dân từ nay hãy tự lo an nguy của mình, trẻ sơ sinh chết do chích nhầm… thì chuyện một người ăn cướp và bảy năm tù, nghe chừng như cũng còn quá tầm thường và may mắn.
Nhưng hãy thử dừng lại trong ít phút giây, và nghĩ xem, ở sự cùng quẩn nào trong cuộc sống hôm nay, mà khiến một thanh niên chỉ vỉ 50.000 đồng phải chịu hơn 2000 ngày trong ngục tối, thậm chí giờ đây sẽ không biết mẹ già con bệnh rồi sẽ ra sao?
Một người bạn trên mạng internet, có tên là Người Buôn Gió, nhắc tôi rằng nếu như Việt Nam có một Victor Hugo chắc cũng khó có thể viết xuể những điều đau thương hôm nay chúng ta đang chứng kiến. Có cái gì đó rất gần giữa một người đàn ông Việt Nam 2014 vì muốn có chút tiền cho đứa con bệnh đang nằm viện, phải chịu mức án 7 năm tù giam với một người đàn ông tên Jean Valjean, được khai sinh trong văn học vào năm 1862, chỉ vì ăn cắp một mẩu bánh mì cho người thân đang đói mà phải chịu tù khổ sai trong suốt 19 năm tù. Chỉ là một cái chớp mắt để bay qua thời gian với tốc độ ánh sáng, người ta có thể nhìn thấy những số phận của họ giống nhau. Chỉ có sự khác biệt là một người sống ở chế độ phong kiến thối nát và một ngươi sống ở nền tảng căn bản trên lý thuyết là tốt đẹp của xã hội chủ nghĩa.
Cùng quẩn là những điều mà chúng ta vẫn thường thấy hàng ngày, trên các bản tin, nhưng dồn dập đến mức trái tim mỗi người lạnh đi. Máu đã không còn đủ nóng để làm ý thức công dân giật mình về những gì đang có chung quanh mình. Câu chuyện về người mẹ nghèo đến mức tự vẫn để lấy tiền phúng điếu cho con sinh sống, về bữa ăn không đủ khiến bé gái kiệt sức ngã xuống sông mà chết…v.v Câu chuyện của anh Nguyễn Văn Tấn chỉ là một trong 1001 câu chuyện kể Việt Nam, nhưng được kể sơ sài bằng phần đáp trả của luật pháp. Rất nhiều phần khác của ý nghĩa nhân đạo và trách nhiệm vẫn bỏ ngỏ. Nếu sau 7 năm ngồi tù, quay trở ra với hoàn cảnh nghèo khổ như hiện nay, hoặc hơn, không có gì có thể ngăn cản anh Tấn lại tiếp tục cầm dao để xuống đường ăn cướp, nếu anh lại lâm vào điểm cùng quẩn như vậy.
Tìm lại trong các báo cáo thành tích của tỉnh Đồng Tháp, quê quán của anh Nguyễn Văn Tấn, tỉnh này tuyên bố rằng họ thành công rực rỡ trong tiến trình xoá đói giảm nghèo từ hơn 10 năm trước. Tỉnh Đồng Tháp có báo cáo gửi lên chính phủ trung ương là từ năm 2004 đã xây dựng mô hình điểm xóa đói giảm nghèo vùng đặc thù thuộc các xã vùng sâu, vùng xa, vùng ngập lũ với mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với sắp xếp lại cụm, tuyến dân cư, tổng vốn đầu tư 15,985 tỷ đồng. Mới đây, tháng 9/2014, Đồng Tháp còn được công nhận là 6 tỉnh hàng đầu của Đồng Bằng Công Cửu Long thành công và được tuyên dương vì giảm nghèo cho hàng ngàn người.
Nhưng giờ đây, thì chúng ta chứng kiến một mảnh đời nghèo khó đến bạo động, như một vết ố trên tấm bằng khen mà rất nhiều người nhận nó, muốn tẩy đi để có trọn vẹn sự hoàn hảo.
Một người bạn ở Nhật, dẫn trên facebook câu chuyện có thật về một người Việt sang Nhật du học, bị cảnh sát ắt vì tham gia đường dây ăn cắp những chai rượu giá 2000 yên Nhật (400.000 đồng). Người sinh viên Việt này không bị ngồi tù, nhưng đã khóc vì được viên cảnh sát người Nhật lớn tuổi nói chuyện về tư cách và lòng nhân ái giữa con người với nhau. Ở một quốc gia coi hành động trộm cắp như tội ác, nhưng với trái tim nhân hậu ấm áp và nền tảng văn minh, người ta vẫn tìm ra cách ứng xử để nâng dậy người đã ngã. Khác với án 7 năm tù cho một thanh niên đã không còn làm chủ được hành vi vì hoàn cảnh gia đình, Kết cục của câu chuyện như một nấm mồ của số phận.
7 năm tù cho 50.000 đồng có đắt quá hay không? Những người đã ngồi ở phòng xét xử trường hợp anh Nguyễn Văn Tấn đã có ai từng ngồi ở phòng xét xử các bị cáo quan chức tham nhũng với các con số hàng trăm triệu, hàng trăm tỉ đồng… rồi sau đó chỉ là án treo vì được coi là có dấu hiệu tâm thần, không làm chủ được hành vi của mình? Có thể đó là một tập thể điên khi cuồng dại ngấu nghiến tiền của và tài nguyên quốc gia, nhưng chắc chắc họ không hề cùng quẩn. Chính Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc Hội Nguyễn Văn Hiện từng đặt câu hỏi rằng: “Tại sao tham nhũng lại bị tâm thần nhiều thế?”. Các báo cáo của Quốc Hội cho biết tham nhũng trong năm 2013 gây thiệt hại là 6.000 tỷ đồng, nhưng chỉ có 10% được thu hồi, còn 90% là mất vì các bị cáo thường là khai tâm thần, không làm chủ được hành vi.
Nhà tranh đấu lừng danh Mahatma Gandhi có câu nói nổi tiếng. “I will not let anyone walk through my mind with their dirty feet.” (tạm dịch: Tôi không để cho bất cứ ai bước qua mình bằng đôi chân dơ bẩn của họ). Anh Nguyễn Văn Tấn không bước vào toà bằng đôi chân bẩn. Đó chỉ là đôi chân run rẩy của định mệnh cùng quẩn xô đẩy anh. Thế nhưng đã có biết bao đôi chân dơ bẩn như vậy đã dẫm đạp trên đất nước này, dẫm đạp lên luật pháp chưa bao giờ biết tù tội là gì?
Nói về bộ tiểu thuyết Những người khốn khổ của mình, nhà văn Victor Hugo viết rằng “Khi pháp luật và phong hoá còn đầy đoạ con người và đem một thứ định mệnh nhân tạo chồng thêm lên thiên mệnh thì những quyển sách như loại này còn có thể có ích”. Thêm một câu chuyện khốn khổ nữa trên đất nước này, liệu đã đủ dày cho bộ trường thiên về những số phận nhỏ nhoi chưa, hay tất cả những số phận đó chỉ thoảng qua, như gió bay đi?

Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

8 năm, 2 triệu USD và nhiều bài học quý

T/S Alan Phan rời Việt Nam sang Mỹ làm ăn: 8 năm, 2 triệu USD và nhiều bài học quý
1363242595-tham-nhung
Đặng Thuý thực hiện – Dân Việt – 22 Oct 2014
“Tôi đã đầu tư thử nghiệm tại Việt Nam và mất khoảng 2 triệu USD trong cuộc chơi này. Nhưng đó chỉ là thất bại nhỏ” -Tiến sĩ (TS) Alan Phan cho biết trong cuộc trò chuyện với phóng viên NTNN – Dân Việt về quyết định rời Việt Nam đến Mỹ lập nghiệp ở tuổi 69.
Thưa TS, sau 8 năm gắn bó đi về với Việt Nam, ông lại có quyết định ra đi để lập nghiệp ở Mỹ, Phải chăng, Việt Nam đã khiến ông thất vọng?
AP:  Quả tình tôi khá thất vọng về sự trì trệ tiếp diễn của kinh tế và xã hội Việt Nam, nhất là với một cơ chế phát sinh từ một tư duy giáo điều lạc hậu. Trong quãng đời làm ăn của tôi, tôi đã từng đối diện với tình huống tương tự tại nhiều quốc gia khác. Nhưng tôi không có cảm xúc gì như lần này vì những nơi đó không phải là “quê hương” với những ký ức và kỷ niệm êm đềm trong quá khứ.
Tuy nhiên, luôn có nhiều lý do trong mọi quyết định. Lần này, lý do chính là tôi bắt đầu nhàm chán với công việc hàng ngày, hiệu năng và kỹ năng của mình… trong một môi trường sống đã trở nên tệ hại hơn trên nhiều lĩnh vực. Tôi muốn bắt đầu một “trang sử” mới cho cá nhân mình.

Khi Alan Phan trở về Việt Nam cách đây 8 năm, giới kinh doanh Vn đã chờ đợi sự đột phá dưới bàn tay “thầy phù thủy Alan”, song thực tế, người ta thường thấy một Alan Phan xuất hiện ở Việt Nam trong vai trò là cố vấn về tình hình kinh tế chứ không phải là một nhà đầu tư, vì sao vậy?
AP: Tôi đã đầu tư thử nghiệm tại Việt Nam và mất khoảng 2 triệu đô la trong cuộc chơi này. Nhưng đây chỉ là một thất bại nhỏ, không quan trọng khi nhìn từ đại cuộc. Tôi không lao hết lực vào dự án nào ở Việt Nam vì sau khi nghiên cứu khảo sát cẩn thận, tôi thấy kỹ năng và tư duy làm ăn của mình hoàn toàn không thích hợp…  
Và cũng xin minh định tôi không phải là “phù thuỷ”. Qua 44 năm kinh doanh, tỷ lệ thắng thua của tôi chỉ vào khoảng 65/35. Hơn trung bình một chút.
Nhiều người bi quan cho rằng, TS Alan Phan rời Việt Nam là tín hiệu cho thấy môi trường kinh doanh ở Việt Nam không mấy sáng sủa trong tương lai. Liệu đó có phải là sự thật không?
AP: Tôi nghĩ rằng môi trường làm ăn tại Việt Nam sẽ tiếp tục trì trệ trong nhiều năm tới. Chữ “tái cấu trúc” hay “ tiến triển tốt đẹp” đã bị lạm dụng bởi các chính trị gia để PR. Tuy nhiên, cơ hội vẫn rất nhiều và rất tốt cho những doanh nhân biết nắm bắt; nhất là những đại gia có quan hệ sâu rộng với quyền lực nhà nước. Số một là các ông cò chạy dự án ODA. Các thành phần kinh tế khác có nhiều triển vọng là nhà đầu tư FDI, quỹ mạo hiểm, doanh nghiệp gia công và xuất khẩu.
Cũng cần nói thêm là mặc cho sự suy sụp kinh tế tại Việt Nam, các doanh nhân trẻ năng động, sáng tạo và tự tin không nên nản chí. Thế giới đã liên thông rộng rãi. Không ai có thể ngăn những tài năng phát triển ra ngoài biên giới: gần như ASEAN, hay xa hơn như Âu Mỹ. Đừng chửi rủa hoàn cảnh; hãy bước ra ngoài hộp và ngẩng mặt cao.
40 năm trước, các thuyền nhân tị nạn của Việt Nam đã chịu trăm ngàn đắng cay và thử thách để tồn tại và chiến thắng. Ngày nay, các bạn chỉ cần một quyết tâm và cái hộ chiếu.
Mới đây, Trung Quốc đã chiếm vị trí của Mỹ để trở thành nền kinh tế số 1 thế giới (dựa trên sức mua), vậy ông có tự tin khi trở lại Mỹ lập nghiệp ở tuổi 69?
AP: Tôi tự tin là mình sẽ đóng góp hữu hiệu cho các đối tác và nhân viên song hành trong công việc hàng ngày. Tuy nhiên, sự thành công của một doanh nghiệp tuỳ thuộc vào rất nhiều yếu tố, quá phức tạp để có thể dự đoán chính xác. Cứ đem hết khả năng tham dự cuộc chơi và để “số phận” định đoạt thành bại? Quan trọng là phong cách chơi của mình có đáng để tự hãnh diện.
TS có thể tiết lộ chi tiết hơn về kế hoạch thiết lập một doanh nghiệp mới dựa trên công nghệ in 3D tạo ra sản phẩm đặc thù, mà ông đang ấp ủ không?
AP:  Theo ý tưởng của vài đối tác, chúng tôi muốn sản xuất một thiết bị dùng công nghệ in 3D cho các công trình hạ tầng cơ sở.  Các chuyên viên của công ty đang thu góp dữ liệu để lập kế hoạch cho dự án. Ấp ủ là một chuyện, còn việc khả thi thì cần đến những con số chính xác và thực tế. Chúng tôi cần biết rõ thêm nhiều yếu tố ảnh hưởng và các dự đoán để quyết định đầu tư trong vài tháng tới.
Điều khó khăn nhất khi bắt đầu cuộc chơi mới ở tuổi 69 là gì, thưa ông?
AP: Sức khoẻ là quan tâm hàng đầu. Sau đó là sự năng động để ứng phó với thử thách và kiên nhẫn để chịu đựng và vượt qua những lỗi lầm.Bù lại cho các khó khăn này là sự bình thản về kết quả sau khi đã trải qua quá nhiều thành công và thất bại suốt 44 năm qua.
TS có lời hứa hẹn ngày trở lại Việt Nam không?
AP: Mọi khởi nghiệp đều chiếm rất nhiều thời gian; nên tôi nghĩ là thời gian để đi về Á Châu thường xuyên sẽ bị nhiều giới hạn. Nhưng quê hương vẫn là quê hương. Tôi lại có niềm tin hơi nghịch lý là cuộc diện vĩ mô để tạo một định mệnh mới cho dân tộc Việt sẽ thay đổi tận cốt lõi trong vài năm tới.
Xin cảm ơn ông!

Thứ Hai, 13 tháng 10, 2014

Thiền và Thở

BS. Đỗ Hồng Ngọc
Câu hỏi đặt ra là vì sao bệnh viện mở ra ngày càng nhiều mà lúc nào cũng “quá tải”? Vì sao con người bây giờ tiện nghi dồi dào mà đau ốm triền miên? Vì sao bệnh nhiễm gia tăng và bệnh do hành vi lối sống ngày một phát triển trong khi khoa học y học tiến như vũ bão? Rõ ràng sức khỏe không phải là chuyện của y tế. Sức khỏe là chuyện của mỗi người, của mọi người. Đời sống càng tiện nghi, nhu cầu vật chất càng được thõa mãn thì con người càng xa lạ với tự nhiên, với chính mình. Stress chính là nguyên nhân của 60-90% bệnh lý đưa người ta đến bác sĩ. Mà bác sĩ thì chỉ chữa được cái đau chứ không chữa được cái khổ, chữa được cái bệnh, chứ không chữa được cái hoạn.

Thiền có thể góp phần giải quyết căn cơ. Nhưng thiền là gì? Cách nào? Hơn hai ngàn năm trăm năm trước, một nhà minh triết – Đức Phật- bảo đừng vội tin, cứ đến nếm thử đi rồi biết. Đến và nếm thử. Đến là thực hành. Làm đi, đừng nói nữa. Đừng “hí luận” nữa. Nếm thử là cảm nhận. Phải tự mình cảm nhận, tự mình thể nghiệm để cảm nhận, không thể nhờ ai khác.
Hãy bắt đầu từ việc đơn giản nhất mà cốt lõi nhất: Đó là Thở. Và là Thở bụng. Ô hay, thở phải bằng ngực chứ, phổi nằm ở ngực kia mà? Phổi nằm ở ngực, nhưng thở nằm ở… bụng. Cứ nhìn một em bé đang ngủ say mà xem! Cứ nhìn một người bình thường đang ngủ yên mà xem! Chỉ có cái bụng là phình lên xẹp xuống, còn cái ngực thì… im re. Thật vậy, khi cái ngực mà khò khè, cò cử thì đã bị bệnh rồi. Nói khác đi, cách thở sinh lý, thở thiên nhiên, thở bình thường nhất chính là thở bụng. Người khỏe thì luôn thở bụng nên thở bụng làm cho ta khỏe. “Bí quyết” nằm ở chỗ đơn giản nhất đó. Các phương pháp khí công, dưỡng sinh, yoga, thiền… đều bắt đầu bằng tập thở bụng. Tại sao phải tập? Bởi không biết tự lúc nào con người lại xa rời cái nguồn gốc tự nhiên của mình, bày ra thở ngực, cũng như thay vì ăn những thức ăn lành mạnh sẵn có trong thiên nhiên thì bày đặt chế biến đủ kiểu cho nó hư đi! Do vậy, thở phải được rèn tập trở lại. Về sinh lý, cơ hô hấp chính của ta là cơ hoành, cơ vắt ngang giữa bụng và ngực chớ không phải cơ gian sườn hay cơ cổ. Khi các cơ gian sườn, cơ cổ mà ráng sức phì phò thì đã bệnh rồi!

Có một sự nhất quán, xuyên suốt trong lời dạy thiền định của Phật, từ Tứ niệm xứ (Satipatthàna) tới Thân hành niệm ( Kàyagatàsati), rồi Nhập tức xuất tức niệm (Ànàpànasati), đó là THỞ. Kinh viết “Thở vào thì biết thở vào, thở ra thì biết thở ra. Thở vào dài thì biết thở vào dài, thở ra ngắn thì biết thở ra ngắn…”. Tóm lại, là luôn quán sát hơi thở, đặt niệm (nhớ, nghĩ) vào hơi thở. Chỉ có vậy. Nhưng khi đọc câu “Thở vào thì biết thở vào, thở ra thì biết thở ra…” có thể gây nhầm lẫn, bởi ai mà chả biết thở cơ chứ! Thế nhưng ở đây không phải là biết thở, mà là nhận thức được (recognize), ý thức rõ (realize), cảm nhận được (perceive) cái sự thở, cái hơi thở đang đi vào và đang đi ra kia kìa. Đó mới là điều cốt lõi! Nhận thức, ý thức, cảm nhận, ấy chính là niệm (nhớ), là quán ( quan sát, suy tưởng) về sự thở, về hơi thở. Nhờ đó mà một mặt, ta giải thoát tâm ta khỏi những vướng mắc lăng xăng, một mặt ta nhận ra ý nghĩa cuộc sống và từ đó, buông bỏ bao nỗi lo toan, sợ hãi của kiếp nhân sinh để có cuộc sống có sức khỏe và hạnh phúc.

Câu hỏi đặt ra là tại sao quán sát hơi thở? Quán sát hơi thở thì có gì hay? Sao lại không chọn các đối tượng khác để quán sát? Thật ra thì quán sát cái gì cũng được cả, bởi tất cả đều là pháp- nhứt thiết pháp giai thị Phật pháp- nhưng quán sát hơi thở thì có điều kiện để thấy “ngũ uẩn giai không” hơn, tức thấy vô ngã hơn. Vô ngã ở đây không còn là một ý niệm, một khái niệm mà là một trạng thái. Để thấy “vô ngã” thì tốt nhất là quán sát từ “ngã”, từ hơi thở là tốt nhất, một đối tượng sẵn có ngay trong bản thân mình. Tim đập cũng lúc nhanh lúc chậm, nhưng khó theo dõi, hoàn toàn ngoài ý muốn, khó can thiệp. Dạ dày thì làm vịệc âm thầm, khó quan sát. Các bộ phận khác cũng vậy. Trừ hơi thở! Hơi thở dễ quan sát nhất vì nó nằm ngay trước mũi mình, ngay dưới mắt mình! Lúc nào cũng phải thở. Ở đâu cũng phải thở. Cái hay nữa là quán sát nó thì không ai nhìn thấy, chỉ riêng ta biết với ta thôi! Mỗi phút lại phải thở cả chục lần. Lúc mau lúc chậm, lúc ngắn lúc dài, lúc phì phò lúc êm dịu. Hơi thở lại rất nhạy với cảm xúc. Trước một cảnh đẹp, ta “nín thở”. Lúc lo âu, ta hổn hển. Lúc sảng khoái ta lâng lâng. Lúc sợ hãi, hồi hộp ta thở nhiều kiểu khác nhau, muôn hình vạn trạng. Và nhờ đó mà thấy vô thường. Nhờ đó mà ta quán sát được cái tâm ta. Thở cũng gắn với các hoạt động cơ bắp. Khi mệt, ta mệt “bỡ hơi tai”, mệt đứt hơi, mệt hết hơi; khi khỏe, ta thở nhẹ nhàng sảng khoái! Nhờ đó mà ta quán sát được cái thân ta. Rõ ràng chỉ có hơi thở mới là một sợi dây nhạy cảm buộc vào thân vào tâm, là cái cầu nối giữa thân và tâm. Không chỉ thế, thở còn vừa là ý thức, vừa là vô thức. Như không cần ta. Như ở ngoài ta. Như không có ta. Quan sát thở, ta còn có dịp đào sâu xuống…vô thức. Ta thấy thở gắn với sự sống chết của kiếp người. Còn sống là còn thở, chết là hết thở, là tắt thở, là ngừng thở. Để ý một chút ta sẽ thấy đời người thực ra chỉ là… một hơi thở! Khi chào đời em bé khóc thét lên một tiếng thật to để hít mạnh không khí vào phổi để rồi khi lìa đời, cụ già lại thở hắt ra một cái, trả lại cho đời tất cả những gì mình đã vay mượn! Giữa hai lần thở vào thở ra đó là những đợt thở… lăn tăn như những làn sóng nhỏ, mà nối kết các làn sóng nhỏ lăn tăn đó lại với nhau ta có cuộc rong chơi trong cõi “Ta bà”! Mỗi hơi thở vào ra trung bình khoảng 5-10 giây. Mỗi giây, trong cơ thể con người đã có hằng trăm triệu tế bào hồng cầu bị hủy diệt và hằng trăm triệu hồng cầu khác được sản sinh. Quán sát hơi thở do đó ta thấy đựơc sự sinh diệt.

Thở có thể làm chuyển biến tâm trạng ta, chuyển hóa cảm xúc ta, cả hành vi ta nữa. Đang sôi giận mà kịp nhớ lại, quán sát sự thở của mình thấy nó phập phều kỳ cục, tức cười, bèn quên giận mà hơi thở được điều hoà trở lại lúc nào không hay: điểm hưng phấn trên vỏ não đã bị dịch chuyển! Nói khác đi, ta có thể dùng cách quán sát hơi thở để tự kiểm sóat cảm xúc và hành vi của mình. Quán sát hơi thở cũng lôi kéo ta trở về hiện tại tức khắc- không còn đắm mình trong dĩ vãng hay tương lai. Bởi vì thở là thở trong hiện tại. Ở đây và bây giờ.

Giận dữ , lo âu, sợ hãi tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Cho nên những lúc đó ta dễ cảm thấy kiệt sức! Ngủ là một cách giảm tiêu hao năng lượng, nhưng vẫn còn co cơ, vẫn còn chiêm bao. Một đêm ác mộng sẽ thấy bải hoải toàn thân khi thức giấc!Thiền giúp tiết giảm tiêu thụ năng lượng một cách đáng kể, còn hơn cả giấc ngủ. Một khi cơ thể giảm tiêu thụ năng lượng thì các tế bào được nghỉ ngơi, nên toàn thân cảm thấy thấy nhẹ nhàng sảng khoái. Trạng thái nhẹ nhàng sảng khóai đó xảy ra trên từng tế bào của cơ thể. Một cảm giác lâng lâng dễ chịu toàn thân của hành giả, phải chăng đó chính là trạng thái hỷ lạc (thiền duyệt?).

Phổi ta như một cái máy bơm, “phình xẹp” để đưa khí vào ra là nhờ có áp suất thay đổi. Khi áp suất âm trong phổi và các phế nang thì khí bên ngoài tự động lùa vào, tuôn vào, lấp đầy phổi và các phế nang, cho đến một lúc lượng khí bên trong đầy dần lên thì chuyển sang áp suất dương, phổi sẽ đẩy khí ra. Có một thời điểm áp suất cân bằng nhau, hay nói cách khác, áp suất bằng không (0=zéro), thì khí bên trong cơ thể và bên ngoài vũ trụ chan hòa thành một, không phân biệt. Đó chính là quãng lặng. Quãng lặng đó ở cuối thì thở ra – trước khi thở vào trở lại – thường kéo dài, thong dong, nhẹ nhàng, yên tịnh, vì không hề tốn năng lượng. Như chim lượn bay, không phải vỗ cánh, như xe ngon trớn chạy ở số không, không tốn nhiên liệu! Đó chính là giai đoạn “Prana”. Pra có nghĩa là trước và Ana là thở vào ( trước thì thở vào cũng có nghĩa là sau thì thở ra). Prana đã được biết đến từ xa xưa. Yoga, khí công, cũng như y học Đông phương nói chung đã nói đến Prana từ thời cổ đại. Trong yoga có “pranayama” là kiểm soát hơi thở. Trong thiền định, không còn phải là vấn đề kiểm soát hơi thở nữa mà hơi thở sẽ tự kiểm soát! Đến một lúc nào đó, khi vào sâu trong thiền định, hành giả sẽ không cảm nhận mình thở nữa. Hơi thở nhẹ gần như ngưng bặt. An tịnh. Hòa tan. Tan biến. Có thể nói đến một phương pháp thiền tập- tạm gọi là “Pranasati” chăng?- tức đặt “niệm” vào quãng lặng, và thực chất cũng không còn cả niệm, một sự “vô niệm” hoàn toàn chăng? Những hành giả giàu kinh nghiệm (thiện xảo) cho biết có thể vào định ngay hơi thở đầu tiên có lẽ nhờ rèn tập mà khoảng lặng ngày càng dài ra, mênh mông ra như không còn biên giới, như hòa tan vào hư không, lắng đọng, thanh thoát. Lúc đó không còn ý niệm về không gian, thời gian, về ta, về người… Tiến trình hô hấp vẫn diễn ra, sâu trong các tế bào, nhưng ở mức thấp nhất, nhẹ nhàng nhất, tiêu thụ năng lượng tối thiểu và do vậy nhu cầu sản xuất năng lượng không còn đòi hỏi nữa, các tế bào ở trong trạng thái hoàn toàn tĩnh lặng, “nghỉ ngơi”!

Khi nói đến thiền, ta thường nghĩ ngay đến ngồi: ngồi thiền. Rồi nào kiết già, bán già, hết sức phức tạp và bí hiểm như chỉ dành riêng cho một giới nào đó. Thiền thực ra không nhất thiết phải ngồi, không nhất thiết phải kiết già, bán già. Đi đứng nằm ngồi gì cũng thiền được. Người Nhật, người Tây Tạng có cách “ngồi” thiền riêng của họ, người Tây phương có cách khác hơn, miễn sao có một tư thế thoải mái, dễ chịu là được. Thế nhưng cách ngồi tréo chân (kiết già, bán già) lại có lợi ích hơn cả. Tại sao? Tại vì khi ta đứng, ta đi, các bắp cơ phía trước của hai chân phải co lại để nâng đỡ cả thân mình, trong khi các bắp cơ phía sau thì duỗi ra. Lúc ngồi tréo chân ta đã làm cho hoạt động các bắp cơ đổi chiều. Đây là phương pháp “đối chứng trị liệu”. Khi đi bộ lâu, mỏi chân, ta ngồi xuống, xếp bằng và hít thở một lúc sẽ thấy hai chân bớt mỏi rất nhanh. Cơ nào đã duỗi lâu thì được co lại, cơ nào đã co lâu thì được duỗi ra! Thiền hay yoga do vậy khai thác kỹ thuật này để trị liệu rất có hiệu quả sự mỏi mệt, không kể ngồi theo cách này cũng giúp làm giảm sự tiêu thụ oxy đáng kể!

Giữ lưng thẳng đứng cũng là một yêu cầu vô cùng quan trọng trong thiền. Ta dễ có khuynh hướng chiều theo độ cong tự nhiên của cột sống dưới sức nặng của thân thể do trọng lực- và nhất là do tuổi tác- dễ dẫn đến cong vẹo cột sống hoặc đau cột sống cổ, đau thắt lưng. Ở tuổi trung niên nhiều người đã bị những cơn đau dữ dội đến phát khóc. Đó là những cơn đau cấp tính, nếu nghỉ ngơi hoàn toàn và uống thuốc theo toa bác sĩ chừng mươi ngày sẽ khỏi, nhưng không khỏi hẳn, dễ tái phát do tư thế chưa được điều chỉnh. Bởi nguồn gốc sâu xa hơn của đau cột sống, đau thắt lưng lại là do stress, nếp sống căng thẳng phải chịu đựng, dồn nén lâu ngày. Cơn đau là tiếng chuông báo động để ta “tỉnh ngộ”! Một người cúi gầm suốt ngày trước máy vi tính hay tivi thì sớm muộn cũng bị những hội chứng về cột sống. Một người đi chùa lạy Phật mà tư thế không đúng thì lâu ngày cũng bị đau cột sống như vậy! Nhất là khi đã có tuổi, cột sống có khuynh hướng cứng lại, mất đàn hồi, các lớp sụn độn giữa hai đốt sống dễ bị bẹp, có khi “xì” ra một bên, chèn ép gây đau. Do vậy, giữ lưng thẳng đứng trong lúc ngồi thiền là điều cần thiết. Kết hợp với tập thể dụng bụng, có nghĩa là tập cho thắt lưng được dẻo dai, cũng sẽ làm chậm tiến trình lão hóa.

Trong thiền, một yếu tố rất quyết định nữa là sự thả lỏng toàn thân,“buông xả” toàn thân, mà có người ví như thả trôi theo dòng nước. Thả lỏng toàn thân là cách làm cho toàn thân như rủ xuống, xẹp xuống, bình bồng, không còn căng cứng nữa! Có thể nói cơ thể ta như chỉ gồm có hai thành phần: “thân xác” và “thân hơi”. Thả lỏng là “xì” cho xẹp cái thân hơi đó- mà tiếng Việt ta có một từ rất hay là “xả hơi”! Khi quá mệt, quá căng thẳng thì ta cần “xả hơi”! Khi đó, không một bộ phận nào của cơ thể còn phải căng nữa, phải gồng nữa, kể cả vỏ não. Tiêu hao năng lượng cho trương lực cơ ( tonus musculaire) và hoạt động của vỏ não sẽ giảm thấp nhất có thể được. Y học chứng minh tiêu hao năng lượng trong thiền rất thấp, dưới mức chuyển hóa cơ bản, thấp hơn cả khi ngủ, nhờ vậy mà năng lượng được tích lũy tốt hơn, giúp chữa nhiều thứ bệnh hoạn một cách hiệu quả.

Cơ thể ta có khoảng trăm ngàn tỷ tế bào. Mỗi tế bào thực chất là một “sinh vật” háo ăn, háo làm, háo tiêu thụ oxy ( để kết hợp với thức ăn qua những phản ứng gọi là oxyt-hóa) nhằm tạo ra năng lượng cho cơ thể hoạt động. Nhưng oxyt-hóa càng mạnh thì càng tạo thêm các gốc tự do và các chất… bã, làm cho cơ thể mau mệt mỏi, mau già nua! Giống như một thanh sắt để ngoài nắng gió một thời gian sẽ bị oxyt-hóa thành rỉ sét ngay. Khi cơ thể có cách nào làm giảm tiêu thụ năng lượng không cần thiết thì các tế bào cũng sẽ được nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng.

Khi cơ thể đã chùng xuống, đã giãn cơ, tức giảm tiêu hao năng lượng một cách đáng kể rồi thì cũng sẽ thấy bớt cần thiết phải cung cấp các dưỡng chất qua thức ăn (bột, đạm, dầu mỡ)… vốn là nguồn tạo năng lượng! Ăn ít mà vẫn đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng thì cơ thể đỡ vất vả, các tế bào đỡ hùng hục làm việc, tinh thần sẽ sảng khoái. Các nghiên cứu trên sinh vật bị cho nhịn đói vừa phải thấy sống lâu hơn và trẻ lâu hơn!

Các nghiên cứu y sinh học cho thấy các nhà sư có thể làm giảm nhu cầu oxygen đến 40% trong lúc thiền. Lúc đầu các nhà khoa học nghĩ thiền chắc cũng giống như ngủ hay nghỉ ngơi tích cực, nhưng thật ra khác hẳn! Thiền khoảng 30-40 phút thì mức lactate trong động mạch giảm, phenylalanine tăng 20%, giảm các họat động hệ giao cảm trên bề mặt da, giảm nhịp tim và hô hấp đáng kể.

Cortisol và ACTH cũng giảm, do đó, không bị stress; trong khi Arginine và Vasopressin, được coi là có vai trò trong học tập và trí nhớ gia tăng đáng kể. Nhiều nghiên cứu ngày càng sâu hơn về beta-endorphin, corticotropin, melatonin, DHEA… hứa hẹn giải thích cơ chế tác dụng của thiền trên nhiều mặt… trong tương lai.

Những năm gần đây, nhờ có các phương tiện như PET (positron emission tomography) hay SPECT (single photon emission tomography) và fMRI (functional magnetic resonance imaging) để đo hoạt động tưới máu não, cho thấy một số vùng được tưới nhiều hơn vùng khác, chứng minh thiền khác với giấc ngủ, mà đó là một trạng thái tỉnh giác an tịnh (state of restful alertness). Kỹ thuật fMRI cho thấy hoạt động tưới máu não gia tăng ở vùng liên quan đến sự chú ý (vùng lateral prefrontal và parietal), cũng như gia tăng ở vùng kiểm soát tự động, tỉnh thức (pregenual anterior angulate, amygdala, midbrain và hypothalamus). Nhưng nói chung, tưới máu não trong thời gian thiền rõ ràng là giảm một cách đáng kể, chỉ tập trung vào một số vùng nhất định như đã nêu trên. Điều này cho thấy thiền giả không tiêu hao nhiều năng lựơng cho các hoạt động vỏ não.

Các nghiên cứu về sinh lý học trong thiền vẫn còn đang tiếp tục nhưng rõ ràng thiền có khả năng làm giảm stress, giảm huyết áp và tạo sự sảng khoái, là yếu tố của sức khỏe, của chất lượng cuộc sống. Thiền ngày càng trở nên một kỹ thuật trị liệu hiệu quả trong y sinh học, nhất là lĩnh vực tâm lý trị liệu, nên đã có nhiều ứng dụng thực tiễn trong y khoa.

Nghiên cứu về lâm sàng cho thấy thiền giúp giảm thời gian nằm viện của bệnh nhân, giảm lo âu, trầm cảm, giảm 50% các triệu chứng tâm thần nói chung. Người hành thiền hơn 5 năm có tuổi già sinh lý trẻ hơn 12 năm so với người cùng tuổi, dựa trên 3 yếu tố là huyết áp, khả năng điều tiết nhìn gần của thị giác và khả năng phân biệt của thính giác. Học sinh cấp 2 có thực tập thiền trên 2 tháng, có kết quả học tập tốt hơn, có khả năng tập trung, thói quen làm việc, cải thiện hành vi (giảm xung đột, hung hăng), tự tin hơn, có khả năng hợp tác và quan hệ tốt hơn với người khác. Thiền giúp làm giảm cân, giảm béo phì, giảm nghiện thuốc lá, rượu, các chất ma túy nói chung.

Bầu khí quyển chúng ta thở hôm nay so với cách đây 700 triệu năm – tức là khi có những sinh vật đơn bào đầu tiên trên trái đất- thì cũng chẳng khác biệt! Với người anh em đơn bào đó thì ta cũng đang cùng hút chung một bầu khí, cùng bú chung một “núm vú” vũ trụ, cùng với muôn loài khác nữa! Các sinh vật cùng chia sẻ một cách…bình đẳng, không phân biệt và theo nhu cầu như vậy. Ta hút lấy oxy của không khí, lại tạo ra carbonic; trong khi cây cỏ hút carbonic lại tạo ra oxy. Con thằn lằn, con tắc kè, con ễnh ương… cũng phình ra xẹp vào như ta vậy. Bầu khí quyển vẫn không thay đổi, không thêm bớt. Nhưng chính con người có thể làm hại môi trường sống của mình mà không hay nếu cứ theo đà hủy diệt sự sống của thiên nhiên và muôn loài trên hành tinh xanh này!

Hãy nương tựa chính mình. Bởi nói cho cùng, ai có thể “thở” giùm ai? Ai có thể “thiền” giùm ai?

Đỗ Hồng Ngọc(Tủ sách Phật học TỪ QUANG, Chùa Xá Lợi, Tập 1-2012)

Thứ Bảy, 11 tháng 10, 2014

Chuyện Đà Lạt của tôi

Phan Bá Phi

Tôi sinh ra ở Đalạt. Mẹ tôi sinh ra ở Đalạt. Ông ngoại tôi là người nấu bếp và lo phát gạo cho phu thợ xây khách sạn Palace. Nếu dựa vào tuổi mẹ tôi năm nay 80, thì dòng họ ngoại của tôi đã có mặt ở Đalat ít nhất là 80 năm nay. Nói như thế để thấy mình gắn bó với Đalạt đến chừng nào , và cho mình cái tự tin để tản mạn câu chuyện về Đalat của tôi.


Ông ngoại tôi kể. Cái thuở ấy, trung tâm Đalạt nằm ở cây số 6. Có nhiều bạn chưa hình dung cây số 6 là ở đâu? Này nhé. Bên trái khu nghĩa trang Đalạt là cây số 4. Con đường bên phải của nghĩa trang về phía Núi Bà thêm độ 2 km là khu phố 6, cũng gọi là cây số 6. Thuở ấy khu Hoà Bình vẫn còn hoang dã. “Tây cho tao khu đất của Vĩnh Chấn bây giờ, mà tao đâu có thèm”. Ông nói, không có gì tiếc nuối về cái từ chối của mình. Không như thằng cháu đang trố mắt “Phải chi ông chịu thì…” Ước vọng của ông chẳng cao xa chi. Ngày hai buổi, đơn giản, bằng lòng. Ông ngoại tôi còn kể thêm “Thuở ấy, hồ ông Đạo (sau này gọi là hồ Xuân Hương) chưa có. Ở đó chỉ có con suối nước trong, có nai chạy cả đàn kêu bép bép. Con đường của mình đây (Phan Đình Phùng) chỉ có vài xóm nhà. Chạng vạng tối, muốn đi đâu phải đốt đuốc, khua thùng thiếc, đánh phèng la rùm beng. Chứ không cọp nó rinh (rinh, không với dấu huyền). Mọi người đều nghèo khổ, tứ xứ đến đây. Nhiều nhất là dân từ miền Trung khô cằn sỏi đá. Ông nói, hồi dó tao phải đi bộ từ Phanrang lên đến đây. Gặp con gái mọi để ngực trẩn thấy mum múm đã thèm. Ông không màng đến mấy chữ Hoàng Triều Cương Thổ, nơi mà muốn vào, phải có giấy phép của Tây hay Vua quan chi đó. Và tôi lớn lên cũng chỉ biết có vầy vậy.




Tôi hãnh diện là dân Đalạt chính tông, nhất là những khi người ta nói về Đalạt. Nào là “petit Paris”, nào là xứ hoa Anh Đào, nào là con gái Đalat má đỏ hồng, mới gặp đã thấy muốn thương. Cứ mỗi lần đi Saigon hay về Nha Trang, tôi cũng mặt đỏ môi hồng, mà sao chẳng có cô nào thương? Hay nóng quá, mồ hôi nhễ nhại làm các cô chạy dài chăng? Tôi hãnh diện những khi người ta nói về Đalat thông reo, có suối Cam Ly, có đèo Prenn, rừng Ái Ân, hồ Than Thở thơ mộng. Hay dù khi có những nụ cười rúc rích về cái lạnh làm mấy cô ít tắm. Mấy anh cũng ít tắm, nhưng người ta chỉ thích nói vế các cô má đỏ môi hồng. Nhiều khi nói chuyện về Petit Lycée, Grand Lycée mà cứ tưởng như mình là dân trường Tây chính cống. Cái hãnh diện lây lan đáng ghét. Nhưng mà, cái chất Tây nó cứ bàng bạc. Nó đã một thời làm tôi hãnh diện. Pasteur, Lycée, Grand, Petit, Couvent, Oiseaux, Domaine de Marie, những từ ngữ chen lẫn trong đời sống hàng ngày làm cho tiếng gọi “Con đường tình ái”, “Thung lũng tình yêu” nghe sao trần tục. Nó cần phải cái gì cao cấp. Dường như cái âm điệu “Route d’amour”, “Vallée d’amour” làm người nghe, nhất là khách đến từ thành phố lạ, trố mắt, tự cảm thấy quê mùa bên những chàng trai Đalat “Phờ răng xe” (français) chính hiệu.



Tôi hãnh diện với Đalat của tôi vì Đalat có những cái mà nhiều nơi không có. Mỗi lần đi đến thành phố xa, mười lần y chang một chục. Vài cây bông cải, chai rượu dâu, vài ký mận là quá đủ để hái những lời trầm trồ chúc tụng. Hối mới quen, tôi cũng tập tễnh làm anh gentleman, mang từng bó hoa hồng từ Đalat về cho người yêu xứ Saigon . Bây giờ nàng hỏi. Sao ngày xưa anh mang từng bó hoa hồng, sao bi giờ không thấy. Em ơi, ngày xưa em là ngưòi yêu bé bỏng, bây giờ em là bà xã cục cưng. Thôi miễn. Tiết kiệm thêm tiền làm việc thiện, tích phước cho con.

Tôi hãnh diện khi người ta nói về những cây thông Đalat, một loài cây, khi tôi còn bé, mẹ đưa mấy đồng, sai đi mua về nhóm lửa. Thuở ấy mẹ gọi là cây ngo. Từng bó ngo, thịt đỏ hồng, mùi dầu thơm thơm, bắt lửa rất nhanh, khói đen kịt. Người Thượng hay mang từng gùi về phố đổi gạo. Từ cây ngo, tên gọi thành cây thông, rặng thông, rồi đồi thông, thông reo đầy chất tình đến với tôi hồi nào không biết. Những ngày ở bậc Tiểu học, tôi cùng lũ bạn dắt nhau trèo, vượt qua mấy trăm bước thềm đến lăng Nguyễn-Hửu-Hào (bố của Nam Phương Hoàng Hậu của vua Bảo Đại), giữa những rặng thông già cao vút. Ngồi đó loanh quanh nghe sờ sợ như có ông Ba Mươi đâu đó bên kia mé rừng. Hay đôi lúc bạo gan chạy ùa đến thung lũng bên kia đồi để hái vài túi mát mát chua lét.




Những rặng thông vi vu thật yên tĩnh hửu tình cạnh hồ Than Thở, những rặng thông uốn quanh đèo Prenn, hay những rặng thông thẳng tắp vươn lên cao như bao trùm lấy cái “Route d’amour” đã làm chứng nhân cho mối tình mới lớn của tôi, đã gửi lại trong tôi những ngày rất đáng nhớ với anh em Hướng Đạo, Hồng Thập Tự. Những kỹ niệm thật đẹp, thật êm, vi vút ngàn thông, bây giờ cũng chỉ là những kỷ niệm thật đẹp thật nhớ.

Vào tuổi thanh niên, tôi lại thấy Đalat sao ớn quá. Mưa gì dai dẳng đìu hiu. Xứ gì, mới đi một vòng đã hết phố. Mấy chục cái cột quanh khu Hoà Bình đếm hoài không hết. Mỗi tuần đi mấy chục vòng. Vòng ngược vòng xuôi, mãi bao nhiêu năm vẫn không biết có bao nhiêu cái. Cứ mở mắt dậy, không đi học, không đi công việc thì lại trực chỉ khu Hoà Bình. Xin ba mẹ được vài trăm, vài chục lại chui vào, quay đi quẩn lại, cũng Café Tùng, Mékong, Thuỷ Tạ. Ngồi hàng giờ, cà phê một tách, trà (miễn phí) mấy bình. Cùng tranh nhau ngồi bàn cạnh của kiếng Mékong để được nhìn cô bé Liên ở cửa hiệu bên kia đường đang làm duyên làm dáng. Rồi cũng mấy câu chuyện nhai đi nhai lại, cũ nhách, bàn tán chê khen tưới sượi. Con đường này, mấy con đường này, tôi đã đi lại lắm lần, lần này cũng giống hay gần giống những lần khác. Nhưng tôi vẫn đi, lũ bạn vẫn đi. Những con đường quen thuộc. Quen thuộc đến sõi đá quen tên, như TCS đã viết. Đalat của tôi là thế đấy. Nên thơ và thật nhỏ bé, tù túng. Thế mà những câu vẫn dòn như bắp rang. Thế mà chúng tôi vẫn cứ đi và đếm những cây cột quanh khu Hoà Bình. Nghĩ lại, tôi thấy mình và lũ thanh niên ngày ấy thật quái chiêu.





Lại nhớ những ngày túi không tiền, bát phố suông mãi cũng buồn, đành vác mấy cần trúc đi câu. Ba hồ, Xuân Hương, Tổng Lệ, Đội Có, hồ nào tôi cũng kinh qua.Mấy anh em trai đều học nghệ câu với ba tôi. Cá giếc, cá chép, cá Mỹ (một loại cá ‘bat’ mà người Mỹ mang thả ở hồ Xuân Hương đâu khoảng những năm 60, mà bà con gọi cá Mỹ cho tiện), tôi đều tham gia. Ngoại trừ môn câu cá lóc với cần câu quay (kiều VN) mà ba tôi rất thiện nghệ, mê thích và kiên nhẫn.

Cái còn nhớ và còn thật thương những ngày câu cá là cảnh mặt hồ gương của hồ Xuân Hương những chiều lặng gió. Cái mặt hồ nó đẹp lạ lùng. Nó phẳng đúng như gương, nó êm, mịn như làn da mặt đứa con gái, đôi khi cũng đỏ hồng vào những buổi hoàng hôn, khi mặt trời còn ráng đỏ trên chặng núi Voi về phía xa xa. Nó phản chiếu cảnh vật một cách tài tình. Nhìn phía nào cũng thấy cái thực và cái phản chiếu. Cái đang thực thật là tỉnh. Cái phản chiếu cũng thật là tĩnh. Ngoại trừ những lúc rung rinh, lăn tăn gợn sóng do làn gió vu vơ mang tới hay những vòng cong bung tròn do chú cá đớp động đâu dây. Mặt hồ gương. Khen ai khéo tạo cụm từ. Cái nóc cao của trường Grand Lycée, cái đỉnh chuông Nhà Thờ Con Gà (nhà Thờ Chánh Toà), nhà Thuỷ Tạ, cái nào cũng có hai. Cái dáng người đi trên đường. Cái ảnh người đi dưới nước như hai người củng một nhịp, ăn khớp đến tuyệt diệu. Mặt hồ gương lung linh mây trời. Mây trên trời, mây dưới nước. Đẹp và thật êm. Tôi đã một lần gặp lại cảnh mặt hồ gương ấy trong một buổi chiều đi câu, sâu trong vùng rừng núi Laurentide ở Québec. Cũng rất đẹp và rất êm. Nhưng không làm sao bằng được cảnh mặt hồ gương của Dalat của tôi. Nó thiếu hẳn tiếng chuông chiều từ phía nhà Thờ Con Gà, nghe như tiếng ngân của lòng mình, thanh tịnh, bình an. Nó thiếu cái vùng sáng của mặt trời sắp tắt trên đỉnh núi Voi. Nhất là nó thiếu hẳn cái trong lòng của tôi mà chỉ có Đalat mới dành được một góc thật lớn.



Mấy chục năm qua. Bạn thân còn đủ 5 đứa. Có đứa, đã từng ấy năm chưa gặp lại. Chỉ biết, bọn nó, đứa nay ở nơi nọ nơi kia. Đã qua lâu rồi, những lúc đi, đếm, những con đường đầy kỷ niệm của tuổi trẻ và tình yêu. Đi không biết đi để đến đâu. Đếm mà không hình dung cho đến nhiều năm sau vẫn chưa đếm xong. Cái ớn của những ngày mưa dai dẳng, ướt át lê thê, bây giờ không còn. Cái nhớ những buổi chiều buông với mặt hồ gương thật bình yên. Vẫn còn, vẫn đậm. Và rất nhớ. Đalat chỉ có hai mùa: mùa mưa và mùa nắng.


Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

Một vụ tống tiền có dấu hiệu liên quan đến nhà báo và suy nghĩ về kiểu nhà báo lưu manh

Trần Hồng Phong


Thông tin mà nhà báo biết được trong nhiều trường hợp đã được sử dụng như một vũ khí nhằm mục đích tống tiền cá nhân, doanh nghiệp. Thật kinh hoàng nếu những hành động như vậy của nhà báo lại được sự dung túng hay khuyến khích từ chính những vị tổng biên tập. 


Trên báo Người Lao Động ngày 10-10-2014 có bài "Bà Vũ Thúy Huệ đã chuyển vào tài khoản của Nguyễn Anh Tuấn 1 tỉ đồng" nói về việc do bị thúc ép nhiều lần và lo sợ dư luận hiểu nhầm, ảnh hưởng uy tín của mình và chồng, bà Vũ Thúy Huệ, nguyên Chủ tịch PV EIC, đã chuyển vào tài khoản của một người đàn ông tên Nguyễn Anh Tuấn số tiền 1 tỉ đồng. Ngay sau đó, bà Huệ đã báo cho công an, dẫn đến việc ông Tuấn bị bắt khẩn cấp về hành vi cưỡng đoạt tài sản.





Lực lượng công an khám xét nhà Nguyễn Anh Tuấn ở đường Hoa Lan, quận Phú Nhuận, TP HCM, vào ngày 7-10-2014. Ảnh: Tân Tiến (NLĐ)

Theo báo Người Lao Động, ông Nguyễn Anh Tuấn (sinh 1971, ngụ Đống Đa, TP Hà Nội) đang là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn tài chính Việt, đã bị bắt theo phê chuẩn của Viện KSND Tối cao vào ngày 7-10-2014.



Về dấu hiệu phạm tội của ông Tuấn, nguyên văn bài trên báo Người Lao Động như sau:

Theo thông tin ban đầu từ cơ quan điều tra, ông Nguyễn Anh Tuấn khai nhận vào khoảng tháng 9-2014, thông qua mối quan hệ ngoài xã hội, Tuấn nghe được thông tin từ một số nhà báo nói chuyện với nhau tại quán cà phê số 6 (phố Tú Xương, TP HCM) về việc đang chuẩn đăng tải bài viết có nội dung liên quan đến dấu hiệu tiêu cực tại Tổng Công ty Năng lượng dầu khí Việt Nam (PVEIC).
Đáng chú ý là trong bài viết đó còn có nội dung nói xấu, hạ uy tín bà Vũ Thúy Huệ, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Công nghệ Năng lượng Dầu khí Việt Nam (PV EIC, trụ sở tại TP HCM) thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cùng chồng của bà Huệ là một vị Phó tổng giám đốc PVN.
Nhìn thấy đây là cơ hội tống tiền bà Huệ, Tuấn đã tìm hiểu nội dung chi tiết bài báo sẽ đăng tải như thế nào và đã nhiều lần liên lạc qua điện thoại, nhắn tin và trực tiếp gặp bà Huệ đưa tài liệu về bài báo sẽ đăng tải có nội dung hạ uy tín vợ chồng bà Huệ. Đồng thời, Tuấn yêu cầu bà Huệ phải đưa 110.000 USD để Tuấn đưa cho một số nhà báo tham gia viết bài nếu không sẽ cho đăng tải trên một số tờ báo. Do bị thúc ép nhiều lần và lo sợ dư luận hiểu lầm qua các bài báo, ảnh hưởng đến uy tín của bà và chồng nên đầu tháng 10, bà Huệ đã chuyển vào tài khoản của đối tượng Tuấn 1 tỉ đồng qua ngân hàng Eximbank, đồng thời tố cáo sự việc này đến cơ quan Công an.
Vụ việc đang tiếp tục được cơ quan công an điều tra, làm rõ.



Với diễn biến như trên, có thể thấy ông Tuấn đã dùng thông tin mà mình có được từ các nhà báo để uy hiếp, tống tiền nạn nhân (bà Huệ). Thủ đoạn của ông Tuấn là tương đối đơn giản, rõ ràng.



Tuy nhiên, qua những lời ông Tuấn khai ban đầu (giả thuyết là đúng), có thể thấy nhiều khả năng ông Tuấn có mối quan hệ đến một vài nhà báo cụ thể, chứ không đơn giản là tình cờ ngồi uống cà phê rồi hóng tin một cách ngẫu nhiên. Vì sau đó ông đã có được "nội dung chi tiết" của bài báo và để thậm chí còn cho biết mình có khả năng tác động để đăng hay không đăng bài báo tống tiền đó, tùy thuộc vào sự chung chi của bà Huệ.



Theo nhận định của chúng tôi, trong vụ việc này nhiều khả năng có sự thông đồng, "hỗ trợ" của nhà báo. Thậm chí đây là hành vi phạm tội có tổ chức, với sự bàn bạc tham gia của nhiều người, là sự đồng phạm nhằm mục đích tống tiền, chứ không đơn giản chỉ một mình ông Tuân "đơn thương độc mã" phạm tội.



Chính vì vậy, điều mà dư luận đang quan tâm là những nhà báo mà ông Tuấn khai có quen biết là nhà báo nào? làm việc ở tờ báo nào?



Trên thực tế, việc các nhà báo khi có trong tay những thông tin xấu về một cá nhân hay doanh nghiệp nào đó, rồi lợi dụng thông tin này để ra giá, tống tiền các cá nhân, doanh nghiệp như trong trường hợp này hoàn toàn không phải là hiếm lạ tại Việt Nam.



Khoảng hơn 10 năm trước, ở báo Tuổi Trẻ từng có nhà báo HL (xin được mã hóa tên vì "tế nhị") là nỗi khiếp đảm của rất nhiều doanh nghiệp. Thời điểm đó trên báo Tuổi Trẻ có rất nhiều bài viết "đặc sắc hấp dẫn", nội dung chuyên phanh phui những sai phạm, những chuyện thâm cung bí sử của không ít doanh nghiệp - được ký dưới bút danh HL. Đến mức hễ doanh nghiệp nào được nhà báo này viết bài, thì xem như đã rơi vào bảng "tử thần"! Cái tên HL đã trở thành một "thương hiệu" mà các giám đốc doanh nghiệp nghe đến là "run"! Tuy nhiên đi đêm có ngày gặp ma, cuối cùng nhà báo "lớn" này cũng phải đứng chung vành móng ngựa trong vụ án Trùm xã hội đen Năm Cam, trong một tội danh liên quan đến hoạt động báo chí của mình.



Bản thân tôi, với tư cách là luật sư, cũng đã từng ít nhất vài lần tiếp cận với những tình huống dở khóc dở cười liên quan đến hoạt động báo chí, theo kiểu tống tiền như trên.



Chẳng hạn có lần một lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất lớn tại Việt Nam có đưa cho tôi xem 2 bài báo của cùng một tác giả được gửi đến cho doanh nghiệp. Cùng một sự việc, nhưng nội dung một bài báo thì viết tốt, khen doanh nghiệp tối đa. Trong khi bài còn lại thì lại có những thông tin cực xấu, chụp mũ doanh nghiệp. Và ông nhà báo ra điều kiện là: nếu doanh nghiệp chịu đăng quảng cáo trên báo của ông (trị giá khoảng trên 100 triệu đồng) thì báo sẽ đăng bài "tốt". Nếu không thì báo sẽ đăng bài "xấu"!!! Hê hê,



Mới ngày hôm nay (10-10-2014), trên một tờ báo trong nước có đăng một bài phỏng vấn ông Nam Đồng, nguyên tổng biên tập báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, là sếp cũ của tôi. Theo đó, ông Nam Đồng nêu ý kiến phản đối một lãnh đạo cơ quan báo chí (mà ông nói không nêu tên vì tế nhị), vị này đã nói rằng "Vậy Thẻ nhà báo để làm gì?" khi có phóng viên than thu nhập quá thấp không đủ sống. Tình tiết này thêm một lần nữa khẳng định rằng trong hoạt động báo chí tại Việt Nam hiện nay luôn có những mảng tối. Nhưng điều đáng quan ngại hơn là ngay trong quan điểm của không ít lãnh đạo ở một số tờ báo, luôn tiềm ẩn kiểu tư duy làm báo theo kiểu "đánh đấm" tống tiền, rất lưu manh, vô học! Sếp mà còn như vậy, thì khó lòng đòi hỏi lính (nhà báo) đàng hoàng cho được.



-----------------------



Quy định tại Bộ luật hình sự:



Điều 135. Tội cưỡng đoạt tài sản

1. Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

Mặt trận phản biện và phản biện mặt trận

Bài viết sau đây của nhà báo Bá Tân làm việc tại báo Đại đoàn kết, cơ quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ông Bá Tân vẫn tin rằng MTTQ có khả năng giám sát, phản biện và cố gắng tìm cách lý giải sao cho khả năng này của MTTQ khả dĩ trở thành hiện thực.

Tuy vậy, không ít người đã nhận ra bản chất thật của tổ chức "cây kiểng vô duyên" này. Chừng nào mặt trận còn ăn lương chính quyền (thực chất là tiền thuế của dân), còn đội "vòng kim cô của đảng" thì mãi mãi không bao giờ có chuyện phản biện, giám sát đúng nghĩa.

Việc kêu gọi dân chúng giám sát mặt trận cũng chỉ là một chuyện nói mà chẳng làm được. Vì đơn giản hiện chẳng có cơ chế nào để cho dân giám sát mặt trận. Một số lãnh đạo mặt trận (điển hình như ông Vũ Trọng Kim - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký MTTQVN) mấy năm qua bị tố cáo liên tục chẳng có cấp nào giải quyết.

*

Mặt trận phản biện và phản biện mặt trận

Bá Tân

Phản biện là thuộc tính vốn có của con người. Xã hội càng dân chủ, tính phản biện càng được nâng cao.

Thể chế chính trị có quan hệ mật thiết với phản biện. Thể chế chính trị tiến bộ và văn minh, không những tôn trọng mà còn tạo điều kiện cho phản biện phát huy tác dụng. Ngược lại nếu thể chế chính trị thiếu dân chủ và chưa tiến bộ, hoạt động phản biện gặp đủ thứ rào cản, thậm chí những người tích cực phản biện còn bị gánh chịu tai họa.

Các tổ chức ( chính trị, xã hội, nghề nghiệp ) có chức năng, nhiệm vụ riêng biệt, không trùng lặp, nhưng sự tồn tại cũng như tác dụng của nó đòi hỏi phải biết phản biện và được phản biện. Xã hội được gắn kết bằng các tổ chức, mặt trận tổ quốc nằm trong hệ thống tổ chức ấy, và đây là tổ chức thực hiện phản biện bao trùm trên nhiều lĩnh vực. Với mặt trận tổ quốc, thuộc tính phản biện được nâng lên trở thành đặc thù. Sự tồn tại cũng như tác dụng của mặt trận tổ quốc do “ sức sống” của tổ chức này quyết định, trong đó phản biện giữ vai trò cực kì quan trọng.

Những người làm công tác mặt trận, nhất là ở trung ương và cấp tỉnh, đòi hỏi phải biết phản biện và dám phản biện. Để biết phản biện và phản biện có hiệu quả, phải có năng lực chuyên môn để phân định đúng sai, xác định đúng nguyên nhân của vấn đề, đề xuất giải pháp giải quyết. Năng lực chuyên môn yếu, thật khó làm tốt công việc phản biện. Nói phải củ cải cũng nghe.
Để có lời nói phải, nhất là khi gặp những vấn đề hóc búa, cần sự hiểu biết tường tận và sâu rộng. 

Sẽ là sai lầm nếu cho rằng, cán bộ mặt trận chỉ thuần túy làm phong trào, chạy theo bề nổi mang tính tức thời. Đành rằng có việc đó nhưng nếu chỉ có vậy, sẽ tự đánh mất vai trò phản biện. Kể cả khi thuần túy làm phong trào, người có năng lực chuyên môn sâu sẽ làm phong trào khác biệt so với người hiểu biết nông cạn.

Biết làm phản biện là cần nhưng chưa đủ. Hiệu quả, tác dụng của phản biện còn phụ thuộc dũng khí dám làm phản biện. Năng lực chuyên môn cùng với bản lĩnh chính trị là 2 vế quyết định hiệu quả, tác dụng của phản biện. Đòi hỏi cả 2 phải chuẩn mực mới có thể làm tốt phản biện. Nếu một trong hai bị sứt mẻ, phản biện không thể có được hiệu quả như mong muốn. Cán bộ mặt trận phải hội đủ 2 điều kiện, năng lực chuyên môn giỏi cùng với dũng khí bản lĩnh chính trị cao. Có năng lực nhưng thiếu dũng khí, bản lĩnh chính trị non yếu, dễ đưa ra những ý kiến à ơi, vô thưởng vô phạt, không phân định rạch ròi đúng với sai.

Mặt trận tổ quốc làm phản biện cả vi mô và vĩ mô. Không chỉ cày xới ở cấp vi mô, phản biện còn phải mổ xẻ những vấn đề mang tầm vĩ mô. Phản biện để góp phần hoạch định đúng chủ trương chính sách, đó là việc khó nhưng tác dụng cực kì to lớn.

Người làm phản biện phải như dũng sĩ trinh sát, đi trước dò đường để mở đường. Chủ động tham gia từ đầu để có những con đường đẹp và tốt. Không thể ngồi chờ để khi đường hỏng mới nhảy ra làm phản biện. Sự phát triển của xã hội, sự vững mạnh của chế độ, đòi hỏi mặt trận tổ quốc thực thi công việc phản biện. Cán bộ mặt trận phải là người biết làm phản biện và dám làm phản biện.

Mặt trận tổ quốc làm công việc phản biện nhưng mặt trận tổ quốc cũng là đối tượng cần được phản biện từ phía nhân dân và các tổ chức khác. Đây là đòi hỏi khách quan, phản ánh mối quan hệ gắn bó cùng phát triển. Phản biện chéo rất cần thiết, vừa ngăn chặn lạm dụng quyền lực vừa góp phần nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân. Mặt trận tổ quốc phản biện người khác. Đến lượt người khác phản biện mặt trận tổ quốc. Đó là lẽ thường tình, phải như vậy mới phù hợp quy luật phát triển của xã hội.

Mọi công dân không chỉ có quyền mà còn phải thực hiện trách nhiệm tham gia phản biện mặt trận tổ quốc. Người dân tham gia phản biện mặt trận để mặt trận tổ quốc làm tốt nhiệm vụ phản biện, đó là yêu cầu đồng thời cũng là mục tiêu. Đây đó đã có một số người dân đứng ra phản biện mặt trận tổ quốc, việc đó rất cần nhưng chưa trở thành phổ biến, thậm chí còn mang tính tự phát. Phải có chủ trương, phải kêu gọi người dân tham gia phản biện mặt trận tổ quốc.

Hiệu quả hoạt động của mặt trận tổ quốc sẽ cao hơn nếu thực hiện chủ trương người dân tham gia phản biện mặt trận tổ quốc. Trong sân nội bộ mặt trận các cấp cũng như khi hoạt động ở “ sân khách” , còn có những vấn đề của mặt trận rất cần sự phản biện của người dân và các tổ chức khác ( trong đó có báo chí ). Những tồn tại hạn chế của mặt trận các cấp có nhiều nguyên nhân, kể cả khách quan và chủ quan, trong đó có nguyên nhân người dân chưa tích cực tham gia phản biện mặt trận tổ quốc.

Độc đoán chuyên quyền tạo ra cái được tức thời cho cá nhân hoặc một bộ phận, nhưng gây ra mất mát to lớn và lâu dài cho xã hội và chế độ. Triệt bỏ căn bệnh độc đoán chuyên quyền không hề đơn giản, trở thành vấn đề ai thắng ai trong cuộc chiến tạo dựng xã hội dân chủ.

Phản biện xã hội nếu được thực hiện tốt, đúng với tác dụng của nó, trở thành phương thuốc hữu hiệu góp phần triệt bỏ căn bệnh độc đoán chuyên quyền, quan liêu, và kể cả lợi ích nhóm.

Tuyệt đối không được coi thường uy tín của cán bộ mặt trận khi thực thi nhiệm vụ phản biện. Chỉ có lời nói, cho dù nói hay, chưa thể tạo ra uy tín. Nói phải đi đôi với làm. Làm trước khi nói. Việc làm là cội nguồn quyết định uy tín. Nói một đường làm một nẻo. Nói nhưng không làm. Những ai như thế tuyệt nhiên không có uy tín.

Phản biện thế nào được, khi không có uy tín. Chẳng ai thèm nghe những người mất uy tín.

Không có uy tín là do chủ thể tự gây ra. Mất uy tín là thứ dịch bệnh phát từ trong ra.  Đừng ngụy biện. Đừng cho rằng mất uy tín là do người khác, do xã hội. Cùng môi trường xã hội, cùng đối tượng có quan hệ. Tại sao có những kẻ khoác trên mình chiếc áo uy tín rách nát và sặc mùi ô uế. Trong khi nhiều người vẫn cốt cách sáng ngời đầy uy tín.

Phải làm người trước khi làm nghề. Phải tạo đủ nguồn sáng bằng uy tín mới có thể soi rọi vào các ngóc ngách khi thực hiện phản biện.

Vị trí chỗ ngồi không tạo ra uy tín. Uy tín cao hay thấp phụ thuộc phẩm chất và năng lực chuyên môn. Khi phẩm chất và năng lực chuyên môn thật sự có đẳng cấp, cho dù bị kẻ xấu bâu vào xỉa xói, uy tín vẫn cứ sừng sửng hiên ngang. Công nghệ làm giả không khó, có những thứ giả mà như thật. Riêng làm giả uy tín thì kể cả người mù cũng nhận ra.

Người dân đang kì vọng mặt trận tổ quốc tạo bước tiến vượt bậc khi thực hiện nhiệm vụ phản biện. Cán bộ mặt trận phải hội đủ năng lực chuyên môn và bản lĩnh chính trị để biết phản biện và dám phản biện.

Đông đảo người dân sát cánh cùng mặt trận tổ quốc các cấp tham gia công việc phản biện xã hội, đồng thời chính người dân tạo thành lực lượng xây dựng mặt trận thông qua hoạt động phản biện mặt trận tổ quốc các cấp.


Tác giả gởi bài tới blog HN