Trang

Thứ Hai, 19 tháng 1, 2015

NHÌN LẠI SỰ KIỆN TRUNG QUỐC ĐÁNH CHIẾM HOÀNG SA NĂM 1974



Xuân Thành
17-01-2015
Tháng 1 năm 1974, hải quân Trung Quốc đánh chiếm nốt các đảo thuộc phần phía Tây của quần đảo Hoàng Sa. Thấm thoắt 36 năm đã trôi qua, lớp bụi thời gian đã phần nào che phủ lên một sự kiện này, làm nảy sinh một số nhìn nhận và đánh giá sai lầm về một sự thật lịch sử, gây phức tạp thêm cho quá trình tìm kiếm giải pháp lâu dài cho những tranh chấp ở biển Đông. Do bị tuyên truyền xuyên tạc và thiếu thông tin, không ít người Trung Quốc cho rằng quần đảo Hoàng Sa đã thuộc về chủ quyền của Trung Quốc. Thậm chí, một nhóm người hiếu chiến ở quốc gia to lớn này còn cho rằng: cuộc đánh chiếm Hoàng Sa chứng minh rằng dùng vũ lực có thể giải quyết vấn đề chủ quyền lãnh thổ và có ảo tưởng rằng có thể tiếp tục sử dụng vũ lực để đánh chiếm nốt biển Đông. Chính vì vậy, việc nhìn nhận và đánh giá sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực để chiếm quần đảo Hoàng Sa một cách thật khách quan vẫn là hết sức cần thiết để làm sáng tỏ sự thật lịch sử này.
Bối cảnh lịch sử của trận chiến Hoàng Sa
Trong quá trình rút khỏi Đông Dương, chính phủ bảo hộ Pháp trao trả chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho chính quyền Sài Gòn từ tháng 10 năm 1950. Quân đội của chính quyền Sài Gòn cho quân đóng giữ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và thực thi quản lý nhà nước đối với hai quần đảo này.  
Năm 1973, sau khi ký Hiệp định Paris, Hoa Kỳ rút quân và thiết bị của mình ra khỏi quần đảo Hoàng Sa. Như vậy, Hoa Kỳ đã coi việc bảo vệ quần đảo này là việc riêng của Việt Nam Cộng hòa.
Thời gian này đã là giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh Việt Nam, chính quyền Việt Nam Cộng hoà đứng trước nguy cơ thảm bại rõ ràng. Do nhu cầu của chiến cuộc, việc phòng thủ Hoàng Sa bị suy yếu. Việt Nam Cộng hoà phải rút tiểu đoàn thủy quân lục chiến tại Hoàng Sa đưa vào đất liền, chỉ còn một trung đội địa phương quân trấn giữ nhóm đảo Nguyệt Thiềm. Bên cạnh đó, việc Hoa Kỳ thoả thuận ngầm với Trung Quốc rằng họ sẽ đứng ngoài cuộc chiến nếu xảy ra đã đẩy Việt Nam Cộng hoà vào thế hoàn toàn đơn độc. Tình hình đó tạo ra nguy cơ cực lớn cho công cuộc bảo vệ quần đảo Hoàng Sa; đồng thời cũng tạo thời cơ hết sức thuận lợi cho Trung Quốc hoàn thành việc xâm chiếm toàn bộ quần đảo này.
Diễn biến của trận chiến Hoàng Sa
Ngày 11 tháng 1 năm 1974, Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, lúc đó đang được chính quyền Sài Gòn quản lý, là một phần lãnh thổ của mình. Ngay sau đó, hải quân Trung Quốc đưa nhiều chiến hạm và tàu đánh cá có vũ trang xâm nhập hải phận Hoàng Sa.
Ngày 12 tháng 1 năm 1974, ngoại trưởng Vương Văn Bắc của chính quyền Sài Gòn đã cực lực bác bỏ luận điệu ngang ngược và lên án hành động gây hấn của Trung Quốc; đồng thời, Bộ tư lệnh Hải quân của Việt Nam Cộng hoà đã đưa bốn chiến hạm ra vùng biển Hoàng Sa để bảo vệ lãnh thổ.
Cả ngày 17 và 18 tháng 1, Trung Quốc tăng cường lực lượng và cố tình khiêu khích, các chiến hạm của họ tiến sâu vào hải phận phía tây quần đảo Hoàng Sa. Đến nửa đêm 18 tháng 1, hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10 đã ra đến nơi chi viện. Trận hải chiến lớn nhất và dữ dội nhất giữa hải quân Việt Nam Cộng hoà và hải quân Trung Quốc nổ ra vào sáng ngày 19 tháng 1.
Ngày 20 tháng 1, bốn phi cơ MiG-21 và MiG-23 của Trung Quốc oanh tạc các đảo Cam Tuyền, Vĩnh Lạc, và Hoàng Sa … Tiếp đó, binh lính Trung Quốc đổ bộ tấn công các đơn vị đồn trú của Việt Nam Cộng hoà trên các đảo này, chiếm nốt phần phía Tây của quần đảo Hoàng Sa. 58 binh sĩ quân đội Việt Nam Cộng hoà đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ Hoàng Sa.
Sau khi chiếm được toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc đã cho đập phá các bia chủ quyền tại quần đảo, đào các mộ của người Việt đã chôn ở đây, xóa các di tích lịch sử của người Việt.
Phản ứng của phía Việt Nam
Ngày 20 tháng 1 năm 1974, ngoại trưởng chính quyền Việt Nam Cộng hoà cũng đã gọi điện và gửi thư cho Chủ tịch Hội đồng Bảo an và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đề nghị có những biện pháp cần thiết trước tình hình khẩn cấp về việc Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm Hoàng sa.
Ngày 26 tháng 1 năm 1974, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ra tuyên bố phản đối hành động xâm chiếm Hoàng Sa của Trung Quốc và công bố lập trường “về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” của Việt Nam. Phản ứng trước vụ việc này, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng ra tuyên bố “các nước liên quan nên giải quyết mâu thuẫn bằng đàm phán trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, và quan hệ láng giềng”. Họ đã không thể làm gì hơn, do Hoàng Sa thời gian đó không nằm trong quyền quản lý của  của mình và họ vẫn cần đến viện trợ quân sự và kinh tế của Trung Quốc.
Sau khi miền Nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam. Ngày 5 tháng 6 năm 1976, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã lên tiếng bác bỏ những thông tin xuyên tạc về Hoàng Sa – Trường Sa và khẳng định hai quần đảo này là thuộc chủ quyền Việt Nam, từ trước đến nay đều do người Việt Nam quản lý.
Ngay sau đất nước thống nhất, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã tuyên bố chủ quyền đối với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sau đó, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vẫn luôn luôn khẳng định chủ quyền hợp pháp đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa trên biển Đông.
Sự kiện năm 1974 và vấn đề chủ quyền đối với Hoàng Sa
Trong bối cảnh chính quyền Việt Nam Cộng hoà đang gần đến ngày thảm bại hoàn toàn, Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm nốt phần phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Nhìn nhận sự kiện này dưới bình diện của luật pháp quốc tế, người ta có thể rút ra một số nhận xét sau:
Một là, những hành động đánh chiếm các đảo và quần đảo ở Biển Đông bằng vũ lực là một sự vi phạm nghiêm trọng điều 2 khoản 4 của Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó cấm các quốc gia sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là cấm sử dụng vũ lực để xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia khác. Nội dung điều khoản này trong Hiến chương Liên hợp quốc là một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đòi hỏi tất cả các nước thành viên của Tổ chức Liên hợp quốc, trong đó có Trung Quốc, đều phải tuân thủ.
Nguyên tắc này được phát triển và cụ thể hoá trong Nghị quyết 2625 ngày 24 tháng 10 năm 1970 của Đại hội đồng Liên hợp quốc trong đó quy định : “Các quốc gia có nghĩa vụ không đe doạ hay sử dụng vũ lực để vi phạm các biên giới quốc tế hiện có của một quốc gia khác hay (coi đe doạ hay sử dụng vũ lực)  như biện pháp giải quyết các tranh chấp quốc tế, kể cả những tranh chấp về đất đai và những vấn đề liên quan đến biên giới của các quốc gia”.
Hai là, hành động Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm phần phía Đông của quần đảo Hoàng Sa năm 1956 và chiếm nốt phần phía Tây của quần đảo này năm 1974 thực chất là một hành động xâm lược lãnh thổ của Việt Nam.
Trước khi Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm (năm 1956 và năm 1974) quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì quần đảo này đã có chủ. Trước đó vài thế kỷ, Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền của mình  một cách thật sự, liên tục và hoà bình đối với quần đảo Hoàng Sa (và cả Trường Sa). Những tài liệu lịch sử để lại đã chứng minh rõ ràng rằng Việt Nam đã thực thi chủ quyền của mình trên các quần đảo này ít ra là từ thời Chúa Nguyễn vào đầu thế kỷ thứ XVII. Vào thời kỳ này,  Chúa Nguyễn cử các Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải  ra hai quần đảo, mỗi năm khoảng 8 tháng, để khai thác các nguồn lợi, tài nguyên của đảo và những hoá vật từ những tàu bị đắm. Năm 1816, Vua Gia Long chính thức chiếm hữu đảo, ra lệnh cắm cờ trên đảo và đo thuỷ trình. Năm 1835, Vua Minh Mạng đã cho xây đền, đặt bia đá trên hai quần đảo.  Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải được giao thêm cả nhiệm vụ tuần tiễu, thu thuế trên đảo, bảo vệ hai quần đảo. Hai đội này tiếp tục hoạt động cho đến khi Pháp vào thống trị Đông Dương.
Cho đến ngày bị Pháp đô hộ, triều đại phong kiến Việt Nam đã liên tục thực thi chủ quyền trên hai quần đảo này một cách hòa bình, không có nước láng giềng nào cạnh tranh hoặc phản đối.
Năm 1932, Pháp khẳng định An Nam có chủ quyền lịch sử trên quần đảo Hoàng Sa và sáp nhập quần đảo này vào tỉnh Thừa Thiên. Năm 1933, Pháp sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa. Năm 1951, tại Hội nghị San Francisco về ký hoà ước với Nhật Bản khi đại biểu một nước lớn đề nghị thảo luận việc bổ sung Dự thảo Hòa ước nhằm mục đích giao hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc thì Hội nghị đã bác bỏ đề nghị đó với tuyệt đại đa số phiếu 46/51. Tại Hội nghị, khi Nhật Bản tuyên bố từ bỏ tất cả các đảo ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Đại diện Chính phủ Bảo Đại là Thủ tướng Trần Văn Hữu đã chính thức tuyên bố và khẳng định chủ quyền lâu đời của Việt Nam đối với hai quần đảo mà không có nước nào lên tiếng phản đối. Sau đó, chính quyền Việt Nam Cộng hoà đã triển khai đóng quân trên hai quần đảo, quản lý hai quần đảo theo quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954; đồng thời luôn khẳng định và thực thi chủ quyền một cách hoà bình và liên tục đối với hai quần đảo. Năm 1961, Việt Nam Cộng hoà sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào tỉnh Quảng Nam, và năm 1973, sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Phước Tuy.
Trong khi đó, Trung Quốc không có bằng chứng lịch sử và pháp lý xác thực nào để yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa (và quần đảo Trường Sa). Thực tế là, vào đầu thế kỷ 20, “Đại Thanh đế quốc toàn đồ” xuất bản năm 1905, tái bản năm 1910, đã thể hiện rất rõ ràng điểm cực Nam của Trung Quốc chỉ là đảo Hải Nam và “Trung Quốc địa lý học giáo khoa thử” xuất bản năm 1906 ghi rõ điểm mút ở phía nam Trung Quốc là Châu Nhai, Quỳnh Châu, vĩ tuyến 18013′ bắc. Các công trình nghiên cứu chính sử và các sử liệu chính thức của các triều đại phong kiến Trung Quốc từ đời nhà Hán, nhà Đường, nhà Tống, nhà Nguyên, nhà Minh cho đến nhà Thanh cũng cho thấy một kết luận tương tự: điểm cực Nam của cương vực Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam.
Theo nhiều tư liệu của Trung Quốc và của các học giả nước ngoài thì phải đến đầu thế kỷ 20, trước sự đe doạ của chủ nghĩa nghĩa bành trướng Nhật Bản, Trung Quốc mới quan tâm đến quần đảo Hoàng Sa và đến những thập kỷ 20 và 30 thì mới thể hiện ý đồ tranh giành chủ quyền với chính quyền bảo hộ Pháp. Cho đến lúc đó thì người Trung Quốc chưa có hành động thể hiện sự chiếm hữu thực sự nào đối với các đảo ở quần đảo Hoàng Sa. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, vào tháng 11 năm 1946, với lý do giải giáp quân Nhật, quân đội Tưởng Giới Thạch đổ bộ lên đảo Phú Lâm (thuộc Nhóm Đông của quần đảo Hoàng Sa và đảo Itu Aba (thuộc quần đảo Trường Sa) và đến tháng 4 năm 1950 thì rút khỏi đảo Phú Lâm. Sau khi đuổi được quân đội Tưởng Giới Thạch ra khỏi lục địa, năm 1956 chính quyền Bắc Kinh cho quân đánh chiếm toàn bộ phần phía Đông của quần đảo Hoàng Sa.
Ba là, theo luật pháp quốc tế việc Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm các đảo ở quần đảo Hoàng Sa không tạo ra được chứng cứ để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo, đá mà họ đã dùng vũ lực để chiếm đoạt. Nghị quyết 2625 ngày 24 tháng 10 năm 1970 của Đại hội đồng Liên hợp quốc được trích dẫn ở trên đã nêu rõ: “Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một cuộc chiếm đóng quân sự do sử dụng vũ lực trái với các quy định của Hiến chương Liên hợp quốc. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm hữu của một quốc gia khác sau khi dùng vũ lực hay đe doạ sử dụng vũ lực. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào đạt được bằng đe doạ hay sử dụng vũ lực sẽ không được thừa nhận là hợp pháp”.
Hành động xâm lược nói trên không bổ sung vào bộ hồ sơ pháp lý về chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Những hành động như vậy đã bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ và chắc chắn sẽ bị các toà án quốc tế bác bỏ một khi chúng được đưa ra tòa án quốc tế nhằm minh chứng cho chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tóm lại, chiếu theo các quy định của luật pháp quốc tế, có thể nói rằng hành động của Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa vào các năm 1956 và năm 1974 là sự vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc “cấm việc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế” và bị coi là “hành động xâm lược”. Dù  có chiếm đóng thêm một trăm năm nữa thì Trung Quốc cũng không có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Những gì thuộc về Cesar sẽ phải trả về cho Cesar. Quần đảo Hoàng Sa  thuộc về Việt Nam phải trả về cho Việt Nam. Đó là một sự thật lịch sử, không thể nào thay đổi./.

Thứ Sáu, 16 tháng 1, 2015

Thế giới không phẳng - “Siêu thị ngàn sao” và phép thử lòng trung thực

VÕ VĂN DŨNG (CHLB ĐỨC)
 
Một điểm bán bí bên vệ đường tại thành phố Passau (Đức). Vì không có bất cứ nhân viên bán hàng nào nên khách hàng tự chọn bí, tự tính tiền rồi cho đúng số tiền ấy vào hộp đựng tiền - Ảnh: Võ Văn Dũng
Ngày cuối tuần, người bạn ở ngoại ô thành phố Passau (phía đông nam nước Đức) rủ tôi đi mua bí đỏ ở “siêu thị ngàn sao”.
Tên gọi thế nào thì “siêu thị” thế ấy: bí chất thành nhiều đống ngay bên vệ đường, không hề được che chắn, một bên là cánh đồng cỏ xanh mướt, một bên là con đường nhựa vi vu xe cộ lại qua. “Nhân viên thu ngân” là hai hộp sắt có khe để cho tiền vào. Tuyệt nhiên không còn ai khác!
Giá bí tính theo trái, tùy loại và kích cỡ mà có giá từ 70 cent đến 5 euro (19.000-135.000 đồng/trái). Khách hàng chọn bí, tự cộng tiền rồi cho đúng số tiền đó vào khe của hộp sắt (hộp này không có chức năng thối tiền). 
Có lẽ nhiều bạn đọc đang có cùng câu hỏi: chủ nhân mớ bí đó không sợ bị khiêng mất cái hộp tiền hay bị chôm chỉa bí sao?
Thật ra ngay bên dưới hộp đựng tiền có dòng chữ cảnh báo: “Chú ý, có camera giám sát. Những hành vi trộm cắp sẽ bị phát hiện”. Song, có người vui tính đã cố ý đi tìm xung quanh xem camera đặt ở đâu giữa đồng cỏ mà tìm mãi chẳng ra. 
Kiểu bán hàng này còn được áp dụng cho cả hoa, chỉ khác đôi chút là hoa vẫn đang bén rễ trong lòng đất, người mua tự nhổ cả cành rồi tự tính, tự trả tiền. 

2. Khi mua hàng kiểu này, khách hàng không chỉ cảm thấy cực kỳ thoải mái mà còn ngầm hiểu rằng người bán hàng đang đặt niềm tin vào lòng trung thực của mỗi người. Tất nhiên, những rủi ro như khách hàng trả không đúng số tiền, hay thậm chí chẳng trả đồng nào là điều khó tránh khỏi triệt để.
Song, không vì số ít “xấu xí” mà những nông dân chăm chỉ lại “kết liễu” cách bán hàng độc đáo mang đậm dấu ấn ruộng đồng ấy. 
Về phần siêu thị, hầu hết siêu thị tại Đức không giữ túi xách của khách, cũng không có đội ngũ bảo vệ túc trực. Có những sản phẩm được bày ngay trước cửa - nơi tấp nập người qua lại. Sẽ thật hời hợt nếu chỉ nghĩ rằng làm như thế khác nào tạo điều kiện cho kẻ gian, mà quên màng đến ẩn ý của niềm tin vào đa số đàng hoàng. 
Cũng lại chuyện liên quan tính trung thực, tại Đức (và có lẽ cũng ở rất nhiều nơi khác) khi ai đó chẳng may va quẹt xe người khác mà không có chủ xe ở đó, họ sẽ tự động kẹp lên xe tấm danh thiếp hay mẩu giấy chứa thông tin liên lạc để thực hiện đền bù. 

3. Khi sống ở môi trường xã hội phải chứng kiến quá nhiều hành động không trung thực trong cuộc sống, rất có thể chúng ta trở nên lãnh cảm, hay tệ hơn là hòa vào dòng chảy ấy nếu “hệ miễn dịch” không đủ mạnh.
Nhiều người hoặc công khai hay lén lút tè bậy, đổ rác, hút thuốc nơi có bảng cấm; lăm le vượt đèn đỏ khi không thấy công an; hôi của người bị nạn; dùng khổ nhục kế lợi dụng lòng trắc ẩn; sở hữu bằng cấp giả - năng lực giả lại tha thiết chức vụ thật... 
Dường như chỉ số cảnh giác tỉ lệ nghịch với chỉ số bình an và niềm tin vào sự tử tế của con người. 

4. Khi một người thầy người Đức của tôi sắp có chuyến công tác đầu tiên ở TP.HCM, ông đã hỏi các sinh viên Việt Nam về những món ăn nên thưởng thức, những nơi nên đến trong dịp cuối tuần...
Sau khi tư vấn, các bạn trẻ Việt Nam không quên cung cấp một loạt bí quyết cảnh giác kẻ gian: đi trên đường nhớ đeo chéo túi xách, hạn chế nghe điện thoại di động - nếu có nghe thì nhớ không đứng sát vỉa hè, vừa nghe vừa quan sát xung quanh; đến nơi đông người coi chừng bị móc túi - rạch giỏ...
Thật đáng buồn. Điều đó có thể làm hạ nhiệt niềm mến thương với nơi ta đang sống, thất thoát niềm tin ở những điều tốt đẹp, trì hoãn ta nồng ấm với người dưng.
Cảnh giác với sự gian trá vốn dĩ là điều cần thiết. Song, sẽ thật đáng lo ngại khi cảnh giác lấn át cả niềm tin. Bên cạnh việc có những biện pháp giám sát, trừng phạt thích đáng những hành vi thiếu trung thực làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người khác, có lẽ cũng cần lắm sự mạnh dạn để tạo ra những phép thử lòng trung thực như “siêu thị ngàn sao” đã nhắc đến ở trên?
Cần thử để khẳng định ta vững lòng tin cái xấu là thiểu số, để tạo ra những trải nghiệm giao dịch thú vị và ấm áp, để lòng trung thực và cái tốt được thực hành thường xuyên bằng những việc giản dị.
Những thùng trà đá miễn phí bên vỉa hè, những bảng chỉ đường nguệch ngoạc viết tay ở một góc phố, những quán cơm 2.000 đồng... phải chăng là những đốm lửa xuất phát?

Theo TTCT

Hai mươi năm giá trị Fulbright

Ngày 17.1.2015, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP) sẽ chính thức đánh dấu mốc 20 năm hoạt động tại VN. FETP đã và sẽ tiếp tục mang lại cho giáo dục VN những giá trị nào? Báo Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu Chương trình này.
Tiên phong cho những bước đổi mới
Thưa ông, đã có rất nhiều thông tin về quá trình thành lập của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright. Theo ông, giá trị quan trọng nhất cho sự ra đời này là gì?
Sau 20 năm nhìn lại, giá trị cốt lõi của FETP nằm ở sự đồng hành với các nỗ lực cải cách kinh tế ở nước ta. FETP ra đời đúng vào thời điểm VN chuẩn bị bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ và sắp gia nhập ASEAN. Nền kinh tế đang trong quá trinh chuyển đổi  từ kế hoạch hóa, quan liêu, bao cấp sang kinh tế thị trường (KTTT), đòi hỏi một hệ thống tri thức và công cụ quản lý kinh tế hoàn toàn mới. Nói cách khác, các nhà quản lý khi ấy vẫn còn rất bỡ ngỡ với KTTT.
Chính trong bối cảnh đó, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright được thành lập như một trung tâm đào tạo về kinh tế học ứng dụng, cung cấp kiến thức kinh tế thị trường cho các nhà quản lý và hoạch định chính sách, nhằm hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa sang KTTT. FETP là một trong những trường đầu tiên đưa kiến thức KTTT vào VN một cách có hệ thống, tạo được sự gắn bó mật thiết giữa kinh tế VN và tri thức toàn cầu.
Trong 20 năm hoạt động của mình, theo ông đâu là những giá trị quan trọng mà FETP mang lại cho giáo dục VN, cho người học?
FETP luôn nỗ lực một cách có ý thức đi tiên phong trong việc đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế VN, đặc biệt là trước những bước tiến quan trọng. Ra đời từ năm 1995 nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo kiến thức KTTT, sau 13 năm, đến năm 2008, FETP quyết định mở ra chương trình thạc sỹ chính sách công.
Vì sao lại có sự chuyển đổi này? Vào năm 1995, khi nền kinh tế thị trường của nước ta còn manh nha, giá trị quan trọng nhất đến từ việc hiểu đúng cơ chế vận hành của KTTT. Được trang bị những tri thức này, các nhà quản lý kinh tế có thể sửa chữa những khiếm khuyết của hệ thống kinh tế cũ – giải phóng sức sản xuất trong nông nghiệp, tôn trọng quyền tự do kinh doanh của người dân, mở cửa hội nhập với kinh tế toàn cầu – nhờ đó nền kinh tế khởi sắc.
Nhưng đến nửa cuối thập niên 2000, nền kinh tế của chúng ta đã trở nên phức tạp, năng động, và hội nhập hơn rất nhiều. Sự thiếu hụt kiến thức về thiết kế và phân tích chính sách trong các cơ quan quản lý kinh tế ngày càng bộc lộ rõ. Nói khác đi, năng lực điều hành và xây dựng chính sách phát triển bất cập so với sự phức tạp của nền kinh tế, và đây là một nguyên nhân quan trọng gây ra bất ổn kinh tế vĩ mô trong giai đoạn 2007 – 2008 mà hệ quả còn kéo dài cho đến ngày hôm nay.
Trong bối cảnh này, FETP mong muốn đào tạo một lớp lãnh đạo, nhà kinh tế có đủ tri thức về chính sách công, nhờ đó ra chính sách hiệu quả hơn. FETP một lần nữa đi tiên phong trong ngành chính sách công. Khi đăng ký chuyên ngành đào tạo này, chính Bộ GD-ĐT cũng cho biết do chưa có mã ngành chính sách công nên phải đưa ra mã ngành mới. Việc có mã ngành mới này mở ra cơ hội cho một số trường khác xây dựng chương trình đào tạo chính sách công.
Hiện nay, FETP lại đang đứng trước một cơ hội, đồng thời là một thử thách lớn, đó là phát triển thành Trường ĐH Fulbright Việt Nam (FUV). Sự bất cập của nền giáo dục đại học Việt Nam là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế và xã hội VN. Lần này, FETP hy vọng đóng góp vào nỗ lực cải cách đại học ở Việt Nam bằng cách thử nghiệm một mô hình đại học truyền thống trên thế giới nhưng hoàn toàn mới ở VN, đó là ĐH tư thục không vì lợi nhuận.
Chúng tôi tin rằng dù thành công hay thất bại thì Trường ĐH Fulbright Việt Nam cũng sẽ cung cấp những kinh nghiệm và bài học quý báu cho các trường khác muốn đi theo con đường này. Kinh nghiệm của FUV cũng sẽ giúp Bộ GD-ĐT hoàn thiện thể chế và hành lang pháp lý cho loại hình đại học tư thục không vì lợi nhuận.
ĐH Fulbright Việt Nam và những phép thử
Ông vừa đề cập đến Trường ĐH Fulbright VN, một kỳ vọng mới của hệ thống giáo dục ngoài công lập tại VN. Trường này thành lập dựa trên nguyên tắc nào?
Một nguyên tắc xuyên suốt từ khi thành lập Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho đến sắp tới khi Trường ĐH Fulbright VN ra đời vẫn luôn là đề cao giá trị tri thức, đó là tôn trọng tự do học thuật và giá trị nghiên cứu. Ở các trường ĐH hàng đầu thế giới, giảng dạy và nghiên cứu luôn song hành, vì để giảng dạy tốt thì phải có nghiên cứu tốt. Đáng tiếc là ở đa số các trường ĐH tại VN hiện nay, nghiên cứu vẫn được đặt ở vị trí thứ yếu. Gần đây nhiều trường đã cố gắng sửa chữa khiếm khuyết này, nhưng năng lực và điều kiện nghiên cứu của các trường lại chưa đủ.
Muốn có nhà nghiên cứu xuất sắc, phải xây dựng được môi trường thích hợp. Môi trường đó phải trọng dụng nhân tài, không tuyển dụng dựa trên các tiêu chí phi học thuật. Môi trường đó phải tạo ra không gian rộng rãi để nhân tài thể hiện tài năng và tối đa hóa giá trị của mình. Đồng thời, để tạo ra giá trị cho xã hội, bên cạnh tri thức toàn cầu, các nhà nghiên cứu cũng cần có những hiểu biết sâu sắc về địa phương, và chỉ nhờ sự kết hợp này thì mới có thể “tiếp biến” tri thức toàn cầu để kiến tạo tri thức mới, có lợi cho nhà trường và cho đất nước.
Từ 20 năm qua, FETP vẫn luôn theo đuổi những giá trị này và trên thực tế, FETP là một “ốc đảo” với những điều kiện thuận lợi này. Những hiểu biết về xã hội, kinh tế và giáo dục VN cũng được chúng tôi tích lũy qua quá trình nghiên cứu, phân tích chính sách, thảo luận với Chính phủ. Vì vậy, đây là những thuận lợi để Trường ĐH Fulbright Việt Nam ra đời và phát triển theo con đường của những trường tiên tiến trên thế giới.
Như ông đã đề cập, một điểm rất mới của Trường ĐH Fulbright VN là hoạt động theo hình thức tư thục phi lợi nhuận. Mặc dù rất muốn, nhiều trường ĐH tại VN từ trước tới nay không thể thực hiện được điều này. Điểm khác biệt là ở đâu, thưa ông?
Trường ĐH Fulbright VN tuy là mô hình mới ở VN nhưng lại là mô hình tư thục không vì lợi nhuận quen thuộc ở các nước có nền giáo dục tiên tiến. Có 3 điểm chính, cũng là khác biệt với các trường VN mà FUV xác định trong cơ chế hoạt động của mình, bao gồm quản trị, tài chính và nhân sự.
Về quản trị, trường không có chủ sở hữu, không có cổ đông như các trường tư thục khác ở VN. Điều hành trường sẽ là Hội đồng trường (Board of Trustee). Hội đồng này sẽ thuê hiệu trưởng và ban giám hiệu để quản lý trường. Về nguyên tắc, trường là của xã hội, của cộng đồng. Mọi giá trị thặng dư (nếu có) sẽ được đầu tư trở lại cho trường chứ không chia cho bất kỳ đối tượng nào khác.
Tài chính của trường sẽ được tự chủ, do Quỹ tín thác sáng kiến ĐH VN (TUIV) quản lý. Tài chính được huy động chủ yếu từ ba nguồn: tài trợ ổn định hàng năm của Chính phủ Mỹ; tiền thiện nguyện, tài trợ của các tổ chức, cá nhân tại nước ngoài; và tài trợ, của tổ chức, cá nhân tại VN.
Về nhân sự, trọng dụng nhân tài là nguyên lý cốt lõi; quy trình tuyển dụng, đề bạt dựa trên tài năng chứ không dựa trên những tiêu chuẩn phi học thuật.
Theo tôi, đây là những phép thử cho giáo dục VN. Như hiểu biết của chúng tôi, hiện nay chưa có một trường ĐH nào tại VN thành lập và phát triển dựa vào nguồn vốn thiện nguyện, hiến tặng như vậy. Nó sẽ là phép thử chứng tỏ sự quan tâm của doanh nghiệp, cá nhân ở VN đối với giáo dục như thế nào? Sẽ có nhiều người ủng hộ, hiến tặng kinh phí cho Trường ĐH Fulbright hoạt động hay không?
Cách quản trị mới, tuyển dụng nhân sự trong trường đại học mới cũng sẽ là phép thử xem cách làm này có thể thành công tại VN hay không. Từ đó, các trường khác có thể học hỏi áp dụng mô hình quản trị này.
Mọi người kỳ vọng vào sự ra đời của Trường ĐH Fulbright VN. Còn bản thân trường thì kỳ vọng vào điều gì, thưa ông?
Như đã nói ở trên, FUV kỳ vọng sẽ đóng góp một cách thiết thực cho nỗ lực cải cách giáo dục đại học ở Việt Nam bằng cách thử nghiệm mô hình mới và tạo ra giá trị giáo dục đích thực. Để làm điều này, chúng tôi dự kiến sẽ phát triển trường theo từng bước một cách thận trọng. Ban đầu, trường sẽ chỉ đào tạo thạc sĩ và phát triển với quy mô vừa phải. Sau đó, trường mới đào tạo cử nhân và tiến sĩ.
Chúng tôi kỳ vọng nhất là về chất lượng. Trường sẽ là nơi đáp ứng nhân lực từ chất lượng cao cho xã hội. Ban đầu, các chuyên ngành đào tạo sẽ là chính sách công, luật, kinh tế học, tài chính, quản trị… Sau đó, chúng tôi sẽ từng bước chuyển sang đào tạo các ngành khoa học, kỹ thuật, môi trường và biến đổi khí hậu… Ngoài một số ngành là thế mạnh sẵn có, trường sẽ chú trọng phát triển những ngành học giúp tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững tại VN. Chúng tôi muốn góp một phần giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trình độ cao, vốn là một trong những nút thắt tăng trưởng quan trọng ở VN.
Một mô hình mới như vậy, chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn trong quá trình thành lập. Ông có thể chia sẻ về điều này hay không?
Dự án Trường ĐH Fulbright VN được bắt đầu từ năm 2011, khi còn chưa có khuôn khổ pháp lý cho loại hình ĐH tư thục không vì lợi nhuận. Ngay cả nghị định hướng dẫn cũng như Điều lệ trường ĐH ra đời thời gian vừa qua vẫn còn chung chung và vướng mắc một số điểm. Chẳng hạn, chưa quy định việc miễn thuế thu nhập cho các tổ chức, cá nhân hiến tặng tài sản cho các trường ĐH không vì lợi nhuận.
Một khó khăn rõ ràng khác trong khi các trường tư thục tại VN có cổ đông đầu tư, còn các trường công lập thì có thể dựa vào nguồn ngân sách, đất đai … của Nhà nước, còn Trường ĐH Fulbright VN chủ yếu chỉ dựa vào nguồn tiền thiện nguyện để phát triển.
Việt Nam và “lựa chọn thành công”
Nghe ông chia sẻ về Trường ĐH Fulbright VN, có vẻ như tâm tư về giáo dục VN ở ông có rất nhiều?
Không chỉ có tôi mà tất cả những người làm ở Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright đều luôn có ý thức nghiên cứu để phân tích, góp ý cho giáo dục VN. Những bước đi của FETP đồng thời cũng là những bước tiên phong trong giáo dục đại học.
Đầu năm 2008, chúng tôi có xuất bản một phân tích có tựa đề “Lựa chọn thành công”. Lập luận quan trọng nhất trong nghiên cứu này là VN nằm ở giao diện giữa hai khu vực Đông Bắc Á (rất thành công) và Đông Nam Á (thành công vừa phải), vậy nước ta  sẽ đi theo quỹ đạo nào? Các nước Đông Bắc Á đã thành công trong việc kiến tạo môi trường cho tài năng phát triển, từ đó đưa đất nước gia nhập hàng ngũ các nước phát triển. Trong khi đó, đa số các nước Đông Nam Á chưa làm được điều này. Việc VN có thể đi theo mô hình của các nước Đông Bắc Á hay không về cơ bản phụ thuộc vào sự lựa chọn của chính chúng ta. Trong sự lựa chọn này, lựa chọn về giáo dục là một trong những điểm quan trọng nhất.
Vậy để giáo dục VN thành công, theo ông điểm nào cần làm trong giai đoạn này?
Các trường ĐH của VN chủ yếu có tính địa phương, ít có sự giao lưu và tiếp biến toàn cầu. Để thành công cần đưa được những giá trị toàn cầu vào điều kiện cụ thể của VN. Nếu chỉ nô lệ vào các điều kiện bên ngoài hoặc luôn coi VN là ngoại lệ cá biệt thì tôi e rằng sẽ không thể thành công được.
Giá trị cốt lõi và là “xương sống” của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cũng như Trường ĐH Fulbright Việt Nam sắp tới là góp phần đạo tạo những con người có năng lực tư duy, nhận thức, và tinh thần hội nhập toàn cầu, đồng thời áp dụng được những giá này vào xã hội VN. Giá trị cốt lõi này vẫn sẽ luôn được giữ vững trong con đường phát triển của FETP và sắp tới là FUV.
Xin cám ơn ông về buổi trò chuyên thú vị này.
Đăng Nguyên (Thực hiện)

Thứ Năm, 15 tháng 1, 2015

Những đổ vỡ và cơ hội từ Charlie


Hệ lụy khủng khiếp mà cuộc tấn công vào tòa báo Charlie Hebdo tuần qua mang lại trước tiên đương nhiên là mạng người, kể cả vô tội lẫn có tội (tùy theo quan điểm của từng người). Nhìn ở một góc độ sâu xa hơn, đây là đòn đánh thẳng vào một trong những giá trị cơ bản nhất của văn hóa Pháp.
Quyền tự do ngôn luận được chính thức xuất hiện dưới văn bản pháp lý từ thế kỷ thứ 17 ở Anh (Bill of Right) và thế kỷ thứ 18 trong thời cách mạng Pháp (Right of Man). Người Pháp nổi tiếng bởi tính cách thích tranh luận, mổ xẻ, soi xét xuôi ngược hoặc đưa ra các ý kiến trái chiều để nhìn sự việc dưới góc độ thấu đáo nhất có thể. Có lẽ chính vì vậy mà nước Pháp sản sinh ra nhiều nhà tư tưởng lỗi lạc.
Tự do ngôn luận, tự do suy nghĩ, tự do thể hiện quyền dân chủ trở thành nền tảng cho một tính cách dân tộc và danh tính văn hoá. Cuộc tấn công vào Charlie chính vì vậy được nhìn nhận như thể một cuộc tấn công vào quyền được là người Pháp trên đất Pháp.
Nhưng Charlie cũng là cơ hội để chúng ta xem xét lại những quan điểm cũng như sự ngộ nhận đã âm ỉ từ nhiều năm qua:
Xung đột giữa Hồi giáo và phương Tây?
Em trai viên cảnh sát bị giết Ahmed Merabet nói những kẻ giết người không phải là người Hồi mà chỉ là những phần tử khủng bố.
Xin lưu ý ngay từ đầu là hai trong số những nạn nhân trong cuộc tấn công là người Hồi. Ông Mustapha Ourrad là biên tập viên tranh biếm hoạ và viên cảnh sát Ahmed Merabet. Những tuyên bố phản đối cuộc tàn sát đầu tiên thuộc về các lãnh tụ Hồi giáo. Không thể đếm được con số tín đồ Hồi nguyền rủa những kẻ sát nhân, và đương nhiên không thể đếm được những người Hồi dành cả ngày chủ nhật vừa qua để tham gia vào cuộc tuần hành phản đối, không những ở khắp châu Âu mà thậm chí ở Ramallah (Palestine).
Nói một cách ngắn gọn, người Hồi ở cả hai bên chiến tuyến. Trong thực tế, số người Hồi là nạn nhân của Hồi giáo cực đoan nhiều gấp 8 lần số nạn nhân không phải là người Hồi giáo. Thủ lĩnh Hồi giáo Hezbollah tuyên bố vụ tấn công vào Charlie là hành động phỉ báng Hồi giáo gấp nhiều lần những bức biếm họa.
Chính vì vậy, bất kỳ một tuyên bố nào cho rằng đây là biểu trưng của sự xung đột giá trị giữa Hồi giáo và phương Tây không những là nhận định sai lầm mà còn hết sức nguy hiểm. Nó phủ nhận những giá trị chung của con người mà người Hồi, người Thiên Chúa, Do Thái, Phật giáo hay bất kỳ ai khác đều xứng đáng được hưởng.
Những người bạn tôi tại Trung Đông thường vô cùng tức giận khi ai đó nhận xét rằng văn hóa Hồi giáo là văn hóa bầy đàn, người Hồi về bản chất không-muốn dân chủ và không thể thực hiện dân chủ bởi dân chủ là giá trị của phương Tây. Họ cho đó là sự xúc phạm đến tính nguời cơ bản, bởi luận điệu này ám chỉ dân Hồi không đáng được hưởng những hạng mục nhân quyền nền tảng của nhân loại.
Chúng ta không nên quên rằng có hàng triệu chiến sĩ đấu tranh dân chủ người Hồi đã bị giết, đang bị cầm tù, sống hoặc trốn tránh sự đe doạ của các thế lực từ công quyền đến đạo hữu cực đoan cùng tôn giáo. Họ chính là những Charlie Hồi giáo mà chúng ta không biết, không quan tâm, hoặc từ chối công nhận vì suy nghĩ của chúng ta có thể đã bị tẩy não bởi sự thiên lệch của nhận thức.
Người Hồi có trách nhiệm gì trong vụ Charlie?
Cộng đồng Hồi giáo ở Madrid xuống đường dương biểu ngữ Đạo hồi là hòa bình để bày tỏ tình đoàn kết với các nạn nhân.
Một trong những tweet gây phản cảm nhất trong mấy ngày qua đến từ trang của trùm tài phiệt báo chí người Mỹ gốc Úc Rupert Murdoch. Ông cho rằng có thể người Hồi yêu hòa bình thật, nhưng họ chỉ có thể chứng tỏ được điều đó khi họ xóa bỏ được căn bệnh ung thư thánh chiến của Hồi giáo cực đoan, bằng không, người Hồi phải gánh chịu trách nhiệm.
Ông Murdoch có lẽ tới giờ đã thấm đòn sau phát ngôn thiếu logic và thiếu tình người của mình. Chúng ta không thể bắt 1,6 tỷ tín đồ Hồi phải nhận trách nhiệm vì một vài kẻ cực đoan hành xử man rợ trên danh nghĩa Hồi giáo. Chúng ta không thể bắt hơn 2 tỷ tín đồ Thiên Chúa phải liên tục thấy hối lỗi vì Thập Tự Chinh diễn ra trên danh nghĩa đức tin. Chúng ta không thể bắt hơn 80 triệu người Đức phải trả giá vì Hitler, bất chấp việc kẻ sát nhân này đã dương cao ngọn cờ dân tộc Đức và dòng máu thuần khiết để cuớp đi hàng triệu mạng người vô tội.
Tương tự, không ai có quyền bắt hàng tỷ người Hồi ở châu Á và khắp các góc khuất nẻo của thế giới phải liên tục xin lỗi, liên tục thanh minh cho sự trong sạch của mình. Đòi hỏi họ làm điều đó cũng có nghĩa là chúng ta mặc định họ trước tiên là những kẻ khủng bố cực đoan, và họ chỉ có thể là một công dân yêu hoà bình khi họ mở miệng tuyên ngôn chống lại cực đoan. Việc mặc định cứ tín đồ Hồi giáo là có tội cho đến khi họ được chứng minh, hoặc tự chứng minh mình vô tội là sự phân biệt đối xử tinh vi nhất mà chúng ta đang vô tình thực hiện.
Người Hồi không có trách nhiệm gì trong vụ Charlie, ngoài những trách nhiệm mà bất kỳ những công dân nào cũng phải hoàn thành. Họ đã là nạn nhân của chính những đạo hữu của mình, họ không nhất thiết phải trở thành nạn nhân của toàn bộ phần còn lại của thế giới.
Tình cảnh của người Hồi khá giống với tình cảnh của người da đen. Một tweet khá nổi tiếng đã chỉ ra xã hội chúng ta phân biệt đối xử như thế nào:
"Một gã côn đồ Hồi giáo nổ súng --> Cả một tôn giáo bị gán tội Một gã côn đồ da đen nổ súng --> Cả một giống người bị gán tội Một gã côn đồ da trắng nổ súng --> Chỉ là một thằng điên gây tội"
Đáp lại tweet của ông Murdoch, tác giả của Harry Potter, bà Rowling đã mỉa mai rằng vì mình sinh ra đã là người Thiên Chúa, điều này có nghĩa là bà cũng phải gánh chịu trách nhiệm với thiên hạ vì trên đời bỗng dưng có một kẻ (ngu xuẩn) cùng tôn giáo tên là Murdoch.
Những kẻ tấn công có đúng với các "danh hiệu" mà họ được nhận không?
Anh em nhà Kouachi nói với cảnh sát họ sẵn sàng chuẩn bị sẵn cho cái chết khi bị bủa vây.
Tử vì đạo (martyr) vốn là một danh hiệu cao quý, và đương nhiên, kẻ tử vì đạo trước hết phải là những tín đồ gương mẫu. Những kẻ tấn công Charlie có một tiền sử hoàn toàn đi ngược lại những gì một tín đồ Hồi gương mẫu cần có. Kouachi uống rượu, hút xách, dùng thuốc và chất kích thích.
Là những đứa trẻ không cha không mẹ, anh em nhà Kouachi sống bên lề xã hội, thiếu ăn, thiếu giáo dục, và thất nghiệp triền miên hoặc làm những công việc tạm thời như đưa bánh pizza và xếp đồ trong siêu thị. Cuộc sống vất vưởng như một công dân hạng hai là một trong những lý do được nhìn nhận như nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc cực đoan hóa như một con đường để giải thoát.
Lý do thứ hai khiến những gã thanh niên trẻ tuổi trở thành jihadist (chiến binh thánh chiến) là sự mất thăng bằng về danh tính xã hội. Khắp châu Âu, hàng chục triệu người Hồi trẻ tuổi sinh ra và lớn lên tại phương Tây từ những gia đình nhập cư. Thế hệ cha mẹ họ thường chú tâm vào lao động miệt mài và coi nhẹ phần nào hoặc không đủ kinh nghiệm để giáo dục con cái có một tâm thức cân bằng và thái độ ứng xử phù hợp trước những xung đột giá trị văn hoá của gia đình và xã hội.
Những thanh niên này thiệt thòi so với các tín hữu tại quê gốc nơi họ được sống giữa một xã hội mà các giá trị Hồi giáo được dạy dỗ, lưu truyền, và cân bằng, cái gì sai cái gì đúng đều nhanh chóng được mọi người xung quanh chấn chỉnh. Tại phương Tây, họ cảm thấy mình mất gốc, hỗn loạn về danh tính, thiếu người hướng đạo, bị xã hội nhìn nhận như tội đồ chỉ vì tôn giáo của mình. Hầu hết trong số họ đều vượt qua giai đoạn này một cách khó khăn, những các nhân rớt lại trở thành con mồi ngon cho các tổ chức và cá nhân cực đoan.
Kouachi là trường hợp tiêu biểu. Thoạt tiên, Kouachi bị thúc giục bởi các động cơ chính trị chứ không phải tôn giáo. Kouachi bị tù 3 năm sau khi tìm cách bay sang Iraq để chống lại cuộc xâm chiếm của Mỹ. Nhà tù mở ra một thiên đường cho những phần tử cực đoan tìm đến với nhau và Kouachi trở thành tín đồ thánh chiến.
Nhìn lại cuộc tấn công vào Charlie, dù Kouachi tuyên bố đây là cuộc trả thù cho thiên sứ Muhammad bị vẽ châm biếm, về bản chất, chúng ta có thể thấy rõ hơn động lực của Kouachi thiên về hệ quả của những vấn đề chính trị xã hội hơn là nguyên nhân tôn giáo.
Một giả thuyết được Joan Coal nêu ra ủng hộ quan điểm này cho rằng Al-Qaeda muốn chia rẽ xã hội Pháp. Những cuộc tấn công như thế này có thể nhanh chóng khiến cho người Pháp nổi giận, tấn công trả đũa người Hồi. Thù trả qua trả lại, máu đổi bằng nhiều máu hơn, chẳng mấy chốc mà nền tảng của Pháp phải lung lay.
Không có lửa làm sao có khói?
Khá nhiều người cho rằng Charlie Hebdo ngu ngốc, khiêu khích lũ cực đoan, báng bổ thần thánh, và vì thế phải chịu hậu quả là đáng đời.
Nhận định này cần xem xét từ yếu tố giới hạn của tự do. Nhà tư tưởng Anh John Stuart Mill cho rằng tự do cần được hạn chế đến mức chỉ khi nó làm hại người khác (harm principle). Sau này, Joel Feinberg thêm vào giới hạn thấp hơn là tự do không thể xúc phạm người khác (offense principle).
Tuy nhiên, vấn đề cốt yếu là mỗi cá nhân, mỗi xã hội lại có những mức độ nhạy cảm khác nhau về việc thế nào là làm hại và thế nào là xúc phạm. Mỗi quốc gia có một hệ thống luật pháp riêng để xác định giới hạn của tự do ngôn luận. Sự giới hạn quá mức sẽ khiến chính quyền trở thành độc tài và cản trở sự phát triển, sự giới hạn quá thấp sẽ gây tác hại hoặc xâm phạm đến các cá nhân khác trong xã hội.
Khi có sự bất đồng, toà án là nơi xác định việc một phát ngôn có vượt quá giới hạn tự do hay không. Đây chính là nguyên nhân Charlie Hebdo đã bị kiện ra toà trước đó.
Việc những hoạ sĩ bị giết là phạm luật chơi công bằng. Và đây chính là điều khiến thế giới nổi giận. Điều đó cũng tương tự như một cuộc giao đấu mà một kẻ tấn công bằng gậy gộc còn đối thủ thì tấn công bằng súng ngắn. Mục đích của một kẻ là trêu tức, châm trích. Mục đích của kẻ kia là giết chết đối thủ để khỏi cần phải tiếp tục cuộc đấu.
Nếu Charlie đi quá giới hạn, đối thủ của họ cũng có thể đi quá giới hạn bằng những vũ khí tương đương, hoặc kiện ra toà. Charlie hoàn toàn có thể bị phạt, đóng cửa, hoặc sạt nghiệp nếu bị chứng minh là sản phẩm của họ gây hại cho xã hội.
Thành thực mà nói, nội dung biếm hoạ của Charlie không hề xuất sắc, bản thân tôi cho rằng họ không đáng được tồn tại. Ở những môi trường pháp luật khác, những họa sĩ này có lẽ đã bị tẩy chay hoặc thất nghiệp từ lâu rồi. Tuy nhiên, quyền được tồn tại của họ là bất khả xâm phạm nếu tòa án xác nhận giới hạn châm biếm chưa vượt quá mức quy định. Đây là nền tảng của một nhà nước pháp quyền. Không cá nhân nào có quyền ăn cắp cây gươm của luật pháp để hành xử theo luật rừng.
Nhắc lại một chi tiết đã nêu ở trên, viên cảnh sát Ahmed và cái chết của anh có thể tuyên ngôn như sau: "Charlie Hebdo xúc phạm tôn giáo của tôi nhưng tôi hy sinh để bảo vệ quyền được xúc phạm của họ và quyền bị xúc phạm của tôi".
Trong một khuôn khổ luật pháp luật nhất định, ta phải bảo vệ quyền cơ bản này vì đó là cách duy nhất để ta có thể xúc phạm lại đối phương và đòi lại công lý cho bản thân mình.
Giờ chúng ta phải làm gì?
Theo tác giả, cuộc tấn công vào Charlie cũng khiến chúng ta nhìn nhận lại quyền tự do ngôn luận của chính mình và hiểu rằng tự do ngôn luận luôn đi kèm với nghĩa vụ phải có trách nhiệm với phát ngôn của mình.
Việc nhiều người chúng ta có cái nhìn nghi kỵ với Hồi giáo là điều hoàn toàn có thể giải thích được. Hầu hết chúng ta đều không tiếp xúc trực tiếp với người Hồi. Thậm chí trong những nền văn hoá đa quốc gia như Mỹ, 60% dân số chưa bao giờ giao tiếp với người Hồi. Những gì chúng ta biết về họ đều thông qua các tin tức sự kiện trên báo chí. Hậu quả là việc chúng ta chỉ nhìn thấy những tín đồ Hồi giáo cực đoan và mặc định rằng toàn bộ người Hồi là mối hiểm họa của xã hội.
Theo thống kê của viện nghiên cứu tôn giáo Pew, 27% dân Pháp không thích người Hồi. Con số này ở Đức là 33%, ở Ý là 64%.
Điều đó lý giải sự hạn hẹp trong cuộc sống xã hội của chúng ta, sự co cụm trong những mối quan hệ giản đơn, dễ chịu. Hơn hết, đó là sự thiếu hiểu biết về những giá trị tinh thần của chính đồng bào mình. Chỉ cần có một người quen theo đạo là đủ để tạo ra một thế cân bằng mạnh mẽ: "Người Hồi không thể thế được, đơn giản vì bạn của tôi không thế".
Cuộc tấn công vào Charlie cũng khiến chúng ta nhìn nhận lại quyền tự do ngôn luận của chính mình và hiểu rằng tự do ngôn luận luôn đi kèm với nghĩa vụ phải có trách nhiệm với phát ngôn của mình. Tôi hiểu rằng trong một khuôn khổ nhất định, luật pháp bảo vệ những phát ngôn của tôi, cho dù nó có ngu xuẩn, xúc phạm đến kẻ khác. Tuy nhiên, tôi lựa chọn việc im lặng hoặc phát ngôn một cách có trách nhiệm với xã hội hết mức có thể. Trách nhiệm đó không bị ép buộc bởi luật pháp mà là tiếng nói của con dế lương tâm trong mỗi người.
Cuối cùng, điều chúng ta có thể làm khi đối mặt với cực đoan là chúng ta phải mỉm cười. Trả đũa cực đoan bằng cực đoan chỉ dẫn đến thảm họa. Cô bé Malala (giải Nobel Hoà Bình năm 2014) khi được hỏi sẽ làm gì nếu lại bị Taliban tấn công lần nữa đã nói rằng, đối mặt với kẻ muốn hại chết mình, cô sẽ nhắc lại tuyên ngôn về giáo dục cho trẻ em, và sau đó để kẻ thù tự do làm điều mà hắn muốn. Tại sao? Bởi nếu cô cũng muốn giết hắn, thì cô và những kẻ cực đoan đó đâu có khác gì nhau?
Tại Na Uy, sau thảm hoạ giết người của kẻ cực đoan tại Utoya, chính quyền không tuyên chiến với khủng bố mà kêu gọi người dân đáp trả bằng việc trụ vững với những giá trị của mình: nhiều dân chủ hơn, nhiều tự do hơn, nhiều nhân quyền hơn.
Chúng ta hãy chờ xem liệu điều tương tự có xảy ra ở Pháp, liệu đảng cực hữu LePen có thắng thế, liệu người Pháp có thể chấp nhận rằng dân số hơn 5 triệu người Hồi ở đây là người Pháp. Đây là quê hương của họ, họ không thể và sẽ không đi đâu cả. Họ là một phần bất khả tách rời của Pháp, và khi họ cất tiếng nói, đó nhất định là tiếng nói của những giá trị Pháp.

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả, hiện đang giảng dạy môn Trung Đông Học tại Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan và là tác giả cuốn Con Đường Hồi Giáo viết về 12 quốc gia Trung Đông thời hậu Mùa Xuân Ả Rập.

Thứ Tư, 14 tháng 1, 2015

Tự do ngôn luận cho tất cả mọi người


Anders Fogh Rasmussen. "Free Speech for All," Project Syndicate, Jan. 13, 2015.
Nguyễn Huy Hoàng dịch.


Vụ tấn công tạp chí Pháp Charlie Hebdo là một cuộc tấn công vào nền dân chủ, tự do, và vào những lý tưởng là nền tảng cho mọi xã hội tự do. Bởi phải đối mặt với các lực lượng cực đoan và khủng bố, chúng ta phải đủ can đảm để cất tiếng nói ủng hộ cho những lý tưởng này và để bảo vệ quyền được nói ra những gì chúng ta tin. Nhưng chúng ta cũng phải chú ý tôn trọng thực tế rằng những người khác cũng có quyền tương tự.



Charlie Hebdo không phải là ấn phẩm đầu tiên bị tấn công vì phát hành những hình ảnh mà một số người cho là xúc phạm Hồi giáo. Năm 2005, khi tôi còn là Thủ tướng, tờ báo Đan Mạch Jyllands-Posten đã gây tranh cãi quốc tế bằng việc xuất bản mười hai bản phác họa Nhà tiên tri Muhammad. Một số người Hồi giáo ở Đan Mạch cũng như ở nước ngoài đã cáo buộcJyllands-Posten tội báng bổ vì cho xuất bản hình ảnh của Nhà tiên tri. Một số khác cho rằng những hình ảnh đó là xúc phạm Hồi giáo. Đã có những lời kêu gọi trả đũa tờ báo, chống lại chính phủ của tôi, và chống lại lợi ích quốc tế của Đan Mạch.

Phản ứng của chúng tôi được đưa ra dựa theo nguyên tắc tự do ngôn luận là một trong những trụ cột của nền dân chủ, và phá hoại tự do ngôn luận là làm phá hoại chính nền dân chủ. Ở các nước tự do, mọi công dân đều có quyền nói những gì mình muốn, tin tưởng những gì mình muốn, và chỉ trích hay nhạo báng những gì mình muốn – bằng văn bản, bản vẽ, hoặc bằng bất kỳ hình thức biểu hiện ôn hòa nào khác. Mọi công dân cũng đều có quyền không đồng ý với ý kiến của người khác và đều có quyền bày tỏ sự bất đồng theo một cách hợp pháp và hòa bình.

Năm 2005, trong cuộc khủng hoảng tranh biếm họa (tức vụ Jyllands-Posten – ND), một số nhà bình luận và chính trị gia trong thế giới Hồi giáo tuyên bố rằng quyền tự do ngôn luận đã bị lạm dụng và kêu gọi lên án các bức biếm họa và một lời xin lỗi, trước hết là từ Jyllands-Posten, sau đó là từ chính phủ của tôi. Chắc chắn, cách sử dụng quyền tự do ngôn luận tốt nhất là bằng một cách khôn ngoan và có trách nhiệm. Nhưng chúng tôi đã tin, và đến giờ tôi vẫn tin, rằng tìm cách hạn chế quyền tự do ngôn luận là không khôn ngoan và vô trách nhiệm, và rằng cách đúng đắn nhất để phản ứng lại sự xúc phạm là đưa ra lời phản biện, chứ không phải là tổ chức một cuộc tấn công khủng bố. Và trong các nền dân chủ, ta luôn có thể đưa vụ việc ra tòa.

Nguyên tắc đó đã đưa chúng tôi vượt qua cuộc khủng hoảng năm 2005. Chúng tôi đã không xin lỗi vì những quyết định biên tập của một tờ báo độc lập, bất chấp sức ép rất lớn từ các nhóm và chính phủ Hồi giáo. Chúng tôi cũng không tìm cách biện minh cho việc xuất bản các bức biếm họa. Chỉ đơn giản là chúng tôi đứng lên cho tự do ngôn luận.

Bất chấp những cảm giác bàng hoàng và giận dữ mà chúng ta dành cho cuộc tấn công nhằm vào Charlie Hebdo, tất cả chúng ta phải giữ vững nguyên tắc đó bởi hạn chế tự do ngôn luận sẽ làm suy yếu chính các xã hội của chúng ta. Cuộc tấn công các nhà báo của Charlie Hebdo là kinh tởm và đáng khinh bỉ, nhưng nếu chúng ta phản ứng bằng cách hạn chế sự tự do mà xã hội chúng ta lấy làm nền tảng, chúng ta sẽ rơi vào tay những kẻ giết người.

Các chính phủ phải đứng lên cho quyền tự do của các nhà báo được viết những gì họ muốn và quyền tự do của mỗi người dân được ủng hộ hoặc phản đối những gì họ viết. Và các nhà báo phải tiếp tục viết và vẽ những gì họ tin. Tự kiểm duyệt sẽ làm suy yếu quyền tự do của họ và đặt thêm gánh nặng lên tự do ngôn luận.

Trong những ngày qua, một số biên tập viên đã quyết định rằng phản ứng đúng đắn cho vụ thảm sát Charlie Hebdo là tái xuất bản tranh biếm họa của tạp chí này. Một số quyết định ngược lại. Có một số chỉ trích những hành động của Charlie Hebdo. Các biên tập viên có quyền đưa ra những quyết định này và thể hiện chúng nếu như họ thấy phù hợp. Đó là bản chất của dân chủ. Cái ngày mà những quyết định đó được đưa ra vì sợ bị trả thù cũng là ngày mà sự tự do của chúng ta chấm dứt.

Đối với các công dân, tự do ngôn luận có nghĩa là đủ can đảm để nói ra những gì họ tin mà không cần đến bạo lực để chống lại các nhà báo hay chống lại các đại diện của bất kỳ tín ngưỡng tôn giáo nào. Bắn giết các nhà báo trong máu lạnh chỉ vì họ đã in những bức biếm họa là một tội ác ghê tởm. Nhưng tấn công một nhà thờ hay hành hung một người Hồi giáo vì đức tin của họ cũng chẳng khác gì.

Sẽ có nơi để tranh luận, thậm chí một cách gay gắt, về câu hỏi đạo đức sâu sắc là làm thế nào để cân bằng quyền tự do ngôn luận với tôn trọng tôn giáo. Nhưng vũ khí của cuộc tranh luận này nên là những từ ngữ, không phải vũ khí – là bàn phím, không phải súng AK. Mỗi người chúng ta đều có quyền đưa ra ý kiến. Nhưng không ai được có quyền giết những người mình không đồng ý.

Cuộc diễu hành của hàng triệu người ở Paris hôm 11 là biểu hiện tuyệt vời của tình đoàn kết và hòa bình. Mỗi nhà lãnh đạo và lập pháp cần phải phấn đấu để sống cho những lý tưởng trong khi đáp lại các mối đe dọa đến từ chủ nghĩa cực đoan.

Như mọi người đều hi vọng, các cuộc tấn công khủng bố tại Paris sẽ là một sự thay đổi trong việc bảo vệ tự do báo chí và tự do nói chung, bởi hàng triệu người đã nhận ra những gì đang bị đe dọa. Chúng ta không thể coi nhẹ quyền tự do biểu đạt. Chúng ta phải đứng lên vì nó và bảo vệ nó, thậm chí và có lẽ đặc biệt là khi chúng ta không đồng ý với những gì đang được thể hiện.

Anders Fogh Rasmussen là cựu Thủ tướng Đan Mạch và Tổng thư ký NATO, người sáng lập và Chủ tịch Rasmussen Global.

Bản dịch © 2015 Nguyễn Huy Hoàng