Trang

Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

Lãng phí tiền dân

Dự án lát vỉa hè nghìn tỷ của Quận Nhất, TP. Hồ Chí Minh ngay lập tức vấp phải sự phản ứng gay gắt của dư luận. Mặc dù vẫn cố gắng giải trình dự án không sử dụng tiền ngân sách và có lộ trình thực hiện trong nhiều năm, song chính quyền Quận Nhất vẫn chưa thể nhận được sự đồng thuận. Bởi có rất nhiều lo ngại xung quanh dự án này được đặt ra không chỉ từ giới chuyên môn mà còn từ những người chủ thật sự của nguồn tiền nghìn tỷ này.

Nguồn vốn 1.000 tỷ đồng được chính quyền Quận Nhất giải trình là từ các doanh nghiệp trên địa bàn cho vay trong vòng từ 3 tới 5 năm với lãi suất bằng 0%.  Vì vậy, theo chính quyền địa phương, dự án này không sử dụng nguồn vốn ngân sách. Luận điểm này của Quận Nhất ngay lập tức đã bị các chuyên gia phản bác. Đã vay thì phải có trả. Nguồn tiền để cân đối việc trả nợ này theo Quận Nhất cho biết  là từ khoảng thu ngân sách vượt chỉ tiêu hàng năm của địa phương. Như vậy, về bản chất nguồn vốn cho dự án vỉa hè nghìn tỷ này cuối cùng vẫn liên quan tới khoản thu ngân sách của địa phương.  Cũng chính là nguồn tiền mà người dân thành phố đóng góp vào ngân sách nhà nước để phục vụ cho các nhu cầu phát triển. Vì vậy, tiền của dân cần phải được sử dụng hợp lý, hiệu quả và nhất là phải có sự đồng thuận của dân.

Việc chỉnh trang đô thị để có một thành phố văn minh, sạch đẹp là cần thiết. Song, nhiều ý kiến cho rằng tại TP HCM còn rất nhiều chuyện cần phải làm ngay, cấp bách hơn là việc thay vỉa hè bằng đá hoa cương ở Quận Nhất. Trong lúc “bầu sữa” ngân sách còn đang rất hạn hẹp, nhiều công trình cần thiết còn đang phải “đắp chiếu” chờ tiền, việc dành 1.000 tỷ đồng cho dự án vỉa hè đá hoa cương là quá lãng phí và sẽ gây hậu quả khó lường. Đặc biệt là trong trường hợp nhiều tuyến vỉa hè của Quận Nhất, TP HCM hiện vẫn còn đang sử dụng tốt.  Quy hoạch chỉnh trang đô thị của TP HCM hiện vẫn chưa hoàn chỉnh, các công trình ngầm vẫn đang trong giai đoạn khảo sát, việc triển khai rầm rộ dự án vỉa hè đá hoa cương tốn kém có nguy cơ lại phải đào xới lên xuống nhiều lần cũng sẽ góp phần gây thêm lãng phí không nhỏ.

Một số chuyên gia giao thông cho biết nhiều địa phương đã từng cho lát đá hoa cương trên vỉa hè nhiều tuyến đường và để lại nhiều bài học đắt giá. Vỉa hè lát đá hoa cương tuy đẹp nhưng trở thành nỗi ám ảnh của người dân địa phương và du khách mỗi khi mưa xuống. Cụ thể là mặt đá hoa cương nhẵn bóng, rất trơn trượt mỗi khi mưa xuống nên nhiều du khách bị trượt chân té ngã, còn người dân địa phương thì không dám đi trên vỉa hè mà xuống lòng đường để khỏi té nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.  Ngoài ra, đá hoa cương được lát trên nền bê tông sẽ khiến hàng trăm nghìn mét vuông vỉa hè thành phố mất khả năng thẩm thấu nước. Điều này sẽ gây tác hại nghiêm trọng tới việc thoát nước và môi trường thành phố.  Trong khi đó, TP HCM nằm trong vùng khí hậu mưa nhiều, công tác chống ngập úng, thoát nước bề mặt của thành phố hiện vẫn chưa có lời giải cơ bản, lại thêm vỉa hè hoa cương sẽ khiến tình trạng này thêm trầm trọng.

Các chuyên gia đô thị còn lo ngại khi vỉa hè đá hoa cương được triển khai diện rộng sẽ làm cảnh quan đô thị của thành phố trở nên đơn điệu và nhàm chán. Theo họ, tùy vào tính chất của từng khu vực dân cư và các tuyến phố để có thể sử dụng nhiều loại vật liệu khác nhau, thiết kế khác nhau nhằm tạo ra sự đa dạng nhiều sắc thái riêng biệt cho cảnh quan đô thị của thành phố. Trên thế giơi không ai làm cả một khu trung tâm hay cả thành phố chỉ có một loại vỉa hè. Sản phẩm đá hoa cương lại không phải là đặc thù của TP HCM. Nên càng không thể tạo ra điểm nhấn cho thành phố này bằng những vỉa hè toàn bằng đá hoa cương một cách khiên cưỡng và đơn điệu. “Xét về mặt thẩm mỹ, văn hoá thì đá hoa cương không có. Du khách đến với Việt Nam là vì tính đa dạng, nếu đơn điệu, chỗ nào cũng giống nhau thì dễ tạo cảm giác nhàm chán. Nếu làm vỉa hè đa dạng hơn, từ loại gạch nhẹ, bê tông nhẹ của các trường đại học nghiên cứu ra nhiều khi còn hay và độc đáo hơn. Vừa đẹp, vừa thoát nước, vừa trồng cây xanh được, lại là sản phẩm của địa phương sẽ có ý nghĩa hơn” – TS Phạm Sanh phản biện.

1.000 tỷ đồng dù trước mắt là tiền vay doanh nghiệp nhưng cuối cùng người trả nợ vẫn là dân. Không có cách nói nào khác,  đó chính là tiền của dân. Những người được dân ủy thác sử dụng nguồn tiền đóng góp của dân cần phải cân nhắc và có trách nhiệm. Cái gì cần thiết thì mới làm, dù chỉnh trang đô thị là một trong 7 chương trình trọng điểm cần thiết phải làm của thành phố, cũng cần phải xem xét thận trọng. Đặc biệt, khi dự án vừa công bố đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt, sự không đồng thuận của dân, của các nhà chuyên môn thì càng phải được đánh giá đầy đủ hơn trước khi quyết định thực hiện.


Hữu Nguyên

Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016

“Con voi trong phòng khách”

Khi các Bộ vẫn còn đùn đẩy trách nhiệm về việc quản lý, giám sát “những con voi trong phòng khách” thì người dân vẫn còn phải tiếp tục chịu thiệt. Trong khi buộc phải ngồi chờ và chịu thiệt, người dân hãy cố gắng trở thành “người tiêu dùng thông minh”.

Chỉ cần một “con voi trong phòng khách” của hai bộ Công Thương và Tài Chính đã kịp “móc túi” người dân hơn 3.500 tỷ đồng tiền thuế xăng dầu vô lý. Trong khi hai bộ này vẫn còn đang tiếp tục cãi nhau về trách nhiệm  quản lý của họ, thì người dân vẫn còn tiếp tục bị “móc túi” tiền tỷ mỗi ngày. Chẳng có ai nóng ruột, kể cả những “người tiêu dùng thông minh”. Vì trong trường hợp này, “người tiêu dùng thông minh nhất” cũng phải bó tay. Không thể từ chối việc đổ xăng vào xe cá nhân để đi làm. Vì nếu  chọn xe buýt, hay giao thông công cộng hợp túi tiền khác thì luôn trễ giờ và chắc chắn có nguy cơ bị mất việc.

Đã là “người tiêu dùng thông minh” chắc hẳn ai cũng biết câu nói nổi tiếng của một vị đại biểu Quốc hội trong năm vừa rồi khi bình luận về tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm: “Chưa bao giờ con đường từ bàn ăn ra nghĩa địa lại gần đến thế”. Câu chuyện này không chỉ một lần được đặt ra nghị trường Quốc hội để cảnh báo và tìm kiếm giải pháp.  “Tư lệnh” của các ngành chức năng có liên quan lần nào cũng hứa hẹn, cam kết và quyết tâm… kéo con đường này dài ra hơn, an toàn hơn. Song, trong thực tế  việc kinh doanh, sử dụng chất cấm ngày một tinh vi hơn và công tác quản lý chuyên ngành lại càng tỏ ra bất cập hơn. “Con voi” vẫn chễm chệ trong phòng khách, vì không ai nhận trách nhiệm thuộc về mình, nên chẳng có ai giám sát, kiểm soát và nhất là phải có hành động cụ thể dù chỉ là để chứng tỏ đã nhìn thấy “con voi” đang ngồi trong phòng khách của Bộ nhà mình.

Cho tới khi dư luận xôn xao, truyền thông ồn ào thì lúc đó các nhà quản lý “phòng khách” mới lên tiếng. Thừa nhận rằng họ đã nhìn thấy… con voi. Thế nhưng trách nhiệm giám sát và quản lý “con voi” đó, để nó đi lung tung, ngồi không đúng chỗ luôn chắc chắn là không thuộc về Bộ nhà mình. Lỗi thuộc về cái bộ phận có tên là cơ chế. Cơ chế lỏng lẻo là do các quy định của pháp luật còn bất cập chứ không phải do con người hay tổ chức cụ thể nào cả.

Sau khi báo chí dẫn nguồn Cảnh sát Môi trường cho biết trong năm 2015 đã có trên 20 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu 9.140kg salbutamol về Việt Nam  (Trong đó, khoảng 3 tấn đang được lưu giữ trong kho của các doanh nghiệp. Trên 6 tấn đã được bán ra thị trường nhưng chỉ có 10kg được sử dụng đúng quy định) và đặt vấn đề 6 tấn còn lại đang ở đâu, có hay không ở trong cơ thể người tiêu dùng,  thì chỉ một ngày sau ngành Y tế đã lên tiếng.

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) giải thích số liệu hơn 9 tấn salbutamol (chất tạo nạc) được nhập về là trong thời gian 2 năm (2014 và 2015) chứ không phải chỉ riêng trong năm 2015 như báo chí nói.Theo Cục Quản lý Dược, số lượng này (9.091kg) được xem xét cho nhập khẩu trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp sản xuất thuốc, nhập khẩu nguyên liệu làm thuốc. Ngoài ra, Cục này khẳng định hiện chỉ có 10 doanh nghiệp nhập khẩu salbutamol (không phải 20 doanh nghiệp). “Thông tin trong 6 tấn bán ra thị trường nhưng chỉ có 10kg được sử dụng đúng quy định là hoàn toàn không có cơ sở”, Cục này nhấn mạnh.Theo Cục Quản lý Dược, salbutamol là hoạt chất cần thiết cho công tác điều trị, lâu nay không được đưa vào danh mục kiểm soát đặc biệt. Mặc dù có nhiều lợi ích trong y học, tuy nhiên salbutamol cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm cho sức khỏe con người nếu bị dùng bừa bãi, không đúng mục đích.

Đại diện của ngành y tế cho rằng tận tới ngày 4/9/2014 ngành nông nghiệp mới ban hành quy định đưa salbutamol vào danh mục các chất cấm trong chăn nuôi. Đáng nói là việc liệt kê chất cấm trong chăn nuôi lần này của ngành nông nghiệp không hề có sự tham khảo hay phối hợp nào với ngành y tế. Do vậy, không thể nói ngành y tế không có trách nhiệm trong việc phối hợp quản lý. Cục Quản lý Dược Bộ Y tế cũng cho biết, sau khi có thông tin salbutamol  bị tuồn chui ra ngoài sử dụng sai mục đích, Cục đã phối hợp với C49 kiểm tra 6/10 cơ sở kinh doanh. Kết quả là có 4/6 cơ sở được kiểm tra vi phạm khi ban salbutamol cho những  cơ sở không có giấy chứng nhận đầy đủ điều kiện kinh doanh thuốc theo quy định của pháp luật. Không thấy Cục này nói số lượng chất salbutamol mà 4 cơ sở vi phạm đã bán cho các cơ sở không đủ điều kiện kinh doanh thuốc chữa bệnh là bao nhiêu.

Trong khi đó, phát biểu với báo chí, TS.BS Trần Bá Thoại, Ủy viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam, cho biết: “Việt Nam chỉ cần khoảng 10kg salbutamol để làm thuốc chữa hen phế quản”. Như vậy, với hơn 9 tấn salbutamol được ngành y tế cho nhập khẩu trong 2 năm 2014-2015 và rõ ràng đã xảy ra các vụ vi phạm trong kinh doanh chất cấm này trong chăn nuôi qua một đợt kiểm tra mà Cục Quản lý Dược thừa nhận ai cũng hiểu hàng tấn chất cấm đã đi vào đâu.

Còn nhớ, Bộ trưởng NN&PTNN Cao Đức Phát trong lời tuyên chiến với thực phẩm bẩn gần đây đã khẳng định: “Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là tội ác”. Thế nhưng làm cách nào để “người tiêu dùng thông minh” và kể cả những ngươi có trách nhiệm xác định đâu là “tội ác” và “ai gây tội ác” khi mà ngành nông nghiệp thì cấm còn ngành y tế thì không cấm?

Trong khi các Bộ còn đang ngồi tranh luận với nhau về trách nhiệm quản lý, thì “con voi trong phòng khách” đã kịp thời tung hoành đầu độc hàng loạt những người tiêu dùng, kể cả người tiêu dùng thông minh nhất. Một khi việc đầu độc này còn mang lại lợi nhuận kếch xù cho nhóm lợi ích và kể cả các doanh nghiệp, thương lái vô đạo đức, thấy lợi là tối mắt sẵn sàng đầu độc chính dân tộc, gia đình mình. Bởi bản thân những kẻ kinh doanh và sử dụng chất cấm, ở góc độ khác chính họ cũng là người tiêu dùng. Salbutamol trong thực tế cũng chỉ là một trong vô số dược chất, hoặc hóa chất nằm lơ lửng trên lằn ranh giới trách nhiệm của các ngành.  Nó không phải là một trường hợp ngoại lệ duy nhất. Giữa “ma trận” chất cấm, liệu có ai chắc rằng họ có thể thoát ra khỏi  hoàn toàn cái vòng vây của lưỡi hái tử thần?

Hữu Nguyên


“Chùm khế” sẽ hết ngọt?

Không thể phủ nhận vai trò của nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) suốt hơn 2 thập niên qua (từ 1993) làm thay đổi tích cực diện mạo kinh tế – xã hội Việt Nam, tăng tốc hội nhập và nâng cao vị trí của nước ta trong cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng ODA trong thực tế đang đặt Việt Nam trước tình thế phải thay đổi. Thay đổi để ODA không trở thành “chùm khế ngọt” gây tác hại lâu dài nhiều hơn là đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Nhiều chuyên gia đã kiên trì lên tiếng cảnh báo về tình trạng buông lỏng quản lý và sử dụng ODA kém hiệu quả ở một số công trình, địa phương trong thời gian qua. Đó là chưa kể, không ít tiêu cực, tham nhũng đã phát sinh xung quanh các dự án ODA . Có thể nói, cơ chế cấp phát, xin – cho còn khá nặng nề trong suốt thời gian qua về phân bố nguồn vốn ODA là một trong những nguyên nhân quan trọng làm giảm sút hiệu quả sử dụng nguồn vốn và phát sinh tiêu cực. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, hầu hết các dự án ODA đều có hiệu quả sử dụng nguồn vốn không cao. Đặc biệt là các dự án xây dựng hạ tầng,  giao thông thường chậm tiến độ, đội vốn rất lớn.

Cơ chế sử dụng nguồn vốn vay, dù là vay ưu đãi như ODA, mang tính cấp phát từ ngân sách và Nhà nước lại phải chịu hầu hết các rủi ro đã dễ dàng dẫn tới tình trạng lãng phí ngay từ trong tư duy xây dựng chính sách đầu tư. Chính Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cũng từng xót xa thừa nhận lãng phí hàng đầu chính là lãng phí trong chủ trương đầu tư. Và do cơ chế thiếu vắng sự giám sát của người dân một cách hữu hiệu nên không ít chủ trương đầu tư công lại xuất phát từ lợi ích nhóm hay các cá nhân quyền lực. Do vậy, nghịch lý là nhiều công trình cần thiết cho xã hội, cho nhân dân thì lại không đầu tư; Ngược lại, chủ trương đầu tư quá mức vào những công trình không thiết thực, không cần thiết, gây lãng phí lớn nguồn lực. Đáng nói, nguồn lực ở đây lại là vốn vay phải trả, dù là vay ưu đãi. Sự lãng phí trong chủ trương đầu tư đã để lại gánh nặng, áp lực trả nợ gia tăng vì nguồn vốn sử dụng không hiệu quả cho nhiều thế hệ sau.

Nguồn vốn ODA ưu đãi thường kèm theo những điều kiện như chỉ định thầu, ưu tiên nhà thầu nước ngoài, yêu cầu mua máy móc, thiết bị, vật liệu từ quốc gia tài trợ.  Do các dự án thiếu tính cạnh tranh nên chi phí đầu tư thực tế thường tăng hơn rất nhiều so với dự toán ban đầu. Khi trách nhiệm của người đi vay, người tiêu tiền không cao thì các dự án ODA thường có nguy cơ quản lý kém hiệu quả, nảy sinh nhiều bất cập. Chất lượng các công trình dự án ODA và mối lo nợ nần càng tăng lên khi những sự cố kỹ thuật, những tai nạn chết người liên tiếp xảy ra như ở dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Những góc tối, những sự cố đó đã tạo ra nhiều ý kiến lo ngại về ODA. Đơn giản, nếu ODA và đầu tư công kém hiệm quả sẽ tác động đến tính bền vững và an toàn của nợ công.

Một số nước đã thành công với ODA nhờ phát huy tính tự chủ cao, quản lý chặt chẽ và các cơ quan tiếp nhận ODA đủ năng lực quản lý. Trong khi đó, vì nhiều lý do, trong đó có lý do huy động và sử dụng vốn ODA chưa tốt, nhiều quốc gia đã rơi vào tình trạng bất ổn định. Đây cũng là kinh nghiệm cho Việt Nam. Các chuyên gia thống nhất rằng chỉ nên lựa chọn và chấp nhận những ODA có ý nghĩa thiết thực và hiệu quả kinh tế – xã hội cụ thể và phải kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí để ODA thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn mà không trở thành món nợ của tương lai. Ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng: “Việc huy động và sử dụng các nguồn vốn ODA trong những năm qua còn bộc lộ một số hạn chế mà nguyên nhân chủ yếu là do thiếu một định hướng tổng thể với tầm nhìn dài hạn làm cơ sở cho việc huy động và sử dụng một cách có hiệu quả hơn”.

Tính từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình, mức độ  ưu đãi của các khoản cho vay của các đối tác phát triển dành cho Việt Nam đang giảm rõ rệt. Nếu như giai đoạn trước năm 2010, thời hạn vay bình quân khoảng từ 30 - 40 năm, với chi phí vay khoảng 0,7-0,8%/năm, bao gồm thời gian ân hạn, thì giai đoạn 2011-2015, thời hạn vay bình quân chỉ còn từ 10 - 25 năm, tùy theo từng đối tác và từng loại vay, với chi phí vay khoảng 2%/năm trở lên. Nhiều nhà tài trợ đã chuyển từ nguồn vốn ODA sang nguồn vốn vay hỗn hợp. Dự kiến đến tháng 7/2017, Việt Nam có thể không còn được vay theo điều kiện ODA, phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2 - 3,5%.

Từ năm 2017, theo quy định Luật Ngân sách mới, ngân sách địa phương được phép bội chi, tức là được vay nợ và phải có nghĩa vụ trả nợ. Cơ chế mới này sẽ giúp tách bạch quyền và nghĩa vụ trong việc vay, trả nợ giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, góp phần quản lý nợ công. Nhà nước sẽ chỉ tập trung vốn ODA vào những lĩnh vực then chốt, các dự án công trình trọng điểm. Các địa phương có tiềm lực tài chính tốt, nộp ngân sách về trung ương phải chia sẻ trách nhiệm về gánh nặng nợ qua việc cho vay lại.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn băn khoăn với cơ chế địa phương tự vay và tự chịu trách nhiệm trả nợ, bởi nguy cơ nợ công các địa phương sẽ tăng mạnh. Do vậy, cần phải làm rõ cơ chế trách nhiệm trong quyết định các dự án đi vay ODA và người ký đề xuất vay ODA. Nếu vẫn là cơ chế cấp ủy hay hội đồng nhân dân thông qua, tức trách nhiệm tập thể, sẽ không thể quy được trách nhiệm. Có ý kiến đề nghị phải có nghị định hướng dẫn cụ thể hơn về trách nhiệm cá nhân, cũng như cơ chế bố trí vốn trả nợ.  Bởi dù cho địa phương vay lại nhưng cuối cùng Nhà nước cũng sẽ phải trả nợ nếu các dự án không đạt hiệu quả và địa phương không trả được nợ. Đồng thời, để tăng hiệu quả và trách nhiệm trong sử dụng vốn ODA, bên cạnh việc trao trách nhiệm cho địa phương, cần tăng cường cơ chế phản biện, giám sát, đánh giá dự án cho người dân.

Hữu Nguyên


Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2016

Mất bò mới lo làm chuồng

Các ứng phó của ngành chức năng từ vụ nổ bom kinh hoàng ở Hà Nội, tới vụ sập cầu Ghềnh ở Biên Hòa và hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử ở Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy tư duy “mất bò mới lo làm chuồng” vẫn còn dư địa không nhỏ trong bộ máy công quyền. Điều đó cũng cho thấy thực trạng công tác dự báo, cảnh báo, xây dựng kịch bản, kế hoạch ứng phó với các tình huống đột xuất xảy ra do thiên tai lẫn nhân tai của các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đang có vấn đề.

Các chuyên gia pháp luật cho rằng hiện nước ta có một quy trình quản lý vật liệu nổ (trong đó có bom mìn phế liệu sau chiến tranh) rất tốt. Quy trình này có những quy định rất cụ thể, chặt chẽ từ việc cấp phép sử dụng, kinh doanh, vận chuyển cho tới trách nhiệm kiểm tra, giám sát của ngành chức năng. Bất kỳ hình thức nào để thất thoát hoặc sử dụng trái phép đều có khả năng bị truy tố hình sự, bằng những chế tài rất nghiêm khắc. Thế nhưng quy định thì vẫn cứ là quy định, còn thực tế đã từng xảy ra không ít trường hợp mất kiểm soát.

Những quả bom nặng hàng trăm cân vận chuyển, mua bán thế nào lại có mặt ở giữa lòng thủ đô, tại những khu phố, đô thị đông đúc mới là một sự thật đáng sợ. Ngay sau khi xảy ra nổ bom kinh hoàng, chính quyền Hà Nội cho rằng đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành thực hiện nghiêm về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu cháy nổ và công cụ hỗ trợ. Chứng tỏ, Hà Nội luôn chú trọng đến công tác phòng chống cháy nổ. Tuy nhiên, chính quyền sở tại cũng phải thừa nhận ở một số lĩnh vực, một số địa bàn và doanh nghiệp vẫn còn xảy ra tình trạng mất an toàn, tiềm ẩn cháy nổ gây thiệt hại về người và tài sản.

Sự cố bất ngờ dẫn tới hậu quả nghiêm trọng là điều không ai mong muốn. Nhưng khi sự cố đã xảy ra mà cơ quan và cá nhân chịu trách nhiệm vẫn không nhìn thấy thực tế buông lỏng quản lý, bệnh hình thức, nặng về hành chính thủ tục hơn là kiểm tra giám sát thực thi hiệu quả các quy định, quy trình thì khó mà ngăn chận được các sự cố kế tiếp.

Điều này được minh chứng bởi hai vụ tàu đâm cầu liên tiếp chỉ trong hai tuần đầu tháng 3 này. Vụ ở Hải Dương đã làm cầu hư hỏng nặng, ách tắc giao thông trong phạm vi địa phương.  Còn vụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh ở Biên Hòa xảy ra sau đó đúng 2 tuần thì hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Bởi đây là cây cầu đường sắt độc đạo, sự cố sập cầu đã làm gián đoạn toàn bộ hệ thống đường sắt Bắc – Nam, ảnh hưởng lớn tới con đường vận tải hàng hóa hết sức nhộn nhịp gắn liền với nhiều khu vực kinh tế trọng điểm và cảng biển quốc tế. Chưa kể hàng chục ngàn hành khách đi tàu Bắc – Nam phải khốn khổ do sự cố này. Đáng tiếc dù biết đây là cây cầu độc đạo, có tuổi đời hơn 100 năm, không chỉ quan trọng về giao thông đường sắt mà còn có giá trị lịch sử, thế nhưng ngành chức năng gần như không có kế hoạch bảo vệ hay phương án dự phòng nào dành cho cây cầu này để đề phòng sự cố bất ngờ có thể xảy ra. Trong khi, trên thực tế nguy cơ sự cố tàu đâm cầu tại đây là rất lớn. Vì đây là luồng giao thông thủy rất nhộn nhịp nối liền khu vực miền Tây và Đông Nam bộ với nhiều phương tiện vận tải thủy hạng nặng.

Các quan chức của ngành đường sắt và vận tải thủy khu vực sau sự cố chỉ ra sức viện dẫn các quy trình vận hành điều tiết giao thông mà chưa thấy ai nhận trách nhiệm vì sao không hề có bất kỳ phương án dự phòng hay bảo vệ trụ cầu nào được triển khai trước đó. Trong khi, một cây cầu chiếm vị trí quan trọng như cầu Ghềnh xứng đáng được hưởng sự quan tâm đúng mức để đề phòng các sự cố bất ngờ có thể xảy ra. Các tư liệu lịch sử cho thấy, từ trước 1975, cầu Ghềnh đã được xây dựng các hàng rào bảo vệ chống va trụ cầu bằng thép rất kiên cố. Không hiểu sao, cơ quan chức năng đã cho tháo gỡ các hàng rào chống va này, chẳng biết tự bao giờ và cũng chưa hề có kế hoạch xây dựng lại hệ thống bảo vệ này cho các trụ cầu. Đến khi sự cố xảy ra, cầu đã bị đâm sập thì quá muộn.

Một thông tin trên trang web của Sở NN&PTNT của tỉnh Bến Tre ngày 10-3-2016 đã làm cho nhiều người bức xúc. Bản tin này có nội dung hướng dẫn cho nông dân các biện pháp kỹ thuật, thời vụ xuống giống, hoặc chuyển đổi cây trồng … để tránh bị ảnh hưởng bởi tình trạng hạn hán và ngập mặn ở địa phương này. Được biết, Bến Tre là một trong những địa phương bị hạn hán và xâm nhập mặn sớm nhất, nặng nề nhất ĐBSCL. Thông tin của ngành nông nghiệp Bến Tre  đưa ra trong lúc cây trồng, vật nuôi của bà con hầu như đã lâm vào tình trạng tuyệt vọng, không còn cứu chữa được nữa. Điều này cho thấy công tác dự báo.  Cảnh báo, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân của ngành chức năng địa phương  trong tình cảnh này chỉ làm cho có, hình thức và vô cảm. Tình huống thật khôi hài, “mất bò mới lo làm chuồng”.

Tình trạng hạn hán và ngập mặn ở ĐBSCL thực ra đã được các nhà khoa học cảnh báo từ rất sớm. Cảnh báo được dựa trên các nghiên cứu khoa học với sự tham gia của nhiều cơ quan nghiên cứu quốc tế rất cẩn trọng. Kịch bản biến đổi khí hậu đã được xây dựng và hiện đang được chứng minh trên thực tế. Điều đáng nói là ĐBSCL được giới khoa học cảnh báo là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất của biến đổi khí hậu. ĐBSCL còn phải  hứng chịu tác động kép, vừa của biến đôi khí hậu vừa do can thiệp của con người vào dòng chảy sông Mekong của các quốc gia thượng nguồn. Do đó, hậu quả sẽ hết sức nghiêm trọng. Dự báo sẽ có hàng chục triệu cư dân trong khu vực lâm vào cảnh khốn khó vì thiếu nước ngọt và phần lớn đất đai ngập mặn.

Kịch bản đã có từ lâu, cảnh báo đã đưa ra thật rõ ràng. Thế nhưng các chương trình, kế hoạch ứng phó thì lại luôn chậm trễ và tất nhiên là thiếu hiệu quả. Trách nhiệm này không thể đổ cho dân.

Hữu Nguyên



Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2016

Xin lỗi

Sự kiện chính quyền địa phương tổ chức công khai xin lỗi nữ du khách Ai Cập bị cướp giật giỏ xách mới đây ở TP. Hồ Chí Minh đang làm nóng dư luận. Câu chuyện “văn hóa xin lỗi” trong việc thay đổi tư duy hướng tới “chính quyền phục vụ dân” và nâng cao chất lượng hoạt động công quyền lại được đặt ra.

Trên thực tế, tình trạng du khách nước ngoài và ngay cả người Việt Nam bị cướp giật trên đường phố ở TP. HCM đã và đang là vấn nạn được báo động cấp bách. Tân Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng ngay từ những ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ đã chỉ đạo ngành chức năng trong vòng 3 tháng phải kéo giảm tình hình tội phạm trên địa bàn. Đương nhiên, trong đó có tình trạng cướp giật trên đường phố đang làm người dân và du khách hết sức bất an tại thành phố này. Bảo đảm cuộc sống bình an cho người dân và du khách là trách nhiệm không thể chối cãi của chính quyền, bên cạnh các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội khác. Không đảm bảo được điều đó, trước hết là lỗi của chính quyền sở tại.

Điều đáng nói là mấy ngày sau khi xảy ra vụ cướp giật giỏ xách của nữ du khách người Ai Cập, Bí thư Đinh La Thăng, người vốn khá quen thuộc với “văn hóa xin lỗi” khi còn đương nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, đã phải phàn nàn rằng ông đã yêu cầu cơ quan chức năng tới gặp và xin lỗi nạn nhân, nhưng lại không biết ngành nào chịu trách nhiệm chính, cụ thể để thực hiện. Ông kết luận: “Cơ chế hiện nay rất khó để một đơn vị chịu trách nhiệm cụ thể về một vấn đề”. Cuối cùng thì 5 ngày sau khi xảy ra vụ cướp, đại diện chính quyền sở tại và ngành du lịch địa phương đã tổ chức được buổi gặp gỡ công khai xin lỗi nạn nhân. Hành động xin lỗi công khai và được truyền thông khá đậm đà này của chính quyền TP.HCM đã khiến cho nữ du khách Ai Cập “rất sửng sốt”. Nạn nhân còn cho biết thêm, trong 3 ngày đầu tiên tới TP.HCM cô đã bị “xui xẻo” đủ 3 lần: ngày đầu tiên bị mất điện thoại, ngày thứ hai mất xe đạp và ngày thứ ba thì bị cướp giật túi xách.

Có lẽ, nữ du khách Ai Cập nói trên không phải là nạn nhân người nước ngoài đầu tiên bị cướp giật trên đường phố TP.HCM. Nhưng, chắc chắn rằng cô đã trở thành du khách nước ngoài đầu tiên được chính quyền sở tại công khai nhận lỗi và xin lỗi vì sự thiếu trách nhiệm của họ. Nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng liệu một cuộc nhận lỗi và xin lỗi công khai của chính quyền địa phương như thế này có diễn ra không? Câu hỏi này cũng đồng thời cho thấy, “văn hóa xin lỗi” chưa thật sự trở thành thói quen ứng xử của những người có trách nhiệm tại thành phố này nói riêng và có lẽ của  cả hệ thống công quyền nói chung. Bởi vì, hành xử văn hóa tự nhiên, khi xảy ra lỗi do sự thiếu trách nhiệm của mình hay của tổ chức do mình đứng đầu thì cá nhân hoặc người đứng đầu đương nhiên phải biết nhận lỗi và xin lỗi. Đồng thời với tinh thần khẩn trương khắc phục các hậu quả mang lại. Thế nhưng, lâu nay việc công chức hay lãnh đạo cơ quan công quyền công khai nhận lỗi và xin lỗi người dân vì sự thiếu trách nhiệm công vụ của họ dẫn đến các thiệt hại cho dân và cho xã hội lại rất hy hữu. Mới đây, một nữ sinh 15 tuổi ở tỉnh Đắc Lắc phải bị cưa mất một chân do sự thiếu chuyên môn và tắc trách của ê-kíp điều trị tại bệnh viện huyện Cư Kuin đã khiến dư luận phẫn nộ. Việc xác định trách nhiệm và xử lý vụ việc như thế nào cơ quan chức năng đang làm rõ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cho tới giờ này người ta vẫn chưa thấy một lời xin lỗi nào, dù muộn màng,  của những người lãnh đạo ngành chức năng, của chính quyền sở tại dành cho nạn nhân và gia đình.

Cũng trong khoảng thời gian chờ đợi thành phố tìm ra cơ quan và người chịu trách nhiệm cụ thể để tổ chức công khai xin lỗi nữ du khách Ai Cập theo chỉ đạo của Bí thư Đinh La Thăng, nữ ca sỹ Tố Ny (Á quân The Voice 2015) đã bị kẻ cướp tấn công giật túi xách trên đường phố TP.HCM. Nữ ca sỹ này còn bị kéo lê trên đường tới vài chục mét, xây xước cả hai chân. Tới nay, chưa thấy cơ quan nào tổ chức xin lỗi công khai nữ ca sỹ người Việt, nạn nhân của một vụ cướp giật không khác gì vụ nữ du khách Ai Cập. Người ta không khỏi thắc mắc, nếu không phải là du khách nước ngoài bị cướp giật và sự chia sẻ thông tin về sự kiện đáng tiếc này lan tỏa với tốc độ và cường độ của cơn bão trên các phương tiện truyền thông chính thức cũng như các mạng xã hội thì liệu có diễn ra cuộc nhận lỗi và xin lỗi công khai của chính quyền sở tại hay không? Sau 5 ngày những người có trách nhiệm ở TP.HCM mới xác định được ai và cơ quan nào phải chịu trách nhiệm chính, chịu trách nhiệm cụ thể trong  một vụ việc có khả năng làm tổn hại hình ảnh của một thành phố được xem là lớn nhất, phát triển bậc nhất của đất nước. Dẫu sao thì “lời xin lỗi muộn màng” đã được đưa ra cũng còn hơn không. Nhưng nếu như lời xin lỗi luôn được đưa ra kịp thời, chân thành cùng với các giải pháp khắc phục hậu quả tương xứng không chỉ với du khách nước ngoài mà với mọi công dân của thành phố hay bất kỳ du khách không phân biệt trong hay ngoài nước tới tham quan thành phố thì sẽ mang lại ý nghĩa, giá trị lớn lao hơn nhiều.

Bởi chính điều đó sẽ cho thấy, những nhà lãnh đạo thành phố  cũng như toàn bộ hệ thống công quyền sở tại đang thực sự chuyển mình, thực sự  thay đổi tư duy từ “chính quyền cai trị sang chính quyền phục vụ”. Khi nhận thức được trách nhiệm, nhận ra lỗi cụ thể của mình thì mới có thể nói tới chuyện từng cá nhân hay tổ chức có ý thức, giải pháp khắc phục sai sót để nâng cao trách nhiệm phục vụ hơn nữa. Sự thay đổi đó cũng chính là một trong những bước cụ thể để hiện thực hóa tuyên bố “vì dân hành động” của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng.


Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2016

Yếu tố “nhân tai”

Hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra nghiêm trọng chưa từng có ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đáng nói là hiện tượng này đã từng được các chuyên gia cảnh báo từ nhiều năm trước.  Nó không chỉ là kết quả của thiên tai, do tác động của El-nino, biến đổi khí hậu toàn cầu.  Nó còn là hệ quả của nhân tai. Do thiếu quy hoạch khoa học, cùng các tác động khai thác quá mức, tàn phá tự nhiên của chính con người.

Nhiều năm trước, ĐBSCL từng chứng kiến những trận lũ lịch sử hàng năm  gây ra không ít thiệt hại về mùa màng và ảnh hưởng tới đời sống của nhiều người dân trong khu vực. Những trận lũ hàng năm, theo mùa vốn dĩ đã gắn bó lâu đời với vùng đất này, chẳng hiểu sao có lúc lại bị lên án như là một tác nhân gây hại. Nhiều chương trình và kế hoạch từng được đưa ra để nhằm ngăn lũ, chống lũ, can thiệp vào quy trình sinh thái tuần hoàn của tự nhiên. May mắn thay từ những năm 80 của thế kỷ trước đã có những nhà khoa học tâm huyết và gắn bó với ĐBSCL không ngừng lên tiếng cảnh báo về ý tưởng “chống lũ” ở khu vực này.  Các chuyên gia cho rằng ĐBSCL cần phải có giài pháp để “sống chung với lũ”, chứ không phải là bằng mọi giá “chống lũ”, hay “ngăn lũ”. Bởi đơn giản, lũ mang lại nhiều nguồn lợi cho đất đai và cư dân nơi đây nhiều hơn là thiệt hại, nếu biết cách “sống chung” với nó.

Tuy nhiên, do việc thiếu đồng bộ trong quy hoạch, đồng thời với nhận thức dài hạn trong việc xác định vật nuôi cây trồng chiến lược trong từng giai đọan phát triển của các địa phương còn chưa nhất quán, đôi khi mâu thuẫn và tự phát nên việc triển khai ý tưởng “sống chung với lũ” cũng chưa đạt yêu cầu kỳ vọng. Trong từng địa phương, vẫn thường xảy ra các mâu thuẫn, đôi khi máy móc về quy hoạch đất lúa sử dụng nước ngọt và đất nuôi trồng thủy sản sử dụng nước mặn.  Các chủ trương của trung ương và địa phương vẫn còn độ chênh khá lớn từ quy hoạch vùng cho tới triển khai thực tế. Hiện tượng người dân tự phát phá bỏ nhiều công trình thủy lợi ngăn mặn từng xảy ra không ít để phát triển nuôi tôm, khi thị trường này đang có giá cao ngất ngưỡng. Mặt khác, phục vụ chủ trương đảm bảo an ninh lượng thực và giữ vững vị trí là quốc gia xuất khẩu lúa gạo nhất nhì thế giới, nhiều quy hoạch vùng bị áp đặt không phù hợp với tự nhiên, với tình hình thực tế của địa phương cũng như với nhu cầu phát triển, đời sống lâu dài của người dân.

Kết quả nghiên cứu nhiều năm tại ĐBSCL cho thấy, mức độ hạn hán – xâm nhập mặn cứ khoảng 10 năm lại xảy ra một lần. Ngay cả thời điểm chưa từng xuất hiện khái niệm biến đổi khí hậu làm nước biển dâng cao, chu kỳ hạn – mặn vẫn xảy ra tại ĐBSCL một cách bình thường. Tuy nhiên, vào thời điểm của nhiều thập kỷ trước, sự can thiệp của con người vào hệ thống dòng chảy Mekong còn chưa đáng kể. Nguồn nước hàng năm đổ về hạ lưu sông Mekong vẫn còn dồi dào. Do đó, hiện tượng hạn hán - xâm nhập mặn tuy có xảy ra nhưng chỉ ở mức độ thấp. Xâm nhập mặn chỉ diễn ra ở một số vùng ven biển, với phạm vi ngắn về chiều dài lẫn thời gian.

Từ lâu, cư dân khu vực ven biển của ĐBSCL đã biết cách thích nghi với nước mặn. Với họ, “nước mặn” chưa bao giờ là vấn đề đáng quan ngại, thậm chí nó còn mang tới nhiều lợi ích cho việc nuôi trồng thủy hải sản nước mặn có giá trị cao. Theo một số chuyên gia đầu ngành, thực trạng ĐBSCL hiện nay hạn - mặn diễn ra ngày càng gay gắt có phần nào là kết quả của công tác quy hoạch mang tính áp đặt và cứng nhắc. Có những vùng đất người dân đã quen sống đan xen với mặn - ngọt, nhưng quy hoạch bắt buộc phải “ngọt hóa”.

Theo GS Võ Tòng Xuân, ĐBSCL đã tốn hàng chục nghìn tỷ đồng để làm ngọt hóa bán đảo Cà Mau nhưng kết quả là nước ngọt vẫn không đủ cho ngọt hóa. Theo ông đã đến lúc cần thay đổi tư duy về kinh tế nông nghiệp cho khu vực này. Đã đến lúc, các cấp lãnh đạo từ trung ương đến địa phương phải đổi mới tư duy làm kinh tế, chọn hướng sản xuất và tìm đầu ra để có giá trị cao hơn mà không tiêu xài quá nhiều nước ngọt - tài nguyên thiên nhiên không tái tạo. Tư duy về nước mặn là kẻ thù, phải ngăn mặn, không còn hợp thời nữa. Phải coi nước mặn là bạn, giúp nông dân ven biển làm giàu với tôm, cua... một cách bền vững, hài hòa thiên nhiên. Đồng thời cũng phải có giải pháp, khai thác hiệu quả, dự trữ  đảm bảo nguồn nước ngọt cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, trong mọi giai đoạn thời tiết tại khu vực này.

Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, ở ĐBSCL không phải thấy nước mặn là làm đê bao hết, phải biết chừa chỗ để lấy nước mặn phục vụ con tôm. Muốn làm được thủy lợi đồng bộ, đảm bảo cho cả lúa, cá, tôm, rau, màu và cây ăn trái ở ĐBSCL thì phải có lãnh đạo chỉ huy thống nhất.  Đặc biệt, ở cấp độ quốc gia, trong chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, mà cụ thể là hiện tượng nước biển dâng cao, khiến khu vực ĐBSCL được xem là vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, các cơ quan chức năng cần có các nghiên cứu khoa học đầy đủ, nghiêm túc. Dự báo sớm, chính xác và kịp thời đề ra các giải pháp thích hợp, can thiệp và hỗ trợ cho việc quy hoạch vùng đảm bảo hài hòa lợi ích của các nước trong khu vực. Cần thấy rằng sự bế tắc trong việc chia sẻ quan điểm phát triển của các quốc gia có dòng Mekong đi qua sẽ kéo theo những mối đe dọa lớn cho môi trường tương lai, biến vùng hạ lưu dòng sông này thành khu vực dễ bị tổn thương và làm bần cùng hóa những người dân vô tội, gây nên những xáo trộn khó lường cho khu vực.

Hữu Nguyên


Thứ Tư, 16 tháng 3, 2016

Cần phát động chiến dịch cứu nguy Đồng bằng sông Cửu Long

GS. Lê Xuân Khoa

Nhân đọc bài “Báo cáo tác động của thủy điện trên sông Mekong” với Lời mở ấn tượng của BVN (xem ở đây), tôi xin chia sẻ thêm với độc giả vài điều về vấn đề này.
Gần đây, báo chí trong nước loan tin Thủ tướng yêu cầu mấy cơ quan gửi công hàm khẩn cho các nước thượng nguồn sông Mê Kông và ca ngợi chỉ đạo này của Thủ tướng là “kịp thời, thể hiện được sự quan tâm của nhà nước đến ĐBSCL”. Thật ra, đây chỉ là một việc làm tắc trách, rất bureaucratic, của chính quyền, chỉ cốt gây cho người dân một hi vọng hão huyền.  Trước thảm họa đang đe dọa hủy diệt nguồn sống của hai chục triệu dân ĐBSCL do chính sách hiểm độc của Trung Quốc và đầu óc hám lợi thiển cận của mấy nước láng giềng, chính quyền Việt Nam bất tài và tham nhũng đã không quan tâm đến trách nhiệm bảo vệ đời sống của nhân dân và lợi ích của đất nước. Thực tế đã chứng tỏ từ mấy chục năm qua chính quyến CSVN đã bỏ mặc mọi lời cảnh báo và đề nghị cần thiết của các chuyên gia Việt Nam và quốc tế, trong đó nhóm Viet Ecology Foundation (VEF) ở Mỹ có phần đóng góp quan trọng. Thực tế cũng đã cho thấy là Ủy ban Sông Mekong của Việt Nam chỉ là một cơ quan vô dụng, thậm chí một chuyên gia hiền lành như Giáo sư Võ Tòng Xuân cũng đã không ngần ngại phê phán “Đáng lẽ Ủy ban Sông Mekong Việt Nam phải đấu tranh cho quyền lợi của nước mình, nhưng hiện nay công tác này rất chậm, thậm chí không có gì”.
Một chính quyền thật sự quan tâm đến lợi ích của quốc gia và đời sống của nhân dân thì không thể chỉ gửi thư đến các nước thượng nguồn “để chia sẻ thông tin về nguồn nước, điều tiết các hồ chứa thủy điện để bổ sung nước cho hạ lưu, cụ thể là ĐBSCL”.  Phải khẩn cấp báo nguy với quốc tế về nạn hạn hán và các hậu quả trầm trọng khác về kinh tế và môi sinh đang xảy đến không chỉ cho 20 triệu dân ở ĐBSCL mà cho toàn thể đất nước Việt Nam. Phải vạch trần kế hoạch độc ác của lãnh đạo Bắc Kinh nhằm tiêu diệt khả năng sinh tồn của dân tộc Việt và chiếm đoạt quốc gia Việt Nam làm căn cứ chiến lược để kiểm soát toàn vùng Đông Nam Á.
Chính quyền dốt nát, độc tài và tham nhũng đã không muốn và không thể thi hành trách nhiệm lịch sử đó. Họ sẽ tiếp tục ru ngủ nhân dân bằng tuyên truyền lừa dối. Trước nạn hạn hán và nước mặn đã xâm nhập một số tỉnh mền Nam, báo chí nhà nước chỉ đổ tội cho “thiên tai” (có một phần đúng) mà không tố cáo đích danh thủ phạm là lãnh đạo Trung Quốc đã ngăn chặn nước từ hàng chục con đập thủy điện mà chúng đã xây cất ở thượng nguồn (chưa kể mấy nước hạ lưu như Thái, Lào khơi ngang dòng chảy của Mekong vào các sông, hồ dự trữ của họ.) Những hình ảnh trong link dưới đây cho thấy nạn hạn hán và nước nhiêm mặn đang tàn phá đồng lúa và vườn tược ở ĐBSCL:
Vì không thể trông cậy vào chính quyền quá lệ thuộc vào Trung Quốc, trí thức và các tổ chức xã hội dân sự không thể để cho nhân dân ngồi chờ chết mà phải cấp bách mở chiến dịch “Cứu nguy Đồng bằng sông Cửu Long” với sự tham gia đông đảo của mọi giới nhân dân.
Có mấy việc cần thực hiện đồng thời:
  1. Khẩn cấp báo động cho nhân dân về các tai họa đang và sắp xảy đến cho toàn thể ĐBSCL do thiếu nước, thiếu cá, thiếu phù sa và nhiễm độc môi sinh. Cần cung cấp thông tin và giải thích cụ thể về kế hoạch ác độc của lãnh đạo Trung Quốc cùng với thái độ hèn nhát và tham nhũng của chính quyền Việt Nam. Chỉ khi người dân được biết đến những thông tin xác thực bị che giấu và nhận thấy đời sống thực tế của gia đình họ bị đe dọa, họ mới bừng tỉnh và hậu thuẫn mạnh mẽ cho những cuộc tranh đấu chống Trung Quốc và đòi hỏi nhân quyền, dân chủ. Chiến dịch này cần được phát động toàn diện và thực thi đồng bộ bởi các thành phần yêu nước và các tổ chức xã hội dân sự tự phát.
  2. Tổng vận động các chính phủ có lợi ích trong khu vực và các tổ chức quốc tế hợp lực ngăn chặn Trung Quốc sử dụng các con đập ở thượng nguồn sông Mekong đề chi phối đời sống kinh tế của các nước hạ nguồn và đặc biệt hãm hại dân tộc Việt Nam ở cuối nguồn. Hoa Kỳ và các nước quan tâm đến Viêt Nam cũng cần được vận động mạnh mẽ để áp lực chính phủ Việt Nam phải thật sự cải thiện tình trạng nhân quyền và thực hiện tiến trình dân chủ hóa. Tuy nhiên Hoa Kỳ và quốc tế chỉ làm được việc này một cách có hiệu quả khi thấy chinh nhân dân Việt Nam chủ động tranh đấu cho những quyền lợi chính đáng của mình.
  3. Trong khi báo động thức tỉnh nhân dân và vận động quốc tế, các chuyên gia về đập thủy điện và hệ sinh thái trong và ngoài nước cần thảo luận với các chuyên gia quốc tế để tìm ra cách giải quyết cấp thời những tai họa đang ập xuống các tỉnh ở ĐBSCL, như nạn hạn hán, nước nhiễm mặn, v.v.  Đã có một số chuyên gia đưa ra những sáng kiến cần xem xét nghiêm túc và thực hiện. Cũng cần kích hoạt và cập nhật dự án phát triển bền vững ĐBSCL của nhóm chuyên gia Hòa Lan đưa ra từ năm 2013, như trong link sau đây:
Đã đến lúc các chuyên gia, khoa học gia trong và ngoài nước phối trí hợp tác để tìm các giải pháp khả thi và vận động/đòi hỏi thực hiện.
Trở lại chiến dịch cung cấp thông tin trong chiến dịch thức tỉnh nhân dân (điểm 1), cần phải thiết lập một hồ sơ đầy đủ về kế hoạch thôn tính đất nước và hãm hại dân tộc Viêt Nam về mọi phương diện: kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, giáo dục xã hội, môi sinh, v.v. Cần liệt kê những tội ác kinh khủng của lãnh đạo Trung Quốc đối với nhân dân Việt Nam: thực phẩm độc hại, sát hại ngư dân, bóc lột lao động, buôn bán phụ nữ và trẻ em, di dân vào nhũng vùng chiến lược, v.v. Thu thập tài liệu tới đâu, phổ biến thông tin tới đó, cập nhật thường xuyên không cần chờ đến khi hoàn tất đầy đủ hồ sơ.
THOÁT TRUNG phải là ưu tiên số 1 của chiến dịch cứu nguy tổ quốc và dân tộc. Phải làm thật to chuyện và đồng bộ, không chỉ than phiền và chỉ trích lẻ tẻ, từng vụ việc.
Một số khoa học gia trong nước đã không còn chịu để cho nhả nước tiếp tục lèo lái thông tin, che mắt nhân dân, và cũng đang thức tỉnh lương tâm và trách nhiệm của giới trí thức, chuyên gia trước tình trạng sống còn của đất nước.  Thêm một lý do cho chiến dịch “Cứu nguy ĐBSCL” cần được hoạch định và thực hiện đồng bộ cả trong lẫn ngoài nước.
Xin nhấn mạnh rằng khi nhân dân thấy rõ tội ác của thủ phạm và đồng lõa, họ sẽ thoát khỏi bênh “vô cảm” và hậu thuẫn mạnh mẽ cho những đòi hỏi “thoát Trung” và chống độc tài, tham nhũng của nhân sĩ, trí thức yêu nước và các tổ chức XHDS. Chiến dịch “Cứu nguy ĐBSCL” sẽ đương nhiên dẫn đến cuộc đấu tranh chính trị của toàn dân, chuyển hóa chế độ từ độc tài sang dân chủ.
Đó là lý do tại sao ưu tiên số 1 hiện nay phải là chống hiểm họa Trung Quốc, bảo vệ độc lập và toàn vẹn chủ quyền của tổ quốc Việt Nam. Chiến dịch “Cứu nguy ĐBSCL”, với sự thức tỉnh và tham gia đồng bộ của toàn dân, sẽ đạt được cả hai mục tiêu thoát Trung và dân chủ hóa Việt Nam.
Tôi đang bị yếu và không có đủ thì giờ để viết một bài dài nhưng cũng cố vắt óc ra đôi chút ý kiến để chia sẻ với các anh và độc giả bauxitevn (BVN.)
L.X.K.

Thứ Tư, 9 tháng 3, 2016

Ba giải pháp của Việt Nam ở Biển Đông



Các hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc ở Biển Đông gần đây cho thấy tham vọng của Bắc Kinh trong việc độc chiếm vùng biển này. Chiến lược chiếm hữu dần dần Biển Đông này đang gây quan ngại nghiêm trọng không chỉ đối với các nước trong khu vực.
Chúng tôi nói chuyện với ông Jean-Vincent Brisset, chuyên gia từ Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp:
Ông nghĩ sao về việc Trung quốc đang cố gắng cải tạo các bãi đá chìm thành đảo nhân tạo và bồi đắp các đảo nhỏ thành lớn hơn?
Ông Brisset: Luật Biển không thừa nhận những gì được xây dựng trên những thực thể không được coi là hòn đảo. Vì vậy, trên quan điểm về chủ quyền, thì xây dựng trên những hòn đảo này cũng không làm tăng thêm cơ sở cho các đòi hỏi về chủ quyền, theo quy định quốc tế.
Tuy nhiên, trên thực tế thì việc xây cất thêm đó cho phép họ tăng khả năng quân sự, tăng quyền lợi kinh tế (trong các vùng biển xung quanh).
Tôi nghĩ rằng Luật Biển khá rõ ràng: sở hữu một thực thể không phải là một hòn đảo theo định nghĩa của Luật Biển, tức là không có cư dân, và không có tài nguyên riêng (đủ cho cư dân trên đảo đó sống được), thì không có giá trị đòi chủ quyền vùng lãnh hải bao quanh. Vì vậy, việc tạo ra chủ quyền lãnh hải xung quanh các "hòn đảo" này, bất kể diện tích là to hay nhỏ, là không đúng với những gì được quốc tế chấp nhận.
Dưới góc độ quân sự thì việc chiếm hữu các vị trí này có giá trị thế nào?
Image copyrightIEAS
Ông Brisset: Về mặt quân sự, các "hòn đảo" chỉ có thể được coi như một cứ điểm nhỏ không mấy quan trọng. Lợi ích của nó chủ yếu là về kinh tế, đặc biệt cho ngư dân. Nhưng nếu diện tích vượt quá một ngưỡng nhất định, máy bay chiến đấu có thể hạ cánh được, có thể triển khai trên đó vũ khí hạng nặng, có cảng biển lớn đến mức tàu chiến có thể ghé vào lấy đồ tiếp tế... thì lại là chuyện khác.
Nguy cơ lúc đó sẽ là từ sở hữu về kinh tế, rồi sẽ mở rộng dần sang sở hữu lãnh thổ và chủ quyền. Và hành động đó tạo căng thẳng với các nước trong khu vực.
Các nước khác cũng đã mở rộng đảo nhỏ. Việt Nam, Đài Loan, Malaysia, Philippines đã mở rộng một số đảo, nhưng ở một quy mô khác, và họ không đòi chủ quyền biển xung quanh các đảo đó.
Trung Quốc cũng đang phải trả giá cho hành động của mình. Chiếm thêm được biển, giành được ưu thế về quân sự, nhưng cũng mất đi uy tín, trở nên không đáng tin cậy đối với các nước trong khu vực. Ông có nghĩ là cái giá đó là đắt hay không ?
Ông Brisset: Tôi nghĩ rằng hệ thống mà Trung Quốc đang dựa vào là tìm cách giành chiến thắng một cách âm thầm lặng lẽ trong các cuộc đàm phán, đồng thời dựa cả vào cán cân về quyền lực trong các mối quan hệ song phương. Trung Quốc đã rất thành công khi dùng vũ lực hồi năm 1974 trên các quần đảo Hoàng Sa, và bây giờ vẫn chiếm giữ quần đảo Hoàng Sa, trong lúc thế giới đều không để ý đến [những gì đã xảy ra ở đó].
Giờ đây Trung Quốc muốn mở rộng lãnh hải một chút nữa, theo cùng một cách như Trung Quốc vẫn làm, đó là chỉ nói chuyện song phương, đồng thời tuyên bố chủ quyền một số hải đảo của Việt Nam, Philipines, Malaysia...
Trung Quốc tăng hiện diện trên những hòn đảo, và sẽ dần áp đặt sự có mặt bằng cách xây dựng thêm và tăng chủ quyền thực tế. Tại thời điểm này, cách làm của Trung Quốc đang có kết quả. Trung Quốc đã tạo ra một cơ cấu hành chính hoàn toàn không được công nhận quốc tế, nhưng cơ cấu hành chính này vẫn tồn tại, về hành chính, về quân sự, về chính trị, và được gọi là Tam Sa.
Như vậy các nước nhỏ như Việt Nam và Philippines có thể làm gì? Quốc tế hoá sự việc phải chăng là cách thức duy nhất khả dĩ?
Ông Brisset: Philippines đã chọn cách quốc tế hóa, kiện ra Tòa án quốc tế. Tôi nghĩ rằng đây là một cách tiếp cận khá thú vị. Bởi vì nếu chúng ta phân tích một cách đơn giản, thì Philippines có quyền hợp pháp để làm việc đó.
Bây giờ, vấn đề là đã có quyền hợp pháp rồi, nhưng ngoài ra còn phải có thực lực nữa. Đó là vấn đề khó. Một mặt, mặc dù có một số kiến nghị là nên đi theo cách này, tức kiện ra toà quốc tế, Việt Nam vẫn không làm theo, không dùng tới công cụ pháp lý hợp pháp để giải quyết tranh chấp.
Điều này thật đáng tiếc, bởi vì Việt Nam, trên bình diện pháp luật và trên bình diện chiếm hữu thực tế một số đảo Trường Sa, có những lập luận vững chắc hơn, hơn cả lập luận của Philippines, về chủ quyền của mình do người Pháp chuyển giao lại. Bởi vì trong các tài liệu chính thức được công nhận, thì quốc gia có chủ quyền các hòn đảo này vào thời điểm năm 1933, là Pháp.
Image copyrightReuters
Image captionHoa Kỳ muốn thực hiện tự do hàng hải ở Biển Đông
Sau khi Pháp chuyển giao chủ quyền, đặc biệt là sau Hiệp định Geneva năm 1954, cho các nước Đông Dương, thì cho đến nay, mọi việc kém rõ ràng hơn, nhưng chủ quyền được chuyển giao đó vẫn có giá trị tồn tại. Các tranh chấp về mặt pháp lý có thể dùng pháp luật để giải quyết. Nhưng điều không may là chính quyền Việt Nam đã không chọn cách đưa ra tòa án quốc tế, là thực thể có nhiều tự do phát biểu hơn đối với Trung Quốc.
Ông có cho là nếu Việt Nam và Philippines cùng phối hợp trên mặt trận pháp lý thì sẽ có hiệu quả hơn không?
Ông Brisset: Việt Nam và Philippines kiện chung thì không nên. Vì nguyên nhân của hai nước là không như nhau, bởi vì các đảo mà mỗi nước tranh chấp không giống nhau. Vì vậy, Việt Nam và Philippines nên làm một cái gì đó, nhưng độc lập với nhau.
Philippines đã kiện, theo ý kiến của tôi, Việt Nam cũng nên thực hiện một cách tiếp cận tương tự. Tòa án sau đó có thể sẽ ít nhiều gắn hai vụ kiện với nhau. Vấn đề hiện nay là Việt Nam, theo tôi biết, vẫn không chọn cách tiếp cận tự nguyện và chủ động này để đạt được một mục tiêu cao hơn.
Nhưng nếu Trung Quốc tiếp tục từ chối không tham gia phiên toà tại La Haye?
Ông Brisset: Trung Quốc không tham gia vụ kiện, bởi vì hiện nay chỉ có một đối thủ duy nhất tại tòa án quốc tế. Nếu có hai đối thủ, 3, 4 nước cùng kiện, Trung quốc sẽ ngày càng phải đối mặt với thực tế, bất chấp ý chí riêng của mình.
Nếu một sự kết hợp giữa Việt Nam và Philippines, sau đó có thêm Malaysia, Đài Loan, thì quốc tế sẽ quan tâm hơn nhiều tới khu vực này, đặc biệt là quan tâm tới những đối với vận tải quốc tế. Chúng ta không quên rằng 40% của vận tải biển của toàn thế giới đi qua khu vực này.
Sự hiện hiện gần đây của Mỹ trong khu vực có ảnh hưởng gì tới tình hình?
Ông Brisset: Sự hiện diện của Mỹ là đi theo chính sách của Mỹ, sự hiện diện đó không trái với luật pháp quốc tế, không trái với luật pháp quốc tế trong tất cả các vùng biển của thế giới. Người Mỹ muốn đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông. Người Mỹ quan niệm sự tự do hàng hải cũng giống như quyền tự do hàng không ở một số khu vực mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố cách đây không lâu tại Biển Đông.
Image copyrightReuters
Image captionHải quân Trung Quốc tăng cường hiện diện
Trung Quốc coi đó là một sự khiêu khích. Nhưng Hoa Kỳ đã vận dụng đúng luật pháp quốc tế. Trung Quốc có thể dám tấn công một tàu Việt Nam hay tàu Philippines, nhưng không bao giờ dám tấn công một tàu của Mỹ.
Theo ông thì các nước như Việt Nam và Philippines không có nhiều lựa chọn. Lúc này hai nước có thể dựa vào sự hiện diện của Mỹ, dựa vào cơ sở pháp lý, ngoài ra còn có những chỗ dựa nào khác?
Ông Brisset: Có ba cơ sở để đấu tranh với Trung Quốc. Về mặt quân sự, là dựa vào hợp tác vùng hay hợp tác với Mỹ. Thứ hai là cơ sở pháp lý, mà tới nay mới chỉ có duy nhất Philippines chọn.
Và cuối cùng là truyền thông. Nhưng, cả Philippines, Malaysia hay Việt Nam đều ít dùng tới sức mạnh của truyền thông. Đó là một điều đáng ngạc nhiên, bởi vì tôi nghĩ rằng khá dễ dàng khi tăng cường truyền thông về vấn đề này. Tôi thấy hiện nay, Đài Loan đã tham gia một phần, với quan điểm còn tương đối trung dung. Nhưng Đài Loan truyền thông rất nhiều (về vấn đề này), và làm truyền thông thực ra là cách dễ dàng nhất. Tôi ngạc nhiên là cả Philippines và đặc biệt là Việt Nam đã không quan tâm đến vũ khí truyền thông.
Ông có ngạc nhiên khi thấy nhóm nước Asean phản ứng yếu ớt đến thế không?
Ông Brisset: Đã nhiều năm nay các cuộc họp quan trọng của Asean đều cho thấy một nước nào đó, thông thường là Việt Nam, cố gắng định hướng về một tuyên bố chung về Quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Quy tắc ứng xử này, về kỹ thuật đã sẵn sàng.
Thế nhưng rõ ràng Trung Quốc đang gián tiếp cản trở nỗ lực đạt Quy tắc ứng xử bằng cách, có thể nói trắng ra, là bỏ tiền ra mua một số quốc gia. Điều này đặc biệt rõ khi ghế chủ tịch luân phiên của Asean được trao cho Campuchia. Chính phủ Campuchia đã ngăn công bố Asean ra tuyên bố chung về Biển Đông.
Theo như lời ông thì một nước như Việt Nam không có nhiều giải pháp, và phạm vi hành động khá là hạn hẹp?
Ông Brisset: Phạm vi phản ứng của Việt Nam là rất hạn chế. Chừng nào Việt Nam không quốc tế hóa vấn đề thông qua tòa án, thông qua truyền thông, chừng nào Việt Nam vẫn hy vọng đàm phán song phương với Trung Quốc, thì Việt Nam sẽ thua.
Ông Jean-Vincent Brisset là cựu chuẩn tướng quân đội Pháp. Ông nghiên cứu Trung Quốc và châu Á trong một thời gian dài. Sau khi rời quân đội năm 2001, ông chuyên sâu về các chủ đề quan hệ quốc tế và quân sự. Hiện ông là Giám đốc nghiên cứu của Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp.

Nguồn BBC