Trang

Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017

​Vẻ đẹp của người đứng một mình

ĐẶNG HOÀNG GIANG
    “Mọi vấn đề của con người xuất phát từ chỗ họ không thể ngồi yên một mình trong phòng” - nhà toán học và triết học Pháp Blaise Pascal đã nói vậy vào giữa thế kỷ 17. 
    ​Vẻ đẹp của người đứng một mình
    Ảnh: mufonohio.com
    Căn nguyên của các rắc rối, theo ông, là chúng ta luôn tìm cách chạy trốn bản thân. Không muốn đối diện với chính mình, tâm trí con người luôn lùng sục điều kích thích tiếp theo, như một con khỉ không thể ngừng văng mình tới cành cây trước mặt. Từ cãi vã với hàng xóm tới xung đột giữa các quốc gia, nhiều điều tệ hại bắt nguồn từ lý do này.
    Chạy trốn bản thân
    Năm ngoái, câu nói của Pascal được khoa học xác nhận. Trong một thí nghiệm của Trường đại học Virginia (Mỹ), những người tham gia được yêu cầu ngồi một mình 15 phút trong một căn phòng trống trơn, không có gì cả, ngoài một cái nút. Nếu bấm nút, họ sẽ bị điện giật.
    Lẽ ra khoảng thời gian yên tĩnh này là cơ hội để người ta dừng lại, suy nghĩ, hồi tưởng, mơ màng. Nhưng với nhiều người, đó là một cực hình, đến nỗi họ tự nguyện bấm nút giật điện bản thân chỉ để có cái gì đó để làm, mặc dù trước khi thí nghiệm bắt đầu, họ đã được thử mức độ điện giật và ai cũng xác nhận là có được trả tiền cũng không muốn bị vậy.
    "Chúa Trời đứng một mình - nhưng quỷ sứ thì trái lại, nó tìm tới hội đoàn, nó nhiều vô kể"
    Henry David Thoreau
    Nếu sống ở đầu thế kỷ 21, chắc hẳn Pascal đã diễn tả khác đi một chút: “Mọi cái tệ hại của con người tới từ chỗ họ không thể rời cái điện thoại thông minh để ngồi yên một mình”.
    Chưa bao giờ người ta lại dễ dàng chạy trốn bản thân như bây giờ. Không cần phải đợi về tới nhà để bật tivi lên nữa, bất cứ lúc nào và ở đâu, chỉ cần một cái gõ lên màn hình điện thoại là người ta sẽ được cuốn ra cái biển âm thanh hỗn độn của mạng xã hội.
    Trong các quán cà phê, trên taxi, ở công viên, đâu đâu cũng là những con người toàn thân bất động, trừ một ngón tay cái đẩy lên đẩy xuống, mắt nhìn xuống, mặt vô hồn. Xác họ ở đó, nhưng hồn họ thì đang xô đẩy trong đám đông nhốn nháo trên mạng.
    Túc trực từ sáng tới tối, đám đông này làu bàu, gầm gừ, lê lết từ tường nhà này tới tường nhà kia, từ trang tin này tới diễn đàn nọ, giật status, like, share, còm, kết bạn, theo dõi, block. Trên mạng, con khỉ tâm trí có vô vàn cành cây để nhảy nhót.
    Con người hiện đại không biết phải làm gì với chính mình, và nếu người ta sẵn sàng giật điện bản thân chỉ vì buồn chán thì chúng ta có thể hình dung họ có thể làm những gì với người khác. Đám đông ưa thích hai trạng thái, một là dạy dỗ, chỉ bảo, ban phát lòng thương; hai là chê bai, giễu cợt, phẫn nộ.
    Lúc nào cũng đắc thắng, họ luôn tin rằng mình đúng và thế giới cần phải biết tới các phát ngôn của mình. Không trực tiếp làm chết người như đánh trộm chó ở ngoài đời, họ truy lùng và dồn các nạn nhân của mình vào chân tường cho tới khi những người này phải tự tử như cô bé bị lộ video clip, hay phải van xin như cậu thanh niên Hào Anh: “Đừng cho tôi thêm gì nữa. Xin mọi người cho tôi được sống tự nhiên”.
    Năm 2012, một nghiên cứu của Đại học Chicago cho thấy cưỡng lại thèm khát truy cập mạng xã hội còn khó khăn hơn khước từ thức ăn và tình dục. Sức hấp dẫn của mạng xã hội tới từ chỗ nó cho người ta một không gian để trình diễn. Ai cũng có công chúng.
    Câu của Andy Warhol - một họa sĩ Mỹ nổi tiếng về nghệ thuật đại chúng (pop art): “Trong tương lai, mỗi người sẽ nổi tiếng 15 phút” có thể được bổ sung thêm: “Mỗi người sẽ nổi tiếng với 15 người”. Mỗi cái like, chia sẻ, bình luận tán thưởng là thêm một mơn trớn cho cái tôi của người đăng tin, một lần nữa khẳng định giá trị, trí thông minh, sự hóm hỉnh của họ, dù đó chỉ là bức ảnh chụp bát bún thang buổi trưa.
    Trên mạng xã hội, mỗi người là một ông bầu của chính mình trong công cuộc xây dựng hình ảnh cá nhân. Chúng ta trở nên kỳ quặc mà không hề biết.
    Hãy hình dung cách đây mười năm, trong một buổi họp lớp, một người bỗng nhiên liên tiếp quẳng ảnh con cái, ảnh dã ngoại công ty, ảnh con mèo, ảnh bữa nhậu, ảnh lái ôtô, ảnh hai bàn chân mình, ảnh mình trong buồng tắm, lên bàn - chắc hẳn người đó sẽ nhận được những ánh mắt ái ngại. Trên Facebook, ái kỷ không những được khuyến khích, nó là mục tiêu chính.
    Căn bệnh tâm lý mới nhất của xã hội hiện đại là bệnh “sợ bị bỏ lỡ”. Qua một đêm, sau một cuộc họp, thậm chí khi vừa làm tình xong, điều đầu tiên người ta làm là vồ lấy cái điện thoại. Biết đâu vừa có chuyện gì mới xảy ra, ta không thể vắng mặt.
    Mà những chuyện như vậy thì vô vàn: học giả thơm hoa hậu, người mẫu ngủ dạng chân, nguyên thủ quốc gia không cài áo vest, các án mạng ly kỳ nối đuôi nhau.
    Chiếc điện thoại thông minh đã trở thành một ô cửa nhỏ dẫn người ta thoát khỏi sự buồn chán của bản thân, và cái rung nhẹ báo tin có thông báo mới của nó bao giờ cũng đầy hứa hẹn. Nhưng càng kết nối, càng online thì cái đám đông rộn ràng kia lại càng làm chúng ta cô đơn hơn.
    Chỗ này một cái like, chỗ kia một cái mặt cười, khắp nơi là những câu nói cụt lủn, phần lớn các tương tác trên mạng hời hợt và vội vã. Càng bận rộn để giao tiếp nhiều thì chúng ta lại càng không có gì để nói trong mỗi giao tiếp.
    Ngược với cảm giác đầy đặn, được bồi đắp khi chúng ta đứng trước thiên nhiên hay một tác phẩm nghệ thuật lớn, trên mạng xã hội ta bị xáo trộn, bứt rứt và ghen tị với cuộc sống của người khác như một kẻ đói khát nhìn một bữa tiệc linh đình qua cửa sổ mà không thể bỏ đi.
    Đêm khuya, khi các chấm xanh trên danh sách friend dần tắt, người ta cuộn lên cuộn xuống cái newsfeed để hòng tìm được một status bị bỏ sót, một cứu rỗi kéo dài vài giây, một cái nhìn qua lỗ khóa vào cuộc sống của một người xa lạ để làm tê liệt cảm giác trống rỗng.
    Bình tâm ở giữa đời thực
    Mê man với nhau trên mạng, chúng ta đang có nguy cơ đánh mất khả năng kết nối với những cái lớn hơn trong cuộc sống, khả năng cảm nhận thế giới. Thay vì bình tâm ngắm buổi hoàng hôn lộng lẫy, chúng ta điên cuồng tìm những cái lọc khác nhau để chụp mấy chục cái ảnh, rồi bận rộn chọn một cái “đạt” nhất để post lên, băn khoăn nghĩ một lời tựa hấp dẫn.
    Thay vì sống trong thế giới thật, người ta bị ám ảnh bởi thế giới ảo. Không có hình tượng nào thể hiện điều này rõ hơn hình ảnh một bà mẹ trẻ vừa cho con bú vừa lướt web. Việc post ảnh đứa bé sơ sinh lên mạng trở nên quan trọng hơn việc ngắm nhìn nó bú mẹ và cảm thấy được kết nối với vũ trụ.
    Đứng một mình không dễ. Không những nó có thể làm ta không được ưa thích, khi một mình, nhà văn Đan Mạch Dorthe Nors viết, chúng ta phải đối diện với cảm xúc của ta, quá khứ của ta, cuộc đời của ta, những vấp váp, sai lầm của ta, ta sẽ cảm thấy mình nhỏ bé. Cần lòng dũng cảm để không lẩn tránh chúng. Đổi lại, điều ta nhận được là một sự vững vàng mà không phải bám víu vào sự tung hô của người khác. Một mình nhưng không cô đơn. Triết gia thế kỷ 19 Henry David Thoreau viết: “Tôi không cô đơn hơn một cây mao nhị hay bồ công anh trên một đồng cỏ, hay một lá đậu, hay một cây chua me đất, hay một con mòng, hay một con ong nghệ. Tôi không cô đơn hơn ngôi sao Bắc Đẩu, hay một ngọn gió nam, hay một cơn mưa tháng tư, hay băng tan tháng giêng”.
    Trong tiểu thuyết The Circle, tác giả Dave Eggers vẽ ra một xã hội mà mọi chi tiết, dù nhỏ nhất, của cuộc sống con người đều được chia sẻ trên mạng, và mọi người phấn đấu để trở thành các công dân mạng tích cực nhất.
    Họ thức cả đêm để like, bình luận, post, tweet, càng hăng hái thì càng được nhiều điểm, nhiều “bạn”, nhiều lời khen. Thực tế không quá xa xôi với câu chuyện viễn tưởng này.
    Đứng trước bức Mona Lisa ở Bảo tàng Louvre, Paris, tất cả du khách đều nhìn kiệt tác này qua màn hình điện thoại của mình. Dường như họ chỉ có thể trải nghiệm thế giới thông qua một lớp màng điện tử. Cái gì không được ghi vào bộ nhớ điện thoại, cái đó không tồn tại.
    Người ta đánh đổi mọi riêng tư thầm kín để chạy theo một quá trình tự trình diễn vô tận, không có thời điểm hạ màn, với mục tiêu tạo tối đa sự chú ý của người khác.
    Sự chú ý là ôxy, và mỗi cái post là một cố gắng để người ta ngoi lên mặt nước chốc lát, để rồi lại bị làn sóng mới của newsfeed tràn qua nhấn chìm. Mỗi lần ngoi lên là một lần chống lại cảm giác bị bỏ rơi, bị nằm ngoài cuộc.
    Ý nghĩa và sự thành công của một ngày nghỉ, của một chuyến đi, rộng hơn là của cả cuộc đời, được đo bởi số lượng like.
    Đã tới lúc chúng ta cần tách ra khỏi đám đông, khước từ chuyên chế của nó. Người ta chỉ có thể lắng nghe tiếng nói bên trong mình nếu bỏ được ra ngoài sự ồn ào xung quanh.
    Chúng ta cần đứng riêng để tìm ra mình, để bảo vệ tư duy độc lập và nuôi dưỡng ý thức trách nhiệm. Triết gia Soren Kierkegaard coi đám đông là tập hợp những người lẩn tránh sự nhọc nhằn của quá trình phát triển bản thân. Ma lực của đám đông đã được nhắc tới từ rất sớm.
    “Không đi theo đám đông để làm điều xấu” là một câu trong Kinh Thánh. Không chỉ đơn giản là “không làm điều xấu”, mà cụ thể là “không đi theo đám đông để làm điều xấu”. Trong một loạt thí nghiệm nổi tiếng của Solomon Asch cách đây 60 năm, người tham gia thí nghiệm ngồi cùng với một số người khác (thực chất là những người đồng mưu với Asch). Mọi người trong nhóm được yêu cầu so sánh độ dài của một số đường thẳng - một bài tập cho trẻ con.
    Tuy nhiên, nếu những người đồng mưu nhất loạt cùng chọn một câu trả lời rõ ràng là sai thì tới 30% trường hợp người tham gia thí nghiệm sẽ từ bỏ đánh giá cá nhân của mình để vào hùa với đám đông.
    ​Vẻ đẹp của người đứng một mình
    Ảnh: NY Times.
    Trạng thái một mình là cần thiết để phát triển bản sắc và nuôi dưỡng sự sáng tạo.
    Ralph Waldo Emerson, nhà thơ lớn của Mỹ thế kỷ 19, viết: “Người gây cảm hứng và dẫn đường cần tách khỏi những người khác, để không phải sống, thở, đọc và viết hằng ngày dưới gông cùm của những ý kiến của họ”.
    Một mình không có nghĩa là phải tách khỏi người khác một cách vật lý. Một mình là một quan điểm sống, một trạng thái tinh thần độc lập, nó không được đo bởi khoảng cách vật lý giữa một cá nhân và những người xung quanh.
    Các ẩn sĩ hiện đại không cần thiết phải lên núi. Họ vẫn ở trong xã hội, yên lặng, quan sát và tìm hiểu thế giới. Họ tự do trước các con sóng của đám đông để có thể quan tâm tới cộng đồng một cách sâu sắc hơn, đóng góp cho cộng đồng một cách hiểu biết hơn. Vẻ đẹp của người đứng một mình là vẻ đẹp tự tại, với một niềm vui tự thân. Một niềm vui mà như nhà tu hành David Steindl-Rast diễn tả, không phụ thuộc vào những điều đang xảy ra. 

Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

Vụ báo Giao Thông "đánh" hãng xe Thành Bưởi: Tòa ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là đúng thẩm quyền, hợp lý

Ls. Trần Hồng Phong

Mấy ngày nay, trên báo chí và mạng xã hội khá ồn ào về việc Tòa án nhân dân quận 5 (TP. HCM) ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, nội dung không cho báo Giao Thông tiếp tục đăng bài có nội dung xấu về hãng xe khách Thành Bưởi (những nội dung "lách luật, né thuế, trốn thuế ..."). Xung quanh quyết định này, dư luận chia làm hai phe rất rõ. Trong khi không ít người cho rằng Tòa án đã sai, thì cũng không ít người nói tòa đã đúng. Cá nhân tôi cho rằng việc Tòa án quận 5 ra quyết định như vậy không những là hợp pháp, đúng thẩm quyền, mà còn là cần thiết, hợp lý. 


Cũng cần phải nói sở dĩ có chuyện tranh luận ở trên, xuất phát từ việc gần đây trên báo Giao Thông có một vệt bài lớn, nội dung tập trung "đánh" hãng xe Thành Bưởi rất "mạnh mẽ". Qua các bài viết này, người ta thấy hình ảnh một hãng xe Thành Bưởi thật tệ hại và xấu xa! Thậm chí là vi phạm pháp luật nghiêm trọng (như trốn thuế, ...).

Thành Bưởi là hãng xe vận chuyển khách khách rất nổi tiếng từ hàng chục năm qua, hoạt động chủ yếu ở các tỉnh phía Nam. Vì cho rằng báo Giao Thông đăng tin như vậy là không đúng sự thật, nên hãng xe Thành Bưởi đã kiện báo Giao Thông ra tòa. Tòa án nhân dân quận 5 đã thụ lý đơn kiện của Thành Bưởi và đang giải quyết giai đoạn sơ thẩm. Tức đang có một vụ án dân sự, nguyên đơn là Thành Bưởi, bị đơn là báo Giao Thông.

Trong khi đang bị kiện như vậy, báo Giao Thông vẫn tiếp tục đăng nhiều bài viết "vạch trần" những điều "xấu xa" của Thành Bưởi. Trước tình thế như vậy, Thành Bưởi đã có đơn gửi Tòa, yêu cầu áp dụng "biện pháp khẩn cấp tạm thời", cụ thể là yêu cầu tòa buộc không cho báo Giao Thông tiếp tục đăng bài về các nội dung trốn thuế, lách luật ... liên quan đến Thành Bưởi.

Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, ngày 23/3/2017 vừa qua, Tòa án nhân dân quận 5, mà cụ thể là thẩm phán phụ trách giải quyết vụ án, đã ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) đối với báo Giáo Thông. (Xem ảnh bên dưới).

(Ghi chú: Ngay sau khi có quyết định trên, phía báo Giao Thông đã có văn bản phản đối, khiếu nại rất mạnh mẽ trên báo. Đồng thời chỉ vài ngày sau, phía nguyên đơn lại có đơn đề nghị Tòa hủy Quyết định này, với lý do báo Giao Thông chỉ cần đăng ý kiến phản hồi của Thành Bưởi - theo quy định của luật báo chí là được rồi, không cần thiết phải áp dụng BPKCTT nữa. Và Tòa đã chấp nhận, ra quyết định hủy QĐ áp dụng BPKCTT đã ban hành vào ngày 29/3/2017. Đây là một vấn đề khác, không có gì sai và tôi cũng không bàn luận trong bài viết này).


Quyết định áp dụng BPKCTT của Tòa án quận 5 (TP. HCM) ngày 23/3/2017 
(nguồn: Facebook nhà báo Nguyễn Đức Hiển)

Xung quanh việc Tòa ban hành Quyết định áp dụng BPKCTT nói trên (dù đã hủy), vấn đề đặt ra - thuần túy về mặt khoa học pháp lý, tố tụng dân sự - đang tạo ra sự tranh cãi khá gay cấn - là "đúng" hay "sai"?

Trên mạng xã hội, tôi thấy có khá nhiều nhà báo, luật sư đồng nghiệp (đều là những người mà tôi quen biết), nêu quan điểm phản đối quyết định của Tòa. Các vị này cho rằng Tòa ra quyết định cấm báo Giao Thông như vậy là vi phạm luật báo chí, cản trở quyền tự do ngôn luận. Vì báo là cơ quan báo chí, hoàn toàn có quyền đăng và chịu trách nhiệm về nội dung các bài báo của mình. Vả lại nếu báo Giao Thông không đăng, thì các báo khác vẫn có thể đăng cơ mà. Không thể bưng bít thông tin chống tiêu cực. Việc cấm đoán như vậy sẽ tạo ra một tiền lệ xấu trong hoạt động tố tụng, ảnh hưởng đến hoạt động báo chí tại Việt Nam.

Tuy nhiên, quan điểm của tôi thì khác. Tôi cho rằng quyết định của Tòa là đúng thẩm quyền và hợp lý, cần thiết, để ổn định tình hình trong bối cảnh "dầu sôi lửa bỏng" đối với Thành Bưởi.

Trả lời câu hỏi của một phóng viên một tờ báo lớn xung quanh tính hợp pháp, hợp lý của Quyết định của Tòa án quận 5 vào sáng ngày 28/3/2017, tôi đã trả lời nguyên văn như sau:

(Ghi chú: Theo phản hồi, thì ý kiến này không được báo sử dụng vì Quyết định của Tòa đã bị hủy trước khi đăng, nên không còn tính thời sự nữa. Đăng hay không hoàn toàn là quyền của báo, đây là điều rất bình thường).
...........

Quyết định của toà là cần thiết, giúp ổn định tình hình

Trước hết, đây là vụ kiện, chưa biết ai đúng, sai. Nên việc báo tiếp tục đăng bài, trong khi đang là bị đơn, theo hướng "tranh cãi" lại, về những nội dung đang tranh chấp (bị kiện) trên mặt báo của mình, mà không thực hiện theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự về nghĩa vụ chứng minh, cung cấp chứng cứ cho toà là không phù hợp, thiếu công bằng, chủ quan và có thể làm cho sự việc thêm trầm trọng, thiệt hại cho phía nguyên đơn càng lớn hơn.


Việc Toà ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trường hợp này là theo yêu cầu của nguyên đơn, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, tránh sự "sụp đổ" shock, có thể dẫn đến phá sản vì tin đồn, ảnh hưởng đến việc làm, nguồn thu ngân sách... Xét về thẩm quyền, tôi cho rằng quyết định của Toà là hợp pháp, hợp lý và tôi ủng hộ. Tất nhiên tôi không bênh vực cho những sai phạm của doanh nghiệp. Tôi cho rằng nếu trong quyết định, toà giải thích rõ hơn về những nguyên nhân, hậu quả có thể ... thì sẽ thuyết phục và ít gây tranh cãi hơn.


Theo luật, biện pháp mà Toà nêu trong quyết định chỉ là khẩn cấp và tạm thời, hoàn toàn có thể được thay đổi, huỷ bỏ nếu các bên đưa ra được lý lẽ chứng minh mình đúng. Quyết định này không có nghĩa là hạn chế hoạt động báo chí. Mà mục đích mang tính nhân văn, công bằng. Hãy thử hình dung nếu báo viết sai thì cũng chỉ là xin lỗi, đính chính. Trong khi uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp là cả một quá trình, với bao mồ hôi, công sức. Báo có đền được không?
..............

Tôi muốn nói thêm, sở dĩ tôi có quan điểm như trên xuất phát từ những lý do sau đây:

- Bản thân tôi nhiều năm trước đây đã từng là luật sư cho phía nguyên đơn, trong vụ kiện hai tờ báo (báo lớn, không cần thiết nêu tên) về việc đăng bài có nội dung không đúng sự thật, ảnh hưởng uy tín, danh dự và gây thiệt hại cho nguyên đơn. Trong quá trình giải quyết vụ án, phía báo đã tiếp tục đăng thêm nhiều bài báo (một tờ đăng thêm khoảng 5 bài, một tờ đăng thêm khoảng 13 bài) có nội dung tương tự hoặc liên quan. (Hai vụ kiện độc lập với nhau). Mặc dù không hề mong muốn, phía nguyên đơn đành phải bổ sung yêu cầu khởi kiện. Kết quả giải quyết của tòa cả hai báo đều "thua be bét", bị buộc phải đăng bài đính chính, xin lỗi (Tất nhiên thôi, đăng không đúng sự thật, thì làm sao chứng minh được?). Trong quá trình thi hành án, một tờ đính chính xin lỗi lớt phớt, không đầy đủ như án tuyên. Một tờ thì đánh bài chuồn, cương quyết không chịu thi hành án! (Nói thật, nếu thi hành đúng thì đúng là phải "ôm mặt mo" - vì án tuyên phải đính chính xin lỗi tới 7 kỳ, đăng cả lên trang nhất, vị trí tương ứng với bài bị kiện).

- Thứ nữa, tôi cho rằng những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp, kinh doanh báo chí có đăng thì cần phải thận trọng, chính xác. Vì thực tế cho thấy không có gì bảo đảm chắc chắn rằng những nội dung báo đăng trong quá trình đang bị kiện là chính xác, công bằng. Đó là chưa kể thậm chí có thể báo đã bị lôi kéo từ những mục đích xấu xa như cạnh tranh không lành mạnh, lợi ích nhóm ...vv - từ những thế lực nào đó đằng sau.

- Mặt khác, tôi có nhiều người quen từng đi xe Thành Bưởi, qua phản ánh, thì thấy với tư cách là hành khách, họ khen hơn là chê về chất lượng và cung cách phục vụ của xe Thành Bưởi .

- Xét về mặt pháp luật tố tụng dân sự, Tòa án hoàn toàn có thẩm quyền ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời - ở đây là "cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định" - theo quy định tại Khoản 12 Điều 114 Bộ luật tố tụng dân sự (2015). Cho nên không thể nói là Quyết định đó sai về mặt thủ tục tố tụng hay thẩm quyền. Cho dù về nội dung quyết định có thể gây tranh cãi, nhưng như tôi đã nêu quan điểm - là cần thiết, hợp lý trong bối cảnh doanh nghiệp đang bị "dội bom thông tin xấu". (Xin tham khảo điều luật bên dưới).

- Cuối cùng, tôi cho rằng chúng ta cần phải tôn trọng Tòa án, mà ý nghĩa cao hơn là tôn trọng pháp luật. Giải quyết tranh chấp tại Tòa án là văn minh, dân chủ, pháp luật đã quy định - tại sao không tôn trọng? Hãy thử nhìn qua bên Mỹ, ngay cả tổng thống Trump, khi ban hành dự luật về hạn chế nhập cư (tháng 2/2017 vừa qua), đã liên tục bị nhiều Tòa án cấp liên bang (khu vực) ra quyết định "chặn" vì cho rằng dự luật có dấu hiệu vi hiến, phân biệt đối xử.

Bản thân tôi không và chưa bao giờ bênh vực cái xấu, sự sai trái. Trong vụ việc này, nếu Thành Bưởi có sai, thì về nguyên tắc cần bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Nhưng cần phải công bằng, bình đẳng và hợp lý. Tôi vẫn luôn cho rằng pháp luật, và cả báo chí, không phải là "con dao" để "giết" một chủ thể nào đó. Mà phải bảo đảm sự công bằng, khách quan, đúng sự thật.

Bất kỳ một quốc gia nào, cũng cần phải có một nền kinh tế ổn định, vững mạnh. Thể hiện ở việc các doanh nghiệp kinh doanh ổn định. Không bị cạnh tranh không lành mạnh, chơi bẩn ... Suy cho cùng, doanh nghiệp chính là "nguồn sữa" của ngân sách nhà nước, tạo ra của cải xã hội, công ăn việc làm. Giết doanh nghiệp là giết nguồn sữa ngân sách, tăng thất nghiệp ...vv.

Ps. Tôi hoàn toàn không liên quan và sẽ không liên quan đến bên nào trong vụ kiện này. Chưa kể tôi có quen biết một vài vị lãnh đạo của báo Giao Thông hiện nay từ rất lâu.

................

Quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự (2015):

Điều 111. Quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

1. Trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 của Bộ luật này có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.

2. Trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho Tòa án đó.

3. Tòa án chỉ tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trường hợp quy định tại Điều 135 của Bộ luật này.

Điều 114. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời

1. Giao người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục.

2. Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng.

3. Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm.

4. Buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chi phí cứu chữa tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

5. Tạm đình chỉ thi hành quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, quyết định sa thải người lao động.

6. Kê biên tài sản đang tranh chấp.

7. Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.

8. Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp.

9. Cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hóa khác.

10. Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ.

11. Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ.

12. Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định.

13. Cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ.

14. Cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình.

15. Tạm dừng việc đóng thầu và các hoạt động có liên quan đến việc đấu thầu.

16. Bắt giữ tàu bay, tàu biển để bảo đảm giải quyết vụ án.

17. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác mà luật có quy định.


Nguồn Bình Luận Án

Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

Hộ khẩu: 9 điều có thể bạn chưa biết

Quỳnh Vi

Báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới và Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho thấy, chế độ hộ khẩu có tuổi đời hơn 50 năm của Việt Nam đang trở thành lực cản lớn cho sự phát triển xã hội.
Ảnh: Michael Waibel / COASTAL City / Saigoneer.
Được công bố ngày 16/6/2016, báo cáo “Hệ thống đăng ký hộ khẩu ở Việt Nam” cung cấp một cái nhìn toàn cảnh về lịch sử hình thành và tác động của chế độ hộ khẩu đối với đời sinh kinh tế – xã hội của người dân.
Luật Khoa tóm tắt 9 vấn đề pháp lý và quyền con người liên quan đến hệ thống đăng ký hộ khẩu tại Việt Nam mà bản báo cáo đã tổng kết.
1. Chế độ hộ khẩu tại Việt Nam được hình thành để kiểm soát trật tự xã hội và quản lý nhà nước về kinh tế, dựa theo hình mẫu của Trung Quốc.
Quyền tự do đi lại và quyền tự do cư trú của công dân là quyền hiến định được công nhận bởi Hiến pháp Việt Nam năm 1960. Các bản Hiến pháp sửa đổi năm 1980, 1992, và 2013 đều có những quy định tương tự.
Tuy nhiên, ngay sau khi tiếp quản miền Bắc vào năm 1954, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mới thành lập đã cho ra đời chế độ hộ khẩu tại Việt Nam vì hai mối quan ngại chính.
Thứ nhất, việc đô thị hóa quá nhanh đi kèm với sự gia tăng của lượng người di cư từ nông thôn về các thành phố lớn dẫn đến nạn thất nghiệp, và sẽ phá vỡ các kế hoạch phát triển của nhà nước.
Thứ hai, chính quyền mới cũng có những e ngại nhất định với các thế lực chống đối và cần kiểm soát an ninh.
Do đó, việc hạn chế tự do di chuyển của công dân được xem là một vấn đề cấp thiết cần phải giải quyết, và chế độ hộ khẩu được xác định là công cụ tối ưu cho mục đích này.
Dựa trên hình mẫu gốc là hệ thống hộ khẩu (hukou) của Trung Quốc, chế độ hộ khẩu tại Việt Nam được xây dựng với cùng mục đích: quản lý người dân về mặt kinh tế cũng như kiểm soát an ninh trật tự xã hội.
2. Văn bản pháp lý đầu tiên giới hạn quyền tự do đi lại và cư trú của người dân ra đời 7 năm trước khi hệ thống hộ khẩu chính thức được áp dụng.
Vào năm 1957, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ban hành Thông tư 495-TTg và đưa ra các quy định về một số biện pháp hạn chế cư dân các vùng nông thôn di chuyển ra các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng.
Tuy nhiên, phải đến 7 năm sau, khi Nghị định 104-CP được chính phủ ban hành vào năm 1964 thì hệ thống hộ khẩu mới chính thức được áp dụng tại miền Bắc Việt Nam. Nghị định này ra đời theo yêu cầu của Bộ Công an, vỗn cũng là đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm thi hành, với lý do tăng cường đảm bảo an ninh cho đất nước đang trong thời kỳ chiến tranh.
Sau tháng 4 năm 1975, chế độ hộ khẩu được áp dụng cho cả nước.
3. Các tham số chính của hệ thống hộ khẩu tại Việt Nam được thiết lập bởi Nghị định 104-CP năm 1964 và hầu như không thay đổi nhiều trong gần 40 năm.
Các tham số chính của hệ thống hộ khẩu tại Việt Nam dựa theo Nghị định 104-CP bao gồm: mỗi người dân chỉ được đăng ký là nhân khẩu thường trú tại một và chỉ một hộ gia đình và việc di chuyển chỉ được phép khi có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.
Hệ thống đăng ký hộ khẩu có một số sửa đổi theo thời gian bởi Nghị định 4-HDBT năm 1988, Nghị định 51-CP năm 1997 và Thông tư 6-TT/BNV(C13). Tuy nhiên, tinh thần của Nghị định 104-CP trên căn bản vẫn được giữ nguyên cho đến khi được thay thế bằng Luật Cư trú năm 2006.
Chế độ hộ khẩu hiện hành tại Việt Nam được quy định trong Luật Cư trú năm 2006 với các sửa đổi vào năm 2013 và 2014. Nhưng tại Hà Nội, quy định hộ khẩu còn dựa theo một luật ban hành riêng cho thủ đô vào năm 2012 (Luật Thủ đô).
4. Trước thời kỳ Đổi Mới, nếu không có hộ khẩu thì một người sẽ sống mà không có đủ quyền dân sự và dịch vụ do nhà nước cung cấp.
Trên thế giới, Việt Nam và Trung Quốc là hai ví dụ nổi bật cho việc gắn cung cấp dịch vụ xã hội với chế độ hộ khẩu.
Tại Việt Nam, trước khi thực hiện cải cách kinh tế trong thời kỳ Đổi Mới năm 1986, hệ thống hộ khẩu buộc chặt người dân với việc phân phối lương thực, đất đai, nhà cửa, giáo dục, y tế và việc làm. Hầu như tất cả các quyền dân sự chỉ được đảm bảo khi một công dân có hộ khẩu vì họ bị quản lý trực tiếp bởi nhà nước thông qua các đơn vị sử dụng lao động và hợp tác xã.
Cũng chính vì nhà nước quản lý trực tiếp nên trước năm 1987, việc chuyển hộ khẩu từ nơi này đến nơi khác tuy có thể làm được về mặt lý thuyết, nhưng gần như là bất khả thi trong thực tế. Công dân không thể chuyển hộ khẩu mà không có sự đồng ý của cấp thẩm quyền vì họ cần phải có giấy phép di chuyển của nơi họ dời đi. Nếu di chuyển mà không có giấy phép thì sẽ rất vất vả để có thể tồn tại ở nơi họ chuyển đến.
Sau khi bắt đầu thời kỳ Đổi Mới, sở hữu tập thể và chế độ phân phối của nhà nước cũng dần bị dỡ bỏ. Và vì vậy, tuy hệ thống hộ khẩu vẫn tồn tại, nhưng nó đã không còn ảnh hưởng đáng kể đến quyền và vấn đề sinh kế của người dân như trước.
5. Luật Cư trú năm 2006 đã có những cải cách lớn về chính sách hộ khẩu 
Trước năm 2006, có 4 loại đăng ký hộ khẩu ở Việt Nam – KT1, KT2, KT3, và KT4. KT1 dành cho những người thường trú, KT2 dành cho những người vẫn ở trong tỉnh, thành phố nhưng đăng ký ở quận, huyện khác, KT3 dành cho những người tạm trú dài hạn, và KT4 dành cho những người cư trú tạm thời.
Luật Cư trú năm 2006 gộp 4 loại hộ khẩu trên thành hai loại: tạm trú và thường trú. Tuy thế, trong thực tiễn, tình trạng phân biệt KT3 và KT4 vẫn diễn ra.
Luật cũng giảm đáng kể các điều kiện xin hộ khẩu thường trú. Để có được hộ khẩu ở các thành phố lớn, người dân chỉ buộc phải ở đó liên tục 1 năm thay vì là 3 năm như trước kia.
Luật Cư trú 2006 còn đơn giản hóa thủ tục chuyển đổi tình trạng hộ khẩu. Cải cách lớn nhất là việc xin giấy xác nhận tạm vắng từ nơi chuyển đi đã được bãi bỏ. Các điều kiện về xuất trình giấy tờ chứng thực việc làm hoặc giấy nhập học ở nơi đến cũng được bãi bỏ.
Ảnh: Người dân tại cơ quan đăng ký hộ khẩu (tuyentaphay.com).
6. Luật Cư trú sửa đổi năm 2013 lại thắt chặt hệ thống đăng ký thường trú tại các thành phố lớn, trực thuộc trung ương.
Đối với những cải cách của Luật Cư trú 2006, Bộ Công an đã phê phán là quá lỏng lẻo và nêu ra quan ngại về sự gia tăng mạnh mẽ các trường hợp thay đổi hộ khẩu – đặc biệt là ở các thành phố lớn – từ khi luật được ban hành.
Vì những quan ngại này, Luật Cư trú đã được sửa đổi vào năm 2013, thắt chặt đáng kể các yêu cầu đối với hộ khẩu thường trú. Đáng kể nhất là yêu cầu phải cư trú liên tục 2 năm ở thành phố trực thuộc trung ương thay vì chỉ 1 năm.
Luật Cư trú sửa đổi 2013 cũng ghi nhận chính quyền địa phương ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng có thẩm quyền thiết lập các chính sách cư trú của riêng mình.
Luật cư trú tại các thành phố lớn đều có quy định chặt chẽ hơn. Ví dụ như ở Hà Nội, Luật Thủ đô 2012 yêu cầu người xin đăng ký thường trú phải sống ở đó liên tục trong 3 năm (so với hướng dẫn của cả nước là 2 năm). Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội còn đưa ra quy định về các yêu cầu tối thiểu đối với nhà ở cho những người muốn xin nhập hộ khẩu.
Những nới lỏng trong Luật Cư trú 2006 đối với hộ khẩu thường trú đã bị thắt chặt bằng những chính sách vừa nêu, và vì vậy hệ thống hộ khẩu ở Việt Nam đã không còn những bước tiến bộ rõ rệt nữa.
7. Những người không có hộ khẩu thường trú gặp sự phân biệt đối xử khi xin việc tại các cơ quan nhà nước 
Theo thống kê của bản báo cáo, những người không có hộ khẩu thường trú hầu như không có khả năng tiếp cận các cơ hội việc làm trong các cơ quan nhà nước.
Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, và Đà Nẵng từ lâu đã áp dụng chính sách bắt buộc đăng ký thường trú đối với các công việc công chức thông thường và chỉ miễn cho các trường hợp đặc biệt.
Trong khi đó, kết quả của các cuộc khảo sát được tổng kết lại cho thấy hiện tượng phân biệt đối xử đối với người lao động trong các công ty tư nhân về tình trạng cư trú hiện nay đã không còn phổ biến.
Bản tổng kết còn cho biết thêm, những yêu cầu khắt khe về đăng ký thường trú và quyền lợi mà nó mang lại – như được vào biên chế nhà nước ở các thành phố lớn – đã dẫn đến tình trạng người dân phải chi trả một số tiền lớn cho các khoảng phí không chính thức để có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú.
Minh họa của ĐAN (laodong.com.vn)
8. Trẻ em và phụ nữ là những nhóm yếu thế gặp nhiều phân biệt đối xử nhất bởi hệ thống đăng ký hộ khẩu trong việc tiếp cận các dịch vụ công như giáo dục, y tế và các chương trình xã hội khác
Trẻ em không đăng ký cư trú ít có khả năng nhập học trường công, và trẻ đăng ký tạm trú ít có cơ hội đến trường hơn so với trẻ có đăng ký thường trú. Nhiều trường học ưu tiên cho học sinh có hộ khẩu thường trú. Đặc biệt ở cấp phổ thông, học sinh không có hộ khẩu thường trú ít có khả năng được nhập học hơn.
Đối với các em gái, tình trạng bất bình đẳng còn tăng thêm một bậc. Các thống kê cho biết, phụ huynh Việt Nam sẽ bỏ ra công sức, cũng như nỗ lực nhiều hơn trong việc giúp con trai họ vượt qua các rào cản hộ khẩu để có thể nhập học cấp 2, nhưng các học sinh nữ thì lại không có được sự giúp đỡ này từ cha mẹ.
Cũng theo bản báo cáo, hệ thống hộ khẩu ở Việt Nam là rào cản khiến cho một bộ phận trẻ em dưới 6 tuổi không có được bảo hiểm y tế. Phụ nữ lại là đối tượng phải chịu trách nhiệm chính trong việc tìm phương pháp xử lý để giúp con cái của mình được tiếp cận bảo hiểm y tế .
Ngoài ra, những người không có hộ khẩu thường trú cũng phải chịu chi phí y tế cao hơn và thường bị chỉ định dịch vụ y tế xa nơi cư trú.
Người tạm trú cũng có ít cơ hội hơn trong việc tham gia các hoạt động xã hội và các tổ chức ở địa phương. Và trong thực tế, những người tạm trú cũng hiếm khi được đưa vào danh sách hộ nghèo. Ngay cả các dịch vụ thu phí như giá điện, người tạm trú cũng phải trả một giá cao hơn.
9. Luật Hộ tịch mới 2016 đã tháo bỏ phần nào các trở ngại cho người tạm trú trong việc thực hiện các thủ tục giấy tờ hành chính cơ bản tại nơi họ cư trú
Bản báo cáo cho biết điều phiền hà lớn nhất mà chế độ hộ khẩu mang lại cho những người không có hộ khẩu thường trú tại địa phương là việc họ phải trở về nguyên quán để thực hiện những thủ tục hành chính cơ bản, ví dụ như đổi chứng minh thư, khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân v.v.
Tuy nhiên, điều này đã được cải thiện vào đầu năm 2016 khi Luật Hộ tịch mới có hiệu lực ở Việt Nam. Theo Điều 5 của Luật Hộ tịch 2016, thủ tục hộ tịch đối với khai sinh, đăng ký kết hôn có thể được thực hiện tại nơi cư trú hiện tại của một người dù họ không đăng ký tạm trú hay thường trú ở nơi đó.

Tổng kết lại, bản báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy tình trạng cư trú đã khiến một bộ phận không nhỏ dân số Việt Nam chịu cảnh phân biệt đối xử trong việc tiếp cận các dịch vụ công và các vấn đề hành chính hằng ngày.
Vì vậy, bản báo cáo đã đưa ra đề nghị cải cách chính sách liên quan đến chế độ hộ khẩu. Theo đó, nếu Việt Nam không thể xóa bỏ hoàn toàn hệ thống hộ khẩu thì ít nhất, chính phủ phải thay đổi nó một cách đáng kể.
Điều này có thể bắt đầu bằng việc nhà nước tối giản hóa các thủ tục liên quan đến đăng ký hộ khẩu thường trú cho người dân, đồng thời giúp đỡ những người không có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú được tiếp xúc với các dịch vụ công ở nơi họ đang sống một cách công bằng.
Tài liệu tham khảo:

Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2017

Phan Châu Trinh đã cổ xúy dân quyền như thế nào

Trần Long Vi

Ngày hôm nay, 24 tháng 3, là ngày giỗ lần thứ 91 của Phan Châu Trinh, một nhà lãnh đạo của phong trào dân quyền đầu thế kỷ 20.
Hôm nay, những thứ chúng ta đang có như chữ viết đã được Phan Châu Trinh cùng phong trào Duy Tân khi đó cổ xuý và phổ biến.
Phong trào Duy Tân không đơn giản là hô hào đòi dân quyền mà là một quyết tâm cải cách toàn diện, làm Mới Con Người, làm Mới Xã Hội.
Tiến sĩ Bùi Trân Phượng nhận xét: “Một điều đáng khâm phục là thế hệ sĩ phu đầu thế kỷ được đào tạo trong tinh thần nho học, theo tinh thần khoa bảng nhưng hiểu ra rằng phải có cuộc canh tân về giáo dục ở bề sâu. Hiểu ra rằng Việt Nam là một bộ phận của thế giới bao la chứ không chỉ là thế giới Hán hóa”.
Nhân ngày giỗ của ông, Luật Khoa xin giới thiệu bài viết về cuộc đời của Phan Châu Trinh gắn với phong trào Duy Tân.
Xin mượn lời của cố học giả Nguyễn Văn Xuân để mở đầu cho bài viết: “Duy Tân đối với chúng ta không mới mà nhất định chưa cũ. Đó là vấn đề ngày nay, ngày mai. Chúng ta còn phải học người xưa rất nhiều để thực hiện một cuộc Duy Tân vừa toàn bộ, vừa không xa rời Dân tộc tính, Nhân bản tính”.
Bài viết sử dụng nhiều tư liệu từ cuốn sách “Phong trào Duy Tân” do cố học giả Nguyễn Văn Xuân biên soạn và xuất bản năm 1970.
Chân dung Phan Châu Trinh. Ảnh: Chưa rõ nguồn.
Phan Châu Trinh sinh năm 1873 tại Tây Lộc, Tam Kỳ, Quảng Nam. Ông mất mẹ năm 6 tuổi và mất cha năm 13 tuổi. Cha ông là Phan Văn Bình, quản lý đồn điền và tiếp tế cho phong trào Cần Vương, một phong trào chống Pháp thời đó.
Lớn lên ông được dạy võ, học bắn súng tạo nên bản lĩnh vững vàng của một chiến sĩ trước khi thành văn sĩ. Ông là người nhiều tình cảm tuy rất nóng tính và khi tranh luận thì không bao giờ thiếu lý lẽ. Bản tính chống bất bình cá nhân của ông là bước căn bản để chống bất bình xã hội.
Thơ văn của Phan Châu Trinh gắn liền với đời sống nhân dân, thương kẻ nghèo, phê phán xã hội, ví dụ: “Thịt chuột thì ít, con nít thì nhiều”, “Lấy chi mà trả cái ân, lấy chi nạp cống ngân cho làng”, “nghênh ngang như làng không ông xã”.
Quan lại triều Nguyễn. Ảnh: Chưa rõ nguồn.
Phan Châu Trinh thi đỗ cử nhân năm 1900, đỗ Phó bảng năm 1901 rồi ra làm Thừa biện Bộ Lễ cho triều đình Huế. Trước đó, ông đã quen thân với Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp vì cùng là bạn học, cũng chính hai người này đã đẩy Duy Tân thành một đại phong trào.
Ra làm quan tại Huế, ông được tiếp xúc với nhiều tân thư từ Trung Hoa đưa sang như tư tưởng cách mạng của Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi hay các tư tưởng phương Tây của Rousseau, Montesquieu, Voltaire,… Những tân thư này đã góp phần hình thành tư tưởng dân quyền của ông.
Dân quyền lúc này là một ý tưởng cực kỳ mới. Phan Châu Trinh muốn vượt lên ý thức hệ cũ, đẩy vua quan vào hậu trường, đẩy Nho giáo vào tàng viện, đặt dân quyền lên ngai vàng, tức là ông muốn chấm dứt quan hệ văn hóa với nước Tàu, tiếp thu văn hóa Tây phương và thay đổi giáo dục, tập quán sinh hoạt của một xã hội còn tối ngòm.
Ông cho rằng: “Cái độc tài, chuyên chế cùng cái hủ nho của ta, đã thành chứng bệnh bất trị mà học thuyết tự do dân quyền Âu Tây chính là vị thuộc đắng đầu chữa bệnh đó.”
Phan Bội Châu (trái) và Cường Để. Nguồn ảnh: VTV.
Năm 1904, Phan Châu Trinh từ quan về Quảng Nam và lần đầu gặp Phan Bội Châu. Lúc này, Sào Nam (tức Phan Bội Châu) đến Quảng Nam để thành lập Hội Quang Phục, một hội bạo động để đánh đuổi Pháp, xây dựng chế độ quân chủ lập hiến. Hội bầu Cường Để là cháu đích tôn 4 đời của vua Gia Long làm hội chủ.
Tuy có cùng mục đích nhưng cách thức của hai ông trái ngược nhau. Đối với Phan Bội Châu thì sao cũng được, ai cũng tạm được, chỉ cần khôi phục quốc gia là được. Nhưng đối với Phan Châu Trinh phải là học thuyết, chủ trương, đường lối, phải là quảng đại quần chúng.
Sau lần gặp đó, Phan Bội Châu đi Trung Quốc rồi sang Nhật để gặp các nhà cách mạng giúp đỡ cho Hội Quang Phục, mặt khác đưa học sinh sang Nhật và sáng tác văn thơ đả kích chính phủ Pháp.
Phan Châu Trinh cùng Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp đi vào Nam để nắm tình hình và kết nối các nhân sĩ Nam kỳ. Lúc này Phong trào Duy Tân manh nha bắt đầu.
Một bao thư in hình Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu. Ảnh: Chưa rõ nguồn.
Sau khi Nam tiến về, Phan Châu Trinh đọc sách của Phan Bội Châu gửi về từ Nhật, có chỗ đồng ý có chỗ phản đối. Ông thấy cần gặp Sào Nam (Phan Bội Châu) để hỏi cho rõ, đồng thời cũng muốn hiểu rõ về mưu đồ của Nhật.
Trước lúc sang Nhật, Phan Châu Trinh ra Bắc để bàn kế duy tân với Lương Văn Can, Đào Nguyên Phổ, rồi vào Nghệ Tĩnh gặp Ngô Đức Kế, lúc này là lãnh đạo của phong trào Duy Tân tại Nghệ Tĩnh. Sau đó ông thuyết phục Hoàng Hoa Thám về tình thế hiện tại khó có thể bạo động nhưng bất thành.
Phan Châu Trinh gặp Sào Nam ở Nhật vào tháng 4/1906 nhưng ông sớm trở về nước do đường hướng hoạt động trái ngược nhau.
Phan Châu Trinh muốn dựa vào thế mạnh của Pháp vứt bỏ quân chủ, tuyên bố dân quyền, khi dân đã có quyền thì chuyện gì cũng làm được kể cả đánh Pháp, còn trông vào nước Nhật là hy vọng viển vông. Ngược lại, đối với Sào Nam thì lợi dụng quân chủ để đánh Pháp, nước nhà độc lập rồi mới bàn đến việc khác. Riêng chỉ có chuyện đưa du học sinh sang Nhật là Phan Châu Trinh ủng hộ.
Kể từ đó, xuất hiện từ hai luồng tư tưởng trái ngược nhau, hai tổ chức đối lập.
Ba năm sau, Nhật cấu kết với Pháp ra lệnh trục xuất du học sinh, Cường Để và Phan Bội Châu về nước. Phong trào Đông Du tan rã.
Trường thi triều Nguyễn, năm 1895. Ảnh: Le Perit Journal.
Sau khi về nước, Phan Châu Trinh đi diễn thuyết khắp nơi, chủ yếu là nói về sự viển vông khi nhờ Nhật giúp đỡ, ông nói : “Người mình không khai dân trí, liên lạc đoàn thể để làm cơ sở mà chỉ ngồi trông người ngoài: cái bệnh dục tốc kiến tiểu (muốn cho nhanh để đạt được mục tiêu), không ích gì mà lại có hại”.
Ông quyết định liên lạc với chính quyền Pháp để công khai và hợp pháp hóa tư tưởng và hoạt động của phe mình. Tháng 8/1906, ông viết “Đầu Pháp chính phủ thư”, được xem như tuyên ngôn của phong trào Duy Tân.
Bức thư gây tiếng vang lớn, nêu lên nỗi cùng cực của dân nghèo, thực dân dung túng quan lại, quan lại thì ức hiếp nhân dân, đẩy nhân dân vào bước đường cùng “tát hết nước mà bắt cá”. Ông cũng nêu cách giải quyết rành mạch: trọng dụng nhân tài, quan lại thưởng phạt rõ ràng, mở đường sinh nhai cho dân nghèo, mở rộng báo chí, bỏ khoa cử, cải cách pháp luật, thuế má và giáo dục.
Những cải cách đó không trông cậy mỗi vào Pháp, phong trào Duy Tân đã tự gánh vác, nhân sĩ khắp miền cùng bắt tay thực hiện.
Công ty Liên Thành, thành lập năm 1906. Ảnh: Wikipedia.
Như vậy, năm 1906, phong trào Duy Tân được phát động không chỉ trong Quảng Nam mà ra cả Trung Nam Việt.
Khí thế của phong trào đã lên, tư tưởng, chí hướng và phương pháp đã có, các nhân sĩ tự gánh vác công việc nhưng vẫn có liên kết. Nhiều tổ chức được thành lập như thương hội, nông hội, trường học, hội mặc đồ tây, hội diễn thuyết…
Một đợt sóng phong trào dân sự cấp tiến nở rộ.
Nổi tiếng khi đó có bài ca “Khuyến học” của Trần Quý Cáp, tóm tắt phần lớn tư tưởng Duy Tân: (1) xây dựng một nền giáo dục toàn diện, học đúng đường để làm rạng danh dân tộc; (2) thế giới mạnh thắng, yếu thua, nước muốn mạnh phải giàu, đạt được giàu mạnh phải khôn, khôn là từ học mà ra; (3) dùng chữ quốc ngữ để phổ cập dân chúng; (4) phải biên dịch sách để mở mang đầu óc; (5) hiệp thương, hùn vốn mở công ty để tự thân tự lực.
Thương hội là bộ mặt rất nổi của Duy Tân. Bấy giờ nhân sĩ đứng ra buôn bán là một điều mới mẻ, vì sĩ phu thường coi khinh tiền bạc. Công việc kinh doanh vào tận miền trong rồi ra miền ngoài. Nhân sĩ coi đó là quốc thương, đóng tiền lời của thương hội để phát triển giáo dục và xã hội.
Liên Thành là một công ty do Phan Châu Trinh và Nguyễn Trọng Lợi sáng lập, thương hiệu còn tồn tại đến ngày nay, ngoài ra còn có Hồng Tân Hưng, Minh Tân khách sạn ở Sài Gòn, Tân Hợp Long ở Long Xuyên…
Lớp nữ sinh Trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Ảnh: Chưa rõ nguồn.
Phan Châu Trinh rất có tài diễn thuyết, mỗi lần diễn thuyết dân chúng kéo đến xem rất đông. Hội diễn thuyết là do Phan Châu Trinh lập, không chỉ để truyền bá tư tưởng dân quyền mà còn để kêu gọi quốc dân hưởng ứng nền tân học, học pháp văn, chữ quốc ngữ, xã hội đông tây, kinh tế, địa lý và trở thành con người hữu dụng.
Nhiều trường lớn được lập ra như Diên Phong, Phước Bình, Phú Lâm, Quảng Phước… Người dạy đều tự lực cánh sinh, không có lương bổng, trường học thiếu thốn vậy mà rất nhiều người tìm đến học.
Phong trào Duy Tân đã để lại một cải cách lớn trong giáo dục Việt Nam. Các trường được lập ra nhằm đào tạo người có tư tưởng, yêu nước, mở trí não để làm ra của cải, giáo dục lý thuyết lẫn thực hành gắn chặt với đời sống nông nghiệp. Nhà trường không chỉ đào tạo trí thức, mà còn đào tạo tính khí, nhân cách và lý tưởng.
Trường học còn được mở rộng ra các miền khác nhau, điển hình có Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội, vốn có thanh thế rất lớn do được tập trung đầu tư, nhiều lãnh tụ tham gia và khoảng 700 học sinh theo học. Lập Đông Kinh Nghĩa Thục cũng là ý của Phan Châu Trinh để giải tỏa áp lực cho các tỉnh trung kỳ.
Có thể nói mô hình giáo dục của phong trào Duy Tân khá toàn diện.
Cảnh cúp tóc. Ảnh: Chưa rõ nguồn.
Bên cạnh giáo dục, phong trào còn xóa bỏ những sinh hoạt lạc hậu, cản trở hoạt động như để móng tay dài, quần áo luộm thuộm, ăn trầu. Tuy nhiên, cắt tóc là việc làm trước tiên, mà trước hết là các nhà nho là người đi đầu với bộ tóc ngắn, gây xúc động mạnh mẽ và có những ảnh hưởng rất tốt.
Thời đó, phong trào cắt tóc đang lên. Tóc ngắn là dấu hiệu của những người theo tư tưởng mới. Nhiều thanh niên sắm cho mình một cái kéo, đi tuyên truyền và vận động cắt tóc, vừa cắt tóc vừa đọc vè:
Cúp hề! cúp hề!
Tay mặt cầm kéo, tay trái cầm lược
Đũng đĩnh cho khéo

Bỏ cái ngu mày, bỏ cái dại mày
Học theo người Tây
Hãy còn ăn mặn, hãy còn nói láo

Phen này ta cúp, phen này ta cạo
Học sinh trường làng còng lưng viết chữ Hán. Ảnh: Chưa rõ nguồn.
Các nhà Duy Tân còn phải tập nhiều thói quen mới từ việc bỏ mặc cái áo dài lượt thượt sang mặc đồ Tây. Phan Châu Trinh có lẽ là nhà nho mặc đồ Tây đầu tiên đến nổi thành mốt; cạo trắng răng; bỏ tục ăn trầu phun nhổ kém vệ sinh; tập cầm bút sắt khác với bút lông; ngồi bàn viết thay còng lưng trên phản; tập đi giày, thắt cà vạt; tập tranh luận có phương pháp; tập bắt tay; lập tổ chức mới phải có chủ trương, phân công và tổ chức rõ ràng.
Phổ biến chữ quốc ngữ là công việc có ý nghĩa lớn lao nhưng cũng lắm gian nan. Sự ảnh hưởng của nho học lúc này còn lớn, chữ quốc ngữ lại mang dáng dấp phương Tây nên bị nhiều người nguyền rủa, tẩy chay. Lợi thế của chữ quốc ngữ là học nhanh, lại dùng tiếng Việt để suy luận rồi viết nên nhanh hơn, thích hợp để phổ cập cho quần chúng, còn chữ Hán phải mất 8, 9 năm mới hiểu được.
Từ những con người trì trệ, kiểu cách, khinh đời, nhà nho mới trở nên linh hoạt, tự nhiên, gần gũi với nhân dân. Vậy là đã xuất hiện một thành phần nhà nho cấp tiến muốn đoạn tuyệt, muốn rời bỏ quá khứ, bỏ cái thói giáo điều.
Họp chợ quê ở Phú Yên năm 1905. Ảnh: Chưa rõ nguồn.
Tháng giêng năm 1908, dân biến bắt đầu phát ra ở Đại Lộc, Quảng Nam do tri huyện dùng sưu thuế hà hiếp dân nghèo.
Dân nghèo các xã được lấy chữ ký xin giảm thuế, rồi đến gặp tri huyện nhờ trình lên tỉnh. Tri huyện lúc này hoảng sợ bỏ chạy lên tỉnh rồi lên Tòa công sứ Pháp ở Hội An. Dân ùn ùn kéo nhau lên Tòa công sứ, ngồi lỳ không đi.
Đất Hội An là nơi buôn bán, tin tức truyền đi khắp nơi, tin giả sẽ được miễn thuế cho xã này xã kia lan ra, thành thử dân chúng kéo đến ngày một đông. Ai đi xin xâu (sưu) cũng cắt tóc ngắn, trở thành một dấu hiệu của phong trào.
Hoạt động của nhân dân rất có tổ chức. Hết lớp này tọa kháng xong về nghỉ, lại đến lớp khác đến thay, được tiếp tế cơm nước nên ngày càng dai dẳng. “Cơm đùm, cơm gói xuống nha/Rủ nhau kéo hết xuống tòa xin xâu”. Theo Phan Châu Trinh có ngày lên đến 6.000 người, có bài văn tế ghi là 8.000 người, là con số kỷ lục thời ấy vì dân cư còn thưa thớt.
Ông Ích Đường một trong nhiều lãnh đạo nhóm dân trong dân biến tại Quảng Nam. Ảnh: Chưa rõ nguồn.
Tin dân Quảng cúp tóc xin xâu lan đi khắp nơi từ Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yến đến Nam Định, Nghệ An, Thanh Hóa. Đâu đâu cũng có cúp tóc xin xâu, trở thành “dân biến kháng thuế”.
Đụng vào sưu thuế là đụng vào nồi cơm của Pháp. Thực dân ra tay đàn áp khốc liệt, đoàn người xin xâu tan vỡ, lệnh giới nghiêm được ban hành. Thời kỳ khủng bố trắng bắt đầu.
Dân biến kháng thuế là thành tựu lớn nhất của phong trào Duy Tân, là khi tư tưởng dân quyền của phong trào đã phổ biến và tác động rộng rãi trong dân chúng.
Tư tưởng dân quyền đã soi sáng người dân. Nhưng tư tưởng để làm gì khi phải è cổ ra đóng thuế, nên dân phải trỗi dậy thực hành cái dân quyền của mình. Dân chỉ van xin gào thét, thỉnh cầu, đày đọa thân xác chứ nhất định không bạo động. Phan Châu Trinh đã nói: “bạo động tất tử”.
Tuy các nhà lãnh đạo phong trào Duy Tân không lãnh đạo trực tiếp “cắt tóc xin xâu” nhưng các cụ là người chủ trương về chiến lược. Các sĩ dân đã hành động quá tích cực, vượt khỏi dự liệu của những người chủ trương.
Phan Châu Trinh 37 tuổi, lúc mới ra tù tại Côn Đảo. Ảnh: Chưa rõ nguồn.
Sau dân biến tháng 4 năm 1908, Pháp thẳng tay đàn áp, bắn, chém dân và giam các sĩ phu, dùng mọi phương cách để tiêu diệt lực lượng mới nổi này.
Các lãnh đạo của phong trào Duy Tân mặc dù không trực tiếp điều hành nhưng đều bị liên lụy. Huỳnh Thúc Kháng bị bắt, Trần Quý Cáp bị xử tử. Phan Châu Trinh cũng bị bắt từ Hà Nội đưa về Huế (4/1908) nhưng do đối đáp rành mạch, lại có sự sự bảo hộ của Hội Nhân quyền nên chỉ bị đày đi Côn Lôn.
Trang sử của phong trào đến đây tạm kết thúc.
Xin mượn lời của học giả Nguyễn Văn Xuân để kết lại phong trào Duy Tân: “Những kẻ, những tổ chức rành rỗi về chính trị không sợ những cá nhân dù cá nhân ấy tài giỏi tới đâu. Họ không sợ những trí thức dù trí thức ấy ồn ào, la hét om sòm gây xúc động. Nhưng họ rất sợ quần chúng khi quần chúng đứng lên. Và nhất là quần chúng có lãnh đạo, có tổ chức, có sách lược tranh đấu, có mục tiêu hướng tới”.
Phan Châu Trinh và con trai Phan Châu D­ật tại Pháp. Ảnh: Tư liệu gia đình.
Hai năm sau khi Phan Châu Trinh bị đày đi Côn Đảo, Hội Nhân quyền Pháp đã can thiệp để ông được tự do, nhưng ông bị giam lỏng ở Mỹ Tho.
Không chịu cảnh mất tự do, ông viết thư cho Toàn quyền Đông Dương yêu cầu một là được sang Pháp, hai là trở lại Côn Đảo. Năm 1911, chính quyền Đông Dương cho Phan Châu Trinh sang Pháp cùng con trai là Phan Châu Dật.
Sang Pháp, ông ở nhà luật sư Phan Văn Trường, tiếp tục tranh đấu cho dân quyền. Ông gặp gỡ, thảo luận với Kiều bào và cả người Pháp ủng hộ tự do, dân chủ. Cũng vì thế, chính quyền Pháp cắt trợ cấp của ông và học bổng của con trai. Phan Châu Trinh tin rằng muốn tự do tư tưởng thì phải tránh lệ thuộc vào kinh tế, nên ông sinh sống bằng nghề rửa ảnh.
Cuộc sống ở Pháp tuy vất vả nhưng chí khí của ông vẫn không giảm. Năm 1914, ông bị bắt giam do nghi ngờ dính líu đến Đức nhưng sau đó được đảng Xã hội Pháp can thiệp nên được thả. Trong thời gian này, Phan Châu Trinh đã gặp gỡ Nguyễn Tất Thành và thành lập Hội người Việt yêu nước tại Pháp.
Ông luôn tận dụng cơ hội để tranh đấu cho người dân trong nước. Năm 1919, ông cùng với Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Tất Thành soạn “Bản Yêu sách của nhân dân An Nam” gửi cho Hội nghị Versailles, ký tên chung là Nguyễn Ái Quốc.
Năm 1920, ông hội kiến với Bộ trưởng Bộ Thuộc địa của Pháp đòi cải cách chính trị Đông Dương. Khi vua Khải Định sang Pháp, Phan Châu Trinh đã viết “Thất điếu thư”, 7 điều buộc tội Khải Định và khuyên vua về nước để không làm nhục quốc gia.
Đám tang Phan Châu Trinh tại Sài Gòn năm 1926. Ảnh: Chưa rõ nguồn.
Đến cuối tháng 5 năm 1925, Phan Châu Trinh cùng nhà cách mạng trẻ Nguyễn An Ninh xuống tàu rời nước Pháp về lại Sài Gòn. Ông Ninh đưa Phan Châu Trinh về khách sạn của cha mình là Chiêu Nam Lâu để tá túc, gần với phố Nguyễn Huệ bây giờ.
Không lâu sau, cụ rời Sài Gòn về Mỹ Hòa, Hoóc Môn, nhà của cha Nguyễn An Ninh, để tiện đón tiếp bạn bè và chữa bệnh.
Mặc dù sức yếu, nhưng ông vẫn diễn thuyết thêm hai đề tài là Đạo đức và Luân lý Đông tây, Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa, làm thức tỉnh nhiều người trẻ tại Sài Gòn.
Ngày 24 tháng 3 năm 1926, Nguyễn An Ninh bị bắt tại nhà. Đêm hôm đó lúc 9 giờ 30, Phan Châu Trinh qua đời tại Chiêu Nam Lâu khi vừa mới 53 tuổi.
Đám tang của ông được cử hành tại Sài Gòn. Hơn 60.000 người đã đến dự và lễ truy điệu được các sĩ phu tổ chức khắp cả nước.
“Đám tang cụ Phan Châu Trinh từ đây đi đến nghĩa địa Gò Công là sự bày tỏ tâm tư, ước vọng lớn nhất về đất nước, cuộc sống xã hội của người Việt Nam ở Sài Gòn, một đám tang khổng lồ với lượng người đi rước, các cửa tiệm của người Việt ở Sài Gòn – Chợ Lớn đều đóng cửa, mà báo chí Pháp nói ngày đó là ngày Việt Nam thức tỉnh”. (*)
* Bài có sử dụng ảnh bìa của Tủ sách Nền Tảng Đổi Đời, có chỉnh sửa. 
Tài liệu tham khảo:
1. Phong trào Duy Tân (Nguyễn Văn Xuân, NXB Lá Bối)
2. Phan Châu Trinh và cuộc đời cách mạng (Báo Đà Nẵng)3. Cụ Phan Châu Trinh và Phong trào Duy Tân (RFA)
(*). Sài Gòn – Chợ Lớn: Ký ức đô thị và con người (Nguyễn Đức Hiệp, NXB Văn hóa – Nghệ thuật)