Trang

Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2018

Samsara – một bộ phim hay về đạo và đời


Lê Trương Công




Samsara được thực hiện năm 2001 bởi tài tử – đạo diễn tài năng Ấn Độ Pan Nalin. Bộ phim là sản phẩm hợp tác giữa bốn nền điện ảnh lớn là Ấn Độ, Pháp, Ý và Đức trong đó chủ chốt là điện ảnh Ấn Độ.
Tác phẩm này đoạt được rất nhiều giải thưởng trong các liên hoan phim quốc tế, như giải phim hay nhất trong LHP Quốc tế Melbourne 2002, Giải của Ban tuyển lựa chính thức tại các LHP Quốc tế Sudance 2002, LHP Quốc tế Toronto 2001 và nhiều giải thưởng quốc tế quan trọng khác.

Truyện phim kể về hành trình tu hành – hoàn tục – tu hành rồi lại hoàn tục của một nhà sư trẻ tên là Tashi (tài tử Shawn Ku đóng). Vốn xuất thân từ một gia đình bình thường nhưng Tashi đã sớm theo con đường đắc đạo ngay từ khi còn nhỏ. Ở độ tuổi còn rất trẻ nhưng sư thầy Tashi cũng đã khiến rất nhiều các vị cao tăng nể phục cho cả quá trình tu hành dài suốt từ thưở ấu thơ cho đến lúc trưởng thành.

Nhưng rồi chính Tashi đã tự biến mình trở thành một người đàn ông tầm thường trong mắt mọi người khi anh bất chấp tất cả để được làm một người trần bình thường có niềm đam mê hạnh phúc và cuộc sống gia đình.

Anh gặp và yêu Pema – cô thôn nữ đầy sức sống tuổi trẻ từ ánh mắt đầu tiên. Anh khát khao cô và dần trở thành một người đàn ông không thể thiếu trong cuộc đời của Pema. Họ nên vợ nên chồng. Rồi thời gian thấm thoắt qua đi, niềm vui gia đình càng được nhân lên khi hai người có con chung với nhau. Chính lúc gia đình họ đang êm đềm nhất, Tashi đã lại muốn nhấc chân lên rời bỏ vợ con để trở về chốn núi non gõ mõ, tụng kinh, niệm Phật dưới chân Đức Phật.

Sau tình yêu nam nữ, đời sống vợ chồng bị cấm kị ấy, Tashi phải đứng trước những sự lựa chọn một mất một còn. Giữa con đường tu hành bỏ dở và trước trách nhiệm gia đình đã làm sư thầy trẻ phải dằn vặt trong lòng để lựa chọn con đường mà mình cho là đúng nhất.

Christy Chung (Montreal), thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, nói thành thục tiếng Việt và tiếng Quảng Đông. Cô luôn nhớ quê mẹ Việt Nam nhất là mảnh đất Sài Gòn.

Bộ phim ngồn ngộn những mặt đối lập tưởng chừng như không gì có thể khoả lấp nổi. Nhưng sợi dây tình yêu, sợi dây của sự đam mê đến cuồng dại của chàng sư thầy và cô thôn nữ đã đẩy các mặt đối lập trở nên dung hoà hơn.

Bộ phim là tiếng nói rất tinh tế phản bác một phần nào đó cái lý của đạo Phật về quan niệm tình yêu đôi lứa, đời sống vợ chồng. Đồng thời nó cũng là lát kéo nhẹ nhàng nhưng đủ sắc để cắt và chọc ngoáy lại sự tầm thường và thói ích kỷ tồn tại bên trong của mỗi con người.

Mặt đối lập thứ nhất rất dễ nhận ra trong phim, đó là đối lập về mặt không gian giữa chàng trai tu hành Tashi và cô gái thôn quê Pema. Trong phim hai mảng không gian thay nhau hiện hữu, một bên là vùng đồi núi trơ trụi và cằn cỗi, ở đó có một ngôi đền là chốn tu hành của các các nhà tăng muốn theo con đường đắc đạo, giải thoát mọi nỗi đau, sự u uất của chốn phàm trần, trong đó có Tashi.

Và bên kia là vùng thung lũng hoang sơ và màu mỡ đến tuyệt đẹp. Ở đó có một cô gái tên là Pema nhan sắc rực rỡ. Hai không gian trái chiều và hoàn toàn biệt lập với nhau như hai mảng màu đối khắc không thể nào có điểm chung. Nhưng rồi chính chúng lại kết vào nhau hoà thành một bởi được nối với nhau bằng sợi dây của tình yêu oan nghiệt, vừa thiết tha, cuồng dại nhưng cũng vừa đớn đau, khổ luỵ của Pema và Tashi.

Đạo diễn đã truyền tải ý tưởng có dụng ý của mình, khi ông cho ánh sáng và màu sắc vô cùng rực rỡ, tươi đẹp ở vùng thung lũng nơi Pema sinh sống. Điều đó thể hiện và dự báo trước cho người xem thấy được sức sống và sự bùng nổ của nhân vật Tashi về nửa sau của phim.







Mặt đối lập thứ hai sâu sắc hơn và cũng là chủ đề mà đạo diễn muốn phản ánh thông qua bộ phim này. Đó chính là sự đối lập trong chính con người của chàng sư trẻ Tashi.

Hình ảnh Tashi hiện lên ở hai mặt đối lập rất khác nhau nhưng cùng tồn tại trong bản thân anh. Đó là một Tashi tu hành khổ hạnh, phải cắt đứt mọi đam mê dục vọng chốn phàm trần và một Tashi – người chồng người cha người đàn ông trụ cột trong gia đình, là con người sống rất bản năng với những ham muốn tầm thường nhất.

Đạo diễn Pan Nalin khắc họa hai khía cạnh trái chiều này trong một con người rất tinh tế và đầy ngụ ý. Ông trộn lẫn chúng thành một rồi chia thành hai mảng độc lập nhưng phim lại thể hiện không gượng gạo, hoàn toàn đúng mạch tự nhiên.

Cách khai thác có chiều sâu hai mảng đời của Tashi thể hiện một trình độ am hiểu tâm lý bậc thầy của Pan Nalin về những người tu hành chốn núi non Ấn Độ. Tashi khi là một sư thầy tu hành được đạo diễn khai thác không nhiều nhưng có tính khái quát cao.

Cuộc đời hơn hai mươi năm của anh chỉ quanh quẩn trên vùng núi Ladakh (Ấn Độ) tách biệt với thế giới con người, chuyên tâm cho con đường chính quả. Để mong một ngày vào cõi Niết Bàn cực lạc, Tashi cũng đã mất ba năm, ba tháng, ba tuần, ba ngày ròng rã tọa thiền một mình trên đỉnh núi cao nhất.

Sau tháng năm dài ngồi thiền anh được đưa trở về tu viện trong vinh quang và được phong cấp bậc Khenpo danh giá. Anh vui mừng tột độ và cảm thấy hãnh diện khi được phong cấp trên con đường tu hành đắc đạo của mình.

Sự kiên trì được đền bù khi xung quanh mình, Tashi nhận được những ánh mắt nể phục của các vị cao tăng, sự ngưỡng mộ của những tiểu sư thầy… và bản thân mình Tashi cũng thấy như được bước chân lên mây. Con đường chánh quả mở ra trước mắt Tashi thật rộng lớn, thênh thang…

Nhưng niềm vui trên tồn tại không được lâu vì Tashi đã tìm được nguồn vui mới. Một nguồn vui trần tục. Tashi đã rời bỏ chốn thiền viện, chạy theo một cuộc tình bản năng mà chàng biết là bị ngăn cấm. Tashi yêu một cô gái tên là Pema (do diễn viên gốc Việt Chung Lệ Đề thủ vai) ngay từ ánh mắt đầu tiên.

Sau cuộc gặp đầu tiên mà như định mệnh đã sắp đặt ấy, Tashi đã tự đạp đổ công trình tu hành bao năm của chính mình. Chàng bỏ lại sau lưng thế giới vô ưu vô lo mà mình từng sống ở đó, từng mất biết bao nhiêu thời gian và công sức để đạt được để cùng Pema xây dựng hạnh phúc gia đình.

Cũng lúc này đây Tashi chợt nhận ra những bước đi đã qua trên con đường tu hành của mình. Anh hồi nhớ về thuở ấu thơ bị người cha bỏ mặc trên núi cùng các vị cao tăng. Anh đã đi theo chân Đức Phật ngay từ lúc còn nhỏ dại ngây thơ đó.

Nay nguồn vui trần tục mới lạ đã đến khiến bản thân anh nảy sinh và tìm ra một con đường mới mà mình phải vượt qua. Anh chọn Pema. Dù sư phụ anh có khuyên răn dạy bảo quyết liệt Tashi vẫn kiên quyết chọn con đường trở thành người bình thường. Anh không dài dòng kể lể để giải thích cho sự lựa chọn của mình.

Tashi chỉ nói với sư phụ của anh rằng, thái tử Tất Đạt Đa trước khi trở thành Đức Phật thì Ngài cũng từng sống cuộc đời trần tục tới năm 29 tuổi. Còn anh mới năm tuổi đã phải sống cuộc đời khổ hạnh như Đức Phật sau khi Người rời bỏ hồng trần. Tashi phát ngôn lên trong làn nước mắt, anh muốn chứng minh cho sư phụ anh thấy anh cũng chẳng là thần thánh gì cả, chỉ là một con người bình thường mà thôi.

Vậy là Tashi đã theo con đường tìm về cõi giác. Anh đã xóa đi tư tưởng một lòng theo giáo lý Đức Phật bấy lâu ngự trị trong trái tim mình. Anh gây dựng hạnh phúc gia đình với Pema và trở thành một người chồng, người cha có trách nhiệm.

Một sự đối lập có dụng ý nghệ thuật rất đáng chú ý ở đây là khi Tashi và Pema gặp nhau lần đầu tiên thì bối cảnh dựng lên là một không gian bó hẹp (trong một dãy hành lang nhỏ), nhưng khi hai người yêu nhau (lúc này Tashi đã bỏ chốn tu hành) không gian hoàn toàn thông thoáng và khoáng đạt.

Nó thể hiện cho sự tự do, cho bản năng khát vọng rất tự nhiên của con người. Bản năng ấy vượt qua mọi giới hạn, rào cản để con người thoải mái được bộc lộ “cái tôi”, “cái chất” tìm ẩn của mình.







Tashi khi là một người trụ cột trong gia đình, đạo diễn lại khắc hoạ anh dưới một góc độ hoàn toàn khác. Đạo diễn “ép” Tashi phải vùng vẫy trong hoàn cảnh khó khăn và nặng nề của cuộc sống con người bình thường để tính cách anh phát triển.

Vì là người cha người chồng, anh phải làm nhiều việc khác nhau vật lộn kiếm sống để gìn giữ gia đình. Tashi khi này đã biết ăn thịt, biết những mánh khóe nhỏ nhoi của cuộc sống mà anh chưa bao giờ làm trong thời gian tu hành. Với anh bản năng tình dục còn lớn hơn tất cả mọi thứ mà anh đã từng làm trước kia.

Tashi chạy theo cuộc tình bản năng không phải đơn thuần xuất phát từ bản tính đàn ông mà hơn cả anh nhận ra sự nhàm chán của những công việc tụng kinh gõ mõ hằng ngày. Sau này khi anh có ý định trở về tu viện cũng vì anh nhận thấy mình đau khổ và buồn chán với những công việc lặp đi lặp lại của cuộc sống bình thường. Tashi lại một lần nữa đứng trước những sự lựa chọn đối lập rất khó khăn của riêng mình.

Sự lựa chọn của anh, dù có tiếp tục con đường tu hành bỏ dở hay cùng Pema trở về gia đình, thì sự lựa chọn ấy cũng gắn liền với trách nhiệm. Hai con đường đối lập đến tái tê khiến Tashi lưỡng lự không thể chọn lựa nổi. Nếu anh trở về núi tu hành thì anh sẽ là một kẻ bội bạc trong tình yêu.

Một kẻ đã từng dám phá bỏ bức tường ngăn cấm của Đức Phật để yêu một tình yêu bị cấm đoán. Người đã cùng Pema yên ấm một mái nhà, giờ lại trở thành một người chồng bội bạc, một người cha tồi.

Nhưng chính cuộc trở lại chốn thiền tu, Tashi lại thấy mình có trách nhiệm với giáo lý nhà Phật. Anh thấy mình phải có trách nhiệm tiếp tục con đường đạo mà mình đã từng theo từ thủa nhỏ. Nếu anh về với vợ con, để cứu vãn một gia đình đang có nguy cơ tan vỡ thì anh sẽ vĩnh viễn lìa xa con đường chân tu. Nhưng khi sống với vợ con, anh lại thấy mình làm tròn nhiệm vụ của một người trụ cột trong gia đình.

Hai con đường lựa chọn khác xa nhau, đối lập nhau giờ đây con đường nào Tashi chọn cũng phải gắn liền với trách nhiệm và khiến anh cảm thấy bối rối, mệt mỏi và đớn đau.

Khi anh dứt áo ra đi, bỏ vợ con ở lại để tiếp tục con đường mà Đức Phật đã đi. Anh đã quay trở về con sông xưa tắm sạch bụi trần, tội lỗi mà mình phạm phải để trở lại chốn thiền tu. Lúc này đây người xem thấy được hai quá trình ngược chiều nhau đã diễn ra trong cuộc đời Tashi.

Một là, ban đầu anh rời chốn thiền viện đi theo hành trình tìm về cõi giác.

Lần thứ hai, anh lại bỏ vợ con trở về chốn tu hành. Hai lần ra đi ngược chiều này của anh ta thực chất chỉ nhằm một mục đích, đấy là sự vị kỉ và thỏa mãn của riêng anh.

Lần thứ nhất, anh xuống núi nhằm thỏa mãn dục tính, bản chất “người” của mình. Lần thứ hai, anh lên núi tìm về tu viện nhằm đoạn tuyệt với nỗi đau buồn chốn hồng trần lại cũng vì anh. Lúc này đây anh vô tình coi cửa Phật chỉ là điểm đến để giải thoát những vui buồn, hờn giận, chán nản và sự chai sạn với cảm xúc tình yêu – dục tính của cuộc sống vợ chồng.

Anh muốn về quỳ dưới chân Đức Phật để tụng kinh gõ mõ rời xa cuộc sống bụi trần. Đấy chính là tính ích kỷ tồn tại trong con người Tashi. Nó chi phối mọi hoạt động và sự suy tính của anh. Tashi đã sống hai cuộc đời và đều có ý chối từ chúng.

Mỗi lần đoạn tuyệt với cuộc sống cũ để đến cuộc đời mới Tashi đều qua một con sông tắm rửa. Ở đây đạo diễn Pan Nalin sử dụng hình ảnh con sông để tượng trưng cho sự tẩy trần và gột rửa quá khứ muốn chối bỏ của Tashi theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Dù nhân vật Tashi có coi con sông là nơi anh có thể phủ định sạch trơn quá khứ của mình nhưng anh cũng không thể nào bình yên với sự dằn vặt của chính mình…

Pema chặn chồng giữa đường khi anh đã cạo trọc đầu lên núi. Cô kể cho anh nghe chuyện tình của Đức Phật tổ Siddhartha. Siddhartha đã rời bỏ vợ mình là Yashodhara và con trai Rahul lúc nửa đêm đi tìm sự khai sáng để trở thành Phật tổ. Nhưng liệu có ai nghĩ cho Yashodhara đã sống cuộc đời u uất, đau ốm vì nhớ thương chồng.

Sự khai sáng của đức ông chồng đã mang lại gì ngoài nỗi bất hạnh cho bà và con trai. Lúc này đây Pema cũng bị đặt vào tình thế ấy. Nếu Tashi bỏ gia đình tiếp tục con đường chính quả thì anh sẽ để lại cho vợ con anh một nỗi đau dai dẳng khó lòng lấp nổi.

Đạo diễn Pan Nalin xây dựng hình ảnh Pema ngoài là đối tượng khiến Tashi hoàn tục, cô còn là người phát ngôn các triết lý của phim.

“Nếu tâm trí anh hướng về Phật pháp cũng mãnh liệt như tình yêu và sự đam mê anh đã cho em thấy, thì anh đã trở thành một Đức Phật ở trong lòng rất nhiều người trong cuộc đời trần tục này”.

Câu nói này của Pema thể hiện rõ nhất tư tưởng của phim, anh hãy sống có trách nhiệm với chính bản thân anh, với chính những người thân của anh thì anh cũng đã trở thành một Đức Phật rồi.

Sự khai sáng và giải thoát khổ đau không nằm ở chốn nào khác mà nó nằm ngay trong thâm tâm anh. Phim cũng muốn nói đến một góc khuất nằm trong sâu thẳm trái tim Tashi, ấy là anh phải sống chân thật như chính trái tim dục vọng và khát khao trong con người anh.

Đứng trước những lựa chọn cay đắng, Tashi đã khóc, quằn quại trong đau đớn vì day dứt, vì chọn con đường nào anh cũng thấy mình là kẻ tội đồ. Đạo diễn Pan Nalin sử dụng một hình ảnh rất đắt thể hiện được sự lựa chọn còn mù mờ của Tashi. Tashi bước đi và để rơi chiếc áo thầy tu xuống đất. Điều đó chứng tỏ Tashi còn vô vàn bộn bề phân vân…

Một cái kết mở khiến người xem day dứt. Hai con đuờng đối lập nhau, một con đường lên núi đầy cát sỏi và một con đường xuống núi màu mỡ đất đai. Ở giữa hai con đường ấy có một chàng sư trẻ Tashi lặng lẽ bước đi và đánh rơi chiếc áo thầy tu. Chọn con đường nào cho mình, cho điểm đến tương lai, điều đó còn bỏ ngỏ phía trước đối với Tashi và là câu hỏi mà người xem muốn kiếm tìm ở đoạn kết của câu chuyện.








Samsara là tác phẩm điện ảnh đáng tự hào của điện ảnh châu Á đầu thế kỷ này.



Bộ phim tuy đề cao triết lý nhân văn sâu sắc của nhà Phật, nhưng đồng thời nó cũng ngấm ngầm phản biện lại một số quan điểm về bản năng dục vọng, trách nhiệm của con người mà Đức Phật đưa ra. Nhưng đọng lại nhiều hơn cả trong tâm trí người xem vẫn là hình ảnh những nhà tu hành với suy tư, trách nhiệm của mình trước những việc làm trần tục mà chính cá nhân mình phạm phải.

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2018

Đọc lại “Trại Súc vật” của George Orwell


FB Nguyễn Chính


“Animal Farm: A Fairy Story” (Trại súc vật: Một truyện cổ tích) là một truyện thuộc loại khôi hài, giả tưởng (hay nói theo ngôn ngữ ngày nay là “trào phúng, hư cấu”). Truyện được George Orwell viết năm 1945 tại Anh Quốc và một năm sau xuất bản tại Hoa Kỳ với tiêu đề ngắn gọn hơn: “The Animal Farm”.
Tạp chí Time ca tụng tác giả hết lời: “Không ai thay thế được George Orwell, cũng như không ai thay thế được Bernard Shaw hay Mark Twain”. Time đã chọn cuốn sách này là một trong 100 tiểu thuyết hay nhất bằng tiếng Anh từ 1923 đến tới 2005. Hơn thế nữa, “The Animal Farm” còn đứng ở vị trí thứ 31 trong Danh sách Tiểu thuyết hay nhất thế kỷ 20.
Dĩ nhiên là tác phẩm nổi tiếng được người đọc bằng các ngôn ngữ khác tìm cách tiếp cận qua các bản dịch. Truyện của Orwell đã được dịch sang 68 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt. Phần tựa đề tiếng Việt cũng không hoàn toàn thống nhất, có dịch giả lấy tên là “Trại súc vật” (Phạm Minh Ngọc, Phạm Nguyên Trường…) nhưng cũng có người lại gắn cho truyện cái nhãn “Chuyện ở nông trại” (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn).
Bản thân George Orwell cũng đã có lần đề nghị dịch bản dịch tiếng Pháp cho cuốn truyện này nên lấy tên là “Union des républiques socialistes animales”, một lối chơi chữ bởi những từ ngữ này viết tắt là URSA, có nghĩa "con gấu" hay “Đại hùng tinh” trong tiếng Latin. Phải nói đây là một lối chơi chữ thâm thúy vì con gấu trượng trưng cho Liên Xô mà ngày nay gọi là nước Nga.
Trong lời tựa của cuốn truyện dịch sang tiếng Ukraine năm 1946 cho những người xứ này chạy trốn chế độ Xô Viết và sống trong các trại tạm cư do quân đội Anh và Mỹ thiết lập trên đất Đức, tác giả cho biết:
“Tôi chưa đến thăm Nga bao giờ và hiểu biết của tôi về nước Nga chỉ là kiến thức do thu lượm được từ báo chí, sách vở. Ngay cả nếu có đủ sức, tôi cũng sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của Liên Xô: tôi sẽ không kết án Stalin và các cộng sự của ông ta vì những phương pháp dã man và phi dân chủ của họ. Có thể là trong những điều kiện như thế, dù có muốn, họ cũng không thể hành động khác được”. (Bản dịch của Phạm Minh Ngọc)
Theo Orwell, giới công nhân và trí thức phe tư bản không hiểu rằng Liên Xô năm 1947 khác hẳn với Liên Xô năm 1917 sau Cách mạng tháng 10. Một phần có lẽ vì họ không chịu hiểu có một nước Xã hội Chủ nghĩa đang tồn tại, phần khác vì họ quen với cuộc sống tự do và ôn hoà, họ không biết gì về Chủ nghĩa Toàn trị.
Cũng vì thế, người ta không thể nào hiểu được những hiện tượng như trại tập trung cải tạo, cưỡng ép di cư hàng lọat, bỏ tù không cần xét xử, kiểm duyệt báo chí... tại nước này.


George Orwell (1903-1950)


Trở lại “The Animal Farm”. Truyện xảy ra tại một trang trại tại Anh của Ông John, trại có tên “The Manor Farm”, người dịch dùng tên “Điền Trang” trong bản tiếng Việt. Mr John là một “con người” với đủ các tính xấu cố hữu: đã rượu chè be bét mà lại không ngó ngàng gì đến cuộc sống của những súc vật trong trang trại. Ông chỉ coi chúng là những nô lệ, phục vụ cho bản thân mình.
Trong đám súc vật đó có Old Major (“Thiếu tá Già”, trong bản dịch tiếng Việt mang tên Thủ Lĩnh). Đó là một con heo đực với 12 tuổi đời, đã có thành tích góp phần sản xuất ra hơn 400 heo con. Như cái tên súc vật trong trại đặt cho Old Major, hắn thuộc loại cao niên nhất nhưng quan trọng hơn cả là cái hồn của cuộc “cách mạng” trong trại.
Bằng một giọng khàn khàn, Thủ Lĩnh tâm sự với đám súc vật, gồm đủ các thành phần như ngựa, lừa, bò, cừu, chim, chó, mèo, gà, vịt… và cả những con chuột. Hắn gọi tất cả súc vật hiện diện trong đêm “họp kín” sau khi lão John đã tắt đèn trên nhà bằng một danh từ chung: “các đồng chí” (comrades):
ʺThưa các đồng chí! Như các đồng chí đã biết, đêm qua tôi có một giấc mơ kỳ lạ. Nhưng tôi sẽ nói chuyện đó sau. Đầu tiên tôi muốn nói với các đồng chí một số việc hoàn toàn khác.
“Thưa các đồng chí, tôi nghĩ rằng tôi không ở lại với các đồng chí được bao lâu nữa, vì vậy tôi cho rằng trước khi chết mình phải có trách nhiệm chia sẻ với các đồng chí những kinh nghiệm mà tôi đã tích lũy được trong suốt cuộc đời mình.
“Tôi đã có một cuộc đời phải nói là dài và tôi đã suy nghĩ rất nhiều khi nằm một mình trong chuồng, tôi nghĩ rằng tôi có thể nói là tôi hiểu đời không thua bất kì con vật nào trên thế gian này. Đó là điều tôi muốn nói với các đồng chí.”
(Hết trích)
Old Major nói về cuộc đời của súc vật trong trại với các từ ngữ rất kêu, rất thống thiết và rất chính xác như cơ cực, khổ sai, khốn nạn… Phải công nhận tài ăn nói của Thủ Lĩnh thuộc loại hùng biện và súc vật đứng, nằm, ngồi nghe một cách say mê, thậm chí có con còn rớm lệ:
“Chúng ta sinh ra, chúng ta được một khẩu phần vừa đủ để khỏi chết vì đói, những con nào có thể làm thì phải làm đến kiệt sức và khi không làm được nữa thì chúng ta bị giết một cách vô cùng dã man, tàn bạo. Không có con vật nào ở nước Anh này biết đến hạnh phúc và niềm vui ngay khi vừa tròn một tuổi. Không có con vật nào ở nước Anh này được tự do. Cuộc sống của loài vật là cuộc sống nghèo khổ và nô lệ: sự thật trần trụi là như thế đấy”.
Thủ Lĩnh cũng phê phán con người. Hắn nói họ là giống vật duy nhất “chỉ ăn mà không làm”. Người không làm ra sữa, không đẻ ra trứng, người không thể kéo cày, không chạy nhanh bằng thỏ. Nhưng họ lại là chủ của tất cả súc vật.
“Nó bắt chúng ta làm việc, cướp lấy mọi thành quả lao động của chúng ta, chỉ cho chúng ta ăn vừa đủ để không chết đói. Chúng ta phải cày bừa, phân chúng ta bón ruộng, thế mà chúng ta có gì? Chẳng có gì ngoài da bọc xương.
“Các đồng chí bò đang ngồi trước mặt tôi đây, năm vừa qua các đồng chí cho bao nhiêu lít sữa? Thế số sữa mà đáng lẽ dùng để nuôi các chú bò con ấy đi đâu? Kẻ thù của chúng ta đã uống đến giọt sữa cuối cùng. Còn các bạn gà, năm vừa qua các bạn đã đẻ bao nhiêu trứng, trong đó có bao nhiêu quả nở thành gà con? Lão Jones và gia nhân đã mang ra chợ bán lấy tiền hết rồi.”
(hết trích)
Bài “diễn văn” của Old Major trong giai đoạn “tiền khởi nghĩa” là nức lòng cả trại súc vật. Con nào cũng bị kích động vì giọng nói hùng hồn, có tình có lý của Thủ Lĩnh và đạt được sự “nhất trí” cao về một cuộc lật đổ của giai cấp thống trị là con người. Chỉ tiếc một điều, ba ngày sau Old Major qua đời, để lại sau lưng bầu không khí hừng hực của một cuộc cách mạng “đổi đời”.



“Animal Farm: A Fairy Story”, ấn bản đầu tiên tại Anh

Trong một hoạt động ngấm ngầm kéo dài suốt 3 tháng, công tác chuẩn bị tư tưởng được giao cho những con heo thông minh nhất trại, đó là 2 con heo trẻ tên là Snowball và Napoleon. Snowball rất hoạt bát và nhiều sáng kiến còn Napoleon trông hung dữ, ít nói nhưng bù lại hắn rất kiên trì. Ngoài ra còn có “phụ tá” Squealer, một con heo béo nhưng lanh lợi với đôi mắt cú vọ và giọng nói dẻo quẹo có thể biến đen thành trắng.
Ủng hộ bộ ba cầm đầu này là hai con ngựa kéo xe, Boxer và Clover. Giống ngựa được cái to xác nhưng đầu óc rỗng tuếch, thế cho nên chúng rất ngưỡng mộ sự thông minh của những con heo.
Tuy nhiên, trong trại cũng có một phần tử “phản động” là con quạ Moses, vốn là thú cưng của ông chủ. Quạ có hành tung rất bí hiểm của một kẻ luôn rình mò nhưng lại lẻo mép và hay kể chuyện… cổ tích. Có lần hắn kể mọi thú vật sau khi chết đều về “vương quốc thần thoại”, nơi một tuần có 7 ngày Chủ Nhật, cỏ ba lá xanh quanh năm và bánh kẹo thì ngay trong tầm tay!
Cuộc “khởi nghĩa” xảy ra sớm hơn và dễ dàng hơn bọn súc vật mong đợi. Công việc làm ăn của ông John ngày càng xuống dốc, ông ngày càng đắm mình trong rượu bia còn gia nhân thì biếng nhác, súc vật thường xuyên bị bỏ đói.
Thế là thời cơ đã đến. Một con bò cái húc đổ cửa nhà kho thực phẩm và lũ súc vật đồng lòng ùa vào vì chúng đang đói. Ông chủ bị bò húc, ngựa đá và chỉ trong vòng vài phút lũ người phải chạy toán loạn trước cơn thịnh nộ của súc vật. Cuộc cách mạng thành công ngoài sức tưởng tượng của những kẻ nổi loạn.
Chúng ùa vào tòa nhà chính, công cụ trong nông trại bị đập phá và bị nổi lửa đốt sạch. Heo Napoleon dẫn đoàn súc vật vào kho thực phẩm và chia cho chúng khẩu phần nhiều gấp đôi ngày thường.
Hai con heo nói rằng nhờ những cuốn sách vỡ lòng của con ông Jones tìm được trong đống rác mà suốt ba tháng qua chúng đã học và nay chúng đã biết đọc, biết viết.
Napoleon sai đi lấy một lọ sơn đỏ, một lọ sơn trắng rồi dẫn cả bọn đi ra cổng lớn. Snowball là con heo viết chữ đẹp nhất xóa tên “The Manor Farm” trên cổng trại và thay vào đó là hàng chữ “Trại Súc Vật”.
Tuy Snowball và Napoleon đều là heo nhưng giữa hai con hình như có sự “tương phản”, có nghĩa là con này bảo trắng thì con kia lại nói là đen. Dù bất đồng nhưng chúng cũng đã soạn ra “bảy điều răn cơ bản” cho súc vật trong trại với nội dung như sau:
1. Bất kỳ cái gì đi bằng hai chân đều là kẻ thù
2. Bất kỳ cái gì đi bằng bốn chân, hay có cánh, đều là bạn bè.
3. Không con vật nào được mặc quần áo.
5. Không con vật nào được uống rượu.
4. Không con vật nào được ngủ trên giường.
7. Tất cả các loài vật là bình đẳng.
6. Không con vật nào được giết bất kỳ con vật nào khác.
Đôi khi chúng cũng gặp một số khó khăn vì tất cả công cụ đều được làm để dành cho người chứ không phải cho súc vật, mà muốn sử dụng công cụ đó thì phải đứng được trên hai chân sau. Nhưng phải nói, bọn heo là một giống thông minh, khó đến đâu chúng cũng có cách. Chúng không làm mà chỉ hướng dẫn và kiểm tra các con khác và với kiến thức như thế thì việc chúng nắm vai trò lãnh đạo là chuyện đương nhiên.
Duy nhất chỉ có con lừa già Benjamin vẫn làm công việc một cách chậm chạp cố hữu như thời còn ông Jones, không bao giờ trốn việc nhưng cũng chẳng bao giờ làm hơn. Nó không nói gì về cuộc “Khởi nghĩa” cũng như những đổi thay sau đó. Nếu được hỏi có cảm thấy vui hơn thời còn ông Jones không, thì nó bảo: ʺĐời lừa dài lắm. Các vị chưa thấy lừa chết bao giờ cơ màʺ.
Bọn heo dành cái kho dụng cụ làm “tổng hành dinh”, tức là cơ quan đầu não của “chính phủ mới”. Buổi tối chúng học nghề mộc, nghề rèn và những nghề khác qua những cuốn sách nhặt được trong toà nhà chính để bổ xung những kiến thức của con người.
Snowball còn đưa những con khác vào các tổ chức mà nó gọi là “Ủy ban Súc vật” (Animal Committees). Nó đã thành lập “Ủy ban Trứng” (Egg Production Committee) cho lũ gà mái, “Hội Chăm sóc Đuôi” (Clean Tails League) cho lũ bò, “Hiệp hội Cải tạo các Đồng chí thú hoang” (Wild Comrades’ Re-education Committee) để cải tạo bọn chuột và thỏ rừng; “Phong trào giữ lông thật trắng” (Whiter Wool Movement) cho bọn cừu…
Tuy nhiên các hội này đều không có kết quả. Việc cải tạo lũ thú hoang thất bại gần như ngay từ đầu vì thái độ của súc vật chẳng thay đổi tí nào. Con mèo cũng có chân trong Hiệp hội này và đã họat động rất tích cực trong mấy ngày đầu. Có lần nó lên tận mái nhà nói chuyện với mấy con chim sẻ đậu ngoài tầm với của nó. Nó bảo rằng bây giờ mọi loài đều là “đồng chí” và nếu con chim sẻ nào muốn thì có thể đậu ngay lên chân trước của nó… nhưng bọn sẻ vẫn không dám lại gần!




“Animal Farm” xuất bản tại Hoa Kỳ


Cuộc sống trong trại vẫn diễn ra bình thường. Ngày Chủ nhật được nghỉ lao động nên bữa sáng ăn muộn hơn một tiếng và sau đó bao giờ cũng có một cuộc họp mặt long trọng. Trước hết là lễ kéo cờ. Snowball tìm được trong kho dụng cụ một tấm khăn trải bàn cũ màu xanh của bà Jones rồi vẽ một cái móng và một cái sừng màu trắng lên trên.
Và thế là buổi sáng chủ nhật nào chiếc khăn trải bàn cũng tung bay trên cột cờ. Snowball giải thích rằng màu xanh tượng trưng cho đồng ruộng Anh quốc, còn sừng và móng là biểu tượng của nước “Cộng hòa Súc vật” (Republic of the Animals).
Trong các phiên họp, chúng lập kế họach cho tuần sau, đồng thời thảo luận và ra nghị quyết về các kiến nghị khác. Chỉ có bọn heo đưa ra kiến nghị, những con khác chỉ biết biểu quyết chứ không kiến nghị gì bao giờ.
Các lớp “bổ túc văn hóa” cũng có những kết quả. Đa số các con vật trong trại đều đã thoát nạn mù chữ. Bọn heo đọc thông viết thạo, lũ chó cũng biết đọc, nhưng chúng chỉ đọc mỗi “Bảy Điều Răn” (the Seven Commandments) mà thôi. Snowball giải thích thêm, nếu bảy điều răn khó nhớ thì có thể rút gọn thành một cách ngôn: ʺBốn chân tốt, hai chân xấuʺ. Hắn giải thích:
ʺCánh chim, cánh gà… thưa các đồng chí, là cơ quan để vận động chứ không phải để cầm nắm. Cánh cũng là chân thôi. Đặc trưng để phân biệt với Giống Người là bàn tay, mọi việc xấu xa đều do đôi bàn tay của chúng làm hết.ʺ
Con dê Muriel đọc thông hơn lũ chó nên buổi tối nó thường đọc cho những con khác nghe các mẩu báo chí lượm được ở thùng rác. Lừa Benjamin đọc nhanh không kém gì lũ heo, nhưng nó chẳng đọc cái gì bao giờ vì nó bảo chẳng thấy có gì đáng đọc.
Napoleon không quan tâm đến việc dạy văn hóa. Nó chủ trương giáo dục thế hệ trẻ quan trọng hơn công tác vận động những con đã trưởng thành. Thế cho nên, hắn chọn chín con chó con khoẻ mạnh nuôi nấng và dạy dỗ riêng và sau này lũ chó trở thành những “cận vệ” trung thành của hắn.


“Truyện ở nông trại” - NXB Hội nhà văn


Lão John và một số gia nhân đã có lần tấn công trại để giành lại những gì đã mất nhưng cuộc “xâm lăng” này đã hoàn toàn thất bại trước sự “bảo vệ ngoan cường” của trại súc vật. Chiến thắng đó cũng được ăn mừng và có cả huy chương “Anh hùng Súc vật” dành cho Snowball bị thương vì đạn của lão John.
Thế nhưng, trại súc vật luôn phải đương đầu với cả “thù trong” lẫn “giặc ngoài”. Giặc ngoài là con người và thù trong lại là chính những con vật sống trong trại. Chẳng hạn như chị ngựa Mollie đã âm thần rời trại để về sống với xã hội loài người.
Tin “tình báo” từ bầy bồ câu sau khi ra thị trấn báo cáo là Mollie hiện đang kéo một chiếc xe nhỏ, sơn hai màu đen-đỏ lộng lẫy. Bờm nó mới được cắt chải cẩn thận, lại còn được thắt một dải ruy băng đỏ tươi. Bồ câu còn cho biết chị ta trông nó có vẻ thoả mãn với cuộc sống mới.
Quan trọng nhất trong chuyện “thù trong” là việc nội bộ lủng củng giữa Snowball và Napoleon. Hai con heo lãnh đạo thường xuyên chống đối nhau và bất đồng với nhau về mọi vấn đề. Nếu một con nói cánh đồng nào đó hợp với bắp cải thì con kia nhất định sẽ bảo vùng đó chỉ có thể trồng củ cải chẳng hạn.
Con nào cũng có một số ủng hộ viên cho nên các cuộc tranh luận thường diễn ra rất quyết liệt. Do biết ăn nói nên Snowball thường giành được đa số trong các cuộc họp, còn ở bên ngoài thì đa số lại ủng hộ Napoleon.
Trung thành nhất với Napoleon là bầy cừu. Lũ cừu thường có câu ca tụng "Bốn chân tốt, hai chân xấu" và các cuộc họp cũng thường bị gián đoạn vì chúng. Cứ đến những đoạn quan trọng nhất trong các bài phát biểu của Snowball thì y như rằng lũ cừu lại gào lên "Bốn chân tốt, hai chân xấu" để phá bĩnh.
Snowball có cả một mớ kế hoạch cải cách và hiện đại hóa việc sản xuất. Nó kể về hệ thống thoát nước cho đồng ruộng, lò ủ chua, phân phốt phát, cho cả trại nghe. Nó còn soạn ra một sơ đồ đi vệ sinh, sao cho từng con "đi" mỗi lần ở một nơi khác nhau cho đỡ tốn công vận chuyển sau này.
Napoleon thì ngược lại, không soạn gì cả, nhưng lại rỉ tai những con khác rằng những “sáng kiến” của Snowball chỉ là nhảm nhí và có vẻ như đang đợi thời cơ để ra tay. Cuộc tranh chấp “quyền lực” dữ dội nhất giữa hai con là về việc xây dựng cối xay gió.
Sau khi đã khảo sát địa điểm, Snowball tuyên bố rằng trại sẽ xây dựng một chiếc cối xay gió, chúng sẽ lắp lên đó một máy phát điện để cung cấp điện cho toàn trại. Các chuồng rồi sẽ có đèn điện, mùa đông thì sẽ có lò sưởi, chưa nói đến việc sẽ dùng điện để chạy máy cưa, máy thái cỏ, máy thái củ cải đỏ, máy vắt sữa nữa.
Ngược lại, Napoleon cho rằng nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là sản xuất lương thực, nếu chúng phí thì giờ vào việc xây dựng cối xay gió thì chúng sẽ bị chết đói. Lũ súc vật chia thành hai phe; một phe đưa ra khẩu hiệu: "Ủng hộ Snowball và ba ngày làm việc một tuần"; phe kia đưa ra khẩu hiệu: "Ủng hộ Napoleon và no bụng".
Chỉ có lừa Benjamin là không tham gia phe nào. Nó không tin là rồi đây thức ăn sẽ dư thừa nhưng cũng chẳng tin là cối xay gió sẽ giúp giảm công việc chân tay. Có cối xay hay không cối xay thì cũng thế thôi, chúng đã sống thế nào thì rồi cũng sẽ sống như vậy, nghĩa là còn khổ dài dài!


“Bộ sậu” trong Trại Súc Vật


Ngoài chuyện cối xay gió thì cả hai còn tranh cãi về việc “quốc phòng”. Tất cả đều hiểu rằng tuy con người bị thua trong chiến dịch lấy lại trang trại nhưng chắc chắn “giặc hai chân” sẽ đánh lại một trận nữa khốc liệt hơn.
Cũng như mọi khi, Snowball và Napoleon không tìm được tiếng nói chung. Theo Napoleon thì việc cần làm trước hết là tìm mua và tập sử dụng các loại vũ khí. Theo Snowball thì việc cấp bách hiện nay là cử những đàn bồ câu đến các trang trại khác để kêu gọi khởi nghĩa ở đó.
Napoleon cho rằng nếu súc vật không tự phòng vệ được thì chúng nhất định sẽ bị con người chinh phục, Snowball lại nghĩ nếu khởi nghĩa nổ ra khắp nơi thì không cần phòng vệ nữa. Lũ súc vật đều gật gù khi nghe cả hai nói nhưng lại không quyết định được ý kiến nào xác đáng hơn!
Trong cuộc tranh chấp này, Napoleon cuối cùng là người chiến thắng và Snowball phải âm thầm rút lui. Súc vật không còn xưng hô với Napoleon đơn giản như trước nữa. Tên hắn luôn đi kèm với những từ như "Lãnh tụ của chúng ta, Đồng chí Napoleon", bọn heo còn cố gắng phát minh ra các tên mới như: “Cha của các loài vật”, “Nỗi khiếp sợ của giống người”, “Người bảo vệ của loài cừu”, “Bạn của loài vịt” v.v...
Trước mắt, tuy còn nhiều khó khăn, nhưng cuộc đời vẫn đáng sống hơn xưa rất nhiều ở trại. Chưa bao giờ súc vật được hát, được nghe nói chuyện, được đi mít tinh, biểu tình nhiều như bây giờ. Napoleon ra lệnh mỗi tuần phải có một cuộc “Diễu hành” mà nó gọi là “Tự phát”. Mục đích là để ngợi ca cuộc đấu tranh và những thành quả của Trại Súc Vật.
Trại Súc Vật tự tuyên bố là “Nước Cộng Hòa”, cần phải bầu Tổng Thống. Chỉ có một ứng cử viên duy nhất. Napoleon trúng cử một trăm phần trăm.


Những nhân vật tai to mặt lớn trong Trại Gia Súc


Đọc đến đây người ta tự hỏi tương lai của Trại Súc Vật ra sao? Ở đoạn cuối truyện (Chương 10) tác giả George Orwell tiết lộ:
“Cuộc sống của súc vật vẫn như xưa. Ngày chúng thường bị đói, đêm chúng ngủ trên ổ rơm, nước thì uống ngay ở dưới ao, làm việc ngoài đồng trống, mùa đông thì mất ngủ vì rét, mùa hè thì khổ vì ruồi.
“Thỉnh thoảng những con có tuổi cố nhớ lại xem nay đời sống của chúng có khá hơn ngay sau Khởi Nghĩa, khi chúng vừa đuổi lão Jones đi, hay không. Nhưng chúng không nhớ nổi. Không có gì cho chúng so sánh: trong đầu chúng chỉ có mỗi những số liệu của những con số luôn luôn chứng tỏ rằng mọi thứ đều được cải thiện, đều tốt thêm một bước mỗi ngày.
“Thôi thì đành vậy vả lại chúng cũng chẳng có nhiều thời gian để mà suy nghĩ lung tung. Chỉ có Benjamin già nua là khẳng định rằng nó nhớ hết, nhớ đến từng chi tiết mọi việc đã qua và biết rõ rằng chúng chưa bao giờ khổ hơn cũng chẳng bao giờ được sướng hơn, vẫn là đói, là bán mặt cho đất bán lưng cho trời, là bị loè bịp; qui luật cuộc đời vốn là như thế, nó thường bảo như vậy.

Đây là lần đầu tiên Benjamin từ bỏ thói quen cố hữu kiệm lời của nó và khẽ đọc khẩu hiệu viết rên bức tường giớ chỉ còn ghi Một Điều Răn duy nhất:
“Tất cả mọi con vật đều bình đẳng nhưng… có những con vật bình đẳng hơn những con vật khác.”
(hết trích)
***
* Tham khảo thêm về tác giả George Owell và tác phẩm “1984”: https://www.facebook.com/notes/nguyen-chinh/t%E1%BB%AB-t%C6%B0%C6%A1ng-lai-tr%E1%BB%9F-v%E1%BB%81-hi%E1%BB%87n-t%E1%BA%A1i/10206810707264498/

Thứ Năm, 26 tháng 4, 2018

Về chuyện “Song Thanh” tại Đà Nẵng

FB Lê Hồng Hà

Năm 2000, thành phố Đà Nẵng xảy ra vụ án rút ruột Cầu Sông Hàn gây chấn động Đà Nẵng. Ngay sau khi cây cầu được khánh thành, người chủ thầu xây dựng là Phạm Minh Thông đã bị công an bắt vì tội tham nhũng trong các công trình xây dựng Cầu Sông Hàn và đường Bắc Nam ở Đà Nẵng.
Mọi chuyện bắt đầu từ Công văn số 73/KSĐT-KT ngày 31/10/2000 của Viện KSND thành phố Đà Nẵng gửi Lãnh đạo Viện KSNDTC và Công văn số 77/KSĐT/KT ngày 01/11/2000 của Viện KSND thành phố Đà Nẵng gửi Viện trưởng Viện KSNDTC và Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Phan Diễn.
Cả 2 công văn 73 và 77 đều do Viện trưởng VKS Đà Nẵng Nguyễn Quốc Dũng ký. Nội dung đề nghị xử lý Nguyễn Bá Thanh về tội nhận hối lộ của Phạm Minh Thông, Giám đốc Công ty hợp doanh xây lắp và kinh doanh nhà Đà Nẵng, Nguyễn Hưng, Chỉ huy phó Công trình đường Bắc Nam.
Hồ sơ vụ án qua nhiều cơ quan, đã đến Ban Bí thư (NBT là Chủ tịch TP, thuộc diện BBT quản lý). Thời điểm này bố của Xuân Anh là UVTW Đảng, Phó Trưởng ban Ban bảo vệ Chính tri Nội bộ TW.
Ông Lê Khả Phiêu kể lại, ngày đó tất cả đều chờ vào cái gật đầu của Tổng Bí thư để bắt NBT, nhưng ông đã không đồng ý bắt. Vì sao? Chịu. Có ai quen biết, hãy hỏi Cụ Phiêu giùm.

Vậy là Nguyễn Bá Thanh thoát.

Sau vụ án này, người chỉ đạo bắt Phạm Minh Thông là Đại tá GĐ Sở công an, Uỷ viên Thường vụ thành uỷ, Đại biểu Quốc hội. Trần Văn Thanh bị điều đi khỏi Đà Nẵng, về công tác tại Bộ Công an.
Còn Nguyễn Bá Thanh tiếp tục được bầu vào Quốc hội Khóa XI, tiếp tục làm Chủ tịch UBND thành phố rồi làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.
Hôm ấy, lãnh đạo thành phố anh mời cơm để tiễn ông Trần Văn Thanh ra Hà Nội công tác. Trong bữa cơm đó, ông Trần Văn Thanh “tâm sự” với Nguyễn Bá Thanh:
“Thực tình tôi không muốn rời thành phố quê hương, nhưng vì anh “đánh” tôi nên tôi phải đi”.
Nguyễn Bá Thanh nhìn ông Trần Văn Thanh, cười rồi nói:
“Anh nói ngược rồi. Chính anh “đánh” tôi chứ không phải tôi “đánh” anh! Anh húc đầu vào tôi nhưng tôi né được nên đầu anh đã đập vào tường!…”.
Trần Văn Thanh lạnh cả người. Tạm biệt Đà Nẵng (nơi anh gắn bó từ 1975, tiếp quản TP với vai trò Đội trưởng An ninh chính trị Công an QN-ĐN) để ra HN nhận nhiệm vụ mới, Trần Văn Thanh có ngờ đâu 9 năm sau mình phải quay về hầu toà trên cáng cứu thương với tội danh kinh hoàng.
*

7 năm sau, “Vụ án năm 2000” được “xới” lại.
– Báo cáo số 73/BC-VPBCĐ ngày 26/10/2007 của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng gửi Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Ban bí thư và Báo cáo số 38/BC-VPBCĐ ngày 07/4/2008 của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng gửi Ban Bí thư Trung ương Đảng đề xuất xử lý Nguyễn Bá Thanh theo quy định của pháp luật.
– Kết luận thanh tra số 524/KLTT-BCA (V24) ngày 6/6/2008 của Bộ Công an xác định có đủ căn cứ để khởi tố vụ án và bị can đối với Nguyễn Bá Thanh và việc Công an thành phố Đà Nẵng không khởi tố để điều tra là vi phạm Điều 103, 104 BLTTHS, có dấu hiệu vi phạm Điều 294 BLHS.
Thế nhưng, Bá Thanh vẫn bình an vô sự. Nguyễn Bá Thanh lại thắng, Thông báo số 94TB/KTTW ngày25/4/2007 của Ủy ban kiểm tra trung ương do Phó Chủ nhiệm Nguyễn Thị Doan, (sau này là Phó Chủ tịch nước) ký thay Chủ nhiệm Nguyễn Văn Chi (bố của Nguyễn Xuân Anh, lúc này là UVBCT, Bí thư TW đảng) đã “vô hiệu hoá” hoàn toàn mọi tố cáo đối với ông Nguyễn Bá Thanh!
Ngược lại, ông Trần Văn Thanh phải trả giá bằng cả “sinh mạng chính trị” của cuộc đời mình.
Trần Văn Thanh được phong tướng năm 2006. Từ một Thiếu tường Chánh Thanh tra BCA đầy quyền lực và rộng mở tương lai, ông phải bị khởi tố về tội danh: “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” (theo Khoản 1, Điều 258, Bộ luật hình sự) chỉ vì hướng dẫn quy trình cho một thiếu tá Công an tố cáo và kêu oan.
Mặc dù, Giám đốc Bệnh viện 19.8 tại Hà Nội đã xác nhận, nguyên chánh thanh tra Bộ Công an bị tai biến mạch máu não; chảy máu vùng thái dương phải… Tuy nhiên, ngày 15/7/2009 TAND Đà Nẵng không chấp nhận đơn xin hoãn phiên tòa của bị can Thanh.
Ngày 19/7/2009 ông Thanh được chuyển viện vào Bệnh viện 19.9 của Bộ Công an tại Đà Nẵng. Tại đây, các bác sĩ cũng kết luận thực trạng sức khỏe của ông Thanh tương tự như chuẩn đoán của Bệnh viện 19.8 Bộ Công An tại Hà nội.
Ngày 20 /7/ 2009, vị thiếu tướng công an vẫn bị đưa đến tòa tại nhà hát Trưng Vương trên xe cứu thương trong tình trạng hôn mê, thở ô-xy và phải truyền dịch, để kiểm tra sức khỏe trước khi đưa ra toà.
Phiên toà hoãn, xử lại vào ngày 7/8/2009, TAND TP Đà Nẵng đã tuyên phạt vắng mặt ông Trần Văn Thanh 18 tháng tù treo. Sau đó phúc thẩm còn 12 tháng tù treo.
Cuộc đời lúc nào cũng có Bao Công, có quan thanh liêm bảo vệ cho công lý.
Ngay lập tức Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (Anh TQV là Viện trưởng) đã kháng nghị theo hướng đình chỉ vụ án và tuyên Trần Văn Thanh vô tội.
Ngày 22/6/2012, tại phiên Giám đốc thẩm Toà Tối cao tuyên đình chỉ vụ án. Xem như Trần Văn Thanh vô tội. Ông được phục hồi tất cả và nghỉ hưu.
Nhưng tất cả quá muộn màng. Vị tướng trung kiên, 14 tuổi đã xông pha trong lửa đạn, từng bảo vệ an toàn cho các vị lãnh đạo và cơ quan đầu não của Tỉnh uỷ QN-ĐN những năm chiến tranh khốc liệt (sau này họ là những cái tên lừng lẫy: Chủ tịch nước Võ Chí Công, Bộ trưởng Hồ Nghinh, Hoàng Minh Thắng…) đã phải xót xa với những gì mình nếm trải. Chiều Hà Nội năm ấy, một người đàn ông bước qua tuổi 60 nhưng dáng dấp phong độ, nét mặt hào hoa rảo bước bên bờ hồ, nhìn áng mây chiều trôi, anh ngửa mặt lẻn trời than: “Trời sinh Văn cớ sao lại còn sinh Bá?”
Người đó không ai khác, đó là cựu Chánh Thanh tra BCA Trần Văn Thanh.
*
Kháng nghị giám đốc thẩm số 29/QĐ-VKSTC-V3 ngày 29-10-2010 đối với vụ án Trần Văn Thanh phạm tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của công dân” có nội dung như sau: (xin trích một phần)
“Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự đối với bị cáo Trần Văn Thanh, sinh25/1/1953 tại Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam; đăng ký nhân khẩu thường trú số 10 đường Nguyễn Quyền, thành phố Hà Nội, nơi ở số 7A đường Yên Phụ, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội; bị bản án hình sự phúc thẩm số 78/2009/HSPT ngày 07/12/2009 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng áp dụng khoản 1 Điều 258 BLHS, điểm h khoản 1, khoản 2 Điều 46, điểm a khoản 1 Điều 48; Điều 60 BLHS xử phạt về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.
Tại bản án sơ thẩm số 16/2009/HSST ngày 07/8/2009, Toà án nhân dân thành phố Đà Nẵng đã áp dụng khoản 1 Điều 258; điểm h khoản 1, khoản 2 Điều 46; điểm a khoản 1 Điều 48 BLH, xử phạt Trần Văn Thanh 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 36 tháng.
Ngày 03/9/2009 Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị phúc thẩm đối với Trần Văn Thanh theo hướng tuyên bị cáo không phạm tội và đình chỉ vụ án.
Bản án hình sự phúc thẩm số 78/2009/HSPT ngày 7/12/2009 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng đã áp dụng khoản 1 Điều 258 BLHS, điểm h khoản 1, khoản 2 Điều 46; điểm a khoản 1 Điều 48; Điều 60 BLHS, xử phạt Trần Văn Thanh 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 24 tháng.”
“Mặc dù Thông báo số 94 ngày 25/4/2007 của Uỷ ban kiểm tra Trung ương (bà Nguyễn Thị Doan ký) xác định Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng không có liên quan gì với những tố cáo. Tuy nhiên, một số văn bản của các cơ quan Trung ương, điạ phương như:
-Báo cáo số 38 ngày 15/01/2001 của Đoàn công tác liên ngành (gồm Uỷ ban kiểm tra Trung ương, Bộ Công an, Ban nội chính Trung ương và Viện kiểm sát nhân dân tối cao);
– Báo cáo số 268 ngày 13/5/2007 của phòng Kinh tế Công an Đà Nẵng gửi Bộ Công an.
– Công văn số 868 ngày 3/9/2008 của Văn phòng ban chỉ đạo Trung ương về chống tham nhũng;
– Công văn số 574 ngày 01/2/2004 của Ban nội chính Trung ương gửi Bộ chính trị;
– Công văn số 131 ngày 11/5/2009 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Đà Nẵng gửi Cơ quan an ninh điều tra Công an TP Đà Nẵng.
Tất cả đều thể hiện một số nội dung tố cáo liên quan đến Lãnh đạo TP Đà Nẵng nêu trong đơn thư tố cáo là có cơ sở và cần được xem xét, xử lý.”
…….
Sau khi phân tích rất nhiều về cáo trạng vụ án, VKS Tối cao kết luận:
“Kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm số 78/2009/HSPT ngày 7/12/2009 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng và bản án hình sự sơ thẩm số 16/2009/HSST ngày 7/8/2009 của Toà án nhân dân thành phố Đà Nẵng đối với Trần Văn Thanh.
Đề nghị Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tuyên huỷ phần quyết định của bản án hình sự phúc thẩm và phần quyết định của bản án hình sự sơ thẩm nêu trên đối với bị cáo Trần Văn Thanh không phạm tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” và đình chỉ vụ án đối với Trần Văn Thanh.” (hết trích)
Và kết quả như sau:
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 11/2011/HS-GĐT ngày 19/7/2011 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã Quyết định:
+ Huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 78/2009/HSPT ngày 7/12/2009 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng về phần trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Trần Văn Thanh và bị cáo Nguyễn Phi Duy Linh.
+ Giao hồ sơ vụ án cho Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Ngày 22.6.2012, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.Đà Nẵng đưa ra xét xử phúc thẩm lại vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” có liên quan đến thiếu tướng Trần Văn Thanh. Toà phán quyết một cách “hàng hai” (chắc để làm vừa lòng NBT): “Đối với trường hợp Trần Văn Thanh, không có chứng cứ vững chắc kết luận ông Thanh pham tội.Tuy nhiên so đến thời điểm cơ quan điều tra khởi tố vụ án (2009) là đã hết thời hạn hiệu lực để truy cứu tránh nhiệm hình sự theo quy định. Vì vậy, HĐXX chấp nhận một phần kháng cáo của ông Trần Văn Thanh.
Với những lẽ trên, HĐXX tuyên bị cáo Trần Văn Thanh không phạm tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức công dân” và đình chỉ vụ án đối với Trần Văn Thanh.
Tuy nhiên, HĐXX cũng có kiến nghị cơ quan chủ quản nơi ông Thanh làm việc tiến hành xử lý hành chính về những hành vi của ông có liên quan đến vụ án.” (Hết trích)
“Vụ án Thiếu tướng Trần Văn Thanh” khép lại. Anh Trần Văn Thanh – người con của quê hương Quế Sơn anh hùng – không chết trong những ngày xông pha trong mưa bom bão đạn ác liệt của chiến trường Quảng Đà (1965 – 1975) thời đánh Mỹ, mà phải “chết” dưới tay những tên “phe nhóm quyền lực”, “lũng đoạn chính trị” dám “lấy tay che Trời” khi đất nước đã thanh bình.
Đã nhiều năm đã đi qua, nhưng những phiên toà “đánh võng” với công lý, làm cho vị tướng tài ba, giàu nhân cách phải “thân bại danh liệt” ngày nào, sẽ vẫn là “vết nhơ” đáng hổ thẹn trong lịch sử ngành tố tụng Việt Nam.

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2018

Hoan hô đồng nghiệp báo Công an nhân dân

Bá Tân (nhà báo)

Báo Công an nhân dân cũng như các bản báo khác, có hai loại người: tử tế và không tử tế. Nói chung xã hội là vậy.

Tôi và những người như tôi hết lòng ủng hộ và nhiệt liệt hoan hô những đồng nghiệp chân chính ở báo Công an nhân dân. Các bạn, những đồng nghiệp chân chính, đã hiên ngang vượt qua chính mình, đứng lên chống lại thế lực quen thói cướp đoạt, trong đó có kẻ là thủ lĩnh trực tiếp của các bạn. Hoan hô, nhiệt liệt hoan hô những đồng nghiệp chân chính như các bạn. 

Ở báo Công an nhân dân (cũng như các báo khác) còn có một bầy, chúng nó cố kết với nhau tạo thành nhóm lợi ích. Bọn này có chung ’’đam mê’’ thấy cái gì ăn được là tranh phần, sẵn sàng nằm dưới dép thượng cấp nhưng lại nhẫn tâm dẫm lên đầu thuộc cấp. Bọn đó mà được hoan hô, hình như có kẻ bưng bô vẫn tung hô chúng nó, khác chi đưa gái mại dâm đi làm từ thiện cho những đứa bị HIV giai đoạn cuối. 

Những đồng nghiệp tử tế ở báo Công an nhân dân bị lừa, thủ phạm chính là thủ lĩnh trong cơ quan, các bạn trở thành nạn nhân. 

Lừa đảo không phải chuyện xa lạ trong xã hội Việt Nam đương thời. Chưa khi nào đất nước này ‘’nở rộ’’ lừa đảo như hiện thời. Tủi nhục quá, thật xót xa. 

Một bộ phận dân chúng lừa dối nhau,làm hại lẫn nhau. Quan chức thì khỏi phải nói, họ lừa dân như cơm bữa, và chúng nó sẵn sàng lật lọng để cướp phần được cho mình, dí phần thua cho...đồng chí. Dối trá và lừa đảo xẩy ra trên nhiều phương diện,trên các cấp độ: kinh tế và văn hóa, pháp luật và đạo lý, vĩ mô và vi mô, sinh mạng chính trị và hạnh phúc gia đình... 

Ông bà, cha mẹ đời nào cũng luôn răn dạy con cháu phải sống tử tế, không được lừa dối, tránh xa lừa đảo. Bao thế hệ thầy cô luôn dẫn dắt học trò bằng cách lấy cái đẹp làm gương, đưa ra cái xấu để lên án. Thế mà cái xấu, hành vi lừa đảo vẫn tràn lan trong xã hội đương thời. Vì sao, tại ai. Ai cũng có lời giải đáp, câu trả lời không khó. 

Chẳng cần ’’ánh sáng’’ Mác-Lê-Nin, cóc cần lý sự cùn của ‘’binh đoàn’’ GS,TS. Tự bà con nông dân , kể cả những người ngày ngày cửu vạn nơi ga tàu bến xe cũng diễn giải đầy thuyết phục về cái căn nguyên dẫn đến sự ’’đua nở’’ hành vi xấu, thói lừa đảo. 

Quay lại hành vi tráo trở lừa đảo ở báo công an nhân dân. Đích thị là lừa đảo, không thể bác bỏ. Nhóm lợi ích, trước hết là kẻ thủ lĩnh của tờ báo này giả dụ có đến 10 cái lưỡi trong một cái miệng cũng không thể lấp liếm che đậy hành vi gian xảo lưu manh ấy. 

Các đồng nghiệp chân chính ở báo Công an nhân dân, những người bạn tử tế ở đây thân mến. Là những người làm báo chuyên nghiệp, biết tường tận hiện trạng xã hội đương thời, tin rằng các bạn đồng tình với tôi điều này: hành vi tráo trở lừa đảo nơi các bạn công tác không phải loại đặc biệt, chưa thật sự ghê ghớm nếu đặt nó trong xã hội đương thời. 

Tiền (bị lừa đảo) chưa thật sự lớn. Bọn tráo trở lật lọng chỉ là nhóm nhỏ cho dù hành vi rất trắng trợn. Tác hại chưa bị ’’di căn’’ trên diện rộng... Tóm lại, so với xã hội đương thời, vụ việc này chưa thuộc diện đại án, mà chỉ là nằm trong top’’chiếu dưới’’. Nói vậy là đặt cái riêng trong cái chung, chứ hoàn toàn không nương nhẹ cho kẻ ăn cướp, càng không thể tha thứ cho bọn chỉ vì máu mê tiền bạc bất chính coi đồng nghiệp, bạn bè không bằng rơm rác. 

Cách báo Công an nhân dân không xa, cùng địa bàn Hà Nội, còn có ’’dự án ma’’ nhà ở của báo Đại đoàn kết thuộc loại ’’treo’’ vô thời hạn. Dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông (vua của dự án lùi tiến độ và vượt trần tổng mức đầu tư) chỉ là cái đinh rỉ so với dự án nhà ở của báo Đại đoàn kết. Sau gần 20 năm triển khai, cùng với nhiều bê bối do bọn lợi ích nhóm gây ra, thời hạn có nhà ở của dự án này vẫn còn ở phía... chân trời. 

Nguyên tổng biên tập báo Đại đoàn kết bị mất chức, trong nhiều sai pham có sai phạm phát sinh từ dự án nhà ở của cơ quan. Nguyên kế toán trưởng báo Đại đoàn kết, cháu ruột của nguyên tổng biên tập, bỏ của chạy lấy người (lẽ ra phải truy tố) sau khi cố ý gây ra sai phạm nghiêm trọng ở dự án này. Những người chân chính ở báo Đại đoàn kết đấu tranh quyết liệt, lôi bằng được vụ việc ra ánh sáng, nhưng cách thức đấu tranh không ’’độc’’ bằng cách làm của nhũng đồng nghiệp chân chính ở báo Công an nhân dân. 

Báo Công an nhân dân với báo Đại đoàn kết duyên thì chẳng biết, còn nợ thì có. Báo Công an nhân dân là nơi ’’di căn’’ cho báo Đại đoàn kết một ’’lều’’quản lý, chỉ sau thời gian ngắn cầm quyền, ’’lều’’ quản lý này gây ra cho báo Đại đoàn kết nhiều sai phạm, chồng chất tai tiếng. 

Vụ việc tai tiếng ở báo Công an nhân dân, xuất hiện cách thức đấu tranh rất đặc biệt. Nếu không nhầm, đây là loại hình đấu tranh lần đầu hiên hữu trong làng báo chí quốc doanh. Biểu tình là chưa phải, chưa đạt tới địa hạt của ’’sân chơi’’ biểu tình. Nhưng cách đấu tranh của các bạn có cái gì đó na ná, hao hao với biểu tình. Quá tệ, đã bước vào thế kỷ 21 nhưng Việt Nam vẫn ‘’nói không’’ với biểu tình. Đó là thủ tiêu đấu tranh theo kiểu tiêu cực. 

Phương thức đấu tranh của các đồng nghiệp chân chính ở báo Công an nhân dân không bị cấm, không vi phạm pháp luật. Tức nước vỡ bờ. Thà hy sinh tất cả chứ không chịu làm nô lệ. Còn cái lai quần cũng đánh... Hàng ngày,trong hoạt động nghề nghiệp, các bạn ’’tác chiến’’ với khí thế như vậy. Bây giờ,khi trở thành nạn nhân của bọn kẻ cướp,các bạn vùng lên đấu tranh như là những người lính ra trận hừng hực với tinh thần quật cường. 

Hoan hô các đồng nghiệp chân chính, những người bạn tử tế ở báo Công an nhân dân. Tin chắc cuộc đấu tranh chính nghĩa của các bạn sẽ chiến thắng. Bọn tráo trở lừa đảo sẽ phải trả giá đắt. Các bạn trở thành người cầm cờ đi tiên phong mở đường cho một loại hình đấu tranh lần đầu xuất hiện trong lịch sử báo chí quốc doanh. 

Hoan hô các bạn. Những đồng nghiệp tử tế, số đông bạn đọc chân chính luôn ở bên cạnh các bạn. 


(Nhà báo Bá Tân gởi tới Hữu Nguyên' blog)

Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2018

Tệ hơn cả dâm dục


Bá Tân

21-4-2018

Những ngày vừa qua, nhân vụ việc “máu dê” ở tờ Tuổi Trẻ, một số người, thông qua báo lề Dân, tập trung “khai quật” chuyện dâm dục đã và đang phát sinh trong làng báo chí quốc doanh.

Hiện trạng ấy là có thật, rất đáng lên án. Hành vi dâm loạn có thể chỉ là cá biệt ở tờ báo này, nhưng cũng có thể trở nên “chuyện thường ngày” ở tờ báo khác. Làng báo quốc doanh “cùng chăn” với nhau, họ không lạ chuyện ấy, có nói ra hay không mà thôi.


Nghề nào cũng có “bệnh” của nó. Kiểm lâm, thuế vụ, công an có chung thứ “bệnh” vòi vĩnh, quen thói bóp nặn tiền bạc của dân chúng. Quan chức thời nay bệnh ung thư thì ít, bệnh chạy chức, chạy tội thì nhiều vô kể.

Nghề báo không phải ngoại lệ, thậm chí ở một bộ phận nào đó, trĩu nặng những thứ “bệnh” làm cho uy tín, chất lượng, tác dụng báo chí quốc doanh xuống cấp nghiêm trọng.

Động cơ cầm bút không trong sáng, thậm chí có kẻ làm nghề theo kiểu đâm thuê chém mướn. Năng lực chuyên môn non kém, viết cũng như nói nghêu ngao nhạt nhẽo. Đọc bài viết của họ giống như đi vào rừng rậm. Đó là thứ “bệnh” nan y của báo chí quốc doanh, thứ “bệnh” ấy còn tệ hơn, gây ra tác hại ghê gớm hơn so với thói xấu dâm dục.

Không phải tất cả nhưng cũng không phải là ít, báo chí quốc doanh đang dư thừa nhũng hạng người cầm bút chỉ vì mục đích miếng cơm manh áo. Sự đam mê nghề nghiệp và bảo vệ lợi ích của dân, đối với họ, chẳng khác nào tìm sao trên trời giữa ban ngày.

Đừng tưởng chỉ có quan chức (các ngành, các cấp) chạy chức. Trong giới báo chí quốc doanh, chạy chức cũng trở nên “phổ cập” y như là người bị ung thư phải xạ trị. Muốn có chức phải chạy, phải mua. Chức cao phải chạy nhiều nơi, mua giá cao. Chức nhỏ không thể không chạy, không thể không mua nhung có phần đỡ hơn. Muốn có chức phải chạy, phải mua, theo đúng thị trường chợ giời, trở thành quy trình đẻ ra quan chức nói chung, kể cả giới báo chí quốc doanh.

Không ít cơ quan báo chí quốc doanh gần như đóng băng không khí đam mê nghề nghiệp, nhưng lại “sục sôi” ganh đua chạy chức và kèn cựa tranh dành từng mẫu tin, từng bài viết nhảm nhí. Có những kẻ suốt ngày lo tìm kế chạy chức hơn là lo tu luyện nhân cách và nâng cao chất lượng bài viết. Môi trường ấy không chỉ làm cho người tử tế trở nên cá biệt, mà còn kéo dài khoảng cách báo chí với người dân, thậm chí quay lưng với nhau.

Nhũng người làm báo có chức bằng chạy và mua, bọn họ có chung đặc tính: Vênh váo, nịnh trên nạt dưới, ăn không trừ một thứ gì, gian manh, dâm dục. Loại người đó, làm báo có chức bằng chạy và mua, là sản phẩm của một thể chế thối nát.

Trong cái “chợ chiều” báo chí quốc doanh như vậy, thật đáng nể trọng 3 phóng viên của báo Đại đoàn kết. Họ là Hữu Nguyên, Từ Khôi, Kim Ngân, dám hy sinh quyền lợi cá nhân, hiên ngang đấu tranh lôi ra ánh sáng những sai phạm nghiêm trọng của kẻ đứng đầu cơ quan báo chí. Điên loạn vì bị thuộc cấp phanh phui tiêu cực, kẻ đứng đầu báo Đại Đoàn Kết ra quyết định buộc thôi việc 3 phóng viên này. Nhiều lần gửi đơn kiến nghị (có cả gặp trực tiếp) cấp trên nhưng chẳng đâu vào đâu, thậm chí gây thêm bức xúc.

Ba phóng viên này đứng ra khởi kiện, tòa án quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) xét xử, tổng biên tập cũng như báo Đại Đoàn Kết trắng bụng thua kiện ê chề. Sau khi bị thua kiện, cùng với nhiều sai phạm bị phanh phui, tổng biên tập bị hạ bệ, buộc phải cuốn gói khỏi báo Đại Đoàn Kết. Đã có bài học cay đắng của người tiền nhiệm nhưng tổng biên tập hiện thời của tờ báo này đang gây nên những sai phạm nghiêm trọng, thậm chí có loại sai phạm chưa từng xảy ra trong lịch sử báo chí quốc doanh (ở một dịp khác chúng tôi sẽ nói rõ với đầy ắp chứng cứ).



Từ trái sang: Các nhà báo Từ Khôi Nguyễn Mạnh Thắng, Đặng Thị Kim Ngân, Hữu Nguyên và Luật sư Phạm Quốc Bình. 

Vĩnh viễn qua rồi cái thời tuyên truyền không nghe đài địch. Dân trí bây giờ không còn u mê như ngày xưa. Có thể chăm chú nghe đài của “địch” nhưng lại thờ ơ, thậm chí quay lưng với báo chí của… ta. Với dân chúng, bạn đọc công minh nhất, nói đúng sự thật và luôn bảo vệ lợi ích của dân, đó là báo chí đích thực của ta, cho dù viết ra từ… địch. Ngược lại, báo chí không vì dân, chỉ lo ton hót, nâng đỡ quan chức, cái của nợ ấy dân chúng lánh xa, cho dù luôn bị áp đặt gọi đó là báo chí của ta. Ta hay địch, báo chí cũng như mọi lĩnh vực, người dân tự nhận ra, dân trí thời nay thừa khả năng phân định ai là địch, ai là ta.

Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2018

Mặt trái của làng báo


Sự kiện một ông sếp báo Tuổi Trẻ liên can vụ quấy rối một phóng viên tập sự, thật ra, với những người lăn lộn lâu năm trong làng báo, thì chuyện này không cá biệt. Đằng sau những trang báo (nói chung, không phải riêng Tuổi Trẻ) – viết về những tiêu cực xã hội, lên tiếng gay gắt những vụ án hiếp dâm, khai thác từng centimet chuyện tình tay ba, tay tư của những người nổi tiếng – là những câu chuyện gần như tương tự xảy ra ngay bên trong làng báo. Trong buổi café sáng hay bàn bia buổi chiều, một trong những “món nhắm khoái khẩu” mà một số nhà báo thích “nhậu” là những vụ xì căng đan tình ái xảy ra giữa đồng nghiệp trong “nhà” mình hay “nhà hàng xóm”. Nói cách khác, làng báo là một xã hội thu nhỏ. Chuyện gì “ngoài đời” có thì làng báo có, từ hối lộ, lăng nhăng, hù dọa, phe nhóm, đâm thọc, đến đố kỵ… Dĩ nhiên, cũng như trong xã hội, làng báo không phải chỉ có người xấu.
Thật mỉa mai khi báo chí giật những hàng tít khổng lồ trên trang nhất “Tham nhũng là quốc nạn!” nhưng tham nhũng trong làng báo là một trong những đề tài “nhạy cảm” đặc biệt mà gần như không bao giờ độc giả có thể biết được. Có nhiều kiểu tham nhũng trong làng báo: tham nhũng phe nhóm, tham nhũng quyền lực, tham nhũng quyền lợi, “tham nhũng tình cảm”… (khái niệm “tham nhũng” đang được nói đến xin hiểu như định nghĩa của “corrupt” - hàm ý đến thoái hóa, suy đồi, hư hỏng…). Có vô số biến thái tham nhũng trong làng báo.
Một phóng viên văn hóa-văn nghệ, có thể chỉ bởi “quan hệ tốt” với đạo diễn A, sẽ sẵn sàng viết bài “điểm phim” chỉ trích dữ dội một tác phẩm được dựng bởi đạo diễn B (mà B vốn là đối thủ của A). Trong thực tế, có một tòa soạn đã phải ra lệnh sa thải sau khi phát hiện một anh nhà báo “làm việc” kiểu như vậy. Gần tương tự nhưng mức độ nhẹ hơn và phổ biến hơn: nhận phong bì để quảng bá sản phẩm tiêu dùng hoặc sản phẩm văn hóa. Các bạn có thể đã đọc những bài báo khen ngợi hết lời bộ phim “Kong”. Điều đó không phải tự nhiên.
Một số đồng nghiệp của tôi đã tự hỏi lẫn hỏi lẫn nhau, rằng làm sao báo chí có thể làm tốt cuộc chiến chống tham nhũng, không phải bởi rào cản chính trị, mà là vì bản thân báo chí cũng đang tham nhũng và “góp phần” đáng kể vào “nền văn hóa tham nhũng” đang tàn phá đất nước này. Có những nhà báo đã “chạy”, nhờ quan hệ, để có được miếng đất tốt hoặc căn chung cư cao cấp mua với giá rẻ mạt. Những đường dây “chạy” như thế đã và vẫn tồn tại. Không chỉ vậy. Còn có những đường dây “chạy” để được lên chức lên quyền. Thật mỉa mai khi báo chí viết những phóng sự về hiện tượng “chạy” trong xã hội nhưng “chạy” đang xảy ra, rất nóng hổi, ngay trong làng báo. Có rất nhiều “nhà báo” mà gần như cả đời không viết nổi một bài ra hồn nhưng vẫn nghiễm nhiên ngồi ghế rất cao. Không ít người trong số đó được bổ nhiệm bởi hệ thống chính trị. Dù vậy, có không ít “nhà báo lớn” đã “lớn lên” không phải nhờ kỹ năng làm báo mà nhờ thành thục việc “chạy”.
Báo chí đang trong giai đoạn bi thảm. Từ lâu, báo chí đã không còn hừng hực không khí máu lửa như thời thập niên 1990. Sự cạnh tranh của báo mạng và mạng xã hội, cùng với sự kiểm soát ngày càng gay gắt của bộ máy kiểm duyệt, là vài nguyên nhân khiến báo chí eo sèo. Dù thế nào, nguyên nhân nữa không thể bỏ qua là báo chí không còn nhiều nhà báo biết tôn trọng ngòi bút và biết tôn trọng sứ mạng mà xã hội mặc định đang giao cho họ. Họ nhếch nhác, lôi thôi, làm quấy quá cho xong, và họ “đi làm báo” chỉ nhằm sử dụng quan hệ để kiếm sống bên ngoài phạm vi báo chí. Không chỉ vậy, họ cũng viết bài tâng bốc quan chức để xây dựng những mối quan hệ có lợi cho cá nhân. Họ có thật sự tin vào “năng lực lãnh đạo” của các quan chức ấy không? Có thể có, nhưng phần đúng hơn, chắc hẳn là không. Điều họ quan tâm không phải là năng lực điều hành, mà là “năng lực chính trị”, của quan chức ấy.
Mọi thứ đang nhếch nhác và suy sụp. Báo chí không nằm ngoài ảnh hưởng của dòng xoáy suy đồi toàn diện này. Báo chí (nhà nước) đang bị xã hội nhìn bằng nhiều con mắt tiêu cực. Báo chí hèn: không dám lên tiếng cho những người đấu tranh dân chủ; không dám chống Trung Quốc nếu chưa được bật đèn xanh; không dám đề cập những vấn đề gay gắt và đi đến cùng sự việc vì “ban tuyên giáo” ra lệnh như thế… Báo chí rẻ tiền: khai thác dữ dội chuyện đời tư người nổi tiếng. Báo chí “bưng bô”: vuốt ve quan chức, từ chuyện quan chức “nói tiếng Anh” đến quan chức “lắng nghe tâm tư nguyện vọng quần chúng” (đó là chưa kể “văn hóa báo chí” “nịnh nước Nga”). Nói cách khác, có hai thể hiện phổ biến của báo chí ngày nay: báo chí im miệng và báo chí vỗ tay. Khi im miệng, họ dán kín miệng tuyệt đối. Khi vỗ tay, họ nhảy nhót như những kẻ “nhập cốt” lên đồng.
Rốt cuộc, báo chí đang “đấu tranh” – như sứ mạng lớn nhất khi nói đến vai trò báo chí trong xã hội – cho cái gì đây? Khi bên trong báo chí ngổn ngang những vấn đề tiêu cực thì báo chí đại diện cho ai đây để “phản biện” và “đấu tranh chống tiêu cực đến cùng”? Vấn đề của báo chí ngày nay, như trong nhiều lĩnh vực khác, không phải là những câu chuyện rò rỉ liên quan đời tư cá nhân. Nó là vấn đề của một hệ thống.

Mạnh Kim

Tham khảo thêm:




Thứ Tư, 18 tháng 4, 2018

Một thần đồng làm thế giới sửng sốt

Phạm Việt Hưng



Ngay khi Hawking rời khỏi thế gian, một em bé thần đồng ở Mỹ làm cho thế giới vật lý sửng sốt. Em tuyên bố lý thuyết của Hawking về vũ trụ hình thành tự phát là sai, và Chúa thực sự hiện hữu. Đó là bé trai William Maillis, 11 tuổi, một sinh viên đại học đam mê nghiên cứu vật lý thiên văn. Lập luận của William có nhiều khả năng đúng vì nó phù hợp với Định lý Gödel…

1/ Thần đồng 11 tuổi William Maillis

William Maillis là một bé trai sinh năm 2007, sống tại Penn Township, Pennsylvania, Mỹ cùng với cha là ông Fr. Panteleimon Ilias Maillis, một mục sư chính thống giáo, mẹ là bà Presvytera Nancy. William có một chị gái và một anh trai.
William đã tốt nghiệp phổ thông trung học từ Tháng 5 năm 2016, lúc 9 tuổi. Sau đó em theo học đại học cộng đồng Community College ở Allegheny County, rồi nhập học Đại học Carnegie Mellon ở Pittsburgh từ mùa thu năm ngoái (2017).
Mặc dù mới 11 tuổi nhưng William đã có định hướng rõ ràng cho cuộc sống: chứng minh sự hiện hữu của Chúa thông qua khoa học!
Khó tưởng tượng được một em bé 11 tuổi nhưng đam mê nghiên cứu nguồn gốc vũ trụ, đọc và hiểu những sách vật lý cáo cấp về vũ trụ, quyết tâm se lấy bằng tiến sĩ về vật lý thiên văn (Astrophysics), hăng say giải thích trong những cuộc phỏng vấn tại sao lỗ đen không phải là “siêu khối lượng” mà các nhà khoa học lão thành như Albert Einstein hay Stephen Hawking từng nói,…
Đièu lạ lùng là em có những lập luận khoa học hồn nhiên phù hợp với Định lý Gödel: “Tôi muốn chứng minh với mọi người rằng Chúa thực sự tồn tại, bằng cách chỉ ra rằng chỉ có một sức mạnh bên ngoài vũ trụ mới có khả năng tạo ra vũ trụ”, William nói.
Cha của William, ông Peter Maillis cho biết về cậu con trai William của ông:
  • 6 tháng tuổi, bắt đầu nhận dạng được chính xác các con số.
  • 7 tháng tuổi, nói được những câu hoàn chỉnh.
  • 21 tháng tuổi, biết làm tính cộng.
  • 2 tuổi biết làm tính nhân, đọc được sách dành cho trẻ em, và viết được một cuốn sách 9 trang của chính mình, nhan đề “Chú mèo hạnh phúc” (Happy Cat).
  • 4 tuổi, học đại số, ngôn ngữ ký hiệu, đọc tiếng Hy Lạp. “Nó luôn luôn có mối quan tâm đặc biệt đến các con số”, ông Peter nói.
  • 5 tuổi, đọc toàn bộ một cuốn sách giáo khoa hình học dầy 209 trang chỉ trong một đêm và lúc thức dậy vào sáng hôm sau đã giải những bài toán về chu vi, bộc lộ thiên hướng toán học rõ rệt.
  • Lúc 7 tuổi, là một chuyên gia về lượng giác…
Nhà tâm lý học Joanne Ruthsatz ở Đại học Tiểu bang Ohio tuyên bố cậu bé này là một THIÊN TÀI theo nghĩa đen.
Aaron Hoffman, giáo sư lịch sử của William ở đại học, nói cậu bé giống như tất cả các sinh viên khác ở đại học. Ông nói: “Chúng tôi không miễn trừ cho cậu ấy bất kỳ một chủ đề nào: từ Hitler, Mussolini, đến trại tập trung, chiến tranh… Nếu đã học ở đây, cậu ấy sẽ phải học mọi môn ở trình độ đại học”.
Điều khác biệt duy nhất ông nhận thấy ở William là em không ghi chép như các sinh viên khác, mà chỉ lắng nghe, đọc và thẩm thấu kiến thức.
Nhưng điều làm cho ông Peter ngạc nhiên nhất là con trai mình sớm có định hướng hiến dâng cuộc đời cho vật lý thiên văn, với ý định chứng minh sự hiện hữu của Chúa. Và không chỉ mong muốn, cậu đang thực sự tiến bộ trên con đường thực hiện mơ ước: Cậu đã có một số nghiên cứu khảo sát về một số lý thuyết ở trình độ cao. Những nghiên cứu này bắt đầu cho thấy nhà vật lý Stephen Hawking sai về vấn đề nguồn gốc vũ trụ.
Thực ra ngay từ trước khi kết thúc phổ thông trung học, William đã bắt đầu tìm hiểu một số lý thuyết theo những chủ đề mà em quan tâm. Em đã đọc một số sách của Stephen Hawking, kể cả cuốn “Grand Design” (Thiết kế vĩ đại), một cuốn sách rất khó hiểu đối với ngay cả những người lớn có trình độ khoa học. Trong cuốn này, Hawking nói rằng vũ trụ có thể tự tạo ra nó từ hư không, tức là vũ trụ cố thể hình thành một cách tự phát, và do đó Chúa là không cần thiết. Nhưng William có những lý lẽ để bác bỏ quan điểm của Hawking.
Một tờ báo viết: “Không có nhà khoa học lớn nào có thể an toàn với cậu bé này”.
Đến nay, William đã trải qua một năm nghiên cứu vật lý thiên văn. Một số người nói có thể trong hai năm nữa em sẽ bắt đầu viết sách về những gì em đã nghiên cứu. William tự tin nói: “Tôi đang chứng minh rằng chỉ có Chúa mới có khả năng sáng tạo ra vũ trụ này; dữ liệu của tôi là chính xác… Nghiên cứu của tôi đã tiến triển được 70% và ngay khi tôi hoàn thành tôi muốn chia sẻ nó với thế giới”.
Một tờ báo khác viết:
Khát vọng của William muốn trở thành một nhà vật lý thiên văn bắt nguồn từ đức tin mạnh mẽ của em. William không tán thành với những lý thuyết của Einstein và Hawking về lỗ đen và có quan điểm riêng của mình để chứng minh sự ra đời của vũ trụ.
Là con trai của một linh mục Chính thống giáo Hy lạp, William muốn chứng minh rằng một lực bên ngoài vũ trụ là thứ duy nhất có khả năng sáng tạo ra vũ trụ, điều đó có nghĩa là “Chúa thực sự tồn tại”. Điều này hoàn toàn trái với tư tưởng của Stephen Hawking. Nhà vật lý nổi tiếng này nói:
Trước khi chúng ta hiểu khoa học, điều tự nhiên là chúng ta tin rằng Chúa sáng tạo ra vũ trụ, nhưng hiện nay khoa học cung cấp một sự giải thích thuyết phục hơn. Cái mà tôi ngụ ý khi nói ‘chúng ta sẽ biết được ý Chúa’ là chúng ta sẽ biết được mọi thứ mà Chúa có thể biết, nhưng không có Chúa. Tôi là một người vô thần[1].
Cha mẹ của Williams nói họ không bao giờ thúc ép con trai mình nghiên cứu hoặc cố gắng chứng minh Chúa, mà chỉ mong con mình là một cậu bé 11 tuổi “bình thường”. “Chúng tôi là những người bình thường”, ông Peter giải thích. “Và William là một cậu bé bình thường. Bạn không thể phân biệt nó với những đứa trẻ 11 tuổi khác. Nó thích thể thao, các chương trình TV, computer và video games như mọi đứa trẻ khác”.
Nhưng thực tế William vẫn khác với những đứa trẻ cùng tuổi khác: định hướng chủ yếu cho cuộc sống của William hoàn toàn rõ ràng. Khi hỏi “ước mơ” của em là gì, cậu bé thần đồng khồng do dự trả lời.
Em muốn trở thành một nhà vật lý thiên văn để làm sao có thể chứng minh cho thế giới khoa học rằng Chúa thực sự tồn tại”, William nói trong một cuộc phỏng vấn mới đây tại Đại học Hellenic College Holy Cross.
Khi được hỏi tại sao cậu cảm thấy cần phải chứng minh điều đó cho các nhà khoa học, William trả lời sâu sắc hơn:
Vâng, bởi vì có những nhà khoa học vô thần cố nói rằng không có Chúa, trong khi trên thực tế thì để tin không có Chúa phải có nhiều đức tin hơn là tin có Chúa… Bởi vì có một cái gì đó tạo ra vũ trụ sẽ hợp lý hơn là vũ trụ tự tạo ra nó. Để nói rằng vũ trụ tự tạo ra nó đòi hỏi phải có nhiều đức tin hơn là nói rằng có một cái gì đó bên ngoài vũ trụ tạo ra vũ trụ, bởi vì như thế sẽ logic hơn[2]
Điều lạ lùng là ham muốn của William về việc chứng minh sự hiện hữu của Chúa đã xuất hiện ngay từ “khi em mới khoảng 5 hoặc 6 tuổi”, William bộc lộ, và mong muốn này đã dần dần tiến triển thành một lý thuyết phức tạp mà em hy vọng một ngày nào đó sẽ chứng minh được. Em nói rõ ràng là “khoa học và thần học không tách biệt với nhau… tri thức khoa học là một quà tặng từ Chúa, giống như mọi quà tặng khác. Chúng ta phải học hỏi thêm về đức tin của chúng ta và về việc chúng ta đang ở đâu trong vũ trụ… Chúng ta cần trau dồi tài năng của chúng ta, quà tặng mà chúng ta đã nhận được từ Chúa, chứ đừng chôn vùi nó”.
Sẽ là quá sớm để khẳng định một điều gì về tương lai của William Maillis. Nhưng trực giác và sự hiểu biết của tôi nói với tôi rằng William sẽ thành công, vì quan điểm của em phù hợp với Định lý Bất toàn của Kurt Gödel.

2/ Định lý Gödel ủng hộ quan điểm của William

Trước hết, William hoàn toàn đúng khi bác bỏ quan điểm của Hawking về “vũ trụ có thể tự tạo ra nó từ hư không”. Không rõ lập luận của William thế nào, nhưng theo Định lý Gödel thì quan điểm của Hawking là sai lầm, vì cái hệ thống VŨ TRỤ TỰ TẠO RA VŨ TRỤ của Hawking chính là một HỆ THỐNG TỰ QUY CHIẾU (Self-Referential System).
1 Stephen-Hawking-008 copy
Theo Định lý Gödel, mọi hệ tự quy chiếu đều dẫn tới mâu thuẫnChính Hawking, trong bài báo “Gödel và Sự kết thúc của Vật lý[3] đã nói rằng các lý thuyết vật lý về vũ trụ đều là những hệ tự quy chiếu, và do đó sẽ không nhất quán và không đầy đủ. Nói cách khác, không bao giờ có một lý thuyết nào có thể mô tả vũ trụ một cách đầy đủ và chính xác.
Vậy giả thuyết VŨ TRỤ TỰ TẠO RA VŨ TRỤ là giả thuyết về một hệ vũ trụ tự quy chiếu, do đó giả thuyết ấy ắt sẽ dẫn tới mâu thuẫn.
William Maillis càng đúng hơn nữa khi em khẳng định rằng chỉ có một lực bên ngoài vũ trụ mới có thể tạo ra vũ trụ. Ý tưởng này cũng hoàn toàn phù hợp với Định lý Gödel.
Định lý này nói rằng một hệ A không thể tự phán xét nó một cách đầy đủ và nhất quán. Muốn phán xét một hệ A một cách đầy đủ hơn và chính xác hơn, phải đi ra ngoài A.
Vậy muốn “phán xét” vũ trụ phải đi ra bên ngoài vũ trụ. Hiểu rộng ra, có thể nói, muốn TẠO TÁC VŨ TRỤ phải có một TÁC ĐỘNG TỪ BÊN NGOÀI VŨ TRỤ.
Thuyết đa vũ trụ dường như cũng tìm cái bên ngoài vũ trụ. Nhưng vì họ không thừa nhận Chúa nên buộc họ phải sáng tác ra các thế giới vật chất bên ngoài vũ trụ. Đó là cái mà họ gọi là những “vũ trụ khác” hay “vũ trụ song song”. Đó là GIẢ THUYẾT TƯỞNG TƯỢNG 100%, KHÔNG THỂ VÀ KHÔNG BAO GIỜ CÓ THỂ KIỂM CHỨNG ĐƯỢC. Chỉ có những người mắc bệnh tôn sùng khoa học một cách mù quáng mới tin vào những giả thuyết siêu hình đó. William Maillis hoàn toàn đúng khi nói rằng để tin vào những giả thuyết hoang đường đó, phải có nhiều đức tin hơn là tin vào Chúa.
Tôi không rõ William Maillis đã biết đến Định lý Gödel hay chưa. Tôi sẽ tìm cách liên lạc với em để thông báo cho em rằng Định lý Gödel sẽ là trợ thủ đắc lực cho em để hạ bệ các giả thuyết siêu hình của Hawking và ủng hộ lý thuyết của chính em.

PVHg 12/04/2018
CHÚ THÍCH
[1] Before we understood science, it was natural to believe that God created the universe, but now science offers a more convincing explanation,” once said the renowned physicist. “What I meant by ‘we would know the mind of God’ is we would know everything that God would know if there was a God, but there isn’t. I’m an atheist
[2] Well because there’s these atheists that try to say that there is no God, when in reality it takes more faith to believe that there’s no God than it does to believe that there is a God… Because it makes more sense that something created the universe than that the universe created itself. It takes more faith to say the universe created itself than to say something other created the universe because that is more logical
[3] Đã đăng trên Khoa học & Tổ quốc Tháng 04/2012
NGUỒN TÀI LIỆU: