Trang

Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

Bất ngờ và bất an


Bên cạnh lạm phát được coi như là một “sắc thuế vô hình” hàng ngày đang xiết thêm gọng kiềm vào chất lượng sống, giờ đây người dân Việt Nam còn đang phải đối mặt với rất nhiều loại thuế, phí và lệ phí vừa cao ngất ngưỡng vừa chồng chất lên nhau đến phi lý. Những diễn biến dồn dập về chủ trương gia tăng các loại phí mới đây của ngành giao thông vận tải, cộng với việc giá cả gia tăng của nhiều mặt hàng thiết yếu khiến cho dư luận xã hội đang lo ngại về việc ngày đang có nhiều chính sách ban hành vội vã, thiếu cân nhắc gây hiệu ứng bất an cho cộng đồng.
Tuy nhiên, điều bất ngờ đã xảy ra với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 3/2012 với mức tăng thấp nhất trong vòng 20 tháng qua (0,16% so với tháng trước), kéo cả CPI của quý I/2012 xuống mức thấp nhất so với cùng kỳ của 3 năm gần đây. Theo Tổng cục Thống kê, như vậy quý I/2012 lạm phát đã dừng lại ở mức 2,55%. Những con số này quả thật đã làm cho các chuyên gia kinh tế khá bất ngờ. Trước đó, hiện tượng giá gas, xăng dầu và nhiều mặt hàng thiết yếu khác đồng loạt gia tăng dường như đã giúp cho các chuyên gia có đầy đủ cơ sở để cảnh báo rằng CPI tháng 3/2012 sẽ tăng ít nhất 1%. Ngay cả Tổ điều hành thị trường trong nước của Bộ Công thương, cũng đã rất dè dặt khi đưa ra mức dự báo CPI tháng 3/2012 tăng khoảng từ 0,4-0,5%. Các diễn biến bất ngờ này cho thấy có lẽ đây là lần đầu tiên trong rất nhiều năm qua, thị trường đã không kịp hoặc không thể “té nước theo mưa” khi nhà chức trách điều chỉnh tăng giá các mặt hàng thiết yếu, lương bổng… như thường lệ.
Sự khác biệt cơ bản của thời điểm hiện tại so với các thời điểm điều chỉnh tăng giá xăng dầu, các mặt hàng thiết yếu, lương bổng trước đây là sự khác nhau về mức cung tiền trong nền kinh tế. Ở Việt Nam, thông thường cung tiền tác động tới giá cả có độ trễ từ 6-9 tháng. Trong thời gian trước, tốc độ tăng trưởng cung tiền mở rộng trong những tháng trước đó ở mức rất cao, thường lên tới 30-40%. Nên ở thời điểm điều chỉnh tăng giá xăng dầu sức mua trên thị trường còn rất lớn. Người bán hàng cảm nhận được rằng việc “té nước theo mưa” sẽ chẳng ảnh hưởng gì nhiều tới sức mua của người dân. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng cung tiền mở rộng của 6 tháng trước đây chỉ ở mức 18-20% và giảm mạnh vào cuối năm 2011 chỉ còn khoảng 10%. Điều này chính là nguyên nhân chủ yếu khiến sức mua trên thị trường giảm sút và người bán biết rằng doanh số bán ra sẽ giảm mạnh nếu lại “té mước theo…giá xăng dầu” như trước.
Ở một góc nhìn khác, các nhà phân tích kinh tế không thấy lạc quan khi mà chi phí đầu vào như xăng dầu, điện nước, khí đốt, chi phí nhân công… đều gia tăng, song chỉ số giá tiêu dùng lại không tăng mà còn đang có chiều hướng giảm phát. Bởi vì diễn biến này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp đang phải gồng mình gánh nặng chi phí sản xuất gia tăng nhưng lại không thể chuyển vào giá bán với mức tăng tương ứng. Mức tăng trưởng GDP quý I/2012 của Hà Nội 7,3%, TP. Hồ Chí Minh 7% thấp hơn rất nhiều so với mức tương ứng của năm 2011 là 9,2% và 10,3%, cũng như các chỉ số tăng trưởng chung của cả nước khá thấp so với kỳ vọng có thể thấy rõ sự khó khăn đến nghiệt ngã của các doanh nghiệp hiện nay. Các chuyên gia dự báo, nhiều doanh nghiệp để cứu vãn tình hình chắc chắn phải chấp nhận việc giải phóng hàng tồn kho với giá thấp, chấp nhận thua lỗ để xử lý nguy cơ mất khả năng thanh toán. Diễn biến đó nếu xảy ra trên diện rộng và đồng loạt sẽ dẫn tới xu thế giá cả hàng tiêu dùng có khả năng còn giảm nữa, dù cho chi phí đầu vào có điều chỉnh gia tăng đi chăng nữa cũng mặc. Rõ ràng đây là tin vui cho người tiêu dùng song lại là tai họa của các doanh nghiệp Việt Nam trong một tương lai không xa.
Thực ra, nếu quan sát thận trọng và đầy đủ hơn thì sự giảm phát bất ngờ của CPI tháng 3/2012 cũng chưa hẳn đã là một tín hiệu đáng vui mừng. Nhiều chuyên gia kinh tế đã cảm thấy khá rõ ràng những áp lực và nguy cơ tiềm ẩn đối với CPI trong những tháng trước mắt. Việc tăng giá xăng dầu ngày 7/3/2012 không ảnh hưởng nhiều tới CPI tháng 3 bởi vì độ trễ của chính sách. Nhưng việc tăng giá này chắc chắn sẽ có tác động không nhỏ trong những tháng tiếp theo vì xăng dầu là đầu vào quan trọng của rất nhiều ngành sản xuất và dịch vụ nên sự tác động dây chuyền là chuyện tất yếu sẽ xảy ra. Chưa kể, trong thời gian tới nếu một số dự án thu phí của ngành GTVT cũng như một số ngành khác bắt đầu có hiệu lực, xã hội lại phải cõng trên vai thêm khá nhiều chi phí đầu vào và như vậy hiệu ứng domino tác động vào giá cả hàng hóa và dịch vụ chắc chắn sẽ có. Giá điện cũng đang có những chỉ dấu cho thấy có khả năng sẽ còn gia tăng trong năm nay, vì theo sự cho phép của Chính phủ ngành điện có thể điều chỉnh giá điện tối thiểu 3 tháng/lần (lần điều chỉnh gần đây nhất là 20/12/2011). Việc tăng lương tối thiểu, nếu diễn ra từ tháng 5/2012 cũng sẽ góp phần không nhỏ tác động vào mức lạm phát cho những tháng cuối năm nay. Vì vậy, các chuyên gia cảnh báo, nếu trước đây mục tiêu đề ra là giữ mức lạm phát dưới 10% là khả thi thì giờ đây với diễn biến mới của tình hình thực tế dự đoán này đã tỏ ra không còn lạc quan như trước nữa. Các chuyên gia cũng cho rằng, kỳ vọng đưa CPI về dưới mức 10% còn tùy thuộc rất nhiều các các yếu tố tưởng chừng như “phi kinh tế”. Chẳng hạn như liên quan tới hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng, chống chi phí tiêu cực trong nền kinh tế cũng như sự lãng phí và hiệu quả kém của đầu tư công; việc ban hành các chính sách có tác động tới đời sống, thu nhập của người dân cũng như sự linh hoạt và kịp thời của Chính phủ trong điều hành giá đối với các mặt hàng ảnh hưởng tới chi phí đầu vào của nền kinh tế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét