Trang

Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Những tác phẩm đoạt giải thưởng Ảnh Quốc tế của Năm




Tạp chí National Geographic đăng những bức ảnh đoạt giải thưởng Ảnh Quốc tế của Năm (POYi).


Giải được tổ chức bởi Viện Báo chí Donald W. Reynolds lần đầu năm 1944 để trưng bày những bức ảnh chụp trong Thế chiến thứ II. Ngày nay, mục tiêu của giải thưởng vẫn là “tôn vinh những bức ảnh phóng sự tốt nhất trên thế giới, nhằm cung cấp những hình ảnh phản ánh xã hội, củng cố nhận thức của con người về những vấn đề mà nhân loại đang đối diện.
Năm nay, hội đồng giám khảo của POYi bao gồm 17 nhiếp ảnh gia nổi tiếng, những người được phân công chấm các hạng mục – như thể thao hay minh họa tin tức – phù hợp với kinh nghiệm của họ.

Không giống các cuộc thi ảnh khác, việc chấm thi của POYi hoàn toàn công khai minh bạch, được tổ chức tại Trường Nhiếp ảnh Missuori của Mỹ, nơi mọi người đều có thể tới xem công tác chấm thi. Việc chấm thi cũng được truyền tải trực tuyến trên mạng, giám đốc Shaw cho biết.

1. Giải nhất ảnh tin phóng sự


Tác giả là Yuri Kozyrev, chụp cho tạp chí Time. Trong ảnh là một người đàn ông khiêng một con cá mập ra chợ ở Aden, Yemen. Theo Rick Shaw, giám đốc của POYi, các giám khảo của giải đã bị ấn tượng sự kết nối giữa đôi mắt người đàn ông với người xem, và bố cục tạo thành bởi vây cá mập cùng những bóng người ở hậu cảnh.

2. Ảnh thể thao của năm


Tác giả là Donald Miralle. Ảnh chụp những vận động viên bơi bên trên một đàn cá, vào lúc khởi đầu cuộc đua Ironman World Championship 2011, tổ chức tại Kona, Hawaii. Tương quan giữa con người và đàn cá nhỏ bơi ngược chiều đã tạo được ấn tượng với các giám khảo của POYi.

3. Giải nhất ảnh câu chuyện báo chí cho các nhà báo và đơn vị thông tấn độc lập


Tác giả là Yuri Kozyrev, chụp cho tạp chí Time. Trong ảnh là những người biểu tình ở miền Đông của thành phố Benghazi, Libya, đang kêu gọi lật đổ Chính phủ của Qaddafi.

“Yuri đã tự đặt mình vào giữa tâm điểm cuộc bạo động, và thực sự lưu giữ, lột tả được những xúc cảm cao trào của người dân, từ trạng thái trầm ngâm ở tiền cảnh tới sự phấn khích ở hậu cảnh”, nhận xét của Shaw về phóng viên ảnh người Nga, Kozyrev, người thường xuyên có mặt trong các cuộc cách mạng gần đây của phong trào Mùa xuân Ả Rập.

Kozyrev từng nói với tờ New York Times: “Lenin được chứng kiến hai cuộc cách mạng. Nhưng tôi có cơ hội được chứng kiến tới bốn cuộc”.

4. Giải Tầm nhìn Toàn cầu


Tác giả là Steve Winter, ảnh đăng trên National Geographic. Trong ảnh một con hổ nhìn vào máy ảnh đặt chụp tự động, trong một cuộc săn buổi sáng ở phía Bắc Sumatra, Indonesia. Steve Winter chụp bức ảnh cho tạp chí National Geographic và nhóm bảo tồn động vật hoang dã họ mèo Panthera. Ảnh thắng giải Tầm nhìn Toàn cầu dành cho “những dự án công phu dài hạn tập trung vào môi trường, khoa học, và lịch sử tự nhiên”, Shaw cho biết. Giá trị tác phẩm của Steve không chỉ ở hình ảnh của con thú mà ở cả sự phản ánh những tương tác của con người với thế giới tự nhiên, cả theo nghĩa tích cực lẫn tiêu cực”.

5. Giải nhất Ảnh Phóng sự


Tác giả là Stephanie Sinclair, ảnh đăng trên National Geographic. Trong ảnh các cô dâu tuổi thiếu niên đứng chụp hình cùng những người chồng của họ ở một làng ven Hajjah, Yemen. “Nghệ thuật nhiếp ảnh của Stephanie thật đáng kinh ngạc”, Shaw nói. “Cô ấy có khả năng đặc biệt trong việc tiếp xúc với những nền văn hóa mà đa số mọi người không thể tiếp cận”. Nhận xét về bức ảnh, Shaw nói: “gương mặt hai cô bé cho thấy họ vẫn còn ở tuổi thơ ấu. Tôi thích bố cục với những đường nét của núi đồi giao cắt với đầu và mặt các nhân vật. Những chi tiết tinh tế như vậy đẩy một bức ảnh giá trị lên một tầm cao hơn”.

6. Giải nhất cho Ảnh Lịch sử KH/Tự nhiên


Tác giả là Jay Janner, chụp cho tờ Austin American-Statesman. Bức ảnh chụp những gia súc suy dinh dưỡng đang chờ bán đấu giá tại Công ty Gia súc Gillespie, ở Fredericksburg, Texas, hôm 10/04/2011, trong giai đoạn khô hạn chưa từng có ở bang này. “Trận hạn hán thực sự ảnh hưởng tới các cộng đồng nông thôn và nông nghiệp ở Texas, nhưng làm cách nào để biểu đạt điều này?”, Shaw nói về bức ảnh. “Chúng ta đã được xem bao nhiêu hình ảnh mặt đất bị cháy sém, cánh đồng nứt nẻ? Chúng đã trở nên gần như sáo mòn. Khi một bức ảnh có thể kể một câu chuyện mà không lặp lại những điều sáo mòn, thì âm hưởng của nó tới người xem sẽ lớn hơn”.

7. Giải nhất Biên tập ảnh phóng sự cho tạp chí 


Tác giả là Lynsey Addario, chụp cho tạp chí National Geographic. Trong ảnh một người đàn ông Irar đang cho hải âu ăn vào lúc bình minh, trong bài báo “Baghdad sau cơn bão”. Bức ảnh này giúp đem lại giải thưởng cho Lynsey Addario, một nhiếp ảnh gia tự do, và cả giải về biên tập cho Sarah Leen, người phụ trách biên tập ảnh, cùng giám đốc thiết kế David Whitmore.

Với Addario, nhiệm vụ của cô tại Baghdad xen cả vui lẫn buồn, khi tình cờ xảy ra cùng lúc với cuộc Cách mạng Ai Cập. “Tôi làm việc ở Trung Đông và Nam Á từ 11 năm nay. Lần này khi Ai Cập không nằm trong câu chuyện mà tôi được giao nhiệm vụ, thật vô cùng bứt rứt khi tôi phải xem lịch sử diễn ra trên TV”, cô nói với tạp chí National Geographic. “Tôi vốn quen được ở ngay giữa tâm điểm của nó!”.

8. Giải nhất Ảnh Câu chuyện Lịch sử Khoa học/Tự nhiên


Tác giả là Brent Stirton, chụp cho Getty Images và National Geographic. Ảnh chụp cánh tay một người đàn ông đang cầm chiếc sừng tê giác trắng ở Klerksdorp, Nam Phi, ngày 25/03/2011. Chiếc sừng được cắt để giữ tính mạng con vật khỏi sự săn đuổi của những kẻ săn trộm. “Đôi khi những bức ảnh càng đơn giản càng nói được nhiều”, Shaw nhận xét. “Cánh tay, nắm vào chiếc sừng, đường cong của sừng tương đồng với hướng xô dạt của cỏ dại ở hậu cảnh – rất đơn giản, nhưng biểu đạt rất mạnh mẽ”.

9. Giải nhất cho Biên tập ảnh cụm bài của tạp chí



Tác giả là Jens Neumann và Edgar Rodtmann, chụp cho tạp chí National Geographic. Bức ảnh chụp thành phố Dubai như đột nhiên mọc lên từ Sa mạc Ả Rập, được dùng trong cụm bài “Dân số 7 tỷ” của tạp chí National Geographic, cụm bài đã đem về giải thưởng cho nhiều nhiếp ảnh gia, nhà thiết kế, và biên tập viên. “Một trong những nguyên tắc của biên tập ảnh là tôn trọng cái nhìn của người chụp. Đây là một trong những tiêu chí chúng tôi yêu cầu các giám khảo khi thẩm định xét giải”, Shaw cho biết.

Công chúng cũng sẽ có cơ hội được thẩm định nhiều tác phẩm đoạt giải từ POYi năm nay, tại một cuộc triển lãm ở Washington D.C., nơi Shaw ước tính sẽ có khoảng 400 nghìn người tới xem.

“Các giải thưởng và cúp kỷ niệm cũng quan trọng, nhưng các nhiếp ảnh gia cũng mong là ảnh của họ được công chúng thưởng ngoạn”, Shaw nói.

Lược dịch theo bài của Ker Than, National Geographic, 05/03/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét