Trang

Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

Thực hư chuyện giảm lãi suất


Có thể thấy rằng, việc giảm lãi suất cho vay hiện mới chỉ diễn ra ở các ngân hàng thương mại lớn với mức độ dè dặt, còn các ngân hàng nhỏ vẫn đang trong thế "án binh bất động”. Nếu lãnh đạo một số ngân hàng thương mại lý giải là do các ngân hàng còn đang nghe ngóng thị trường thì các "đại gia” tuyên bố hạ lãi suất nhưng không định lượng quy mô từng gói tín dụng trong giới hạn hạ lãi suất là bao nhiêu. Điều này khiến nhiều người đặt vấn đề việc giảm lãi suất về hình thức có thể chỉ là chuyện "xức nước hoa” lên thương hiệu.
Tiếp sau BIDV, VietinBank và Vietcombank, tới lượt Agribank tuyên bố hạ lãi suất cho vay. Sự xuất hiện của "tứ đại gia”, chiếm khoảng 60% thị phần tín dụng, được kỳ vọng sẽ làm mặt bằng lãi suất hạ nhiệt. Tuy nhiên các ngân hàng trên cũng khẳng định chỉ một số ít doanh nghiệp mới có thể tiếp cận được lãi suất này. Đáng lưu ý là các "đại gia” tuyên bố hạ lãi suất nhưng không định lượng quy mô từng gói tín dụng trong giới hạn hạ lãi suất là bao nhiêu. Điều này khiến nhiều người đặt vấn đề việc giảm lãi suất về hình thức có thể chỉ là chuyện "xức nước hoa” lên thương hiệu.
Có thể thấy rằng, việc giảm lãi suất cho vay hiện mới chỉ diễn ra ở các ngân hàng thương mại lớn với mức độ dè dặt, còn các ngân hàng nhỏ vẫn đang trong thế "án binh bất động”. Lãnh đạo một ngân hàng thương mại lý giải là do các ngân hàng còn đang nghe ngóng thị trường. Mặc dù đã có dự báo, xu hướng giảm lãi suất sẽ diễn ra trong thời gian tới, khi mà tính thanh khoản của nhiều ngân hàng thương mại lớn đang được cải thiện đáng kể. Nếu như trước đây vấn đề hạ lãi suất cho vay được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cố ý trì hoãn với lý do lạm phát "giảm chưa bền vững”, thì sau khi chỉ số lạm phát đã giảm dưới mức 1% trong nhiều tháng liên tiếp, sự khó khăn về thanh khoản của các ngân hàng lại được đưa ra như một lý do mới mẻ để tiếp tục tạo điều kiện cho mặt bằng lãi suất được "leo cao”, giúp các ngân hàng thương mại tiếp tục thụ hưởng cảnh "ngồi mát ăn bát vàng”.
Trái ngược với tuyên bố chưa giảm lãi suất vì NHNN vẫn đang phải theo dõi tình trạng thanh khoản của các ngân hàng, các số liệu liên tục được đưa ra trong nhiều tháng qua cho thấy tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện đáng kể. Cần nhắc lại, vào đầu tháng 12-2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu NHNN phải nhanh chóng giảm lãi suất, nhưng lại giao cho cơ quan này quyết định về thời điểm. Đầu tháng 12-2011, ngành ngân hàng ngồi lại với nhau để tính chuyện kinh doanh năm 2012, trong đó vấn đề hạ lãi suất tiếp tục được đặt ra. Và dường như, thời điểm đó nó đã đạt được một sự đồng thuận khi NHNN thể hiện quan điểm sẽ từng bước hạ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Mọi người đều hiểu dù chưa thể giảm một lúc theo mong muốn nhưng yêu cầu giảm lãi suất là cấp bách và sẽ có một lộ trình để sớm thực hiện. Cũng tại Hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ngành ngân hàng phải giảm lãi suất ngay từ đầu năm 2012 và việc giảm lãi suất này là phù hợp với quy luật khách quan chứ không phải là mệnh lệnh hành chính. Thủ tướng nhấn mạnh không có lý do gì không hạ được lãi suất cho vay xuống khi liên tục trong sáu tháng qua, chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 1%. Khi lạm phát giảm thì lãi suất cho vay phải hạ theo. Trách nhiệm và nghĩa vụ của ngân hàng là phải duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tăng trưởng của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp sụp đổ hàng loạt thì những ngân hàng cho vay vốn cũng sẽ bị ảnh hưởng ngay.
Đã gần ba tháng trôi qua kể từ khi có sự chỉ đạo của Thủ tướng, mặt bằng lãi suất huy động và đặc biệt là lãi suất cho vay vẫn tiếp tục được lãnh đạo NHNN treo cao vô định, với những lý do "mới phát hiện” như thanh khoản của hệ thống ngân hàng, thời vụ trong sản xuất, kinh doanh. Điều này hoàn toàn khác biệt so với căn cứ "chỉ cần lạm phát giảm là có cơ sở để hạ lãi suất” của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình từng cam kết trước Quốc hội. Trong lúc đó, "trò chơi thanh khoản” của các ngân hàng thì vẫn tiếp tục kéo dài thời gian vô định. Bởi vì dù nền kinh tế có bức xúc tới đâu đi chăng nữa, có vẻ cần phải thông cảm với lãnh đạo NHNN khi họ đã "thừa nhận” việc hạ lãi suất không phải chuyện nói là làm được ngay. Cơ quan điều hành chính sách tiền tệ lại giải thích rằng: lạm phát đang có chuyển biến tích cực, là nền tảng để có thể giảm lãi suất nhưng đáng tiếc lạm phát không phải là yếu tố quyết định duy nhất mà còn có thêm yếu tố phải đảm bảo thanh khoản của các ngân hàng nữa. Theo lãnh đạo NHNN, khi bình thường tiền nhiều, nhu cầu về tiền bớt đi thì mới giảm được lãi suất nhưng hiện giờ ai cũng nói là thiếu thanh khoản, ai cũng cần vốn thì giá vốn làm sao giảm được. Tới đây thì một thực tế khác đã lộ diện, lãi suất tăng cao không phải chỉ để kiềm chế lạm phát, vì sự ổn định kinh tế mà lãi suất còn đang phục vụ cho vấn đề thanh khoản, trong đó có vấn đề thanh khoản của ngân hàng là quan trọng nhất. Điều này có thể hiểu, khả năng giảm lãi suất sẽ là không thể khi mà thanh khoản ngân hàng hãy còn căng thẳng. Đây thực sự là một nghịch lý, khi những ngày cuối năm ngoái, các ngân hàng dù kẻ cao người thấp đều công bố những con số lãi cả ngàn tỷ đồng, trong khi đó tình hình kinh tế nói chung và thực tế sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là rất khó khăn. Có vẻ như lãi suất đang đi ngược dòng với tất cả, và người ta cũng gạt sang một bên điều đã từng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần là "lạm phát giảm thì lãi suất sẽ giảm”. Thay vào đó người ta coi lãi suất cần phải được duy trì với mức cao để phục vụ thanh khoản.
Lãi suất cho vay chưa giảm vì thanh khoản
của các ngân hàng còn căng thẳng?
                                                            Ảnh: Hoàng Long
Theo công bố của NHNN hiện có khoảng 10 ngân hàng đang được xếp vào nhóm IV (nhóm yếu kém và không được tăng trưởng tín dụng trong năm 2012). Đây cũng chính là nhóm mà khả năng mất thanh khoản cao nhất. Mặc dù vậy, tất cả các tín hiệu gần đây (bao gồm cả tín hiệu lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt, có lúc xuống dưới 10%/năm) cho thấy cả nhóm này cũng không quá khó khăn về thanh khoản. Nhưng điều đáng bàn là ngay cả trong tình trạng mất thanh khoản thì các cơ quan chức năng cũng phải tìm biện pháp nhanh chóng xử lý vi phạm của các ngân hàng chứ không thể đổ hết các khó khăn lên đầu đối tượng khác là các doanh nghiệp trong nước. Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 03/NQ-CP, tiếp tục chỉ đạo NHNN theo dõi sát tình hình để có phương án giảm lãi suất tín dụng ở mức hợp lý vào thời điểm thích hợp. Đây cũng là mong muốn của toàn xã hội. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đà giảm của lãi suất đang bị cản bởi lý do thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn căng thẳng. Với tình hình "u u minh minh” về thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện nay, các chuyên gia đều cho rằng rất khó dự báo thời điểm nào lãi suất sẽ hạ, bởi ngay cả khi lãi suất đang ở mức cao như hiện nay, nhiều ngân hàng vẫn cứ viện lý do đang ở trong tình trạng căng thẳng thanh khoản.
Nếu việc giảm lãi suất huy động có thể làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiết kiệm và thanh khoản của một số ngân hàng, có ý kiến cho rằng tại sao NHNN lại không thể áp trần lãi suất cho vay như đã từng áp trần đối với lãi suất huy động? NHNN đã khống chế trần lãi suất huy động từ nửa năm nay nhưng vẫn để ngỏ lãi suất cho vay. Điều này dù muốn hay không đã trở thành sự bảo đảm tuyệt vời cho các ngân hàng dễ dàng kiếm lãi lớn. Do vậy, hạ lãi suất bằng cách khống chế lãi suất cho vay là một phương án cần được tính đến. Bản chất của ngân hàng cũng là một doanh nghiệp như các doanh nghiệp khác. Có nghĩa là mua của người này rồi bán cho người khác, trong quy trình đó đồng tiền là hàng hóa, lãi suất tiền gửi là giá mua vào và lãi suất cho vay là giá bán ra. Trong quy trình đó, thời gian qua NHNN đã ra chỉ thị hành chính khống chế một đầu và thả lỏng đầu còn lại. Sự khống chế khập khiễng này đã dẫn đến rất nhiều hệ lụy mà người gánh chịu chính lại là giới doanh nghiệp.
Trong hoàn cảnh đó, người có tiền không có lựa chọn nào khác là buộc phải cho vay với lãi suất cố định là 14% trong khi lạm phát là 19% -20%. Người đi vay vẫn phải chấp nhận giá cao, mức thấp nhất theo công bố của các ngân hàng là 17% (hiếm có doanh nghiệp nào vay được với mức lãi suất này) trong khi mức cao thì vô cùng. Trong thực tế, muốn vay được với lãi suất 17% là chuyện không thể vì còn phải trả rất nhiều loại phí khác nữa. Thông thường vẫn là 21% + phí thẩm định tài sản thế chấp. Như vậy, phải chăng NHNN đã tạo điều kiện cho các ngân hàng có thêm được một khoản lợi nhuận rất lớn đến từ chính sách không rõ ràng. Với thực tế mua vào thì cao nhất chỉ có 14%, còn bán ra thì tùy ý muốn, chẳng khác nào "bỏ ngỏ” tạo cơ hội cho các ngân hàng tha hồ kiếm lãi. Trong tình hình kinh kế khó khăn hiện nay thì ngân hàng càng được hưởng lợi nhiều hơn vì người đi vay đang trong tình thế không còn lựa chọn nào khác, phải chấp nhận vay với bất cứ giá nào.
Trong khi đó, nếu NHNN làm ngược lại, chỉ nên khống chế đầu ra là lãi suất cho vay 17% và thả lỏng đầu vào thì sẽ có các tác dụng lớn hơn cho nền kinh tế. Người đi vay chỉ phải trả 17% lãi suất thực, với lãi suất có thể chấp nhận được này thì đồng tiền sẽ trực tiếp và nhanh chóng đi vào sản xuất, thúc đẩy nền kinh tế đang bị trì trệ và vượt qua khó khăn trong thời gian ngắn nhất. Đây là cái được lớn nhất mà nền kinh tế Việt Nam đang mong đợi. Các ngân hàng có cơ chế hoạt động tốt, chi phí thấp có thể tăng khả năng huy động vốn bằng cách tăng cao lãi suất tiền gửi thu hút được nhiều khách hàng đến gửi tiền, giải quyết được bài toán thanh khoản. Đồng thời, điều này sẽ giúp tránh được những khoản cho vay có độ rủi ro cao đảm bảo tính bền vững của toàn hệ thống ngân hàng. Bởi vì khi chỉ được phép cho vay với cùng một lãi suất thì mặc nhiên các ngân hàng sẽ lựa chọn khách hàng là người có uy tín, độ tin cậy cao, có khả năng trả nợ thực tế, đúng hạn hồ sơ thế chấp, tín chấp minh bạch rõ ràng. Đó cũng là điều mà nền kinh tế Việt Nam đang mỏi mắt trông đợi vào hệ thống ngân hàng.
Lê Phái

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét