Trang

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Biển Đông vẫn “nóng” ở Phnom Penh


Bất chấp các thông tin về việc nước chủ nhà sẽ không đưa vấn đề Biển Đông vào nghị trình chính thức của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 2012, Tuyên bố chung Phnom Penh ngày 3/4/2012 vẫn tiếp tục nhấn mạnh vấn đề Biển Đông. Theo đó, ASEAN tiếp tục duy trì những cam kết chung đã được phản ảnh trong Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông 2002 (DOC) và các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của pháp luật quốc tế. Trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và hướng tới việc hiện thực hóa Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC).
Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 2012 mấy ngày, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã có chuyến công du chính thức Campuchia. Lần đầu tiên sau 12 năm, chuyến thăm của người đứng đầu Trung Quốc tới Campuchia theo các nhà phân tích không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên với việc Campuchia đang ngồi ghế chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm 2012. Phát biểu trong chuyến viếng thăm Campuchia, ông Hồ Cẩm Đào cho biết Trung Quốc muốn tiến tới một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), nhưng “không quá nhanh, để tranh chấp không đe doạ sự ổn định, an ninh khu vực”. Có thể nói, từ lâu Trung Quốc đã làm đủ mọi cách để “câu giờ” việc ASEAN và nước này tiến tới những quy định ràng buộc hơn, mang tính pháp lý về ứng xử trên Biển Đông như là COC. Trong suốt thời gian “câu giờ” này, Trung Quốc luôn điều khiển các hành động theo mong muốn mọi việc ứng xử và quản lý tranh chấp diễn ra “theo kiểu Trung Quốc”. Có nghĩa là nước này không chấp nhận đàm phán đa phưong và quốc tế hoá vấn đề Biển Đông, được xem sẽ rất bất lợi cho Trung Quốc. Vì vậy, điều mà Trung Quốc đang làm ở Campuchia là cố gắng thuyết phục quốc gia đương kim chủ tịch luân phiên của ASEAN,  tạo ảnh hưởng lên ASEAN để ngăn chận một sự nhất trí cao trong vấn đề Biển Đông có thể gây khó khăn cho Trung Quốc.
Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực trên đã không ngăn cản được tình hình diễn ra ngoài ý muốn của Trung Quốc tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 2012 mới đây ở Phnom Penh. Đơn giản là nhiều quốc gia ASEAN có những lý do chiến lược để tham gia lâu dài, liên tục và tìm kiếm sự đồng thuận cao ở cấp thượng đỉnh trong việc quản lý căng thẳng trên Biển Đông. Trước hết, Biển Đông nằm trong phạm vi địa chính trị của ASEAN và ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia của nhiều thành viên hiệp hội này. Biển Đông còn là một trong những tuyến hàng hải thương mại nhộn nhịp hàng đầu thế giới, trong đó có lợi ích của nhiều cường quốc. Do đó, việc duy trì an ninh và ổn định trên Biển Đông không chỉ quan trọng với các quốc gia trong khu vực mà còn có ý nghĩa quốc tế. Hiến chương ASEAN, văn bản quan trọng bậc nhất cho tương lai phát triển của các quốc gia trong khu vực đã khẳng định một trong những mục tiêu hàng đầu của hiệp hội là “nhằm đảm bảo rằng người dân và các quốc gia thành viên của ASEAN được sống trong hòa bình”. Để làm được điều đó, ASEAN đã cam kết “luôn duy trì vai trò trung tâm và chủ động… là một động lực cơ bản trong quan hệ và hợp tác của mình với các đối tác bên ngoài”. Tinh thần này, khi triển khai trong thực tế, đòi hỏi ASEAN phải tích cực trong vấn đề Biển Đông, chủ động tham gia vào việc thúc đẩy một giải pháp hòa bình và hợp tác cho các tranh chấp ở đây. Diễn biến tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 2012 ở Phnom Penh mới đây chính là “phép thử” trên thực tế cho vai trò trung tâm và trụ cột của ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp của khu vực.
Trong tất cả các bên có liên quan ở Biển Đông, Trung Quốc là nước duy nhất hạ thấp vai
trò của ASEAN và mong muốn làm suy yếu tổ chức này bằng các hoạt động theo kiểu
“chia để trị”. Chính vì vậy, Trung Quốc luôn bảo lưu lập trường giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng cơ chế song phương. Tuy nhiên, thỉnh thoảng Trung Quốc vẫn buộc phải miễn cưỡng chấp nhận vai trò của ASEAN trong việc quản lý tranh chấp trên Biển Đông mỗi khi hiệp hội này có sự đoàn kết, nhất trí cao. Tháng 11 năm nay, ASEAN và Trung Quốc sẽ kỷ niệm 10 năm DOC được ký kết cũng tại Phnom Penh. Việc ký kết DOC 2002 được xem là một thành tựu lớn trong hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN góp phần quan trọng vào công  cuộc xây dựng lòng tin trong khu vực và các giá trị chuẩn mực chung. Song, kể từ DOC tới nay, các nước trong khu vực và cộng đồng thế giới lại thường xuyên chứng kiến một Trung Quốc hành xử  trên Biển Đông theo kiểu “hành động đơn phương, tuyên bố ứng phó”. Hiện tượng này bắt nguồn từ việc Trung Quốc tự mình tin rằng họ có chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông với yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý. Cách hành xử theo kiểu “nói một đàng làm một nẻo” của Trung Quốc những năm gần đây trên Biển Đông không chỉ làm phức tạp tình hình mà càng khiến cho hình ảnh của một cường quốc đang “trỗi dậy hòa bình”  bị tổn hại trong nhận thức của thế giới mà đặc biệt là với các quốc gia có tranh chấp trên Biển Đông. Chính các học giả Trung Quốc đôi khi cũng thể hiện mối lo về một “liên minh châu Á” chống lại Trung Quốc. Để đối phó, họ đề xuất một chính sách “chia để trị”, bằng cách hỗ trợ một số nước trong khi lại trừng phạt và gây hấn với một số nước khác. Tuy nhiên, chính sách này trong thế giới ngày nay mang ý nghĩa rất tiêu cực và dễ dàng bị nhận diện bởi các quốc gia có liên quan và dư luận quốc tế. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nếu Trung Quốc càng kiên trì với chính sách này thì họ càng khó có thể xây dựng được lòng tin với  người dân của các quốc gia trong khu vực bị ảnh hưởng.Và cách tốt nhất mà Trung Quốc có thể tránh được điều tiếng tai hại này là họ nên thay đổi cách hành xử, thật sự có thiện chí hợp tác gần gũi hơn, chia sẻ hơn các quyền lợi chính đáng của các quốc gia trong khu vực ở cấp độ song phương lẫn đa phương.
Không chỉ Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng mà rất nhiều lãnh đạo quốc gia khác của ASEAN đã bày tỏ sự ủng hộ hết mình chủ đề của năm 2012 là xây dựng một ASEAN đoàn kết, vững mạnh và liên kết chặt chẽ không những là lợi ích chung của khu vực mà còn là mục tiêu chiến lược của các nước thành viên. Bởi vì, một ASEAN thiếu đoàn kết sẽ khiến cho tổ chức này ít quan trọng hơn về kinh tế và chiến lược đối với các nước thành viên so với các cường quốc bên ngoài. Sự tham gia của ASEAN trong việc quản lý tranh chấp Biển Đông trên thực tế đã có quá trình lịch sử lâu dài và đáp ứng được lợi ích của tất cả các bên, bao gồm cả Trung Quốc. Tăng cường sự tham gia của một ASEAN năng động và đoàn kết, không làm suy yếu lợi ích hợp pháp của bất cứ bên nào. Thay vào đó, những gì mà ASEAN đang cố gắng thực hiện sẽ “đem giá trị đến với tất cả, thậm chí bao gồm cả những nước không có yêu sách đối với các địa hình đất hay quyền tài phán trên Biển Đông, mà có một lợi ích trong hòa bình và ổn định ở khu vực và tự do hàng hải ở đây”, như nhiều tuyên bố của ASEAN từng khẳng định.
         
         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét