Trang

Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Thùng thuốc súng made in China


VietnamDefence Trung Quốc không thể chấp nhận việc tìm thấy các mỏ dầu khí lớn trên thềm lục địa của Việt Nam. Giám đốc Viện Năng lượng quốc gia (Nga) Sergei Pravosudov dự báo khả năng xung đột trên Biển Đông. VietnamDefence giới thiệu chỉ với mục đích tham khảo.
Itar-Tass

Việt Nam hôm nay là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất châu Á.  Theo xếp hạng chỉ số Bloomberg, kinh tế nước này đứng thứ ba trong khu vực về triển vọng, sau Trung Quốc và Ấn Độ, còn về tốc độ phát triển thì nằm trong số 10 nước đứng đầu thế giới. Các nhà đầu tư đang rút vốn khỏi EU và Nga để đổ xô đến đây.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Viện Năng lượng quốc gia (Nga) Sergei Pravosudov, tương lai tươi sáng của kinh tế Việt Nam đang là câu hỏi lớn. Chính Việt Nam có thể trở thành nơi đụng độ lợi ích của các cường quốc lớn nhất thế giới.

SP: Thế giới hôm nay giống như một thùng thuốc súng được nối với nhiều dây cháy chậm. Ông cho rằng, một trong số đó có thể bị đốt cháy ở Việt Nam. Tại sao?

- Nhiều trong số những người quan tâm đến địa-chính trị có lẽ đa đọc cuốn sách nổi tiếng của nhà khoa học Mỹ Samuel Huntington “Sự va chạm của các nền văn minh”.

Trong đó có dẫn ra một kịch bản khả năng khai diễn cuộc chiến tranh thế giới ở thập niên thứ hai của thế kỷ XXI. Tôi xin trích: “Việc khai thác các mỏ dầu ở Biển Đông được các công ty Mỹ thực hiện với tốc độ nhanh, chủ yếu dưới sự bảo trợ của Trung Quốc, nhưng những khu vực riêng lẻ nằm dưới quyền kiểm soát của Việt Nam. Nhờ những khả năng hiện diện quân sự mới, sự tự tin của Trung Quốc đã được củng cố, và họ tuyên bố là có ý định thiết lập quyền kiểm soát hoàn toàn đối với toàn bộ Biển Đông - Trung Quốc luôn yêu sách chủ quyền đối với vùng biển này. Người Việt Nam chống lại việc đó, một cuộc xung đột vũ trang nổ ra giữa các tàu chiến Trung Quốc và Việt Nam. Khát khao báo thù cho sự sỉ nhục năm 1979, người Trung Quốc xâm lược Việt Nam”. Tiếp đó mô tả sơ đồ mà cả thế giới bắt buộc bị lôi kéo vào cuộc xung đột quân sự này.

SP: Tuy nhiên, cuốn sách mà ông vừa trích dẫn được viết vào năm 1996. Từ đó đến nay, nhiều chuyện đã thay đổi…

- Những giả thiết của nhà khoa học Mỹ phần nhiều đang được khẳng định bởi các thực tiễn đương đại. Các công ty Mỹ quả thực đang tiến hành tìm kiếm hydrocarbon trên thềm lục địa Việt Nam và khá thành công. Tập đoàn Gazprom của Nga cũng đang làm việc đó và đã phát hiện ra hai mỏ khí Báo Vàng và Báo Đen. Các nhà địa chất Nga đã kể với tôi rằng, các sự cố với tàu chiến Trung Quốc đang tìm cách ngăn chặn công tác thăm dò địa chất thường xuyên xảy ra. Hơn nữa, người Trung Quốc hành xử rất ngang ngược, hung hãn: họ phá thiết bị địa chất, tiến sát các tàu dân sự. Chuyện thường đi đến những scandal ngoại giao nghiêm trọng giữa Trung Quốc và Việt Nam. Ban lãnh đạo CHXHCN Việt Nam nhiều lần chính thức lên tiếng về những hành động hà hiếp các tàu cá Việt Nam từ phía hải quân Trung Quốc và cáo buộc Bắc Kinh ngăn cản xây dựng các giếng khoan dầu. Mùa xuân năm ngoái, giữa Trung Quốc và Việt Nam đã xảy mấy sự cố có sự tham gia của các tàu dân sự và quân sự, dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Sự căng thẳng trong quan hệ Trung-Việt Nam tồn tại đã lâu. Năm 1998 (VND: Có lẽ ở đây muốn nói đến biến cố năm 1988) , giữa hai nước thậm chí đã xảy ra trận chiến nhỏ giành một hòn đảo ở Biển Đông làm 50 thủy binh Việt Nam hy sinh.

SP: Rõ ràng điều đó xảy ra là vì hai nước không thể chia sẻ những khu vực thềm lụa địa có triển vọng nào đó ở Biển Đông?
- Chính thế. Đó là nói đến phần phía bắc của thềm lục địa Việt Nam nằm ngay sát Trung Quốc. Thềm lụa địa phía nam của Việt Nam, Trung Quốc hiện chưa đụng đến. Ở đó từ lâu nay công ty Zarubezhneft của Nga và các công ty khác đang hoạt động.

Ngoài ra, Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông và các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trong vùng biển này và nằm trên các tuyến đường biển chủ yếu dùng để vận chuyển hành hóa giữa Đông Nam Á, châu Âu và Cận Đông. Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines chỉ yêu sách đối với một phần của khu vực. Mỹ đang lo ngại sự hạn chế quyền tự do thông thương hàng hải ở khu vực này. Cuối năm ngoái, Washington và tuyên bố triển khai một căn cứ quân sự ở Darwin, miền bắc Australia, khiến Bắc Kinh rất tức tối.

SP: Theo như ông nói thì tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam vẫn tiếp tục ở trạng thái cường độ thấp hàng mấy chục năm rồi. Thế điều gì nói lên rằng, chính trong thời gian tới, nó có thể chuyển sang giai đoạn nóng?
- Xét tổng thể, ở phần bắc thềm lục địa của Việt Nam có các trữ lượng hydrocarbon rất lớn. Tất cả những số liệu mà các nhà địa chất thu nhận được đang nói lên điều đó. Bởi vậy, Trung Quốc có thể mưu toan quyết tâm xâm lược quân sự. Điều đó đặc biệt bức thiết khi mà tương lai của Iran, một trong những nguồn cung cấp dầu chính cho Trung Quốc, đang bị đặt dấu hỏi lớn.

Cả gan quyết định trực tiếp xâm lược chống Việt Nam, Trung Quốc sẽ mưu toan giết cùng lúc mấy con thỏ. Một là giành lấy phần bắc thềm lục địa Việt Nam và bằng cách đó sẽ làm giảm sự phụ thuộc nguyên liệu vào các nước cung cấp tài nguyên năng lượng. Hai là, gột rửa nỗi quốc nhục năm 1979. Tôi xin nhắc lại là hồi đó, Trung Quốc đã tấn công Việt Nam những tưởng nhanh chóng đưa Việt Nam về đúng chỗ. Nhưng Việt Nam đã đánh bại các lực lượng Trung Quốc có ưu thế hơn. Hơn nữa, họ làm được việc đó chỉ bằng các đơn vị thứ yếu vì phần lớn quân đội Việt Nam lúc đó đang ở Campuchia.

Đối với người Trung Quốc, đây là sự sỉ nhục nặng nề nhất cho đến nay. Bởi lẽ, họ đất rộng người đông hơn Việt Nam hàng chục lần! Điều đó cũng giống như chẳng hạn nước Nga hiện đại đã không thể chiến thắng mấy đơn vị đặc nhiệm của Gruzia.

Và có cả yếu tố thứ ba có thể thúc đẩy Trung Quốc đi đến chiến tranh. Ở Trung Quốc hiện nay, vấn đề quan hệ giữa các tỉnh giàu có, phát triển về kinh tế ở bờ Thái Bình Dương và các khu vực miền trung nông thôn, nghèo đói đặt ra rất gay gắt. Vùng duyên hải Trung Quốc ngày nay gắn bó hơn nhiều với châu Âu và Mỹ, nơi hàng hóa sản xuất ở đó được xuất đến, hơn là các tỉnh lân cận. Họ coi những nông dâ từ các khu vực miền trung Trung Quốc như những người ăn bám. Hoàn toàn có khả năng là người Mỹ sẽ tìm cách xúi giục vùng duyên hải giàu có đòi độc lập với phần còn lại của Trung Quốc. Trong ban lãnh đạo Trung Quốc người ta hiểu điều đó nên không loại trừ họ sẽ mưu toan phát động một cuộc chiến nhỏ thắng lợi. Thủ đoạn đó thời nào cũng thịnh hành.

SP: Việt Nam có hiểu rằng, tình hình có thể diễn biến đúng theo cách đó không?
- Có chứ. Vài năm gần đây, Việt Nam nhanh chóng tăng cường mua sắm vũ khí của Nga. Nước ta đang cung cấp cho Việt Nam các tiêm kích Su-30MK2, tàu tên lửa, frigate lớp Gepard, tàu ngầm, hệ thống tên lửa bờ biển cơ động Bastion với tên lửa hành trình chống hạm Yakhont… Kết quả là Việt Nam đã chiếm vị trí thứ hai trong số các khách hàng mua vũ khí Nga chỉ sau Ấn Độ. Trước đó, vị trí này trong một thời gian dài do Trung Quốc chiếm giữ. Hơn nữa, các vũ khí họ mua của Nga chủ yếu là để đối phó với một cuộc xâm lược từ hướng biển, bảo vệ các mỏ trên biển hoặc bảo vệ đường bờ biển. Vì thế, các vị hãy tự đưa ra kết luận. Còn cần phải tính đến yếu tố, các công ty dầu khí Nga cũng có những kế hoạch lớn đối với tài nguyên hydrocarbon của Việt Nam.

SP: Điều đó có nghĩa là Nga sẽ bắt buộc bị lôi cuốn vào cuộc xung đột này không?
- Tôi nghĩ chúng ta sẽ cố gắng đến cùng để tránh tham gia bằng quân sự vào cuộc xung đột đó. Điều duy nhất mà chúng ta đang làm và sẽ làm là vũ trang cho Việt Nam. Quân đội của họ trong thế kỷ qua đã ba lần chứng tỏ sức chiến đấu của mình. Vì thế, trong bất kỳ trường hợp nào thì Trung Quốc cũng sẽ không dễ làm gì được.

Câu hỏi chủ yếu trong trường hợp nổ ra chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc là Mỹ và Nhật Bản sẽ hành xử thế nào. Mỹ hiện kiểm soát đa số các tuyến đường giao thương hàng hải trong khu vực này. Một chiến thắng của Trung Quốc sẽ làm thay đổi đột biến tình hình. Bởi vậy, người Mỹ sẽ không khoanh tay đứng ngoài. Tình hình với Nhật còn nghiêm trọng hơn. Nhật nhận được qua Biển Đông phần lớn nguyên liệu mà không có nó thì kinh tế Nhật sẽ trên bờ sụp đổ. Bởi vậy, xác suất cuộc xung đột leo thang lên quy mô cuộc chiến tranh thế giới mới là cao.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét