Trang

Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012

Cần giúp ngư dân tự tin giữ biển


Có vẻ như là một ví dụ điển hình cho việc thực thi lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông mà Trung Quốc ngang nhiên đưa ra kể từ năm 1999. Ngày đầu tiên lệnh này có hiệu lực năm nay (16-5-2012), Trung Quốc đã bắt giữ 2 tàu cá với 14 ngư dân Việt Nam đang hành nghề hợp pháp trên ngư trường Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Sau khi tịch thu các phương tiện hành nghề, tài sản, thiết bị và hải sản trên 2 tàu cá, Trung Quốc đã trả tự do cho 14 ngư dân rồi dồn họ lên 1 con tàu để trở về nhà.
Như vậy điểm khác nhau với hầu hết các lần bắt giữ ngư dân Việt Nam trước đây là không có chuyện “đòi tiền chuộc người” nữa. Thế nhưng hầu hết tài sản của các ngư dân đều bị tịch thu và điều này chắc chắn sẽ gây nhiều hệ lụy cho công việc làm ăn cũng như cuộc sống của gia đình họ trong một thời gian dài. Dù thực thi “luật pháp” hết sức tùy tiện và bất nhất trên Biển Đông, nhưng mục tiêu chính của Trung Quốc vẫn lộ rõ là họ đang cố gắng hết sức để không gây thêm căng thẳng nhưng vẫn phải đạt được mục tiêu làm nãn lòng ngư dân các nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông nhằm áp đặt yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của họ bao chiếm hầu như toàn bộ vùng biển này. Nói cách khác, một mặt Trung Quốc vẫn đang ra sức đánh bóng hình ảnh là một cường quốc đang trỗi dậy hòa bình, coi trọng các giá trị văn minh của nhân loại và luật pháp quốc tế; mặt khác họ vẫn không quên thủ đoạn “lấy thịt đè người” theo kiểu “lý lẽ của kẻ mạnh” để áp đặt những “chuyện đã rồi” trên Biển Đông hầu củng cố yêu sách chủ quyền lịch sử, lâu đời và trên thực tế, từng bước thực thi chiến lược lâu dài của họ đối với khu vực này.
Trong khi việc thực thi lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông ngày càng hung hăng hơn nhắm vào ngư dân Việt Nam và các quốc gia khác trong vùng thì Trung Quốc lại “mở toang cửa” cho ngư dân của họ tràn vào Biển Đông. Năm ngoái, khi Trung Quốc đang bắt bớ ngư dân Việt Nam vi phạm lệnh cấm vô lý của họ thì cùng lúc đó có không dưới hàng trăm tàu cá của Trung Quốc tràn ngập vùng biển miền Trung Việt Nam. Hiện tại, khi Trung Quốc bắt giữ 2 tàu cá của ngư dân Việt Nam thì họ cũng đang “mở toang cửa” cho hàng trăm tàu cá Trung Quốc tràn vào Biển Đông. Chỉ tính riêng khu vực bãi cạn Scarborough theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines, hiện đang có mặt hàng chục tàu cá Trung Quốc cùng với nhiều tàu hải giám của nước này. Mặc dù việc xâm nhập bất hợp pháp của tàu cá Trung Quốc tới khu vực bãi cạn này đã bị quốc gia sở tại lên án và phản đối quyết liệt trong cuộc tranh cãi ngoại giao kéo dài gần hai tháng qua. Điều này cứ lặp đi lặp lại kéo dài trong nhiều năm khiến các nhà bình luận quốc tế bức xúc đặt câu hỏi: “Làm thế nào Trung Quốc có thể bảo vệ được nguồn cá trong khi họ chỉ cấm các tàu cá của ngư dân Việt Nam, Philippines mà không hề cấm tàu cá của ngư dân nước họ?”. Và càng mâu thuẩn hơn khi Trung Quốc ra sức yêu cầu thậm chí đe dọa ngư dân các nước phải tôn trọng lệnh cấm thì chính họ lại đưa một nhà máy chế biến cá khổng lồ, hiện đại ra Biển Đông ngay trong thời điểm lệnh cấm đang bắt đầu có hiệu lực.
Các nhà phân tích cho rằng ngư dân Trung Quốc có thể mặc sức “tung hoành” trên Biển Đông vì họ đang thực thi những nhiệm vụ khác chứ không đơn giản chỉ là hành nghề đánh cá. “Để thực thi yêu sách của mình, chính phủ Trung Quốc phải có hành động như là khuyến khích các tàu cá tới vùng biển tranh chấp, cũng như huy động họ vào việc canh gác trên các vùng biển này. Các ngư dân có thể không được trang bị vũ khí quân sự, nhưng chắc chắn là họ sẽ nhận được sự cam kết bồi thường cũng như các quyền lợi khác từ chính phủ của họ trong trường hợp có tổn thất”, nhà nghiên cứu Arthur Ding tại Đại học Chengchi, Đài Loan nhận xét. Các chuyên gia cũng cho rằng  tàu cá Trung Quốc bắt buộc phải báo cáo với chính quyền là họ sẽ đi đâu trước khi nhổ neo ra biển. Ít có khả năng họ sẽ đánh bắt cá ở vùng biển có tranh chấp một cách độc lập, họ thừa biết sẽ mất tất cả và chẳng kiếm được gì trừ phi họ chắc chắn rằng có sự bảo đảm của chính quyền và họ được hỗ trợ khi cần thiết. Điều đó giải thích vì sao các tàu hải giám, hải quân Trung Quốc lại có thể xuất hiện ngay tại hiện trường một cách mau chóng đến bất ngờ trong rất nhiều vụ xung đột xảy ra trên Biển Đông trong thời gian qua. Điều đó cũng lý giải vì sao ở những vùng biển Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền đã có nhiều tàu cá và ngư dân Trung Quốc ngang nhiên đâm vào các tàu cá, tàu thăm dò dầu khí, tàu tuần tra, thậm chí đâm chết cả một viên chức tuần duyên và thách thức cả pháo hạm hải quân nước khác. Các nhà nghiên cứu lịch sử không lạ gì về chuyện từ lâu Trung Quốc đã có “tiền sử” về chuyện huy động tàu cá, ngụy trang tàu nhà nước thành tàu cá, tàu bán quân sự để thực thi các nhiệm vụ “cây gậy nhỏ” trong những cuộc xung đột trên biển.
Trong khi các tàu cá Trung Quốc mặc sức tung hoành trên biển thực thi nhiệm vụ “bù nhìn giữ ruộng” thì các đội tàu hải giám, ngư chính của nước này ra sức quần thảo trên Biển Đông sẵn sàng bắt bớ các ngư dân Việt Nam cũng như ngư dân nhiều quốc gia khác trong khu vực đang hành nghề hợp pháp trên chính vùng biển của cha ông mình. Lực lượng ngư chính và hải giám Trung Quốc theo năm tháng càng gia tăng về số lượng cũng như trang bị. Rõ ràng Trung Quốc đang tự cho mình cái quyền ban hành luật lệ trên Biển Đông, vốn là vùng biển được nhiều quốc gia tuyên bố chủ quyền theo luật quốc tế và cũng là vùng biển mà nhiều cường quốc có lợi ích quốc gia trong lưu thông và an toàn hàng hải. Không chỉ dừng lại ở nguồn lợi thủy sản, Trung Quốc còn muốn độc chiếm vùng biển này và không giấu diếm tham vọng khai thác, sử dụng nó như “ao nhà” của họ. Mặc dù Trung Quốc vẫn thường xuyên kêu gọi các nước có tuyên bố chủ quyền cần phải đối thoại, sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Đồng thời, nước này cũng đã tham gia ký kết Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển (UNCLOS) lẫn Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Thế nhưng, trong thực tế, Trung Quốc lại có nhiều hành động đi ngược lại những tuyên bố trên.
Các diễn biến trên cho thấy khó có việc Trung Quốc sẽ tuân thủ những quy định, ứng xử mà quốc tế đặt ra về tranh chấp trên Biển Đông. Biểu hiện rõ nhất là nước này liên tục từ chối việc đưa tranh chấp ra tòa án quốc tế. Vì thế, nếu Việt Nam chỉ vận dụng các biện pháp phản đối trực tiếp đối với Trung Quốc thì xem như đúng ý đồ của họ và tự mình rơi vào “chiếc bẫy song phương”. Trong bối cảnh đó, một mặt Việt Nam cần có chiến lược lâu dài, bài bản giúp ngư dân đủ sức, đủ tự tin để ra khơi giữ biển, giữ ngư trường quen thuộc của cha ông; mặt khác Việt Nam cần chủ động hơn nữa để tranh chấp trên Biển Đông được phân xử công bằng theo luật quốc tế. Việt Nam cần lập tức kiến nghị, phản đối và yêu cầu Liên Hợp Quốc xử lý những hành vi của Trung Quốc xâm phạm đến chủ quyền Việt Nam; khởi kiện và yêu cầu Trung Quốc phải bồi thường cho ngư dân Việt Nam bị họ bắt bớ trái phép, bị ngược đãi và bị thiệt hại tài sản… chứ không chỉ dừng lại ở những phản kháng song phương. Tất cả những nỗ lực đó nhằm mục tiêu giúp cho cộng đồng thế giới hiểu rõ hơn về những hành động sai trái mà Trung Quốc gây ra trên Biển Đông. Theo các chuyên gia, về lâu dài, những kiến nghị, yêu cầu như thế sẽ tạo thành một chuỗi ràng buộc pháp lý đối với Trung Quốc một khi hồ sơ tranh chấp được đưa ra tòa án quốc tế.









Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012

Tất cả là một, một trong tất cả


Không hiểu từ bao giờ tôi luôn nghĩ về một thế giới mà các giác quan của loài người không thể cảm nhận được. Một thế giới ý niệm tồn tại vĩnh hằng bất di bất dịch, ngoài sự cảm nhận và hiểu biết của con người. Cái thế giới nhất thời mà mỗi chúng ta đang cảm nhận được bằng các giác quan của mình thực ra chỉ là một mớ hỗn độn, phù du, chỉ là sự phản ảnh mờ nhạt, méo mó của một thế giới đích thực. Tự nhiên vẫn luôn luôn có những bí ẩn được giấu kín mà tri thức thường nghiệm của con người không sao vươn tới được. Khoa học là con đường dài hun hút và con người khó có thể đi hết con đường đó một cách trọn vẹn bởi chính những lực cản xuất hiện từ bản thân họ. Vì luôn luôn có sự tác động giữa thế giới bên trong con người và thế giới bên ngoài, nên thực trạng không khỏi bị cái thế giới bên trong của các nhà khoa học, hay chính mỗi chúng ta, làm cho biến dạng. Cuối cùng chúng ta chỉ có thể nhìn thấy cái thế giới mà ta muốn thấy.
Thực tại phụ thuộc và gắn kết vào hành trang khái niệm của nhà khoa học. Điều này có thể thấy được qua định lý về tính không đầy đủ của nhà toán học Kurt Godel hay còn gọi là định lý bất toàn dẫn đến một hệ quả là lý trí có những giới hạn và nó không thể đạt tới chân lý tuyệt đối được. Ông giải thích: Người ta không chứng minh được một hệ thống là nhất quán và phi mâu thuẩn nếu chỉ dựa trên các tiên đề chứa trong hệ thống này. Để làm được điều này, cần phải ra ngoài hệ thống và áp đặt một hoặc nhiều tiên đề phụ ở bên ngoài hệ thống đó. Nói cách khác chân lý toàn bộ không được khoanh lại trong một hệ thống hữu hạn, toàn bộ hệ thống hữu hạn này là không đầy đủ.
Trên quan điểm Phật học mà nhìn nhận thì cả chủ thể nhận thức lẫn đối tượng nhận thức chỉ là một hệ thống, không thể hai. Đức Phật sau khi giác ngộ, đã tuyên bố rằng tất cả các pháp đều vô thường, vô ngã (nonself, anatta) và không có thực thể (egoless); hàm ý cho rằng tất cả hiện hữu đều do các nhân duyên tạo nên và tương duyên với nhau có tính chất vô thường, biến hoại và rổng không. Vạn pháp không có tự tính, biến dịch không ngừng, đủ duyên thì sinh khởi, hết duyên thì đoạn diệt. Tính chất chuyển hóa vô thường của vạn pháp là tự thân của luân hồi . Chừng nào mà thực chứng bằng con đường nội quán thì lúc đó ta mới nhổ gốc rễ của khổ đau, của vô minh vi tế nhất ra khỏi tâm trí để được giải thoát.
Tư tưởng của Kinh Hoa Nghiêm mô tả vạn pháp do tâm sinh ra. Tâm là thực thể của vạn pháp, tâm vọng thì vạn pháp hoạt hiện sai biệt, hình hình sắc sắc trùng trùng duyên khởi: cái này có thì cái kia có. Tâm bao trùm khắp pháp giới, thể tính của tâm thu nhiếp tất cả. Tất cả là một, một trong tất cả.
                           

Có thể vượt qua Trung Quốc


Ngô Nhân Dụng

“Việt Nam phải chạy đua kinh tế với Trung Quốc!” Nói thì dễ, nhưng có thể thực hiện được hay không? Có nhiều yếu tố cho thấy nước ta có khả năng đạt được mục tiêu đó. Với điều kiện chính quyền không ngăn cản tiềm năng phát triển của người dân, đặc biệt là các thanh niên sắp vào đời, và các nhà kinh doanh tư nhân.

Trước hết, nếu giả thiết Việt Nam và Trung Quốc cùng theo một tốc độ phát triển, thì trong một thế hệ nữa chắc chắn kinh tế nước ta sẽ bắt đầu vượt qua họ, nhờ một yếu tố hiển nhiên: Người Trung Quốc ngày càng già hơn. Tức là số người Trung Quốc làm việc sẽ ít đi; số người “nghỉ hưu” sẽ tăng lên. Hiện nay cứ 100 người Trung Hoa thì có 72 người đang trong tuổi làm việc; đến năm 2050, sẽ chỉ còn 61 người trong hoạt động sản xuất. Giống như cứ bẩy người đang làm việc họ sẽ mất một người. Từ nay đến năm 2050 số người Trung Hoa trong lớp tuổi 50 sắp nghỉ hưu sẽ tăng thêm 10%; còn những thanh niên trong lứa tuổi 20, mới bắt đầu bước vào thị trường lao động, sẽ giảm đi mất một nửa. Lứa tuổi đứng giữa (trung số, median) ở Trung Quốc hiện giờ là 34.5. Ðến năm 2050, lớp tuổi đứng giữa sẽ là 49 tuổi, tức là một nửa dân số già hơn và một nửa trẻ hơn lứa tuổi này!
Một nguyên nhân gây ra tình trạng người ăn vẫn đông mà người làm thì bớt đi, là chính sách một con thi hành từ lâu. Nhưng còn một lý do khác làm dân số Trung Quốc ngày càng già hơn, là phụ nữ bớt sinh đẻ. Cách đây 30 năm, một trăm đàn bà Trung Hoa sinh 260 đứa con; hiện nay họ chỉ còn sinh 156 con (Tỷ lệ sinh sản trung bình giảm từ 2.6 xuống 1.56). Từ năm 2015 đến 2020, tỷ lệ này sẽ còn xuống thấp đến 1.51 con mỗi bà. Những đứa trẻ đó lớn lên sẽ tiếp tục sinh ít con. Ở các thành phố lớn, tình trạng càng trầm trọng; năm 2010, tỷ lệ sinh sản của phụ nữ ở Thượng Hải là 0.6.
Ưu thế của Việt Nam là dân số trẻ hơn Trung Quốc; số người trong tuổi làm việc vẫn tiếp tục tăng lên trong khi bên Trung Quốc giảm đi. Lực lượng lao động rẻ tiền ở Trung Quốc hiện nay cạn dần, các công nhân tranh đấu đòi hỏi, trung bình lương tăng 20% một năm. Vì thế hiện nay nhiều công ty quốc tế như Nike đã bỏ Trung Quốc sang nước ta mở nhà máy lắp ráp, để tiếp tục được trả lương rất thấp.
Tất nhiên, người Việt Nam không thể nào cứ tiếp tục chạy sau Trung Quốc; họ bỏ rớt cái gì thì mình lượm! Chúng ta không thể cứ theo đuôi bắt chước họ, đem bán rẻ sức lực người lao động nước mình. Muốn chạy đua với Trung Quốc, nước ta phải tìm cách “đi bước trước!” Chúng ta có thể nhìn thấy cuộc cách mạng công nghiệp sắp tới tạo cơ hội cho các ngành hoạt động kinh tế mà chính Trung Quốc cũng chưa đặt chân vào. Trung Quốc đã chiếm ưu thế so với nước ta là vì họ đã bắt đầu làm ăn theo lối Mỹ từ năm 1978, trong lúc Việt Nam vẫn còn coi Liên Xô là khuôn mẫu để học tập. Nhưng từ khi cải cách kinh tế, Trung Quốc vẫn chỉ dựa trên nền kinh tế thế giới cũ, thiên về sản xuất, nhất là sản xuất hàng loạt, dùng số lớn để hàng được giá rẻ. Chính nền kinh tế cũ đó, bắt đầu từ thế kỷ 19, 20, hiện nay đang dần dần biến đổi. Sẽ đến ngày sản xuất hàng loạt không phải là sức mạnh nữa, vì không đem lại nhiều lợi lộc nhất. Kinh tế thế giới sẽ được địa phương hóa nhiều hơn, người tiêu thụ sẽ đòi hỏi được mua những thứ hàng thích hợp với cá tính của họ hơn; và họ sẵn sàng trả giá đắt hơn để nhu cầu này được thỏa mãn. Những nhà kinh doanh nào sớm bước chân vào các lãnh vực đó thì sẽ qua mặt các người kinh doanh khác.
Cần nhấn mạnh đến “các nhà kinh doanh”. Các quốc gia không sáng chế ra món hàng mới, không sản xuất và cũng không tiêu thụ hàng hóa. Chính các nhà kinh doanh vẽ kiểu các sản phẩm, thí nghiệm các thị trường, tìm cách thỏa mãn nhu cầu và sở thích người tiêu thụ. Các quốc gia không thể làm công việc đó. Muốn cho người Việt Nam qua mặt được người Trung Quốc trên mặt kinh tế thì phải tạo cơ hội, tạo ra những điều kiện để thanh niên nước mình được tự do học hỏi, phát triển khả năng, sáng kiến; và các nhà kinh doanh nước mình được tưởng thưởng theo khả năng chinh phục thị trường của họ, chứ không phải do quan hệ, chạy chọt, đút lót những kẻ quyền thế.
Một đặc điểm của cuộc cách mạng công nghiệp mới dựa trên tin học và Internet là những xí nghiệp nhỏ và trung bình cũng có hy vọng thành công, không thua gì các đại công ty lâu đời. Những công ty nhỏ không đòi hỏi số vốn cao, không đòi hỏi phải mua máy móc đắt tiền, lúc khởi sự cũng không cần đông người làm việc. Tất cả các công ty tin học và Internet lớn nhất bây giờ đều mới ra đời trong mấy chục năm qua, trong khi các đại công ty cùng ngành tin học cứ đứng tại chỗ, trố mắt nhìn “bọn trẻ” qua mặt mình.
Ngay bây giờ, tại thành phố New York đang sinh ra một “đợt sóng mới” các nhà kinh doanh tin học và Internet, không khác gì hiện tượng diễn ra ở thung lũng điện tử California trước đây 30 năm. Tại một số tòa nhà ở khu thuê nhà còn rẻ ở New York, có những công ty “khởi nghiệp” chen chúc nhau, mỗi công ty có thể chỉ thuê vài ba chỗ kê bàn làm việc. Trong 5 năm qua, có một ngàn công ty khởi nghiệp (start up), số làm nghề tin học tăng thêm gần 2,000 người. Hiện có 400 công ty khởi nghiệp trong một khu chung quanh Union Square; tại một ngôi nhà trên đại lộ Broadway có 8 công ty khởi nghiệp thuê văn phòng. Tại một ngôi nhà trên Phố 22, với một bàn ping pong, một phòng tắm hoa sen, một cây đàn guitar, và một bộ trống, chứa năm bẩy công ty nho nhỏ; trong đó có người ăn ngủ ngay tại trụ sở công ty để khỏi phải thuê nhà trọ. Tại ngôi nhà này, đã có một công ty start up khá thành công, được Google đề nghị mua để kết hợp lại; các “nhà kinh doanh trẻ” khác coi đó là dấu hiệu “phong thủy” ngôi nhà tốt!
Người ta chưa dám tiên đoán lớp kinh doanh trẻ ở New York này sẽ thành công ngoạn mục như lớp đàn anh ở Thung Lũng Silicon hay không; nhưng hiện tượng này đang được chú ý. Những chuyên gia tin học và kinh doanh này không được một chính quyền nào trợ cấp cả. Trong hàng trăm người đó dù chỉ có 3 đến 5 người hy vọng sẽ thành công ít nhiều, nhưng giới “đầu tư mạo hiểm” (venture capitalist) sẵn sàng đánh cá đem tiền đến góp. Ở nước Mỹ không phải chỉ có thành phố New York cung cấp những điều kiện cho các nhà kinh doanh kiểu này.
Tại Trung Quốc người ta chưa tạo được môi trường để sinh ra các hoạt động kinh doanh mạo hiểm và kích thích sáng kiến, phát minh như vậy. Bao nhiêu tài năng của giới trẻ bị lãng phí, bao nhiêu người có sẵn tiền để góp vốn nhưng không có cơ hội đầu tư, chỉ biết “khoe của” bằng việc xài sang, xây nhà, mua xe, mua cả máy bay để phô trương.
Ở Việt Nam cũng vậy. Nhưng chúng ta có thể thay đổi. Phải thay đổi mới hy vọng vượt qua Trung Quốc. Nếu một chính quyền Việt Nam trả tự do cho thanh niên có cơ hội học hỏi, nền giáo dục được mở rộng cho tư nhân đóng góp, cạnh tranh với nhau, thì giới chuyên viên nước ta, chỉ trong vòng mười đến hai chục năm, sẽ gia tăng không thua gì Sinpapore hay Hàn Quốc. Vừa rồi có cảnh cha mẹ học sinh xếp hàng từ đêm hôm trước để được nộp đơn cho con vào Trường Thực Nghiệm Hà Nội; chen lấn làm đổ cả cổng trường. Người ta tự hỏi tại sao trong mấy chục năm nay không có trường nào cố ngoi lên cạnh tranh với trường phổ thông cơ sở này? Nếu các trường tư được tự do hoạt động thì chắc chắn sẽ có; và đó chính là ưu điểm của kinh tế thị trường. Các học sinh trường này khi lên đại học sẽ ra sao? Hay là lại đua nhau xuất ngoại rồi ở lại nước ngoài luôn?
Nếu có một chính quyền ở Việt Nam trả tự do cho các doanh nhân thi đua khả năng mà không lo bị ai ăn cướp, ăn chặn, ăn hớt, đòi hối lộ, thì cũng chỉ cần 5 đến 10 năm nước ta sẽ có những người biết góp vốn cho những cuộc đầu tư mạo hiểm. Người ta chỉ dám mạo hiểm kiểu đó khi biết chắc rằng được đối xử công bằng theo luật lệ của cải được luật pháp bảo vệ.
Việt Nam có thể chạy đua và qua mặt Trung Quốc nếu nước ta đi bước trước, chỉ cần một bước mà thôi. Ðó là bước cải tổ chính trị. Ông Ôn Gia Bảo, thủ tướng Trung Quốc đang hô hào nước ông cải tổ chính trị, nhấn mạnh rằng nếu không thay đổi chính trị thì kinh tế sẽ bế tắc. Nước ta không cần nghe ai cả, hãy cứ theo lời khuyên của ông Ôn Gia Bảo. Nếu Việt Nam cải tổ chính trị sớm hơn Trung Quốc được 5, 10 năm thì chúng ta sẽ tạo được cơ hội cho kinh tế phát triển mạnh hơn, sẽ qua mặt Trung Quốc, bởi vì họ sẽ lâm vào bế tắc.
Dấu hiệu bế tắc đã bắt đầu xuất hiện với các thống kê kinh tế trong tuần qua. Tuy xe vẫn chạy nhưng tất cả đều giảm bớt tốc độ. Ðiều này cho thấy cả hệ thống đã lâm vào cảnh “hết hơi.” GDP Trung Quốc tăng lên với tỷ lệ 8.1%, thấp nhất kể từ năm 2009 đến nay. Trung Quốc dựa quá nhiều vào việc xuất cảng, nhưng số thương vụ xuất nhập cảng đều xuống thấp trong Tháng Tư vừa qua. Chính quyền Trung Quốc chuyển hướng sang việc tiêu thụ trong nước. Nhưng số hàng bán lẻ trong Tháng Tư chỉ tăng thêm 14%, tỷ lệ gia tăng thấp nhất kể từ đầu năm 2009. Số đầu tư vào tích sản cố định, ba tháng đầu năm ngoái tăng hơn 25%, năm nay chỉ tăng 20%. Ðầu tư vào nhà đất, bốn tháng đầu năm ngoái tăng 34%, năm nay chỉ tăng 19%. Số sản xuất công nghiệp tăng 9% trong Tháng Tư, tỷ lệ thấp nhất kể từ năm 2009. Một dấu hiệu kinh tế trì trệ là số điện lực sản xuất chỉ tăng dưới 1% trong Tháng Tư, so với năm ngoái đã tăng 7%. Thị trường địa ốc giảm mạnh nhất, vì các chính sách ngăn chặn đầu cơ. Số nhà bán giảm 15% so với năm ngoái.
Những con số trên không có nghĩa là kinh tế Trung Quốc sắp suy thoái. Chúng chỉ là dấu hiệu chứng tỏ “mô hình kinh tế Trung Quốc” đã sử dụng hết sức khả năng của nó; và sức sống đang cạn dần. Một chướng ngại cản trở kinh tế Trung Quốc là hệ thống ngân hàng quốc doanh. Vì chỉ lo chuyển tiền của dân cho các doanh nghiệp nhà nước tiêu phí nên các ngân hàng này sẽ gặp khủng hoảng hết vốn. Nhưng tai họa do các ngân hàng gây ra không nặng nề bằng nạn tham nhũng lạm quyền. Chính hệ thống tham nhũng sẽ giết chết “con gà đẻ trứng vàng” là các hoạt động kinh tế tư nhân. Ðảng Cộng Sản Trung Quốc không thể cải tổ được như Ôn Gia Bảo khuyến cáo, vì tất cả các quan chức cao cấp từ trung ương đến địa phương đang hưởng lợi trên hệ thống cai trị độc tài hiện tại. Họ sẽ chống lại tất cả các ý định cải tổ.
Cho nên, nước Việt Nam có cơ hội với triển vọng qua mặt Trung Quốc về kinh tế, nếu nước ta bước cải tổ sớm hơn. Việc cần làm ngay bây giờ là cải tổ giáo dục để huấn luyện các chuyên gia và các nhà kinh doanh trẻ. Khi xã hội công bằng hơn, luật lệ minh bạch và thi hành nghiêm chỉnh, khi người dân được làm ăn tự do hơn thì kinh tế phải phát triển tốt đẹp. Nếu không biết thay đổi sớm thì nước ta lại tiếp tục cảnh “theo đuôi” con voi Trung Quốc, chờ nó nhả miếng bã mía nào ra thì hít lấy! Người Việt Nam chẳng lẽ chịu nhục như vậy?

Thứ Tư, 9 tháng 5, 2012

Thiền chơi



Bữa kia gặp thầy VT. Vẫn bộ áo choàng nâu và chiếc mũ trùm đầu quen thuộc. Thầy vồn vã: “Tôi vừa mới đi chơi một vòng”. Thầy là vị tu sĩ kỳ lạ mà tôi từng biết. Hầu như lần gặp nào cũng là sau một chuyến du hành dài ngày, không ngơi nghỉ của Thầy. Đôi khi thấy Thầy đi vắng lâu quá, hỏi sư đệ Thầy thì được đáp: “Tôi cũng không có tin tức gì, đã lâu không thấy Thầy liên lạc, không biết giờ đang ở phương trời nao, sống chết ra sao?”. Không chỗ ở cố định, ngoại trừ một cái cốc thật nhỏ trong khuôn viên chùa LS chứa đầy tác phẩm thư pháp. Không điện thoại cố định hay di động. Chợt ẩn chợt hiện chẳng biết đâu mà lần.
Nhớ lần đầu tiên gặp Thầy khi Thầy đang nằm bò ra giữa sân chùa LS viết thư pháp tặng khách thập phương đến vãn cảnh. Đứng khá lâu để nhìn Thầy viết các con chữ theo nhiều kiểu cách khác nhau… Viết xong, Thầy ngẫng đầu lên nhìn tôi hỏi: “Anh có cần chữ không?”. Tôi đáp: “Thưa Thầy không ạ”. Lại hỏi: “Anh đến chùa có việc gì không?”. Đáp: “Dạ thưa Thầy không có việc gì ạ”. Lại hỏi: “Vậy anh đang làm gì ở đây?”. Đáp: “Dạ thưa Thầy, không làm gì cả”. Thầy cười lớn nói: “Vậy là được, không gì hết!”. Từ đó tôi trở thành người quen thân với Thầy thật tự nhiên.
“Du hí tam muội” cũng là thuật ngữ đầu tiên tôi được nghe từ Thầy. Thật ra Thầy nói đơn giản hơn, đó là “Thiền chơi”. Có một loại thiền gọi là thiền chơi. Sau này tra từ điển tôi thấy có nơi định nghĩa như sau: “Du hý có nghĩa là tự tại, không bị câu thúc. Du hý tam muội là một loại thiền định, trong đó thân tâm của người hành thiền hoàn toàn tự do tự tại. Kinh Pháp Bảo Đàn viết: “Người kiến tánh rồi, không đứng cũng được, đứng cũng được, đi lại tự do, không bị ngăn ngại, tùy công việc mà ứng dụng, tùy câu hỏi mà trả lời, hiện hóa thân khắp nơi mà không xa lìa tự tánh, tức là chứng được tự tại thần thông du hý tam muội”.
Lần gặp gần đây nhất ở chùa LS, Thầy đọc cho tôi nghe nấy câu sau: “Đến thăm chốc lát rồi đi; Trần gian quán trọ có gì lạ đâu; Non xanh nước biếc một màu; Lộ trình hành đạo lúc nào cũng chơi”. Thầy tóm tắt công phu “Thiền chơi” như vậy đó! 

Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Đức Thánh Trần ở Trường Sa


Một bức tượng của danh tướng Trần Hưng Đạo được nhân dân Nam Định (nơi phát tích của nhà Trần) tặng cho huyện đảo Trường Sa mới đây đã được làm lễ an vị trên đảo Song Tử Tây, một trong những xã đảo của quần đảo Trường Sa, Việt Nam. Tượng cao 11 mét làm bằng đá nguyên khối, thần thái hùng dũng, mặt hướng về phía Đông. Đây là bức tượng lớn nhất và mang nhiều ý nghĩa tâm linh trên quần đảo Trường Sa hiện nay.
Quốc công tiết chế Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn là một vị tướng lỗi lạc trong lịch sử Việt Nam và thế giới, đã nhiều lần phá tan quân Nguyên Mông đến từ phương Bắc và được nhân dân Việt Nam suy tôn là Đức Thánh Trần. Ông cũng được coi như là một nhà tư tưởng quân sự khởi xướng chủ trương quốc phòng toàn dân (“toàn dân vi binh”) và tổ chức thắng lợi các cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ đất nước. Đền thờ và tượng Trần Hưng Đạo từ hàng trăm năm qua đã được nhân dân ta xây dựng trên nhiều nơi ở mọi miền đất nước để tưởng nhớ công đức của bậc đại anh hùng dân tộc, một biểu trưng sáng chói về ý chí độc lập và khí phách anh hùng của dân tộc Việt Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Nay dựng tượng ông trên quần đảo Trường Sa là tiếp thêm ý chí và sức mạnh của cả dân tộc, ý chí và khí phách Việt Nam cho quân và dân các vùng hải đảo tiền tiêu, khẳng định quyết tâm đoàn kết giữ vững bờ cõi, biên cương lãnh thổ của Tổ quốc.
Có thể nói, tư tưởng quán xuyến suốt đời của Trần Hưng Đạo là một tấm lòng tận tụy với đất nước, là ý muốn đoàn kết các tầng lớp của dân tộc trở thành một lực lượng thống nhất và tinh thần yêu thương dân vô hạn. Cho nên trước khi lâm chung ông vẫn còn không quên dặn vua Trần Anh Tông rằng “phải khoan thư sức dân để làm kế rễ sâu bền gốc” cho sự nghiệp lâu dài của nước nhà. Ông cũng là một trong những điển hình trong lịch sử về chủ trương “chiêu hiền đãi sĩ”, biết tìm kiếm và sử dụng nhân tài giúp nước. Câu nói nổi tiếng của ông được nhiều sử gia ghi lại rằng: “Sở dĩ chim hồng hộc kia có thể bay cao là nhờ nó có 6 trụ xương cánh. Nếu không có 6 trụ cánh đó thì cũng chỉ là chim thường thôi”. Trong thực tế, nhiều nhân vật nổi tiếng đã từng tụ hội về dưới trướng làm môn khách của ông và khi cần thiết đã giúp ông hoàn thành các sứ mạng làm nên những trang sử vẽ vang cho dân tộc. Câu nói nổi tiếng trên gắn với câu chuyện Yết Kiêu giữ thuyền ở Bến Tân. Yết Kiêu và Dã Tượng là hai tướng tài giỏi của Trần Hưng Đạo. Khi quân Nguyên xâm lược nước ta, Yết Kiêu thừa lệnh Hưng Đạo Đại Vương giữ thuyền ở Bến Tân (trên sông Lục Nam) còn Dã Tượng đi theo Ngài. Lúc đầu quân Việt bị thua, thủy quân tan rã, Trần Hưng Đạo định rút quân bằng đường bộ vòng theo chân núi. Dã Tượng nói: “Yết Kiêu chưa thấy Đại vương thì nhất định sẽ không dời thuyền”. Vương theo lời đến Bãi Tân. Quả nhiên thuyền Yết Kiêu vẫn chờ ở đó. Nhờ thế kỵ binh quân Nguyên Mông không đuổi theo được, Đại Vương rút quân an toàn về Vạn Kiếp và chia quân đóng giữ vùng Bắc Giang. Để rồi sau đó cùng với ba quân tướng sĩ và toàn dân Việt tổ chức phản công đánh tan quân xâm luợc Nguyên Mông vốn được xem là mạnh nhất hành tinh bấy giờ.
Không chỉ biết trọng đãi nhân tài, thương yêu dân chúng và tướng sĩ như con, Trần Hưng Đạo còn là một tướng lĩnh tài ba có tấm lòng tha thiết luôn nghĩ về vận nước. Bài văn Hịch Tướng Sĩ cho thấy nỗi suy tư, trăn trở và tấm lòng đau đáu ấy của ông trước hiểm họa xâm lăng, mất nước mà ngày nay đọc lên vẫn còn thấy nóng bỏng tính thời sự. “Ta cùng các ngươi sinh ra phải thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi gian nan. Lén nhìn sứ ngụy đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn tấc lưỡi cú diều mà lăng nhục triều đình; đem tấm thân dê chó mà khinh rẻ tổ phụ. Ỷ mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa để phụng sự lòng tham khôn cùng; khoác hiệu Vân Nam Vương mà hạch bạc vàng, để vét kiệt của kho có hạn. Thật khác nào đem thịt ném cho hổ đói, tránh sao khỏi tai họa về sau. Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm…Nay các ngươi ngồi nhìn chủ nhục mà không biết lo; thân chịu quốc sỉ mà không biết thẹn. Làm tướng triều đình đứng hầu quân man mà không biết tức; nghe nhạc thái thường đãi yến sứ ngụy mà không biết căm. Có kẻ lấy việc chọi gà làm vui; có kẻ lấy việc cờ bạc làm thích. Có kẻ chăm lo vườn ruộng để cung phụng gia đình; có kẻ quyến luyến vợ con để thỏa lòng vị kỷ. Có kẻ tính đường sản nghiệp mà quên việc nước; có kẻ ham trò săn bắn mà trễ việc quân. Có kẻ thích rượu ngon; có kẻ mê giọng nhảm. Nếu bất chợt có giặc Mông Thát tràn sang thì cựa gà trống không đủ đâm thủng áo giáp của giặc; mẹo cờ bạc không đủ thi hành mưu lược nhà binh. Vườn ruộng nhiều không chuộc nổi tấm thân ngàn vàng; vợ con bận không ích gì cho việc quân quốc. Tiền của dẫu lắm không mua được đầu giặc; chó săn tuy hay không đuổi được quân thù. Chén rượu ngọt ngon không làm giặc say chết; giọng hát réo rắt không làm giặc điếc tai. Lúc bấy giờ chúa tôi nhà ta đều bị bắt, đau xót biết chừng nào! Chẳng những thái ấp của ta không còn mà bổng lộc các ngươi cũng thuộc về tay kẻ khác; chẳng những gia quyến của ta bị đuổi mà vợ con các ngươi cũng bị kẻ khác bắt đi; chẳng những xã tắc tổ tông ta bị kẻ khác giày xéo mà phần mộ cha ông các ngươi cũng bị kẻ khác bới đào; chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục đến trăm năm sau tiếng nhơ khôn rửa, tên xấu còn lưu, mà gia thanh các ngươi cũng không khỏi mang danh là tướng bại trận. Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi muốn vui chơi thỏa thích, phỏng có được chăng?”. Quyết tâm giữ nước, bảo vệ từng tấc đất, núi sông, bờ cõi của cha ông được Trần Hưng Đạo đúc kết trong câu nói nổi tiếng khi vua hỏi thế giặc đang mạnh nên hàng hay nên đánh: “Nếu bệ hạ muốn hàng xin hãy chặt đầu thần trước đã”.
Từ những trăn trở, bức xúc cho vận nước lâm nguy như vậy ông đã dày công biên soạn bộ “Binh thư yếu luợc”, một trong những cuốn binh pháp hàng đầu, để giúp cho tướng sĩ học tập, huấn luyện tăng cường kiến thức, kỹ năng chiến đấu tạo nên sức mạnh cho cuộc chiến tranh nhân dân bách chiến bách thắng. Binh Thư Yếu Lược đáng tiếc nay đã thất truyền, song tư tưởng về dụng binh, dùng người của Trần Hưng Đạo vẫn không hề mai một, luôn sáng chói tới mãi ngày nay. Đó là tư tưởng đoàn kết toàn dân tạo nên sức mạnh vô địch cho mọi thắng lợi vẽ vang của dân tộc trước họa ngoại xâm cũng như chủ  trương phải biết “khoan thư sức dân” trong phát triển hòa bình để làm kế “sâu rễ bền gốc”  như là thượng sách giữ nước.