Trang

Thứ Tư, 9 tháng 5, 2012

Thiền chơi



Bữa kia gặp thầy VT. Vẫn bộ áo choàng nâu và chiếc mũ trùm đầu quen thuộc. Thầy vồn vã: “Tôi vừa mới đi chơi một vòng”. Thầy là vị tu sĩ kỳ lạ mà tôi từng biết. Hầu như lần gặp nào cũng là sau một chuyến du hành dài ngày, không ngơi nghỉ của Thầy. Đôi khi thấy Thầy đi vắng lâu quá, hỏi sư đệ Thầy thì được đáp: “Tôi cũng không có tin tức gì, đã lâu không thấy Thầy liên lạc, không biết giờ đang ở phương trời nao, sống chết ra sao?”. Không chỗ ở cố định, ngoại trừ một cái cốc thật nhỏ trong khuôn viên chùa LS chứa đầy tác phẩm thư pháp. Không điện thoại cố định hay di động. Chợt ẩn chợt hiện chẳng biết đâu mà lần.
Nhớ lần đầu tiên gặp Thầy khi Thầy đang nằm bò ra giữa sân chùa LS viết thư pháp tặng khách thập phương đến vãn cảnh. Đứng khá lâu để nhìn Thầy viết các con chữ theo nhiều kiểu cách khác nhau… Viết xong, Thầy ngẫng đầu lên nhìn tôi hỏi: “Anh có cần chữ không?”. Tôi đáp: “Thưa Thầy không ạ”. Lại hỏi: “Anh đến chùa có việc gì không?”. Đáp: “Dạ thưa Thầy không có việc gì ạ”. Lại hỏi: “Vậy anh đang làm gì ở đây?”. Đáp: “Dạ thưa Thầy, không làm gì cả”. Thầy cười lớn nói: “Vậy là được, không gì hết!”. Từ đó tôi trở thành người quen thân với Thầy thật tự nhiên.
“Du hí tam muội” cũng là thuật ngữ đầu tiên tôi được nghe từ Thầy. Thật ra Thầy nói đơn giản hơn, đó là “Thiền chơi”. Có một loại thiền gọi là thiền chơi. Sau này tra từ điển tôi thấy có nơi định nghĩa như sau: “Du hý có nghĩa là tự tại, không bị câu thúc. Du hý tam muội là một loại thiền định, trong đó thân tâm của người hành thiền hoàn toàn tự do tự tại. Kinh Pháp Bảo Đàn viết: “Người kiến tánh rồi, không đứng cũng được, đứng cũng được, đi lại tự do, không bị ngăn ngại, tùy công việc mà ứng dụng, tùy câu hỏi mà trả lời, hiện hóa thân khắp nơi mà không xa lìa tự tánh, tức là chứng được tự tại thần thông du hý tam muội”.
Lần gặp gần đây nhất ở chùa LS, Thầy đọc cho tôi nghe nấy câu sau: “Đến thăm chốc lát rồi đi; Trần gian quán trọ có gì lạ đâu; Non xanh nước biếc một màu; Lộ trình hành đạo lúc nào cũng chơi”. Thầy tóm tắt công phu “Thiền chơi” như vậy đó! 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét