Trang

Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2012

Thiên cơ bất khả lộ?


Xác nhận của Nhà giáo Nhân dân GS.TSKH Lê Du Phong, từng là Quyền hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân về hồ sơ dự tuyển tiến sĩ của ông Nguyễn Xuân Huy (Trưởng Ban Tuyên truyền, Quảng cáo và Phát hành của báo Đại Đoàn Kết, ông này khai man trong lý lịch là Phó Tổng biên tập và được sự xác nhận của Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết):



Đây là lý lịch trích ngang của A. Huy do Viện Đào tạo sau Đại học cung cấp cho các thành viên Hội đồng tuyển NCS (nghiên cứu sinh)  của Khoa - Khoa học quản lý. Theo quy định, để được dự tuyển, NCS phải nộp lý lịch có xác nhận của cơ quan cử đi học, kèm theo các văn bằng, chứng chỉ đã có – các bài báo đã được đăng tải.
Sau khi báo Người Cao Tuổi nêu những sai phạm của A. Huy, trong đó có việc khai man lý lịch. A. Huy đã vội vã xuống trường xin rút lại hồ sơ gốc. Bản lý lịch trích ngang này các thành viên hội đồng đều có. Và đây là bản PSG-TS Nguyễn Thị Ngọc Huyền, Chủ nhiệm Khoa Khoa học quản lý đã gởi cho tôi.
Ngày 12/6/2012
GS.TSKH Lê Du Phong (đã ký)

Như vậy có thể hiểu rằng hiện báo Người Cao Tuổi ít nhất đã có bộ hồ sơ dự tuyển NCS tiến sĩ của ông Huy do các thành viên trong hội đồng xét tuyển cung cấp và có xác nhận sự thật này. Ngoài ra, báo này còn hồ sơ gì nữa không thì chắc là phải chờ xem, thiên cơ bất khả lộ!

Xem thêm thông tin về Nhà giáo Nhân dân, GS.TSKH Lê Du Phong:

Nhà giáo Nhân dân, GS.TSKH Lê Du Phong: “Những thông tin Báo nêu là có căn cứ”...
Thời gian qua, Báo Người cao tuổi có loạt bài điều tra về những sai phạm của một số cá nhân ở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, được đa số cán bộ, giáo viên, cựu giáo chức nhà trường đồng tình.

Ngược lại, Báo cũng phải đối mặt với sự phản ứng của nhóm người sai phạm núp dưới danh nghĩa tập thể nhà trường. Nhà giáo Nhân dân, GS.TSKH Lê Du Phong (GS.TSKH LDP), từng là quyền Hiệu trưởng khẳng định: Thông tin Báo nêu là có căn cứ...
PV: - Thưa Giáo sư! Được biết là người nhiều năm gắn bó với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, từng giữ cương vị lãnh đạo. Xin Giáo sư đánh giá về sự phát triển của nhà trường trong 56 năm qua?
GS.TSKH LDP: - Tôi là người gắn bó cả đời với sự phát triển của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Trường có 56 năm xây dựng và phát triển, bản thân tôi cũng 40 năm làm việc vì mái trường thân yêu này. Phải nói rằng, nhiều thế hệ thầy và trò phấn đấu không mệt mỏi, đưa nhà trường từ một cơ sở bồi dưỡng cán bộ kinh tế cho miền Bắc, chỉ với gần 200 cán bộ, giảng viên, việc giảng dạy phải dựa nhiều vào các chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc nay trở thành một trường trọng điểm quốc gia, đứng đầu trong khối các trường Đại học kinh tế và Quản trị Kinh doanh. Đội ngũ giảng viên có lúc gần 30 Giáo sư, gần 100 Phó Giáo sư và trên 200 Tiến sĩ. Trường đã đào tạo cho đất nước trên 100 nghìn cử nhân kinh tế các hệ, gần 10 nghìn Thạc sĩ và gần 1.000 Tiến sĩ…
Đại học Kinh tế Quốc dân cũng là một trung tâm nghiên cứu khoa học lớn, được Nhà nước giao nghiên cứu nhiều công trình khoa học, tham gia soạn thảo nhiều văn kiện, Nghị quyết và chính sách kinh tế - xã hội quan trọng phục vụ sự phát triển của nước nhà. Trường cũng hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học với nhiều trường Đại học, Viện Nghiên cứu trong nước và các tổ chức quốc tế. Vị thế của nhà trường không những được khẳng định ở trong nước, mà còn cả trong khu vực và thế giới. Nhà trường từng được Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lao động thời kì đổi mới.
Tất nhiên, trong quá trình xây dựng đi lên, cũng có lúc nhà trường gặp khó khăn, trở ngại. Song bằng nỗ lực của tập thể lãnh đạo, các khó khăn, trở ngại bị đẩy lùi, phát triển vẫn là xu hướng chính.
Nhà giáo Nhân dân, GS.TSKH Lê Du Phong.
PV: - Điều gì khiến Giáo sư viết đơn tố cáo một số cán bộ về những sai phạm ở một ngôi trường mà mình đã gắn bó cả đời và hết lòng yêu quý?
GS.TSKH LDP: - Chính vì cả đời gắn bó với nhà trường, đồng thời cũng phải trân trọng, giữ gìn, bảo vệ những thành quả của nhiều thế hệ cán bộ, giáo viên và sinh viên đã đóng góp cho sự phát triển trong 56 năm qua (trong đó có một số không nhỏ đã hi sinh ngoài mặt trận), đồng thời phải tiếp tục phát huy vai trò của Nhà trường đối với xã hội, nên tôi buộc phải viết đơn tố cáo những sai phạm nghiêm trọng, có tổ chức của một số cán bộ đương nhiệm hiện nay.
PV: - Nghe nói Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nam từng là học trò của Giáo sư, được Giáo sư giới thiệu, dìu dắt; thời gian đầu nhiệm kì, ông Nam được Giáo sư khuyên bảo nhiều, nhưng ông không tiếp thu. Theo Giáo sư, nguyên nhân nào khiến ông Nam trở nên độc đoán và có nhiều sai phạm đến vậy?
GS.TSKH LDP: - Phải nói rằng, tôi và GS Nguyễn Văn Nam đã có một thời gian dài quan hệ khá mật thiết với nhau (cả trong quan hệ công tác và gia đình). Tôi cũng tích cực ủng hộ GS Nguyễn Văn Nam giữ chức Hiệu trưởng nhiệm kì 2008 - 2013. GS Nam nhậm chức ngày 1-7-2008, chúng tôi rất vui và hi vọng nhà trường sẽ có sự phát triển tốt hơn. Hầu như cứ 3 tháng một lần, tôi và một vài lãnh đạo cũ của trường gặp GS Nam để trao đổi về những việc GS làm được, những việc còn hạn chế, cần khắc phục và hướng 3 tháng tới nên làm gì? v.v... Tối 28 tháng Chạp âm lịch năm 2009 (khoảng giữa tháng 2-2010), chúng tôi còn gặp nhau trao đổi rất chân tình.
Khi ông ta đột ngột cho PGS.TS Phạm Ngọc Linh thôi chức Trưởng phòng Tổ chức cán bộ. 8 giờ sáng, ông Nam còn uống nước trà với ông Linh. 9 giờ sáng, GS Nam gọi ông Linh sang phòng và tuyên bố cho ông Linh thôi chức Trưởng phòng, sau đó thông báo cho Thường vụ Đảng uỷ, Ban Giám hiệu, tự tay ông Nam đi lấy số quyết định, đóng dấu và chiều họp cán bộ chủ chốt công bố luôn (tôi đã có đơn gửi cho đồng chí Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội và đồng chí Phạm Vũ Luận, lúc đó là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét vấn đề này). Sau vụ đó, ông Nam và ê-kíp của ông ta không còn nghe ý kiến đóng góp của những người tâm huyết nữa, liên tục phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác, điều hành về nguyên tắc, độc đoán đến kì cục...
Vì sao ông Nam lại trở nên độc đoán và có nhiều sai phạm như vậy? Nhiều người trong trường cho rằng có hai nguyên nhân. Một là, do khối u trong đầu phát triển trở lại, ảnh hưởng nhiều đến suy nghĩ của ông Nam. Năm 2006, GS Nam bị khối u rất to ở não, nó chèn ép khiến ông ta đi lại nhiều lần bị ngã. Sau đó, được Bệnh viện Việt Đức mổ kéo dài hơn 15 tiếng đồng hồ. Đúng ra, Bộ không nên đề bạt một người từng có bệnh trọng như thế. Hai là, GS Nam bị một số người gài bẫy, rồi họ khống chế bắt phải làm theo họ. Khi con người đã có quyền, quyền lại tạo ra tiền, mà thiếu sự phấn đấu rèn luyện thì rất dễ bị sa ngã. Quyền và tiền làm cho người ta bất chấp cả nguyên tắc, pháp luật và đạo lí.
PV: - Giáo sư nhận xét gì về sự đúng - sai của các thông tin đăng trên Báo Người cao tuổi, về những sai phạm xảy ra ở trường, Giáo sư có kiến nghị gì với các cơ quan chức năng xử lí các sai phạm đó?
GS.TSKH LDP: - Tôi đã đọc tất cả các bài viết đăng trên Báo Người cao tuổi. Tôi cho rằng các thông tin Báo đưa chuẩn xác, đều có cơ sở, mức độ cụ thể thế nào phải do các cơ quan chức năng có trách nhiệm xác định. Tôi thấy buồn và thất vọng về cách ứng xử của nhóm người mang danh Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Thứ nhất là Báo nêu sai phạm của cá nhân tại sao lại lôi cả tập thể nhà trường phản ứng với báo chí như vậy? Thứ hai, Báo nêu, ở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu, các phòng ban đều bị vô hiệu hoá. Họ làm văn bản là Báo “vu khống”. Tôi cho rằng, tất cả những việc làm của một nhóm người từ khi báo đăng, cũng đã tự khẳng định báo nêu là đúng sự thật, như người xưa nói “có tật giật mình”. Trường có Ủy ban Kiểm tra Đảng uỷ, Cán bộ viên chức có Ban Thanh tra, Chính quyền có Phòng Thanh tra. Sau khi báo nêu những sai phạm của vài cán bộ nhà trường, các cơ quan đó không đứng ra làm việc với các báo, mà lại chỉ thấy Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, người bị tố cáo và báo chí nêu nhiều nhất về các sai phạm? Công văn của nhà trường khiếu nại Báo Người cao tuổi do một Phó Hiệu trưởng kí, nhưng cả 10 trang văn bản này đều có chữ kí nháy của ông Nguyễn Đức Hiển. Họ đã cài bẫy ông Phó Hiệu trưởng, kéo ông vào cuộc bảo vệ vô lối cho họ.
Sau khi báo đăng tải những sai phạm của nhóm người ở trường Đại học Kinh tế Quốc dân, bản thân tôi (chắc là cả quý báo nữa) tiếp tục nhận được nhiều đơn thư của cán bộ, giáo viên nhà trường tố cáo về những sai phạm của GS Nam và nhóm thân cận. Những điều mà họ biết nhưng vì nhiều lí do không dám nói, chưa nói, hoặc chưa có điều kiện để nói. Điều này càng khẳng định thêm những thông tin của Báo đưa là có căn cứ.
Tôi đề nghị các cơ quan chức năng như Thành uỷ Hà Nội; Bộ Giáo dục và Đào tạo; ngành Công an nên vào cuộc điều tra, xem xét, xử lí nghiêm theo đúng quy định của pháp luật và tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (Khoá XI) đã đề ra.
PV: - Cảm ơn Giáo sư!
Hoàng Linh - Quang Thuận(Thực hiện)





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét