Trang

Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

Sàng lọc thông điệp của Chủ tịch Sang


Tôi không muốn sa đà vào các chi tiết vụn vặt như kiểu nhận xét “Chủ tịch nước tập làm văn”; hay đánh giá bài viết quan trọng của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng tám và Quốc khánh 2/9 năm nay là mang đậm chất tình cảm, lan man, theo kiểu "tức cảnh sinh tình". Chủ tịch nước cũng là người và chắc rằng ông cũng có cách thể hiện mình theo kiểu của riêng ông.

Hơn nữa, tôi hiểu các chính khách ở Việt Nam không phải dễ dàng gì có thể phát biểu thẳng thắn  suy nghĩ thật của mình trước bàn dân thiên hạ như là các chính khách phương Tây hoặc của Hoa Kỳ như TT Obama chẳng hạn. Diễn từ của các chính khách phương Tây vốn có truyền thống tự do và tôn trọng dân chủ chắc chắn không cần phải lòng vòng rào trước đón sau, buộc người nghe (hay đọc) phải biết cách mà tự sàng lọc để “đãi cát tìm vàng”. Dẫu rằng đôi khi sàng mãi hàng trăm tấn cát rồi cuối cùng chẳng thấy vàng đâu, cứ như là “dã tràng se cát Biển Đông” vậy.

Thế nhưng, trong bài phát biểu của ông Sang mới đây, tôi thấy trong rất nhiều cát (rất nhiều, như một số blogger đã phân tích)  đã xuất hiện không ít  “vàng”.

Vàng thứ nhất, chính là cái mà nhiều blogger phê phán: chất trữ tình của bài phát biểu. Tôi nghĩ rằng chất trữ tình này của bài phát biểu không phải là chuyện ngẫu nhiên, lan man cho có chuyện để nói. Từ lâu rồi các nhà lãnh đạo Việt Nam hầu như đã bỏ quân điều này: cái tình tự dân tộc, cái tình làng nghĩa xóm trong câu chuyện quốc gia đại sự. Từ lâu rồi, kể từ khi các nhà lãnh đạo Đảng CS Việt Nam tự cho mình cái quyền tối thượng bất khả xâm phạm về chân lý, mọi điều mà lãnh đạo Đảng nói ra chỉ có đúng, không có sai cho nên không cần phải truyền cảm, tâm tình mà chỉ cần mệnh lệnh. Ông Sang đã làm điều ngược lại, ông thích tâm tình trước khi đi vào một số điều hết sức căn bản và cốt lõi của đất nước, của Đảng.

Ai đó thấy lạ. Song với người dân Nam Bộ, yêu thích cải lương và các nghệ sĩ tài tử dân gian, thì đây chính là khúc dạo đầu cho sáu câu vọng cổ.

Tại sao khi một nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước muốn làm một cái chuyện thật bình thường là cởi tấm lòng mình ra, tâm tình với mọi công dân thì ta lại thấy không bình thường? Sao ta lại đòi hỏi ông ta phải cứng nhắc và khuôn sáo như mọi khi, như thói quen đã từng diễn ra hàng mấy thập kỷ qua, đến mức ta quên đi tình làng nghĩa xóm?

Nhưng thôi, hãy xem chúng ta có gì từ bài phát biểu mà không ít người chê là lượm thượm này.

Về đối nội, Chủ tịch Sang công khai thừa nhận “có không ít những sai lầm khuyết điểm, phải sửa sai như trong cải cách ruộng đất, sửa sai những khuyết điểm chủ quan duy ý chí trong lãnh đạo, quản lý và cơ chế chính sách khiến cho kinh tế - xã hội lâm vào khủng hoang trầm trọng thời điểm trước Đại hội VI (1986)”

Thú vị là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang không ngần ngại so sánh “Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo hơn hai thập kỷ qua, giống như một cỗ xe chưa hoàn thiện nhưng đang chạy với tốc độ nhanh, thành công nhiều mà khó khăn cũng lắm”. Sự so sánh này là mượn phương pháp ẩn dụ theo kiểu ý tại ngôn ngoại mà nhiều văn thi nhân xưa và nay vẫn áp dụng để nói lên được nhiều điều khó nói. Cỗ xe chưa hoàn thiện mà đòi chạy nhanh hết cỡ để đua với hàng xóm thì chuyện gì xảy ra chắc ai cũng rõ. Cỗ xe chưa hoàn thiện mà đòi chạy thật nhanh với tốc độ kỷ lục trong thật nhiều năm chỉ là kỳ vọng phi lý. Ai cũng thấy chuyện  đó.

Và ngay lập tức, ông Sang lý giải bằng một nhận định thuộc về thẩm quyền của mình “việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN còn nhiều hạn chế, có nguyên nhân khách quan nhưng chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan”. Vậy là quá rõ rồi còn gì.  Người đọc (hay người nghe) còn đòi hỏi gì nữa về sự thẳng thắn vốn không phải là phương châm được coi trọng của các chính khách Việt Nam trong suốt nhiều thập kỷ qua?

Nhất là sau những phân tích vòng vèo đó, ông Sang đã đi tới nhận định: “tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định chính trị - xã hội và đe dọa chủ quyền quốc gia”.

Nhận định quá rõ ràng: nội vụ thì nhiều nguy cơ gây mất ổn định chính trị -xã hội; ngoại vụ thì đe dọa chủ quyền quốc gia. Thông điệp này cảnh báo không chỉ có quá nhiều thù trong mà còn có cả giặc ngoài đang lăm le “nội công ngoại kích”.

Rõ ràng hơn khi Chủ tịch Sang không ngần ngại gì mà nói thẳng: “Xuất hiện những người có tư tưởng xa lạ, chỉ luôn rình rập mọi sơ hở để chống đối, để “chọc gậy bánh xe”, thậm chí “để cõng rắn cắn gà nhà”...”. Nghe (đọc) tới đoạn này chột nghĩ ngay tới tinh thần và hào khí “Hịch tướng sĩ” của Hưng đạo Đại vương.

Ai có khả năng “chọc gậy bánh xe”, và ai mới có khả năng “cõng rắn cắn gà nhà”? Chắc chắn không phải là nhân dân. Mà phải là quan chức. Chức càng to khả năng chọc bánh xe, khả năng cõng rắn cắn gà nhà càng lớn. Về chuyện này, Chủ tịch Sang đã nói thẳng về nội bộ của mình, của Đảng CS Việt Nam hiện nay. Có không ít bộ phận quan chức cao cấp hiện “ngó thấy sứ giặc đi lại nghênh nganh, sĩ mắng triêu đình mà không biết nhục”. Thậm chí “lấy việc chọi gà làm vui đùa, lấy việc săn thú làm cuộc vui vẻ”... chưa kể ngày nay không chỉ săn thú mà còn săn cả người đẹp các kiểu, săn vàng và USD... vô hạn.

“Nếu chỉ cố gắng như những năm vừa qua không còn đủ nữa, mà phải đổi mới quyết liệt để theo kịp bước tiến thời đại, phải tiến hành những giải pháp đồng bộ trong mọi lĩnh vực”.  Thông điệp ngày càng trở nên qua rõ ràng, ai không hiểu thì chỉ là không muốn hiểu. Tất cả những gì mà Việt Nam đã làm trong suốt hơn hai mươi năm đồi mới vừa qua là chưa đủ, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển và đòi hỏi của thời đại. Yêu cầu của phát triển là phải xây dựng một đất nước Việt Nam “dân chủ, công bằng và văn minh”, đủ sức mạnh để bảo vệ “độc lập và chủ quyền” lãnh thổ. Muốn vậy, không chỉ thay đổi nữa vời, đổi mới cục bộ nữa mà cần có chiến lược thay đổi toàn diện, trên mọi lĩnh vực. Trong đó chắ chắn phải có đồi mới về chính trị, vì đó là điều kiện tiên quyết đề đồi mới toàn diện kinh tế và xã hội.

Đổi mới chính trị không phai là một giấc mơ, càng không phải là một mong muốn chủ quan nhất thời, nôn nóng mà được. Bắt đầu từ các đổi mới cơ bản về nền tảng pháp lý tạo dựng và điều chỉnh các hoạt động của nhà nước. Trong bối cảnh Việt Nam ngày nay còn là Luật cho các hoạt động lãnh đạo xã hội của Đảng CS Việt Nam.

Chỉnh đốn Đảng không chỉ dừng lại ở các hoạt động tự phê và phê bình lẫn nhau trong nội bộ Đảng mà lâu dài là phải tiến tới việc pháp điển hóa các hoạt động lãnh đạo của Đảng. Khi đó, các hoạt động của tổ chức đảng các cấp hay của từng cá nhân đảng viên đảng CS đều phải tuân thủ phát luật duy nhất của Nhà nước CHXHCNVN. Không có chuyện, bất cứ cá nhân nào có thể, có quyền và khả năng đứng trên luật pháp.

 “Cội nguồn sức mạnh của Đảng chính là từ sự gắn bó máu thịt với nhân dân”. Đảng cũng từ nhân dân mà ra, Đảng có tôn chỉ mục đích hàng đầu là phục vụ nhân dân và Tổ quốc thì mới có lý do chính đáng để tồn tại. Đảng không làm được chuyện này là tự mình tới đứng bên bờ vực thẩm.

Chủ tịch Sang phát biểu trọng tình như mọi người Việt Nam khác là bình thường. Ông kêu gọi đoàn kết, yêu thương nhau để cùng nhau vượt qua thử thách, cùng nhau đưa đất nước tới gần hơn với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh. dân chủ, công bằng và văn minh”. Nhưng trước đó ông không quên nhắc nhở rằng, nhiều giá trị xã hội đang đảo lộn và bị xem thường tới mức kỷ cương, luật pháp, đạo đức xã hộ bị xói mòn nghiêm trọng.

Làm chuyện lớn, không quên chuyện nhỏ. Và từ những thành quả nhỏ mới có thễ dẫn tới các kết quả lớn.

Quan trọng nhất bây giờ là “phải hình thành các điều kiện để làm xuất hiện những hành vi tích cực của toàn Đảng, toàn dân cho đất nước, cho việc củng cố và xây dựng Nhà nước ta ngày càng trong sạch vững mạnh”.

Quả bóng này đang nằm trong chân của các chính khách như ông Sang. Nếu quý ông biết giao bóng, thì nhân dân tức khắc biết nhận bóng và sẽ đưa bóng về đích.

Niềm hy vọng dù sao vẫn leo lét trong đêm tối mịt  mùng, còn hơn không còn một chút ánh sáng nào cuối đường hầm.

Thông điệp dông dài, đẩy đưa, song vẫn cứ là thông điệp nếu bạn biết chắt lọc và sàng sẫy sau hàng ngàn tấn quặng vậy!

"Tương lai đang vẫy gọi và thúc giục chúng ta viết nên những trang sử mới!".

Vâng, bất cứ người Việt Nam nào cũng có thể tham gia viết nên những trang sử mới này. Nếu chúng ta không thờ ơ với vận mệnh của đất nước với tiền đồ của dân tộc mà chắc rằng trong đó có bản thân ta và gia đình ta. 

2 nhận xét:

  1. Bài phân tích hay, nhưng cho Sông hỏi: Lại một tên dân Đại Đoàn Kết nửa phỏng? Đảo ngũ hay chưa hở bác??

    Trả lờiXóa