Trang

Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ


Một cuộc đấu giá về bản phục chế cuộn thư họa Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ tại Trung Quốc đã gây xôn xao dư luận trong thời gian vừa qua.
Bức tranh được hoàn thành vào năm 1363 bởi họa sư Trần Giám Như, sau đó được các danh sĩ đời Minh viết nốt thêm lời bình dẫn, tôn vinh Trúc Lâm đại sĩ. Thư pháp đặc sắc của họ hợp cùng họa phẩm tạo nên một chỉnh thể nghệ thuật thư – họa, có tổng chiều dài lên đến 3m.
Nhân vật chính trong bức họa là Phật hoàng Trần Nhân Tông. Bức họa miêu tả lúc Phật hoàng Trần Nhân Tông từ động Vũ Lâm xuất du xuống núi. Đại sĩ ngồi trên cáng, còn các tùy tùng đều khoác áo tăng. Voi trắng chở kinh đi ở sau cùng. Phía trước voi có người đội mũ vàng, cưỡi trâu, ấy hẳn là đạo sĩ Lâm Thời Vũ. Cung nghênh trên đường chính là con của Trúc Lâm đại sĩ, người nối ngôi, thay cha trị nước, tức là vua Trần Anh Tông.
Số phận của bức tranh chìm nổi theo thời gian. Từ  đời Minh sang đời Thanh nó vẫn được lưu giữ như quốc bảo. Năm 1922, hoàng đế cuối cùng nhà Thanh là Phổ Nghi tuy đã thoái vị nhưng vẫn ở trong Tử cấm thành, nhân đó bí mật “tuồn” ra ngoài hơn 1.300 bảo vật, trong đó có cả bức thư họa này. Lưu lạc trong chiến cuộc, đến năm 1949, số báu vật này mới được đưa vào Bảo tàng Đông Bắc (nay là Bảo tàng Liêu Ninh) lưu giữ, công chúng không mấy dịp được chiêm ngưỡng nữa. Bức Trúc Lâm đại sĩ cũng vì thế mà biệt tích. Năm 2004, Bảo tàng Liêu Ninh triển lãm và công bố các báu vật bị thất tán thời Phổ Nghi, nhưng cũng phải đến cuộc đấu giá vào tháng 4-2012 vừa qua, công chúng mới được thấy hình ảnh của Trúc Lâm đại sĩ đăng tải rộng rãi trên Internet.
Sau những phát hiện trên của nhà nghiên cứu Nguyễn Nam về bức tranh cổ quý giá này (phiên bản cao cấp) được bán đấu giá ở Trung Quốc vừa qua, nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Huy, một người cũng theo dõi về các cổ vật thời Trần, đã cung cấp thêm một số chi tiết về Trần Giám Như – tác giả bức tranh quý hiếm này. Trần Giám Như là họa sư đời Nguyên và cũng là người dòng tộc họ Trần, sang Trung nguyên sinh sống lâu dài.
Ngoài bức tranh nổi tiếng trên, Trần Giám Như  còn là tác giả một số chân dung các nhân vật người Việt và người Cao Ly  (TriềuTiên), phải sống lưu vong ở Trung Quốc thời kỳ đó.
Để độc giả có cơ hội tìm hiểu và chiêm ngưỡng các chi tiết cuả bức tranh quý, xin cung cấp thêm những hình ảnh trích đoạn từ bức thư họaTrúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ, mà Trần Phước Huy gọi là một  "cuộn tranh” dài tới 3 mét này. Một số hình ảnh khắc họa rõ nét hơn như Đạo sĩ người Trung nguyên Lâm Thời Vũ cưỡi trâu đi trước, hình ảnh voi trắng chở kinh đi sau cùng, các nhà sư mặc y phục đặc trưng là người phương Nam, khác với sư ở Trung nguyên. Còn có hình ảnh nghiên mực bằng đá, xung quanh có khắc các trích đoạn tranh “Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ”. Tác phẩm được chế tác vào đời Vĩnh Lạc nhà Minh ( 1402 – 1424), sau này còn được phỏng tác lại nhiều lần, đến tận đời Càn Long nhà Thanh còn được làm bằng gốm sứ.
Sau đây là một số ảnh trích đoạn:
Trúc Lâm đại sĩ ngồi trên cáng cùng các nhà sư và đồ đệ, đi dưới vòm tùng cổ thụ Yên Tử.
Voi trắng chở kinh đi sau cùng. Các nhà sư mặc y phục đặc trưng là người phương Nam, khác với sư ở Trung nguyên.

                               
                               Đạo sĩ người Trung nguyên Lâm Thời Vũ cưỡi trâu đi trước.

Vua Trần Anh Tông, con của Thượng hoàng Trần Nhân Tông cùng các tùy tùng cung nghinh Thượng hoàng, lúc này đã là Phật hoàng,  khi Người xuống núi (Vua Trần Anh Tông là người đứng ở giữa, chắp tay cung kính).


Nghiên mực bằng đá, xung quanh có khắc các trích đoạn tranh ” Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ”. Tác phẩm được chế tác vào đời Vĩnh Lạc nhà Minh ( 1402 – 1424 ), sau này còn được phỏng tác lại nhiều lần, đến tận đời Càn Long nhà Thanh còn được làm bằng gốm sứ…
Hoàng Lan (tổng hợp và sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét