Trang

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012

Hiểm họa "Đại Háng"

Một buổi trưa nóng nực, Thày Tư Bảy Núi đang nằm ngủ, ngáy khò khò vang rền trời đất. Bỗng thằng cháu chay vô hớt hải :

-         Nguy rồi! bác Tư! Sắp oánh giặc!

Thày Tư mắt nhắm mắt mở, ngáp dài :

-         Trung Quốc nó sửa soạn chiếm nước mình !
-         Giờ này mà oánh cái gì mậy ? Nóng thấy mồ tổ !  Rồi sao ? Nhựt Bổn, Pháp, chiếm rồi cũng cuốn dzó bỏ đi ...
-         Lần này có hiểm họa diệt vong !
-         Mày có bao giờ thấy một nước gần chín chục triệu dân sớm chiều biến mất trên bản đồ chưa ?
-         Tụi Đại Háng nó đồng hóa mình ...
-         Ba trợn như mày nó đồng hóa được cũng trần ai ! Mà mày nói Đại Háng là đứa nào? Cái thằng A Sồi, hồi nhỏ chuyên phá làng phá xóm với mày đó, nó có Đại Háng hông ?
-         Thằng đó nước Hẹ mà, đâu phải Đại Háng.
-         Còn cái thằng áo thung ba lỗ, tối ngày la cà tứ đổ tường với mày, nó có Đại Háng hông ?
-         Thằng đó Guảng Đông, Đại Háng gì.
-         Còn thằng cha bán cao đơn hoàn tán dưới phố, hồi năm ngoái mày đi oánh lộn trặc trẹo chi đó, giã bẻ xương cho mày đó, nhớ hông ?
-         À ông Thày đó người Sơn Đông mà, hiền như cục đất, hổng phải Đại Háng đâu bác Tư ! Đức Khổng Tử cùng quê với ổng đó !
-         Dzậy con mẹ bán quán đầu chợ, có má lúm đồng tiền, chiều nào mày cũng lên đó thả dê, có Đại Háng hông mậy ?
-         Đàn bà mà Đại Háng sao được bác Tư ? Dí lợi con mẹ đó nó ... Phước Kiến.
-         Thằng Tiều bán chạp phô đầu xóm có Đại Háng hông ?
-         Ối, thằng ông nội đó mà Đại cái gì ! Nó Triều Châu. Quê mình Triều Châu đông kể gì !

Thày Tư vừa châm trà vừa gật gù, nói :
-         Dzậy thì xứ Quảng, xứ Tiều, nước Hẹ, Sơn Đông, Phước Kiến, hổng phải Đại Háng, mày mà theo gò một con Vân Nam, mày cũng sẽ nói Vân Nam hổng phải Đại Háng, Hải Nam thì ăn nước mắm như mình nên chắc cũng hổng phải Đại Háng, Bắc Kinh và các tỉnh miền bắc thì vốn là đất của   nhung di nên cũng hổng Háng gì lắm, còn Tân Cương với Đài Loan thì khỏi nói ... Rốt cuộc Đại Háng nó cũng hổng « Đại » gì lắm phải hông mậy ?

Khi ấy có một người com lê cà vạt hẳn hoi bước vào trịnh trọng cúi chào Thày Tư Bảy Núi, rồi nhỏ nhẹ thưa:

-         Tôi tình cờ được nghe những trao đổi rất thâm thúy của quý vị, nên xin mạn phép góp ý như sau:  Nước Tàu vốn là một tập hợp nhiều dân tộc, nhiều quốc gia, có tiếng nói riêng biệt, chỉ chia sẻ cùng chữ viết, nhưng điều đó, tôi xin mở ngoặc, cũng không khác gì đa số các nước Âu, Úc và Mỹ Châu ... Xin đóng ngoặc. Tập hợp đa dạng đó, với nhiều khác biệt về phong tục, tôn giáo, mức độ phát triển v.v... chỉ kết hợp được khi có một chính quyền trung ương mạnh mẽ, thường là theo một thể chế độc tài toàn trị. Lịch sử Trung Hoa là một chuỗi hợp tan, tan hợp. Và dù trong những giai đoạn kết hợp, thì óc địa phương cũng vẫn vô cùng mạnh mẽ, khiến người dân vẫn nhìn chính quyền trung ương như một quyền hành ngoại lai thống trị họ.

Thày Tư nâng chén trà mời khách, nói :

-       Chắc cũng hổng tới nỗi như vậy ... Thiệt ra, dòm trong lịch sử, thì mình cũng có mấy trường hợp để suy nghĩ. Như Đế Quốc Nga thành Liên Bang Sô Viết, rồi khi thể chế toàn trị này sụp đổ thì nhiều nước trong đó liền tách ra. Âu Châu thì ngược lại, từ chỗ tan muốn hợp lại, nhưng bằng dân chủ. Hoa Kỳ thì kết hợp được một cách bền vững trong dân chủ, dù lịch sử cho biết đứa nào dở chứng đòi tách ra cũng bị oánh cho sặc gạch.

Khách nhận tách trà, cúi đầu cảm ơn và trả lời :

-         Điều quan trọng là chúng ta biết nhìn Trung Hoa như một tập hợp ...

Thày Tư gật đầu tán thành. Khách nói tiếp :
-         Mình cần xiết chặt quan hệ với một số tỉnh và xí nghiệp địa phương của Tàu. Các thực thể đó không đủ lớn để áp lực mình, nhưng thừa sức đem lại cho mình nhiều lợi thế ...

Thằng cháu xen vào :
-         Rồi lỡ có giặc thì sao ?
-         Họ càng liên đới quyền lợi với mình thì rủi ro đụng độ càng ít. Bất quá sẽ chỉ xảy ra vài trận chiến trong phạm vi cục bộ, hạn chế. Một con buôn biết suy nghĩ sẽ không có khuynh hướng tàn sát khách hàng của mình, và ...

Thày Tư trầm ngâm :
-         Vấn đề là phải biết bên Tàu đứa nào điều khiển việc chánh trị. Bọn con buôn hay mấy thằng dân tộc chủ nghĩa hung hăng con bọ xít ?

Thằng cháu vẫn tỏ vẻ lo lắng :
-         Lỡ nó di dân vô mình, dành đất của mình thì sao ?

Khách trả lời :
-         Thông thường áp lực di dân đi từ nước đông dân tới nước ít dân. Nước Tàu có mật độ dân số thấp hơn mình, nên áp lực di dân sang nước mình không cao. Việt Nam có 253 người một cây số vuông, gần gấp đôi Trung Quốc với 136 người một cây số vuông. Nếu di dân thì họ có khuynh hướng di dân vào Tây Tạng, Tân Cương - họ coi là của họ - hay Miến Điện, Lào v.v... là những vùng có mật độ dân số rất thấp. Vả lại, do hậu quả của chính sách một con, Trung Hoa có thể mất đi khoảng 80 tới 100 triệu dân trong những thập niên tới ...

Ông nhấp một ngụm trà rồi nói tiếp :
-         Mặt khác, áp lực di dân cũng thường đi từ nước nghèo tới nước giàu. Mà thu nhập đầu người của Trung Hoa là 4677 Đô La một năm, trong khi dân mình chỉ thu nhập 1168 Đô La mỗi đầu người, bằng một phần tư của họ.

Thằng cháu lắc đầu :
-         Ông nói dzậy chớ tui nghe là nó đã chiếm một số chỗ trong nước mình, làm chung cư, khu thương mại, hãng xưởng, khai thác mỏ, đủ thứ.
-         À, về những vùng kinh tế, thương mại, mà họ hiện sở hữu ở Việt Nam, có khi trong điều kiện pháp lý nhập nhằng, thì tôi xin khẳng định là điều ấy nguy hại cho người Tàu hơn là cho mình. Khi có tranh chấp gay gắt giữa hai nước, thì chính phủ ta sẽ có thể dễ dàng tịch thu tất cả những bất động sản ấy, đồng thời trục xuất các đương sự. Pháp lý của chúng ta khi đó sẽ được áp dụng một cách vô cùng cứng rắn !

Khách như sực nhớ ra điều gì, vội đứng lên trịnh trọng nói :
-         Thôi chuyện ấy để sau. Mục đích của tôi hôm nay là đến mời Thày Tư chủ tọa một Hội Nghị quốc tế về chủ quyền trên Biển Đông, với đại biểu của các thành phần liên hệ, cùng với đại diện Liên Hiệp Quốc, và nhiều nước quan sát viên ...

Trong lúc Thày Tư Bảy Núi và ông khách bàn nhau về những chi tiết cụ thể trong việc tổ chức Hội Nghị, thì thằng cháu chạy đi kiếm là cờ «Thế Thiên Hành Đạo», cắm lên chiếc xe ba gác (mướn của tui), sửa soạn lên đường.

Dân đạp xe ba gác nghe lóm Thày Tư Bảy Núi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét