Trang

Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

Nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng "thắt lưng buộc bụng, dài cổ" chờ công lý

Phải "thắt lưng buộc bụng" vì toàn bộ tiền lương, thu nhập của  ông Thắng đã bị cắt sạch khi ông nhà báo này dám tố cáo tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết Đinh Đức Lập, là người đứng đầu tờ báo mà ông Thắng đang làm việc (xem nội dung tố cáo ở đây).

Phải "dài cổ" vì rất nhiều lá đơn tố cáo nói về những nội dung sai trái hết sức nghiêm trọng thuộc trách nhiệm của ông Lập đã được gởi tới cơ quan và những vị có đầy đủ thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật, từ hơn nửa năm về trước rồi song chưa hề được hồi âm về kết quả xử lý như thế nào?

Trong khi đó, các ngón đòn trả đũa, trù úm của ông tổng biên tập đương quyền dành cho nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng ngày càng dã man hơn.

Ông Thắng lại phải tiếp tục kêu cứu, tiếp tục yêu cầu được bảo vệ và tiếp tục "dài cổ" chờ công lý... bằng lá đơn mới nhất ký ngày 29/11/2012 dưới đây. 

Những người biết chuyện đều quan ngại, lo lắng tự hỏi không biết ông Thắng có khả năng "thắt lưng buộc bụng" được bao lâu đây? 

Có lẽ ông Thắng cần phải tầm sư học đạo luyện môn yoga như các đạo sư Ấn Độ. Cần phải đạt được khả năng chỉ sống bằng không khí và nước lã trong thời gian từ vài chục năm trở lên thì may ra ông Thắng mới có hy vọng sống sót tới ngày được diện kiến công lý.


Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập- Tự do- Hạnh phúc

ĐƠN TỐ CÁO VÀ ĐỀ NGHỊ BẢO VỆ

      Kính gửi:     -        Đảng Đoàn cơ quan UBTƯMTTQ Việt Nam
-         Đảng ủy cơ quan UBTƯMTTQ Việt Nam
-         Ban Thường trực UBTƯMTTQ Việt Nam
-         Ủy Ban Kiểm tra Đảng ủy UBTƯMTTQ Việt Nam
-         Ban Thường vụ Công đoàn cơ quan UBTƯMTTQ Việt Nam

      Tôi là: Nguyễn Mạnh Thắng – Phó Trưởng Ban Ban Văn hóa – Nghệ thuật báo Đại Đoàn Kết; Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.

Suốt một thời gian dài ngót nửa năm trời, từ 7/5/2012 đến nay, tôi đã có nhiều đơn tố cáo Bí thư chi bộ Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết Đinh Đức Lập trong nhiều sai phạm như: Vi phạm nguyên tắc Đảng; Trù dập cán bộ; Mê tín dị đoan; Bán tài sản công Văn phòng báo tại Đà Nẵng; Sai phạm trong tổ chức cán bộ; Vu khống lãnh đạo Đảng Nhà nước; làm trái Quyết định 75 của Ban Bí thư… nhưng đến nay chưa được giải quyết. Nhờ đó, ông Lập mặc sức tác oai tác quái trắng trợn và thẳng tay trù dập tôi: Không cho làm việc; Cắt lương và toàn bộ các chế độ từ 23/7/2012 đến nay; sai Đảng viên Vũ Tiến Cường phá cửa, ăn trộm đồ đạc cá nhân và bàn ghế trong phòng làm việc của tôi, biến phòng làm việc của tôi thành nơi chứa rác thải; bỉ ổi hơn gần đây còn lén sai người vứt đồ ăn thừa vào phòng để chuột đến cắt phá và phóng uế, đày đọa thể xác và tinh thần của tôi.

Từ 19/7/2012 dù tôi đã có đơn đề nghị được bảo vệ nhưng không được bảo vệ gì. Ngày18/10/2012, Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam có Công văn số 1579/TLĐ gửi và đề nghị Ban Thường vụ Công đoàn Viên chức Việt Nam, xem xét và tham gia giải quyết Đơn tố cáo của tôi, nhưng Công đoàn MTTQ Việt Nam vẫn chưa tạo điều kiện để Công đoàn Viên chức Việt Nam làm việc.

Không có lẽ những hành vi vi phạm nghiêm trọng: Luật Tố cáo, luật lao động… Điều lệ Đảng, Quy định những điều Đảng viên không được làm lại được dung túng?

Để giữ gìn uy tín của Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam (dù đã bị ông Lập bôi nhọ rất nhiều), tôi kính đề nghị quý vị lãnh đạo Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam giải quyết dứt điểm những nội dung tố cáo của chúng tôi. Mong rằng, những vấn đề tố cáo này không phải giải quyết ở tòa án và cấp có thẩm quyền cao hơn.

Trân trọng!                                                 
                                                                       Hà Nội ngày 29 tháng 11 năm 2012
                                                                                   Người viết đơn

                                                                               Nguyễn Mạnh Thắng

Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

Cái đẹp cứu thế giới


Nguyễn Đình Đăng tổng hợp
từ Tim Butcher, “The man who saved The Resurrection”,
BBC News Magazine  24/12/2011
và bộ phim truyền hình của BBC (2006)


Bà Henrietta Dax (áo màu mận chín) trong hiệu sách Clarke tại Cape Town.

Trong một lần tới hiệu sách nổi tiếng Clarke tại Cape Town (Nam Phi) để tìm kiếm tài liệu về Graham Greene (tác giả tiểu thuyết “Người Mỹ trầm lặng”) và mối liên hệ giữa nhà văn với Antony Clarke – người sáng lập ra hiệu sách này vào năm 1956, ký giả Tim Butcher của BBC News Magazine đã được bà Henrietta Dax – người chủ hiện nay của hiệu sách – trao cho một cặp da cũ đựng các giấy tờ lưu trữ của Clarke từ Đệ Nhị Thế Chiến.

*

Antony Clarke
trong Đệ Nhị Thế Chiến
Vào năm 1942 Tony Clarke là một trung úy trẻ thuộc đội quân kỵ mã pháo binh hoàng gia Anh đóng tại Trung Đông. Khi quân Đồng Minh bắt đầu chiến dịch đánh bật quân Đức tại châu Âu, đơn vị của Clarke được điều tới Ý. Clarke không trực tiếp tham dự các trận đánh quân Đức, nhưng anh mô tả trong nhật ký là đã bị sốc như thế nào khi hành quân qua các thành phố cổ bị bom tàn phá tan hoang. Năm 1944, trong lúc quân Đồng Minh tiếp tục tiến công, đơn vị Clarke chỉ huy được lệnh chiếm lĩnh vị trí tại một nơi gần Sansepolcro. Khác với phần lớn các thị trấn cổ tại vùng Tuscan thường nằm trên đỉnh đồi, Sansepolcro nằm dưới một thung lũng. Hồi đó pháo binh của Đồng Minh thường oanh kích các thị trấn để dọn đường cho bộ binh tiến vào. Đó chính là nhiệm vụ mà Clarke và đồng đội phải thi hành đối với Sansepolcro. Họ đào công sự, kéo pháo vào vị trí, nạp đạn, lên nòng.

Chính vào lúc đó một tiếng chuông yếu ớt chợt rung lên trong tâm trí Clarke. Hồi chuông vọng về từ những năm tháng xa xăm trước cuộc chiến tranh rồ dại này.

Clarke – chàng trai đồng tính và mê nghệ thuật người Anh – nhớ lại một tiểu luận của Aldous Huxley mà anh từng đọc, trong đó tác giả viết rằng mình đã khám phá ra bức tranh mà ông coi là tuyệt nhất thế giới. Đó là bức bích họa “Phục sinh” – kiệt tác của bậc thầy thời Phục Hưng Piero della Francesca. Huxley viết: “Chúng ta không cần phải có trí tuởng tuợng mới hình dung được vẻ đẹp của bức hoạ. Bức hoạ vĩ đại nhất thế giới đó ở ngay trước mặt chúng ta hoàn toàn và thực sự lộng lẫy.”


Piero della Francesca (1415 – 1492)
Phục sinh (khoảng 1463 – 1465)
bích hoạ, 225 x 200 cm, Museo Civico, Sansepolcro, Ý

Clarke có thể đã không nhớ hết các chi tiết trong tiểu luận của Huxley, nhưng khi pháo của đơn vị anh chuẩn bị nhả đạn thì anh chợt nhớ ra một chi tiết quan trọng.

Bức bích hoạ “Phục Sinh” nằm trong thị trấn Sansepolcro.

Clarke hạ lệnh ngừng khai hoả.

Khi cấp trên gọi bộ đàm tới chất vấn sao không oanh kích thị trấn, Clarke đã phải dùng ống nhòm quan sát thị trấn để trấn an cấp trên rằng anh không nhìn thấy bóng dáng một mục tiêu nào của quân Đức  trong phố cả. Quyết định của Clarke thật can đảm bởi nếu quân Đồng Minh đụng phải sự kháng cự của quân Đức khi tiến vào thị trấn thì Clarke chắc chắn sẽ bị xử nặng tại toà án binh. Nhưng vì tình yêu nghệ thuật, Clarke đã không cho nã pháo vài thị trấn. Quân Đức đã rút chạy và Sansepolcro đã được giải phóng một ngày sau, mà kiệt tác 500 tuổi không hề bị hư hại.
*
Thị trấn Sansepolcro được thành lập vào thế kỷ 10 bởi hai giáo sĩ tên là Arcanus and Aegidius hành hương từ Jerusalem trở về mang theo thánh tích là một hòn đá từ nhà thờ Holy Sepulchre (tiếng Ý là Sansepolcro) tức “Phục sinh thiêng liêng” – được coi là nơi Chúa Jesus đã phục sinh 3 ngày sau khi Người bị hành hình đóng đinh trên Đồi Sọ. Sansepolcro là thành phố quê hương của Piero della Francesca. Gần 600 năm trước Piero della Francesca đã vẽ bức bích hoạ “Phục Sinh” trên tường toà thị chính Sansepolcro, nay trở thành bảo tàng thành phố. Trong bức hoạ, Chúa Jesus bước ra từ hầm mộ, tay cầm lá cờ chiến thắng, mắt nhìn thẳng vào người xem. Trước mộ, dưới chân Người, bốn người lính canh ngủ gục. Bức bích họa đã trở thành biểu tượng và ý nghĩa của toàn cộng đồng Sansepolcro.

Piero della Francesca không bắt đầu từ số không khi vẽ bức bích hoạ này. Ông đã mượn ý tưởng và bố cục từ bức tranh thờ do Nicolo di Segna vẽ khoảng một thế kỷ trước ông tại giáo đường Sansepolcro, và đặc biệt là từ bức bích hoạ do Andrea Castagno vẽ trước ông khoảng 2 thập niên tại Florence. Vẽ theo các bậc thầy tiền bối và vượt họ là truyền thống của hội hoạ thời đó và Piero cũng không phải là một ngoại lệ.


Nicolo di Segna
Phục sinh (khoảng 1348)
tempera trên gỗ, Giáo đường Sansepolcro

Andrea Castagno (1423 – 1457)
Phục sinh (1447)
trích đoạn bích hoạ tại Sant’Apollonia, Florence

Ngoài tài tả thực như vẽ các nếp vải và các giọt máu chảy ra từ vết thương trên cơ thể Đức Chúa mà sau 5 thế kỷ vẫn như còn đỏ rực long lanh, Piero đã vận dụng kiến thức và các ảnh hưởng ông lĩnh hội được từ tác phẩm của các bậc thầy  như Masaccio và Andrea Castagno mà trong thời trai trẻ Piero đã từng thấy khi sống tại Florence. Ông hiểu rằng toán học và luật viễn cận tuyến tính cho phép tạo nên một ảo giác như thực về khối và độ sâu trong không gian 3 chiều. Nhưng ông đã tiến xa hơn Masaccio và Andrea Castagno. Trong bức bích hoạ “Phục sinh” Piero đã dùng luật viễn cận tuyến tính theo hai cách hoàn toàn khác.


Masaccio (1401 – 1428)
Thánh ba ngôi (khoảng 1427)
Giáo đường Santa Maria Novella, Florence

Hiểu rằng bức bích hoạ ở trên tường cao, Piero đã dựng bố cục từ điểm nhìn từ dưới lên. Không chỉ là một danh hoạ, Piero còn là một nhà khoa học đã viết 3 cuốn sách về số học, đại số và hình học, trong đó cuốn “De Prospectiva Pingendi” chuyên về lý thuyết toán học của luật viễn cận trong hội hoạ. Trong cuốn sách này Piero chẳng những đã xây dựng luật phối cảnh trong không gian kiến trúc, mà còn chỉ rõ các chi tiết trong phối cảnh liên quan tới vẽ cơ thể người, bao gồm cả một hệ thống cho phép dựng hình chiếu của đầu người lên mặt phẳng của bức tranh. Trong “Phục sinh” hình đầu người lính gác mặc áo giáp màu nâu (thứ hai từ trái) ngủ ngả về phía sau (chân dung tự họa của Piero) là một minh chứng rõ ràng cho lý thuyết của ông. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hội hoạ phương Tây đầu người được vẽ ở vị trí rút ngắn cực kỳ chính xác như vậy. Đầu người lính đó ngả vào cán cờ của Chúa như một tượng trưng cho sự tiếp cận của con người với Thánh Tính. Ngoài ra, để giữ hài hoà trong bố cục, Piero đã không vẽ chân người lính gác cầm dáo (thứ ba từ trái)!


Trích đoạn những lính gác ngủ từ bức “Phục sinh” của Piero della Francesca

Ngược lại, Piero lại dựng hình Chúa Jesus không phải được nhìn từ dưới lên, mà theo viễn cận nhìn ngang như thể đó là thế giới riêng của Chúa, trung tâm của vũ trụ. Như vậy Piero della Francesca đã dùng phương pháp khoa học để phân biệt thế giới tinh thần và thế giới vật chất trong cùng một bức tranh. Tuy được vẽ với cùng bố cục, song bàn chân trái của Chúa Jesus trong bức tranh thờ của Nicolo di Segna thật vô nghĩa khi đem đặt cạnh bàn chân Chuá Jesus trong bức bích hoạ của Piero della Francesca. Bàn chân này cho thấy sự kết nối giữa thế giới tinh thần và thế giới vật chất, cũng như sự quyết tâm mãnh liệt của Đức Chúa khi bước ra khỏi mồ.


Chân dung Chúa Jesus trong “Phục sinh” của Piero della Francesca

Song hiệu ứng mạnh nhất trong bức hoạ này là khuôn mặt của Chúa Jesus. Đây là khuôn mặt của con người. Khuôn mặt này không đẹp như các khuôn mặt thường thấy của Chúa, mà lại gồ ghề, râu ria, với đôi mắt nhìn thẳng vào người xem vừa như than khóc tha thứ vừa như nghiêm khắc kết án. Khi vẽ đôi mắt này, có thể Piero đã nhớ tới đôi mắt Chúa trên bức tượng gỗ “Volto Santo” thế kỷ 9 cũng tại Sansepolcro, được cho là một trong những hình ảnh cổ nhất về Đức Chúa trên thánh giá ở châu Âu. Tuy nhiên trong bức bích hoạ Piero đã dùng các thủ thuật hội hoạ thuần túy để tạo một hàng lông mày hiện ra dưới lớp màu trong, vẽ bóng của hốc mắt, khiến người xem khó thoát khỏi ánh mắt trừng trừng của Chúa.


Khuôn mặt Chúa Jesus trên bức tượng Volto Santo (Mặt thánh)
tại đồng giáo đường Sansepolcro

Phong cảnh sau lưng Chúa cũng là một tầng ý nghĩa nữa. Piero vẽ phong cảnh địa phương: Chúa không Phục sinh tại nơi nào xa xôi mà ngay tại quê hương của những người vùng Tuscan. Bên phải Chúa là cảnh mùa đông, cây côi trụi lá khẳng khiu, còn bên trái Chúa là cảnh muà hè. Sự chuyển mùa trong phong cảnh của bức tranh như biểu thị sự hồi sinh, sự trở về của Chúa từ cõi chết, sự tỉnh ngộ của con người sau Phục Sinh.

Bốn người lính gác làm nhiệm vụ canh mộ Chúa lăn ra ngủ. Chúng ta cũng như họ, tuy ở ngay cạnh Chúa, nhưng như những kẻ mê ngủ, không bao giờ ngộ ra Người. Mặt khác, phải chăng Phục Sinh là hiện tượng ta chỉ ngộ ra trong trạng thái mơ mộng?

Piero della Francesca đã sống tới gần 80 tuổi. Về cuối đời ông bị lòa. Nhiều năm sau, một người tên là Marco di Longaro có kể lại trong thời niên thiếu từng được làm thằng nhỏ dắt tay dẫn Piero della Francesca đi ngoài phố. Cuốn sổ đăng ký người chết tại Sansepolcro có ghi ngày 12/10/1492 là ngày mai táng “Maestro Pier dei Franceschi – danh hoạ”. Người ta không tìm thấy mộ ông. Căn cứ vào di chúc của Piero della Francesca yêu cầu được chôn tại tu viện Badia tại Sansepolcro, người ta đã khai quật sàn tu viện và tìm thấy bên dưới nhiều xương người. Có thể trong số đó có lẫn hài cốt của người đã vẽ nên bức hoạ “vĩ đại nhất thế giới”.


Tượng đài kỷ niệm Piero della Francesca
tại Sansepolcro

Sau khi qua đời, Piero della Francesca và hội họa của ông nhanh chóng bị rơi vào quên lãng. Các phong cách mới  đã khiến lối vẽ với bố cục tĩnh của Piero trở nên lỗi thời, không quyến rũ người xem bởi các hiệu quả mạnh như trong tranh của Leonardo da Vinci, Michelangelo, hay Raphael sau này. Thậm chí tới thế kỷ 18 bức bích hoạ “Phục sinh” đã bị cho là vô giá trị, và người ta đã phủ nó bằng một lượt vữa và sơn trắng. Thời gian trôi quá các lớp sơn và vữa rụng dần. Bức “Phục Sinh” dần dần hiện về từ cõi chết. Nhưng phải đợi tới thế kỷ 19 bức “Phục sinh” mới được nhà khảo cổ và chính trị gia Anh Henry Lear phát hiện lại vào năm 1855. Ông đã sao lại bức bích hoạ bằng bút chì và khẳng định đó là bức bích hoạ quan trọng nhất của thế kỷ 15.
*
Hành động của Tony Clarke là một trường hợp hiếm có khi nghệ thuật đã cứu sống con người và ngược lại. Thậm chí đó chưa phải là sức mạnh của nghệ thuật mà là văn hóa và hiểu biết đã ngăn chặn con người làm những hành động tàn bạo, bởi khi hạ lệnh ngừng bắn, Tony Clarke còn chưa hề nhìn thấy bức bích hoạ mà chỉ đọc về nó trong tiểu luận của Huxley. Dường như “Phục sinh” đã thăng hoa vượt lên trên mọi dã man của chiến tranh. Có gì đó thần thánh đã ngăn Clarke và đơn vị pháo của ông tàn phá Sansepolcro trong đó có kiệt tác của Piero della Francesca, bởi nếu điều đó xảy ra Tony Clarke sẽ tự dằn vặt và đau khổ trong suốt quãng đời còn lại của mình.


Nội thất Museo Civico (Sansepolcro) với bức bích họa
“Phục sinh” của Piero della Francesca

Việc đầu tiên Tony Clarke làm sau khi tiến vào Sansepolcro là rủ một đồng đội tới Toà thị chính. Tại đây họ đứng im lặng chiêm ngưỡng “bức hoạ vĩ đại nhất thế giới” đã được cứu thoát nhờ quyết định không nổ súng của Tony Clarke.

Năm 1960 Atony Clarke trở lại Sansepolcro một lần nữa và được đón tiếp như một người anh hùng. Trong diễn từ tại buổi lễ vinh danh ông, thị trưởng Sansepolcro nói: “Thật sung sướng khi hồi tưởng một sự cố trong chiến tranh mà lại được đánh dấu bởi sự ấm áp của tình người, đậm tính nhân văn và nỗi lo lắng cho nền văn minh nhân loại. Ở đây chúng ta thấy sức mạnh của bạo tàn đã bị khuất phục trước ký ức về văn hoá và nghệ thuật.


Antony Clarke (người thứ hai từ trái) trong buổi lễ vinh danh ông tại Sansepolcro

Antony Clarke qua đời năm 1981, nhưng câu chuyện về người sĩ quan Anh cứu sống bức hoạ vĩ đại nhất thế giới đã trở thành một phần không thể thiếu trong lịch sử kiệt tác “Phục sinh” của Piero della Francesca. Đối với mỗi người dân Sansepolcro bức “Phục sinh” đã trở thành danh tính của họ. Bởi vậy họ yêu quý Antony Clarke, người đã cứu danh tính đó khỏi bị phá hủy. Tên của Antony Clarke được đặt cho một phố tại Sansepolcro, “via A. Clarke”.

24/11/2012

Nông dân làm ra lúa gạo nhưng toàn ăn "bánh vẽ"


“Liên kết bốn nhà” và “cánh đồng mẫu lớn”, những chiếc bánh vẽ xưa và nay

Hoàng Kim

Cái được gọi là “mô hình cánh đồng mẫu lớn”, là cách làm ăn mới của các công ty thuốc bảo vệ thực vật. Hiện nay, các công ty thuốc bảo vệ thực vật lấy hết lợi nhuận từ việc giảm các khâu trung gian, mà không chia cho nông dân, lại bắt nông dân phải mua lúa giống xác nhận của công ty giá cao.
Thực ra, tham gia “cánh đồng mẫu lớn” nông dân được lợi hơn chút đỉnh so với việc mua bán lúa gạo độc quyền của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA). Hơn sự mua bán độc quyền của VFA chút đỉnh thì đối với quyền lợi của nông dân có cũng như không.
Nông dân tham gia “cánh đồng mẫu lớn” phải chấp nhận luật chơi do doanh nghiệp ấn định, hoặc không tham gia nếu thấy không có lợi, và nếu như vậy thì không có gì để nói.
Thế nhưng, khi các công ty thuốc bảo vệ thực vật cho rằng thực hiện “cánh đồng mẫu lớn” để giúp nông dân, khi một số báo đài cho rằng “cánh đồng mẫu lớn”: “hướng tới nền nông nghiệp hiện đại”, là “động lực phát triển việc sản xuất lúa”, là “cuộc cách mạng trong sản xuất lúa hàng hoá”, nhất là khi Bộ Nông nghiệp và PTNT tuyên bố sẽ nâng diện tích “cánh đồng mẫu lớn” lên 1 triệu hecta, thì tôi thấy,  nông dân chúng tôi phải lên tiếng về “cánh đồng mẫu lớn”.
Bởi vì, “cánh đồng mẫu lớn” đang biến thành chiếc bánh vẽ.
Chiếc bánh vẽ “liên kết bốn nhà”.
Trước đây, người ta đã biến Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg “về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng” (gọi tắt là Quyết định số 80) thành chiếc bánh vẽ “liên kết bốn nhà”, khiến cho Quyết định số 80, đuợc ký từ năm 2002, thành một quyết định bất khả thi cho đến nay.

Nếu đừng suy diễn, phóng đại, đừng tung hô Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg thành “liên kết bốn nhà”, mà cố gắng thực hiện, và có tổng kết một cách thật cầu thị và khoa học, để thấy những khó khăn nhằm tháo gỡ, thì có lẽ, đến nay, nhờ vào việc cố gắng thực hiện Quyết định số 80, nông dân đã có một mô hình lúa gạo tốt đẹp.
Điều 2 của Quyết định số 80 là một hướng đi hết sức đúng đắn:
Hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hoá phải được ký với người sản xuất ngay từ đầu vụ sản xuất, đầu năm hoặc đầu chu kỳ sản xuất (tác giả nhấn mạnh). Trước mắt, thực hiện việc ký kết hợp đồng tiêu thụ đối với các sản phẩm là các mặt hàng chủ yếu để xuất khẩu: gạo, thuỷ sản, chè, cà phê, hồ tiêu, cao su, hạt điều, quả, dâu tằm, thịt,… và các sản phẩm chủ yếu để tiêu dùng trong nước có thông qua chế biến công nghiệp: bông, mía, thuốc lá lá, cây rừng nguyên liệu cho công nghiệp giấy, công nghiệp chế biến gỗ, sữa và muối…”.
Nông dân gọi việc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm này là ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Thực hiện hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa ký ngay từ đầu vụ sản xuất, đầu năm hoặc đầu chu kỳ sản xuất với nông dân, có khi doanh nghiệp bị lỗ do giá lúa gạo xuống thấp hơn giá lúc ký hợp đồng.
Như vậy, muốn ký hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hoá ngay từ đầu vụ sản xuất, thì điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp thực hiện, là phải ấn định được giá bán có lời cho doanh nghiệp khi nông dân thu hoạch.
Chúng ta hãy lấy lúa gạo làm thí dụ:
Để thực hiện Điều 2 Quyết định số 80, thì khi nông dân bắt đầu xuống giống, doanh nghiệp phải ký hợp đồng mua lúa của nông dân, với giá mua phải được ấn định.
Nhưng 3 tháng sau nông dân mới thu hoạch lúa, doanh nghiệp chưa có giá bán gạo xuất khẩu thì làm sao đưa ra được giá mua lúa hợp lý cho nông dân: Mua lúa giá cao, bán gạo giá thấp, doanh nghiệp bị lỗ, mua lúa giá thấp, bán gạo giá cao, nông dân bị thiệt hại.
Doanh nghiệp không có khả năng ấn định giá bán gạo xuất khẩu, lại rất dễ bị doanh nghiệp khác bán phá giá khi tranh mua tranh bán.
Điều này sẽ buộc Chính phủ phải ấn định giá sàn bán gạo xuất khẩu cho tất cả các doanh nghiệp, và ấn định giá lúa trong hợp đồng tiêu thụ lúa gạo giữa nông dân và doanh nghiệp, sao cho doanh nghiệp có lời và nông dân không bị thiệt.
Điều này có nghĩa là khi doanh nghiệp và nông dân ký hợp đồng, Chính phủ phải ấn định giá sàn bán gạo xuất khẩu, chứ không phải đợi đến lúc nông dân thu hoạch lúa.
Đến đây, chúng ta nhận thấy, dù doanh nghiệp không thể thực hiện được Quyết định số 80, nhưng, những cố gắng thực hiện Quyết định số 80 này sẽ dẫn đến việc Chính phủ phải ấn định giá sàn bán gạo xuất khẩu, và ấn định giá mua lúa cho VFA.
Khi Chính phủ ấn định giá sàn bán gạo xuất khẩu và giá mua lúa cho nông dân, ta thấy, nông dân ViệtNamđã có một cơ chế xuất khẩu gạo tương tự như cơ chế mà Chính phủ Thái Lan đang thực hiện.
Do đó, chính những suy diễn, phóng đại Quyết định số 80 thành đống xà bần “liên kết bốn nhà”, khiến cho, đến bây giờ, nông dân vẫn không có được một cơ chế mua bán lúa gạo hợp lý, đến bây giờ, nông dân vẫn phải chịu sự độc quyền mua bán lúa gạo của VFA.
Chuyện xưa đã vậy, nay “cánh đồng mẫu lớn” đang đi theo vết xe đổ của “liên kết bốn nhà”.
Chiếc bánh vẽ “cánh đồng mẫu lớn”.
Nông dân tham quan “cánh đồng mẫu lớn”. Ảnh: LHV.
Nông dân tham quan “cánh đồng mẫu lớn”. Ảnh: LHV.
Trong bài viết: “Nông dân nghĩ gì về cánh đồng mẫu  lớn” đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gònhttp://www.thesaigontimes.vn/Home/nongsan/tintucthitruong/85509/#110194 tôi đã khẳng định:
Vậy nông dân chúng tôi nghĩ sao về mô hình được gọi là cánh đồng mẫu lớn? Thực ra chẳng hề có cánh đồng mẫu lớn. Nông dân chúng tôi nghĩ rằng mô hình cánh đồng mẫu lớn chỉ có lợi nhiều cho doanh nghiệp mà có rất ít lợi cho nông dân. Nông dân chúng tôi nghĩ rằng mô hình cánh đồng mẫu lớn sẽ không bao giờ lớn được”.
Điều mà nông dân quan tâm nhất là giá lúa, thì doanh nghiệp lại quy định mua lúa theo giá thị trường.
Giá lúa thị trường là giá mà Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đưa ra. Mua lúa theo giá VFA đưa ra thì “cánh đồng mẫu lớn” có hơn gì VFA, mua lúa giá VFA đưa ra thì nông dân đuợc lợi ích gì đâu.
Thực ra, cái mà chúng ta gọi là “cánh đồng mẫu lớn” gọi cho đúng sẽ là: Mô hình bao tiêu lúa nhưng không ấn định giá mua trước, mà theo giá mua của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) lúc nông dân thu hoạch lúa.
Bao tiêu lúa mà không ấn định giá mua khi nông dân xuống giống, lúc nông dân thu hoạch mới mua theo giá thị trường do VFA ấn định, rõ ràng, mô hình này tệ hơn rất nhiều so với Điều 2 của Quyết định số 80.
Chúng ta có thể nói: Đây là cách làm mới của các doanh nghiệp thuốc BVTV theo hướng mua lúa trực tiếp từ nông dân không qua thương lái, cách làm mới này do doanh nghiệp thuốc BVTV đưa ra, luật chơi là do doanh nghiệp quyết định.
Doanh nghiệp kinh doanh vì lợi nhuận, nên doanh nghiệp thuốc BVTV lấy hết các lợi nhuận do giảm khâu trung gian, mà không chia sẻ cho nông dân là điều có thể hiểu được, nông dân thấy lợi thì tham gia, thấy không lợi thì không tham gia.
Hiện nay, doanh nghiệp lấy hết lợi nhuận phát sinh từ việc giảm khâu trung gian, nhưng dần dần cách làm mới này sẽ thay đổi nhờ cạnh tranh, và sẽ đến lúc doanh nghiệp phải hướng về phía quyền lợi của nông dân thì mới tồn tại được.
Chúng ta thấy rằng: Chỉ có các doanh nghiệp bán thuốc BVTV tham gia “cánh đồng mẫu lớn”, còn VFA thì không tham gia, một mô hình phát triển lúa gạo mà VFA không tham gia thì việc tăng diện tích lên 1 triệu ha là điều không tưởng.
Nhưng, hiện nay, một số người, đang suy diễn, phóng đại mô hình bao tiêu lúa không ấn định giá mua trước này thành “cánh đồng mẫu lớn”, rồi lại tung hô rằng “cánh đồng mẫu lớn” “hướng tới nền nông nghiệp hiện đại”, là “động lực phát triển việc sản xuất lúa”, là “cuộc cách mạng trong sản xuất lúa hàng hoá”… Những suy diễn, phóng đại này gây hại cho việc sản xuất lúa và gây hại cho nông dân.
Nó gây hại cho nông dân, bởi vì, nó làm cho những nhà quản lý, đặc biệt là Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và PTNT ngỡ rằng đã tìm ra một mô hình tối ưu cho việc trồng lúa, thay vì tìm ra một mô hình thật sự có lợi cho nông dân.
Tung hô “cánh đồng mẫu lớn” quá mức, cũng có nghĩa là tạo ra thêm một chiếc bánh vẽ.
Nông dân cần nâng cao giá lúa, chứ không cần “cánh đồng mẫu lớn”.
Chúng ta đều biết: Nông dân làm lúa để xuất khẩu, vì thế giá bán gạo xuất khẩu quyết định giá lúa của nông dân.
Bất cứ mô hình nào không nâng cao giá bán gạo xuất khẩu thì chẳng thể giúp được nông dân, vì doanh nghiệp không thể bán gạo giá rẻ rồi mua lúa cho nông dân giá cao.
Theo trang mạng STOX.VN ngày 13/11/2012 giá gạo 5% tấm của Thái Lan từ 555-565 đô la Mỹ/tấn, trong khi đó giá gạo 5% tấm của Việt Nam chỉ có 455-465 đô la Mỹ/tấn, tức là gạo Việt Nam rẻ hơn gạo Thái Lan 100 đô la Mỹ/tấn, một mức chênh lệch quá bất hợp lý.
Do đó, vấn đề quan trọng nhất hiện nay trong việc sản xuất lúa gạo, là phải nâng cao giá bán gạo xuất khẩu, đưa giá bán gạo xuất khẩu của ViệtNamtiệm cận với giá bán gạo cùng loại của Thái Lan.
Nếu chúng ta bán gạo 5% tấm bằng giá với Thái Lan, giá lúa tươi khoảng 7.000 đồng/kg như năm 2011, thì chỉ cần làm 1 vụ đông xuân, nông dân lời nhiều hơn mức lời cả năm theo giá lúa thấp năm 2012 này.
Chúng ta hay nói đến vấn đề chất lượng và nói rằng lúa gạo Việt Nam thua chất lượng lúa gạo Thái Lan, nhưng thực tế, nếu giá lúa tươi là 7.000 đồng/kg, thì nông dân chúng tôi có thể sản xuất lúa chất lượng theo yêu cầu của doanh nghiệp. Đối với nông dân, làm lúa có chất lượng tốt là điều rất dễ dàng.
Người ta hay nói đến lúa chất lượng cao, cho rằng nông dân không thể sản xuất lúa chất lượng cao, ngược lại, tôi khẳng định, nông dân trong vụ đông xuân có thể sản xuất mọi loại lúa chất lượng cao (lúa thơm) đạt năng suất cao và chất lượng tuyệt hảo.
Hiện nay, VFA bán gạo lúa thơm giá trên 600 đô la Mỹ/tấn, nhưng mua lúa thơm khô của nông dân hơn giá lúa thường chút đỉnh, hè thu năm rồi Công ty CP BVTV An Giang mua lúa thơm Jasmin 85 của nông dân với giá 5.800 đồng/kg lúa khô. Với giá lúa chưa được 300 đô la Mỹ/tấn này, thì làm sao khuyến khích được nông dân trồng lúa thơm chất lượng cao?
Lẽ ra, vụ đông xuân do thời tiết thuận lợi ViệtNamphải tập trung gieo sạ lúa thơm các loại để bán giá cao, còn vụ hè thu thì sản xuất lúa làm ra gạo 5% tấm và 25% tấm.
Nông dân chúng tôi không cần “cánh đồng mẫu lớn”, cái chúng tôi cn là Chính phủ phải có chính sách nâng cao giá bán gạo xuất khẩu tiệm cận với giá bán gạo của Thái Lan.
Để bán gạo giá cao ViệtNamphải có đủ kho trữ gạo.
Để bán gạo giá cao Chính phủ phải ấn định giá sàn bán gạo xuất khẩu cao, đồng thời ấn định giá mua lúa từ giá bán gạo này.
Để bán gạo giá cao Chính phủ phải có quyết tâm, đồng thời phải thảo luận trực tiếp với nông dân và các nhà doanh nghiệp thì mới đề ra được chính sách tốt. Không thảo luận với nông dân mà chỉ thảo luận với doanh nghiệp, Chính phủ sẽ chẳng bao giờ có thể bán được gạo giá cao.
Để bán gạo giá cao chúng ta chấp nhận rủi ro mất khách hàng, lúa gạo tồn kho không bán được, nhưng sau đó, chúng ta sẽ có những khách hàng truyền thống, mua lúa gạo theo điều kiện mà chúng ta đưa ra.
Để bán gạo giá cao theo giá tiệm cận với Thái Lan, Chính phủ Việt Nam sẽ phải bỏ tiền ra để mua lúa nông dân bỏ vào kho, Chính phủ có thể phải trợ giá cho nông dân một vài năm đầu, nếu giá lúa gạo thế giới xuống thấp, nhưng điều này cũng hợp đạo lý, vì nhiều năm nay Chính phủ luôn hy sinh quyền lợi của nông dân, bằng cách khống chế giá lúa gạo để chống lạm phát.
Nhiều năm nay, Chính phủ đã hy sinh quyền lợi của nông dân cho lợi ích quốc gia, thì nay, đã đến lúc, vì nông dân, Chính phủ hy sinh lợi ích quốc gia cho nông dân thì cũng hợp với đạo lý và luật công bằng.
Thái Lan đã chứng minh bán gạo xuất khẩu cao và mua lúa giá cao, không ảnh hưởng gì đến lạm phát và người ăn gạo.
Tóm lại: “Cánh đồng mẫu lớn” chỉ là chuyện nhỏ, là chuyện làm ăn đặc thù của các công ty thuốc BVTV. Đối với nông dân mô hình mới này tốt hơn mô hình mua bán độc quyền của VFA chút đỉnh, thế thôi. Đừng quá tung hô “cánh đồng mẫu lớn”, vì tung hô nhiều, sẽ biến “cánh đồng mẫu lớn” thành chiếc bánh vẽ nông dân nuốt không trôi.
Cái nông dân cần là bán lúa giá cao. Nếu thật sự lo cho nông dân, Chính phủ hãy tìm mọi cách bán gạo xuất khẩu giá cao, để mua lúa cho nông dân giá cao.

Ba Sàm bình lựng về "hộ chiếu lưỡi bò"


Thứ Bảy 24-11-2012
Có một chuyện liên quan rất đáng chú ý, nhưng không hiểu sao từ chiều qua tới sáng nay hình như mới chỉ có báo Sài Gòn Tiếp thị đưa tin: Biển Đông: “Quốc hội họp kín nhưng cử tri hỏi thì sẽ trả lời”.
Như sáng qua chúng tôi đã đặt dấu hỏi, liệu có vị đại biểu quốc hội nào trong ngày họp cuối cùng (hôm qua) đưa ra yêu cầu quốc hội nán lại thêm để bàn về một nghị quyết khẩn cấp, làm kim chỉ nam cho chính phủ xử lý vấn đề “hộ chiếu lưỡi bò” rất nguy hiểm này. Thế rồi tới tối, đọc cái tin mù mờ về cuộc “họp kín” của Quốc hội“về tình hình Biển Đông”, với lời giải thích cũng mù mờ của ông chủ nhiệm VPQH, nửa mừng, nửa buồn thay cho cái chính thể này.
“Mừng” vì hình như cũng có đại biểu quốc hội đã chủ động nêu ra vụ “hộ chiếu lưỡi bò” từ chiều hôm trước, để rất có thể cuộc họp bí mật đó chính là để bàn, hoặc để quốc hội được lãnh đạo đảng, chính phủ giải thích, trấn an. Thậm chí “mừng” nữa khi cố tưởng tượng rằng, phải chăng các vị lãnh đạo đảng, nhà nước này đã biết trước, đã bàn bạc và có giải pháp sáng suốt đối phó với “hộ chiếu lưỡi bò”, nhưng vì “tế nhị” với “bạn” (chó má!) nên sắp xếp để cho một vài vị đại biểu quốc hội chủ động đưa ra đề nghị nhóm họp “bí mật”, để phổ biến, bàn biện pháp …
Thế nhưng, cái “mừng” đó chỉ là thoáng qua, chỉ là cảm giác vớt vát cho hàng loạt thực tế rất đáng … ngờ, phủ nhận, dập tắt tia hy vọng về một bộ máy lãnh đạo sáng suốt, có trách nhiệm và dũng cảm trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích của một thứ … “nhóm lợi ích” khổng lồ-ĐCSVN, với ”16 chữ vàng”, “4 tốt” cùng kẻ giờ đây đã quá rõ là kẻ thù nguy hiểm nhất của dân tộc Việt Nam.
Tại sao “đáng ngờ”? Trước hết, một điều dễ hiểu là khó có thể tin được những người có trách nhiệm trong đảng, nhà nước VN  chẳng biết gì về cái trò “hộ chiếu lưỡi bò” này cho tới mấy ngày qua. Đâu rồi bộ máy tình báo của cả Bộ Công an lẫn Tổng cục 2, Bộ Quốc phòng, để không biết trước phía TQ đã âm thầm chuẩn bị từ lâu? Có hay không giải pháp đối phó nếu như đã có tin tức tình báo về vụ này? Cái “đáng ngờ” thứ nhất này liên quan tới năng lực.
Đáng ngờ thứ hai liên quan tới “ý thức”. Tức là có thể có năng lực, biết trước được đối phương sẽ ra đòn hiểm này, nhưng trong ý thức, đã xác định là chấp nhận … ăn đòn dập mặt, có thể dẫn tới thất bại hoàn toàn trong tương lai, mất đảo, mất biển, để đổi lại kiếm chác được vài lời hứa cũng rất đáng ngờ, những hỗ trợ rẻ rúng về tinh thần, cho lợi ích một vài cá nhân trong giới lãnh đạo trong cuộc đấu đá nội bộ vẫn đang diễn ra, cho một chính thể đang có nguy cơ sụp đổ v.v..
Nếu chỉ do năng lực kém, thì có thể sẽ được thể hiện trong hành động đối phó lúng túng, và gần đây có vẻ như hiện tượng này khá rõ. Thế nhưng, sự “lúng túng” cũng có thể là biểu hiện của một tình trạng cố che đậy hành động thỏa hiệp, sợ bị dư luận nhân dân cả nước, bạn bè ASEAN và quốc tế biết, thậm chí là “đóng kịch”.
Còn sự yếu kém về “ý thức” thì đã quá rõ. Từ nhiều tháng trước, đã có một chỉ thị ở cấp rất cao của đảng là, dù tình hình có thế nào thì vẫn phải duy trì tất cả các hoạt động tuyên truyền, đối ngoại giữ “tình hữu nghị” với “bạn vàng”. Bên cạnh đó là mệnh lệnh nghe có vẻ nhẹ hều, mà ghê gớm đến khó lường, là “không để xảy ra

biểu tình chống TQ.

Dày đặc, vội vã những vụ bắt bớ, xử kín, buộc tội vu vơ, xử tù nặng nề những người đấu tranh cho chủ quyền mà không có một hành động nào tỏ ra muốn can gián, chỉnh đốn lại từ cấp cao nhất, ngay trước Đại hội 18 ĐCSTQ, trước vụ “hộ chiếu lưỡi bò” này. Những hoạt động qua lại dập dìu, thân ái, từ báo giới, đoàn thanh niên, … hai nước cho tới cuộc gặp gỡ gần đây của thủ tướng VN với họ Tập để rồi sau đó là cú “thoát hiểm” của “đồng chí X”, và cuộc “triều kiến” nhanh nhảu chúc mừng thành công của Đại hội 18 ĐCSTQ của trưởng ban Đối ngoại Hoàng Bình Quân; chưa kể đến những hoạt động “hữu nghị” khá “kín đáo” khác mà báo chí VN không biết hoặc không được đưa tin, nhưng báo TQ vẫn đưa.
Những động tác “lùi dần” về ngoại giao trước những hành động lấn lướt của TQ, mà trong bình luận sáng qua đã nêu, thêm vào đó là không hề có những trả đũa ngoại giao, hạ cấp, tạm hoãn các hoạt động song phương cần thiết mỗi khi phía TQ có hành động xâm phạm chủ quyền VN … Không hiếm những vụ người TQ xâm phạm lãnh hải đã bị bưng bít hoặc rơi vào im lặng. Nhiều bài báo, bằng cách này hay cách khác như muốn xoa dịu, đánh lạc hướng dư luận trước những biểu hiện mù mờ, thỏa hiệp về chủ quyền, mà gần đây nhất là trên báo Pháp luật TPHCM vàTuần Việt Nam, đi liền sau Nghị quyết TƯ 6, trong đó nhấn mạnh tới việc phải tăng cường sự góp mặt của đội ngũ những cây viết có uy tín, năng lực nhằm định hướng dư luận. Tất cả đã trả lời rõ ràng nhất cho sự “đáng ngờ” về ý thức bảo vệ chủ quyền đất nước.
Để kết thúc phần bình luận hôm nay, tập trung chủ yếu vào đánh giá thái độ, năng lực nhà cầm quyền trước vụ “hộ chiếu lưỡi bò” này, mà chưa bàn tiếp tới giải pháp đối phó, xin tạm một gợi ý: hãy lưu tâm đến Luật Biển VN, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là có hiệu lực. Nếu nhà cầm quyền VN không cương quyết áp dụng luật này cùng Bộ luật Hình sự VN, Luật Dân sự để xử lý vụ “hộ chiếu lưỡi bò”, rất có thể chính họ sẽ vướng vào những vụ kiện của dân chúng, đòi khởi tố hình sự vì đã vi phạm Luật Biển, thiếu trách nhiệm khi thi hành công vụ, để xảy ra những hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo VN.   - Trung Quốc tiếp tục ngang ngược vẽ bản đồ “Tam Sa” (Infonet).  - Trung Quốc thách thức dư luận với bản đồ “Tam Sa” (TTXVN).
Bổ sung9h20′, độc giả Hòa phản hồi: “Tôi nghĩ còn 1 khía cạnh nữa trong vụ hộ chiếu Tàu. Đó là cách xử sự của nước thứ ba ít hoặc không liên quan đến tranh chấp lãnh thổ với Tàu. Chẳng hạn một người mang hộ chiếu Tàu vào Mỹ thì Mỹ sẽ cấp visa lên hộ chiếu đó? Nếu vậy thì mặc dù Mỹ đã tuyên bố không đứng về bên nào nhưng lại thành ra công nhận bản đồ của Tàu. Rồi hàng trăm quốc gia lớn nhỏ (trong đó có Nga, Anh,Brazil,…), hoàn toàn không liên quan (và có lẽ không quan tâm) đến tranh chấp lãnh thổ cũng cấp visa lên hộ chiếu đó ?!  Thật sự Tàu đã đi một bước đi thâm độc và cũng tạo ra một tiền lệ khó lường hết hậu quả trong ngoại giao thế giới”.

Chủ Nhật  25-11-2012

Xin bàn tiếp vụ “hộ chiếu lưỡi bò”, trước hết bằng việc không tán thành 4 ý không ổn trong bài của cựu cán bộ ngoại giao VN tại TQ, ông Dương Danh Dy.
Thứ nhất, ông DDD cho rằng phản ứng của VN bằng việc “đại diện Bộ Ngoại giao Việt nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc trao công hàm ‘yêu cầu Trung Quốc huỷ bỏ bản đồ chín đoạn trong hộ chiếu phổ thông điện tử’ ’có thể coi là đúng mức’“, “bởi vì ‘gửi công hàm’ thể hiện mức độ phản đối cao hơn là ‘trao đổi, giao thiệp’”. Như nhiều lần chúng tôi lưu ý, việc “trao” công hàm được thực hiện ra sao, hầu như chưa bao giờ được báo chí, hay đúng hơn là BNG VN  ”tiết lộ”. Nay ông DDD vội vừa lòng, vậy xin thử đưa ra vài giả thiết của cái việc gọi là “trao” này. 1- Khả năng bộ ngoại giao VN “xin phép” vào tòa đại sứ TQ để “trao”. Làm vậy thì quá hèn hạ! 2- Yêu cầu TQ cử nhân viên ngoại giao tới BNGVN để tiếp nhận công hàm. Đỡ hèn hơn chút ! 3- Triệu đại sứ TQ tới bộ ngoại giao VN để trao, nhưng muốn giữ thể diện cho “bạn” (chó má !), nên chủ trương không công bố việc “triệu”, mà chỉ nói ỡm ờ là “trao”. Tạm được, nhưng vẫn hèn ! 4- Rất ngô nghê, khó xảy ra, nhưng vẫn phải nói, là “trao” ở một địa điểm nào đó tại Hà Nội. Thiết tưởng chỉ là người dân thường, nhưng nếu theo dõi nhiều thông tin qua đài báo nhà nước, cũng có thể biết các quốc gia khác khi trao công hàm phản đối, thường triệu đại sứ nước hữu quan tới bộ ngoại giao, còn VN với TQ thì không, vậy sao ông cựu quan chức ngoại giao DDD không nhận ra cái sự “lạ” này ?
Thứ hai, ông DDD cho là do có thỏa thuận VN-TQ “công dân mỗi nước mang hộ chiếu công vụ và hộ chiếu ngoại giao khi sang nước bên kia đều được miễn thị thực” nên không ngại chuyện này “ảnh hưởng tới nhân viên hai nước đang công tác tại nước bên kia”. Ở đây, có lẽ ông DDD quên 2 điều. 1- Dù không cần cấp thị thực, nhưng những người mang tấm hộ chiếu hỗn xược vi phạm luật pháp VN đó lại không bị xử lý, tối thiểu bằng việc tịch thu, tạm giữ hộ chiếu, thì cũng là một biểu hiện nhân nhượng của VN. 2- Nếu không có biện pháp cương quyết và nhất quán, sẽ xảy ra hiện tượng cơ quan an ninh cửa khẩu đóng dấu chứng thực nhập, xuất cảnh VN lên tấm giấy hộ chiếu đó, sẽ là một sự công nhận nó, thì rất nguy.

Thứ ba, ông DDD phản đối ý kiến nào đó lo ngại là nếu không cấp thị thực cho hàng triệu thứ “hộ chiếu lưỡi bò” đó thì sẽ thiệt hại kinh tế. Việc phản đối này là hợp lý, song việc bàn tới điều này là … rất thừa và không thực tế. Lý do của việc “do dự” của ai đó (trong giới lãnh đạo VN) như ông DDD nêu, không phải vì mấy trăm triệu đô la như ông nghĩ. Ở tầm cỡ của ông, trong một bài viết quan trọng, cần gợi ý những lý do sâu xa từ giới chức lãnh đạo cao nhất của VN mới là đúng “tử huyệt”. Nếu có chuyện không cấp thị thực cho những tấm “hộ chiếu lưỡi bò”, thì việc này cũng không thể và không nên kéo dài chút nào. Ta vẫn có thể cấp thị thực rời cơ mà ?! Điều này liên quan tới ý không ổn tiếp …
… Thứ tư, ông DDD khuyên nên không cấp cả thị thực rời, nếu như ta phản đối mà họ vẫn sử dụng “hộ chiếu lưỡi bò”. Đây cũng là gợi ý một giải pháp, mềm dẻo hơn của ông DDD. Đó là tạm giữ tất cả các “hộ chiếu lưỡi bò”, rồi cấp thị thực rời. Khi xuất cảnh, nếu khách muốn lấy lại hộ chiếu thì phải trở lại đúng cửa khẩu khi vào. Trước hết, suy cho cùng trong việc này, người dân TQ không có lỗi, vậy hãy cố hết sức bảo đảm quyền lợi cho họ, cũng là một hình thức nói cho họ biết, chính quyền nước họ đã sai như thế nào. Đồng thời giải pháp này cũng hạn chế thiệt hại cho hai nước, lại vẫn bảo đảm giữ chủ quyền biển đảo của ta. Sau giải pháp đó, nếu phía TQ vẫn không hủy bỏ thứ “hộ chiếu lưỡi bò” đó, ta có thể áp dụng biện pháp rắn như ông DDD nêu.
Trở lại đánh giá về giải pháp và ý thức của giới chức VN quanh vụ việc này. Thứ nhất, tiếp thêm một biểu hiện đáng ngờ nữa, sau những gì đã nêu sáng qua. Đó là, phải chăng họ đã biết trước cuộc họp báo chiều 23/11/2012 nhiều ngày, nhưng ém nhẹm? Chỉ tới khi báo chí phương Tây đưa tin về tấm hộ chiếu đó, họ mới vội vàng “trao” công hàm, rồi mới trả lời trong họp báo?
Thứ hai, là những hành động của phía VN tại các cửa khẩu. Qua vài tin ngắn ngủi, thiếu rõ ràng trên báo, thấy ngay chuyện lạ là việc xử lý các “hộ chiếu lưỡi bò” đã xảy ra từ ngày nào, có phải chỉ từ 23/11 như báo đưa hay không? Nếu chỉ từ 23/11 thì liệu đã bỏ lọt, đóng dấu công nhận cho bao nhiêu ngàn, vạn tấm hộ chiếu tương tự? Hơn nữa, mới đề cập tới 2 cửa khẩu, mà đã có sự bất nhất trong xử lý. Ở Lào Cai thì “đóng dấu hủy” hộ chiếu và “đóng dấu thị thực vào giấy thông hành rời”. Còn ở Móng Cái thì “chỉ cấp thị thực rời”, nhưng lại không nói có hủy các “hộ chiếu lưỡi bò” hay không.
Hãy nhìn sang Ấn Độ mà xấu hổ và đáng ngờ cho giới chức trách nhiệm ở VN. Theo báo đưa tin, Ấn Độ đã tính trước từ khá lâu, đã in sẵn tấm visa rời có hình bản đồ nước này xác nhận chủ quyền lãnh thổ mà phía TQ vẫn tranh chấp. Phải chăng chính quyền VN không biết trước và đã không tính phương án đối phó tương tự như họ, hay là đã biết, đã bàn, nhưng rồi không thống nhất, cố tình để cho tình trạng lúng túng đến vậy? - Ấn Độ đáp trả việc Trung Quốc in bản đồ trên hộ chiếu (VOA). - Việt Nam và Ấn Độ chống lại hộ chiếu “áp đặt chủ quyền” của Trung Quốc (RFI).  - Đáp lại Trung Quốc, Ấn Độ in bản đồ lên thị thực (GD&TĐ).
Và, một tin tối qua không thể không điểm lại, để nói tới sự tương phản trong thái độ và hành động của giới cầm quyền, một bên là với người dân nước mình, một bên là với kẻ thù truyền kiếp của Dân tộc: Diễn tập trấn áp bạo loạn (VNE).  Trong khi lúng túng, mập mờ trước hành động xâm phạm chủ quyền vô cùng nghiêm trọng của ngoại bang bành trướng, thì họ lại rất bài bản, công phu và hiểm độc, từ nhiều năm qua tìm mọi cách lập lờ gắn hàng vạn cuộc khiếu kiện của người dân lành khốn khổ vì bị chính bộ máy tham nhũng của họ cướp đất với những hoạt động vũ trang khủng bố tàn bạo từng xảy ra trên thế giới, nhưng chưa bao giờ có và hầu như khó có thể xảy ra ở VN. Không thể nói hết mức độ nguy hiểm, tàn bạo với dân tới đâu khi gắn hai hiện tượng hoàn toàn khác, trái ngược nhau này lại làm một!

Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012

“Hộ chiếu lưỡi bò”: cơ hội hiếm có của Việt Nam


Bản đồ hình lưỡi bò mà Trung Quốc cho in trên hộ chiếu phổ thông của họ đang làm cho nhiều nước nổi giận không riêng gì Việt Nam. Thực chất của vấn đề này lợi hay hại đối với Việt Nam khi Hà Nội luôn theo đuổi chính sách kềm chế đối với Bắc Kinh?

Sáng ngày 22 tháng 11 cả hai nước Việt Nam và Philippines chừng như cùng lúc lên tiếng chính thức phản đổi Trung Quốc trước ý định in bản đồ hình lưỡi bò lên hộ chiếu của họ. Ông Lương Thanh Nghị người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho rằng việc làm này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông.

TS Nguyễn Duy Chiến, trưởng ban biên giới chính phủ cho biết nhận định của ông trước sự kiện này: “Quan điểm của tôi cũng giống với quan điểm phản đối của Bộ Ngoại giao. Rõ ràng như thế chứ không có gì phải nói thêm cả.”

Sự lo xa của Philippines

Trong khi đó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines ông Raul Hernandez khẳng định Manila không thể bỏ qua hành động này của Trung Quốc cũng như cho phép nước này tiếp tục lưu hành loại hộ chiếu in hình bản đồ xâm phạm chủ quyền của Philippines.

Chưa ngừng ở đó, sáng ngày 23 tháng 11 Đài Loan phát hiện tấm bản đồ này chồng lên hai địa danh nổi tiếng của họ là Nhật Nguyệt Đàm (Sun Moon Lake) và Thanh Thủy Đoạn Nhai (Cingshui Cliff). Tổng thống Mã Anh Cửu lập tức lên tiếng chống đối mạnh mẽ sự việc này. Cũng như Việt Nam và Philippines Đài Loan cho thấy không chịu đựng nỗi sự liều lĩnh đến độ trâng tráo của một nước mà chính họ có huyết thống.

Phản ứng của Philippines được xem là mạnh mẽ nhất khi ông Hernandez tuyên bố “Hộ chiếu sẽ được sử dụng bởi các công dân Trung Quốc và nếu Phi cho phép lưu hành chúng thì chẳng khác nào đã mặc nhiên công nhận chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở toàn bộ Biển Đông”.

Sự lo âu của Philippines có vẻ vượt quá xa hiện thực vì thông lệ ngoại giao quốc tế chưa bao giờ công nhận một tấm bản đồ in trên hộ chiếu lại xác nhận được chủ quyền của nước đó. Tấm bản đồ lưỡi bò của Trung Quốc chưa được ai công nhận thì lại càng vô giá trị hơn. Trong mưu toan này người ta chỉ có thể chấp nhận hình ảnh tấm bản đồ ấy như một vật trang trí không hơn không kém.

Sẽ không thể có tiền lệ

Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, một nhà ngoại giao kỳ cựu cho biết giá trị của tấm bản đồ in trên hộ chiếu là hoàn toàn không có tính pháp lý vì chưa có nước nào làm và chấp nhận như Trung Quốc đang làm: “Cái ý đồ của họ là làm mọi cách tuyên truyền ra thế giới để chứng minh các quần đảo ấy, các vùng biển ấy là của họ. Nó chỉ cốt chứng minh như thế thôi. Từ trước tới nay hộ chiếu của các nước đều không có ai in bản đồ của mình vào đó cả. Không biết thế nào mà Trung Quốc họ lại in cái bản đồ lưỡi bò vào đó? Nó chỉ có mục đích muốn truyền bá cái đó là của nó. Nhưng nó làm thế là đơn phương, vô lý. Mặc dầu nó làm như thế thì làm nhưng không ích gì vì các nước người ta không ai thừa nhận cả.”

Hành động tự phát của Trung Quốc chỉ có thể giải thích từ những sự kiện mà nước này từng làm và từng thất bại. Những diễn tiến liên tục trong thời gian gần đây cho thấy mỗi ngày ý đồ bành trướng của Bắc Kinh thêm lộ liễu hơn. Trung Quốc thèm khát Biển Đông đến độ bất chấp những giá trị phổ quát nhất trên trường ngoại giao quốc tế. Ít nhất hai lần Bắc Kinh mang tiền bạc làm sức ép trên bàn hội nghị ASEAN đối với nước chủ nhà Campuchia. Buộc Phnom Penh hai lần gây mất uy tín của ASEAN khi không đồng thuận được về vấn đề Biển Đông.

Hành động này không những bị báo chí Tây phương bình luận mà còn tác dụng ngược khi gián tiếp làm nảy sinh cuộc gặp gỡ giữa Philippines, Việt Nam, Malaysia, và Brunei vào ngày 12 thág 12 sắp tới trong khuôn khổ bàn thảo và tìm giải pháp cho vấn đề Biển Đông. Đây là một nỗi chua chát đối với Trung Quốc khi rõ ràng sự vận động của Bắc Kinh đối với Campuchia là vô ích.

Bốn nước ASEAN đang tự tìm cho mình hướng đi bất chấp sự chòng chành của các thành viên còn lại. Hội nghị bốn nước sắp tới tại Manila nói lên sự thật rằng Trung Quốc đã sai lầm khi đem binh thư của thời Chiến quốc ra áp dụng vào thế kỷ của vệ tinh và hàng không mẫu hạm.

Việc cho in bản đồ hình lưỡi bò lên hộ chiếu của người dân Trung Quốc là một canh bạc thấu cáy nguy hiểm. Sau những nỗ lực hù dọa, mua chuộc hay áp lực để chiếm bằng được biển Đông không thành công đã khiến Trung Quốc liều lĩnh làm một việc ngoài khả năng tiên liệu.

Phản ứng bất lợi thứ nhất đối với Trung Quốc là tạo nên tiếng nói chung của những nước bị đường lưỡi bò chồng lấn. Trước đây khi Trung Quốc có những hành động riêng rẽ ức hiếp các nước trong khu vực thì phản ứng của từng nước không giống nhau. Khi ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt bớ, tấn công hầu như không một nước nào lên tiếng cho dù chỉ là loan tin. Khi vụ bãi cạn Scaborough nổ ra giữa Philippines và Trung Quốc thì Việt Nam tỏ ra vô can không một lời bình luận, xem như việc tranh chấp là chuyện nhà của người khác.

Việt Nam hưởng lợi như thế nào?

Trước đây vấn đề Biển Đông được các tờ báo nổi tiếng Tây phương xem như chuyện địa phương thì ngay sau khi tin tức cho in tấm bản đồ lên hộ chiếu đã làm nhiều tờ báo nổi tiếng giật mình và đánh hơi thấy đây chính là đề tài nóng và hấp dẫn chỉ sau vấn đề Do Thái và Palestine.

Khi báo chí Tây phương nhập cuộc thì trái banh khó lòng còn nằm trong chân Trung Quốc.

Đối phó với tấm hộ chíếu bất thường của những du khách Trung Quốc khi họ vào Việt Nam là điều quá dễ dàng đối với chính quyền Hà Nội. Ngay trước bàn hải quan nơi du khách trình hộ chiếu, một tấm bảng lớn được viết với bốn thứ tiếng Việt, Anh, Pháp và Trung có nội dung: “Chào mừng các bạn đến với Việt Nam! Bạn có biết Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam hay không?”

Hai cách chứng minh chủ quyền nhưng khác nhau về trình độ. Tấm hộ chiếu chỉ tuyên truyền trong dân chúng của họ, còn cái bảng tuyên ngôn kia đang nói cho cả thế giới biết sự thật bất kể họ thuộc quốc tịch nào.

Còn một điều nữa quan trọng hơn rất nhiều, ngay cả khi Việt Nam không cần làm gì cả!

Đó là khi Trung Quốc đưa con bài hộ chiếu ra thì chính là lúc họ tự mình đánh thức giấc ngủ của nhân dân nhiều nước trong đó có Việt Nam.

Từ ngày mai trở đi khi du khách Trung Quốc đến Việt Nam trình hộ chiếu nhập cảnh, không biết người cán bộ hải quan ngồi xét hộ chiếu nghĩ gì khi đất nước của mình nằm trong tay người du khách xa lạ kia, và anh ta có cảm thấy mặc cảm tội lỗi đối với dân tộc, với tổ tiên của mình hay không khi tự tay anh đóng con dấu cho phép họ nhập cảnh?

Rồi khách sạn, nơi bán vé máy bay… những dịch vụ phải trình hộ chiếu… biết bao người Việt Nam nữa sẽ kể cho nhau nghe sự nhục nhã của họ khi sống trên một đất nước mà chủ quyền bị kẻ khác công khai tuyên bố. Thái độ thờ ơ lâu nay của người dân được đánh thức không lẽ là một thất bại đối với Việt Nam hay sao?

Phản ứng dây chuyền này sẽ làm chính phủ Việt Nam thức tỉnh trước một sự thật khó che đậy: lòng dân là sức mạnh của dân tộc. Nó lớn lao và thiêng liêng hơn bất cứ tình hữu nghị nào. Những kềm chế từ bấy lâu nay như chiếc bong bóng đầy hơi sẽ bị lòng dân đâm thủng khi tấm hộ chiếu mang hình lưỡi bò xuất hiện tại Việt Nam. Điều đó là chắc chắn.

Việt Nam có nên lấy làm làm mừng hay không khi cờ đang đến tay mình?

Theo  RFA