Trang

Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2012

"Hộ chiếu lưỡi bò" rất nguy hiểm nên không chỉ phản đối suông!


“Hộ chiếu lưỡi bò” của Trung Quốc mới đây được giới bình luận cho rằng là tận cùng của sự xảo quyệt và thủ đoạn thâm độc của Bắc Kinh trong việc thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông trước sau như một của nước này.

“Hộ chiếu lưỡi bò”có thể xem là một bước leo thang nghiêm trọng vì Trung Quốc đang cấp hàng triệu hộ chiếu mới có in hình đường lưỡi bò và có giá trị trong 10 năm. Khôi hài hơn khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc thản nhiên trả lới khi bị chất vấn: “Bản đồ trong hộ chiếu không nhằm vào bất cứ quốc gia nào. Và Trung Quốc sẵn sàng đối thoại với các nước có liên quan”.

Ai cũng biết “đường lưỡi bò” là sự áp đặt tùy tiện của Trung Quốc về yêu sách chủ quyền độc chiếm hầu như gần trọn Biển Đông vô căn cứ, vi phạm công pháp quốc tế về luật biển và xâm phạm chủ quyền lãnh hải của nhiều quốc gia trong vùng. Yêu sách “đường lưỡi bò” nay xuất hiện chính thức trong hộ chiếu Trung Quốc, một trong các văn bản hành chính chính thống của nhà nước này và có tác dụng lan tỏa ra khắp thế giới theo dấu chân của người Trung Quốc. Thế mà, Bộ Ngoại giao Trung Quốc có thể bình thản mà rằng  hộ chiếu lưỡi bò không nhắm tới quốc gia nào. Hơn nữa, không nhằm vào bất cứ quốc gia nào sao lại chuẩn bị tinh thần "sẵn sàng đối thoại với các nước có liên quan"?

Một học giả Trung Quốc thuộc Đại học Nhân dân ông Thời Ân Hoằng bình luận tuy hộ chiếu mới này có thể giúp “thể hiện chủ quyền, nhưng cũng có thể làm phức tạp hóa tình hình vốn đã nhiều vấn đề”. Rõ ràng là Bắc Kinh có nghĩ tới chuyện áp đặt chủ quyền theo "đường lưỡi bò" trên Biển Đông khi cho phát hành loại "hộ chiếu lưỡi bò" này.

Một nhà nghiên cứu Biển Đông của Việt Nam, ông Đinh Kim Phúc đã nhanh chóng đưa ra nhận định: “Nếu Trung Quốc quyết định in bản đồ hình lưỡi bò bao gồm hơn 80% diện tích Biển Đông thì đó là hành động cuối cùng làm thức tỉnh những ai còn ảo tưởng về sự phát triển hòa bình của Trung Quốc”. Bởi vì theo ông Phúc: “đây là một thách thức rất lớn đối với tất cả những ai quan tâm, những ai có tiếng nói, những ai có quyền lợi trong tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông”.

Nhật báo Anh Financial Times, cơ quan truyền thông đầu tiên lên tiếng về vụ việc này ngay từ hôm qua, 21/11 đã cho rằng các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc không thể nào hài lòng trước việc các viên chức ngoại giao và cửa khẩu của họ đều bị buộc phải mặc nhiên công nhận các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh, mỗi khi cấp visa hay đóng dấu xuất nhập cảnh trên hộ chiếu của một công dân Trung Quốc.

Báo Financial Times đã trích lời Tiến sĩ Nguyễn Quang A tại Hà Nội cho rằng : "Theo tôi, đây là một bước đi rất hiểm độc của Bắc Kinh trong số hàng ngàn các hành động thâm độc khác. Khi người Trung Quốc muốn thăm Việt Nam, chúng tôi buộc phải chấp nhận họ và đóng dấu hộ chiếu của họ”. Đối với Tiến sĩ Nguyễn Quang A, không chỉ là người Việt Nam, mà tất cả mọi người trên thế giới phải lên tiếng ngay bây giờ để phản đối hành động sai trái đó của Bắc Kinh.

Khi đưa tin về việc Việt Nam và Philippines đồng thời lên tiếng phản đối Trung Quốc về vụ này, hãng AFP vào hôm nay đã nêu bật tuyên bố đầy quan ngại của ông Raul Hernandez, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines : “Nếu để yên cho Trung Quốc làm như vậy, điều đó có nghĩa là chấp nhận các yêu sách của Trung Quốc trên toàn bộ vùng Biển Đông”.

Do vậy, phản đối “hộ chiếu lưỡi bò” của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở các tuyên bố ngoại giao mà cần phải có hành động cụ thể. Hành động trước tiên là không chấp nhận để cho hộ chiếu lưỡi bò được ngang nhiên lưu hành trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Cần có kế hoạch hành động kêu gọi các quốc gia có chủ quyền bị xâm phạm bởi “đường lưỡi bò” cùng với Việt Nam tẩy chay và vô hiệu hóa loại hộ chiếu này trên thực tế.

“Hộ chiếu lưỡi bò” là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh khó có thể nhượng bộ các nước láng giềng Đông Nam Á trên vấn đề Biển Đông. Điều đó càng thấy rõ hơn  trong bối cảnh mới đây, tại các Hội nghị Thượng đỉnh của khối ASEAN diễn ra ở Phnom Penh (Campuchia) – kết thúc hôm 20/11 vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo một lần nữa lại lớn tiếng khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông.


1 nhận xét:

  1. http://quocphong.baodatviet.vn/Home/QPCN/Viet-Nam-tu-choi-ho-chieu-luoi-bo-cua-Trung-Quoc/201211/244754.datviet

    Trả lờiXóa