Trang

Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

Tội ác đã mang khuôn mặt bình thường thì xã hội diệt vong!

Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống nhân ái, vẫn lấy câu “thương người như thể thương thân” làm điều răn muôn thuở. Nay vì sao những con người Việt Nam bỗng trở nên mất gốc mà tàn ác với nhau?

Đúng là “loạn”, nhưng “hạ tắc loạn” là bởi “thượng bất chính”... Thượng bất chính vì những “đạo đức vĩ mô” đều giả dối.


Hà Sĩ Phu


Cách đây vừa 7 tháng, trang boxitvn đăng bài Tại sao người ta hành xử tàn ác? của GS Y học Nguyễn Văn Tuấn, đề cập đến sự tàn ác của những người vẫn nhân danh điều thiện, trong đó nghịch lý này mới được minh hoạ bằng một hiện tượng là công an đánh đập tàn nhẫn những dân nghèo lương thiện ở Văn Giang.

Nay đạo diễn Song Chi lại phải đặt ra vấn đề này một cách toàn cục, cụ thể, và nhức nhối hơn nhiều, bởi thú tính đang lan tràn khắp nơi chốn trong dân, trong cả mỗi gia đình, len vào cả những quan hệ nhân ái đặc trưng nhất cho “tính Người” như cha con, vợ chồng, thầy trò, bằng hữu…, và điều nguy hiểm là cái ác đang được bình thường hóa và ngày càng “mang khuôn mặt bình thường”.

Một xã hội mà thú tính vô luân đang gây được “khoái cảm” để lan tràn, tất nhiên đòi hỏi các nhà trí thức nhiều chuyên ngành và tất cả những ai còn thấy đau lòng và có trách nhiệm phải vào cuộc để nghiên cứu, giải thích, tìm nguyên nhân để kiềm chế như kiềm chế một nạn dịch, không phải dịch chuột, dịch muỗi… mà là “dịch thú” , nạn dịch từ một loài thú vô hình đang gặm nhấm và thú hóa con người.

Với tư cách cá nhân tôi xin bày tỏ đôi điều cảm nghĩ và lý giải.

1/ Về tác hại: Tội ác xuất hiện một cách bất ngờ, phi lý, từ những con người vốn bình thường, ở những tình huống bình thường, vì những nguyên nhân “lãng xẹt” như vô cớ thì không ai có thể lường trước mà đề phòng, không thể nào tránh được. Tình hình ấy tạo nên một tâm lý tuyệt vọng, chịu thua, buông trôi, và bất cần, liều lĩnh! Đã tuyệt vọng và liều lĩnh vô cảm thì cái ác lại càng lan tràn, cứ thế các nhân tố kích thích lẫn nhau thành một nạn dịch khó lòng kìm hãm. Cái ác đã tuột khỏi tầm tay của xã hội, không có nhân ái để đối trọng thì sẽ mau chóng bành trướng vô hạn độ.

2/ Về nguyên nhân gốc rễ:

- Việc gì cũng phải có nguyên nhân, nếu rất nhiều việc xảy ra mà tưởng như “vô cớ” thì cái nguyên cớ ắt nằm ở đâu đó trong môi trường sống, tồn tại một cách bao trùm! Vậy “yếu tố bao trùm” ở đây là gì khiến cho “xã hội ngày càng nhiễu loạn” (như nhận định của chị Song Chi).

- Đúng là “loạn”, nhưng “hạ tắc loạn” là bởi “thượng bất chính”, bao giờ chẳng vậy. Công an đã đánh dân một cách đầy khoái cảm, như một “trận đánh tuyệt đẹp đáng viết thành sách” (blogger JB Nguyễn Hữu Vinh mô tả: đánh dân như chớp, đánh tàn bạo, đánh như đòn thù. Chắc ngày xưa đánh lính Mỹ các chú cũng không đánh được sướng như bây giờ) thì có khác gì khoái cảm của tên Trần Nhật Linh, sinh năm 1993 ở Quảng Bình đã điên cuồng đâm đến 95 nhát dao vào người bạn gái đang mang thai (chuyện này cũng đáng viết thành sách đấy nhỉ?).

Thượng bất chính vì những “đạo đức vĩ mô” đều giả dối, người yêu nước thì bị đạp vào mặt, bị “phục hồi nhân phẩm”, bị tù mọt gông, còn những kẻ đầu hàng giặc thì đeo “hàm nọ hàm kia” đi rao giảng về cách yêu nước! Kẻ cầm quyền gây bại hoại dân tộc, nuốt lời hứa thì đi giảng về “lòng tự trọng”. Thượng bất chính gây điều ác như thế (mà không bị trừng trị, không thể trừng trị) thì vô hiệu hoá tất cả những bài học đạo đức, làm cho thang giá trị bị lộn ngược.

- Nhưng những kẻ tai to mặt lớn gây điều tàn bạo vô nhân ấy chưa phải nhân tố tối thượng, đến lượt họ cũng chỉ là sản phẩm nằm dưới một “định hướng tối thượng” , tức cái lý thuyết đảo lộn luân thường, từng ngạo ngược tuyên bố “đoạn tuyệt một cách triệt để nhất với các giá trị truyền thống”(!).

Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống nhân ái, vẫn lấy câu “thương người như thể thương thân” làm điều răn muôn thuở. Nay vì sao những con người Việt Nam bỗng trở nên mất gốc mà tàn ác với nhau? Muốn trả lời xin hãy hỏi tiếp: Thế Chủ nghĩa nào đã quyết khẳng định sự tồn tại của mình bằng cách giết hại 100 triệu người trên thế giới này dưới chiêu bài “đấu tranh giai cấp”? Có phải chính cái chủ nghĩa mà những đại diện lớn của nó, như Stalin, Mao Trạch Đông - những tên giết người rùng rợn nhất trong lịch sử, đang ngồi trên đầu trên cổ dân tộc ta để giảng cái gọi là “đạo đức cách mạng”?

Về cái thời cuộc đảo ngược luân thường ấy dân gian có câu ca dao thú vị:

Trời làm một trận nhố nhăng
Ông hoá ra thằng, thằng hoá ra ông.

Các “Ông” bên trên chỉ đáng là “Thằng” thì Thượng bất chính là phải.

- Sự phá sản của Chủ nghĩa đã để lại khoảng trống nguy hiểm về lý tưởng và nhân sinh quan, cộng với những bức bối trong một xã hội xuống cấp toàn diện đã khiến cho lứa trẻ mất phương hướng. Tất cả là những stress, nếu kéo dài có thể gây chứng bệnh tâm thần, nhất là chứng Giải thể nhân cách (depersonalization) và Tri giác sai thực tại (derealization). “Người bệnh có cảm thấy thờ ơ, xa lạ với chính mình, họ có cảm giác như mình là một người máy, mất hết mọi tình cảm với người thân, không còn biết vui, buồn, hờn, giận. Người bệnh cảm thấy mình như không có thật, hoặc thấy như mình đang sống trong một giấc mơ hoặc trong một cuốn phim…”, “hoặc người bệnh cảm thấy mọi sự vật như không có thật, những người xung quanh như không có sự sống, họ như những hình người được làm bằng giấy” (mô tả theo http://bacsinoitru.vn/f70/148-trieu-chung-hoc-tam-than.html).

- Lại nữa, khi ĐCS đã tự nhận mình là lực lượng lãnh đạo trực tiếp - toàn diện và tuyệt đối, là nhân tố quyết định dẫn cả dân tộc “đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”, thì “kẻ thù” nào có thể bạo gan xen vào để lãnh giúp cái nhiệm về sự tàn ác đảo lộn luân thường này đây?

- Như vậy, nguyên nhân gốc rễ theo tôi thiết tưởng đã rõ. Chẳng tin, nếu cứ kiên trì yếu tố bao trùm là cái Chủ nghĩa, cái cơ chế độc hại này thì thử xem có luật pháp nào, có lời giáo huấn nào giải quyết được thảm trạng “thú tính lộng hành” hiện nay hay không? Vẫn biết, thách thức này quả thực không dễ dàng gì.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét