Trang

Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013

Người Việt chưa biết uống cà phê


Thật tình mà nói, người Việt mình đa số uống cà phê theo phong trào. Nực cười hơn nữa đó lại là phong trào uống cà phê … kì quặc.



Để nhận biết thế nào là một ly cà phê nguyên chất cách đơn giản nhất là bạn hãy mua cà phê hạt về, xay ra, pha và tự cảm nhận về nó.

Hiện nay, thực trạng đáng báo động về vệ sinh an toàn thực phẩm và lương tâm nghề nghiệp của một bộ phận giới kinh doanh - dùng mọi thủ đoạn để thu lợi, bất chấp sức khỏe, tính mạng của người dân để đạt được lợi nhuận đã gây ra biết bao bức xúc cho người tiêu dùng. Nó gây tổn hại đến sức khỏe, kinh tế của người tiêu dùng, khiến người tiêu dùng dần mất lòng tin vào chính sản phẩm của người Việt mình.


Đó là một thực tế vô cùng đáng buồn và là dấu hỏi lớn về trách nhiệm của các nhà quản lý. Rồi mai đây sức khỏe của chúng ta, của con cháu chúng ta sẽ như thế nào? Đạo đức, lương tâm xã hội sẽ đi về đâu???...

Trong khi chờ đợi câu trả lời từ các nhà quản lý thì chúng ta - trước hết phải tự cứu lấy mình. Hãy là những “nhà tiêu dùng thông thái” - trang bị cho mình thật nhiều kiến thức, dùng những sản phẩm sạch, an toàn để cứu lấy sức khỏe của chúng ta, của con cháu chúng ta.

Nhân loạt bài về cà phê của tác giả ThS Lê Tấn Lam Anh và Nguyễn Sỹ Hùng- Nguyễn Xuân Tiến, tôi - một người nghiền cà phê như bao người Việt khác- cũng xin mạn phép “đàm đạo” đôi chút về cà phê.

Trong khuôn khổ bài viết này tôi không mong muốn gì hơn ngoài việc chia sẻ giúp bạn đọc hiểu thêm về cà phê, có những kiến thức cơ bản về cà phê để có thể dùng được một sản phẩm cà phê sạch, an toàn. Tôi trình bày dưới cách hiểu của tôi có gì sai sót kính mong quý độc giả cùng góp ý và chia sẻ.



Phần I. Cơ bản về cà phê

1. Các loại cà phê


Có rất nhiều loại cà phê nhưng chỉ thuộc 2 nhóm chính là Arabica và Robusta. Các sàn giao dịch cà phê trên thế giới chủ yếu giao dịch 2 loại cà phê này.

Cà phê Arabica là loại cao cấp (giá thường cao gấp đôi giá Robusta). Sản lượng cà phê Arabica cũng rất lớn (trên 2/3 lượng cà phê giao dịch trên thế giới). Loại này chủ yếu được trồng ở Braxin.


Hạt Arabica hơi dài, to hơn hạt Robusta. Hai cạnh của hạt Arabica “sắc” hơn hạt Robusta. Cà phê Arabica có lượng cafein chỉ bằng 1 nửa Robusta. Arabica có hương thơm nhẹ nhàng, vị chua thanh. Loại này rất được phương Tây ưa chuộng (gu Tây).

Hạt Robusta nhỏ hơn Arabica, tròn hơn. Cà phê Robusta có hương thơm nồng, vị đắng gắt, đậm đà. Nước ta trồng chủ yếu loại này và nó phù hợp với “gu Việt”.

Vậy nên mới có chuyện người Tây sang Việt Nam rất khó uống được cà phê kiểu Việt Nam và ngược lại.

2. Văn hóa uống cà phê ở Việt Nam


Có một tin vui và một tin buồn khi nói đến cà phê ở nước ta:

Tin vui - Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 trên thế giới sau Braxin. (Rất đáng tự hào).


Tin buồn - người Việt mình chưa biết cách uống cà phê. Thật tình mà nói - người Việt mình đa số uống cà phê theo …phong trào. Nực cười hơn nữa đó lại là phong trào uống cà phê … kì quặc.

Tôi đã gặp rất nhiều người “sành điệu” về cà phê. Theo đó, cà phê “chuẩn” phải đen, càng đen càng tốt, hương thơm phải mạnh mẽ, nồng nàn. Uống cà phê đen (đen nóng hoặc đen đá) thì phải càng đắng càng tốt. Khi uống thì phải nhâm nhi, chẹp chẹp, để tận hưởng hết cái vị đắng ngắt của nó.

Để làm dân “sành điệu” về cà phê như vậy chắc ai cũng phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” mất. Rồi nước cà phê phải thật sánh, sền sệt. Uống nâu đá thì cà phê phải “bám đá”, “bám thìa”, “bám thành cốc”…

Chính vì nhu cầu “sành điệu” đó mà các nhà sản xuất cà phê đã cho ra đời các sản phẩm cà phê pha tạp lung tung nhằm thỏa mãn tối đa nhu cầu đó. Đó như là một quy luật cung - cầu của thị trường; có “cầu” ắt sẽ có “cung”. Người uống cần cà phê đen, đặc, sánh; người sản xuất càng pha và càng pha tạp họ lại càng có lợi nhuận.

Một quy luật cung - cầu mà đôi bên đều thỏa mãn như vậy thì chả có lý gì nó không tồn tại và phát triển cả. Chính cái quy luật cung - cầu quái gở đó đã đẩy văn hóa uống cà phê của người Việt phát triển đến mức…thảm họa.

Xin thưa, nếu bạn đã từng uống một cốc cà phê như vậy (hoặc gần như vậy) thì 100% thứ nước bạn uống chính là cà phê pha tạp. Nguy hiểm hơn nữa là những chất mà người ta pha vào lại là những chất vô cùng độc hại. Cụ thể, đó là chính là bắp rang, đậu nành rang cháy (tạo độ sánh); phẩm mầu (tạo mầu đen); hương liệu (tạo mùi thơm)… đó là những tác nhân gây ung thư.

Vậy thì một ly cà phê đúng nghĩa phải như thế nào?




Phần II. Cách nhận biết cà phê nguyên chất

Một cốc cà phê đúng nghĩa phải là một cốc cà phê nguyên chất; sạch. Cách nhận biết nó như sau:

a. Nhận biết ngay từ khi cà phê còn là hạt.

- Rất nhiều người khẳng định đã là cà phê hạt thì chắc chắn đó phải là nguyên chất rồi còn gì?
- Xin thưa: không hẳn là như vậy.
- Lý do?
- Vì trong quá trình rang có thể người ta đã cho vào một số chất phụ gia rồi. Ví dụ như phẩm mầu, bơ, caramen, dầu công nghiệp…

- Mục đích là để thỏa mãn nhu cầu uống cà phê “sành điệu” từ … tận gốc như đã nói ở trên.

- Cách nhận biết hạt cà phê nguyên chất:
+ Hạt cà phê nguyên chất phải là hạt cà phê rang mộc, không cho bất cứ phụ gia nào.

+ Hạt cà phê pha tạp sau khi rang sờ vào sẽ thấy có độ nhờn, dính (dấu hiệu của bơ, dầu ăn…) Mùi loại này thường thơm nồng (có lẫn mùi của bơ, caramen) khác với hạt cà phê nguyên chất sau khi rang sờ vào sẽ không thấy nhờn và dính, mùi thơm tự nhiên, dịu nhẹ.



b. Nhận biết khi hạt đã xay ra thành bột:

1. Với cùng một khối lượng thì thể tích của bột cà phê nguyên chất bao giờ cũng lớn hơn thể tích của bột hạt đậu nành hoặc bắp rang. Tức bột cà phê nguyên chất “nở” hơn bột đậu nành, bắp rang.


Ví dụ cụ thể: bạn cầm hai bịch cà phê có khối lượng bằng nhau lên. Bịch nào to hơn, nở hơn là bịch có chứa nhiều bột cà phê nguyên chất hơn.

2. Độ xốp của bột cà phê:
Bột cà phê nguyên chất rất nhẹ, có độ xốp , tơi và rời. Bột của hạt ngũ cốc thường dính lại, ít tơi hơn.


3. Màu của bột cà phê:
Bột cà phê nguyên chất có màu nâu, đồng đều chứ không có mầu đen thui như bột pha bắp rang, đậu nành rang cháy.


4. Mùi của bột cà phê:
Cà phê thực sự có mùi thơm rất tự nhiên, nhẹ nhàng mà tinh tế, đó là thứ mùi dễ chịu khác với mùi cà phê “hương liệu” gay gắt nồng nặc thô thiển của cà phê đểu.

c. Nhận biết khi pha.

Bột cà phê nguyên chất khi gặp nước sôi sẽ nở ra rất lớn. Khi rót nước đang sôi vào fin thì cà phê sẽ sủi bọt; khác với bột cà phê pha tạp - độ nở không lớn, thậm chí xẹp đi, bã cà phê pha tạp có độ dính cao.

d. Nhận biết nước cà phê sau khi pha.


Khi đang viết bài này cũng là lúc tôi đang nhâm nhi một ly cà phê. Thực sự cà phê nguyên chất và sạch có màu nâu cánh gián, khi cho đá vào sẽ có màu nâu hổ phách. Để ra ánh nắng, nhìn ly cà phê có màu nâu hổ phách trông rất đẹp.


Với mầu sắc đẹp như thế này tôi thật không hiểu nổi tại sao người Việt mình lại có thể uống được thứ nước đen sì, đặc quánh như vậy được. Nước cà phê nguyên chất chỉ sánh và đặc hơn nước lọc một chút, khác hoàn toàn với kiểu sền sệt của cà phê pha tạp. Đó là 1 đặc điểm vô cùng quan trọng của cà phê xịn.

Mùi của nước cà phê nguyên chất vẫn là mùi hương tự nhiên, quyến rũ, nồng nàn, nhẹ nhàng mà tinh tế. Khi nhấp tùng ngụm cà phê là lúc bạn sẽ cảm nhận rõ nhất về hương vị của nó. Hãy để cà phê tan đều trên lưỡi và nhấm nháp từng chút một cho đến những giọt cuối cùng. Uống cà phê xịn là phải trân trọng nó, quý nó đến từng giọt như thể đó là món quà vô giá mà trời đất ban tặng cho con người vậy.

Tôi khuyên bạn; để trực quan và thực tế hơn cách đơn giản nhất là bạn mua cà phê hạt về, xay ra; pha và tự cảm nhận hương vị của nó. Đó mới là cái thú uống cà phê.




Tùy từng loại cà phê và tỷ lệ phối trộn mà cà phê bạn uống sẽ có những phong vị khác nhau. Nếu bạn thích “gu Tây” hãy tăng tỷ lệ cà phê Arabica lên bạn sẽ có một ly cà phê thơm nhẹ, vị chua thanh. Còn nếu bạn theo “gu Việt” hãy tăng tỷ lệ Robusta, bạn sẽ có được 1 ly cà phê thơm nồng, đậm đà.

Lưu ý: Nếu chưa quen, cà phê nguyên chất có thể sẽ khiến bạn gặp đôi chút khó khăn trong những lần đầu; nhưng nếu đã quen rồi bạn sẽ khó lòng mà cưỡng lại được sức quyến rũ từ nó. Và khi đó bạn sẽ chính thức trở thành dân ‘nghiền cà phê”.

Với tôi, uống cà phê kiểu phin truyền thống với “tỷ lệ vàng” giữa Arabica và Robusta luôn mang lại những điều thú vị.

Qua bài viết này tôi hy vọng đã gửi đến các bạn những kiến thức cơ bản về cà phê để các bạn có thể tự nhận biết được đâu là cà phê sạch, nguyên chất và đâu là cà phê pha tạp.

Hy vọng ngành cà phê của Việt Nam sẽ phát triển hơn nữa.

Arro Nguyễn


Chàng trai bán cà phê dạo khiến dân mạng xôn xao


(Dân trí) - Trên chiếc xe đạp cà tàng và chiếc biển giới thiệu “Cà phê arabica Đà Lạt nguyên chất & rang mộc, 15.000đ/ly” rong ruổi trên phố cổ Hà Nội, chàng trai Nguyễn Duy Biểu đang khiến dân mạng xôn xao, đầy thích thú…

Những ngày qua, trên các trang mạng xã hội (đặc biệt là facebook), hình ảnh một chàng trai xương xẩu, da ngăm đen có tên Nguyễn Duy Biểu, rong ruổi trên phố cổ Hà Nội bằng chiếc xe đạp cà tàng với thùng xốp và biển rao hàng mới lạ: “Cà phê arabica Đà Lạt nguyên chất & rang mộc, 15.000 đ/ly” khiến nhiều bạn trẻ vô cùng thích thú.

Chia sẻ về công việc của mình, chàng trai sinh năm 1987 tại Lâm Đồng này cho biết muốn góp phần truyền bá thói quen uống cà phê arabica Việt (bên cạnh robusta) và đặc biệt là thói quen dùng cà phê nguyên chất trong lúc nhiều loại cà phê “rởm” pha trộn cả ngô, đỗ tương, hóa chất đang dần xâm lấn và làm hỏng khẩu vị người Việt.

Và ngay khi tâm sự và cách làm cà phê arabica “nguyên chất & rang mộc” của Duy Biểu được đưa lên mạng, hàng nghìn bạn trẻ đã rất đồng lòng, hưởng ứng sẵn sàng đón chờ ly cà phê “chuẩn” của chàng trai có ý tưởng ấn tượng này.
 
Duy Biểu trên chiếc xe đạp để bán cà phê nguyên chất & rang mộc.

Duy Biểu trên chiếc xe đạp để bán cà phê "nguyên chất & rang mộc". 
 
Chiếc xe đạp bán dạo, “thương hiệu” Acafe và facebook

Khởi đầu bán được 10- 20 ly cà phê mỗi ngày, đến nay, với mức độ nổi tiếng đủ để bán số lượng lớn hơn rất nhiều lần, Duy Biểu vẫn cần mẫn bắt đầu ngày “bán cà phê dạo” bằng việc thông báo lộ trình của mình trên facebook để người nào có nhu cầu thưởng thức có thể nắm được lịch.

Sau đó, trên chiếc xe đạp của mình, anh rong ruổi theo đúng những khu phố cổ đã thông báo. Và “thương hiệu” Acafe gắn phía sau thùng xốp đựng cà phê dần trở nên quen thuộc với các bạn trẻ, được đón nhận nhiệt tình đến nỗi “khổ chủ” đôi khi phải thông báo “cháy hàng”:

Xin thưa anh chị em! Quathong.. em (nickname Duy Biểu trên facebook) xin chia sẻ với anh chị một điều như sau ạ. Trước hết Quathongkho xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ của đông đảo anh chị em. Mặc dù đã chuẩn bị lượng cafe đủ để bán trong ngày nhưng nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của anh chị em, mình đã bán được hết trong buổi sáng dù trời đôi lúc có mưa.

Vậy Quathong… thành thật xin lỗi tới những khách hàng đã ủng hộ nhưng mình chưa được đáp ứng ạ. Quathongkho xin thông báo nghỉ buối chiều để có thêm thời gian chuẩn bị và cải thiện tình trạng quá tải như hôm nay 06/08 ạ. Xin cảm ơn anh chị em ạ!
 
Lịch trình hàng ngày được Biểu đưa lên facebook để ai muốn thưởng thức có thể liên lạc

Lịch trình hàng ngày được Biểu đưa lên facebook để ai muốn thưởng thức có thể liên lạc.
 
Thậm chí, nhiều bạn trẻ không thuộc cung đường mà Duy Biểu đi qua cũng cảm thấy tiếc nuối và mong muốn được một lần thử cà phê “nguyên chất & rang mộc”.

Mình ko hiểu nên ko có ý kiến về cách làm của cậu. Nhưng mình thật sự muốn thử cafe của cậu. Cậu có bán trong khu vực Ba Đình, đường Đội Cấn không, t7 CN mình muốn được thử, đi bộ lang thang ở đường Thanh Niên nhâm nhi cafe, cũng hay”, bạn Tran Tuan chia sẻ.

Sự ngưỡng mộ của cư dân mạng

Được coi là “hiện tượng” về ý tưởng bán hàng, Nguyễn Duy Biểu nhanh chóng nhận được sự ngưỡng mộ và nể phục từ nhiều bạn trẻ.

Nếu như không ít bạn trẻ quanh khu vực phố cổ Hà Nội được thưởng thức hương vị “nguyên chất và rang mộc” của cốc Acafe thì rất nhiều bạn trẻ khác đang nóng lòng chờ đợi sự xuất hiện của Duy Biểu tại địa phương mình.
 
Vô số những lời khen cảm phục, ngưỡng mộ gửi tới chàng trai có cách làm mới mẻ này.

Vô số những lời khen cảm phục, ngưỡng mộ gửi tới chàng trai có cách làm mới mẻ này.
 
Cố lên bạn, "có công mài sắt, có ngày nên kim..." Khi nào Acafe có mặt ở Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu hay TPHCM thì cho tụi mình biết với nhé...”, “Mình đang ở Đà Nẵng, hy vọng rằng trong một ngày gần nhất, mình sẽ được uống Acafe của bạn ngay tại vùng đất này. Chúc bạn sức khỏe và thành công”, “Hải Phòng chào đón Acafe”…là những thông điệp chờ đợi của cư dân mạng gửi tới Duy Biểu.

Và dĩ nhiên bên cạnh những lời chúc như “Hết sức độc đáo, mình cũng rất hay uống cafe mỗi ngày. Hy vọng có dịp thưởng thức Acafe của bạn, chúc thành công”, “Chào anh, em thật sự rất khoái cách làm của anh, phục anh ghê! Hi vọng sẽ có dịp được thưởng thức cafe sạch và thuần khiết của anh :) Chúc anh thành công ! Cố lên anh nhá!” hay “Chúc anh thành công, loại cafe anh làm không biết như thế nào nữa, muốn thử quá…Miền Nam nhớ anh”… thì không ít bạn còn tình nguyện hiến kể để Acafe thêm vững mạnh.

Giờ thì em có đủ cả 3 yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Biết bao nhiêu công ty, người có tiền thèm muốn sự "được nhiều người biết đến" như em mà không được. Bỏ lỡ cơ hội này là "rất đáng trách". Cuối tuần rảnh rỗi ko làm việc anh sẽ giúp em lên thử 1 plan để tận dụng cơ hội "trăm năm" này” hay gợi ý đăng ký thương hiệu nhanh khỏi bị “cướp, làm nhái” cũng như hợp tác kinh doanh, gợi ý nguồn cung cũng liên tiếp gửi tới chàng trai mà theo một cư dân mạng đánh giá “Ý tưởng của anh là tâm hồn và là văn hóa của người Việt. Thật sự em rất khâm phục anh. Em chúc anh thành công!”.
 
Hiện tại với chiếc xe đạp cà tàng, chàng trai sinh 1987 này mới chỉ hoạt động quanh phố cổ HN

Hiện tại với chiếc xe đạp cà tàng, chàng trai sinh 1987 này mới chỉ hoạt động quanh phố cổ HN

...và với mục tiêu giúp bạn trẻ Hà thành thưởng thức đúng loại cà phê chuẩn.
...và với mục tiêu giúp bạn trẻ Hà thành thưởng thức đúng loại cà phê "chuẩn".

Vũ Phong

2 nhận xét:

  1. Cảm ơn tác giả đã cho ta biết về kiến thức cafe của tác giả.
    Theo tiêu đề, chắc chỉ có mình tác giả biết uống cafe. Mà tác giả cũng là người VN nên cũng kg biết uống cafe (tam đoạn luận). Đừng đặt tiêu đề gây shock!

    Trả lờiXóa
  2. Hehe... tam đoạn luận của bạn thật là thú vị. Về cái tiêu đề thì bạn có lý. Cảm ơn đã góp ý.

    Trả lờiXóa