Trang

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Độc quyền vàng đi ngược kinh tế thị trường


2013-01-04
Từ giữa năm 2012 từ khi chính sách mới về việc nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất nhập khẩu nguyên liệu vàng và ấn định một thương hiệu độc quyền là SJC có hiệu lực, thị trường vàng Việt Nam rơi vào tình trạng bất ổn.
AFP photo
Vàng miếng SJC

Xem thường chênh lệch giá

Giá vàng miếng tăng cao thất thường và luôn cao hơn giá thế giới vài triệu đồng một lượng, một hiện tượng chưa từng xảy ra trong bất kỳ giai đoạn nào của đất nước. Cụ thể trong hai ngày 2 và 3 đầu năm 2013 giá vàng thế giới đều rẻ hơn giá trong nước 4,4 triệu đồng tới 4,5 triệu đồng một lượng. Nhận định về hiện tượng này, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương ở Hà Nội phát biểu:
“Hiện tượng giá vàng trong nước lên quá cao và chênh lệch quá lớn với giá vàng thế giới chứng tỏ cơ chế thị trường và sự liên thông giữa thị trường vàng trong nước và thị trường vàng thế giới chưa được bảo đảm và điều này có liên quan tới chính sách mà Việt Nam đang áp dụng. Trước đây ông Thống đốc Ngân hàng đã nói rằng chênh lệch giá không nên quá 400.000 đồng một lượng, bởi vì vàng nhập về cộng với tất cả mọi chi phí thì mức chênh lệch 400.000đ/lượng là bình thường. Thế nhưng hiện nay đã lên đến 4 triệu có lúc 5 triệu thì đấy là điều không bình thường.”

Vàng nhập về cộng với tất cả mọi chi phí thì mức chênh lệch 400.000đ/lượng là bình thường. Thế nhưng hiện nay đã lên đến 4 triệu có lúc 5 triệu thì đấy là điều không bình thường.
TS Lê Đăng Doanh
Theo Đất Việt Online ngày 27/12/2012 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nói với báo chí ở Hà Nội là, Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng không đặt vấn đề giá trong nước phải sát giá thế giới, mà chỉ đặt mục tiêu ổn định giá vàng để ổn định kinh tế vĩ mô. Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã gây ngạc nhiên lớn khi ông nói rằng, dù hôm nay giá vàng trong nước cao hơn thế giới 5 triệu đồng, nhưng cũng không gây ảnh hưởng gì đến kinh tế vĩ mô.
Chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh không xem thường hiện tượng chênh lệch giá quá lớn giữa giá vàng Việt Nam và Thế giới, ông nhấn mạnh:
“Theo qui luật khi có chênh lệch giá thì xuất hiện tình trạng buôn lậu, ông Nguyễn Văn Bình lúc còn là Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã viết trên tạp chí Cộng Sản một bài báo trong đó xác nhận  hàng năm có việc buôn lậu từ 20 tấn đến 40 tấn vàng, tức là một khối lượng ngoại tệ khá lớn đã được sử dụng để nhập lậu vàng và Hội đồng vàng thế giới cũng đã xác nhận việc này. Nhưng hiện nay giá chênh lệch này chắc chắn là một kích thích để cho việc buôn lậu vàng lại diễn ra. Nhưng ông Thống đốc Ngân hàng thì lại nói rằng không quan tâm đến việc xử lý chênh lệch giá này và đấy là câu hỏi mà có lẽ công luận muốn sắp tới đây có lời giải đáp từ phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.”
Nghị định 24 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành có hiệu lực từ ngày 25/5/2012 qui định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Việc phân phối kinh doanh vàng miếng phải hội đủ những điều kiện khắt khe và được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Sau đó Ngân hàng Nhà nước công bố chỉ còn một thương hiệu quốc gia vàng miếng là SJC, người dân sở hữu 5 thương hiệu vàng miếng khác ở Việt Nam có một thời gian chuyển tiếp để chuyển thương hiệu SJC. Báo Thanh Niên trích lời TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị Doanh nghiệp Đại học Ngân hàng TP.HCM nhận định: “Việc chuyển đổi các thương hiệu vàng sẽ gây tốn kém chi phí, công sức cho xã hội.” Vẫn theo Thanh Niên Online, chi phí ít nhất cho việc gia công lại hơn chục tấn vàng không phải nhãn hiệu SJC sẽ tốn kém ít nhất hàng chục tỉ đồng.
Trong cuộc phỏng vấn của Nam Nguyên ngày 3/1/2013 TS lê Đăng Doanh nhận định về vấn đề thương hiệu vàng độc quyền. Ông nói:
000_Hkg2834635-200.jpg
Một tiệm kinh doanh vàng ở VN. AFP photo
“Ông Thống đốc xác nhận sau khi dùng thương hiệu SJC, thì bây giờ sẽ biến thương hiệu SJC thành thương hiệu độc quyền của Ngân hàng Nhà nước, như vậy là một bước đi nữa để không tuân thủ theo nguyên tắc của kinh tế thị trường. Các chuyên gia ở trong nước trong đó có tôi đã đề nghị nên xây dựng một thị trường vàng, một sàn vàng có sự quản lý của Nhà nước và có luật lệ rõ ràng về vấn đề ký gởi, về vấn đề bảo lãnh, để bảo đảm cho người dân có vàng có thể mang đến đấy mua bán tạo sự liên thông giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Theo ước tính của Hội đồng vàng thì từ năm 1993 cho đến 2010 Việt Nam đã nhập 1.000 tấn vàng. Hiện nay còn tồn đọng trong dân từ 300 đến 500 tấn vàng tương đương một lượng ngoại tệ khá lớn, vì vậy huy động số vàng, số ngoại tệ này để kinh doanh, để tăng thêm vốn ngoại tệ của Nhà nước và tăng thêm năng lực đầu tư cũng như năng lực kinh doanh của các ngân hàng thì đấy là điều hết sức tốt.”

Xóa sổ 70% điểm giao dịch vàng

Từ ngày 10/1/2013 trên nguyên tắc khoảng 8 ngàn cửa hàng kinh doanh vàng miếng bị xóa sổ, thay vào đó chỉ còn 14 doanh nghiệp và 17 tổ chức tín dụng với 2.400 điểm giao dịch trên toàn quốc. Theo VnExpress, việc xóa sổ 70% điểm giao dịch vàng là một thay đổi rất lớn của thị trường vàng miếng, nên sẽ không thể tránh khỏi nhiều sự cố phát sinh và đòi hỏi nỗ lực không nhỏ của cơ quan quản lý trong việc điều tiết thị trường.

Các vị có chức có quyền nắm việc quản lý nhà nước về chính sách tiền tệ có thực sự có đủ kiến thức và kinh nghiệm quản lý một ngân hàng Trung ương hay không.
Bùi Kiến Thành
Cuối năm 2012 trên Thời báo Kinh tế Việt Nam, PGSTS Ngô Trí Long nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giá cả kêu gọi gấp rút sửa đổi nghị định 24 để loại bỏ những bất cập từ góc độ Nhà nước cho đến doanh nghiệp và người dân.
Theo ông Ngô Trí Long, Việt Nam đang quản lý thị trường vàng theo kiểu một mình một chợ, thiếu hội nhập và liên thông với thế giới. Cả trong quá khứ và hiện tại, trên thế giới chưa một ngân hàng trung ương nào có chính sách chỉ duy trì một thương hiệu vàng và độc quyền sản xuất vàng miếng. Việc quản lý này đã lẫn lộn giữa chức năng quản lý Nhà nước và kinh doanh.
Trong bài viết của mình, PGSTS Ngô Trí Long cho rằng cần trả lại việc sản xuất, kinh doanh vàng miếng cho doanh nghiệp, ngân hàng thương mại không nên đóng vai trò đầu mối kinh doanh vàng miếng mà chỉ nên triển khai các sản phẩm phái sinh. Nhà nước quản lý đầu vào là vàng nhập khẩu, vàng nguyên liệu thu mua trôi nổi trên thị trường bằng số lương vàng miếng sản xuất ra, theo báo cáo định kỳ của doanh nghiệp và báo cáo thuế. Thực hiện đăng ký kinh doanh vàng miếng theo Luật Doanh nghiệp, không cần phải có giấy phép con của Ngân hàng Nhà nước. Tạo sân chơi bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, phục vụ được đông đảo nhân dân từ thành phố đến nông thôn. PGSTS Ngô Trí Long quan niệm rằng không thể chống vàng hóa nền kinh tế bằng giải pháp hành chính mà là phải chuyển hướng từ giao dịch vàng miếng sang giao dịch các sản phẩm khác của vàng như chứng chỉ vàng, vàng tài khoản…trên một trung tâm giao dịch tập trung.
Nếu quan niệm thị trường vàng là một thành phần của thị trường tài chính tiền tệ, thì việc điều hành của Ngân hàng Nhà nước cực kỳ quan trọng. Tuy vậy ông Bùi Kiến Thành, một chuyên gia dày kinh nghiệm về tài chính hiện sống và làm việc tại Hà Nội, tỏ ra nghi ngờ khả năng hiểu biết kinh tế thị trường của các quan chức Việt Nam:
000_Hkg2834639-250.jpg
Tiệm vàng cũng là nơi mua bán, trao đổi ngoại tệ. AFP photo
“Tôi nghĩ vấn đề của Việt Nam là những người có trách nhiệm về chính sách tiền tệ liệu rằng có được thực sự đào tạo chuyên môn hay không. Các vị có chức có quyền nắm việc quản lý nhà nước về chính sách tiền tệ có thực sự có đủ kiến thức và kinh nghiệm quản lý một ngân hàng Trung ương hay không. Trên thế giới không ai làm như Việt Nam cả.”
Trong cuộc phỏng vấn của Nam Nguyên, TS Lê Đăng Doanh phân tích là từ năm 2007-2008 cho đến năm 2011 do lạm phát cao người dân đã giảm niềm tin vào đồng tiền Việt Nam và đã quay sang sử dụng vàng và ngoại tệ để cất giữ, để trao đổi và làm phương tin tiện thanh toán. Cho nên mặc nhiên trong nền kinh tế Việt Nam có ba đồng tiền song hành: tiền Đồng Việt Nam để trang trải và mua những hàng hóa bình thường và đồng đô la và vàng để mua những hàng hóa có giá trị cao hơn như nhà, ô tô…. TS lê Đăng Doanh tiếp lời:
“Tình trạng ấy dĩ nhiên đã hạn chế rất nhiều chính sách tiền tệ của Việt Nam. Vì vậy Ngân hàng Nhà nước có chủ trương theo tôi là cần thiết và đứng đắn, đó là loại bỏ vàng và ngoại tệ ra khỏi phương tiện thanh toán của Việt Nam. Tuy vậy vấn đề này phải được thực hiện bằng cách nâng cao niềm tin vào đồng tiền Việt Nam, chứ không nên chỉ đơn thuần áp dụng các biện pháp hành chính. Theo tiến độ sắp tới đây có thể có chừng 7.000 cửa hàng vàng đã được cho phép hoạt động sẽ bị đình chỉ và điều này sẽ gây ra những thiệt hại không nhỏ đối với những người đã đầu tư vào việc xin phép mở cửa hàng vàng mà nay sẽ phải đóng cửa. Theo tôi, đó cũng là điều cần phải xem xét và rút kinh nghiệm vì bất kỳ một sự thay đổi đột ngột nào trong chính sách cũng sẽ dẫn đến thiệt hại và làm giảm niềm tin của người dân.”
Theo TS Lê Đăng Doanh có những lý do để cho người dân nêu lên vấn đề quyền lợi nhóm trong áp đặt thương hiệu vàng độc quyền của Ngân hàng Nhà nước. Ai được lợi về việc độc quyền này, chắc chắn không phải là người dân, vậy câu hỏi đặt ra là các vấn đề như vậy nên đưa ra thảo luận, nên được xử lý và giải trình trong Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trong thời gian gần nhất, để có các giải pháp thích hợp đối với thị trường vàng tại Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét