Trang

Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Nguy cơ thoái hóa từ việc không dám nói

Bài báo lạ trên Tuần Việt Nam? Không thấy danh tánh của người được phỏng vấn. Không rõ TVN sơ suất hay cố tình "ẩn danh"? Tuy  nhiên, điều đáng quan tâm là nội dung bài báo rất thời sự và khá thẳng thắn.

Vì dụ như đoạn này: "Tôi nghĩ việc bỏ phiếu tín nhiệm không có gì là khó cả nếu đã quyết tâm làm. Bởi không làm thì cái sai, cái hỏng cứ kéo dài mãi thành hệ thống, đe dọa cả sự tồn vong của chế độ. Đây là cơ hội để thanh lọc bộ máy, đưa bộ máy Nhà nước trở về đúng nghĩa bộ máy phục vụ lợi ích của nhân dân, của dân tộc".



- Để đánh giá cho công tâm một cán bộ đòi hỏi nhìn nhận con người ấy trong cả một quá trình lâu dài và sâu sát. Vậy làm thế nào để các đại biểu có đầy đủ thông tin chân thực khách quan về các vị trí lãnh đạo chủ chốt, thưa ông?
Tôi nghĩ rằng một đại biểu Quốc hội mà bầu lên hoặc góp phiếu phê chuẩn một vị lãnh đạo nào đó mà không hiểu người ta, thì như vậy là một việc làm thiếu trách nhiệm. Một khi đã bỏ phiếu thì phải thường xuyên theo dõi những người mà mình giao cho trọng trách như vậy, họ đã làm những việc gì, làm như thế nào, phải được thường xuyên thông tin, nếu có những vấn đề gì chưa rõ thông tin thì yêu các cơ quan chức năng của Nhà nước cung cấp thông tin về hoạt động của những người đó.
Thứ nữa tôi nghĩ rằng nếu bỏ phiếu một việc cụ thể rất ngắn thì có thể nói khó, còn một chuỗi từ năm này qua năm khác mà không biết con người mình bầu ra như thế nào thì có thể nói rằng ông đại biểu Quốc hội này là ông "Nghị gật" rồi.
Dân người ta đang biết ông A, ông B là người như thế nào mà ông đại biểu Quốc hội là người đại biểu cho nhân dân lại không biết là vì sao? Vì trình độ giới hạn hay là vì không có ý chí, bản lĩnh để đánh giá những con người mà mình đã bầu ra?
- Ngoài nội dung lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo chủ chốt, Nghị quyết 35 cũng đề cập đến việc bãi miến các vị trí đạt "tín nhiệm thấp" hai năm liền hoặc bị 2/3 số đại biểu Quốc hội đánh giá "tín nhiệm thấp" nhưng không chịu từ chức. Theo ông, việc này có thực hiện được không khi mà không ít vị lãnh đạo từng thừa nhận rằng kỷ luật cán bộ vô cùng khó?
Lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm là hai cấp độ khác nhau. Lấy phiếu tín nhiệm tức là để thể hiện ý chí của dân đối với người được dân bầu ra, thông qua các đại biểu Quốc hội. Việc lấy phiếu tín nhiệm còn nhằm tăng cường sự giám sát của Quốc hội đối với các chức danh lãnh đạo do Quốc hội bầu.
Còn xử lý như thế nào đối với kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng cần thận trọng, khách quan. Nếu vị nào bị "tín nhiệm thấp" mà thấy còn có thể sữa chữa được thì nên trao cho họ cơ hội hoàn thiện mình. Còn đối với những ai phạm khuyết điểm một cách cố tình, thành hệ thống thì phải dứt khoát đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm.
Khuyết điểm do năng lực hạn chết thì còn có thể sửa chữa, tiến bộ được nhưng phẩm chất, tư cách đã hư hỏng thì không có cách gì sửa được nữa.
Tôi nghĩ việc bỏ phiếu tín nhiệm không có gì là khó cả nếu đã quyết tâm làm. Bởi không làm thì cái sai, cái hỏng cứ kéo dài mãi thành hệ thống, đe dọa cả sự tồn vong của chế độ. Đây là cơ hội để thanh lọc bộ máy, đưa bộ máy Nhà nước trở về đúng nghĩa bộ máy phục vụ lợi ích của nhân dân, của dân tộc.
Bởi vậy, tôi cho rằng, bầu được ra những đại biểu Quốc hội xứng đáng có ý nghĩa rất quan trọng. Nhiều người phàn nàn với tôi rằng sao nhiều đại biểu không dám phát biểu gì cả. Tôi trả lời rằng, người không có trình độ hoặc trình độ thấp nên ngại phát biểu thì có thể thông cảm được. Nhưng những người có trình độ mà không đủ dũng khí nói lên suy nghĩ của mình mới đáng lên án.
Nguy cơ thoái hóa chính trị, nguy cơ mất dân chủ cũng từ đó mà ra cả.
Lãnh đạo nhưng không áp đặt ý chí
- Lâu nay công tác cán bộ luôn được coi là việc của Đảng, việc Quốc hội thực thi lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm nên được nhìn nhận giải quyết trong mối quan hệ giữa Đảng và Quốc hội?
Lâu nay có những người hay nói rằng, Đảng đã nói rồi thì không bàn gì nữa cả. Nghĩ như vậy không chỉ tiêu cực mà còn sai lạc. Đảng lãnh đạo nhưng không có nghĩa rằng tất cả mọi việc từ đường lối, chính sách tới cán bộ Đảng đều quyết hết. Nếu thế thì không cần họp Quốc hội làm gì. Không biết nghe, không chấp nhận phản biện thì xã hội trở thành thụ động.
Liên quan đến công tác cán bộ, đúng là Đảng chịu trách nhiệm về công tác cán bộ. Nhưng những cán bộ nhà nước là do Đảng giới thiệu nhưng Quốc hội bầu ra, bởi vậy họ không chỉ chịu trách nhiệm trước Đảng mà quan trọng hơn là trước Quốc hội, trước nhân dân.
Do đó, việc Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm là một quyền chính đáng của Quốc hội và cần phải làm. Tôi nhớ hồi còn làm Đại biểu Quốc hội có xảy ra chuyện xem xét kỷ luật một vị lãnh đạo. Lúc đó Bộ Chính trị đề nghị không kỷ luật nhưng Quốc hội không đồng ý và vẫn bỏ phiếu bãi miễn nhân vật này.
- Suy rộng ra vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng nên được hiểu cho đúng tại thời điểm này?
Đảng lãnh đạo chứ đừng điều hành. Quyền lực điều hành thuộc về Nhà nước và quyền giám sát là của nhân dân, thực hiện thông qua Quốc hội. Còn nếu chỉ biết áp đặt ý chí của mình thì bộ máy Nhà nước và Quốc hội sẽ trở nên thụ động và khi đó sẽ rất nguy hiểm.
Hồi khóa VIII, không ít lần chúng tôi phải nói với nhau: Không bỏ phiếu thì không được mà bỏ phiếu thuận rồi thì về nhà ăn không ngon, ngủ không yên vì biết có điều gì không đúng. Tôn trọng quyền của Quốc hội, biết lắng nghe ý kiến của dân để hoàn thiện những chính sách của mình chỉ giúp cho Đảng nâng tầm lãnh đạo và được lòng dân.
Xin cảm ơn ông!
Tác giả: TRƯỜNG MINH (THỰC HIỆN)

1 nhận xét: