Trang

Thứ Hai, 1 tháng 7, 2013

Khi nào có "làn sóng mới" trong báo chí Việt?

Định danh, khẳng định của một cây bút không chỉ duy nhất đánh dấu bằng giải thưởng, mà phải được nhớ bởi độc giả, được bạn đọc tín nhiệm, đón tìm đọc.

VI THÙY LINH

"Làn sóng mới" chính là những người viết trẻ dồi dào bút lực và khát vọng cống hiến, khẳng định tài năng. Câu hỏi này không sợ "chậm thời sự", dù ngày Báo chí Việt Nam 21/6 đã qua một tuần. Báo chí là nhu cầu xã hội, công việc hàng ngày của những người làm báo, nên câu hỏi trên lúc nào cũng thời sự và... khó trả lời.
Không có "đinh", không thấy "đỉnh"
Đừng vội "mắng" người viết hỏi thừa, cũng chớ vội trả lời: Phóng viên (PV) trẻ rất đông, được gia tăng lực lượng mỗi năm, nhất là ở các thành phố lớn. Đến Cung văn hóa Việt Xô- Hà Nội dự lễ trao giải Báo chí Quốc gia lần thứ bẩy, tối 21/6, tôi buồn ngay ở đó và đến bây giờ. Ngày Báo chí VN, đỉnh điểm là cuộc trao giải, thành ngày hội của cả nghìn nhà báo tại chỗ và hàng vạn nhà báo toàn quốc, sao lại  nặng lòng lâu thế?
Hàng đoàn nhà báo xếp hàng tại lối đi bên phải khán phòng theo sắp xếp của nhà Đài, chờ lên nhận giải kịp thời vì truyền hình trực tiếp VTV1, giải C, giải B rồi giải A. Hàng đoàn tác giả, ken nhau đứng đầy sân khấu, ngồi bên dưới, không nhìn rõ, nhìn hết các gương mặt.
Lễ trao giải lần sáu có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đến dự và lần bẩy có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, biểu lộ rõ sự quan tâm, kỳ vọng của các vị lãnh đạo cao cấp với nền báo chí đương đại. Giải Báo chí QG lần bẩy có 78 tác phẩm thuộc 11 loại giải được trao: Năm giải A, 28 giải B, 45 giải khuyến khích. Lần đầu tiên, giải Báo chí QG có tới năm giải A!
"Toàn cảnh" danh sách tác giả, chủ yếu là loạt bài của nhóm tác giả hoặc một tác phẩm của "chùm" tên PV. Không có "đinh", không thấy "đỉnh", không tác giả trẻ nào đáng chú ý - lột tả một giải thưởng Báo chí QG như thế là buồn xa xót cho nghề. Như có nhiều đồng ca hợp xướng mà không ai solo, lĩnh xướng. Lắm giải A mà vắng "sao", thật đáng tiếc.
Trao đổi với nhà báo Hà Minh Huệ - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN, kiêm Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng giải Báo chí QG 2013, ông cho biết:
Chúng tôi mong muốn và luôn nỗ lực tìm kiếm những cây bút nổi bật chứ không phải xu hướng chấm giải năm nay là theo nhóm tác giả. Ngặt nỗi tác phẩm đưa lên từ các chi hội cơ sở toàn là loạt bài. Các hội đồng chỉ có thể chấm trong số những bài được đưa lên, tức là đánh giá theo phong trào, tìm tác phẩm khá nhất trong số đã có, chứ không phải là những tác phẩm xuất sắc nhất của Báo chí VN năm quaĐúng là quá thiếu những cây bút trẻ tài năng, đam mê,thể hiện qua những tác phẩm gây dư luận xã hội.
Tôi đã hỏi những nhà báo uy tín: Ai là cây bút nổi bật giải Báo chí QG 2013? Không ai có câu trả lời. Bất cứ cuộc thi nào, ở lĩnh vực nào, dù "đãi cát tìm vàng" hay "bó đũa chọn cột cờ", đều nhằm tìm ra người nổi bật nhất để tôn vinh.
Giải báo chí quốc gia, nhà báo, dấn thân,
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao giải cho các tác giả đoạt giải cao trong giải báo chí quốc gia lần 7. Ảnh: Nghebao.org
Giọng hát, sắc đẹp, thành tích kỷ lục thể thao hay sáng tạo các loại hình nghệ thuật đều chọn tác phẩm, chính là tôn vinh tài năng tác giả. Giải Báo chí QG 2013 là cái cớ để những người tâm huyết với nghề báo suy nghiệm về đội ngũ những bây bút trẻ hôm nay, thế hệ 8X, 9X. Báo chí là lĩnh vực tiếp xúc trực tiếp từng phút từng giờ với xã hội, là loại hình nhạy cảm, nhạy bén nhất.
Tính tương tác phản biện giữa xã hội và báo chí là trục xuyên suốt của nhu cầu thông tin và xây dựng đất nước. Mà vận hành vũ bão của truyền thông có tác động, thay đổi, góp phần xây dựng nền kinh tế, mọi mặt của đời sống xã hội và chính nó.
Như thế, ở thời đại nào, báo chí cũng đều giữ vai trò xung kích... Làm báo vất vả, vắt sức tận lực, lăn lộn vào những  "mảng nóng" vùng sâu xa, các bài điều tra gai góc hay phóng sự gây chấn động, buộc người viết phải quyết liệt, xả thân.
Đòi hỏi tiên quyết và căn bản nhất của báo chí là sự thật, và sự thật được tìm hiểu, đưa đến bạn đọc nhanh, hay, ấn tượng, không chỉ cần lòng nhiệt tình, mà còn là sự tìm tòi, tâm huyết và tài của PV. Những cây bút cự phách của làng báo trong mọi thể loại, hầu hết thuộc báo viết, báo in, nay đã lớn tuổi. Thế hệ kế tiếp đâu? Trao giải  cho loạt bài hay nhóm tác giả, không phải là xu thế của giải Báo chí QG. Hay xu hướng bây giờ là "ê - kíp", hoạt động theo nhóm?
Nếu báo hình luôn đòi hỏi người thực hiện là nhóm PV (cần quay phim, biên tập và kỹ thuật, dựng băng), thì báo viết là khu vực dễ nhận ra tài năng thực sự của người viết - chủ thể chịu trách nhiệm tác phẩm rõ nhất, vì hoạt động tương đối độc lập.
Loạt bài, nhóm tác giả theo xu hướng "công trình tập thể" là hiện thực "trống vắng" cây bút có tài, dám đương đầu, nhất là với thế hệ 7X, 8X, 9X - lực lượng sung sức nhất của làng báo VN. Vẫn biết, sức trẻ còn do tâm lý, tư duy, song tuổi tác quyết định khá lớn đến phạm vi tác nghiệp của nhà báo, dù có những cây bút lớn tuổi mà tâm hồn vẫn trẻ, song lực bất tòng tâm, không đủ sức đi xa, vất vả.
Mảng phóng sự báo in, tôi tìm sau Đỗ Doãn Hoàng (sinh năm 1976, báo Lao động), PV "máu nghề" có Nguyễn Hữu Phùng Nguyên (báo Tiền phong), Trần Việt Dũng, Võ Văn Thành (báo Tuổi trẻ) chịu đi. Còn ai nữa tên tuổi? Tìm tiếp những cây bút trẻ có năng lực viết phóng sự - đội quân "tiên phong" của đội ngũ làm báo sao ít thế!
Sự thực cần báo động
Học viện Báo chí - Tuyên truyền, lò đào tạo lớn nhất nước, mỗi năm cho ra trường 200 cử nhân báo chí hệ chính quy. Lúc cần điểm danh, dồn mấy khóa, lại chẳng quá được một tá nhân tài?! Nhà báo, chức danh "tĩnh", gọi là "phóng viên", tính năng động cao hơn. Đội hình PV trẻ hôm nay không dễ tìm người "máu nghề", xả thân, chưa nói "hết mình" tận lực?
Không dễ điểm tên những "cây viết" của các thể loại. Có người viết được nhiều thể loại, có người viết mãi vẫn không ra hồn một... loại nào. Vì ít yêu nghề, hay ngày ngày nặng mưu sinh cơm áo, tham vọng trước mắt làm họ chai mòn, nhát gan, lười biếng?
Dám trả giá là sự đầu tư cho một sự nghiệp lâu bền: Từ thức đêm, chịu khó, trăn trở nghề đến những đối mặt nguy hiểm khi tác nghiệp. Không thể gọi PV xào xáo thông tin từ Facebook, cop nhặt trên mạng thành bài đều đều không biết ngượng là "phóng viên salon", gọi thế quá sang cho kẻ thiếu đạo đức nghề.
Tôi cũng không thấy việc những bài báo, PV tâm huyết viết cho báo in, báo in đưa lên Web của chính mình, rồi bị các báo điện tử, các trang mạng xã hội lấy lại, cắt xén, thay đổi tít bài hay để nguyên mà bỏ tác giả, nghiễm nhiên không xin phép báo gốc và không trả nhuận bút tác quyền, là biểu hiện của sự "phát triển tin học"!
Số lượng "bồi bút" háo danh, chụp giật ngày càng tăng. Họ săn rình, hóng hớt, cắt xén thông tin, "đạo văn" ngang nhiên như cơm bữa. Đừng đổ hết tội cho đám ca sĩ, người mẫu tự phong là dễ dãi, rẻ tiền, khi có sự phối hợp, đón lõng của cả hai bên cùng có lợi: Sự hợp  tác của PV "lá cải" với một bộ phận của giới showbiz là phối hợp "ăn ý". Một bộ phận PV làm việc kiểu "ăn xổi", "hớt váng" như thế mà không bị xử lý.
Sự "hot" từ chuỗi tin đồn, tít giật gân, những câu chuyện, phát ngôn gây sốc bị đổ đồng là "nổi tiếng", khiến từ này trở nên mất giá trị. Ngày càng thiếu hiếm những bài báo gây xúc động, hiệu ứng xã hội, góp phần thay đổi những số phận khốn khổ, nhỏ nhoi, những tác phẩm đấu tranh vì lẽ phải, công bằng! Vì đâu?
Chế độ đãi ngộ ít, nhuận bút chưa tương xứng hay vì không có lửa nghề, không chịu cực nhọc, hy sinh mà ngay những bài viết về đề tài đô thị, làm ngay tại thành phố, các PV cũng biếng nhác từ việc thẩm định thông tin, tìm hiểu nhân vật đến kiếm các chi tiết độc đáo, chọn cách thể hiện mới? Tính sáng tạo, dấn thân, dự báo là những đòi hỏi xa xỉ?
Không đem đòi hỏi của lý thuyết báo chí và kỳ vọng của xã hội, của các vị lãnh đạo cao cấp đặt vào lực lượng làm báo để phán quyết tổng thể, nhưng sự thực cần báo động là nền báo chí đương đại hiện nay, với 1,7 vạn nhà báo có thẻ hành nghề của Bộ Thông tin Truyền thông, 1,9 vạn nhà báo có thẻ hội viên Hội Nhà báo VN, thiếu vắng nghiêm trọng  "làn sóng mới" những người viết say nghề, hăng hái lao động?
Định danh, khẳng định của một cây bút không chỉ duy nhất đánh dấu bằng giải thưởng, mà phải được nhớ bởi độc giả, được bạn đọc tín nhiệm, đón tìm đọc.
Tôi, một cây viết thế hệ 8X, vẫn hy vọng về lửa nghề và tâm huyết của thế hệ đồng lứa lẫn sau mình. Không ít em thi vào trường báo để "khớp lệnh" cha, mẹ truyền con nối, khi chẳng có năng khiếu gì, do không thi vào đó cũng không biết thi trường nào cho đỗ. Thi vào để ra trường còn có người nhà nâng đỡ, xin việc làm. Mục đích cơm áo thực dụng ấy là sự thật, hơn là vì năng khiếu, đam mê. Quá mức "xa thực tế", xa xỉ ư, khi đợi chờ lý tưởng nghề ở đội ngũ những người viết báo rất đông mà vẫn thấy thiếu trên một đất nước dân số trẻ đang phát triển?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét